M À I    S Ắ T

 

 

Chào các bạn nhá! Khi cầm đọc cuốn này của bộ truyện  ” PHÍA  NGOÀI CỔNG “ là các bạn bắt đầu làm quen với ngữ cảnh và các nhân vật, sẽ làm bạn tò mò về những nét bất ngờ ngộ nghĩnh của lứa tuổi học trò, quen với những khả năng, tính cách hay ho và cả không hay ho của những người trong chuyện. Tuy có vài nhân vật đã đuợc kể tới ở các cuốn truyện khác như “Mèn và Trũi”… nhưng sẽ có những lời sơ lược để các bạn hiểu đuợc đám ấy ngay, nên giả dụ chưa mua hoặc chưa có thời gian để đọc các cuốn truyện nói trên cũng không sao. Sẽ không phải là cuốn truyện hấp dẫn khi một bây-bi (nghĩa là đứa bé con, bạn nào chả biết từ tiếng Anh đơn giản này),

hay con Cun con Tô nhà bạn làm hỏng một vài trang đã khiến bạn không hiểu, hoặc mất hứng thú khi đọc những trang tiếp theo. Phong cách viết truyện thời hiện đại là phải như vậy, đúng không?

Chương 1

LINH CẢM

 

Đúng là người ta có linh cảm đấy. Mà khả năng linh cảm của trẻ con lớn hơn ở ngừơì lớn cơ. Ở cái tuổi còn đuợc các bà Mụ che cho chiếc ô bảo hộ, chúng nhìn thấy nhiều điều cả trong quá khứ lẫn tuơng lai. Khi lớn lên khả năng này cứ giảm đi dần dần rồi mất hẳn, ngoại trừ một vài truờng hợp đặc biệt, tất nhiên là vậy. Nhưng nhiu khi nó chuyển thành những  giấc mơ.

Nhiều điều em chỉ thấy

Trong mơ hoa mà thôi

Để rồi khi tỉnh lại

Cứ bổi hổi, bồi hồi.

Để em nhỏ mãi thôi

Bà Mụ ơi bà Mụ!

Khi làm người lớn rồi

Chẳng còn đêm mơ cũ…

Cu Thăng hiếm khi suy nghĩ về mình, đúng hơn là chả bao giờ nghĩ về bản thân mình đuợc lâu lâu, chỉ thấy mẹ nói rằng nó là đứa hiếu động, nhớ nhanh và nhớ dai những cái gì mà cậu chàng thấy hay hay, thích bắt chước người ta nói những câu là lạ, mới chỉ hiểu lơ mơ. Trí tưởng tuợng thì cũng có nhưng thường hay lạc sang chuyện tưởng.. bở, như ngửi thấy mùi thắng kẹo đắng lúc đi học về, lại chạy ào vào bếp kêu” A, hôm nay mẹ nấu chè đậu xanh thơm quá!!” Có lúc cu cậu còn ra vẻ cụ non đưa ra nhận xét này nọ.

Ví dụ như chuyện mẹ nó xuống chợ Hàng mua về một con cún con lông trắng, xen vài đốm đen với vàng khá ngộ nghĩnh, ai cũng thích. Mẹ bảo “giao cho thằng Thăng dạy nó, nếu nó ị ra nhà thì thày giáo dọn hộ nhá!” Không ngờ đó lại là phán quyết chính thức của cả nhà, vì từ đấy hễ thấy có cái gì nghi hoặc là “tác phẩm triển lãm” của cậu Cun này, lập tức anh nó bịt mũi kêu lên “Thăng đâu, học trò mày có vấn đề rồi!” Tất nhiên sau đó chính là nó phải tay hót rác, tay que cời để giải quyết hậu quả.

“Trông thày chó kìa, hệt như ông Tun, nhân viên của công ty “Vệ sinh… thùng đô thị” – đó là câu mà bình luận viên Thiên, anh nó, đưa ra. Nhưng nếu nó lờ đi thì tác phẩm còn đuợc triển lãm dài dài, mà cuối cùng cũng lại “trò bậy, thày dọn” khi chiếc roi mây của bố đã rời vị trí quen thuộc, xuống tư thế sẵn sàng. Đó là lý do thêm vào việc nó không mấy thích ông anh của mình, dẫu đó đúng là “đồng bào” theo như tích bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, chỉ khác là nó “mổ vỏ chui ra” muộn hơn anh Thiên nó năm năm mà thôi.

Năm nay Thăng ta vừa lên lớp sáu, sắp sửa đến lễ kỷ niệm lần thứ mười ngày …thành lập nó, nghĩa là chuẩn bị vào tuổi mười một. Tuy nhiên cũng có kha khá vấn đề thằng bé đã đúc kết đuợc, chính nó đã ra vẻ cụ non đưa ra nhận xét về chuyện làm thày dạy chó như sau: “Muốn dạy con Cun nhà mình thì chỉ nói với nó không thôi là chưa đủ đâu nhá, phải có những bài tập cụ thể, mà phải lặp đi lặp lại nhiều lần cơ…”

Của đáng tội, không phải cứ chăm dọn phân cho chó mà đúc kết đuợc điều ấy đâu. Sau nhiều lần tức tối – với con Cun thì ít mà với anh Thiên nó thì nhiều – cu cậu chợt nghĩ đến chú công an mới mua căn nhà ở cùng xóm. Chả là cách nhà nó mấy gian có anh cu Toan”nghiện” – bọn trẻ con đặt biệt danh cho cậu chàng mười bốn tuổi này như vậy không phải vì nó nghiện thật mà vì nó cao và gầy, mắt lé, môi thâm thâm trông rất “đểu” và hay dở ngón ma lanh ma bùn khi chơi các trò ăn thua với chúng. Một hôm Toan “nghiện” bảo với Thăng rằng “cái lão mới dọn về xóm này cà chớn lắm nhé, ngó ngoáy gì gần nhà lão là lão xuỵt chó ra ngay. Nghe nói hắn làm cảnh khiển đấy”.

Thăng ta chẳng hiểu cảnh khiển là làm nghề gì, đem hỏi bác Khóa Buồn mới biết rằng chú ấy là công an, làm ở trại cảnh khuyển.  “Cảnh khuyển là chó cảnh sát hiểu chưa, chuyên đi đánh hơi tìm vết tội phạm ấy mà, phải dạy ghê lắm đấy. Mà hắn ta dạy cảnh khuyển chứ không phải làm cảnh khiển đâu. Mũi hắn thì chỉ giỏi đánh hơi váy vợ, chứ tinh sao đuợc như mũi chó mà mày bảo hắn làm cảnh khuyển!“- Nguyên văn câu giải thích của bác Khóa Buồn – Mà Vui Tính là như vậy.

Còn một câu nữa mà bác Khóa Buồn này cũng hay nói: “Thật là oan gia đuờng hẹp!“, có nghĩa là đã có duyên có nợ với nhau thì tránh đi đâu rồi cũng chạm trán. Bác thợ khóa hay dùng trong  truờng hợp tình cờ gặp mặt tay nào đó còn nợ bác ta món gì lâu lâu rồi, mà cứ tránh mặt không trả. Cũng dùng trong cả truờng hợp đến ngày phải trả tiền ruợu cho bà Mại Đủ Thứ (mỗi ngày một chén tống), nhưng đúng hôm cuối tháng kiết tiền, đã phải tránh mặt bằng cách xách hòm đồ nghề đi dạo các phố, lại đâm quàng ngay vào bà ta ở chỗ nào đó!

Cu Thăng thì đang thắc mắc về chuyện các chú công an dạy chó như thế nào mà chúng “quái chiêu” như vậy, thì một buổi sáng dẫn học trò đi “dã ngoại”, con Cun nhà nó chợt đứng sững lại truớc một con béc-giê. Trông cảnh tuợng giống như  Đa-vít đứng truớc khổng lồ Gô-li-at của cuốn truyện tranh đã rách bìa của nó. Đằng sau hai thành phần “gâu” là hai thành phần chủ, về tỷ lệ cũng đồng dạng phối cảnh hệt như trên. Chính là chú ấy đấy – chú cảnh khiển, à không, chú công an dạy lũ cảnh khuyển!

Tuy vậy chú công an hóa ra chẳng “cà chớn” tí nào như lời của Toan “nghiện” nói. Chú ấy nháy mắt với nó rồi hỏi:

– Còn tè ị trong nhà không?

Câu hỏi khá đột ngột, khiến ban đầu Thăng ta nghĩ là chú ấy hỏi về… nó. Nhưng ngay đó cậu chàng hiểu rằng chú ấy hỏi về  học trò của mình cơ. Thế nên nó đỏ mặt đáp:

– Hãy còn chú ạ – nghĩ một tẹo cu cậu lại vớt vát – chỉ khoảng hai ba lần một tuần thôi mà…

– Muốn dạy chó thì chú mày phải nhớ mấy nguyên tắc như thế này nhé. Một là giống chó có thói quen đái tí một, tí một vào những chỗ mà nó đi qua, nhất là nơi nó ít hoặc chưa từng đến. Có hiểu tại sao chúng lại như thế không? Đó là cách đánh dấu để khỏi quên đuờng lúc quay về, cũng là để nhận phần lãnh thổ. “Nơi đây ông đã tè vào rồi, đừng đứa nào léo hánh đễn nhận phần nữa nhá!”- Chúng muốn gửi thông điệp như vậy tới các con vật khác, mà đó là thói quen di truyền từ ngày xửa ngày xưa, khi tổ tiên bọn chúng còn là những con chó hoang ở trong rừng. Có nhớ đuợc không cậu cả? – Chú công an chợt hỏi nó như thế – Hay hôm nào qua nhà tớ, đem giấy bút mà ghi chép cho cẩn thận vào.

– Có ạ, cháu nhớ rồi. Chó hay đái vào tuờng hay gốc cây là để đánh đấu đuờng đi và nhận phần đất ạ –  Thăng ta vội vàng đáp như vậy.

– Khá, khá đấy. Không đến nỗi đầu bò như cái thằng Toan. Tớ mấy lần nhắc nó rằng nếu nghịch gì quanh nhà mà con béc- giê nhà tớ chạy ra thì cứ đứng yên. Nó sẽ từ từ quay vào. Nếu chạy đi hay có hành vi khiêu khích, thì nó lập tức thụi mõm vào đít cho ngã sấp mặt xuống đất ngay, chưa cần phải thử răng đâu. Nhưng  mà mấy lần rồi, tớ đều phải can thiệp! – Chú ấy chép  miệng.

Sau đấy chú công an còn nói thêm cho thằng bé về cách luyện thói quen cho chó ị đúng chỗ và đúng giờ giấc ra sao. Nói chung là thời gian đầu phải hết sức quan tâm đến con chó của mình, duy trì thói quen cho nó, sau đó mới tùy từng con để chọn xem nên dạy thêm bài học gì nữa. “Không phải con chó nào cũng có thể làm cảnh khuyển hay diễn xiếc, cũng như trong lớp cháu ấy, không phải đứa nào cũng nhá đuợc món Toán cả đâu nhá” – Chú ấy bảo thế, nghe ra đúng quá rồi còn gì.

Đấy là việc của năm ngoái, năm kia. Nhờ thế mà cu cậu nói năng ra vẻ thày…dạy cún ra phết.

Nhưng có những chuyện Thăng ta chẳng biết kể với ai. Đó là về một vài giấc mơ của nó. Liệu có ai không nằm mơ không nhỉ? – Đôi lúc Thăng ta tự hỏi như vậy – Người chết chắc không còn nằm mơ nữa, nhưng còn người ngủ “như chết” thì sao?  May quá, chính nó đã có dịp biết đuợc điều ấy, sau lần  mấy đứa phải đến dọn vệ sinh và giúp việc cắt dán khẩu hiệu ở phòng Hội đồng nhà truờng, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ngày “Nhà giáo Việt Nam” vào hôm sau. Có mỗi một cô giáo với ít học trò nên ông gác truờng trực tối hôm đó khóa cổng lại, đưa hai ba cái xe đạp vào hành lang rồi nằm khò ở chiếc ghế băng. Truớc khi khò ông già còn nghiêm nghị vẫy cu Thăng đang cầm chiếc chổi đứng ở cửa phòng lại và bảo:

– Hễ có ai gọi cổng hoặc có người lạ bén mảng quanh đây thì ới tao dậy nhá. Để tao thiu thiu một tẹo. Hôm qua phải trực thay người ốm, chong mắt hai ca liền nên giờ  mệt quá.

Cu Thăng gật đầu tắp lự, vì thỉnh thoảng nó cũng nhấm nháy với ông ấy trong việc xin lách cổng ra ngoài tí tẹo. Thằng bé chỉ chạy ra ngoài tí tẹo thôi thật, rồi phải chạy vào ngay, giỏi lắm cũng chỉ là thì thầm với thằng Hoan vài câu khi thấy nó tình cờ đi qua truờng mình. Nhưng một tẹo của ông gác truờng kéo dài đến gần hai tiếng.

Khi ông ta “thiu thiu”, cu Hoan và một đứa nữa cũng đã làm xong phần việc, lôi quả cầu ra đá ở ngay hành lang. Tên kia vừa cứu đuợc một cú tưởng hỏng tới nơi vì đã rơi sát vào khung cửa, nhưng sau một đuờng móc tuyệt mỹ, quả cầu vẽ một đuờng  cầu vồng rồi rơi ngay vào ngực ông gác đang ngủ.

Hai thằng bé hãi quá, cái chân vừa đá quên cả việc hạ xuống đất, cứ nín thở để nhìn và chờ cụ bô  mở mắt ra cho chúng một trận. Trông cậu chàng lúc đó hệt như con cò hưong lò dò ở ruộng, đã co chân lên định buớc đi, nhưng chợt thấy truớc mặt có con rắn cạp nong cạp nia gì đấy đang truờn ngang qua, nên cứ giữ nguyên tư thế cũ! Hú hồn, nhưng ông già chẳng động tĩnh gì. Hai đứa lại hăng lên, chuyền cho nhau những cú rất tuyệt cú mèo. Thêm hai lần nữa trái cầu rơi vào nguời ông  ta – một lần vào đúng mũi – nhưng cũng không hề hấn gì. Đúng là ngủ như chết!

Nhưng bỗng dưng ông ta choàng tỉnh, dù chẳng có gì rơi vào nguời. Chỉ chính cụ bô ấy tí nữa thì rơi vào… nền nhà. Hai thằng bé chưa kịp bật cười thì “cụ khốt” này đã choàng đứng lên hốt hoảng “Xe, xe! Chúng ăn cắp xe!”- Ông ta kêu lên như vậy.

Hóa ra “cụ khốt” nằm mơ thấy có hai ba tên trộm lẻn vào truờng. Đầu tiên chúng lảng vảng ở ngoài, nhưng không thoát đuợc “mắt thần” của mình. Nhưng đến khi hai thằng chen ngã một đứa học trò đã dắt xe ra cổng, thằng kia tranh thủ nhốn nháo lẻn ra sau lưng,  dắt trộm chiếc xe thứ hai thì ông ta choàng tỉnh dậy và kêu lên thế.

Từ đấy Thăng ta rút ra kết luận là dù ai “ngủ như chết” cũng vẫn có thể nằm mơ như thường!

Như mọi người khi ngủ, cu Thăng thỉnh thoảng cũng nằm mơ. Trẻ em thường có những giấc mơ đẹp do các bà Mụ ban tặng. Trong giấc mơ chúng có thể bay như chim, có lúc ngồi đung đưa trên bông hoa sen như thằng bé Tí Hon, có thể leo lên Trời, gần tới chỗ Chị Hằng. Nhưng chưa thấy đứa bé nào nói rằng đã nằm mơ đuợc trèo lên Cây Đa hoặc đuợc Chị Hằng ôm vào lòng. Có lẽ là do Thằng Cuội tị nạnh,  ngăn không cho các bà Mụ ban giấc mơ đẹp đến như thế cho bọn trẻ.

Trẻ em ít khi có những giấc mơ xấu, những giấc mơ làm chúng kinh sợ. Chắc là mười hai bà Mụ đã cản không để những giấc mơ như thế lọt vào đầu  trẻ thơ. Nếu chúng lẻn vào thì các bà sẽ ngắt đi ngay, bằng cách nhấc cánh tay hay vật gì đó vô tình đang đè nặng lên ngực trái của bé, nơi trái tim nhỏ nhoi đập loạn nhịp vì bị chèn ép, hoặc làm cho những mẩu chim bé xinh đột nhiên tè ra giuờng để đánh thức chúng dậy.

Nhưng không hiểu sao cu Thăng lại có một giấc mơ lẫn vui lẫn buồn, cũng gây sợ hãi, rất hay lặp lại. Giấc mơ này của nó khá dài, dài như thể một đời người ta. Nó tương đối mạch lạc, có lẽ đã in dấu vào trong đầu  từ hồi nó mới sáu bảy tuổi gì đấy, sau lần thằng bé mắc chứng thuơng hàn, phải nằm bệnh viện khá lâu. Trong giấc mơ có khói, có lửa, có nuớc cuồn cuộn chảy, rắn rết, nhện đen, nhện vàng, có những con quái thú và ác quỷ. Đặc biệt là một con ác quỷ cao, gầy trơ xuơng, tay chân loằng khoằng (hơi giông giống Toan “nghiện” nhưng ác ôn gấp ti tỉ lần). Con quỷ cầm thứ gì đó giống như chiếc bơm xe đạp, có cái vòi lòng thòng nhọn hoắt. Mỗi lần nó xịt chiếc bơm một cái lại khiến thằng bé rùng mình, nhảy cẫng lên. Không hẳn là đau, mà cứ múa may loạn xạ giông giống như ông Cuồng hay đi qua phố. Nó kinh hãi và tuyệt vọng duới mỗi lần bơm xịt của con ác quỷ, nghĩ là mình sắp chết đến nơi thì chợt xuất hiện một bàn tay to, to lắm nhưng không phải tay các bà Mụ, là bàn tay đàn ông có một nốt ruồi, nằm tại điểm chụm lại của năm ngón tay. Bàn tay to khỏe ấy kéo rồi đẩy nó ngã dúi vào trong một chiếc chuồng thỏ. Con quỷ cầm cái bơm muốn xông vào trong lồng mà không vào đuợc, cứ chạy loanh quanh phía ngoài để xịt thuốc  nhưng không bơm tới  chỗ nó. Bỗng lại xuất hiện bàn tay to. Bàn tay túm lấy con quỷ quăng đi rất xa rồi đẩy chiếc chuồng thỏ xuống mặt nuớc xanh ngắt, thả cho trôi đi mãi theo dòng sông..

Lần nào cũng đến lúc chiếc chuồng trôi theo dòng sông thì cu Thăng tỉnh dậy. Nó rất muốn kể cho ai đó nghe giấc mơ này nhưng biết kể với ai đây. Bố thì một tuần ba tối phải đến lớp tiếng Anh chuyên ngành do cơ quan mở, vì bố nó vừa quản trị các lớp vừa kiêm việc coi xe. Các tối khác thì còn bận.. đánh ù hoặc tổ tôm, tổ tép gì đấy. “Bố mày đã ngồi vào đấy thì hai con bò cũng không lôi ra đuợc”- Mẹ vẫn bảo thế. Thi thoảng bố có hỏi cũng chỉ mấy câu về chuyện học hành. Nếu điểm số tạm ổn thì gật gù, gật gù, nhắc lại một số nhiệm vụ của nó và những lời răn đe. Đó là những “dự lệnh”, nếu cu cậu chẳng may xơi “ngỗng” (điểm 2) hay “gậy” (điểm 1) thì công cụ “động lệnh” là chiếc roi mây sẽ dễ dàng phải thực thi nhiệm vụ.

Mẹ nó bận gần như suốt ngày: đi bán hàng ở Bách hóa tổng hợp, trưa và chiều nấu cơm, nấu cám. Cho lợn, cho người ăn, tối giặt quần áo. Lại còn việc vá quần áo với mạng khuy, đơm cúc. Chẳng hiểu sao cúc áo, cúc quần của cả nó và anh Thiên nó đều không thích bị những chiếc khuy giữ yên một chỗ, hễ có cơ hội là chúng nói good by và xuất hành ngay! Với anh Thiên, nó chưa bao giờ nói chuyện đuợc quá năm câu, mà thường câu thứ nhất định nói chuyện này, thì đến câu thứ ba đã phải đổi sang chuyện khác hoặc ở dạng .. mệnh đề chấm dứt rồi. Lạ thật đấy!

Còn lại mỗi thằng Hoan. Nhưng thằng bạn nhanh chân tay, hơi chậm đầu óc này ít chịu nghe những chuyện như vậy. Nó luôn hăng hái cùng cu Thăng làm những việc cụ thể như học bài, đá cầu, trêu con Cun hay lén rủ nhau ra hồ câu cá chẳng hạn. Còn chuyện gì phải kể dài dài, có vẻ “lãng đãng” một tí – cái từ này thằng bé nghe bác Văn ở cơ quan bố nó nói ra, tuy chưa hiểu lắm nhưng thấy hay hay nên nó cứ dùng đại như vậy- là thằng Hoan thế nào cũng ngắt lời để hỏi cái nọ cái kia, vì nó không tin đó là chuyện cổ tích chính hiệu, đến mức Thăng ta mất hứng, chẳng muốn quay lại câu chuyện nữa.

Vậy nên những chuyện đó nó đang phải giữ một mình. Chẳng lẽ lại ra bờ hồ đào một lỗ rồi ghé mồm xuống kể cho lòng đất nghe, như câu chuyện của bác thợ cắt tóc với ông vua có hai tai lừa hay sao!

Có lẽ do không kể đuợc với ai, nên những giấc mơ lâu lâu lại lặp lại khi thằng bé ngủ. Nhiều lần thành ra có sự việc nó mường tượng như mình đã trải qua thật, có điều chẳng nhớ rõ là ở đâu và vào khi nào nữa. Giờ đây còn có một mình vì bạn Hoan nó đã ở lại trên Bắc Cạn, nhưng cu Thăng thấy lạ lùng vì cái đoạn  nuớc chảy cuồn cuộn trong giấc mơ rất giống với việc thằng Hoan và nó gặp cơn lũ ập tới bất ngờ, khiến từ đó đến nay chúng chẳng còn đuợc thấy mặt nhau. Nó chợt nhớ đến chuyện bàn tay thằng Hoan cũng có một nốt ruồi, như bàn tay đàn ông nó thấy trong mơ. Truớc đây nó chẳng để ý lắm vì tay của Hoan “Trũi” lúc nào chả đen sì sì, giá tay nó có nốt ..nhặng thì cũng mấy ai để ý tới.

Nếu như  bây giờ thằng Hoan ở đây dứt khoát phải tìm mọi cách kể cho  nó nghe giấc mơ của mình – thằng bé nghĩ vậy – Chí ít cũng kể từ đầu đến đoạn nuớc chảy cuồn cuộn khiến hai đứa xa nhau, xem cái thằng chậm hiểu ấy có phát biểu đuợc ý kiến hay ho nào không.

Những việc vừa trải qua

Lẽ nào em đã thấy

Trong những giấc mơ hoa

Bà Mụ ban cho ấy?…

N. C

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder