Chương 8
VỀ VỚI NGÀY XƯA
Hai anh cu “Tâm thần mãn tính” và “Tơ Roa” cả ở quá khứ lẫn tương lai còn có nhiều duyên nợ, nên chưa về đến nhà đã lại lạc vào một cuộc phiêu lưu mới. Lần này là do người ngoài trái đất nào đó đã bất ngờ tóm chúng từ toa tàu hỏa sang “con tàu ngược thời gian”, quay lại hàng năm trăm năm truớc để chúng cùng sống với nhau như những ngày xưa.
Về lại cái thời
Những con tê giác
Bị giết để lấy sừng
Cống nộp quân Ngô tàn ác …
…Hai thằng Ban và Bi cùng ngơ ngác, chúng dụi mắt nhìn nhau, nhưng chỉ một tẹo thôi. Chẳng hiểu sao chúng không đi bán báo mà lại đang nghịch trò tát cá ở một con suối ven rừng già. Tự dưng hai đứa gọi nhau là Lân gày và Lân béo. Lân gày (chẳng hề biết mình có tên là Bi) dùng một chiếc gàu sòng gãy cán, thủng một lỗ khá to sát mép, cố tát một hõm nuớc ven dòng suối, trong khi Lân béo (đúng là thằng bé phải làm nhiệm vụ của “con ngựa thành Tơ roa” nhưng chẳng nhớ gì đến chuyện ấy) thì cố vun bùn và cát để chặn vết rò từ ngoài suối chảy vào trong hõm.
Đã trông thấy rõ hai con chép vàng và mấy con cá nheo giương vây, cố lách ra chỗ sâu hơn vì hõm nuớc bị hai cậu bé làm cạn đi nhanh chóng. Lát nữa thì con nheo to nhất đã chịu nằm ghếch đầu trên chỗ cạn, không còn cố lách quẫy với hy vọng tìm được cách thoát thân. Việc tóm cổ cả lũ, chia nhau đem về khoe bố mẹ là không còn gì phải nghi ngờ đối với hai cậu bé, sống ở miền rừng núi hạt Đông Triều hơn năm trăm năm truớc. Thuở ấy vùng rừng núi này còn bạt ngàn hoang vu, thú vật gì cũng có mà chẳng loài nào phải liệt tên vào sách đỏ như ngày nay. Thậm chí những người dân sống bằng nghề làm nương rẫy, hái lượm hay săn bắt ở ven rừng còn bị lũ hổ, báo, chó sói, rắn rết dọa đưa gia đình họ.. vào sách đỏ là khác!
Nhưng có chuyện xảy ra làm hai thằng bé mất hứng với chiến lợi phẩm đã trong tầm tay. Gày chợt quẳng tọt chiếc gàu bẹp vào con cá nheo tuyệt vọng, thốt lên:
– Béo ơi, bố tớ lại dẫn mọi người đi săn tê giác kia kìa!
Gày nói thế vì chợt nhìn thấy một toán đàn ông, toàn là trai tráng trong bản len lỏi đi vào sâu trong rừng, ngược dòng con suối chúng đang tát cá. Họ đi lặng lẽ theo hàng một, không tiếng động và cố gắng không làm nhàu gãy cây cỏ nơi đoàn người đi qua. Bố của Lân gày đi phía sau, cùng với mấy người gân guốc nhất, người nào cũng vác một cây bùi nhùi rơm thẳng và dài trên vai. Những người đi truớc thì mang cuốc thuổng, xẻng, mai. Có người khiêng những tấm phên nứa đã cuộn thành bó. Mọi thứ đồ sắt đều được bọc kín trong rơm rạ, bên trong những cây bùi nhùi rơm mà bố nó và mấy người vác vai kia là các ngọn giáo cứng và sắc nhất.
Chính xác là mọi người đi săn tê giác để lấy sừng và da cống nộp cho lão Trương Phụ rồi. Chỉ có đi săn tê giác mới phải cẩn thận và đông trai tráng như thế kia, nhìn thấy là biết ngay dù hai cậu bé chưa được người lớn cho theo đi săn lần nào.
