Bạch dương – Truyện cho thiếu nhi của Ngọc Châu

 

BẠCH DƯƠNG

 

 

 

Chào các bạn nhá!

Cầm cuốn này trên tay các bạn sẽ được biết những gì xảy ra với những bạn nhỏ phải tự kiếm sống từ thuở còn nhóc nhít, mà hai anh cu Mèn và Trũi đã tình cờ làm quen trong chuyến xuất hành lên Hà Nội lần đầu tiên (ở tập “Mèn và Trũi”).

Các cậu bé kém may mắn  ấy tất nhiên gặp nhiều chuyện lạ hơn các bạn đang mài đũng quần trên ghế nhà trường. Nhưng cũng có nhiều chuyện tương đồng đấy.

Khá nhiều điều thú vị để các bạn có thể khám phá và bổ xung cho chính mình, nhờ đó có thể nhảy

chân sáo ra “Phía ngoài cổng” với những bước nhảy hồn nhiên và tự  tin hơn, tránh được những cú vấp có  thể làm hỏng mũi giày một cách không cần  thiết.

Chương 1      

CU BI  

 

          Mỗi buổi đến truờng  đều có thể gặp đuợc những đứa chẳng nhớn hơn mình, nhưng chúng không đến truờng mà lang thang trên phố với những trò gì đó. Không phải tất cả những đứa ấy đều là bọn trẻ hư hỏng hay trốn học đi chơi cả đâu. Sau lần “xuất hành”  Thăng “Mèn” và Hoan “Trũi”  đã vỡ ra nhiều  điều về đám  ấy…

Khi mỗi người sinh ra

Là thêm ngôi sao mới

Sáng trên bàu trời xa

Như lời bà ngọai nói.

        Ồ, ngôi  kia sáng chói

Ơ,  sao  kia nhạt nhoà

 Thương nhất ngôi sao rụng

Thành vệt sao băng hà…”

Cái lần hai cu cậu Thăng và Hoan, bắt chước nhân vật của bác Tô Hoài, lấy biệt danh là Mèn với Trũi trốn bố mẹ chúng “xuất hành” lên Hà Nội chơi, đã  gặp trên tàu một thằng bé đi cùng với anh chàng có nốt ruồi đen ở má. Thằng bé ấy lớn hơn hai đứa một chút, xách chiếc hòm gỗ đựng đầy sách báo. Tuy nó đánh rơi hộp gỗ làm các thứ bắn tung toé ra ngoài, sau đó vừa luống cuống nhặt lên vừa nhìn anh chàng má nốt ruồi như sợ bị đòn, nhưng hai đứa cũng không mấy chú ý đến nó. Cả hai cậu “dế” mải tập trung vào anh chàng mà chúng đặt tên là “Má Nốt ruồi”, vì cách chơi rất đẹp của anh ta trong việc sẵn sàng đưa mấy quyển truyện tranh cho hai đứa xem miễn phí. Sau đấy hai đứa liên tiếp bị anh cu Chôm Chỉa làm cho phải há hốc mồm ra, nên không nhớ gì đến thằng ấy nữa.

Mèn và Trũi không biết rằng với anh cu tên là Bi này cũng đông.. vấn đề ra phết. Không được cắp sách đến trường ngày nào nhưng hồi bà ngoại cu Bi còn sống rất hay kể các chuyện ma chuyện quỷ, cổ tích cổ tiếc cho cháu nghe. Bé con thì đứa nào chả tin vào những điều kì lạ, nên nhiều lúc cu cậu giật mình thon thót. Làm sao mà không giật mình khi vào đêm ba mươi tối trời, nếu hé cửa sổ nhìn ra phía nghĩa địa ngoài bờ sông sẽ thấy những đốm sáng xanh bay lượn. Ma trơi đang vui vẻ tham gia Vũ hội Đêm Đen đấy. Thế mà bà ngoại còn kể chuyện  mấy con ma Gốc thị cụt đầu, xúm vào giằng xé lão đao phủ của triều đình vừa mới chết để đòi lại đầu của chúng!

Bà bảo chỗ ấy ngày xưa gọi là bãi Gáo, vì mỗi lần triều đình chém đầu kẻ phản loạn xong thân nhân họ đều trồng một cây chuối cụt, úp chiếc gáo dừa lên thay đầu cho hình nhân để đặt bát nhang cúng lễ. Sau rồi các cây chuối héo khô gục xuống, chỉ còn lại những chiếc gáo dừa lăn lóc…

Bi ta với anh chàng có nốt ruồi đen, thỉnh thoảng lại giật giật ở má, có một quan hệ đặc biệt mặc dù chẳng phải anh em họ hàng gì. Cuộc gặp lần đầu giữa hai nhân vật này đáng nhớ lắm nhé. Có thể nói cuộc gặp đó đã mở ra một trang đặc biệt trong cuộc đời cu cậu. Đặc biệt thì đúng là đặc biệt rồi, nhưng còn trang mới này trắng hay đen, có màu tô sặc sỡ hay nhạt nhòe như quyển truyện vớt ra từ  đáy thùng nuớc gạo chua, do một baby (là đứa bé tí hon ấy mà) vứt vào đấy từ tuần truớc, thì phải đợi hạ hồi phân giải.

Hồi ấy nó lên chín, ở dưới thuyền với hai vợ chồng ông già, chẳng có con cái  gì cả, sống bằng nghề chài lưới trên sông. Truớc đó người ta gọi nó là thằng bé ngớ ngẩn, ông Vó ở lều vó bên ngã ba sông lại bảo nó bị “tâm thần mãn tính”, chắc vì ông ta bị đau bụng kinh niên – bây giờ người ta gọi là đau dạ dày mãn tính – mà bệnh này cứ lúc đau lúc không, nên thấy thằng bé thỉnh thoảng ngu ngơ như  bị mộng du mới “chẩn bệnh” nó như thế!

Lí do vì sao mà cu Bi lại bị “tâm thần mãn tính” như vậy thì cũng phải kể dài dài. Hiện hãy nói gọn rằng nó vốn là đứa bé nhạy cảm từ lúc lọt lòng, chỉ vì cả bố, mẹ và đứa em mới sinh đều bỏ nó mà đi chỉ trong vòng một năm trời, nên thằng nhỏ tám tuổi đầu mới sinh ra ngẩn ngơ như thế.

Cu Bi được mấy gia đình họ hàng, cả hàng xóm nữa, thay nhau cho ăn nhờ ở đậu dăm bữa nửa tháng ở mỗi nhà, nhưng chẳng ai nuôi đuợc lâu vì nhà nào cũng nghèo, cháu con lít nhít. Giá như trong chuyện thần tiên hay cổ tích mà bà ngoại kể hồi nó lên bốn lên năm, thì thể nào cũng có một bà Tiên hay ông Bụt hiện ra cứu giúp. “Có điều ngày nay chẳng còn Tiên với Bụt gì nữa – bà ngoại nói vậy lúc bà ốm liệt giường – Cả Tiên với Bụt, ngay các ông Ba Mươi nữa, cũng sợ chiến tranh liên miên bỏ đi nơi khác hết rồi.” Thế có buồn không?!

Biết đâu các mụ Phù Thuỷ thì vẫn còn? – Phù Thuỷ thì thường bị người ta thù ghét, dù là Phù Thuỷ hiền hay Phù Thuỷ ác, bị các Pháp Sư làm phép trừ  tà xua đuổi, bị thiêu trên các đống củi mà vẫn sống dai. Bây giờ nếu còn Mụ nào hiện ra giao cho nó chăm nuôi đàn cóc, chắc nó nhận ngay vì sẽ không bị đói nữa. Đến cóc mà các Mụ ấy còn cho chúng ăn tử tế nữa là! Ở nhà người, nó thường bị chửi mắng, bị riếc móc ngập đầu ngập cổ nhưng chẳng bao giờ đuợc ăn  no, dù đã cố gắng làm mọi việc người ta sai bảo.

Một buổi trưa thằng bé lẩn thẩn ngoài bờ sông, vừa mót sơ ở mấy tảng vỏ mít dạt vào bờ, nó vừa tìm xem các con cóc. Cóc của các mụ Phù Thuỷ thì phải khác cóc thường, chúng chắc chắn to hơn, có màu sắc lạ, có bướu ở lưng hoặc có khi có đến ba bốn mắt ấy chứ. Nếu thấy một con, cứ đi theo nó chắc sẽ tìm thấy đàn và biết đâu gặp đuợc mụ Phù Thuỷ thì sao!

Cu Bi thấy một con cóc thật. Con này không có gì kì lạ ngoài việc nửa trên của nó màu xanh, trong khi những con khác thường là đen với vàng. Đi theo con cóc một quãng thì thấy nó leo qua một mô đất, đầy những vỏ hến nho nhỏ màu trắng như có ai khảm vào đấy, rồi chui vào dưới một con thuyền gỗ ghếch một đầu lên bờ cát.

Trong thuyền, chính xác hơn là phía bên kia con thuyền có hai ông bà, không biết họ bao nhiêu tuổi, vẻ lọm khọm và không giống mấy với những người già khác ở trong làng. Hai người đang ngồi ăn khoai lang nuớng. Cạnh họ là mấy đầu củi đã cháy gần tàn, có một con cá gì bằng cổ tay nó chưa trông thấy bao giờ, đã nướng xong nhưng họ chưa ăn tới. Do mải dõi theo con cóc nên lúc này nó mới thấy rằng mùi cá nuớng bốc lên quyến rũ hết mức.

Hai người này có phải là Phù Thuỷ không nhỉ? Nhưng họ ăn khoai nướng là thứ ai người ta cũng ăn nên chắc không phải – thằng bé lẩn thẩn nghĩ thế rồi quay đi nuốt nuớc bọt. Quả thực nó luôn bị đói nhưng chưa lần nào ngửa tay xin ăn ở đâu cả. Với lại xin những thứ người ta đang ăn chưa no chỉ tổ làm họ ghét, nhất là xin của những đứa trẻ con khác, nó để ý thấy như thế. Vậy nên cu Bi buồn bã bước tới chỗ có một tảng vỏ mít, dập dềnh ở vũng nuớc quẩn ven bờ. Đang  mùa mít nên đám buôn bè ăn xong quẳng vỏ đầy sơ với gai xuống sông, nhờ thế mà bọn cá muơng, cá mại và thằng bé mồ côi tám tuổi đầu này có thứ gì đó để vét voi.

– Ú, ú u..u..

Tiếng hú gọi làm cu Bi vội vàng ngoái đầu, đánh rơi miếng vỏ mít tách đuợc mỗi một mẩu sơ ngòn ngọt. Không phải mụ Phù Thủy hiện ra như nó đang mong đợi. Đó chỉ là bà thuyền chài đang giơ những ngón tay khòng khòng vẫy vẫy, sau đó ông già cũng chìa ra một nửa củ khoai, rõ ràng có ý muốn cho thằng bé. Tuy nhiên khi nhìn bàn tay của ông ta, nó lại nghĩ hay đây là hai vợ chồng Phù Thuỷ thật. Bàn tay chỉ có ba ngón, không có  ngón trỏ và..ngón giữa nữa, đúng thế.

Thằng bé ngần ngại tiến đến chỗ hai người ấy. Tuy không thực sự gặp đuợc Phù Thuỷ với bày cóc, nhưng cu Bi gặp đuợc cặp vợ chồng câm luống tuổi làm nghề thuyền chài như thế đấy. Họ cho thằng bé xuống ở thuyền khi hiểu được rằng nó không còn cha mẹ, không có ai nhận cưu mang. Bi được ăn no, nhiều lúc đuợc ngủ kĩ nữa nên nhiều lúc thằng bé nghĩ  biết đâu họ là Phù Thuỷ  thật.

Không có cóc để nuôi nên cu Bi chăm chỉ giúp  những việc như trông thuyền, sống cá bằng giỏ hoặc bằng túm lưới quây. Dần dà nó còn biết nhặt rau, thổi cơm, nướng cá, nấu riêu cua… giúp hai người ấy được khối việc. Ở với hai vợ chồng già này gần năm rồi mà nó vẫn thấp thỏm, chờ đợi lúc họ biến hình nhưng chả thấy điều gì đặc biệt. Những lúc họ hoa tay, chỉ trỏ,  mấp máy mồm, thằng bé đã hy vọng là họ phù phép điều gì, nhưng những lúc như vậy hiếm lắm và hình như chỉ thế là đủ để hai người đồng ý với nhau, chẳng cần nói năng gì cả.

Gần một năm sau, khi người chồng bị tai nạn trong một trận bão rồi chết vì không có tiền chữa chạy, nó mới tin rằng họ không phải là Phù Thuỷ. Phù Thuỷ thì làm sao lại chết đuợc! Những người xuống thuyền giúp đỡ việc tang ma nói rằng ông bà thuyền chài này có mỗi một người con, đã hy sinh năm mười chín tuổi khi đánh nhau với Mỹ. Họ còn bảo ông già bị cụt hai ngón tay khi cố bám vào tấm chắn hậu bằng thép của chiếc xe tải để giữ người con ở lại, ngăn cản đoàn xe chở các anh lính trẻ lên đuờng ra mặt trận. Chẳng hiểu do giấy tờ thất lạc hay mấy ông thôn, ông xã làm ăn ra sao,  mà đến lúc ấy hai ông bà già vẫn chưa đuợc nhận một chính sách ưu đãi gì.

Khi người chồng chết, không đủ sức chài lưới nên bà vợ muốn bán thuyền, dựng túp lều trên bờ đê sinh sống thì lại xảy ra việc chẳng may khác, chính nhờ có cuộc gặp tình cờ với Má Nốt ruồi nên tai họa mới chỉ liếm qua hai bà cháu mà thôi.

Hôm ấy bà cụ muốn lên bờ bán mớ tôm cá nẹp, đến bến chợ thì ngược nuớc nên để thuyền xuôi dòng tạt vào một xóm lạ ven bờ sông. Bà ra hiệu cho cu Bi giữ chắc cây sào đã cắm để giữ thuyền vì nước lũ đang từ thượng nguồn đổ về, nhưng bà câm vừa đi vào làng thì có hai thằng choai choai xuất hiện. Cả hai thằng trông đều xấc xược, nhất là thằng cao cao đội chiếc mũ cói rộng vành, tay cầm ba-toong bằng một gốc song có đầu khoằm. Chúng lấc cấc  ra vẻ rất hảo hớn, ai đã xem phim hoặc đọc truyện tranh “Thuỷ Hử” sẽ thấy hai đứa trông như đám Tiểu Thất, Tiểu Nhị vẫn tác oai tác quái ở vùng sông nuớc Lương Sơn Bạc. Thằng cao đội mũ cói chỉ  ba-toong ra lệnh cho thằng béo lùn:

– Bom đâu, tống cổ cái thuyền kia đi. Bố tao bảo cấm thuyền lạ đậu vào bến xã mình. Toàn  một lũ buôn lậu đấy!

Thằng béo lập tức tiến ra sát bờ sông, co chân đạp vào be thuyền làm cây sào cắm nghiêng đi, mặc cho cu Bi thò cổ ra van xin, nói là chỉ đỗ một lát chờ bà lên bán cá trong làng.

– Cút, cút, ngay lập tức! Lệnh của chủ tịch xã tao như thế – thằng béo tên là Bom nhổ cây sào lên dù cu Bi cố đeo người giữ lại. Nó rất sợ, khi thấy hai đứa này còn ác độc hơn Phù Thuỷ ác. Nếu mình nó với con thuyền trôi đi mà gặp phải Thuồng luồng hoặc Hà Bá thì sao?

– Láo hở, dám chống lại bọn ông hở? – Đứa đội mũ cói rộng vành quát lên trong khi lấy sức đạp vào con thuyền đã mất sào cắm. Cu Bi còn đang loạng choạng trên con thuyền tách bến, thì thằng ấy đã giật lấy cây sào từ tay hai đứa đang giằng kéo, nó thúc mạnh một cái làm con thuyền quay đảo rồi lao cây sào bay vút ra ngoài, phớt lờ việc thằng bé trên thuyền mất thăng bằng ngã tõm xuống sông và việc cả con thuyền, thằng bé lẫn cây sào đã nhập vào dòng chảy của đợt lũ, đang trôi mỗi lúc một nhanh về cây cầu sắt phía hạ lưu. Hai đứa đứng chống nạng trên bờ nhìn theo với vẻ hết sức đắc ý.

– Tô ơi, thằng nhíp con bơi chó lũm bũm thế kia, cóc đuổi theo đuợc chiếc thuyền trôi đâu, khéo nó chết đuối mày ạ!- Thằng béo nói với thằng cao.

– Kệ mẹ nó, Bom. Nó con nhà thuyền chài cơ mà. Này, chuồn thôi mày ơi! Má Nốt ruồi nó đang đi kia kìa, nó mới ở Hà Nội về đấy – đứa đội mũ cói giục bạn rồi hai thằng lẩn vào sau một bụi tre, luồn lách chạy vào trong làng.

Đúng là có một cậu trai khác mặc quần cộc, cũng cỡ tuổi hai “anh hùng Lương Sơn Bạc” vừa rồi,  xuất hiện ở gần mố đầu cầu xe hoả. Đầu tiên cậu ta thấy con thuyền gỗ có mui trôi xoay xoay không ai chèo lái, có thể sẽ đâm va vào mố cầu bê tông, rồi thấy thêm  một đốm đen ngoi ngóp phía sau, cách con thuyền chừng vài chục mét. Không một chút chần chừ, cậu thanh niên mới lớn cởi áo nhảy phắt xuống sông. Đầu tiên định bơi ra đón con thuyền, nhưng nhận ra rằng đốm đen ở đằng sau rất là ngoi ngóp, sắp chìm nên cậu ta sải tay bơi lại phía đó.

Thật may vì lúc đó cu Bi đã uống nhiều nuớc rồi. Lúc lăn tõm xuống sông, thằng bé hoảng hồn vì từ ngày ở thuyền tuy thỉnh thoảng nó có tập  nhưng mới biết kiểu bơi chó, mà sức vóc nó thì thua con chó nhiều lắm. Cu Bi kinh hoảng nhớ lại chuyện ông Vó đã mấy lần dặn là không đuợc bơi ở sông “Năm nào Hà Bá ở khúc sông này cũng bắt người đấy – ông ấy nói vậy- bắt nhiều người nhớn rồi, thế nào rồi ông ấy cũng bắt một vài thằng nhỏ nữa về bê điếu, pha trà…”

Khi cậu trai bơi tới gần thì cu Bi đã tụt lại khá xa so với con thuyền, trông nó  như chiếc phao câu lông ngỗng, đang bị một con cá ngạnh tham ăn lôi giật mẩu giun ở lưỡi câu phía duới, cứ nhấp nhô chìm nổi, càng lúc càng bị lôi sâu xuống nước theo con cá.

Đúng lúc thằng bé chìm xuống để không bao giờ ngoi lên đuợc nữa, thì có một đôi vai rắn chắc đỡ vào mông  đẩy đầu nó nhô lên. Với khoảng vài chục lần đạp chân kiểu ếch, thì cậu trai có chiếc nốt ruồi ở má đẩy được thằng bé tới sát một thân cây chuối, lẫn trong đám bèo lục bình hoa tím, đang bồng bềnh múa may trên mặt nuớc trong cuộc hành hương ra biển cả. Cu Bi đuợc xốc lên cho nằm vắt ngang qua thân chuối ấy nhưng nó vừa kiệt sức, vừa hết cả hồn vía nên không thể nào cưỡi đuợc lên, cứ lăn tròn lúp ngúp  cùng với cây chuối trơn như bôi mỡ. Phải nói là cậu trai này rất tháo vát, thấy rằng nó còn trụ được một lúc quanh thân chuối, cậu ta liền sải mấy hơi để chộp  một đoạn que tre gần đó, rồi cùng đoạn que ngoặt ra phía khác, đạp ếch đuổi theo một thân chuối nữa.

Mấy phút sau thì cu Bi cùng cây chuối thứ nhất trôi đến chỗ cây thứ hai, đang đuợc Má Nốt ruồi kìm lại. Cậu ta khéo léo sắp xếp, cắm phập thanh tre vào một thân chuối rồi bằng một cú dập tiếp theo với cả hai tay, hai cây đã bị gông vào nhau. Cu Bi có thể tựa cằm lên chúng mà thở, không còn bị lăn tròn nữa trong khi Má Nốt ruồi giữ cho hai cây chuối tạo thành hình chữ V, đón sức đẩy của nuớc để khéo léo lái cho nó cập bờ một cách ngon lành.

Giá như cu cậu Thăng “Mèn” có mặt ở đó, chứng kiến màn trình diễn này chắc chắn sẽ phải nhảy cẫng lên với câu tủ “Sướng ơi là suớng ơi, cực kì là mê tơi!” và hiểu ra rằng, tại sao “Anglophone peoples (những người nói tiếng Anh) hay giơ hai ngón tay thành hình chữ V, khi khoái trá hoặc cùng khen ngợi điều gì đó. Má Nốt ruồi tất nhiên không biết như Thăng “Mèn” rằng V là chữ đầu của từ  “Victory” nghĩa là “Chiến thắng” hay “Thắng lợi”,  nhưng cậu trai mới lớn này hiểu đuợc rằng,  hình chữ V để ngược thì giảm bớt sức cản của dòng nuớc đẩy vào, vì nuớc sẽ chảy toẽ ra hai bên. Còn nếu để xuôi, thì dòng chảy  xô vào sẽ làm cho vật đó trôi nhanh hơn tới điểm mà cậu ta hướng tới.

Dìu nó lên bờ, thấy thằng cu con cứ sụm chân xuống vì no nuớc và kiệt sức, cậu trai có nốt ruồi đen rất kì ở má liền vác vai đưa nó về nhà mình, rồi lại ra sông với chiếc mủng tre, ra sức chèo xuôi để hỏi và tìm lại chiếc thuyền gỗ lang thang. Mãi tối muộn hôm đó mới thấy anh chàng quay về nhà ăn cơm.

Lần ấy cu Bi ở lại nhà bố mẹ anh Thiên – tên cậu trai có nốt ruồi ở má – vì hoàn cảnh bà già câm trở nên rất khó khăn, không thể hành nghề chài luới đuợc nữa khi ông chồng đã mất. Nhà anh Thiên cũng chẳng khá giả, nhưng thấy hoàn cảnh cu Bi như thế mẹ anh ấy bảo tạm thời cứ để nó ở đấy. Giá như  truờng tiểu học mà nhận thằng bé, có lẽ bố mẹ anh Thiên cũng cố cho nó đi học, nhưng cu Bi chẳng có giấy tờ gì. Việc xin giấy khai sinh cho nó  hầu như không thể nào thực hiện đuợc, vì những rắc rối luôn luôn xảy ra giữa gia đình anh Thiên với tay Chủ tịch xã, bố thằng Tô – “hảo hớn Lương Sơn Bạc”.

Hơn một năm ở nhà anh Thiên, cu Bi đuợc bố anh ấy dạy cho học đọc học viết. Căn bệnh “tâm thần mãn tính” thuyên giảm đi nhiều. Cu cậu học rất nhanh và sáng dạ nên đã đọc đuợc các loại sách truyện. Thứ  thằng bé thích nhất vẫn là những chuyện thần tiên, ma quỉ hoặc chuyện cổ tích. Chuyện chưởng Bi ta cũng thích nhưng không có nhiều để đọc. Vậy nên khi ông cụ ốm, anh Thiên từ Hà Nội quay về, cả nhà quyết định cho nó lên theo, để kiếm sống hàng ngày với cái hòm gỗ dán  đựng các loại sách báo mới cũ.

Tha hồ mà đọc, cu cậu nghĩ thế và thực lòng nó thấy việc bán mua sách báo không đáng hãi bằng việc phải nay ở nhà này, mai ở nhà khác với cái dạ dày luôn luôn nhắc nhở “tôi có ý kiến!”.

Hơn chín tuổi thôi,

ôm một chiếc hòm,

        vào đời.

Tối ngày rao “ai mua sách báo!”

Đổi mỗi đồng xu, mỗi  mồ hôi…

N.C

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder