Anh Ba Chân – Trần Đức Tiến

Ừ, có lẽ như thế thật. Nửa vời. Nửa nọ nửa kia. Cũng có lúc còn biết nghĩ đi nghĩ lại.

Ôi chao, trong thời buổi này mà còn “nửa nọ nửa kia” được như Ba Chân cũng là của hiếm!…

Ừ, có lẽ như thế thật. Nửa vời. Nửa nọ nửa kia. Cũng có lúc còn biết nghĩ đi nghĩ lại.

Ôi chao, trong thời buổi này mà còn “nửa nọ nửa kia” được như Ba Chân cũng là của hiếm!

Ngẫm nghĩ một tí thấy cái tên Ba Chân nghe buồn cười. Anh nào chả có 3 chân, trừ những anh chuyển đổi giới tính? Nhưng ở trường hợp này tên rất hợp với người. Trước hết vì anh Ba Chân khá chân thành. Sau nữa, trải qua bao nhiệm kỳ trong chốn quan trường, anh vẫn trụ được ở vị trí ấy, chẳng lên cũng chẳng xuống, vững như kiềng ba chân.

Bấy giờ mình công tác ở cơ quan H đã hơn chục năm. Giá như nhiều người khác thì đã nhẵn mặt anh Hai, anh Ba, anh Tư… ở tỉnh, và có thể tay bắt mặt mừng cả với những chú chó giữ nhà các anh nữa. Nhưng thề có ngọn đèn, mình chưa một lần bén gót tới bất kỳ nhà anh nào! Và có lần, trong hội nghị, mình còn làm cho bạn bè sửng sốt vì không biết mặt một anh rất có vai vế…

Nhưng với anh Ba Chân, tình hình có khác.

Anh Ba phụ trách khối văn nghệ văn nghẽo, trong đó có cơ quan mình. Anh là cấp trên của mình, đương nhiên. Bọn mình định làm việc gì, cần làm việc gì là phải thảo công văn báo cáo, xin ý kiến anh. Và khi anh đồng ý, ký cho một phát thì mới có tiền để mà làm. Sau mỗi chữ ký như vậy, với những cơ quan khác không biết thế nào, chứ với tụi mình, bàn đi tính lại mãi, cũng chỉ dám gọi điện mời anh đi nhậu.

Chả lần nào anh từ chối. Anh còn dặn tụi mình ăn món gì, món gì, đến quán nào, quán nào… Một dạo anh thích cá ba sa nướng. Một dạo lại khoái thịt chồn hương hấp chấm mắm tôm. Rồi tiết canh đẻn, ba ba nấu chuối… Đi nhiều mới biết, té ra anh Ba không có gu ẩm thực vững vàng! Trong bụng anh vui thì mấy con ốc hương thành cao lương mỹ vị. Gặp hôm có chuyện buồn thì tôm hùm tổ yến cũng cầm bằng đổ đi. Được cái theo anh đến quán nào chủ quán cũng cung kính chào mời, rồi sai mấy em tiếp viên váy ngắn dắt vào phòng riêng. Có lần, mặc dù biết mình chỉ theo sau vài bước, anh cũng tranh thủ phát vào mông em tiếp viên một cái rõ kêu. Nghe tiếng phát, biết độ hưng phấn của anh và độ đàn hồi của mông.

Ngồi vào bàn, anh lập tức rút điện thoại ra gọi. Những lần đầu chưa quen, mình hãi lắm. Mời anh đi, đã nhẩm tính suất nào ra suất ấy. Tiền mang theo chỉ có hạn. Thế mà anh mời hết người này đến người khác. Lại toàn những người lạ. Người nhận lời. Người cáo từ. Nhưng nói chung là có mặt đông đủ. Mâm rượu lúc đầu dự tính có vài ba anh em, sau phình ra cả chục. Trước lạ sau quen, rượu vào hể hả trao nhau cạc-vi-dít, mời đến thăm nom, bá vai bá cổ, cậu cậu tớ tớ…

Giữa cái lúc ai cũng ngấm hơi men ấy, hoá ra anh Ba Chân lại là người tỉnh táo hơn cả. Anh nháy mắt bảo mình ra ngoài. Rồi ghé tai, bỏ nhỏ: Để cái thằng ấy, thằng ấy trả tiền, mày không việc gì phải trả, nghe chưa? Thằng ấy, thằng ấy là thằng giám đốc xây dựng, thằng trưởng ban quản lý dự án, thằng cục trưởng cục thuế hay giám đốc công ty nọ kia, chứ nhất định không phải là thằng văn nghệ. Mình buồn cười quá, nhưng vẫn nghiêm giọng: Ấy chết, hôm nay tụi em mời mà anh? Anh Ba Chân cười khạch khạch: Đéo ai chả biết chúng mày mời! Tao còn lạ gì dân văn nghệ. Chúng mày mời à? Ô kê, thanh kiu! Nhưng tiền thì chúng nó trả, được chưa?

Nói thế, nhưng nhiều lần mình vẫn trả. Anh Ba lườm mình, rồi “hừm, hừm” trong cổ họng. Ra ý không bằng lòng. Lúc lên xe ra về, anh lại phát yêu vào mông mình một cái rõ mạnh. Mông mình lép, nghe không sướng.

Nhà anh Ba Chân ở gần cơ quan mình, cùng một dãy phố. Hàng năm cứ tới vụ “thu hoạch” Tết là khách khứa nườm nượp. Xe hơi hết cái này đến cái khác nối đuôi nhau đỗ xịch trước cửa nhà anh. Mỗi xe chỉ dừng vài phút, đủ cho người ta thảy cái gì đó vào nhà. Một lần có bác tài xế hớt hải bê nhầm vào cơ quan mình thùng rượu tây. Lẽ ra trong lúc nhộm nhoạm như thế, cá vào ao nhà ai nhà nấy được. Nhưng cậu H. nhân viên hành chính lại thật thà gọi giật bác tài lại.

Tết năm ấy, bùi tai nghe mấy đồng chí trong cơ quan “tham mưu”, lần đầu tiên mình sang nhà chúc tết anh Ba Chân. Công đoàn chuẩn bị cho mình một chai rượu ngoại với cái thiệp chúc mừng năm mới. Mình và đồng chí phó cơ quan cùng sang. Anh Ba vừa đi tập thể dục buổi sáng về. Nhìn hai thằng mình đứng chờ sẵn ngoài cửa, anh có vẻ hơi bất ngờ. Vào phòng khách, tự tay anh pha trà, rót nước. Tính mình không thích kề cà nên “vào việc” luôn: Năm mới, tụi em sang chúc anh chị sức khỏe, tài lộc dồi dào bằng năm bằng mười năm ngoái! Vừa nói, mình vừa nâng cái túi đựng chai rượu lên: Chúng em có tí quà, gọi là

Anh Ba thản nhiên nhận túi quà. Nhưng bất ngờ nhìn thấy cái phong bì bên cạnh chai rượu, anh rút phắt nó ra, ấn vào tay mình:

– Rượu thì tao nhận. Nhưng cái này chúng mày cầm về.

Mình biết ngay có sự hiểu lầm, cười tuế toá:

– Không có gì đâu ông anh ơi! Trong ấy chỉ có nhõn cái thiệp chúc tết thôi.

Anh Ba hơi ngẩn ra rồi dài giọng:

– Mẹ!… Lại khéo vẽ. Thiệp với chả thiệc.

Mình với đồng chí phó ra về lòng nhẹ lâng. Phó hỏi: Ông nghĩ thế nào về cái “phản xạ phong bì” của anh Ba? Mình bảo: Tớ không để ý lắm. Phó bảo: Lão ấy ngượng với tụi mình, chứ với đứa khác… Mình hỏi: Ngượng sao không từ luôn chai rượu? Phó cười: Lão ấy nửa vời

Ừ, có lẽ như thế thật. Nửa vời. Nửa nọ nửa kia. Cũng có lúc còn biết nghĩ đi nghĩ lại.

Ôi chao, trong thời buổi này mà còn “nửa nọ nửa kia” được như Ba Chân cũng là của hiếm!

Mấy năm sau anh Ba Chân về hưu. Tết đến chả có mống xe hơi nào đỗ xịch trước nhà anh nữa. Nhưng thỉnh thoảng tình cờ gặp mình đi ngoài đường, anh vẫn vẫy tay chào. Mình định bụng một hôm nào đó thư thả lại mời anh đi nhậu. Nhưng cứ lần lữa mãi…

Mối quan hệ giữa tụi mình với anh cũng dở chừng, nửa dơi nửa chuột thế thôi.

T.Đ.T

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder