Có một vị thầy tu, đường bệ như một ông hoàng
Một kỵ sĩ ham thích thú săn bắn,
Một người dũng cảm, đủ tư cách làm một giáo sĩ:
Lão có đầy chuồng ngựa quý cá loại.
Khi lão đi ngựa, nghe rõ tiếng nhạc
Kêu loong coong trong tiếng gió vi vu;
Tiếng nghe to và trong như tiếng chuông nhà thờ
Của chính nơi vị chúa tể này cai quản…
CHƯƠNG HAI
Có một vị thầy tu, đường bệ như một ông hoàng
Một kỵ sĩ ham thích thú săn bắn,
Một người dũng cảm, đủ tư cách làm một giáo sĩ:
Lão có đầy chuồng ngựa quý cá loại.
Khi lão đi ngựa, nghe rõ tiếng nhạc
Kêu loong coong trong tiếng gió vi vu;
Tiếng nghe to và trong như tiếng chuông nhà thờ
Của chính nơi vị chúa tể này cai quản.
Tiếng vó ngựa mỗi lúc một gần. Mặc bạn giục giã, Oamba vẫn la cà trên đường về, lúc thì dừng lại ngắt một chùm hạt dẻ còn ương trên bụi cây, lúc thì nghiêng đầu liếc tình một cô thôn nữ đi ngang qua đường. Dần dần đoàn người ngựa vượt lên trước họ.
Cả thảy vào khoảng mười người, hai người đi đầu có vẻ là những nhân vật rất quan trọng,còn bọn theo sau là thuộc hạ. Trông họ có thể đoán ngay được là hạng người nào. Một người rõ ra vẻ là một tu sĩ cao cấp. Lão ta vận y phục dòng tu Stectin nhưng may bằng vải quý khác hẳn y phục thông thường của dòng tu này. Áo choàng và mũ trùm may bằng vải xứ Flangder rất đẹp, rộng loà xoà thành những nếp nhăn mềm mại, phủ trên một thân hình phương phi béo tốt. Hắn không có vẻ mộc mạc, giản dị của người tu hành. Nét mặt cũng có thể gọi là hiền từ nếu không có khoé mắt lẳng lơ ngầm của người ưa hưởng lạc. Nói chung thì theo thói quen nghề nghiệp, hắn đã tự tạo cho mình một dáng vẻ trang trọng, mặc dầu dáng dấp tự nhiên của hắn lại có vẻ vui tính và xởi lởi. Trái với quy ước của Nhà chung, hắn mặc áo có lông thú viền ở cổ tay, cổ áo gài một cái cặp bằng vàng. Còn cách chải chuốt y phục thì đại khái cũng như các bà, các cô thuộc Thanh giáo, nghĩa là tuy vẫn áo tu hành mà vẫn cầu kỳ lựa chọn hàng vải và kiểu may, thành ra trông giản dị mà vẫn đỏm dáng.
Tay tu sĩ phú ông này cưỡi một con ngựa béo tốt, thắng một bộ yên cương trang hoàng rất đẹp, dây cương đeo một hàng nhạc bạc theo kiểu đương thời. Hắn ta không có vẻ vụng về của thầy tu cưỡi ngựa mà tỏ ra thoải mái tự nhiên như một tay kỵ mã lão luyện. Thật vậy, dường như con ngựa tầm thường này chỉ xứng đáng để hắn cưỡi đi đường, tuy nó có nước kiệu khá đẹp. Đi sau hắn, một anh thầy dòng dắt một con ngựa Tây Ban Nha, giống Angdludy rất đẹp, giống nhựa mà bọn khách thương tìm trăm phương nghìn kế mới nhập cảng được vào nước Anh để bán cho các nhà quyền quý với giá thật đắt. Một tấm khăn dài phủ bộ yên ngựa rủ xuống tận đất, trên có thêu đủ hình tượng trưng cho Nhà chung như mũ giám mục, thánh giá…Một anh thầy dòng khác, dắt một con lừa thồ, trên lưng chồng chất hành lý của lão tu sĩ. Đi sau cùng là hai anh thầy tu cấp dưới cưỡi ngựa, nói cười râm ran như chẳng thèm để ý gì đến những người cùng bọn.
Lão tu sĩ nói trên có một bạn đồng hành trạc hơn bốn mươi tuổi, thân hình dong dỏng, vạm vỡ khoẻ mạnh. Hắn có vẻ là một tay bách chiến, khắp người toàn gân và bắp thịt cuồn cuộn. Có lẽ hắn đã vượt qua trăm nghìn nguy hiểm mà vẫn còn sẵn sàng vượt qua muôn vàn thử thách nữa. Hắn đội một chiếc mũ đỏ thắm có viền lông thú, thứ mũ mà người Pháp gọi là Moochie vì trông giống một cái cối tán thuốc lôn ngược. Dáng điệu oai vệ một cách phô trương, vẻ mặt như cố ý bắt người ta phải kính nể mình. Trời phú cho lão một nét mặt đanh thép rắn rỏi, lại vì thêm dầu dãi nhiều dưới ánh nắng miền nhiệt đới nên da mặt đen sạm lại. Nét mặt bình thường thì trầm lặng, song đó là cái trầm lặng của một sự say mê sôi sục vừa lắng xuống. Cứ nhìn hàng gân nổi bật trên trán, vành môi trên hơi mím và bộ ria mép đen nhánh luôn luôn rung rung, đủ biết đụng phải tay này rất dễ bùng lên những trận lôi đình. Tia mắt sắc buốt và sâu thẳm của hắn như kể lại những chuyện gian khổ hắn đã dũng cảm vượt qua, lại như khiêu khích những trở ngại mới để san bằng cho thoả chí. Chiếc sẹo lớn trên mi mắt càng làm cho bộ mặt thêm lạnh lùng dữ tợn, một bên mắt cũng vì thế mà nhìn hơi hiếng.
Lão này cũng khoác một chiếc áo choàng tu sĩ, song may bằng vải màu đỏ thắm, chứng tỏ hắn không thuộc bốn dòng tu thông thường. Mé vai có đính một chiếc thập tự kỳ quặc bằng vải trắng. Dưới áo choàng thấp thoáng lộ ra một bộ giáp làm bằng những mắt xích sắt nhỏ kết vào nhau chằng chịt. Tay áo và găng tay cũng bằng sắt như vậy; tất cả những mắt sắt ấy được tết vào nhau một cách kỳ lạ, khiến khi mặc, nó ôm khít lấy thân thể giống như những chiếc bít tất dệt bằng sợi mềm bây giờ. Chiếc áo choàng ngoài để lộ ra phần trước đùi cho ta thấy đùi hắn cũng bọc giáp sắt; từ đầu gối trở xuống mắt cá chân cũng phủ kín một lượt bít tất sắt bằng mắt sắt kết vào nhau. Ngang lưng hắn đeo một con dao dài hai lưỡi để tự vệ.
Hắn cwoix một con ngựa thồ khoẻ mạnh đi đường và để dành con ngựa chiến của hắn; con này hắn giao cho một tên võ sinh dắt sau; ngựa cũng đủ cả áo giáp, trên đầu có một mũi sắt nhọn hoắt chĩa về phía trước. Một bên yên treo một chiếc mũ sắt có ngù lông phất phơ và một thanh gươm nặng mà các tay hiệp sĩ thời đó thường dùng, một bên yên kia treo một cái búa tầm sét chạm trổ cầu kỳ. Một tên võ sinh khác giương cao một cây thương, trên mũi đính một lá cờ đuôi nheo bay phất phới, có thêu hình thập tự kỳ quặc như đã nói. Tên võ sinh này con mang một chiếc khiên hình tam giác, phía trên rộng đủ che kín ngực, phía dưới nhọn hoắt, không rõ trên mặt khiên có dấu hiệu gì, vì nó bị phủ kín bằng vải đỏ.
Hai tên võ sinh này có hai tên hầu hình như là người Á Đông thì phải, vì da đen, chít khăn trắng và mặc quần áo kiểu phương Đông. Cả thầy lẫn tớ trông thật là dự tợn. Bọn võ sinh phục sức lộng lẫy, còn mấy tên hầu thì có kiềng bạc đầy cổ, cánh tay và cổ chân cũng đeo vòng bằng bạc, tay để trần từ khuỷu, chân để trần từ gối. Khác hẳn lối phục sức giản dị vũ dũng của chủ, chúng mặc toàn quần áo bằng lụa thêu, tỏ ra chủ là tay sang trọng giàu có. Mỗi tên mang một thanh gươm cong, cán gươm và dây đeo dát vàng, thêm một lưỡi dao găm cán cũng mạ vàng. Bên yên ngựa của mỗi đứa cso một túi tên hoặc một bó lao dài khoảng bốn foot, đầu bọc sắt nhọn, đó là thứ vũ khí lợi hại dân Châu Á hay dùng, nhất là bọn Saraen thì càng thiện nghệ. Ngựa bọn chúng cũng là loại ngựa ngoại quốc, thuộc giống Saraen, nòi Arab, chân thon, gót mảnh, bờm thưa, nước đi nhẹ, khác hẳn giống ngựa to cao Châu Âu mà các hiệp sĩ thời đó ưa dùng vì chịu được sức nặng của chủ cùng mọi thứ trang bị trên lưng.
Đoàn người ngựa lạ lùng này khiến Oamba và cả Gơơc nữa phải chú ý. Hắn nhận ra ngay lão tu sĩ chính là Chánh xứ Giocvon, nổi tiếng khắp vùng vì tính ham mê săn bắn, tiệc tùng, và nếu tiếng đồn không ngoa thì hắn còn ham mê nhiều thú vui phàm tục khác không hợp với nghề đi tu của hắn một chút nào.
Song dư luận thời đó đối với đạo đức của thầy tu cũng không khắt khe lắm nên cha Chánh xứ Aymer Giocvon vẫn được dân trong vùng mến. Lão vốn vui tính và dễ dãi, lại sẵn sàng rửa tội cho mọi người nên rất thân với bọn quý tộc và phú thương. Lão thuộc dòng dõi một gia đình Norman quý phái nên có họ hàng với nhiều tay quyền thế. Các bà, các cô quý phái thì lại càng rộng lượng với hắn, vì hắn thường tỏ ra biết hâm mộ phái đẹp, lại sãn khoé mua vui cho họ những lúc nhàn sầu. Lão ưa săn bắn, trong nhà nuôi nhiều chim ưng và có cả một bầy chó săn quý nhất trong vùng. Do thú chơi này mà bọn quý tộc trẻ trong vùng hay đi lại thân mật. Còn đối với bậc cao niên, hắn lại dùng một ngón khác để khi cần càn hắn cũng giữ trọn vẹn được sĩ diện. Kiến thức sách vở của hắn cũng chỉ hời hợt thôi, song đám này vốn dốt nát nênvẫn phục hắn là tay uyên bác. Giả dĩ hắn lại sẵn điệu bộ và giọng nói trang trọng, luôn luôn đề cao uy thế Nhà chung và của tu sĩ nên càng được kính nể. Ngay cả với dân chúng, vốn dĩ nghiệt ngã với đạo đức của “bề trên”, riêng đối với chánh xứ Aymer cũng thành dễ tính vì lão hào phóng, mà ai cũng cho rằng lòng từ thiện bù lại được khá nhiều tội lỗi – mặc dù là hiểu sai nghĩa của kinh thánh. Hắn sử dụng phần lớn số thu hoạch của Nhà thờ, ngoài việc mặc sức tiêu xài xa xỉ, hắn thường giúp đỡ bọn nông dân khốn cùng. Mỗi khi người ta thấy chánh xứ Aymer mải mê săn bắn, hoặc say sưa trên chiếu rượu, mỗi khi người ta bắt gặp Cha lén lút chui vào cổng hậu nhà thờ sau một đêm tình tự với gái, người ta cũng chỉ nhún vai tự nhủ rằng chẳng qua cũng là thói thường, vì họ nhớ lại bao nhiêu con chiên cũng phạm tội lỗi như Cha, nhưng lại chẳng có những đức tính như Cha để bù lại lỗi lầm. Bởi vậy hai chú nông nô của chúng ta đều quen mặt Cha, lóng ngóng cúi đầu chào và được Cha đãi lại cho câu “ Chúa ban phước lành cho các con “.
Trông thấy lão thầy tu đi cùng với người bạn và đoàn tuỳ tùng kỳ lạ, hai người quá đỗi ngạc nhiên, đến nỗi không kịp trả lời câu hỏi của Chánh xứ Giocvon là muốn tìm một chỗ nghỉ đêm. Có lẽ họ quá bỡ ngỡ trước cái dáng vẻ nửa tu hành nửa võ sĩ của người lạ mặt và trước cách phục sức kỳ quặc của bọn tuỳ tùng người đầy vũ khí; hoặc cũng có lẽ lão thầy tu hỏi bằng tiếng Norman không ưa lỗ tai Saxon của các chú. Lão chánh xứ bèn hỏi lại bằng một thứ tiếng pha cả tiếng Norman và tiếng Saxon :
– Các con ơi! Các con cho cha hỏi quanh đây có gia đình nào ngoan đạo vì lòng tôn kính Chúa Trời và Nhà chung thân quý, có thể để hai kẻ tu hành tầm thường này và các người đây dùng bữa tối và nghỉ đêm được chăng?
Nghe giọng nói trịnh trọng khác hẳn giọng nói mềm mỏng hàng ngày mà lão vẫn dùng, Oamba lẩm bẩm một mình không để chúng nghe tiếng : Hai kẻ tu hành tầm thường của Nhà chung thân quý! Chỉ còn thiếu không mang theo các thứ tổng quản và đủ các loại quản gia nữa thôi.
Sau khi đã mỉa mai thầm lão tu sĩ như vậy, anh ngước mắt lên tiếng trả lời:
– Thưa các cha, nếu bề trên muốn ăn ngon nằm ấm thì quá bộ đi thêm hai dặm nữa đến nhà thờ xứ Berinous, ở đó chắc được đãi như thượng khách. Còn bề trên muốn ăn chay nằm mộng thì mời các cha rẽ xuống con đường kia, đến túp lều của ẩn sĩ Copmenhot tha hồ được cầu kinh thoả thích.
Lão chánh xứ lắc đầu :
– Anh bạn chất phác ơi! Anh nghe nhạc trên mũ nhiều quá thành ra mụ trí mất rồi. Anh không biết rằng kẻ tu hành thết đãi nhau thì vô ích hay sao? Ta lại thích con chiên thết đãi cơ, vì đó là dịp con chiên tỏ lòng kính Chúa mộ đạo và có thế Chúa mới ban phước lành cho chứ.
Oamba trả lời :
– Vâng thưa cha, con vốn ngu như lừa nên phải đeo nhạc của con lừa thật. Song con cũng hiểu rằng lòng từ thiện của Nhà chung thì cũng phải “ bắt đầu từ trong nhà mà đi”.
Nghe đến đây, anh chàng võ sĩ xen vào với giọng doạ nạt:
– Không được nói láo nữa, thằng kia. Hãy chỉ cho ta nhà ông…Này bác Aymer, lão trang chủ ấy tên là gì nhỉ?
– Xidoric, Xidoric người Saxon. Này các con, đã gần đến nhà ông ta chưa? Đi đằng nào nhỉ?
Từ đầu, Gơơc vẫn đứng yên, bây giờ mới lên tiếng:
– Đường đi khó lắm. Mà nàh ông ta quen đi ngủ sớm.
Tay võ sĩ gắt lên:
– Im đi! Ngủ rồi cũng dậy lo cơn nước cho chúng ta được. Ta không cầu xin họ. Ta có quyền bắt họ phải thết đãi.
Gơơc khó chịu trả lời :
– Người khác nói năng còn chưa được, các ông xin ngủ nhờ mà làm như bố người ta không bằng. Tôi không chỉ đường đến nhả ông chủ tôi đâu.
– Này thằng nô lệ kia, tao không lý sợ với mày.
Lão võ sĩ quay ngang ngựa và giơ roi định quất cho anh chàng hỗn láo một chập. Gơơc gờm gờm nhìn lại hắn, bàn tay dũng cảm song ngần ngại sờ vào chuôi đao. Nhưng lão tu sĩ đã khôn khéo thúc ngựa đứng vào giữa hai người để ngăn không cho đồng bạn hành hung :
– Thôi bác Borian ơi! Đây không phải Plestin đâu mà bác thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với họ. Dân ở đây ưa ngọt, trừ roi vọt cảu Nhà chung thì họ lại thích, vì Chúa có thương thì mới ban cho.
Nói đoạn hắn chìa cho Oamba một đồng hào bạc :
– Hẳn anh biết đường đến nhà ông Xidoric chứ? Bổn phận của mọi người là phải giúp người lỡ bước, huống chi chũng ta đây lại là người tu hành.
Anh hề trả lời ;
– Ấy thưa cha, cái ông võ sĩ kia hung hăng làm con quên hết cả đường về, không biết đêm nay có về được đến nhà không cơ đấy.
– Thôi anh có biết thì cứ mách ta. Ngài đây là chiến sĩ của Nhà chung, suốt đời chiến đấu chống lại bọn dị giáo để lấy lại Đất thánh đấy. Ngài thuộc dòng tu Thánh chiến mà chắc anh đã có lần được nghe thấy. Ngài đây vừa là hiệp sĩ vừa là tu sĩ.
Anh hề lại nói;
– Thì ra ông ấy mới là thầy tu một nửa thành ra không biết điều. Hỏi han những chuyện đâu đâu, người ta chưa kịp trả lời mà đã phát bẳn lên được ngay.
– Thôi, ta tha lỗi cho anh, miễn là anh chỉ đường cho ta đường đến nhà ông Xidoric.
– Được, thế thì các ngài cứ thẳng đường này mà đi, đến một ngã tư, chỗ có cây thánh giá gỗ trồng bên đường đã lún sâu xuống đất đấy, thì rẽ bên trái. Tôi tin rằng bề trên thế nào cũng tìm thấy được nhà ông ấy trước khi trời đổ mưa đấy.
Nhà tu hành cảm ơn anh hề và đoàn người thúc ngựa đi nhanh đúng như những người lo gặp mưa ban đêm phải hối hả đi tìm nơi trú ẩn.
Khi tiếng vó ngựa đã xa, Gơơc bảo bạn :
– Mày thế mà khá, nếu chúng nghe theo lời mày thì hết đêm nay cũng đừng hòng đến được Rodout.
Anh hề nhe răng cười :
– May ra thì họ đến được Xiphien, ở đấy tha hồ mà phè phỡn. Tôi có ngu gì đem mỡ đến miệng mèo.
Gơơc đồng ý :
– Phải lắm, lão Aymer mà nhìn thấy cô Roenna nhà ta thì thật là rầy rà. Mà cái lão võ sĩ này đến Rodout thì thế nào mà chẳng sinh chuyện lôi thôi với ông chủ, ấy mới thật là rắc rối. Thôi, bon mình là phận tôi tớ, ta cứ biết vậy thôi, đừng bép xép gì nữa.
Trở lại bọn đi ngựa, họ vừa đi vừa đi vừa nói chuyện với nhau bằng tiếng Norman là tiếng của người quyền quý, trừ một số ít vẫn tự hào về dòng dõi Saxon của mình. Anh chàng Thánh chiến hỏi bạn:
– Mấy thằng đó sao dám láo xược thế nhỉ? Mà sao bác không để tôi nện cho chúng một trận?
– Lạy Chúa! Cái thằng hề nó nói vớ vẩn thì mặc nó, bận tâm làm gì. Còn thằng kia thì đích thị thuộc cái nòi Saxon bướng bỉnh và man rợ, bất trị àm tôi vẫn thường nói chuyện với bác đấy. Chúng chỉ thích tìm mọi cách để tỏ ra bất phục chúng ta.
– Giá không có bác, tôi đã dạy cho chúng biết lễ phép rồi, tôi đã quen trị quân này. Bác phải biết, bọn Thổ Nhĩ Kỳ còn cứng đầu bất trị bằng mấy ấy chứ, thế mà chỉ hai tháng trong tay lão quản nô của tôi, vào khuôn phép hết, vâng dạ răm rắp. Bác phải đề phòng đấy. Úi dà! Bọn này gặp dịp là chúng không ngần ngại gì mà không dùng dao dăm hay thuốc độc hại mình ngay.
Lão Chánh xứ trả lời :
– “ Nhập gia “ thì phải biết “ tuỳ tục “ bác ạ. Vả lại đánh nó thì không tránh được một trận xung đột, mà ta lại không hỏi được nhà lão Xidoric. Tôi vẫn nói bác này rất kiêu hãnh, tự ái, hiếu thắng và nóng này. Hắn đương đầu với bọn quý tộc chúng ta và bọn láng giềng là đầu bò và Philip Manvoadanh, những tay này có phải con nít đâu. Người ta thường gọi hắn là Xidoric người Saxon vì hắn rất kiêu hãnh về nòi giống của mình, đặc biệt là hắn lại thuộc dòng giống Harol là một tay kiện tướng thời Thất quốc tranh hùng nên hắn thường khoe khoang điều mà người khác lo giấu kín vì sợ bị kẻ chiến thắng đối xử tàn nhẫn.
Anh chàng Thánh chiến tiếp:
– Bác Aymer oi! Bác vốn là tay phong tình có con mắt tinh đời phán đoán về sắc đẹp rất sành, lại thông thạo chuyện yêu đương chẳng kém gì một anh ca công, vậy không rõ cô Roenna có đẹp lắm không, có đáng để tôi hạ mình cầu cạnh cái lão bố quê mùa gàn dở ấy không?
– Xidoric không phải là bố đẻ, chỉ có họ xa mà thôi. Cô ta vốn dòng dõi kim chi ngọc diệp. Hình như lão tự nhận là người đỡ đầu thì phải, song lão quý cô như con đẻ. Còn sắc đẹp của cô ta ấy à, lát nữa bác sẽ biết. Chao ôi! Làn da mới nõn nà làm sao! Cặp mắt xanh hiền từ vừa kiêu hãnh vừa đượm vẻ dịu dàng. Nếu bác trông thấy cô ta mà không quên phứt bọn con gái xứ Plestin mắt huyền tóc bím đi thì tôi chỉ là một thằng ngoại đạo.
Anh chàng võ sĩ bèn quay sang hỏi :
– Bác ca tụng sắc đẹp của nàng say sưa qúa nhỉ? Thế bác có dám đánh cuộc với tôi không nào?
– Được, nếu sai lời, tôi xin mất bác chiếc vòng cổ bằng vàng này. Còn nếu đúng, bác mấtcho tôi mười hũ rượu tăm thượng hảo hạng nhé. Nói thế chứ chắc tôi thắng mười hũ rượu, như hiện giờ chúng đã nằm gọn trong hầm rượu của tôi, mà lão coi kho là Danny đã khoá chặt.
– Tôi là trọng tài, tôi có công nhận là giai nhân tuyệt sắc thì bác mới được, bằng lòng không nào? Thôi, Chánh xứ ơi! Bác mất chiếc vòng đến nơi rồi. Tôi sẽ đeo nó khi đi đi tỉ thí Astbidolarut.
– Bác cứ thắng, bác cứ đeo, ai cấm. Song tôi xin bác thẳng thắn cho đáng mặt một nhà hiệp sĩ và một nhà tu hành. Này, nhưng àm nghe tôi nói, đến đó phải liệu lời mà ăn nói nghe, đừng có quen thói trịch thượng đối với bọn nô lệ Á Đông nhé. Lão Xidoric mà cáu thì tôi và bác có là con giời đi nữa thì lão cũng tống cổ cra ngoài rừng mà ngủ với gấu, nửa đêm rồi cũng mặc. Mà ngắm cô Roenna thì cũng phải kheo khéo đấy. Lão quý cô như vàng. Trong phạm vi của lão, chúng mình trêu vào thì chỉ có mà mất mạng. Họ đồn rằng chính thằng con đẻ rứt ruột của lão chỉ vì dám chấp chới cô àng mà bị lão từ hẳn. Lão muốn người ta chỉ đứng xa mà chiêm ngưỡng cô, cấm không được nghĩ bậy bạ, y như kiểu ta phụng thờ Đức Mẹ ấy.
Anh chàng võ sĩ ngắt lời :
– Thôi được, đêm nay tôi sẽ nhu mì và dè dặt lời ăn tiếng nói như một cô gái vậy. Còn như chuyện hắn trục xuất bọn ta thì bác khỏi lo. Một tay tôi và hai chú võ sinh là Hugo và Apdalla là đủ đảm bảo. Bác yên trí, ta đủ sức để hắn phải kiêng nể.
– Nhưng đừng để có chuyện gì rắc rối thì hay hơn. Cây thánh giá đây rồi. Trời tối quá, chẳng còn trông thấy gì nữa rồi. Nó bảo mình rẽ trái hay rẽ phải nhỉ ?
Lão vũ sĩ nói :
– Bên phải. Tôi nhớ rõ ràng mà.
– Bên trái, đúng hơn là bên trái. Tôi còn nhớ hắn giơ cái gậy chỉ về phía này cơ mà.
– Ấy, thì hắn cầm cái gậy trong tay trái nhưng lại chỉ chéo qua ngực về phía này mà lại.
Hai người không ai chịu ai, hỏi đến bọn tay chân thì chúng nói đứng xa nên không rõ Oamba nói gì. Cuối cùng Borian nhác thấy một bóng người:
– Có đứa nào ngủ dưới cây thánh giá đây này. Hugo, lấy cán giáo lay hắn dậy.
Chiếc cán giáo chưa kịp chạm đến người thì người lạ mặt đã nhỏm dậy nói bằng tiếng Norman rất thạo :
– Các ông là ai mà bất lịch sự thế, làm tôi đang suy nghĩ mà giật cả mình.
Lão Chánh xứ trả lời:
– Tôi chỉ muốn hỏi đường đến trại Rodout thôi, bác có thể chỉ cho chúng tôi được không?
– Thì tôi cũng đang định đến đó đây. Giá tôi có ngựa thì tôi dẫn các ông đi được, đường thì tôi thuộc, nhưng hơi khó đi đấy.
Lão Chánh xứ nói:
– Được, bác cứ đưa chúng tôi đến nhà ông ta yên ổn thì chúng tôi cảm ơn lắm, và lại còn hậu tạ bác nữa cơ đấy.
Rồi lão nhường con ngựa đang cưỡi cho người lạ mặt và chuyển sang cưỡi con ngựa riêng dắt theo. Người lạ mặt theo con đường đối diện với con đường Oamba chỉ lúc trước mà đi. Rừng mỗi lúc thêm rậm rạp, phải lội qua nhiều đoạn suối và đồng lầy, nhưng người này có vẻ rất thạo đường lối, biết chọn những chỗ chắc chắn, khô ráo và cuối cùng dẫn cả bọn đến một con đường rộng, anh ta nói :
– Kia là trại Rodout, nhà ông Xidoric người Saxon đấy.
Lão tu sĩ nghe mà sướng quá, vì tính vốn nhát gan, lúc đi qua đồng lầy lão cứ nơm nớp lo sợ đến nỗi không kịp hỏi người dẫn đường câu nào. Bây giờ đã hoàn hồn, hắn đâm tog mò bèn hỏi anh ta là ai và làm gì.
– Tôi là một người hành hương vừa từ Đất thánh trở về đây.
Anh chàng võ sĩ bèn chen vào :
– Lẽ ra anh nên ở lại bên ấy để bảo vệ Đất thánh thì hơn.
Anh chàng hành hương hình như quen mặt tay võ sĩ bèn trả lời :
– Thưa Hiệp sĩ, đúng lắm. Có điều khi có người thề suốt đời bảo vệ Đất thánh còn ở mãi tận đây, thì một tên nông dân tầm thường như tôi bỏ về, thì có gì đáng lạ.
Anh chàng võ sĩ lại sắp sửa phát khùng lên thì lão tu sĩ lại hỏi thêm rằng sao đi xa lâu ngày mà người này vẫn còn thông thạo đường lối. Người này bèn trả lời :
– Tôi vốn sinh trưởng ở vùng này.
Vừa lúc cả bọn đi đến trước cửa nhà Xidoric. Đó là một toà nhà thấp, không đều, xung quanh có sân bao bọc, chiếm một khoảng đất khá rộng. tuy nhà bề thế vững vàng, chứng tỏ chủ nhà là một người giàu có, song khác hẳn lối lâu đài cuả bọn quý tôc Norman là lối kiến trúc phổ biến thời đó. Tuy vậy, trại Rodout cũng có những công sự dùng để tự vệ vì thời đó trộm cắp như rươi, làm nhà sơ sài thì chỉ một đêm là bị cướp phá trơ trụi, một cái cột cũng chẳng còn. Chung quanh nhà có một hào nước sâu, nước dẫn từ con suối gần đó. Trên hai bờ hào có hai hàng gỗ vót nhọn, gỗ đốn ở trong khu rừng sát ngay bên cạnh. Mé tây có cổng vào qua một chiếc cầu rút đặt giữa hai vòm canh nhô ra ngoài; khi cần thiết các tay xạ thủ có thể nấp trong đó mà khống chế đường qua lại được. Đứng trước cổng, lão tu sĩ rúc một hồi tù và, vừa đúng lúc cơn mưa đe dọa từ lúc nãy trút xuống như thác. CHƯƠNG BA
Trong một gian phòng mênh mông, chiều cao không thấm vào đâu so với chiều dài và chiều rộng, bày một chiếc bàn gỗ sồi ghép bằng những phiếm gỗ đẽo sơ sài lấy trong rừng, mặt bàn không bào nhẵn, còn xù xì. Trên bàn đã bày sẵn bữa cơm tối của “ Xidoric người Saxon”. Mái nhà chằng chịt xà và đầm gỗ, chỉ lợp bằng rạ và ván mỏng. Hai đầu phòng có hai cái lò xưởi, nhưng ống khói làm quá vụng về nên khói luẩn quẩn trong phòng có lẽ nhiều hơn là bay ra ngoài trời. vì có hai lò sưởi nên trong phòng lúc nào cũng có khói, mái nhà lại thấp nên xà nhà dầm nhà cái nào cũng đen bóng. Trên một mặt tường treo đầy những đồ trang bị để đánh trận và đi săn; bốn góc có nhiều cửa cánh xếp thông vào các phòng khác trong nhà. Mọi đồ cần thiết khác trong nhà trông đều sơ sài mộc mạc thuần tuý theo lối Saxon, theo thích của Xidoric. Nền nhà bằng đất trộn với vôi, nện kỹ, như rối nền nhà kho ta làm bây giờ. Riêng một khoảng bằng một phần tư gian phòng được xây cao hơn một bậc, chỗ này dành riêng cho những nhân vật chính trong gia đình để tiếp khách quý. Một chiếc bàn kê ngang, phủ khăn màu đỏ thắm dùng riêng vào việc này. Còn bọn gia thuộc và tôi tớ thì ngồi quanh một chiếc bàn thấp hơn và dài ra một tý cuối phòng,chiếc bàn này kê châu đầu vào giữa chiếc bàn đặc biệt nói trên, thành hình chữ T, đại khái như lối kê bàn ăn trong một vài trường học cổ như Oxford . Trên nền nhà cao, bày nhiều ghế bành lớn và ghế bành dài có lưng dựa bằng gỗ sồi, có chạm trổ. Phía trên trần có mắc một tấm màn, có lẽ để che gió cho các vị thực khách và nhất là để cho nước khỏi bị vào đầu vì mái nhà lợp vụng có khá nhiều chỗ dột. chung quanh phần nhà cao này, tường đều phủ một lớp rèm vải; nền nhà có trải thảm, tât cả đều có thêu nhiều màu sắc sặc sỡ. phần nhà thấp không có trần như ta đã bết, mà tường cũng để trần, vách đất sần sùi, nền đất mấp mô cũng không trải thảm. mặt bàn cũng không trải khăn, mọi người ngồi trên những chiếc ghế dài cục mịch chứ không có ghế dựa. Phía giữa chiếc bàn trên, có đặt hai ghế dựa, đặc biệt cao hơn những ghế khác, dành riêng để ông chủ bà chủ ngồi chủ toạ bữa ăn; theo phong tục người Saxon, người ngồi ghế này có biệt hiệu danh dự là “người chia bánh”. Cạnh mỗi chiếc ghế này lại đặt một chiếc ghế đẩu nhỏ có chạm trổ và có mạn ngà voi. Đối với những chiếc ghế đẩu, sự cầu kỳ đặc biệt ấy trông thật lạ mắt Xidoric ngồi trên chiếc ghế dạnh dự; tuy thân danh là một bậc hào trưởng nhưnh ông ta cũng đang cáu kỉnh vì nhà bếp dọn cơm quá nuộn, tính ông vốn háu đói như bất cứ một ông cố vấn hành chính nào thời xưa cũng như thời nay.
Cứ xem dành điệu của ông chủ này ta có thể đoán chắc được tính ông thẳng thắn, song xốc nổi và bẳn tính. Vóc người cao lớn, vai rộng, tai dài, thân hình chắc nịch, dáng người quen xốc vác việc nặng, quen việc binh đao và săn bắn. khổ mặt rộng, đôi mắt to màu xanh, nét mặt thẳng thắng và xởi lởi, hàm răng nhỏ,khổ đầu rất đẹp, nói chung ông ta xem chừng là người vui vẻ nhưng đôi khi bẳn tính. Xuốt đời ông đã chiến đấu cho những quyến lợi bị quân xâm lược tước đoạt nên ta thấy khoé mắt ông đầu kiêu hãnh và hiếu thắng. hoàn cảnh sinh hoạt của ông lại càng khiến ông lúc nào cũng tỏ ra nhanh trí, vương quyết và nóng nẩy. Mái tóc màu vàng rẽ ra hai bên từ đỉnh đầu đến giữa trán và rủ xuống tận vai; tuy Xidoric đã gần sáu mươi tuổi mà tóc mới gọi là lốm đốm hoa râu.
Ông ta vận một cái áo dài màu xanh lá cây, cổ áo và cổ tay có lót lồng, không phải là loại lông quý, hình như là lông cầy xám thì phải. hàng khuy cài áo để mở, bên trong lộ ra một bộ áo chẽn, khít người đỏ xẫm. Quần cũng màu đỏ che kín đùi để lộ đầu gối. Chân đi dép, thứ dép theo kiểu thông thường của nông dân, song đóng bằng da tốt và có quai gài trong chiếc khoá bằng vàng. Cổ tay đeo nhiều vòng vàng, ông ta lại đeo chiếc cổ cũng bằng thứ kim loại quý ấy. Ngang lưng ông thắt một thắt lưng da có tán nhiều đanh bằng đồng, cạnh sường gài một thanh gươm ngắn, mũi nhọn, hai lưỡi. Trên lưng ghé ông ngồi khoác một tấm áo choàng đỏ sẫm, có viền lông thú và một cái mũ cũng bằng vải đỏ viền lông, bộ y phục này chỉ đi đâu ông mới dùng. Cạnh ghế tựa một thanh giáo ngắn, đầu bọc sắt nhọn sáng loáng, mỗi khi có việc đi ra ngoài, ông ta có thể tuỳ trường hợp vừa làm gậy chống vừa dùng làm vũ khí được.
Bọn gia nhân túc trực rất đông, người vận quần áo khá sang trọng, kẻ vận sơ sài bình thường như anh chăn lợn Gơớc. Họ đều nhìn về phía ông Xidoric ngồi và sẵn sàng thi hành nhiệm vụ của ông. Độ hai hoặc ba người thuộc loại gia nhân đặc biệt được đứng hầu trên nền nhà cao sau lưng ông chủ, còn tất cả đều ở dưới. ngoài ra lại còn nhiều chó săn, độ hai hoặc ba con lớn chuyên dùng để đuổi hươu và chó sói, một vài con chó sói nhỏ hơn, thuộc loại chuyên săn cầy cáo trong hang. Tất cả đều hếch mõm chờ chia phần ăn buổi tối. Nhưng hình như trời phú cho giống này có biệt tài trông mặt người mà đoán được đức tính thì phải, nên chúng chỉ im lặng chờ mà không dám mon men vòi vĩnh ông chủ đang ngồi lầm lỳ, thỉnh thoảng chúng lại lấm lép nhìn chiếc gậy trắng đặt cạnh cái đĩa trước mật Xidoric, ông thường dùng chiếc gậy này để trị những con chó ăn hỗn. Riêng có một con ngớm ghiếc như một con chó sói được nuông chiều đặc biệt, giám sán lại ghế ông chủ và thỉnh thoảng lại giám nhắc khẽ ông bằng cách khẽ cọ cái đầu lông lá xồm xoàm vào đầu gối ông, hoặc đặt mõm vào lòng bàn tay ông. thế mà nó cũng bị Xidoric nghiêm khắc mắng đuổi ra: “Bander, nằm xuống! Nằm! Không được hỗn”.
Thực tình Xidoric đang sốt ruột. Cô Rôenna thì vừa đi dự lễ nhà thờ buổi tối về, đang thay áo bị ẩm vì trời mưa, còn Gơơc và đàn lợn chẳng thấy tăm hơi đâu cả . Lẽ ra hắn đã phải về từ lâu; hồi này lắm chuyện hỗn hào lắm, không chừng lấi vào tay bon cướp nào rồi cũng nên. Cũng có thể tên lãnh chúa nào gây chuyện cũng nên, bọn này vốn ỷ vào sức mạnh nên chẳng coi luật pháp và tư quyền tư hữu vào đâu cả. chuyện này có thể xảy ra lắm chứ vì phần lớn tài sản của các trang chủ Saxon là những đàn lợn thường cho ăn trong rừng, nơi chúng tìm được thức ăn dễ dàng nhất. Không những thế, Xidoric còn sốt ruột vì không thấy mặt Oamba, anh hề vốn được nuông chiều của ông ta. Ông có thói quên là bữa tối phải vừa ăn vừa nghe anh hề pha trò thì mới thấy ngon, mỗi tớp rượu phải điểm một câu khôi hài của Oamba thì mới nổi vị. Ấy là chưa kể ông ta đói bụng từ trưa tới giờ mà vẫn chưa được ăn cơm tối; các ông quý phái ở nông thôn từ cổ chí kim ông nào cũng hay nổi đoá vì chuyện ấy cả. Nỗi bực mình ấy ông trút ra bằng những câu nói nhát gừng, vừa nói một mình vừa vừa nói với bọn gia nhân đứng hầu xung quanh.
Ông quay ra hỏi riêng tên hầu rượu đứng sau đang thỉnh thoảng lại rót đầy rượu vang vào cốc lớn bằng bạc để ông ta uống khai vị:
– Cô nương Roenna đâu, sao chậm thế ?
– Thưa ông, cô con còn đang chải đầu.
Một chị hầu gái trả lời, chị ta lại còn nói thêm, bép xép và tự nhiên với ông chủ y như những cô hầu thân tín của các tiểu thư quý tộc bấy giờ :
– Chẳng lẽ ông lại bằng lòng cho cô con mặc xiêm ngắn, trùn khăn tùm hum mà ngồi bàn tiệc hay sao? Cô con cũng sắp xong rồi, khắp vùng này chỉ có cô con là trang điểm nhanh nhất đấy ạ ?
Trước cái lý luận khôn khéo ấy, ông Xidoric chỉ “ Hừm “ một tiếng và nói thêm :
– Nói với cô nương rằng lần sau có sang nhà thờ Thánh John Kirt dự lễ nên chọn ngày tốt trời nhé.
Nói đoạn ông quay sang anh hầu rượu to tiếng hỏi, dường như lấy làm sung sướng tìm được chỗ trút nỗi bực mình mà không phải e dè, gìn giữ:
– Quái lạ nhỉ ? Cái thằng Gerg sao còn mất mặt ở ngoài rừng ấy nhỉ? Nghe chừng lại có chuyện gì xảy ra với đàn lợn của ta rồi. Thằng ấy vốn trung thành và cẩn thận, ta đang định cất nhắc nó lên một chân hộ vệ.
Anh chàng hầu rượu Ottorn vội vã đỡ lời :
– Bẩm ông, chuông tắt lửa mới điểm cách đây độ một tiếng đồng hồ.
Câu nói vụng về không lọt lỗ tai Saxon của ông khiến ông nổi xung lên : – Quan ôn bắt hết những cái chuông tắt lửa với những thằng khốn nạn bày ra trò ấy đi! Cả mày nữa, thằng nô lệ nhẫn tâm kia, mày mở mồm mà nói với ta chuyện ấy bằng tiếng Saxon à ?
Nói đoạn, ông ngừng lại, chậm rãi:
– Chuông tắt lửa! Hừ! Cứ đến khi có chuông tắt lửa thì dân lành bắt buộc phải tắt đèn, thế là bọn trộm cắp tha hồ mà hoành hành trong đêm tối. Hừ! Chuống tắt lửa! Mấy thằng Reginan Đầu bò, thằng Phillip Manvoadanh, và cả thằng William khốn khiếp ấy nữa, chúng thừa hiểu cái chuống tắt lửa ấy có lợi gì, và cả những tên giang hồ dự trận Hasting ấy cũng vậy. Rồi đây không chừng chính mắt ta phải chứng kiến cảnh cơ nghiệp bị chúng cướp bóc, vét sạch sành sanh để nuôi sống bầy giặc đói ấy cũng nên. Nếu không dùng thủ đoạn trộm cướp ấy thì chúng nuôi nhau sao nổi? Tên nô lệ trung thành của ta thế là bị giết và đàn lợn của ta bị chúng xâu xé ăn thịt mất rồi. Còn Oamba, Oamba đâu nhỉ? Có phải lúc nãy đứa nào có nói nó đi cùng thằng Gerg không nhỉ ?
Ottorn cúi đầu tỏ dấu hiệu xác nhận.
– Hừ! Thế mới thật là họa vô đơn chí! Thế là thằng hề của ta cũng lại bị bát để mua vui cho bọn Norman mất rồi. Mà tất cả chúng ta cũng ngu độn thật, cứ nai lưng ra làm cho chúng nói hưởng rồi chũng lại khinh bỉ và cười vào mặt mãi. Nhưng ta sẽ trả mối thù này.
Ông giận dữ đứng bật dậy như bị ai sỉ nhục, với tay nắm chặt cây giáo
– Ta sẽ đệ đơn kêu đến Hội đồng Tối cao, ta có bè bạn giúp đỡ, ta cso nhiều người ủng hộ. Ta sẽ thách thức một cách anh hùng với bọn Norman xem có ai dám đối địch cùng ta chăng. Cho chúng mặc cả giáp trụ và mọi đồ trang bị khác khiến kẻ hèn nhát cũng trở thành can đảm, ta sẽ đâm ngọn giáo này thủng suốt bức tường dày gấp ba lần chiếc khiên trận của chúng. Chúng đừng có hí hửng rằng ta đã già yếu rồi, chúng sẽ biết. Chỉ một cánh tay đưon độc của ta cũng đủ thấy dòng máu họ Harol vẫn còn chảy trong mình Xidoric này. Hà! Winferit! Winferit! – Ông hạ thấp giọng xuống – Nếu con biết kiềm chế mối tình cuồng dại của con thì ta đâu đến nỗi cô độc trong tuổi già như thế này! Thật khác chi cây sồi già chơ vơ giữa trời, một mình vươn những cành lá xác xơ chống đỡ với phong ba bão táp! – Sau giây phút nghĩ đến con, dường như ông quên nỗi bực tức khi nãy, và trở nên lặng lẽ, buồn rầu. Dựng cây giáo lại chỗ cũ, ông ngồi xuống ghế, đầu cúi gục, mắt nhìn xuống đất, buồn bã đăm chiêu.
Đang triền miên suy nghĩ, ông chợt giật mình vì nghe thấy một hồi tù và rúc lên, tiếp theo là tiếng sủa râm ran của tất cả bầy chó trong ghian phòng hoà theo tiếng sủa cảu hơn hai chục con khác canh giữ khắp nơi trong nhà. Ông phải giơ cây gậy trắng lên dọa, và cả đám gia nhân phải chạy ra mắng,mãi chũng mới chịu yên.
Ngay khi tiếng chó sủa vừa dứt và tiếng ồn ào của bọn gia nhân lắng xuống, ông Xidoric vội giục :
– Những tên khốn kiếp kia, ra ngay cổng xem sao? Có chuyện gì mà nó thổi tù và báo hiệu thế? Thôi, tao chắc lại có chuyện trộm cướp gì xảy ra ngoài trại đây?
Một người canh cửa đi ra ngoài khoảng ba phút rồi quay trở vào báo tin rằng có Chánh xứ Aymer và vị anh hùng hiệp sĩ Borian Boanghinbe, bề trên dòng tu Thánh chiến dũng cảm và đáng kính, cùng một số ít tuỳ tùng, muốn xin được nghỉ lại một đêm, mai họ sẽ lên đường sớm để ngày kia dự cuộc tỉ thí ở gần Atsbiderlaruts.
Xidoric lẩm bẩm trong miệng :
– Aymer, Chánh xứ Aymer à! Borian Boaghinbe! Cả hai đều là người Norman. Nhưng họ là dân Norman hay là dân Saxon, đối với người lỡ độ đường, trại Rodorut của ta bao giờ cũng sẵn sàng tiếp đón. Họ đã muốn xin nghỉ lại đây, thì ta sẽ đón tiếp họ như khách quí. Giá họ chịu khó tiếp tục cuộc hành trình xa hơn nữa rồi hãy nghỉ thì hay hơn; nhưng ta cũng chẳng bõ bực mình vì một bữa cơm và một chỗ ngủ làm gì. Vả chăng họ dã là khách của ta thì hẳn họ cũng biết phép lịch sự, chẳng lẽ họ lại dám tỏ ra xấc xược? Honderbe!
Ông gọi một người đứng sau lưng ông, áng chừng giữ chức quản gia, tay cầm một cây gậy trắng :
– Ngươi mang sáu tên gia nhân và mời họ vào trong phòng khách. Bảo chúng nó coi sóc lừa ngựa cẩn thận và đừng để bọn tuỳ tòng của họ thiếu thứ gì, nghe không? Nếu họ cần thì hãy mời họ thay mũ áo. Đốt lửa lên để sưởi và múc nước rửa mặt! Đem cả rượu vang và rượu trắng ra. Gọi nhà bếp làm thêm món gì ngay đi để dùng trong bữa ăn tối nay! Ngươi giục chúng nó làm nhanh lên, phải bày sẵn sàng trên bàn khi nào họ xong thì có thể ăn, nghe! Honderbe! Ngươi hãy nói với bọn khách lạ đó rằng lẽ ra ta phải đích thân ra đón họ mới phải, nhưng ta đã có lời thề rằng nếu các vị khách không thuộc dòng dõi Hoàng gia Saxon thì không bao giờ ta rời khỏi nền nhà cao này quá ba bước để đón tiếp. Thôi đi đi! Ngươi hãy tiếp đón họ thật chu đáo, sao cho cái bọn người quen kiêu ngạo ấy không thể nói rằng lão Saxon nhà quê này quen thói khốn khó và keo kiệt.
Bác quản gia và bọn gia nhân tuân lệnh chủ đi ra. Xidoric quay lại Ottorn nói :
– Chánh xứ Aymer à? Này, nếu ta không lầm thì có phải lão là em trai Gin Molever, hiện là Vương tước xứ Mitdoham phải không?
Ottorn kính cẩn cúi đầu tỏ ý xác nhận, Xidoric nói tiếp :
– Anh trai hắn đã chiếm đoạt cả địa vị và gia tài của dòng họ Ornga xứ Mitdoham, một dòng họ cao quý hơn dòng họ của hắn. Bây giờ thì bọn quý tộc Norman đều cùng một giuộc như nhau vậy thôi! Họ đồn rằng lão chánh xứ này tính tình phóng khoáng và vui vẻ, hắn lại ưa chè chén và săn bắn hơn alf cầu kinh và thỉnh chuông cơ đấy! Được, cứ mời hắn vào, ta sẽ tiếp đãi tử tế. Còn tay hiệp sĩ Thánh chiến kia, tên là gì ấy nhỉ?
– Borrian Boaghinbe!
– Boaghinbe!
Xidoric dáng điệu mơ màng nói bằng một giọng như đang biện luận mà ông thường dùng trong cuộc sống giữa những người thân tuỳ thuộc, khác nào nói cho mình nghe chứ không phải nói với mọi người xung quanh :
– Boaghinbe! Tên tuổi tay này lừng lẫy khắp nơi với cả chuyện lành lẫn chuyện dữ. đồn rằng hắn là tay đảm lược nhất trong số tu sĩ của dòng tu Thánh chiến, nhưng cũng là người lắm thói xấu nhất, kiêu căng, tàn bạo, độc ác, dâm bôn, là người có lòng dạ sắt đá, không biết sợ cả Trời Đất Quỷ Thần. Đám chiến sĩ lác đác từ Plestin trở về nói lại như vậy. Thôi được, chỉ một đêm thôi, hắn sẽ được tiếp đãi tử tế. Ottorn, ngươi hãy mở thùng rượu nho cũ nhất của ta. dọn những món ngon nhất, soạn mấy hũ rượu trắng thật nặng. Trộn cho ta mấy đĩa dâu tây tẩm mật thật ngọt và rót một ít rượu táo đằng ngon nhất nhé. Bày thêm hoa tươi và soạn những cốc lớn nhất để rót rượu, nghe! Bọn tu sĩ và võ sĩ này thường thích uống rượu ngon trong cốc vại. Engita, thưa với công nương Roenna rằng tối hôm nay chúng ta không đợi công nương ở phòng ăn lớn nghe không, trừ phi công nương thích xuống đây dùng cơm thì không kể.
Engita nhanh nhẩu trả lời ngay:
– Bẩm ông, nhất định là cô nương con rất thích xuống đây dùng cơm tối rồi, vì cô nương con vẫn khao khát được biết tin tức mới nhất về Plestin.
Xidoric trừng mắt nhìn Engita, trong khoé mắt thoáng vẻ tức giận. Song trong nhà này, Roenna và tất cả những gì thuộc về công nương đều được vì nể, do đó ông không nổi đoá lên mà chỉ nói:
– Cái con này, im ngay! Mi là mồm mép bẻo lẻo bép xép lắm. Lên thưa với công nương như thế, rồi tuỳ ý cô. Ít ra thi trong nhà này, dòng dõi của Anferrit vẫn còn là một công chúa.
Engita rời khỏi phòng, Xidoric nói một mình;
– Plestin! Plestin! Biết bao người khao khát lắng nghe tin tức bọn tàn quân Thập tự chinh và bọn người hành hương đạo đức giả mang từ dải đất đen tối ấy về! Ta cũng vậy. Ta cũng muốn hỏi, ta cũng hồi hộp lắng nghe những câu chuyện bịa đặt mà bọn người lang bạt mưu mẹo ấy bày ra để lừa gạt chủ nhà lúc lỡ độ đường. Nhưng không, đứa con bất hiếu ấy không còn là máu mủ của ta nữa rồi. Ta không thèm quan tâm đến số phận của nó cũng như những tên khác trong đám hàng triệu đứa đã vác cây thánh giá tên vai, đâm đầu vào những cuộc chém giết và trác táng tội lỗi ấy, và gọi thế là thực hiện ý muốn của Chúa Trời.
Ông cau mày đăm đăm nhìn xuống đất một hồi, khi ông ngửa mặt lên thì vừa lúc phiến cửa cánh xếp cuối phòng mở rộng. Bác quản gia cầm chiếc gậy đi đầu, theo sau là bốn tên gia nhân cầm những bó đuốc cháy bừng bừng dẫn bọn khách lạ tiến vào phòng.
(còn tiếp)
(Kho tư liệu của Hội NVHP)