
Suốt cả tuần, báo chí thông tin về đề án cải cách giáo dục mà theo như Bộ trưởng Bộ giáo dục Phạm Vũ Luận hồ hởi công bố rằng, đề án cải cách giáo dục là một TRẬN ĐÁNH LỚN…
Suốt cả tuần, báo chí thông tin về đề án cải cách giáo dục mà theo như Bộ trưởng Bộ giáo dục Phạm Vũ Luận hồ hởi công bố rằng, đề án cải cách giáo dục là một TRẬN ĐÁNH LỚN.
Trong tình hình giáo dục đang xuống cấp nhiều mặt, lung túng và bế tắc nhiều mặt, gây nên nhiều ca thán trong xã hội, báo động mạnh mẽ cả về chất lượng đào tạo, cả về bằng cấp, cả về đạo đức giáo viên, học sinh…thì TRẬN ĐÁNH LỚN để nhanh chóng giải phóng những bế tắc cho ngành giáo dục trước hết đã gieo niềm hy vọng to lớn trong nhân dân.
Nhưng ngay từ khi bắt đầu vào trận, Bộ giáo dục đã “vỡ trận”, đã “gieo bão trong cốc” vì những bất nhất trong hành động của mình.
Dư luận dậy sóng khi thông tin từ cuộc làm việc giữa Lãnh đạo Bộ giáo dục với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề án giáo dục, phía Bộ giáo dục nhắc đến con số cần 34.000 tỉ đồng cho đổi mới sách giáo dục. Một con số gây choáng và bị hầu hết các ủy viên Thường vụ Quốc hội bác bỏ, coi đó là lãng phí, coi việc chuẩn bị đề án quá vội vã, quá chú trọng đến kinh phí mà ít phân tích và minh chứng mạch lạc về những hành động cần thiết trong đổi mới sách giáo khoa của đề án.
Đến hôm qua (20/4), Bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận trả lời phóng viên VTV rằng: “Nếu cần phải có đến 34.000 tỷ để biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới thì tôi cũng không đồng tình, đúng là sự lãng phí. Tuy nhiên, cần nói rõ con số hơn 34.000 tỷ đó không có trong tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính phủ trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Ông giải thích “Trong Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu liên quan gửi lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có con số này cũng như bất kỳ con số nào về kinh phí. Tuy vậy, trong quá trình trao đổi, thảo luận về tờ trình của Chính phủ tại phiên họp vừa qua, đại diện Bộ GD-ĐT đã nêu ra con số ước tính 34.000 tỷ này, gây nên sự hiểu nhầm. Đây là sơ suất rất đáng tiếc và Bộ Giáo dục xin nhận trách nhiệm về việc này”.
Ông cũng nhấn mạnh:” Cá nhân tôi và lãnh đạo Bộ GD-ĐT chưa xem xét, thảo luận về các chi phí thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông”.
Người ta được quyền hỏi, việc một Thứ trưởng thay mặt Bộ trưởng báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề án đổi mới giáo dục có việc bảo vệ gói kinh phí 34.000 tỉ cho việc đổi mới sách giáo khoa mà như khẳng định của Bộ trưởng Luận là Lãnh đạo Bộ chưa hề xem xét đến kinh phí, chỉ xem xét đến chủ trương, thì phải chăng vị Thứ trưởng này đã tự ý “ tranh thủ” để “lách” vấn đề kinh phí vào…với mục đích gì?
Chắc chắn, nếu Lãnh đạo Bộ không đồng ý thì vị Thứ trưởng không và không thể dám, cũng không có căn cứ để báo cáo và bảo vệ.
Thế là tự Bộ Giáo dục đã “gieo bão trong cốc”- gieo bão ngay trong ngành mình khiến cho dư luận, trong đó có cả các ủy viên Thường vụ Quốc hội nghi ngờ vì tính xác thực, vì sự minh bạch, thậm chí là cả động cơ trong quá trình tiến hành Đề án quan trọng này.
Trận đánh lớn của Bộ Giáo dục vừa ra quân đã vỡ trận chính vì những bất nhất ấy, và dư luận bắt đầu trở nên lo lắng vô cùng rằng, trận đánh lớn sắp tới Bộ Giáo dục đánh cho ai, đánh vì ai, và thắng lợi của trận đánh sẽ thuộc về ai đây?
Mong mỏi của nhân dân đối với Bộ Giáo dục là, trước khi bắt tay vào trận đánh lớn đổi mới căn bản giáo dục nước nhà, cần một “trận đánh trong chính ngành giáo dục” để giành lại nhận thức, trách nhiệm, lương tâm của toàn ngành.