Trả lời về việc dọn dẹp sư tử đá lạ đang đặt trái phép tại các di tích, ông Nông Quốc Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản nói: “Chủ nhân của sư tử sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Trên thực tế, các hiện vật lạ được người cung tiến gửi gắm tình cảm lẫn niềm tin vào đó. Vì thế, trong cuộc thanh tra mới đây của Bộ VH-TT-DL, ông từ đình Mộ Lao (Hà Nội) đề nghị thêm thời gian để chậm di dời hiện vật nhằm làm công tác tư tưởng cho người cung tiến. Về điều này, ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cho rằng: “Họ có thể đưa con sư tử lạ đó đi đâu thì đi, nhưng nhất định không được phép mang tới một nơi tương tự di tích khác”.
Thời gian qua, trên mạng xã hội, có một số ý kiến cho rằng việc tuyên truyền về các linh vật Việt chưa được đặt đúng mức. “Không thể chỉ sử dụng mỗi kênh của Cục Mỹ thuật để đăng hình ảnh các linh vật của ta được”, một nhà nghiên cứu nói. Ông Nguyễn Đức Bình, chuyên viên Cục Mỹ thuật cũng công nhận giá như có thể tổ chức thành ấn phẩm cũng như các hội thảo về linh vật thì tốt hơn. “Mặc dù vậy, số người truy cập trang mạng của Cục trong những ngày vừa qua cũng đã tăng vọt”, ông Bình cho biết.
Được hỏi về việc liệu Bộ VH-TT-DL đã chuẩn bị cho một đợt dân vận kết hợp với Bộ Nội vụ và trung ương Hội Phật giáo hay chưa, ông Tuấn cho rằng đây là một ý kiến hay. “Cục Di sản có lẽ cũng tham khảo ý kiến này và lên kế hoạch”, ông Tuấn nói. Trên thực tế, đây là đề nghị của nhiều nhà khoa học, trong đó có nhà sử học Dương Trung Quốc.
Hiện tại, kể từ khi Bộ VH-TT-DL ra văn bản về sử dụng linh vật lạ đến nay, chưa có một biên bản phạt nào với các di tích vi phạm. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Dương Bích Liên lại cho rằng sẽ hoàn thành dọn dẹp sư tử gọn gàng vào năm 2015. Nhiều người bày tỏ lo lắng, trên một nền lộ trình hành động còn chưa đầy đủ hướng dẫn như bây giờ, liệu kế hoạch đó có khả thi.
(Nguồn Thanh Niên online)