Chương 3
MAY RỦI – RỦI MAY
“Ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Rất may đa số các bạn trẻ không phải xài những loại chăn có rận như vậy, nhưng không phải vì thế mà chúng ta cứ giấu đầu vào đống cát, để tránh không nhìn thấy những con sư tử.. rận. Chỉ có lũ đà điểu ngớ ngẩn ở Châu Phi, mới chọn cách xử thế như vậy.
Thường rủi là rủi
Thuờng may là may
Mấy ai hiểu đuợc
Có khi rủi lại hay…
Lí do việc trốn bố mẹ lên chơi Hà Nội một chuyến cho đã đời của hai cu cậu Thăng và Hoan, là do suốt cả năm học sáng nào chúng cũng bị nhốt trong nhà, bị niêm phong cửa bằng những chiếc khoá to đùng ngã ngửa. Nhiều lúc hai thằng bé thấy khao khát đuợc ra ngoài sân đá cầu với nhau, còn mãnh liệt hơn niềm khao khát tự do của ông Thần Khổng lồ bị nhốt trong chiếc lọ, bị Thượng Đế gắn xi niêm phong rồi quăng tũm xuống đáy biển sâu.
Tuy nhiên “ở trong chăn mới biết chăn có rận“, đó là câu bà Mại Đủ Thứ vẫn hay dùng, khi có vụ bình luận chuyện gì đó với bác Khoá Buồn mà Vui Tính. Hai đứa nhìn thấy “con rận” lần đầu tiên, là khi nghe Má Nốt ruồi nói “Hải Dương chẳng có gì mà nhá, phải lên đây kiếm sống… Bọn tớ chẳng đựơc ngồi trong nhà đâu…”
Hai tên “dế” thì khao khát đuợc ra khỏi nhà, trong khi đám ấy lại buồn vì chẳng đuợc ngồi trong nhà. Sao lại có chuyện lạ thế nhỉ? Nhưng chẳng lâu la gì hai tên đã thấy rằng, việc chạy nhông ngoài đuờng chẳng phải là điều quá hay hớm, nhất là khi phải dè sẻn từng chiếc bánh mì, từng chai nuớc lúc tìm không thấy nhà bà cô thằng Hoan. Không kể những đứa bạn mới quen như Chôm Chỉa, cu Bi, cu Ti.., ngoài việc phải tự kiếm đủ miếng ăn cho bản thân, còn muốn chắt chiu đóng góp với ông bố già yếu, để đứa em gái có thể hàng ngày xách cặp nhảy chân sáo đến truờng.
Đấy mới chỉ là lật một góc chăn. Nếu chui hẳn vào chắc hai đứa sẽ thấy đàn rận nhung nhúc ra sao. Có điều rằng ngay đối với những ai bắt buộc phải đắp những chiếc chăn có rận, nếu đủ bản lĩnh hoặc học được cách thích nghi, thì vẫn sống tương đối thoải mái với cái giống ranh ma chuyên hút máu người ấy, thậm chí lũ rận cũng phải chừa ra, không dám đốt đâu. Không tin các bạn cứ thử theo dõi xem lũ trẻ trong nhóm Bạch Dương thích nghi ra sao.
Cu Bi là một ví dụ về cách sống chung với rận và những chuyện may rủi của cu cậu. Khỏi cần phải dở các cuốn sách dày cộp, tìm những câu búa bổ của các cụ râu ria ngày xưa để lại làm gì. Ngay bác thợ chữa khoá cùng xóm với Thăng “Mèn” cũng có một câu tủ : “Trong cái rủi có cái may“. Cái nhà bác Khoá Buồn mà Vui Tính này cứ tuỳ trường hợp mà giải thích. Thăng và Hoan đã cùng đuợc nghe bác ấy kể câu chuyện “Tái ông mất ngựa” như sau:
“Ngày xưa có ông lão tên là Tái (gọi theo kiểu nho nhe là Tái ông), một hôm vào rừng hái nấm thì bắt đuợc một con ngựa ở đâu lạc đến. Khi dẫn ngựa về nhà, mọi người đến xem đều khen rằng đây là con ngựa hay, và chúc mừng ông Tái may mắn. Ông lão đáp ” Cũng chưa biết đó là phúc (may) hay họa (rủi)”. Cậu quí tử nhà ông Tái thích con ngựa lắm, ngày nào cũng cuỡi nó đi chơi. Con ngựa này phóng rất nhanh, nhảy rất cao khiến bọn bạn cậu chàng lác mắt. Thế rồi xảy ra việc hay xảy ra, như đối với các cậu ấm có chiếc xe phân khối lớn ngày nay, đó là tai nạn. Cậu Tái con bị ngã gãy chân (may mà không gãy cổ!)
Người ta kéo đến chia buồn với Tái ông. Cái ông lão kì cục này vẫn bình thản như không, chỉ bảo “cũng chưa biết là họa hay là phúc”. Năm sau thì lão Vua nuớc ông Tái bỗng dưng sửng cồ, quại nhau với nước láng giềng, ra lệnh động viên tất cả đàn ông ra trận, đánh nhau chí chết. Anh chàng Tái con do ngã ngựa què chân nên không phải đi lính. Tuy có đôi chân “chấm-phảy” nhưng do đất nuớc trở nên thiếu đàn ông, nên anh chàng cũng cưới đuợc tới năm cô vợ xinh đẹp, đẻ cho Tái ông lúc nhúc cháu chắt…”
– Giả thử vào một ngày thuợng thọ đẹp trời của ông lão Tái, dân làng kéo đến chúc mừng ông cụ về việc có con đàn cháu đống, thì nhãi ranh bay thử nghĩ xem ông hâm này sẽ trả lời ra răng? – Khoá Buồn kết thúc chuyện kể bằng một câu hỏi đối với hai anh nhãi.
Cái bác mũi đỏ cà chua này rất hay vặn hỏi bọn chúng như vậy. Trong khi Hoan ta còn đang gãi đầu thì Thăng đã đáp ngay “Dễ ợt, khi người ta chúc mừng thì cứ bảo chưa biết là may hay rủi, còn khi người ta chia buồn thì bảo chưa biết là rủi hay may…”
– Ái dà, anh cu này, cũng khôn như rận đấy nhỉ!
Quả thật Thăng ta có hơi phổng mũi vì câu khen của Khoá Buồn. Mỗi tội phổng hơi bị lâu, nên chưa kịp đưa ra câu đáp đúng cách vừa đuợc học, đã nghe thấy tiếng “ông Bói Cá” (là cách cu Thăng gọi trộm vía bố nó, lúc phải chịu chuyện gì oan ức):
– Thằng Thăng kia! Thì ra mày ở đây à?! Mưa phùn mẹ mày phải sấy chiếc quần trên lò than, để mày có đồng phục đi dự mít-tinh. Đã dặn phải canh chừng khô thì cất đi ngay, thế mà bây giờ cháy thủng một lỗ ở mông rồi. Cái chân hay nhót này, nhót này!- Mỗi tiếng “này” là một thế “nhuyễn tiên” (tức là cây roi mây nếu gọi theo cách của truyện chưởng Kim Dung) đi kèm theo. May mà cu cậu kịp dùng “lăng ba vi bộ” để tránh thoát đuợc roi thứ hai. Thế là cả hai thằng chạy vội về nhà, không còn thời gian để phân định xem việc nhận roi mây vào đít là họa hay phúc nữa!
Quay lại với cu Bi. Cậu bé bán báo này tất nhiên không quen biết Khoá Buồn, chưa bao giờ ngẫm nghĩ xem những sự kiện đã gặp suốt cuộc đời… mười một tuổi của mình là họa hay phúc. Thằng bé chỉ dần dà biết tìm cách tránh những gì có thể gây ra rắc rối, tìm đến nơi nào không bị ai mắng mỏ mà còn bán đuợc nhiều sách báo hơn chỗ khác. Tức là tìm cách sống chung với lũ rận trong chiếc chăn mình phải đắp, và vô hiệu hoá vết cắn của chúng càng nhiều càng hay.
Tuy không đuợc đến truờng nhưng trong thời gian ở nhà Má Nốt ruồi, cu cậu đuợc bố anh ấy dạy cho nhiều điều. Bản chất tuy nhát ma, có thời kì đã bị “tâm thần mãn tính” do quá nhạy cảm và chịu nhiều tang tóc, nhưng phải nhận rằng nó là thằng bé khá thông minh. Nhờ thế mà cu cậu đã đọc thông viết thạo, công trừ nhân chia ba bốn con số một cách ngon lành, tóm lại là dư “trình độ văn hoá” để hành nghề mua bán sách báo cũ mới. Một an ủi lớn đối với cu cậu là bây giờ tuy phải tự kiếm sống, nhưng tha hồ mà đọc các cuốn sách truyện, còn phong phú hơn nhiều những câu chuyện bà ngoại kể cho nghe hồi lên bốn, lên năm.
Dù sau này có nơi “đất thơm cò đậu” khác ở bãi Phúc Xá, đám trẻ vẫn giữ tên cũ là nhóm Bạch Duơng. Chúng chỉ tụ họp vào buổi tối, ăn cơm chiều và ngủ chung với nhau. Ngay từ sáu giờ sáng- có tên sớm hơn- đã mỗi đứa một thứ đồ nghề tản đi khắp nơi. Má Nốt ruồi hôm thì mang bay, thuớc đến làm nề cho gia đình nào thuê muợn, hôm thì mang đồ mộc đi sửa hòm tủ hay cửa, cổng. Cũng nhiều hôm đi tay không, chờ một công việc “bốc vếch” nào đó, nhưng chỉ cu Bi biết rằng lúc nào anh ấy cũng có một cuốn sách giấu trước bụng. Luôn tranh thủ mọi thời gian để học cái nọ, cái kia là điều ông bố
thương binh- từng là chỉ huy đặc công nổi tiếng- căn dặn đứa con bị đuổi học một cách oan uổng, cũng là quyết tâm của cá nhân anh chàng, với hy vọng một ngày nào đó thực hiện mong mỏi của bà nội “ai giàu ba họ, ai khó ba đời…”
Cu Bi ban đầu rất ngố, nó ôm cái hộp gỗ dán, do anh Thiên đóng cho từ ở quê đến nhận báo ở đại lý, rồi chạy đi khắp các phố, có ngày sướt đỏ một bên sườn vì chiếc hộp cọ vào. Chật vật lắm, cu cậu mới hoà hoãn đuợc với những vụ nổi loạn của cái dạ dày bé con mà rất hay thắc mắc. Má Nốt ruồi mải học hành, trau dồi những thứ gì đó, nên nhiều lúc túi nhẵn như đít ếch, chẳng thể giúp gì cho nó, ngoài việc nhờ một ông chủ nhà quen biết bảo lãnh cho cu Bi, để nó có thể đến đại lý Bưu Điện xin nhận báo. May còn có Duơng- Chôm chỉa, cu cậu này đã có địa bàn và tay nghề đánh giày khá siêu, đem lòng thương hại đứa đồng hương, nên truyền cho Bi ta một “bí kíp võ công” là “chiêu” kết hợp mua bán sách báo cũ, còn hào phóng cho vay vốn không lấy lãi.
Không ngờ “chiêu thức” của Duơng-Chôm chỉa rất là hay. Thẩn nào thiên hạ có câu “buôn thất nghiệp lãi quan viên“, ý nói nhìn vào công việc làm ăn buôn bán thì có vẻ thúng mẹt, nhưng thực tế tiền lãi lại cao so với số vốn bỏ ra. Truớc kia Bi ta chỉ chạy rao ngoài đuờng, giờ thì thằng bé chui cả vào các ngõ. Vào trong ngõ mới dễ mua đuợc các loại sách báo cũ, đôi khi nguời ta còn cho không mấy tờ báo hay vỏ hộp các-tông rách. Không phải người ở trong ngõ thì không đọc hay không mua báo đâu nhé! Có lần một bà cụ vẫy thằng bé, bảo nó đứng ngoài song cửa sổ đọc cho cụ nghe cái tít nó vừa rao. Thì ra cụ quan tâm đến việc tìm hài cốt liệt sĩ, trong trận chiến đấu giữ chợ Đồng Xuân ngày xửa ngày xưa.
Bi chỉ mất có bốn phút đọc cái tin ấy cho bà cụ. Nghe xong cụ vừa chùi đôi mắt kèm nhèm vừa dúi cho nó một nghìn tiền xu (bằng giá của bốn tờ báo). Hai bà cháu giằng co nhau mãi vì thằng bé không chịu nhận tiền, cuối cùng nó phải cầm hai cuốn danh bạ điện thoại cũ dày cộp, vì bà cụ bỏ chúng ra ngoài rồi đóng cửa sổ lại. Hoá ra con dâu cụ làm ở ngành Bưu Điện, nên đôi khi đưa về nhà những cuốn như vậy, mặc dù nhà cụ không có điện thoại.
Biết truyện cu Dương liền phát biểu: “Tâm thần mãn tính mà khôn ra phết, hai cuốn danh bạ này bán chè chai phải mua đuợc mười tờ báo mới đấy!”
– Thánh nhân đãi kẻ khù khờ! – là nhận xét của Má Nốt ruồi.
Giờ thì Bi đã để chiếc hộp gỗ dán đựng vài bộ quần áo ở “chung cư”, sắm đuợc chiếc túi dết như của mấy ông Tây ba- lô đeo vào nguời cho dễ mang vác. Đã có đồng ra đồng vào để nếm thử cho biết mùi những loại quà bánh, không hề có ở quê nhưng nhan nhản ở hè phố.
“Thánh nhân đãi kẻ khù khờ“. Câu này ngẫm ra đúng với kha khá truờng hợp của Bi ta. Tất nhiên không kể những lần thánh không đãi mà lại giáng họa. Nhưng cu cậu không nghĩ đấy là do thánh giáng, theo luân lý mà bà ngoại kể cho nghe từ khi bé tí bé teo, thì đó phải là bàn tay của quỉ.
Đấy là khi nhóm Bạch dương đã tập họp trở lại, sau gần nửa năm tan đàn xẻ nghé, chỉ có nó với Má Nốt ruồi là đi đâu cũng có nhau. Mãi đến khi mượn đuợc ngôi nhà để không ở ngoài bãi Phúc Xá, cả bọn mới dần dần tụ tập trở lại. Lần ấy nó láng quáng vào phòng đợi tàu ở một ga ngoại ô, chưa rao thì đã có người vẫy. Đó là một thanh niên đeo kính đen ngồi cạnh một tay quần Jin, giày A-di-đát. Tay đeo kính đen nhón một tờ Công An Nhân Dân lên đọc, sau đó hắn nhón hai tờ báo khác đưa cho tay ngồi cạnh.
Thằng cha đeo kính đen đọc to: “Một thanh niên đang ngồi nói chuyện với hai bạn gái ở bờ sông thì bị hai tên côn đồ hành hung, hai cô gái bị chúng cuỡng hiếp…” Hắn cười hô hố:
– Một thằng ngồi với hai đứa, trong khi hai thằng chẳng có đứa nào thì phải san sẻ chứ. Tin thế mà cũng đăng…!
Đợi cho hai cái mồm ngoác ra đã khép bớt khẩu độ, cu Bi lễ phép:
– Các chú cho cháu xin tiền báo…
– Tiền cái gì? – Kính đen quắc mắt – Chúng tao phải đọc xem có đáng mua báo không đã. Hiểu chưa?!
Thằng bé bán báo hoang mang vì chưa gặp truờng hợp như thế bao giờ. Nó thấy một chị nhân viên nhà ga phẩy tay ra hiệu bảo nó nên bỏ đi, tuy nhiên cu cậu tiếc ba tờ báo và ức trong bụng, cứ đứng nấn ná. Nó nhìn quanh phòng đợi vắng vẻ vì hành khách vừa lên hết chuyến tàu vừa khởi hành. Chẳng ai có thể bênh vực, nó chỉ có một Má Nốt ruồi, nhưng anh ấy không phải là Phật Bà nghìn mắt nghìn tay để có mặt ở khắp nơi.
Đành bấm bụng bỏ đi. Nhưng đã là bàn tay quỷ thì đâu dễ chấm hết như vậy, vì đặc tính của quỷ là thích đùa dai.
– Thằng kia, mày tuởng bỏ đi thế là xong à?! Mày có biết địa bàn này là của ai không? Tay mặc quần Jin quát lên.
– Địa.. địa bàn gì ạ? – Bi bỗng thấy run vì nó là đứa nhát ma nhất nhóm Bạch Duơng.
– Không đứa nào đuợc phép bán báo ở đây, ngoài thằng kia ra – Hắn chỉ tay ra cửa chính, có một thằng bé cũng bán báo nhưng lạ huơ lạ hoắc, cu Bi chưa nhìn thấy bao giờ.
– Để chồng báo của mày xuống sàn – Kính đen quắc mắt – Thằng kia! – đấy là hắn quay sang ra lệnh cho thằng bé ngoài cửa – Đem chồng báo của nó đi bán, tối về nộp tiền cho các đại ca nghe chưa?
Thấy thằng bé kia nhanh nhẩu chạy lại, Bi tính đánh bài tẩu mã (là môn bỏ chạy như ngựa ấy mà!), nhưng thằng quần Jin đã đứng lên tung một “cuớc A-di-đat” khiến chồng báo trên tay nó văng tung toé xuống nền nhà, hắn còn phát một “chưởng cách không” nhằm vào đầu thằng bé để thị uy.
Thực là “vô kế khả thi” – có nghĩa là chẳng còn cách giải quyết nào với bọn quỷ này – cu Bi đành nuốt nuớc mắt chạy ra ngoài. Nhà ga thì lúc nào cũng vậy, khi thì đông nghìn nghịt lúc lại vắng như chùa bà Đanh, chẳng thấy một chú công an hay một anh bộ đội nào, để có thể nhờ họ ra tay “đại hiệp” giúp “duy trì công đạo” cho thế gian này.
Ngoái nhìn một cách đau xót chồng báo đã không còn là “sở hữu cá nhân” của mình lần nữa, thằng bé đành xốc chiếc túi dết chưa bị tịch thu rời khỏi mảnh đất không đắc địa chút nào. Đó thực sự là một ngày rủi, giá đã đuợc nghe câu chuyện “Tái Ông mất ngựa” như Thăng và Hoan chắc cu cậu sẽ biết cách tự an ủi, và giá nó chịu khó đọc cho hết cuốn “AQ chính truyện” thì có thể sẽ bắt chuớc nhân vật của nhà văn Lỗ Tấn, văng ra trả đòn bọn quỷ bằng câu nói nổi tiếng: “Chúng mày bắt nạt ông khác gì bắt nạt bố chúng mày!...”
Rủi thì như vậy đấy, không biết rồi rủi có biến thành may hay không lại phải đợi hạ hồi phân giải, theo cách viết của truyện dã sử nuớc Tàu. Nhưng cái anh cu “tâm thần mãn tính” này còn gặp những chuyện thực sự là li kì rụng rốn nữa cơ.
Từ ngày kiếm ăn đuợc do việc bán báo kết hợp mua bán sách báo cũ, cu Bi hay lang thang đi khá xa. Đi như thế có những cái hay. Thứ nhất là nhiều khi mua đuợc kha khá sách báo cũ với giá bèo, thậm chí có đứa bằng tuổi nó đem một bó sách giáo khoa hai lớp năm và sáu ra, chỉ để đổi lấy quyển năm của bộ chưởng Thiên Long Bát Bộ đã cũ rách. Chẳng được đi học nhưng thằng bé bán báo trọng giáo khoa thư ghê gớm. Nó căn vặn thằng kia:
– Này, sách giáo khoa sao đằng ấy lại đem đi đổi chác. Học qua rồi thì giữ lại cho em hoặc đứa nào bé hơn nó học…
– Giáo khoa bây giờ in năm nào học năm ấy – nó ngắt lời cu Bi – Giả dụ có học đúp hai năm lớp sáu thì vẫn cứ phải mua bộ mới, nếu không muốn đúp lại năm thứ ba. Mày quê thế nhỉ! – Thằng này chê đứa bán báo “nhà quê” trong khi nó đang ở làng, còn Bi ta chẳng gì cũng là dân… bãi Phúc Xá, Bi nghĩ thế nhưng nó chẳng phản đối.
– Với lại không biết thằng nào củm mất tập năm của bộ truyện này ở cửa hàng cho thuê truyện làng tao mày ạ. Tao đọc đang thích mê tơi lên.
Thôi đuợc đổi thì đổi, chẳng gì nó cũng là thượng đế cơ mà – cu Bi nghĩ thế.
Càng ngày đôi chân càng đưa thằng bé bán báo đi lang thang xa hơn, tất nhiên cũng chỉ trong khoảng thời gian từ sáng sớm đến truớc bữa ăn tối nửa giờ đồng hồ. Nhưng có một lần cậu chàng phá lệ khiến cả nhóm Bạch Duơng lo lắng, truớc giờ đi ngủ mà chưa thấy bóng dáng “tâm thần mãn tính” đâu cả, có đứa độc mồm đã đoán “hay nó bị bọn nào bắt cóc bán đi Trung Quốc rồi!”
Má Nốt ruồi càng lo khi thấy đêm đã khuya mà cu Bi không về. Hầu như đêm đó anh hai của nhóm không ngủ, thỉnh thoảng lại đi ra tận phố để ngóng xem có tin tức gì không.
Nhưng cho đến tận sáng hôm sau vẫn chẳng có một chút bóng chim tăm cá.
Cu Bỉ cu Bi.
Vẫn đi
tìm mua, tìm bán,
tối về ngủ khì..
Cu Bỉ cu Bi
Sao lại đi,
đêm không về thế
Gặp chuyện gì?
N.C