Vanhaiphong: Nữ văn sĩ Eva-Lis Wuorio (1918-1988) sinh ở Viipuri, một thành phố cổ bên bờ biển Phần Lan, gần biên giới với Nga. Bà theo gia đình di cư sang Canada và được học hành ở đó. Bà sống ở Toronto bằng nghề làm báo, viết văn. Sau đó, bà chuyển đến sinh sống tại một hòn đảo thuộc quần đảo Channel, Anh quốc. (bản dịch của Nguyễn Khắc Phước)…
Vanhaiphong: Nữ văn sĩ Eva-Lis Wuorio (1918-1988) sinh ở Viipuri, một thành phố cổ bên bờ biển Phần Lan, gần biên giới với Nga. Bà theo gia đình di cư sang Canada và được học hành ở đó. Bà sống ở Toronto bằng nghề làm báo, viết văn. Sau đó, bà chuyển đến sinh sống tại một hòn đảo thuộc quần đảo Channel, Anh quốc. (bản dịch của Nguyễn Khắc Phước)
Lão Vicente ở đảo Formentera có lẻ là người hạnh phúc nhất mà tôi từng biết. Và có lẻ cũng là người nghèo nhất nữa.
Thân hình lão đen sạm, nhăn nheo, lom khom, gầy như bộ xương cách trí và không bộ đồ nào lão mặc mà còn nguyên, chưa vá. Lão sống ở Cala Pujol dưới một mái chái che chắn bằng đá, gỗ và cây trôi dạt, đồ đạc chỉ có một cái lò nướng bằng sắt rỉ dùng làm bếp và hai cái bát mẻ bằng sắt lượm từ rác phế thải của ngư dân. Nhưng lão lại sở hữu một bộ đồ lặn tuyệt hảo, một đôi chân nhái và một cái mặt nạ lặn. Và, như đã nói, tôi tin không có ai hạnh phúc hơn lão.
Trong vòng vài năm trước, tôi đã đến Formentera mấy lần, nhưng lần này, hình ảnh lão Vincente tình cờ đập vào mắt tôi khi lão cùng đám ngư dân kéo thuyền của họ vào dưới những cái lán bằng tre và cây ở cuối bãi cát, nơi tiếp giáp với bãi đá. Rốt cục, hóa ra, lão không phải là một ngư dân. Lão không có thì giờ để đánh cá.
Nhờ tôi biết được một ít tiếng Ibicenco, thổ ngữ của lão, một thứ tiếng hoàn toàn khác với tiếng Tây Ban Nha của người Ca-ta-lan (Castilian), nên ngay lần đầu gặp lão, tôi biết lão đang hỏi một ngư dân để mượn một chiếc thuyền nhỏ, hỏi thẳng thắn, không hề van xin. Tôi không hiểu tại sao lão là một ngư dân mà lại không có thuyền, tuy vậy, tôi gợi ý cho lão mượn cái thuyền nhỏ mà tôi thuê mỗi lần đến Formentera nhưng ít khi dùng đến. Lão cám ơn tôi một cách lịch sự khiến tôi có ấn tượng tốt về lão.
Tôi theo dỏi lão bỏ đồ lặn, chân nhái, mặt nạ, bình nước, một gói nhỏ thức ăn vào thuyền. Chẳng có cần câu hay súng săn cá dưới nước cho đủ bộ. Tôi không biết lão định bắt cái gì và bằng cách nào. Tôi nhìn người đàn ông nhỏ bé bơi thuyền ra, hướng về phía đường chân trời, quả quyết.
Tôi theo dỏi cho đến khi lão chỉ còn là cái chấm nhỏ trên đường chân trời, rồi quên lão. Ở Cala Pujol, dễ quên lắm. Nước biển màu lam ngọc trong đến tận đáy. Bãi cát chưa có ai dẩm chân, bờ biển hình vòng cung trắng bạc –năm tôi nói, nó vẫn như vậy – và nắng thì trời ban thường ngày. Thanh bình như thế, ai mà không quên.
Một hôm, gió thổi mạnh từ hướng Châu Phi, không khí biển thì oi bức và chẳng ngư dân nào ra biển. Họ ngồi trong quán nhỏ có mái bằng tre bên bờ biển, uống rượu đỏ và tán chuyện.
“Vincent về chưa?”
“Chưa.”
“Lão ta loco, este homebre, hơi khùng.”
“Chẳng khùng tí nào đâu. Lão có ý định tốt đấy.”
“Mày nghĩ vậy hả? Mày cũng loco luôn.”
“Tao hả? Không đời nào. Tao hiểu mục đích của lão, hiểu rất rõ.
“Có phải Vicente mà các anh đang nói là cái lão có bộ đồ lặn không?”, tôi hỏi.
Cả bọn họ đều đồng thanh “À ha”.
Tôi kêu thêm một chai rượu xứ đảo, thứ rượu chỉ có dân ở đây uống. Không ai muốn chơi trội bằng cách kêu thứ ngon hơn.
Thế là ngồi ở đó, với ngọn gió thổi từ Phi Châu khuấy động biển cho đến khi dậy bùn dưới sâu và tung bọt trắng lên trên, tôi được nghe câu chuyện kể về Vicente.
Sáu mươi năm trước đây, lão là một chảng trai đầy tham vọng. Vicente bỏ đảo mà đi. Nhưng 60 trước, chẳng có nhiều việc dành cho người Tây Ban Nha ở nước mình. Thế nên Vicente lên làm việc trên những tàu biển của người nước ngoài, được một thời gian thì trở lại. Chàng trai đi khắp nước và làm đủ thứ việc, rồi dừng chân ở một nơi mà nhiều người giỏi dang hơn cũng đã dừng chân, đó là cầu tàu của cảng Barcelona, để làm một phu khuân vác – một mozo.
Lão đã từng mộng mơ nhưng mơ mộng đôi khi làm người ta thất bại. Thế nên lão đành khuân vác hành lý của người khác: người Tây Ban Nha giàu có, khách tham quan, khách du lịch nước ngoài. Mãi cho đến cách đây mười năm, lão vẫn đứng ở cái cầu tàu đó, đội cái mũ có số, chỉ vào ngực mình và la lớn, “Tôi hả? Tôi đây! Số bảy mươi ba đây!”
Một hôm, một người Mỹ giàu có đến bằng thuyền của một tàu từ Palma trông thấy cánh tay vẫy cuống cuồng của lão và gật đầu ra hiệu. Vicente theo những phu khuân vác khác đi thành hàng theo tấm ván để lên chiếc thuyền màu trắng. Khi lão đến, người Mỹ giàu có nói, “Sáu cái va li này và cái kia. Mang nó phải cẩn thận. Đồ cổ đấy.”
Vicente nhận ra cái bình bằng đất, thứ vò hai quai thuộc nền văn mình cổ đại Phê-ni-xi (Phoenicia), một mẫu vật khá lớn, đẹp và hiếm, dùng để đựng loại hàng như rượu hoặc ngủ cốc để chuyển đi bằng đường thủy. Ngày xưa, ngư dân thỉnh thoảng bắt được chúng vào lưới mình. Họ thường ném chúng xuống biển. Nhưng nay thì họ không ném nữa kể từ khi các senores từ thành phố xuống mua cho bảo tàng của họ.
Vicente nâng mấy cái vali lên vai, tay nhấc cái bình bị biển nạm, màu phớt hồng, bước lên tấm ván. Mọi người chen nhau để ra khỏi thuyền, lên bờ, lão ta la, bọn họ cũng la. Lão đến cầu tàu, và một người phu khác, vì vướng vào dây neo tàu, té ập vào lão khiến lão đánh rơi cái vò hai quai.
Hai ngàn năm bỗng chốc rớt cái bụp tan tành. Thế là xong!
Mười năm trước vẫn còn tìm thấy loại vò hai quai của người Phê-ni-xi, người Hy-lạp, hoặc người La-mã trong những vịnh cạn ở vùng đảo Ibiza, nhưng nay thì hầu như chỉ còn những vật không mấy giá trị từ thời cận đại, rất hiếm thấy những cổ vật có giá trị cao. Người Mỹ đó đã trả 500 đô-la để mua cái bình Phê-ni-xi đó, đã thuê những nhà chuyên môn xác nhận là đồ cổ thật. Đương nhiên là ông ta tức giận.
Nhưng ông ta cũng là một người sáng suốt để biết rằng một người phu khuân vác như Vicente làm suốt đời cũng không sao kiếm đủ 500 đô-la nên ông ta đành chấp nhận rủi ro và sẵn sàng quên sự mất mát.
Nhưng Vicente không chịu vậy. Lão biết cái giá trị mà người ta gán cho những cái bình, cái lọ cũ vô dụng đó như thế nào; lão đã thấy vẻ thất vọng trên mặt của người Mỹ. Vicente là một người trọng danh dự nên lão muốn đền bù.
Lão theo người Mỹ đến khách sạn, nài nỉ xin cho được tên và địa chỉ và hứa sẽ đền lại cho ông ta. Trên mãnh giấy không được lành lặn xé từ một cuốn nhật ký, ông ta ngoáy mấy từ: Abraham Lincoln Smith, 72 Hudson Avenue, Milwauki, Wisconsin, U.S.A và tờ giấy trở thành vật quý giá của lão. Đó là cột mốc tối hậu trong cuộc tìm kiếm lâu dài của lão.
Tôi tin là trong giấc mơ lão Vicente đã thấy mình rốt cục đến được Milwaukee, Wisconsin, U.S.A, tay mang cái vò hai quai Phê-ni-xi cổ, được chào đón và khen ngợi.
Vicente biết rằng lão chẳng bao giờ có tiền để mua cái vò hai quai đó, nhưng mắc mớ gì không đi kiếm cho mình một cái. Hồi nhỏ, lão đã trông thấy nhiều người tìm được. Tại sao lão lại không?
Lão chẳng có gia đình, và cũng chẳng mất thì giờ để từ bỏ cuộc sống ở Barcelona đông đúc, nhộn nhịp bên bờ biển ấy, nơi lão đã khuân vác va-li cho người ta để kiếm tiền uống rượu và cái phòng ở không có lấy một cửa sổ.
Khi lão đã bán hết chút đồ đạc, lão mua vé đi Ibiza và xa hơn một chút. Từ phía đuôi thuyền, lão quay nhìn lại thành phố khuất dần sau biển nước, và lão chợt nhận ra rằng những năm tháng lão ở đó chẳng khác gì tự giam mình vào nhà tù. Lão chẳng bao giờ ngước mặt khỏi đường phố chật hẹp để nhìn bầu trời rộng bao la.
Thêm một lần trong đời, kể từ hồi còn bé, lão lại được nghe âm nhạc của biển khơi.
Khi đã trở về với đảo, lão bắt đầu thực hiện việc đã định. Lão tìm hiểu nơi nào người ta đã phát hiện những chiếc vò hai quai, và lão, cũng như nhiều người trước lão, nhận ra rằng những đồ cổ quý giá ở gần bờ đã được tìm kiếm và lấy sạch.
Sandik, một thanh niên ở Santa Eulalia del Rio, con của một lão thợ mộc, đã trở thành một thợ lặn biển nổi tiếng. Anh ta đã tìm thấy một khẩu đại bác dưới đáy biển. Muốn tìm Sandik để nhờ khuyên bảo, lão đi xe buýt đến chỗ của anh ta, và Sandik cho lời khuyên ngắn gọn. Kiếm mặt nạ, chân nhái và ra xa ngoài biển. Trên đường ra, nhiều chỗ cạn sâu chưa biết được, chỗ thì cạn vừa ngập đầu người, chỗ thì sâu bằng hai, ba chiều cao của người, và trong hang sâu dưới đáy biển, kho tàng có thể vẫn còn nằm đó.
Hồi đó, Vicente, cũng như nhiều người sinh ra ở đảo, chưa bao giờ học bơi. Theo lời khuyên của Sandik, lão dùng hết món tiền còn lại để mua một bộ đồ lặn thật tốt, cặp chân nhái và một mặt nạ. Rồi lão đi thuyền nhỏ đưa thư Manolito trở về đảo Formentera. Ở đó, cắm trại trên bãi, xin ăn qua bữa, quả quyết đeo đuổi một mục đích duy nhất, lão bắt đầu tự học bơi.
Lúc đó lão đã trên 60. Lão là một cụ già vì thời gian chẳng chừa một ai. Tuy vậy, cái sự thôi thúc muốn học và đi về phía chân trời thì vẫn còn trẻ trung.
