Cho nên vấn đề là làm thế nào để không còn hoặc rất, rất ít oan sai chứ nếu tái diễn cảnh này, tiền là mồ hôi, nước mắt, không phải lá rụng bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Mà có là lá rụng, cũng chẳng kịp mà vơ, mà quét…
Cho nên vấn đề là làm thế nào để không còn hoặc rất, rất ít oan sai chứ nếu tái diễn cảnh này, tiền là mồ hôi, nước mắt, không phải lá rụng bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Mà có là lá rụng, cũng chẳng kịp mà vơ, mà quét.
Một ý kiến của Bộ Tài chính đang nhận được sự đồng tình của dư luận, đó là đề nghị TAND Tối cao chỉ đạo cơ quan liên quan xác định trách nhiệm hoàn trả về kinh phí của người thi hành công vụ gây oan sai.
Cụ thể, trong văn bản gửi tới TAND Tối cao đồng ý trả 10 tỷ đồng để TAND tỉnh Bình Thuận bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén, Bộ Tài chính đề nghị TAND Tối cao chỉ đạo cơ quan có trách nhiệm bồi thường xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC và gửi báo cáo kết quả về Bộ Tài chính.
Theo Thông tư liên tịch số 04, Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả xác định lỗi của người thi hành công vụ, trong đó, trường hợp số tiền bồi thường thực tế chi trả dưới 100 triệu đồng thì mức hoàn trả của người thi hành công vụ được xác định tối thiểu là 3 tháng lương và tối đa không quá 12 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả. Từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng là 12 tháng lương và tối đa không quá 24 tháng lương. Trên 500 triệu đồng là 24 tháng lương và tối đa không quá 36 tháng lương.
Đây là qui định hợp lý, hợp tình bởi không có chuyện làm sai, không phải chịu trách nhiệm gì. Tuy nhiên, về mức tiền bồi thường cụ thể, người viết bài này thấy cứ băn khoăn.
Số là cái “lim” của nó giao động quá lớn, ít nhiều mang tính “đại cương”. Ví dụ như “dưới 100 triệu đồng” thì có thể là 9.999 ngàn mà cũng có thế là… 1triệu đồng. Nếu mức đền bù là 1 triệu đồng, mức phạt tối thiểu là 3 tháng lương thì “thiệt” cho người phải bồi hoàn vì 3 tháng lương, có thể lên đến trên dưới 20 triệu đồng.
Đối với qui định “trên 500 triệu đồng” thì cái “trần” lại không hạn chế nên 501 triệu đồng và N… tỉ đồng cũng như nhau.
Mặt khác, độ dao động từ 3 tháng lương đến 12 tháng lương cũng quá lớn và khi đó, sẽ phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của Hội đồng xem xét trách nhiệm.
Nên chăng, cần có những qui định cụ thể hơn, “sát” hơn, ví như phải bồi thường bao nhiêu phần trăm/mức nhà nước đền bù chẳng hạn?
Trong vụ đền bù 10 tỉ đồng cho ông Huỳnh Văn Nén. Nếu theo qui định, số tiền bồi thường cao nhất cho mức này là 36 tháng lương, giả sử lương là 7tr đồng/tháng X 36 tháng = 252 triệu đồng/người liên quan.
Một sai lầm nghiêm trọng của một vài cá nhân, ngân sách Nhà nước mất 10 tỉ đồng, “thu” về được 252 triệu đồng x 3 người liên quan, tức là mất đứt hơn 9 tỉ đồng.
Nhìn lại những vụ án oan có mức đền bù lớn vừa qua, chỉ tính tổng chi phí cho 03 vụ là ông Huỳnh Văn Nén (10 tỉ đồng), Nguyễn Thanh Chấn (7,2 tỉ), Lương Ngọc Phi (22,9 tỉ đồng), ngân sách Nhà nước (tiền thuế của dân) đã mất đứt hơn 40 tỉ đồng. Trong khi đó, nếu mỗi vụ tiền thu bồi thường từ sai phạm được 252 triệu đồng X 3 = 756 triệu đồng. Hu!
Cho nên vấn đề là làm thế nào để không còn hoặc rất, rất ít oan sai chứ nếu tái diễn cảnh này, tiền là mồ hôi, nước mắt, không phải lá rụng bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Mà có là lá rụng, cũng chẳng kịp mà vơ, mà quét.
Trong số tiền 40 tỉ đồng kia, biết bao nhiêu là mồ hôi từ tiền thuế, phí của dân?
B. H.T
(nguồn: Bài viết của tác giả chia sẻ)