Có khá nhiều con vật trong rừng bị Lân béo và Lân gày ghét. Không chỉ trẻ con thời ấy mà ngay người lớn cũng có thái độ không công bằng với các con thú hoang dã, vì dẫu ranh ma ác độc như lũ cáo sói hay dữ tợn hung hăng như gấu, hổ thì mỗi con đều có đóng góp, đều mang lại lợi ích riêng cho ngôi nhà Rừng Xanh của muôn loài.
Nhưng công lớn nhất phải kể đến loài tê giác. Ngày nay tê giác bị người ta đẩy đến bờ tuyệt chủng, nếu còn nhiều như ngày xưa, thì cần gì phải dùng đến máy bay thả bom nuớc để dập các đám cháy rừng. Từ ngàn xưa muôn loài đều biết đến tài dập lửa và sự thính nhậy trong việc phát hiện đám cháy trong rừng, của loài móng guốc có một hoặc hai chiếc sừng đặc biệt này.
Mới mười hai mười ba tuổi mà Béo và Gày đã có lần suýt chết. Hai thằng không thể nào quên được lần ấy. Suýt chết vì rừng cháy, cũng suýt chết dưới lưỡi đao của quân Ngô. Quân Ngô là tên dân ta gọi bọn quân xâm lược đến từ phương bắc, chúng chiếm nuớc Việt từ khi vua Hồ Quý Ly cũng như những ông vua èo ọt cuối cùng của triều Trần thua trận và bị bắt, bị giết. Nuớc ta trở thành quận huyện của nhà Minh bên Tàu.
“Nướng dân đen trên ngọn lửa điêu tàn, dìm con đỏ dưới hầm tai vạ” là câu tổng kết tội ác của bọn chúng, cụ Nguyễn Trãi đã viết trong bản “Bình Ngô đại cáo“, mà ngày nay chúng ta được học từ những năm phổ thông cơ sở. Tuy nhiên khi Béo và Gày còn là những cậu bé thì câu ấy chưa được viết ra, cũng chẳng có trường mà học, nhưng chỉ cần nhìn đám quân Ngô của lão Anh quốc công Truơng Phụ giết hết cả làng có người chống đối, bêu hàng dãy đầu người ở cọc hàng rào, quấn ruột người vào quanh các gốc cây để thị uy, thì đã hiểu bọn chúng dã man tàn bạo ra sao.
Hôm ấy bố của Lân gày, là trưởng bản, muốn họp mặt mọi người bàn việc làng. Đó là điều quân Ngô cấm đoán. Chúng cấm nhiều thứ lắm, cấm không đuợc tự rèn nông cụ, vũ khí. Cấm tụ tập đông người, hội họp, cấm mở trường học. Ngay việc làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm trên bờ, đánh bắt cá dưới sông cũng phải nộp thuế rất nặng, gần như làm không công cho chúng. Thế nên Béo và Gày lần ấy phải giúp người lớn trong việc canh gác, báo động nếu thấy quân Ngô đến gần làng.
Công việc tưởng chừng đơn giản, hễ thấy quân Ngô xuất hiện từ xa thì hai đứa bé thổi một hai tiếng còi. Vài chị đan thúng ngồi ở gần bản hơn sẽ hú gọi, chuyển tiếp báo động vào trong làng để mọi người nhanh chóng tản đi, nhà nào về với công việc của nhà ấy.
Hai cậu bé đang ngồi trên một cây to và cao, hơi sâu trong rừng, tựa lưng vào nhau. Mỗi đứa quan sát một huớng của con đường quân Ngô vẫn hay qua lại.
– Chết, mày ơi! – Béo chợt run rẩy chộp vào tay Gày.
Đúng lúc ấy thì Gày cũng đã thấy quân Ngô. Chúng không phóng ngựa đến theo con đường hai thằng để tâm theo dõi, mà luồn rừng đi tắt từ phía sau lưng hai cậu bé. Giờ thì chúng đang đi qua ngay dưới gốc cây bùi xum xuê mà hai cậu đang ngồi. Phải đến hai chục thằng, gươm giáo đầy người, xà cạp quấn cao chống vắt trông rất dữ dằn.
Không thể kêu lên hay thổi còi báo động đuợc nữa. Đợi chúng kéo qua hết, hai thằng bé tụt vội vàng xuống đất.
– Đốt lửa, đốt lửa, thổi bùi nhùi nhanh lên Béo ơi! – Không hiểu sao Gày kịp nghĩ ra chuyện đốt lửa, nó hy vọng lửa cháy sẽ làm bọn quân Ngô quay lại dập, chí ít thì khói bốc lên cũng đánh động điều gì đó cho những người đàn ông tụ tập một cách trái phép ở trong làng.
Lập cà lập cập nhưng hai thằng bé đã làm đám cành lá khô bốc cháy rất nhanh. Chúng quăng đoạn bùi nhùi vào đống lửa, kéo nhau lẩn vào một bụi cây.
– Cháy, cháy rồi lớ!- một thằng giặc vác giáo quay lại nhìn, nó kêu như vậy khi thấy khói bốc lên.
– Cháy, cháy rừng lớ! – mấy tên quân Ngô khác cũng nháo nhác.
– Khoái, khoái à! (nghĩa là nhanh lên) – thằng chỉ huy quát quân của nó – Mặc xác Giao Chỉ lớ – Vào trảm tám (đám) trong kia, có pật (mật) báo rồi lớ, khoái, khoái à!
Quân Ngô bỏ mặc đám cháy, chúng hùng hổ luồn lách qua các thân cây, chuẩn bị cắt ngang con đường cái quan để tiến nhanh vào làng. Đang lúc hai cậu bé tuyệt vọng, không biết làm cách nào báo đuợc cho người lớn thì bỗng ba bốn con tê giác xuất hiện. Chúng lao vào đám cháy để dập lửa còn hai thằng bé thì cuống quít leo vội lên cây cao.
– Quân Ngô quay lại kìa, Gày ơi! – Béo chỉ cho bạn khi thấy bọn giặc tự dưng quay lại. Chúng nói những gì đó mà hai cậu bé không hiểu đuợc. Chợt bọn giặc đồng loạt rút cung tên, quay lại nhằm bắn vào những con tê giác, một mũi tên bọc sắt bay vèo qua mặt hai thằng bé. Chúng hí hửng vì số sừng tê bắt dân Giao Chỉ (là tên chúng gọi dân Việt ta thời đó) cống nộp, đều phải mang hết về cho bọn vua quan bên Tàu, lũ chúng làm sao có được. Giờ thì tự tay chúng sẽ có được thứ chỉ giành cho vua chúa!
“Tham thì thâm, cổ nhân dạy thế“. Những mũi tên của quân Tàu Ô nhằm nhò gì với lớp da… khủng của loài tê giác. Đầu tiên chúng không thèm để ý đến quân Ngô vì còn mải dập lửa. Mãi khi con tê giác cái bị một mũi tên xuyên qua vành tai và một con nữa bị giáo phóng dính vào mông, gần lỗ ị mềm và hồng hồng của nó, mới nổi xung lên xông đến đám quân tấn công.
Diễn biến bất ngờ làm Béo và Gày thấy khoái nhưng hai thằng cũng sợ xanh mắt khi nhìn cách tàn sát quân Tàu ô của bốn con tê giác. Tên bắn chỉ sượt qua da chúng, hoặc có dính vào thân tí chút thì một cái lắc mình đã văng đi hết. Giáo đâm cũng chẳng ăn thua gì mà nhiều tên chưa kịp đâm đã bị những chiếc sừng dài và cong xóc xuyên qua thân rồi hất tung lên trời như những con bù nhìn rơm. Ngay đợt phản kích thứ nhất đã có năm sáu tên quân Ngô chết bẹp hoặc gãy lưng nằm ngoắc ngoải.
Bọn quân Ngô từ hí hửng chuyển sang kinh hoàng vì không ngờ bày tê giác Giao Chỉ lại đáng sợ đến vậy. Thằng tuớng giặc quăng vội thanh đao để leo lên cây dẻ gai, nhưng chiếc sừng ở mũi con đầu đàn đã đóng đinh hắn vào gốc cây. Qua hai ba đợt vặc sừng hoặc dậm chân, toán quân Ngô hơn hai chục tên chỉ còn sống sót hai ba đứa chạy đi tứ tán, chắc chúng cũng sẽ không thoát nếu như con đầu đàn không kéo mấy con kia quay lại tiếp tục dập lửa.
Lúc đó Lân béo và Lân gày cũng sắp phải buông tay rơi xuống đám than hồng vì lửa đang leo lên cây trám đen có hai thằng ngồi ở cành ngang. May thay những cẳng chân mang móng guốc to xù của bốn con tê giác dậm vào đâu thì lửa tắt đến đó, thân cây trong mấy đống cháy lớn bị hất đi vung vãi nên ngọn lửa giảm đi nhanh chóng. Không hiểu tính mạng của hai thằng sẽ thế nào khi mấy con tê giác dập xong đám cháy và phát hiện ra hai đứa. Nếu chúng nghĩ hai thằng cũng là quân Ngô thì sao?!
May thay người lớn đã từ trong làng chạy đến cùng với bày chó. Khi hăng máu thì lũ tê giác chẳng sợ người, nhưng chúng không thích tiếng sủa của lũ chó nhà. Thế nên bốn bác “lính cứu hỏa không lương” lập tức bỏ chạy vào rừng, to đùng như thế mà loáng cái chúng đã mất tăm tích.
Lân gày và Lân béo làm sao có thể quên được lần nguy khốn ấy nên hai đứa rất buồn và tức khi thấy người lớn đi săn tê giác. Nhưng không săn chúng thì lấy đâu ra sừng và da để cống nạp cho vua quan nhà Minh bên Tàu? Buổi tối bên bếp lửa, bố hai cậu hay buồn rầu nói với các con rằng đất đai người Việt bây giờ thuộc về nhà Đại Minh, lão Anh quốc công Truơng Phụ là Tổng binh Giao Chỉ, khét tiếng tàn bạo. Địa phương nào đến kì cống nạp mà không có sản vật là lão lập tức cho quân đến triệt hạ. Quân Ngô sẽ tràn vào làng đốt phá, chúng dùng mã tấu chặt đầu đàn ông, còn đàn bà trẻ con thì bị bắt sang Tàu làm nô tì.
Những làng bản miền núi rừng như làng của Béo và Gày phải nộp sừng và da tê giác, nộp trầm hương, kì nam để vua quan nhà Minh chữa bệnh hoặc làm cán dao găm thay bùa hộ mạng. Người miền biển thì phải lặn mò ngọc trai, cửu khổng. Không biết bao nhiêu người đã bỏ mình vì cá mập, cá kình, bạch tuộc.., ngày đó những loài hải quái nhung nhúc dưới biển sâu.
Đối với Lân gày và Lân béo, tê giác là con thú quí giá nhất trên đời, vừa là ân nhân cứu mạng. Đúng là ở trong rừng không con gì quí bằng loài tê giác, trước đó khi theo người lớn đi lấy mật ong, cậu Béo và cậu Gày đã có dịp nhìn thấy chúng. Tê giác không to như con voi, chỉ cỡ gấp đôi bác trâu mộng thôi, nhưng chẳng sợ con gì đâu nhé và cũng không có kẻ thù. Chúng chỉ ăn cỏ và lá, ăn rễ hoặc củ một số cây bụi ngòn ngọt, những thứ ấy thì nhiều vô kể ở trong rừng, chả phải tranh ăn với loài nào nên đối với tất cả đều là bạn.
Gia đình tê giác thích ngâm mình trong đầm lầy như những chú trâu rừng hiền lành. Khi lên bờ thì luôn có các cô sáo sậu, sáo khoang, cả những bác quạ già hói đầu đến đậu nhờ trên lưng, đậu như thế thì cứ thoải mái hát ca, chẳng lo bọn chồn cáo hoặc rắn độc rình rập. Gày bảo với Béo rằng, giá cả họ nhà chim kéo đến nhảy múa trên lưng một bác tê giác, cũng chẳng nhầm nhò gì với dải lưng thênh thang của bác ta. Bên có lưng to và bên đậu nhờ cùng tỏ ra thú vị, khi các cô sáo đen tìm mổ những con mòng béo mập nấp trong kẽ tai, no bụng cô chim mà toi mạng bọn ký sinh trùng quấy rầy nhà tê giác. Các cô chim còn làm công việc báo động khi thấy ánh thép vũ khí lấp loáng của những người thợ săn, chính vì vậy người ta mới phải bọc chúng bằng rơm rạ khi muốn lại gần bày tê giác.
Hai cậu bé biết rằng săn tê giác cực kì nguy hiểm. Những con thú này bình thường lành hiền, nhưng đã nổi xung tấn công lại thì voi hổ cũng phải bỏ chạy. Đàn lớn thường tụ tập ở gần khu đầm lầy, có những con như được cửa đi “tua” vòng quanh để đánh dấu khu lãnh thổ, đồng thời kiểm tra phát hiện rừng của chúng có bị cháy hay không.
Người đi săn không sợ tê giác phát hiện mình bằng mắt vì mắt chúng không tinh cho lắm, nhưng hãy liệu với cái mũi và đôi tai cực kì thính nhậy. Họ phải nằm phơi sương mấy đêm để hết mùi mồ hôi, rồi mới len lén đến gần đầm lầy giữa rừng sâu từ phía cuối gió. Tốp thợ săn khẽ khàng đào hố bẫy, đất phải chuyển đi thật xa, thật khéo, không để lại dấu vết gì. Sau đó rải phên tre trên mặt hố rồi lạng lớp đất mỏng, còn nguyên cỏ xanh lẫn lá khô rơi rụng phủ lên trên để ngụy trang.
Thợ săn nấp trên cây cao um tùm cành lá, ăn dè uống sẻn đợi hàng vài ba ngày. Khi thấy gia đình tê giác đã bình yên ngâm mình dưới đầm lầy cách hố bẫy không xa, mới cử người nhanh nhẹn và khéo léo nổi lửa đốt một đống cây khô rồi lẩn ra xa.
Không ai cho lũ trẻ con như Béo và Gày theo đi săn, nhưng đã gần ba ngày rồi mà chẳng thấy đám đàn ông quay về, hai cậu bé được đi cùng mẹ mang thực phẩm vào rừng tiếp tế. Họ đi rất lặng lẽ, dò theo vết của toán thợ săn để tìm vào khu đầm lầy ở giữa rừng .
Lân gày và Lân béo cùng hai bà mẹ gặp được tốp thợ săn khi họ đang chuẩn bị đốt lửa. Người ta bắt chúng nấp kín trên ngọn cây xanh rậm rạp với hai người phụ nữ. Béo và Gày thấy con tê giác đực lẻ loi, gần chỗ có đám cháy nhất ngửng lên đánh hơi và phát hiện ra mùi khói. Ngay lập tức anh lính cứu hoả mẫn cán này xông đến dập lửa.
Đáng thương cho anh ta! Mải dùng chiếc sừng cong và dài hất tung đống lửa, rồi dùng bốn chân có ba móng guốc cố sức dập tắt các cục than hồng, con tê giác này đã không phát hiện ra hố bẫy. Kẻ cứu rừng khỏi hỏa họan đã rơi xuống hố, không thể nào lên đuợc nữa. Hai cậu bé khóc oà khi thấy những người đàn ông cũng vừa khóc vừa lao những cây giáo dài vào các yếu điểm trên thân con vật. Nó không thể nào xoay xở hay chống cự lại vì bị kẹt dưới lòng hố hẹp, con thú yêu quí nhất của rừng già dần dần gục xuống trong khi nhiều người khác gây tiếng động bằng cồng la, để dọa cho những con còn lại chạy đi nơi khác.
– Tê giác ơi, rồi có ngày chúng tao sẽ săn được thằng Truơng Phụ để trả thù cho mày!- Đó là câu mà bố của Gày thốt ra khi ông rút con dao găm và cầm cây rìu sắc leo từ lưng lên đầu con thú đã chết để tách lấy chiếc sừng quí giá.
– Chúng tớ cũng thế, tê giác ạ! – Gày nắm lấy tay của Béo, hai đứa trẻ đều mắt đỏ hoe. Núi rừng ghi nhận lời thề nguyền của chúng, không cho đó chỉ là câu nói theo của trẻ con, bởi trẻ con chính là Mai Sau, sẽ là những người không tiếc máu mình để trả mối thù dân tộc và làm cho đất Việt này trở nên cường thịnh.
Cây cối trong rừng già dường như ngơ ngác lắng nghe. Không có tiếng cười của người chiến thắng như trong những cuộc săn voi, săn hổ. Chỉ có tiếng sụt sịt, không riêng của đàn bà và trẻ con, dù họ có hàng gùi da và thịt thú rừng để mang về giành cho mùa đông sắp tới.
Khi đất đai mình
Lại là của giặc
Trời cứ ngắt xanh
Mà lòng đau thắt…
N.C