Ba đoản khúc về thơ Nguyễn Thị Năm – Bùi Việt Thắng


Đọc thơ của Nguyễn Thị Năm trong tôi cái khái niệm già – trẻ bỗng phai mờ, hình như không còn biên giới, chỉ còn lại cảm xúc về thơ hay và thơ không hay mà thôi. Thiết nghĩ đã cầm bút làm thơ là tâm hồn trẻ trung, là “hồn tôi đôi cánh”, là luôn nhìn đời bằng con mắt xanh.

Đọc thơ của Nguyễn Thị Năm trong tôi cái khái niệm già – trẻ bỗng phai mờ, hình như không còn biên giới, chỉ còn lại cảm xúc về thơ hay và thơ không hay mà thôi. Thiết nghĩ đã cầm bút làm thơ là tâm hồn trẻ trung, là “hồn tôi đôi cánh”, là luôn nhìn đời bằng con mắt xanh.

VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Bùi Việt Thắng về tập thơ Thức đợi vầng trăng của tác giả Nguyễn Thị Năm.

 

1.Có một điều rất đáng chú ý khi đọc tập thơ Thức đợi vầng trăng của  Nguyễn Thị Năm: Trong số 48 bài thơ thì có 1 bài viết tháng 1 năm 2014, còn 47 bài được viết liên tục từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2015. Phải chăng, tôi ước đoán thế này, lúc đầu chị chỉ định viết chơi một bài Cảm nhận Sài Gòn nhân việc vào thành phố phía nam đầy nắng gió ở với con cháu. Từ Hà Nội vào bỗng thấy “Một Sài Gòn ồn ào náo nhiệt/Một Sài Gòn chợt mưa chợt nắng/Những con phố, tên đường tôi không sao nhớ nổi/Một chút se lạnh của mùa đông Hà Nội/Ly cà phê sáng bạn bè”. Bài thơ như một mũi khoan thăm dò, rồi bỏ đó đợi chờ. Rồi như là trúng cái mạch ngầm của nó, cảm xúc đầy ứ, trào dâng. Đúng một năm sau bài thơ đầu tiên chị cầm bút viết như lên đồng. Tôi đã đọc những bài thơ in riêng rẽ trên các báo, rồi thì được tặng sách và đọc cả tập mới thấy một nguyên khối thơ Nguyễn Thị Năm. Thơ Nguyễn Thị Năm là vậy, đọc riêng từng bài đã có ấn tượng, nhưng đọc cả tập thì càng nhiều ấn tượng hơn. Hiện tượng này rất khác với một số tác giả khác khi đọc từng bài riêng rẽ thì thấy ổn, nhưng khi đọc cả tập lại thấy chông chênh bởi thiếu cố kết, thiếu cái mạch ngầm thông thủy các bài, thiếu cái chất keo kết dính. Nội trong một năm 2015 mà viết 47 bài thơ thì không phải là nhiều so với kiểu thơ facebook (mấy trăm bài một năm như ai đó đã sản xuất), nhưng cũng không phải là ít so với thông thường. Vậy thì từ đâu thơ đã sinh ra? Cũng chẳng lí lẽ cao xa gì, thơ sinh ra từ sự run bật của cảm xúc, từ tình cảm đã chín về thế giới quanh ta, về đồng loại, về những chuyện trên trời dưới biển buồn vui không biết đâu là giới hạn cuối cùng. Tác giả làm thơ khi đã lên tuổi bà, nghĩa là đã chín cảm xúc, vậy nhưng thơ không già, trái lại vẫn trẻ trung, vẫn đầy ắp yêu thương, đợi chờ, nhớ nhung, giận hờn (đôi khi cả ghen tuông thường tình),… Đọc thơ của Nguyễn Thị Năm trong tôi cái khái niệm già – trẻ bỗng phai mờ, hình như không còn biên giới, chỉ còn lại cảm xúc về thơ hay và thơ không hay mà thôi. Thiết nghĩ đã cầm bút làm thơ là tâm hồn trẻ trung, là “hồn tôi đôi cánh”, là luôn nhìn đời bằng con mắt xanh. Tôi đồ rằng khi làm thơ tác giả đã trẻ lại rất nhiều so với tuổi tác.

2.Tôi thích cách tác giả thả thơ vào tự nhiên. Có đến phân nửa tập thơ, theo tôi là những bài đứng được, ở đó ngòi bút hướng về tự nhiên, nói văn vẻ là thả thơ vào tự nhiên. Động thái này bắt đầu bằng bài Vô đề: “Làn khói trầm tư nhẹ hương bay/Câu thơ dang dở mộng vơi đầy/Bút nghiên đầu xuân câu từ mắc cạn/Rượu buồn từng giọt đắng lên môi”. Hơi lạ là, thoạt tiên hình dung đây là bài thơ được viết theo thể thất ngôn. Hai câu đầu tưởng cứ đi theo nếp xưa. Nhưng đùng một cái, câu thứ 3 lại là 8 chữ, câu thứ 4 lại trở về thất ngôn. Hóa ra là không câu nệ niêm luật, chỉ cần nói được cái ý tứ của mình. Cả tập thơ cứ tuân theo luật chơi này – tung tẩy, tự do, phóng khoáng và hào hiệp với chữ nghĩa. Đọc tiếp sẽ thấy liền kề nhau là những bài thơ mà ở đó thiên nhiên chế ngự, ở đó con người tha hồ rong ruổi: Ngày Vu Lan nhớ mẹ, Khúc giao mùa, Cảm nhận tháng giêng, Tảo mộ, Mùa hè về, Nhớ chiều 30 Tết, Diều lên, Hà Nội ngày trở về, Trở về chốn quê xưa, Mùa đông vắng anh, Buổi sáng Sài Gòn, Tháng ba về, Xuân về trên bản em, Lắng nghe mùa thu về, Cảm xúc tháng mười, Mùa thu, Mùa đông đến sớm, Ngọn núi Fangsiphang, Cảm nhận cuối mùa thu, Nhìn về vùng lũ, Đêm thu trăng rằm. Con số 22 bài thơ được thả vào tự nhiên không phải là chuyện ngẫu nhiên. Phải có căn nguyên gì chứ? Có đấy! Đọc kĩ thơ của Nguyễn Thị Năm tôi hình dung như sau: Tự nhiên là khởi thủy, là rộng lượng và hào hiệp. Mỗi con người là một mảnh nhỏ của tự nhiên. Tự nhiên là bà mẹ vĩ đại. Vậy khi thả thơ vào tự nhiên là khi chúng ta có cơ hội tìm về cội nguồn – một cội nguồn trong sạch, tinh khôi. Hình như ở cái tuổi làm ông, làm bà ai ai cũng trở nên hiền hậu, bao dung nhiều hơn, thanh sạch hơn. Ai cũng thấy ham sống hơn. Vậy nên nhìn vào cõi trần đôi khi thấy quá nhiều tham sân si, hỉ nộ ái ố mà ngần ngại tiếp xúc, đừng nói là chan hòa. Rất khó. Lại phải trở về với tự  nhiên hằng mong tìm thấy một sự yên lành, thanh thản. Ở cái tuổi làm bà mà lắng nghe được khúc giao mùa – bước đi của tự nhiên – thì quả thật là trẻ trung cảm xúc: “Tiếng sấm đầu mùa tia chớp phía chân trời/Tiếng ếch gọi bạn tình bờ ao náo động/Chuồn chuồn bay tìm nhau kết đôi bên giậu vắng/Khúc giao mùa giữa trời đất thăng hoa/Chia tay mùa xuân mùa lễ hội/Một sớm mai em theo mẹ xuống đồng/Lúa xanh mướt đang thì con gái/Ngậm sương đêm những gié lúa làm đòng” (Khúc giao mùa). Là người sống lâu ở chốn kinh kỳ nên tác giả cũng đã hơn một lần viết về mùa thu Hà Nội. Có hẳn một chùm bốn bài thơ thu của Nguyễn Thị Năm: Lắng nghe mùa thu về, Mùa thu, Cảm nhận cuối mùa thu, Đêm thu trăng rằm. Các thi sỹ tài danh đi trước đã viết rất hay về mùa thu và đặc biệt là mùa thu Hà Nội. Nhưng Nguyễn Thị Năm vẫn có cách viết của mình: “Chợt đêm qua sắc phượng rực lên rồi vụt tắt/Bởi có làn heo may nhẹ vắt ngang trời/Linh cảm màu mây sắc lá đổi thay/Phảng phất ngất ngây mùi hoa sữa trôi”. Nhưng  có vẻ như đây là mùa thu chỉ của hai người đang yêu nhau chứ không phải mùa thu của chung đồng loại bởi: “Áo em khép hờ hàng cúc áo mỏng/Lãng đãng thu mơ màng trao ánh mắt anh sang” (Mùa thu). Đến tuổi làm bà mà viết như thế thì hà cớ gì mà không nói là còn rất trẻ?!

3. Tôi thích điệu nói trong thơ Nguyễn Thị Năm. Đến tuổi này mới phát về thơ thì thường người ta hay sử dụng điệu “ngâm”, “hát” hoặc thậm chí là “vè”. Nhưng Nguyễn Thị Năm dùng điệu nói trong thơ. Âu cũng là một cách tự tại. Nói nhưng không rẽ sang thơ văn xuôi, nói không vần vè nhưng lắng đọng vì có nhịp điệu – tôi gọi là điệu hồn của thơ. Điệu hồn này được xây cất từ một “chất”, tôi gọi là “chất chân thành”, còn nói cho có vẻ lý thuyết thì đó là “thi pháp chân thành”. Bài thơ cuối tập Thôi từ nay em không làm thơ nữa, ngay từ nhan đề đã toát lên điệu nói. Tôi cũng đã chịu khó đọc nhiều thơ Việt hiện đại mà vẫn chưa thấy có nhan đề bài thơ nào lại độc đáo như thế. Có vẻ như hờn dỗi với ai đó thì mới nói “thôi”. Nhưng có thể là thôi không chơi với anh/em nữa, hay thôi không mặc cái áo này nữa vì nó lòe loẹt quá, chẳng hạn. Nghĩa là trong đời sống người ta có thể nói “thôi” với nhiều việc khác nhau. Nhưng chưa thấy người thơ nào nói “thôi từ nay em không làm thơ nữa!”. Lại như là một điệu nói làm nũng với chồng vốn cũng là một người thơ có tuổi, có thành tựu thi ca, có danh tiếng. Thơ mà như lời trần tình chân thành: “Thôi từ nay em không làm thơ nữa/Em lại trở về công việc thường ngày/Của người vợ đảm đang vun vén/Dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc các con/Ngày nối ngày thanh thản, bình yên/Không còn bận lao tâm khổ tứ/Nỗi khổ của thi sỹ đa đoan/Bất chợt buồn vui, đêm ngày trăn trở/ Thôi từ nay em không làm thơ nữa”. Câu thơ “Thôi từ nay em không làm thơ nữa” được điệp đến 5 lần trong bài thơ dài 34 dòng. Cứ như một câu nói đầu cửa miệng của một người thơ đã thấm sự khổ ải của lao động chữ ghĩa, có người nói quá lên rằng là luôn đối diện với “pháp trường trắng”. Nhưng tôi đồ rằng, như người Sài Gòn vẫn nói, là zậy nhưng không phải zậy!

Không phải không tìm ra những điều bất như ý của tập thơ. Nhưng đó không phải là mục đích của bài viết nhỏ này. Tôi chỉ muốn chia sẻ tâm sự khi đọc Thức đợi vầng trăng của Nguyễn Thị Năm với sự đồng cảm lớn lao của một người yêu văn chương.

B.V.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder