Vanhaiphong: Vào dịp Tết Bính Thân các bạn cộng tác viên gửi bài tới nhiều nhưng do dung lương trang Web có hạn nên nhiều bài bị tồn đọng. Chúng tôi sẽ đăng dần những bài thích hợp, mong độc giả thông cảm. Hôm nay xin giới thiệu truyện ngắn của tác giả Lê Hứa Huyền Trân từ Hội VHNT Bình Định gửi ra…
Vanhaiphong: Vào dịp Tết Bính Thân các bạn cộng tác viên gửi bài tới nhiều nhưng do dung lương trang Web có hạn nên nhiều bài bị tồn đọng. Chúng tôi sẽ đăng dần những bài thích hợp, mong độc giả thông cảm. Hôm nay xin giới thiệu truyện ngắn của tác giả Lê Hứa Huyền Trân từ Hội VHNT Bình Định gửi ra.
Tới tận giờ tôi vẫn không hiểu tại sao dượng tôi không xa dì tôi khi cuộc sống dượng nhiều điều khổ ải như thế. Nhà ngoại tôi có của, mẹ tôi lấy chồng rồi cũng đi làm xa, dì trở thành con cái độc nhất trong nhà nên hầu như bao nhiêu của cải, ngoại đều phần dì. Dượng lấy dì bỗng chốc thành phận trai ở rể, dượng cũng thuận nên ban đầu người ta cũng điều tiếng dữ lắm, nào là đàn ông mà bám váy vợ hoặc vì nhà chúng tôi giàu nên dượng chấp nhận gạt bỏ cái sĩ diện đàn ông về ở. Đã thế, nếu dượng được dì tôi yêu thương, thông cảm thì đã chẳng sao, đằng này, dường như dì có tình yêu thương bao la với tất cả mọi người, chỉ trừ mình dượng. Dì tôi khó tính, đàn bà khó tính thì cay nghiệt hơn đàn ông rất nhiều, và những người ở gần thì càng chịu đủ điều của dì, mà nhiều nhất là dượng. Mối quan hệ của hai người, tôi nhìn hoài mà chẳng hiểu, như một cặp vợ chồng phong kiến xưa, có điều người bị đày đọa khổ ải là người chồng.
Tôi không còn nhớ lắm về ngày hai người nên duyên vợ chồng, chỉ nghe mẹ tôi kể lại đó là ngày mà dì khóc nhiều nhất trong suốt cuộc đời bà và từ đó dì không bao giờ khóc nữa. Người trong nhà tôi cũng bị cấm nói lại chuyện đó, kể cả mẹ tôi mỗi khi tôi tò mò cũng chỉ bảo:
– Nếu có một ngày dì yêu thương con nhiều thật nhiều, dì sẽ tự kể con nghe câu chuyện của cuộc đời mình.
Tôi cũng tò mò nhưng con nít rồi cũng cả thèm chóng chán, chẳng mấy bận tâm. Thi thoảng, tự nhiên sực nhớ
lại tôi lại nghe người trong nhà kháo nhau, chỉ biết sau khi kết hôn dì đã hưởng toàn bộ gia sản của nhà ngoại và từ đó dì không còn khóc nữa, tính nết cũng thay đổi dần, và giờ, dễ cũng đã mười năm kể từ khi kết hôn, dì hoàn toàn không còn giống một cô thôn nữ suốt ngày đùa với nhánh liễu ơ như trước nữa mà là một người đàn bà nghiêm trang lúc nào cũng khoác cái áo bà ba bằng gấm với cổ đeo vòng chuỗi xanh ngọc to đùng. Dù nhỏ tuổi hơn mẹ tôi nhưng trông dì già hơn rất nhiều với gương mặt không bao giờ cười.
Lúc tôi lên sáu thì mẹ gửi tôi nhà dì. Ân tượng của tôi lúc ấy là một người đàn bà cỡ chừng ba mươi đang ngôi nghiêm trang ở từ đường nhìn tôi bằng con mắt khó hiểu, nửa yêu thương nửa không muốn chạm vào. Bàn tay của dì đưa ra với tới tôi gầy guộc và trơ xương đến độ làm tôi run sợ, và ngay khi nhìn thấy ánh mắt sợ hãi của tôi, dì rụt tay lại. Phải đợi đến khi mẹ đẩy tôi về phía dì tôi mới dám bước tới. Mãi tới sau này mẹ mới bảo tôi:
– Không phải dì ghét con đâu. Mà vì dì không biết cách để yêu thương một ai nữa.
“ Nữa” nghĩa là đã từng? Đó là câu hỏi xuyên suốt tôi suốt thời thơ ấu. Nhà ngoại lớn như một điền chủ, người
ra vào tấp nập nhưng có một người khiến tôi đặc biệt chú ý. Đó là một người đàn ông đậm thước, dáng người cao ráo với khuôn mặt chũ điền lúc nào cũng đi sau dì. Ban đầu tôi tưởng đó là thợ chính, còn dì là chủ nên lúc nào cũng ở cạnh, sau dần mới biết đó là dượng. Buổi đêm thường là lúc con người ta trải lòng cho những nghĩ suy, một đứa trẻ lên sáu như tôi tò mò trước hình ảnh một người đàn ông ngồi bên hiên nhà sau khi tất cả cùng ăn uống tiệc tùng ở nhà trước. Tôi lân la lại ngồi cạnh dượng, đôi mắt dượng khắc khổ nhìn tôi, rồi nở nụ cười hiền:
– Dượng? Sao dượng lại ngồi ở đây? A là dì không cho đúng không? Nhưng dượng là chồng dì mà, dì quá đáng thiệt.
Dượng xoa đầu tôi:
– Không được nói vậy. Dì con làm gì cũng có lí do hết đó. Ai cũng có một cuộc đời mà con, dì con như thế này, tất cả là tại dượng.
Tôi định nói nữa nhưng nhìn ánh mắt dượng tôi không nỡ, ở trong đó, ngay cả tôi, cả một đứa trẻ cũng thấy
được tình yêu thương dạt dào trong đó. Dì tôi xa rời dượng đến nỗi hai người thậm chí còn ở riêng hai phòng, ăn cơm cũng ăn riêng, nếu dì tôi ăn cùng gia đình thì dượng tôi lại ăn cùng những người thợ. Nếu dì có những bộ quần áo cao sang phù hợp thân phận thì dượng lúc nào cũng vận những chiếc áo có dính vôi trên đó. Thậm chí, có lần khi thấy tôi lăng xăng chạy chơi với dượng vào buổi tối, dì tôi đã quắc mắc đầy giận dữ:” Bước vào nhà ngay, không được chơi với người lạ.”. Tôi buông tay dượng, như buông tay cả một tình yêu trong đó rồi lủi thủi về phòng. Cô Ba nói với tôi:” Tội thằng Kim, nó thương cô chủ lắm”. Chừng chục năm trôi qua, tôi lớn dần lên, giúp dì đủ chuyện và cũng trở thành người thân đắc lực của dì, dì cũng chẳng khác, vẫn lạnh lùng như ngày xưa tôi đến, như người giấu nhiếu bí mật. Trong số đó, có bí mật là cứ mười lăm hằng tháng dì lại uống rượu và cấm tiệt ai đến gần phòng dì. Thế nhưng một đêm, khi tôi lỡ sa chân vào tôi thấy dì đang ngồi khóc, và chẳng vì lẽ gì, dì lại ôm lấy tôi.
– Dì xin lỗi, xin lỗi vì lúc nào cũng khó với con. Đừng ghét dì, tội lắm.
Rồi dì say mà ngủ mất, dượng bế thốc tôi lên ra khỏi phòng trước khi dì tỉnh lại. Trong đêm trăng dượng cũng
uống rượu, cũng một mình.
– Người dì con yêu không phải là dượng. Là anh Ních, anh ấy là thầy giáo trong làng, một anh giáo nghèo. Lúc đó ngoại con không chịu, vì gia thế không cân xứng. Dì con cũng mấy lần bỏ đi theo ảnh nhưng bị bắt về. Rồi mọi thứ khác dần khi anh Ních bị tai nạn nhưng không có tiền chạy chữa…
Và rồi, và rồi ngoại đã lấy đó làm lí do để dì tôi xa chú Ních nào đó mà tôi còn không biết mặt. Bản thân
dượng là người thợ chính cho nhà ngoại lúc bấy giờ, biết dượng thương dì và cũng muốn níu kéo “bàn tay vàng” của dượng, ngoại gả dì cho dượng với điều kiện sẽ chữa chạy cho chú Ních. Dì ưng thuận và chú Ních được chạy chữa khỏi rồi cũng rời làng, dì được thừa hưởng tài sản của ngoại nhưng cũng từ đó không còn yêu thương ai nữa mà lúc nào cũng nghĩ người làm dì khổ là dượng. Dượng biết tất nhưng vì thương dì nên dượng chấp nhận. Sáng hôm sau dì lại tỉnh như chưa có gì xảy ra, vẫn khó tính và không nhớ đến việc gặp tôi buổi tối qua, chỉ có điều sự thương cảm trong tôi giành cho dì đã tăng lên, nó nhiều như tình yêu thương dượng giành cho dì. Đột nhiên dì gọi tôi ra nói chuyện:
– Hôm qua con tới phòng dì đúng không?
– Dì, con xin lỗi, con…
Dì cản tôi lại không cho tôi nói, dì kể cho tôi nghe về quá khứ của dì như những gì dượng kể, thậm chí dì còn
nói dì biết rất rõ lỗi không phải là ở dượng nhưng “ Ai cũng có một cuộc đời mà con, dì đã nghĩ cuộc đời mình là trao tất cả cho anh Ních, dẫu biết dượng con không có lỗi mà giờ đâu kiếm ai được đổ lỗi cho nỗi khổ của dì, chi có dượng”. Tôi im lặng. Mối quan hệ của hai người là mối quan hệ của tơ duyên bị ép buộc và rốt cuộc những điều ép buộc thì chẳng thể nào mang lại kết cục an lành.
Những tháng năm sau đó, dì vẫn sống một cuộc sống hà khắc với dượng, nhưng như dượng nói :” Khi dì còn ghét dượng là còn quan tâm dượng” tôi bỗng thấy thương dượng hơn rất nhiều. Mỗi lần dì say, dì lại đổ lỗi tất cả cho dượng, mắng chửi dượng, dượng chỉ im lặng lau dọn tất cả đổ vỡ dì gây ra. Nhưng rồi tuổi tác dì tôi ngày một cao, có lần dì bị tai biến, bên cạnh chỉ có dượng vò võ chăm lo. Nhiều đêm, khi nhìn dượng chong đèn chăm dì tôi bật khóc. Bỗng có một đêm, tôi thấy dì rơi nước mắt xoa mái đầu dượng đang ngủ say, nước mắt rơi ra nhưng miệng vẫn luôn nói :” Tất cả là tại anh, là lỗi của anh.” và dượng, đang giả vờ ngủ, nước mắt rơi nhưng vẫn nở nụ cười hạnh phúc, tôi chợt hiểu, ai cũng có một cuộc đời, và dẫu cuộc đời này có muộn màng thì cũng đã tới lúc bắt đầu với cả dì và dượng.
L.H.H.T