Án trắng – Truyện ngắn của Trần Huy Liệu


Bây giờ thì các tù nhân ở trại giam Ba Vì đã biết rõ về ông Hoàn. Họ nhìn những đứa con của ông mà vui vẻ đùa vui với nhau. Có người còn nói to: “Ông Hoàn đã có công sinh ra những đứa con ưu tú cho đất nước, đáng ra được xử “án trắng” mới phải!”…

Bây giờ thì các tù nhân ở trại giam Ba Vì đã biết rõ về ông Hoàn. Họ nhìn những đứa con của ông mà vui vẻ đùa vui với nhau. Có người còn nói to: “Ông Hoàn đã có công sinh ra những đứa con ưu tú cho đất nước, đáng ra được xử “án trắng” mới phải!”.


Trại tù Ba Vì mấy ngày nay xôn xao hẳn lên vì trong trại, có tù nhân được ra tù trước năm năm. Đó là ông Hoàn. Ông Hoàn trạc bảy mươi  tuổi. Người tầm thước, tóc húi cua. Khuôn mặt phúc hậu. Ông vào tù năm 1958, lúc 45 tuổi. 25 năm sau thì ông ra tù.

Hôm nay, đến đón ông có ba người đàn bà mặc trang phục dân tộc, tóc đã điểm bạc. Năm chàng trai to cao, tuấn tú, oai vệ và bốn cô gái trẻ trung đài các. Họ đi bằng năm chiếc xe con, 3 Tozota, 2 meccedec mới kít sang trọng. Cả trại tù xôn xao ngạc nhiên dõi những cặp mắt nhìn cảnh ông Hoàn đang được những  người đến đón thay nhau ôm hôn, chào hỏi rối rít, vây trong vây ngoài. Họ là ai vậy? Vì sao ông Hoàn lại vào tù lâu thế, lại được ra tù trước năm năm?

Trại Ba Vì được thành lập nhằm nhốt những anh lính đào ngũ, nhưng cô dân công chửa hoang, những cán bộ tham ô… Ông Hoàn vào ngồi tù lâu nhất, kể từ lúc Trại thành lập cho đến lúc ông mãn hạn tù.

Ông Hoàn sinh trong một gia đình lái xe khách giàu có ở Hà Nội. Học xong đệ nhị cấp, 16 tuổi anh đã theo cha đi theo xe, làm tay lái phụ. Năm 1952, anh 20 tuổi. Anh xung phong gia nhập Vệ quốc quân. Sau khóa huấn luyện quân sự, anh được cấp chỉ huy phân công vào Đại đôi xe cơ giới, thuộc Tiểu đoàn hậu cần 47. Nhiệm vụ của đơn vị anh là vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ.

Một buổi chiều mùa thu năm 1956, chiến sĩ Hoàn đang vừa huýt sáo vừa dùng vòi nước xịt lên chiếc xe Zin hai cầu để lau chùi xe, thì một tốp quân cảnh nai nịt súng ống chỉnh tề đến vây quanh anh. Người chỉ huy tốp lính, giơ tay chào anh, rồi rút một tờ giấy trong chiếc cặp treo bên hông của mình, dõng dạc đọc, giọng khàn khàn: “L…ỆNH BẮT KH…ẨN CẤP”. Anh ta “a…hèm”, lấy giọng đọc to, giọng khàn khàn: “Th…eo l…ệnh của Sư tr…ưởng, Sư đ…oàn 320, nay đơn vị q…uân c…ảnh th…uộc T…iểu đ…oàn Hậu cần 47 đ…ươc l…ệnh bắt kh…ẩn cấp th…ượng sĩ Tạ Q…uốc H…oàn th…uộc A2, B2, C5, D47 Hậu cần vì các tôi d…anh sau…”. Vì phải vừa dịch vừa đọc văn bản, nên vị chỉ huy Quân cảnh đọc không được lưu loát lắm. Anh ta rề rà, cà lăm 20 phút sau mới đọc xong. Hoàn muốn cười nhưng phải nín nhịn. Anh cố lằng nghe mới hiểu nội dung như sau:

Một. Trong 3 năm lái xe chở lương thực thưc phẩm từ Quan Sơn, Thanh Hóa đi Tuần Giáo, Điện Biên, phục vụ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lái xe Tạ Quốc Hoàn đã tham ô 847 kg gạo, 500kg ngô, 200kg sắn.

Hai. Hủ hóa với cô La Thị Côi ở xã Nậm Rốm, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có 3 con, ngoài giá thú. Hủ hóa với cô Thái Thị Luông ở thôn Lẻo Xá, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La có 4 con ngoài giá thú. Hủ hóa với cô Vông thị Lau ở thôn Châu Phì, xã Xu Phì, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La có hai con ngoài giá thú.

Ba. Bỏ nhiệm vụ, giao xe cho lái phụ đi việc riêng, nhiều lần. Tổng hợp cả ba tội nói trên, nay quyết định bắt khẩn cấp thượng sĩ Tạ Quốc Hoàn, thuộc A 2, B 2, C5, D47 để tạm giam chờ ngày đưa ra xét xử.

Những ngày ở trại tạm giam, anh lính trẻ Tạ Quốc Hoàn nhận hết tội lỗi. Nhưng cái án “30 năm” của Tòa án quân sự dành cho anh khiến anh ngạc nhiên không ngờ tới. Tuy nhiên, anh không chống án, vì anh nghĩ mình có tội thì phải chịu tội.

Ngày đầu tiên ngồi trong nhà tù anh nhớ lại quá trình tòa thẩm vấn và tuyên bố công-tội của anh.

–   Công tố viên thứ nhất hỏi:

–   Bị can cho biết, bị can tham ô một khối lượng lương thực lớn như vậy để làm gì?

–   Trả lời: Để đủ nuôi những đứa con của tôi.

–   Hỏi: Bị can có bao nhiêu người con ngoài giá thú?

–   Trả lời: Với ba cô vợ đã sinh cho tôi chín người con cả thảy.

–   Hỏi: Bị can cưỡng dâm những cô gái sao gọi là “vợ”?

–   Trả lời: Tôi không cưỡng dâm, mà đó là những cuộc tình tự nguyện. Họ tình nguyện làm vợ tôi. Chẳng qua vì chiến tranh thiếu thốn, chúng tôi không tổ chức cưới hỏi được đấy thôi.

Công tố viên thứ nhất hỏi ba người tình của anh đang ngồi sau lưng anh:

– Bị can nói như vậy, các cô Côi, Luông, Lau, đồng ý hay phản đối? Ba cô lần lượt đứng lên, cô nào cũng cứng cỏi:  “Đồng ý”.

Công tố viên thứ nhất hạ giọng: “Tôi không hỏi bị can nữa”.

Công tố viên thứ hai hỏi: “Bị can có nhận tội là đa thê không?”

– Tôi thừa nhận.

Hỏi: Bị can yêu nhiều người, có nhiều con, vậy có làm tròn bổn phận của mình không?

Trả lời: Trong hoàn cảnh chiến tranh, lại là một người lính, tôi không có điều kiện để chăm sóc đầy đủ và tốt nhất, nhưng tôi đã làm hết sức mình, những gì tôi có thể làm được cho những người vợ, người con của tôi.

Hỏi: Tại sao bị can dám lấy lương thực của quân đội cho người thân? Bị can có biết đó là trọng tội không?

Trả lời: Tôi rất biết điều đó. Nhưng nhìn những đứa con còn nhỏ đói khát tôi không thể cầm lòng được. Thật ra, tổng hợp tôi tham ô 1547kg lương thực là lớn, nhưng để chia số lương thực đó cho ba gia đình trong ba năm thì mỗi tháng chỉ có hơn 15 kg trên một gia đình. Số lương thực ấy chưa đủ cho một người sống sót, và xem ra so với sự rơi vãi lương thực dọc đường mà các đoàn xe chở lương thực gây ra thì số lương thực tôi lấy nuôi con chẳng khác gì hạt muối bỏ biển.

Công tố viên thứ hai sừng sộ: “Bị can không được nhiều lời”.

Công tố viên thứ ba hỏi: “Những lần bị can bỏ xe, đi những đâu? Có biết bỏ xe là tội rời bỏ nhiệm vụ của người lính không?”

– Trả lời: Biết. Nhưng xe đi qua nhà, phần thì nhớ vợ, phần thì thương con, không ghé thăm sao được. Vả lại trên xe đã có lái phụ, tôi chỉ ghé thăm năm, mười phút. Nói có tội thì có tội. Cho không tội thì không tội. Thật chẳng ảnh hưởng đến chuyến đi công tác của tôi. Thú thực, nhờ có những “trạm tình yêu” đó mà tôi luôn xung phong đi công tác, và không bom đạn nào của kẻ thù ngăn cản được xe tôi.

Công tố viên thứ ba: “Bị can càng nói càng bộc lộ rõ chủ nghĩa cá nhân và bản chất vô kỷ luật”.

Hội đồng tòa án họp hội ý. Anh được phép gặp “những cô vợ của anh”. Cả bốn người cầm tay , những đôi mắt nhìn nhau, nước mắt chứa chan, nghẹn ngào không nói nên lời. Nơi xét xử là ba gian nhà tranh mà tòa án mượn của huyện Mường Lin. Ba gian nhà chật kín người. Thế nhưng giây phút anh được gặp người thân, không có lấy một tiếng ồn ào. Họ bắt gặp những ánh mắt chia sẻ, những tiếng thở dài ngậm ngùi. Họ hồi hộp chờ tòa án kết tội anh.

Rồi đến lúc tòa tuyên án: Căn cứ vào Điều 63 về tội tham ô, Điều 76 về tội hủ hóa, Điều 105 tội vô kỷ luật của Bộ luật hình sự, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Căn cứ vào các biên bản điều tra của viện Kiểm sát nhân dân hai tỉnh Hòa Bình và Sơn  La. Căn cứ vào lời thú tội của bị can, lời nhân chứng người bị hại. Nay tòa tuyên án: Bị can Tạ Quốc Hoàn chịu 15 năm về tội tham ô tài sản quân đội, 10 năm về tội hủ hóa, làm mất thanh danh của người lính Cụ Hồ. 5 năm về tội rời bỏ nhiệm vụ của người lính. Tổng hợp toàn bộ, bị can chịu 30 năm tù giam. Bị can có 10 ngày kháng án…

Anh lính trẻ Tạ Quốc Hoàn khônng kháng án, chịu vào tù, chỉ hơi ngạc nhiên là toà không hề nhắc tới công lao kháng chiến của anh. Anh có công lắm chứ. Nhưng thôi, miệng quan có gang có thép, nói sao lại được với họ. Ngày đi lao động cải tạo, đêm về anh cần mẫn dạy chữ cho những bạn tù trong phòng giam với anh. Theo dõi thấy anh làm được việc tốt, trại trưởng trại giam, thiếu tá Phạm Quang nẩy ra sáng kiến. Một buổi sáng chủ nhật, Hoàn được trại trưởng gọi lên văn phòng. Trại trưởng mời anh uống nước, hút thuốc, rồi nói với anh:

– Nếu trại mở một số lớp bổ túc văn hoá cho anh em giám thị và một số trại viên, anh có thể dạy được không?. Trước khi đi bộ đội tôi đã từng đi dạy, tôi có thể giúp anh khâu soạn giáo án và phương pháp giảng dạy. Nếu được, chúng tôi sẽ đặc cách cho anh không phải đi lao động thường nhật.

Hoàn hồ hởi nhận ngay.

Thế là, từ một tù nhân, anh được anh em trong tù và một số giám thị gọi bằng cái  tên trìu mến: Thầy Hoàn! Nhưng chỉ được một năm đầu, anh lại trở về với thân phận người tù vì trại trưởng trại tù Phạm Quang bị kỷ luật vì tội cho một tên tù làm “Thầy giáo”.

Sự kiện Phạm Quang bị kỷ luật và thuyên chuyển công tác là một cú sốc lớn trong đời sống tinh thần của người tù Tạ Quốc Hoàn. Bởi vì Quang đã coi anh như một người bạn thân thiết. Đêm đêm, sau những giờ cùng hí húi “soạn giáo án”, anh được trại trưởng mời ngủ lại trong căn phòng của mình. Lúc đầu, mỗi người một giường. Sau đó, để tiện tâm tình suốt đêm, hai người ngủ chung một giường. Quang thường đòi Hoàn kể lại những câu chuyện tình của mình, mà những năm tháng anh tài có được khi rong ruổi xe trên đường đi công tác. Hoàn thật thà kể hết cho trại trưởng nghe. Khi nghe những đoạn lâm li bi thiết, anh nghe Quang thở dài não nuột. Nhưng đến những đoạn làm tình cấp tốc, thì Quang cười lăn trên giường… Thế mà hai đứa phải xa nhau. Từ ngày trại trưởng ra đi, Hoàn như mất hết niềm tin vào cuộc sống. Anh trở nên lầm lì, không còn niềm vui khi tiếp xúc với các bạn tù như trước. Điều khiến anh còn sống được trong cảnh tù đày, là những ngày được gặp ba người “vợ” của mình. Những ngày đầu anh đi tù, mẹ con Lau ở Châu Phì, mẹ con Côi ở Nậm Rốm đã chuyển về thôn Lẻo Xa cùng ở với mẹ con Luông. Họ bàn bạc, tự nguyện ở cùng nhau, giúp đỡ lẫn nhau và nhất là có điều kiện nuôi nấng những đứa con vắng cha, có điều kiện thay nhau đi thăm anh trong tù…

Nghe những tiếng “anh ơi” từ những người thiếu phụ, những tiếng “ba ơi” từ những chàng trai cô gái, các tù nhân mới hiểu ông Hoàn có một gia đình lớn và bề thế lắm. Đúng vậy. Những năm tháng anh ngồi trong tù “bóc lịch” thì ngoài nhà tù, những đứa con ngoài dạ thú của anh, được mẹ chúng nuôi dạy khôn lớn trưởng thành. Đứa thì đi bộ đội, thành anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ. Đứa vào đại học, có bằng giáo sư, tiến sĩ trong tay. Đứa buôn bán, thành doanh nhân có tên tuổi khắp nước… Anh ôm chúng mà vừa buồn vừa vui. Buồn vì chả có công nuôi dưỡng chúng bao nhiêu. Vui vì trong thành công của những đứa con trai, con gái ấy chắc chắn có cái “gien di truyền” của anh góp phần. Nhưng điều khiến anh vui đến khóc thành dòng là khi nghe Ban quản trại đọc quyết định của Toà án phúc thẩm tỉnh Sơn La, nơi đứa con trai thứ ba của anh đang làm Viện phó viện kiểm sát tỉnh. Quyết định có nói rõ ông bị toà án quân sự xét xử sai ở điều 63 về tội tham ô. Khung hình phạt từ 10 năm đến 15 năm. Xét đúng luật ông chỉ bị tù 10 năm. Hay điều 76, tội hủ hoá, khung hình phạt từ 7 năm đến 10 năm. Xét đúng luật, ông chỉ bị tù 7 năm. Tổng hợp, ông bị xử oan 8 năm.

Bây giờ thì các tù nhân ở trại giam Ba Vì đã biết rõ về ông Hoàn. Họ nhìn những đứa con của ông mà vui vẻ đùa vui với nhau. Có người còn nói to: “Ông Hoàn đã có công sinh ra những đứa con ưu tú cho đất nước, đáng ra được xử “án trắng” mới phải!”.

Tam Kỳ 30-1-2011

T.H.L

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder