Nguyễn Công Trứ
Về Nguyễn Công Trứ có rất nhiều giai thoại. Trong số 81 câu chuyện vừa kịp sưu tầm trong dịp này, chúng tôi xin chọn lọc biên soạn lại để đưa vào tập sách 36 giai thoại tiêu biểu, với mong muốn dựng lên một chân dung Nguyễn Công Trứ qua cái nhìn “dân gian” – từ góc độ khác với những lí giải, nghiên cứu hàn lâm – của hậu thế về con người của cụ Thượng Uy Viễn…
Về Nguyễn Công Trứ có rất nhiều giai thoại. Trong số 81 câu chuyện vừa kịp sưu tầm trong dịp này, chúng tôi xin chọn lọc biên soạn lại để đưa vào tập sách 36 giai thoại tiêu biểu, với mong muốn dựng lên một chân dung Nguyễn Công Trứ qua cái nhìn “dân gian” – từ góc độ khác với những lí giải, nghiên cứu hàn lâm – của hậu thế về con người của cụ Thượng Uy Viễn.
1. NGÔNG NGAY TỪ LÚC CHÀO ĐỜI… CHO ĐẾN TẬN KHI CHẾT!
Ngày mồng Một tháng Mười một năm Mậu Tuất (1778), tại tư gia của viên quan Tri huyện Quỳnh Côi, Thái Bình, bà huyện họ Nguyễn, sau cuộc vượt cạn kinh hoàng đã sinh hạ được một cậu con trai thân dài, trán rộng, mũi cao.
Các cụ xưa nói “Trai mồng một, gái ngày rằm” quả không sai – vừa mới lọt ra khỏi lòng mẹ, cậu bé đã tỏ ngay sự ngông bướng của mình bằng cách không chịu mở mắt nhòm và không thèm mở miệng khóc như những đứa trẻ sơ sinh khác. Người nhà và hàng xóm đưa hết nồi đồng, mâm thau đến khua gõ liên hồi, cậu cũng điềm nhiên mặc! Chỉ đến khi cả đám người lớn đã mỏi rã rời, xuôi tay lắc đầu thì cậu mới dõng dạc cất tiếng khóc đầu tiên oang oang như tiếng chuông đồng!
Người cha của đứa bé mừng khôn xiết, vì ông vốn hiếm muộn, năm đó đã ngót nghét lục tuần mới có được cậu con trai nối dõi(1). Là một nhà Nho hay chữ, nghĩ đây cũng là một điềm triệu báo điều hỉ, ông bèn ra thư phòng lấy giấy bút đặt tên cho con trai. Ông chọn cho cậu quý tử bướng bỉnh tên huý là Củng – theo chữ Nho có nghĩa là bền chặt, vững vàng; còn tên chữ là Trứ – nghĩa là rõ ràng, nổi trội.
Cậu bé đó chính là Uy Viễn Tướng công Binh bộ Thượng thư Nguyễn Công Trứ tương lai, và cũng là nhà thơ trác việt kiêm tay chơi số một một thời. Cả cuộc đời của cậu Củng – Trứ về sau quả đúng như những quan sát dân gian và ước vọng thầm kín của người cha già – bền gan vững chí và lẫy lừng sáng tỏ!
Nhưng đó chỉ mới là cái ngông khởi đầu. Tới tận khi đón cái chết, Nguyễn Công Trứ vẫn ngông.
Theo lời truyền, trước khi sang thế giới bên kia – chắc là cũng sẽ tiếp tục cái cuộc chơi bất tuyệt – Cụ dặn con cháu không nên bày cuộc tang lễ để khỏi tốn kém, làm khổ dân làng, mà cứ để Cụ nằm nguyên trên chõng như khi đang ngủ, thả xuống huyệt là xong! Nhưng không biết là các con cháu có dám nghe theo lời Cụ hay không? Xưa nay người đời sau vốn coi trọng cái “lễ” của mình hơn là hiểu và tuân theo được cái lí, cái lòng giản dị và khoáng đạt, không chấp nê của những bậc vĩ nhân vừa khuất.
Cụ mất, theo Niên biểu ghi là ngày 14 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1858), nhưng chính trong Gia phả lại chép là ngày Rằm. Nếu như vậy, thì quả là Cụ lại “chơi ngông” quả chót: lựa đúng ngày Sóc (mồng một) để đến nhập cuộc tang bồng, rồi chọn đúng ngày Vọng trăng tròn (15 Âm lịch) để vĩnh viễn rũ trường danh lợi ra đi(2).
Đúng là… đến cả chết cũng ngông!
2. NGOÀI VƯỜN – TRONG BUỒNG!
Thuở nhỏ, cậu bé Củng học rất giỏi, thông minh dĩnh ngộ hơn thiên hạ, lại tinh nghịch, lém lỉnh chẳng ai bì, nổi tiếng “Thần đồng”. Tài cao trí sắc, đọc rộng nhớ nhiều, những câu đối đáp lỗi lạc của cậu bé Củng gây cho mọi người nỗi kinh ngạc và thú vị.
Khoảng 10 tuổi, Củng theo cha trở về Hà Tĩnh, sống tại làng Uy Viễn, Nghi Xuân quê nội. Trong làng có ông Đồ Trung là một người có máu mặt; ông đứng ra mời thầy đồ về nuôi trong nhà để trẻ con của làng tới học. Và trong đám học trò đó có cậu bé Củng.
Một hôm, khi cả lớp đang ngồi học, ông chủ nhà chợt nổi hứng đi vào và xin thầy cho phép ông ra cho các trò một vế đối. Được thầy đồng ý, ông Đồ Trung nói:
– Ta có câu đối này, trò nào đối hay và đối nhanh trước sẽ được thưởng một quan tiền!
Rồi ông ta chỉ về phía cây đại đứng ngoài vườn, đọc vế đối:“Ngoài vườn cây đại nở hoa đại”.
Các học trò ngồi nhìn nhau, mặc dù rất thèm quan tiền (với các cậu đó là một giấc mơ lớn), nhưng không ai tìm được vế đối lại để lấy.
Thấy cả lớp im lặng, thầy học lên tiếng giục, thì chỉ có cậu bé Củng ra vẻ ngập ngừng khó nói. Thầy hỏi:
– Trò Củng, sao không đối đi?
Củng khép nép thưa:
– Thưa, con sợ bị quở phạt ạ.
– Trò cứ đối, – ông chủ nhà khuyến khích ra vẻ rộng lượng, – nếu hay thì ta sẽ thưởng cho, còn nếu có điều gì sơ suất thì ta và thầy cũng không bắt lỗi trò đâu.
Được lời, Củng nghiêm chỉnh đứng dậy đọc:
– Thưa, con xin đối là“Trong buồng ông Trung ấp bà Trung” ạ!
– Hay quá! Chuẩn quá! Trong đối với ngoài, Đại đối với Trung, và nở thì tất nhiên phải đối với ấp rồi!
Thầy và trò cả lớp được một trận cười nghiêng ngả, còn ông chủ nhà Đồ Trung thì đỏ mặt im lặng, và tất nhiên, phải trao cho Củng một quan tiền!
3. TƯỞNG MẦN BA TRỰ…
Nhận được quan tiền thưởng, tan buổi học trên đường về Củng gặp một đám trẻ con đang tụ nhau đánh đáo ăn tiền. Như những đứa trẻ ham chơi khác, Củng liền nhập bọn; và cũng như những đứa trẻ mải chơi khác, cậu say sưa đánh cho tới khi bị thua hết sạch cả quan tiền mới thôi. Nhưng cái khác của Củng là ở chỗ, mọi đứa trẻ khi thua bạc sẽ tiếc đứt ruột, hậm hực bỏ về, thậm chí cả khóc nữa, còn Củng thì vừa đi về nhà vừa đọc:
Tưởng mần ba trự mà chơi vậy,
Bỗng chốc nên quan đạ sướng chưa?!(3)
Thật ra, đây có thể chỉ là một câu nói buột miệng, lúc đó cậu trò Củng chắc không cố ý làm thơ; nhưng nó đã bộc lộ tính cách ngang tàng, phóng túng, “tay chơi” của Nguyễn Công Trứ, mà người đời sẽ gọi là thơ văn khẩu khí; và câu nói đó được truyền tụng khắp làng, rồi đi vào sách vở, lan ra khắp thiên hạ… thành giai thoại, thành thơ.
4. SẴN GÁNH CÀN KHÔN GHÉ THẲNG VAI
Vào một ngày hè nóng nực, thầyhọcdẫn cả đám học trò đi ra con sông cách trường độ hơn một cây số để tắm mát, hòng làm dịu bớt cái nóng ghê người của xứ Nghệ. Khi đi qua cái cống lớn đầu làng được xây ghép bằng những tảng đá xanh, thầy tức cảnh nghĩ ra một vế đối Nôm, bảo các trò cùng đối:
Đá xanh ghép cống, hòn dưới nống hòn trên.
Trong khi các trò khác đang vắt óc suy nghĩ thì cậu Củng đã có ngay vế đối:
Ngói đỏ lợp nghè, lớp sau đè lớp trước.
Câu đối về chữ nghĩa thật là chuẩn, lại chơi chữ tài tình: “cống” vừa là cái cống (bằng đá), vừa là người đỗ Cử nhân (Cống sinh dưới triều nhà Nguyễn); còn “nghè” vừa là cái miếu nhỏ thờ các danh nhân địa phương (từ này nay đã ít dùng), vừa là người đỗ Tiến sĩ, tức ông Nghè; thêm vào đó người đời còn tìm thấy cái thú vị ở khẩu khí của người đối: hậu sinh sẽ khả uý, lớp sau sẽ hơn (đè) lớp trước!(4).
Đang nói chuyện thì một trận mưa to ập đến, thầy trò phải vội vàng chạy vào xin trú trong một quán nước ven đường. Ngay lúc đó có một người đàn ông gánh cỏ đi ngang cũng vội quẳng gánh ngoài trời chạy vào mái hiên của quán trú mưa. Lát sau, trời vừa ngớt, người đàn ông đã vội vã ra nâng gánh cỏ lên vai chạy đi tiếp. Nhân đó, thầy bảo các trò thử làm vài câu thơ tức cảnh nói về người gánh cỏ nọ. Trong khi các cậu bé khác đang vò đầu tìm chữ nghĩa thì trò Củng đã ứng khẩu đọc hai câu:
Tạnh cơn phong vũ lò ngay mặt,
Sẵn gánh càn khôn ghé thẳng vai.
Thầy học và tất cả mọi người trong quán đều tấm tắc khen hai câu thơ tuyệt diệu của Củng, vừa hợp cảnh, vừa bộc lộ chí khí của một đấng trượng phu tương lai. Còn về phép đối thì khỏi phải nói: hoàn chỉnh, chan chát từng ý, từng chữ – “cơn phong vũ” đối với “gánh càn khôn”, “ngay mặt” đối với “thẳng vai”…
Và thầy càng khẳng định dự đoán trò Củng về sau sẽ làm nên công to nghiệp lớn.
5. NÍN HƠI BIỂN ĐỘNG BA TẦNG SÓNG
Một hôm, thầy học đến thăm nhà trò Củng, cùng với thân phụ của cậu ngồi đàm đạo, lâu lâu hai người lại kéo thuốc lào, thả khói thơm lừng từng đám bay ra như mây. Củng được phép đúng bên hầu thầy và cha để hóng chuyện. Chợt thấy cha đưa tay vê vê điếu thuốc nạp vào nõ, cậu vội đốt đóm đưa lên. Cụ Đức Ngạn Hầu rít một hơi dài khoan khoái, rồi nhả khói bay ra thành luồng như một con rồng uốn khúc. Cúi mình đón cái điếu cày từ tay cha, bất ngờ cậu bé Củng ứng khẩu đọc luôn hai câu:
Nín hơi, biển động ba tầng sóng,
Há miệng, rồng bay chín khúc mây.
Thầy học không nín được, vỗ đùi khen hay. Cha của Củng cũng tròn mắt nhìn, vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Như được động viên, Củng sung sướng đọc tiếp:
Ba tầng sóng dội vang trời bể
Năm sắc mây bay thấp thoáng trời.
Thấy trò Củng đọc bốn câu thơ xuất thần đó, thầy học đắc ý lắm, gọi cậu đến gần, xoa đầu khen ngợi rồi nói với cụ thân sinh của cậu:
– Trò Củng sẽ có một tương lai phong vân đắc lộ, sự nghiệp kinh nhân, tôi rất hãnh diện có một môn sinh như Củng. Nhưng ở đây trường tư nhỏ bé, trình độ các học sinh còn thấp kém nhiều so với Củng. Nếu Củng còn lưu học ở đây, tôi e sẽ làm uổng phí thì giờ của Củng. Vậy tôi khuyên ngài nên cho Củng xin lên trường quan Đốc trên tỉnh theo đòi bút nghiên để chóng thành tài…
Nghe theo lời khuyên của thầy, Củng từ đó được lên tỉnh thành Hà Tĩnh học.
Trước ngày lên đường đi học với thầy khác, Củng đến dâng thầy học cũ của mình đôi câu đối để tạ ơn:
Tuy tôn sư chi giáo trạch vô cùng, hà cảm xá cận nhi cầu viễn;
Nhi quốc gia chi học quy hữu định, tương sử tự hạ tiệm thăng cao.
Nghĩa là:
Tuy ơn giáo dục của tôn sư vô cùng, đâu dám bỏ nơi gần mà đi tìm nơi xa;
Nhưng phép học hành của quốc gia có định, nên phải từ chỗ thấp mà bước lên chỗ cao.
Thế là “túi đàn, cặp sách đề huề”, trò Củng rời đất Nghi Xuân lên đường vào thành Hà Tĩnh học.
Lúc này cậu đã 15 tuổi, trở thành Nho sinh trường Đốc học của tỉnh.
H.L.
(Còn tiếp)
( Nguồn Văn hóa nghệ An)