Hôm nay chúng ta rất vui mừng và tự hào được có mặt tại đây, trong khán phòng Nhà hát lớn – Di tích lịch sử và kiến trúc của thành phố, để cùng nhớ về và thức dậy những kỷ niệm khó quên trong chặng đường 55 năm xây dựng và trưởng thành của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT), mà tiền thân là Chi hội VHNT Hải Phòng- tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp của những người hoạt động sáng tạo VHNT – đã đồng hành, gắn bó cùng đất nước và thành phố quê hương trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.
…Trong ngày họp mặt đầm ấm và ân tình hôm nay, chúng ta xin được bày tỏ sự trân quý và biết ơn đến nhà văn Nguyên Hồng, nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm trong Ban vận động thành lập Chi hội VHNT thành phố; đến các văn nghệ sĩ đại diện cho các Hội trung ương tham gia BCH chi hội khóa I năm 1964 là nhà văn Bùi Huy Phồn, họa sĩ Mai Văn Hiến, nghệ sĩ sân khấu Đào Mộng Long, nhạc sĩ Tô Vũ; đặc biệt là nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà viết kịch, nhà phê bình Nguyễn Đình Thi (5 nhà trong 1) đã thay mặt Đảng đoàn Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam làm việc với Thành ủy Hải Phòng về việc thành lập Chi hội VHNT Hải Phòng – Tổ chức Hội VHNT cấp tỉnh, thành phố sớm nhất miền Bắc (ngày 4 và 5/1/1964).
Chỉ 6 tháng sau ngày Đại hội thành lập Chi hội VHNT đã xảy ra “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” (ngày 2 và 5/8/1964), Mỹ kiếm cớ cho máy bay ném bom miền Bắc. Không khí chiến tranh bao trùm và làm đảo lộn cuộc sống lao động, sinh hoạt bình thường của người dân, trong đó có hoạt động sáng tác, biểu diễn của các văn nghệ sĩ đất Cảng. Những năm từ 1965 đến 1967, thành phố Cảng- thành phố công nghiệp Hải Phòng trở thành trọng điểm ném bom của các loại máy bay “Con ma” F4, “Thần sấm” F105 của Mỹ trong các chiến dịch “Sấm rền”, “Biển lửa”. Đế quốc Mỹ hung hăng tuyên bố với thế giới: “Sẽ đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá!?”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Chi hội VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ đất Cảng đã có những sự thay đổi, điều chỉnh hoạt động VHNT phù hợp với cuộc sống thời chiến. Cơ quan Hội sơ tán về xã Đặng Cương, huyện An Dương, bộ phận còn lại vẫn bám trụ ở nội thành. Đúng vào lúc này, nhạc sĩ Trần Hoàn- Giám đốc Sở Văn hóa, Phó Chi hội VHNT Hải Phòng có lệnh điều động vào chiến trường Trị Thiên Huế.
Khó khăn, gian khổ và nguy hiểm là vậy, nhưng trong cái khó ló cái khôn và với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, cứ sau mỗi trận đánh, khi khói bom còn chưa tan, đã có mặt các đội văn nghệ xung kích “Tiếng hát át tiếng bom” tham gia cứu thương, tải đạn và cất cao tiếng hát động viên các chiến sĩ ngay bên mâm pháo. Cứ sau mỗi lần bộ đội, tự vệ thành phố bắn rơi máy bay Mỹ, các nhà thơ, nhà văn, các họa sĩ, nhạc sĩ… lại thức trắng đêm, lao tâm khổ tứ để kịp thời có những bài thơ, bút ký, bức tranh, bài hát ca ngợi những tấm gương dũng cảm, anh hùng trong chiến đấu và lao động sản xuất, chia lửa với đồng bào, chiến sĩ miền Nam, với Đà Nẵng, Gò Công kết nghĩa. Đặc biệt trong một số “đêm trắng” ấy, Bí thư Thành ủy Hoàng Hữu Nhân, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Gia Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa Trần Hoàn và Chủ tịch Chi hội VHNT Nguyên Hồng đã cùng thức và còn khao các họa sĩ nồi cháo gà ngay tại xưởng vẽ, khiến anh chị em văn nghệ sĩ rất cảm kích và làm việc quên mình.
Những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, ác liệt nhưng Hải Phòng vẫn luôn là địa chỉ cần đến của các đoàn văn nghệ sĩ nước ngoài khi đến Việt Nam và các chuyến đi thực tế sáng tác của các văn nghệ sĩ trong nước. Nhà văn Nguyên Hồng, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm thường được “tín nhiệm” làm hướng dẫn viên giúp bạn hiểu đầy đủ, thấu đáo về thành phố và con người Hải Phòng. Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng xuýt xoa: “Về Hải Phòng mà được Nguyên Hồng dẫn đi thăm và giới thiệu về lịch sử thành phố này thì còn gì bằng”. Với các văn nghệ sĩ nước ngoài đến Hải Phòng những năm chiến tranh chống Mỹ, nhiều người rất nổi tiếng như Blaga Đimitrôva (Bungari); Simônốp, Bôrôđin, Antôncônsky (Liên Xô), Mađơlen Rípphô (Pháp), Pheelich Pita Rôđrighêt (Cu Ba)…
Có thể nói không quá rằng, ngay trong những năm đầu thành lập, dù trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, Chi hội VHNT đã nhanh chóng xây dựng được đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ, tài năng, tâm huyết và đồng đều ở các lĩnh vực VHNT, đặc biệt là thơ với thương hiệu “Thơ Hải Phòng thời kỳ chống Mỹ” khiến làng thơ cả nước phải “tâm phục, khẩu phục” như Hoàng Hưng, Vân Long, Đào Cảng, Thanh Tùng, Nguyễn Thanh Toàn, Thi Hoàng, Vũ Châu Phối, Trịnh Hoài Giang, Đào Nguyễn (Đào Trọng Khánh), Nguyễn Tùng Linh… Ở mảng văn xuôi có Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Nguyễn Thị Như Trang, Lê Điệp, Trần Tự; lĩnh vưc âm nhạc có Văn Tấn, Vũ Ngọc Quang, Lương Vĩnh, Hà Giang, Văn Lương…; Mỹ thuật có Thọ Vân, Trần Anh Vinh, Quốc Thái; Nhiếp ảnh có Nguyễn Hân, Kim Báu, Công Khoan, Hoàng Qua, Vũ Tín; Sân khấu có Mạnh Thu, Lưu Thao, Lưu Bình, Phan Tất Quang, Hoàng Lan, Ngọc Thủy, Ngọc Hiền v.v…
Nhiều sáng tác trong giai đoạn này của các văn nghệ sĩ Hải Phòng sau nửa thế kỷ nhìn lại đã trở thành những tác phẩm đi cùng năm tháng và là những chứng nhân của lịch sử như ca khúc Thành phố Hoa phượng đỏ (Lương Vĩnh, Hải Như), Bài ca đảo Bạch Long Vỹ (Vũ Ngọc Quang), Biết ơn thầy cô giáo (Hà Giang, Ngọc Hải), Chiều Cát Bà (Văn Lương); ảnh Nhằm thẳng quân thù mà bắn (Nguyễn Hân), Bên dòng Tam Bạc (Vũ Tín); sân khấu có vở chèo Người con gái sông Cấm, cải lương có Đời cô Lựu, kịch nói có Masa. Với những tác giả trung ương đi thực tế và sáng tác về Hải Phòng , đó là ca khúc Thành phố chúng ta nhà máy chúng ta (Hoàng Vân), Bạch Long Vỹ đảo quê hương (Huy Du), Bến Cảng quê hương tôi (Hồ Bắc); các bức vẽ về Hải Phòng của các họa sĩ bậc thầy như Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Tiến Chung v.v…
Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một số văn nghệ sĩ là cán bộ miền Nam tập kết, làm việc ở Hội VHNT Hải Phòng trở về quê hương đoàn tụ gia đình, số còn lại được lãnh đạo Hội sắp xếp công việc, địa bàn sáng tác, tùy theo sở trường, nguyện vọng từng người để có những tác phẩm, công trình, có tầm vóc giá trị về nội dung và cách tân hình thức. Trụ sở Hội cũng được chuyển từ ngôi nhà 72 Điện Biên Phủ chật hẹp và không còn phù hợp với hoạt động sáng tạo về 19 Trần Hưng Đạo, vốn là biệt thự cũ khá rộng rãi và thuận tiện, khi Chi hội VHNT được nâng cấp thành Hội VHNT.
Lịch sử VHNT Hải Phòng bước sang thời kỳ mới cùng thành phố và đất nước . Đó là thời kỳ hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gắn liền với công cuộc đổi mới mà bản thân VHNT cũng cần phải tự đổi mới mình. Hàng loạt các chuyến thâm nhập thực tế của văn nghệ sĩ nhằm tích lũy vốn sống thời cơ chế thị trường, định hướng XHCN; hàng loạt các cuộc hội thảo, tọa đàm cho từng thể loại, từng vấn đề của đời sống VHNT được tổ chức song hành với đời sống xã hội đã được lý giải, làm rõ để tìm ra nghiệm số chung theo tinh thần của Nghị quyết 5 trung ương, Nghị quyết 23 Bộ Chính trị và mới đây là Nghị quyết 9 của trung ương.
55 năm đã qua, từ một Chi hội VHNT nhỏ bé với 5 tiểu ban chuyên môn và gần 100 hội viên ngày đầu thành lập (1964), rồi 10 năm sau trở thành Hội VHNT (1974), 13 năm tiếp theo đã lớn mạnh thành Hội Liên hiệp VHNT (1987) với 6 Ban chuyên môn và gần 300 hội viên, gấp 3 lần so với ngày thành lập. Đến nay Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng đã có đủ cả 9 hội chuyên ngành với gần 700 hội viên, gấp 7 lần so với năm 1964, đứng thứ 4 cả nước.
Về chất lượng đội ngũ, có 300 văn nghệ sĩ là hội viên các hội VHNT trung ương, đứng tốp 3 toàn quốc. Hải Phòng có 3 giải thưởng Hồ Chí Minh, 6 giải thưởng Nhà nước; 7 NSND, 73 NSƯT, 14 NNƯT cũng xếp thứ 3 cả nước.
Nhiều văn nghệ sĩ đất Cảng thuộc diện “vua biết mặt, chúa biết tên, đi đâu cũng bị lộ”. Chỉ kể những người vẫn còn đang sáng tác, đang tự hào mà nói rằng “Tôi là người Hải Phòng” (như tên một ca khúc của nhạc sĩ trẻ đất Cảng Xuân Bình), có thể sơ bộ nêu tên NSND, “vua” phim tài liệu Đào Trọng Khánh, đạo diễn Bùi Viên, nhà biên kịch Nguyễn Long Khánh, nghệ sĩ Viết Liên, quay phim Nguyễn Toàn Năng; sân khấu có ông “chùm chèo” Trần Đình Ngôn, nữ NSƯT chèo Hồng Minh; các NSND cải lương Phi Nga, Thanh Thuấn, NSND múa rối Xuân Thấm; nhạc sĩ Nguyễn Kim, Duy Thái, Xuân Bình; họa sĩ Sơn Trúc; NSƯT Lê Thái, họa sĩ Đặng Tiến; NSNA Vũ Dũng, Nguyễn Viết Rừng; nhà thơ Thi Hoàng, Mai Văn Phấn v.v… và v.v…
Hội Hải Phòng cũng được các Hội bạn từ trung ương đến các tỉnh, thành phố tín nhiệm bầu vào Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam và Ban chấp hành các Hội chuyên ngành trung ương trong nhiều khóa như Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Nhiếp ảnh, Hội Kiến trúc…
Những năm gần đây, VHNT Hải Phòng thật sự khởi sắc với nhiều cuộc thi, triển lãm, trình diễn thơ, nhạc, hội thảo, tọa đàm, mở trại sáng tác, làm phim, dựng vở… với nhiều giải thưởng, huy chương vàng, bạc khu vực, quốc gia, quốc tế. Nhiều hoạt động của Hải Phòng do Hội tổ chức đã có sự tham gia không chỉ cho vui mà còn muốn quảng bá tác phẩm tác giả với người dân đất Cảng của các Hội và các văn nghệ sĩ tỉnh thành phố bạn. Các bạn cũng đặt vấn đề đến Hải Phòng để được sáng tác, để được giao lưu, để được học tập kinh nghiệm với các đồng nghiệp thành phố Hoa phượng đỏ.
Các văn nghệ sĩ thành phố Hải Phòng đang tràn đầy niềm hứng khởi, tin tưởng bước vào năm 2020 với mùa gặt bội thu trên cánh đồng cao sản VHNT để chào mừng Đại hội Đảng các cấp, chào mừng các sự kiện lớn của đất nước và thành phố, trong đó có Đại hội Hội Liên hiệp VHNT thành phố lần thứ IX (2020-2025) và hướng tới chào mừng Đại hội Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam lần thứ X (2021-2026)./.
__________
* (Trích phát biểu của nhà biên kịch TÔ HOÀNG VŨ – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng tại lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Hội sáng 26/12).
T.H.V