Lão học bơi và học lặn với đồ lặn của lão ở vùng nước cạn gần Cala Pujol. Dần dần, lão mạo hiểm bơi ra xa hơn, rồi xa hơn nữa, tới nơi nước chuyển sang màu tím, bắt đầu vùng biển sâu. Sau những lần lặn đầu tiên là thời kỳ lão nói nhiều nhất bởi lão không thể giữ trong bụng cái vẻ đẹp ngoạn mục kỳ lạ của biển sâu. Những khu vườn đầy loài sao biển, những loài cá đa sắc, mắt to, dịu dàng bơi theo lão, những tia sáng mờ đục chiếu nghiêng vào những hang đá bí hiểm. Lão kể những gì lão thấy cho đám ngư dân chuyên lao động trên thuyền nghe và họ tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên và thán phục. Lão thề rằng chưa bao giờ lão thấy tự do như khi lão ở dưới biển sâu.
“Nhưng dưới đó bác đâu thở được?”
“Nhưng người ta có thể thở bằng mắt và bằng lỗ chân lông.”
Chưa bao giờ lão nghe loại âm nhạc như thế.
“Nhưng dưới biển chỉ là cõi yên lặng.”
“Nhưng là cõi yên lặng có âm nhạc. Tựa như nghiều nhạc cụ cùng gởi âm thanh trong trẻo nhất lên bầu trời.”
Tiếng Tây Ban Nha có đặc điểm riêng. Anh thợ cày cũng thường nói như là ngâm thơ. Ngôn ngữ tự nó sắp đặt như vậy.
Ngày tiếp ngày, tuần tiếp tuần, tháng tiếp tháng, cứ thế mà nhiều năm rồi, vì danh dự mà cố tìm cho được cái vò hai quai để thay cái đã bị vở, lão Vicente trở nên hạnh phúc hơn. Mỗi ngày là một niền hân hoan mới, một khám phá mới. Đã qua rồi cái thời bị ràng buộc bởi thời gian. Thế nào cũng có cái gì đó để thỏa mản nhu cầu, một con cá để nướng, một ly rượu, một miếng bánh mì, một hộp diêm. Đối với ngư dân ở đó, cuộc tìm kiếm của Vicente đã trở thành một phần của cuộc sống trên bờ hoặc trên biển của họ. Họ thường đối đãi với lão rộng rãi, không suy tính và bao giờ cũng sẵn sàng.
Họ kể cho tôi nghe về lão Vicente cái hôm gió thổi từ Châu Phi khuấy động biển từ đáy và làm dậy lên những ngọn sóng cao vội vã xô nhau, và tôi, cũng như họ, hướng mắt vào đường chân trời mong tìm một chiếc thuyền nhỏ. Tôi quay sang Cha Pedro, người chăm sóc phần hồn của giáo dân ở thị xã San Fernando, vừa tham gia với chúng tôi.
“Cha nghĩ thế nào, thưa Cha?” tôi hỏi. “Liệu lão Vicente có tìm được cái vò hai quai không?”
Vị linh mục hơi mập này đan hai tay vào nhau. Hai mắt ông cũng hướng về chân trời nhưng dường như chẳng có gì lo lắng. Gió từ Châu Phi bắt đầu lay cái mái bằng tre trên đầu chúng tôi.
“Này nhé”, ông nói. “Vincent lâu nay tìm kiếm. Không phải là tìm ra cái gì, như anh biết đấy, mà chính việc tìm kiếm mới là quan trọng. Chỉ việc tìm kiếm thôi chớ không phải cái gì khác.”
Vào một ngày năm ngoái, biển đột ngột dâng cao, nổi sóng dữ dội vì gió, chiếc thuyền nhỏ mà lão Vicent mượn đã bị đánh dạt vào bờ.
Không ai tìm thấy lão Vicente.
Biển động dữ dội nhiều ngày trước đó.
Thế nhưng bọc kín trong đám rong biển và được cột chặt vào đáy thuyền là chiếc bình hai quai của người Phê-ni-xi đã được vớt lên sau hàng thế kỷ nằm sâu dưới biển.
Cha Pedro và những ngư dân là bạn của Vicente nhờ tôi, vì tôi biết tiếng Anh, viết thư gửi cho ông Abraham Lincoln ở Milwaukee, Wisconsin, U.S.A. Tôi đã viết và đã gởi đến địa chỉ đó mấy lần và lần cuối gửi cho ngài thị trưởng.
Chẳng ai nhận được hồi đáp của ông ta.
Bực mình vì lão già ngu ngốc đã làm vở đồ kỷ niệm của mình, người Mỹ kia đã phịa ra cái tên để tống cổ lão, tôi đoán vậy. Tuy nhiên, người Mỹ ấy có thể từng sống ở Milwaukee. Cũng chẳng ai biết nữa.
EVA-LIS WUORIO