Ăn gì bây giờ? – Tản văn: Đỗ Thị Hồng Vân

 

Sáng nay, chị Hà quyết dậy sớm hơn mọi ngày để nấu ăn sáng cho cả nhà, bởi “không thể yên tâm khi vào bất cứ hàng quán nào trong thời đại ô nhiễm này” – nhiều kênh thông tin rót vào tai chị ý đó.

Thì đấy, cứ nhìn mấy hàng bia hơi, bún phở ngay đầu ngõ thì biết. Mấy chục chiếc cốc bơi lội trong một xô nước được “mặc định” từ sáng đến tối. Úp chưa kịp ráo lại lấy ra, tiếp tục rót bia, tiếp tục uống, tiếp tục tống vào xô nước… Những tô đựng bún, phở; những đĩa. muôi, đũa, thìa váng mỡ được thả vào một cái chậu ngầu bọt thứ xà phòng hắc mù, khoắng khoắng qua một thùng nước lã. Chiếc khăn bông to đùng, đen nhẻm làm nhiệm vụ lau khô cả đống bát đĩa và cái đống bát đĩa đó lại được lấy ra đựng bún, phở, thịt bò, cá hấp, tôm chiên, rau xào… cho khách hàng. Mùi hành tỏi phi, mùi thức ăn thơm điếc mũi các “thượng đế”.

Cũng bởi chị muốn tiết kiệm. Vào những năm “kinh tế buồn” này, đồng tiền kiếm được thật khó khăn, buộc người làm nội tướng trong gia đình phải tính toán. Tiền ăn sáng cho bốn người mỗi ngày cũng mất cả trăm ngàn. Hôm qua, đi làm về, chị ghé qua siêu thị khuân về nào mì tôm, nào bún khô và một bọc bánh đa trắng, sợi nhỏ.

Chị gọi cả nhà dậy, bật bếp, xào thịt và tra nước, nêm gia vị đầy đủ. Rổ rau cải xanh đã được rửa sạch, chờ nước sôi cho vào cùng bánh đa. Chà, ngon quá còn gì! Có rau mát ruột này, có thịt đảm bảo chất này, bố con nó cứ gọi là quắt tai!

Ấy thế mà Thùy, con gái lớn của chị đang học lớp mười hai, từ gác xuống, nhìn chăm chăm vào rổ rau, buông một câu xanh rờn:

– Mẹ ơi! Rau xanh bây giờ nông dân có nhiều phép thổi chóng lớn lắm, chỉ vài ngày là đã thu hoạch. Tác giả một bài báo đi thực tế đã chứng kiến: Chỉ sau một tuần trà nước, luống rau được phun thuốc kích thích trước đó vươn xòe ra đến vài xăng ti mét. Thử hỏi cái thứ rau như thế, ăn mãi vào sẽ ra sao?

Chị Hà quả quyết:

– Mẹ đảm bảo rau này là rau sạch. Cô bán rau quen mẹ rồi. Lần đầu mẹ mua, cô ấy còn bỏ cả nón, giật khẩu trang, chìa cái mồm đầy những răng kẹo lạc vào tận mặt mẹ: “Chị nhớ cái mặt này cho em! Em thề có ông trời soi tỏ, có xóm ngõ tinh tường, rau của em là rau sạch, ngày nào em cũng đến tận vườn nhà người ta để lấy đấy. Em mà nói sai thì thiên lôi kéo lên trời, hà bá dìm xuống nước! Em mà nói sai, con diều nó tha, con quạ nó mổ vào mồm!”

Anh Tuấn, chồng chị Hà cười khùng khục:

– Uí giời! Có mà thề cá trê chui ống. Để tôi kể cho cả nhà nghe cái vụ đám cưới con anh bạn cùng cơ quan tháng trước: Ba mươi người bị “tè re té tỏng” cả thảy, phải nhập viện điều trị. Điều tra ra là tại món rau cải xào. Rau đó lại chính ở vườn nhà ông bác cô dâu mới chết chứ! Con gái nhà đó đem rau ra chợ bán. Người làm thuê cỗ ra chợ mua. Quanh quẩn mua bán thế quái nào lại vớ ngay phải  rau do chính người trong họ hàng sản xuất ra. Thật đúng là “gậy ông lại đập lưng ông”. May mà mình có cái bao tử đá nên không sao.

Nồi nước đã sôi, chị Hà cho rau, bánh đa và xẻ bát thịt nạc vào. Ôi dào! Bố con nó cứ vạch vòi thì nhịn. Ăn thế này là lành nhất rồi. Như đồng tình với ý nghĩ của chị, thằng Hải, con trai bé đang học lớp 9 vừa gõ đũa cành cạch vừa nhăn nhở:

– Con cũng giống bố, thằn lằn rắn ráo xơi tuốt, kể cả cái món thịt “lợn khủng” mẹ đang cho vào nồi kia!

Chị Hà lườm nó:

– Sắp thành “em chã” rồi đấy! Sao lại thịt “lợn khủng” hả con?

– Mẹ không biết à? Con đọc trên mạng, họ còn chụp cả hình, ghi rõ địa chỉ nơi nuôi lợn, nói rõ rằng: Người ta đã nhập thứ thuốc từ Ấn Độ về, có cái tên Việt là “bung vai, nở mông”, lợn ăn vào mỗi ngày tăng gần hai ki lô gam. Khi đã trên một tạ, nếu không giết thịt thì tự nó cũng sẽ chết vì tích nhiều độc tố. Thứ thuốc này sẽ được người nuôi cho ăn một vài tháng cuối trước khi xuất chuồng, bán cho người tiêu dùng.

Chị Hà vừa đơm canh ra các tô vừa thở dài:

– Ừ! Mẹ cũng thấy các phản thịt lợn bây giờ ngồn ngộn toàn thịt nạc là thịt nạc, chả biết nuôi nấng kiểu gì mà lại như thế. Thôi thì cứ chọn hàng nào có lớp mỡ trắng, thịt màu đỏ hồng ít đáng ngờ mà mua vậy. Đi làm về đã vội rối tít mù, hơi đâu mà kiểm với chứng. Ăn rồi còn đi học chứ! Cho thêm chanh, ớt vào mà “khử trùng”. Khiếp quá! Toàn các nhà “dịch tễ học” – Chị quay sang anh Tuấn – Mà tuần sau bố nó lại đi công tác Sài Gòn à?

Anh Tuấn chưa kịp trả lời thì thằng Hải đã chen vào:

– Bố đi Sài Gòn có hay ăn phở không?

Hai vợ chồng nhìn nhau rồi lại nhìn thằng bé dò xét :“ Hừm… Nó giở giọng chọc ngoáy gì với ông “khốt” của nó đây!”. Anh Tuấn điềm tĩnh trả lời:

– Có! Thỉnh thoảng bố cũng ăn phở cho tiện, con hỏi thế là có ý gì?

Thằng Hải chợt cười ré:

– Là con hỏi theo nghĩa đen đó! Rõ có tật giật mình!

Hai đứa trẻ nhìn nhau nhăn nhở. Con Thùy lục sục mở cặp sách lấy ra một tờ báo có chụp hình bốn, năm con chuột cống đã lột sạch lông, đỏ lờn, ngay ở trang đầu, dí vào mắt anh Tuấn. Cả hai cái miệng cùng kêu lên:

– Ở Sài Gòn, có hàng phở  nấu nước dùng cho chuột cống vào đấy!

– Ối! …hụ… hụ! – Anh Tuấn ho sặc sụa, một sợi canh thò lò ngay cửa lỗ mũi.

Thằng Hải cười phá. Nó quỳ một chân xuống sàn nhà, hai tay chắp ngang trán, cúi đầu một cách quái đản:

– Bẩm quan lớn! Lỗ mũi ngài có con sán xơ mít ạ!

Chị Hà rên lên:

– Giời ơi là giời! Từ mai, tôi lại phát tiền, các người muốn ăn gì thì ăn!

Chị cau trán,trong đầu thoáng hiện ra mấy chuỗi siêu thị mới mở trong thành phố.

Đ.T.H.V

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder