Bạch dương – Truyện cho thiếu nhi của Ngọc Châu

Chương 7

CON NGỰA THÀNH TƠ ROA 

 

Khi  mỏ không đủ cứng như con chim chào mào để mổ quả đào vỡ toang toác ra, thì làm theo kiểu con sâu, tìm cách chui vào trong ruột quả, chén từ trong chén ra sẽ dễ dàng hơn. Đấy là cách mà xưa nay người ta gọi là dùng “con ngựa thành Tơ roa”

                                                Con ngựa Tơ-roa

Giống hệt chúng ta.

Nhưng hãy liệu đấy,

kẻo mà…

– Chạy! Thật khẽ thôi nhá – Khi thấy Bi đã đứng lên đuợc, thằng Ban ghé tai nói thế rồi lôi nó chạy đi.

– Nấp đã. – Nó lại kéo Bi đang chạy quính quáng chúi vào dưới đám lá ở bụi cây, cách đó quãng vài ba chục mét.

Thực sự thì chính cu cậu cũng muốn chạy cho nhanh, thoát càng xa càng tốt đám người bất nhân đang định chôn sống cả hai thằng. Nhưng mấy năm nay không có ai để dựa dẫm nên nó tỏ ra khôn hơn cu Bi. Nếu như ngoái nhìn lại mà thấy thấp thoáng bóng người, hai thằng sẽ nằm bẹp xuống lẩn sâu vào bụi. Tối trời thế này họ sẽ không phát hiện ra chúng.

Mấy phút trôi qua yên ắng, hai thằng lại khom người nhằm bụi cây phía truớc chạy đến, nấp vào để quan sát tình thế. Nghe ngóng một lát rồi mới lẩn theo bóng tối thoắt sang bụi khác. Mấy lần như vậy, khi đã xa hẳn chỗ ba người đàn ông rồi, chúng mới dám theo con đuờng mòn chạy một hơi xuống khu rậm rạp phía duới. Lúc đó trăng mờ hé ra, chúng vừa dừng lại nghỉ vừa quan sát xem có ai đuổi theo không, rồi lại vắt chân lên cổ để chạy về tới tận ngôi miếu hoang.

Qua đuợc cơn hổn hển, Cu Bi vừa muốn cất tiếng thì thằng kia gạt đi:

– Khoan đã mày, sau hãy hay! – Nó nhanh thoăn thoắt thọc tay vào lỗ hổng duới bệ miếu, lấy ra tập tạp chí giấu ở đó. Sau đó lại lôi Bi chạy như  bị ma đuổi ra đến đuờng cái, huớng về phía nhà ga.

Chúng ngồi xuống thềm nhà ga, đã bắt đầu có hành khách đợi chuyến tàu sớm, mồm mũi tranh nhau thở. Tận lúc này cu Bi mới để ý đến việc thằng Ban chẳng còn nẹp niếc gì ở tay trái nữa. Ơ! Tay nó gãy phải bó lại cơ mà? Làm sao khỏi nhanh thế đuợc?

– Tay mày, tay mày…- Cu Bi lắp bắp.

– Khỏi rồi mày ạ- Thằng Ban cười tinh quái –  Không phải bị gãy đâu.

– Thế ai tháo nẹp cho mày?

– Tự tao tháo ra đấy!

Bi tròn mắt vì ngạc nhiên, thằng Ban  sau đó mới kể lại mọi chuyện, tuy thỉnh thoảng cũng liếc ngang liếc dọc, chỉ sợ ba lão đào mả bất chợt xuất hiện.

Dù có trí tưởng tượng khá phong phú nhưng cu Bi cũng không thể nghĩ  được rằng, việc thằng Ban trả lại tiền và rủ nó đi bán báo trên tàu không phải là ý của nó. Đều là do Kính Đen sai khiến. Thằng cha này vốn có mối làm ăn với bọn đầu lĩnh “Cái Bang” đã bị Má Nốt ruồi tống khứ trong vụ “nuớc sông trộn lẫn nuớc giếng”. Tuy phải ôm đầu máu tháo chạy trong lần đụng độ ấy nhưng sự cay cú và thèm muốn vẫn còn. Không chỉ vì chuyện ngôi nhà, mà còn vì chúng đã vươn vòi bạch tuộc tóm gần hết bọn trẻ lang thang  vào đội quân ăn xin của chúng, hoặc các nhóm hành nghề lặt vặt khác. Ngày ấy ý tưởng này của bọn ma-phi-a cặn bã là điều mới toanh đấy, vì làm đuợc điều ấy thì bọn đại ca cứ việc ngồi mà thu tiền, lũ nhãi con đuờng phố phải chịu trách nhiệm cống nạp, không cúng nạp đủ thì chúng tẩn cho. Người ta cứ nghĩ rằng chính quyền dần dà sẽ quét sạch đuợc bọn chúng và các tệ nạn xã hội khác cũng sẽ không còn. Hương Giang (là con sông ở xứ Huế) rồi sẽ thơm nức, như  một nhà thơ vĩ đại nào đó đã tiên đoán từ lúc ông nội hai anh cu Ban, Bi hãy còn “thò lò mũi xanh, mặc quần thủng đít, chạy quanh chõng bà”. Nhưng “Nu, pa-ga-di” (tiếng Nga nghĩa là hãy đợi đấy), vì còn lâu nhá!

Cả khu Gia Lâm và hai đầu cầu sông Cái (là tên gọi khác của Sông Hồng ấy mà) duy nhất chỉ có đám Bạch Dương là vẫn lang thang kiếm sống một cách hồn nhiên, dưới sự bảo trợ của anh chàng có nốt ruồi ở má. Vậy nên khi phát hiện ra thằng bé bán báo bị trấn lột có lẽ là em của Má Nốt ruồi, bọn chúng đã nghĩ ra kế hoạch cho thằng  Ban, cũng là trẻ bán báo, phải làm quen và xâm nhập vào nhóm ấy. Khi  mỏ không đủ cứng như con chim chào mào để mổ quả đào vỡ toang toác ra, thì làm theo kiểu con sâu, tìm cách chui vào trong ruột quả, chén từ trong chén ra sẽ dễ dàng hơn. Đấy là cách mà xưa nay người ta gọi là dùng “con ngựa thành Tơ roa”. Cái điển tích này nếu cô cậu nào chịu khó đọc bản trường ca “I-li-át và Ô-đi-xê” ở sách giáo khoa cấp hai thì biết đuợc ngay.

Khi thực hiện nhiệm vụ của Kính Đen thằng Ban nghĩ là việc dễ, thậm chí còn thấy hay hay vì thằng Bi tỏ ra hiền lành, cả tin. Mà cùng bán báo với thằng Bi này cũng vui, mát tay ra phết.

Nhưng như trên đã nói, ai biết đuợc chữ ngờ. Tưởng chỉ vài buổi đi tàu bán báo với nhau thì đã quen thân, có thể xin vào  nhóm Bạch Dương đuợc ngay, nhưng một ngày chưa qua mà quỷ ma đã gặp. Lúc chiều chạy chơi ở sau nhà ga nó đã thấy ba lão này thập thò quanh đấy. Họ vẫy nó đến gần, dụ dỗ đi đào tam thất với sâm bách tuế, nhưng nó không nghe và cảnh giác chạy về nhà ga khi thấy họ muốn giữ  mình lại.

Không thể để thằng Bi ở lại một mình vì sợ Kính Đen trừng trị, nhưng đúng vào lúc nhảy xuống từ trên chiếc xe chở cọc tre thì nó nhìn thấy ba người đàn ông lúc chiều. Anh cu nhập vai “con ngựa thành Tơ roa” này  khá ma lanh, liền giả vờ bị gãy tay để  họ không thể bắt đi đào bới xới móc gì đó. May là trời đã sẩm tối nên trò giả vờ của cu cậu không chỉ qua mắt đuợc thằng Bi, mà còn làm cho cái ông tên là Ba phải trổ tài lang vườn ra chữa trị.

Đi cùng ba người đàn ông lên núi, “Tâm thần mãn tính” với bản chất nhát ma, cái gì cũng sợ đã có phần tị với thằng Ban về chuyện nó đuợc nằm khoèo coi đồ trong đền. Nhưng giả dụ phải ở lại đấy một mình thay cho “Tơ roa” thì không hiểu cu cậu sẽ ra sao? Chắc chắn các hiện tuợng đông máu, vỡ mật, teo gan, hoặc xanh mắt, thắt bọng đái, tím tái mặt mày..- tức là các biểu hiện của việc quá sợ – sẽ đồng loạt xuất hiện khi một mình nó ở lại trong ngôi đền bỏ hoang, giữa rừng đêm tối tăm.

Cu Ban cũng không phải là đứa to gan lớn mật gì, chỉ không quá nhát như anh cu “Tâm thần mãn tính”. Nó bật  một que diêm lên nhìn, thì thấy đúng là đền hoang vì bệ thờ trống trơn, không có thứ gì để người ta cúng lễ như ở các đền chùa khác. Tuy nhiên cũng có  một vài chân nhang nghiêng ngả cắm vào kẽ nứt của bệ, chắc thỉnh thoảng có ai qua lại hoặc đi tảo mộ, sẵn nhang  người ta thắp vài nén. “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành“- xóm láng của nó người ta hay bảo thế.

Dẫu sao ở trong đền cũng tốt hơn ở ngoài, cứ thắp huơng lên thì thần linh sẽ về- “Tơ roa” nghĩ vậy nên nó đốt ba cây hương cắm vào bệ, bắt chước nguời lớn mồm cũng lắp bắp:

– Con kính lạy các..cụ (các cụ gì nhỉ?- nó nghĩ trong bụng rồi chợt nhớ ra) Kính lạy các cụ Thần hoàng Thổ địa (ngày truớc mẹ nó vẫn khấn như thế truớc cái ban thờ nho nhỏ xây bằng xi măng ở ngoài sân, phía đầu hồi). Kính lạy các cụ..

Cu cậu không nhớ được cụ gì tiếp theo thành ra bài khấn  của nó hết sức tả-pí-lù, thập cẩm lắm, nhắc tới cả Tiên, cả Phật, ông Thiện, ông Ác cũng như ma quỷ…

Cu Ban này không đến nỗi động tí là sợ như  thằng Bi. Ngày xưa, khi bố mẹ còn xum họp, “Tơ roa” cũng được đi học, không dốt lắm nhưng cu cậu rất mải chơi. Nhưng rồi mẹ nó đi lao động nuớc ngoài, sau hai năm báo tin về là đã lấy một nguời ở bên Đức. Sau đấy một năm nữa thì bố nó lấy vợ khác, chính xác là về ở với một bà góa có hai đứa con, mở cửa hàng cầm đồ ở phố chợ. Bà này không muốn nuôi thằng con riêng của chồng nên tìm mọi cách hắt hủi, thậm chí dùng cả những biện pháp thâm độc để tống cổ bằng đuợc thằng bé ra khỏi nhà mình. Chuyện của nó nếu kể hết cũng dài như  chuyện.. đời của “Tâm thần mãn tính”.

Chịu nhiều khốn khổ, chẳng trông cậy được vào ai nên thằng Ban có tính tự lập khá cao. “Vợ bố không cho ở cùng thì đi bán báo vậy” – thằng bé quyết định như thế một cách chóng vánh, phần nào cũng mang tính cách của mẹ đẻ ra nó. “Không trông nhờ gì đuợc vào loại đàn ông như bố mày đâu”, đấy là câu mẹ nó nói với nó, lúc gạt nuớc mắt theo một bà cô họ xa sang Tiệp Khắc lao động.

Dẫu không là đứa nhát ma, nhưng ngồi nửa trong nửa ngoài một mình ở bậu cửa ngôi đền hoang, giữa miền rừng núi tối thủi tối thui, đến nguời lớn cũng còn hãi nữa là. “Tơ roa” vốn hay tò mò nên lại bật một que diêm nhìn bao quát bên trong đền. Trên tường phía trái người ta vẽ hình một con thú gì đấy, chẳng ra Kì lân, cũng không ra Sư tử, ánh sáng nhập nhèm khiến bức hình trông như ngáo ộp, làm cu cậu  thấy kinh kinh.

Lúc nhảy xuống xe, tuy  giả vờ ngã lăn ra nhưng cánh tay trái cũng hơi bị đau. Nhờ có bó thuốc bằng thảo dược hơ nóng của cái lão tên là Ba bó vào, bây giờ chẳng còn hề hấn gì nữa.

Hay là mình quay về nhà ga, tội gì ngồi mãi ở đây?- “Tơ roa” tự đặt ra câu hỏi nhưng nghĩ tới Kính Đen nó lại sợ. Nó đã bị các Đại ca tẩn một lần, đứa nào đã bị tẩn đều tởn đến già, vì những thằng lưu manh đã nhẫn tâm bóc lột bọn trẻ con lang thang như thế rất là tàn ác.

Cuối cùng “Tơ roa” quyết định đi theo, xem ba lão ấy làm cái gì mà cần đến trẻ con giúp việc. Nó tự tháo hai đoạn tre nẹp ra để dễ đi lại. Báo của nó và thằng Bi ngày hôm nay đã bán gần hết, chỉ còn lại vài chục cuốn tạp chí, “Tơ roa” giấu vào lỗ hổng dưới bệ thờ rồi quyết định theo con đuờng mòn leo lên núi. Lúc ấy trăng lưỡi liềm ló ra một lát. Nó chợt để ý thấy ngoài con đường rậm rạp quanh co chúng vừa lên đây theo ba người lớn, còn có một đường mòn khác to hơn hướng thẳng xuống phía đuờng nhựa, xa hơn nữa là khu nhà ga có ngọn đèn mờ mờ.

Sao họ không đi theo con đuờng to để lên đây nhỉ? – “Tơ roa” nghĩ vậy nhưng rồi nó quay lên, cả quyết đi theo con đuờng mòn họ đã dẫn thằng Bi đi lúc sẩm tối. Mấy lần đứng ngần ngừ vì gặp đuờng mòn tắt ngang, xong thằng bé lại tiếp tục đi thẳng. Đến một lúc nó hoang mang, nghĩ rằng mình đã chọn không đúng con đuờng mà người ta đã đi, định quay xuống thì hình như có ánh sáng loé lên giữa đám cây xanh xa xa bên trên. Sau đấy lại không thấy gì nữa, nhưng việc đó đã khiến “Tơ roa” thêm quyết tâm để leo lên.

Tới cái bãi tương đối bằng phẳng, có con suối chảy qua rừng cây xanh thì nó nhìn thấy có vật gì đen đen ngọ ngoạy ở phía ngoài. “Có con thú gì đấy”- thằng bé hoảng sợ nghĩ vậy. “Tơ roa” vội ngồi thụp xuống, chộp một hòn đá phòng thân.

Nhìn thêm một lát nó thấy đó không phải là con thú,  mà là người nằm dưới đất. Vẫn chưa nghĩ rằng đó chính là thằng Bi. Quan sát thêm thì nó hốt hoảng thấy rằng người ấy bị trói, là một đứa bé bị trói. Chả nhẽ là thằng Bi à?!

“Tơ roa” cẩn thận tiến lại gần hơn. Đúng là thằng Bi rồi. Sao người ta lại trói nó, sao họ lại vứt nó ở đây? Vậy họ đi đâu?

Tự dưng nó thấy sợ. Trong khi thằng Bi nằm còng queo quay mặt sang hướng khác thì nó nhẹ nhàng lại gần, thấy rằng thằng này bẩn thỉu và ướt nhèm, bị trói chân tay rất chặt. “Tơ roa” vội vàng nép vào bụi cây đầy gai, biết đâu họ đang nhìn thấy nó và sẽ trói cả hai thằng ở đây.

Nó nghe thấy có tiếng đào bới gì đó ở bên trong rừng cây, sát  chỗ vách đá. Đợi thêm một lát không thấy ai xuất hiện mới hơi yên tâm. Đầu tiên định cởi trói ngay cho thằng Bi rồi hai đứa cùng chạy. Sau rồi tính tò mò trỗi dậy, vả lại nó rất muốn biết bọn họ làm gì, nên bụng bảo dạ cứ để thằng Bi nằm đấy đã. Nhón chân tiến vào theo vệt cành lá bị phát quang, đuợc khoảng vài chục buớc thì thằng bé nhìn thấy có ánh sáng đèn xanh xanh rờn rợn.

“Tơ roa” buớc thận trọng từng buớc, cố sao để không bị phát hiện. Nó đã nhìn thấy ba người đang đào bới liền nằm bẹp xuống, bò theo bóng tối của cành lá tới nấp vào sau một tảng đá lớn cách chỗ họ đào chỉ dăm bảy mét. Sợ đến đứng tim khi một tiễng bũm vang lên,  lúc nó thụt chân xuống vũng nuớc ôm quanh chỗ hỗng của tảng đá. Đấy chính là tảng đá cu Bi đã chúi đầu vào và bị mỏm nhọn cứa rách một vệt ở sau gáy.

Đang hăng hái đào bới, nên mấy người này chỉ nghĩ tiếng bũm đó là do đá văng ra con suối cạn. Họ đã bậy đuợc hòn đá khá to gắn vữa rất chắc ở phía ngoài, ngay dưới một tảng rất lớn, vẻ như  vẫn liền khối với vách đá núi. Sau đó toàn là những hòn cuội bằng nắm đấm gần như tròn xoe, gắn với nhau bằng thứ vữa mềm như thạch cao, có thể moi cào ra ngoài rất nhanh.

– Chắc sắp có sự lạ xảy ra đấy, dừng tay xem đã  nào – Lão cao bảo hai cộng sự.

Nhờ một cành lá xoà xuống phía bên hòn đá, “Tơ roa” có thể giấu mặt mà vẫn nhìn lén đuợc. Nó thấy ba người đàn ông bỏ cuốc xẻng xuống lau mồ hôi.

Ông Ba lên tiếng:

– Đúng chỉ dẫn không? Liệu mình moi đuợc ngôi mộ này không? Đuợc thì bẫm đây.

Té ra họ là dân đào trộm mả, thắc mắc của “Tơ roa” đã đuợc giải đáp. Việc này… việc này… , đầu nó chưa kịp nóng lên vì phải tìm từ diễn tả tính chất  của việc họ làm, thì sống lưng đã thấy lạnh buốt khi  lão cao nói:

-Chắc là ổn rồi. May ra thì không phải chôn sống thằng bé nào cả. Lớp đá cuội tròn này chẳng mấy chốc cánh ta sẽ moi ra hết. Chắc sau đấy sẽ nhìn thấy quan quách.  Nào, dấn lên đi!

Họ lại cầm lấy cuốc thuổng. Truớc khi giơ cây xà beng lên ông tên Ba chép miệng:

– Phải chôn sống thằng bé ngoài kia thì cũng tội..

– Làm đi! Chưa rõ thế nào đâu! Có chuyện xảy ra thì còn phải về tóm cả thằng kia đấy. Với lại nếu chôn một thằng, để một thằng thoát sau nó tố thì sao?

Hết cả hồn vía! Sau khi luồn lũi như con chuột chũi ra đuợc bên ngoài, “Tơ roa” mới dám thở mạnh. May nữa là nó kịp bịt miệng thằng Bi ngay đấy, nó kêu lên mà họ chạy ra thì chết cả hai thằng!

Nghe thằng Ban kể lại mà Bi ta cứ run như cày sấy. Nó dáo dác nhìn quanh, thấy có mấy anh bộ đội đang ngồi đợi tàu, liền kéo tay thằng Ban lại sát chỗ họ. Cu cậu ghé vào tai thằng bạn mới quen thì thầm:

– Phải để ý mày ạ. Nếu thấy có lão nào xuất hiện ở đây thì kêu to ngay với mấy anh này. Sợ lắm mày ạ, họ còn có những bùa, những ngải gì nữa cơ. Bọn đào mả là bất… bất nhân lắm đấy.

Khi đã yên vị trên chuyến tàu sớm nhất quay về Hà Nội, không còn sợ ba nguời kia lùng bắt nữa,  Cu Bi mới dám kể cho bạn nghe chuyện xảy ra đối với nó và toán nguời truớc đó. Cu cậu quả quyết rằng Đồng nhi canh mộ đã bỏ đi, (chỉ có thể là Đồng nhi thôi vì Ma Cà rồng rõ ràng không có mặt, nếu những con đỉa ấy là do Ma Cà rồng biến thành, thì lúc bị thằng Ban dứt ra chúng phải bay đi ngay, đời nào chịu để nó dẫm cho bẹp dí bẹp dị như  vậy- đó là suy nghĩ trong bụng cu cậu)

– Kinh lắm Ban ạ – Đồng nhi bất ngờ từ trong khe núi bay.. à không, chạy lao ra. Nghe rõ tiếng chân chạy thình thịch, sau đó nó đập tan đèn đi mày ạ!- Nói đến đó tóc gáy cu Bi lại dựng nguợc lên.

– Vẫn chưa đáng sợ bằng các lão ấy, mày quên rằng lão cao rắp tâm chôn sống mày đấy à? Bọn đào mộ ấy cũng không tha cho tao, vì lão cao bảo “để một thằng thoát sau nó tố thì sao”. Suy nghĩ này của “Tơ roa” rất thật lòng, vì nó đã phải chứng kiến khối chuyện tàn bạo rồi.

– À này! Hình như  cuốn sổ của lão cao còn ở trong túi dết này mày ạ. Lão Ba nhét nó vào đấy để rảnh tay gỡ gai – Bi nói.

Tận lúc đó hai thằng mới nhớ đến chiếc túi dết nhọ lem nhọ xỉu, vật bất li thân của cu Bi, vì ngoài quai đeo nó còn cẩn thận găm chiếc kim gài to giữ chắc vào cạp quần. Hai đứa thấy ngay cuốn sổ ghi toàn chữ nho, hơi bị ướt một góc, cũng thấy là cả hai thằng, nhất là thằng Bi,  bẩn không tuởng đuợc. Lúc đó trời đã sáng nên một con bé cũng trạc tuổi hai thằng, ngồi trên ghế băng gần chúng nhăn mũi ngồi nhích ra thật xa.

Tuy chẳng phải “công tử con nhà giàu”, nhưng hai anh cu “báo ơ” cũng thấy ngượng vì sự lôi thôi lếch thếch quá thể đáng, cả hai cùng lủi ra đầu toa rồi thay nhau vào phòng vệ sinh gột rửa. Dẫu không tưới ra nuớc cam lồ của Phật Bà quan âm, nhưng chiếc vòi rửa tay cáu vàng cũng giúp  cho hai thằng bé trông tươm tất lên đôi chút.

Đến lượt hai “ông anh ruột” lên tiếng.

Các “ông anh” ấy lên tiếng là phải, vì cả đêm qua hai thằng đã tiêu mất bao nhiêu ca lo cho việc leo trèo lên xuống quả núi, dẫu không cao lắm. Chúng còn phải chạy nữa, những “cua” chạy chối chết. Vừa chạy vừa sợ, mà chúng cũng đã thấy báo nào đấy nói rằng, khi người ta sợ thì năng lượng tiêu tốn không ít. Đúng thế đấy vì hồi mẹ còn ở nhà, “Tơ roa” có con chó bị bọn tròng trộm bắt đem bán cho quán “mộc tồn”, hai mẹ con tìm suốt một ngày mới chuộc về đuợc. Cậu Tun chỉ bị nhốt trong lồng sắt có một ngày một đêm chờ nguời ta cho lên đĩa, mà gày đi đến hai ba kí-lô!

Tất cả những tổn hao ấy cần phải đuợc bù đắp tức thì, vừa lúc có một chị bán xôi đậu xanh len đến. Hôm nay đến lượt Bi chiêu đãi thằng Ban một bữa xôi mệt nghỉ, cu cậu còn hào phóng mua thêm mấy cặp bánh giày dò. Mới quen nhau một ngày một đêm, mà “Tâm thần mãn tính” cảm thấy tình bạn giữa nó và thằng Ban thực sự là keo sơn. Tách chúng ra lúc này còn khó hơn việc tách đôi một cặp bánh giày, ấp vào nhau khi vừa giã xong, mà không gây vết sát dính  nào!

Các ông anh ruột vừa mới tỏ ra vừa ý, lại đến lượt đám lông mi lông mày tuyên bố đình công, cứ nhất định dính vào nhau. Hai thằng bé lẽ ra đã gục vào lưng tựa của băng ghế gỗ cứng để ngủ vùi nếu như không có việc kì lạ nữa xảy ra.

“Tâm thần mãn tính” bắt đầu lơ mơ thấy anh Dương hớn hở chạy ra đón chúng với mấy câu  vè tự đặt, như mỗi khi Chôm chỉa có điều gì đắc ý:

Chích lạc rừng  về rồi

Dẫn theo một oắt nữa,

vui!

          Mo cau đâu 

                   lót vào mông đít

Phải  gãy roi mây

  mới đáng đời…      

Nhưng chưa kịp nói gì để thanh minh thì nó và thằng Ban đã bị một lực hút bay vèo qua cửa sổ sang một con tàu khác.

N.C

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder