Bà già và em bé sơ sinh – Truyện ngắn của Nguyễn Minh Ngọc.

Vanhaiphong: Giới thiệu truyện ngắn của Cộng tác viên ở Hội VHNT Ninh Bình

– Đứa bé này không có tội con ạ. Phật dạy rằng: cứu được một người phúc đẳng hà xa. Nghĩ thoáng ra một chút con nhá….

Vanhaiphong: Giới thiệu truyện ngắn của Cộng tác viên ở Hội VHNT Ninh Bình

– Đứa bé này không có tội con ạ. Phật dạy rằng: cứu được một người phúc đẳng hà xa. Nghĩ thoáng ra một chút con nhá.

Chuyện xảy ra ở những năm đầu thập niên bảy mươi, của thế kỷ hai mươi. Ở làng Xuân Sơn, một làng quê thuần nông nhỏ không đầy một trăm nóc nhà, nằm lọt dưới chân một dãy núi vòng cung, hẻo lánh giữa bốn bề đồi núi của huyện G.  Vợ của ông chủ nhiệm hợp tác xã Xuân Sơn, Nguyễn Văn Kha tên là Hiên. Hiên có dáng người nhỏ bé, gầy yếu, cô không xấu, nhưng có lẽ do sinh đẻ nhiều nên cô quá gầy, hai lưỡng quyền nhô cao, má bóp lại; miệng vâu ra; làn da xanh xao, nhìn gương mặt thiếu sức sống. Năm nay, ba mươi hai tuổi  Hiên đã có bảy đứa con,  lần sinh này là thứ bảy của Hiên.

Hôm ấy một ngày đầu xuân, ở trong căn phòng hộ sinh của trạm xá xã, những người đứng quanh bàn đẻ của Hiên, đều dồn mắt vào người sản phụ. Nằm trên bàn đẻ đã lâu, mỗi khi cơn đau cồn lên bóp nghẹt cơ thể, khiến Hiên quằn quại như người đang lên cơn hấp hối. Chị nữ hộ sinh đầm đìa mồ hôi, lo lắng vì một ca đẻ khó, chị vừa xoay xoả vừa động viên sản phụ trong từng cơn rặn đẻ. Cơn rặn cuối cùng, mặt Hiên tím bầm như báo hiệu chuyện chẳng lành. Một bé gái ra đời, nó bị tràng hoa quấn cổ ba vòng và bị ngạt. Mọi người xúm lại cứu chữa cho đứa trẻ. Người mẹ nằm trên bàn đẻ, máu chảy ra khá nhiều. Nghe tiếng trẻ khóc, ông chủ nhiệm Kha đứng bên ngoài cánh cửa hỏi to: “ Con trai hay con gái.?” Có tiếng nói: “ Con gái.” Ông Kha dậm chân than : “ Lại con gái, bảy đứa con gái. Có khổ tôi không!” Nói rồi ông Kha bỏ về nhà.

Chữa ngạt cho đứa trẻ xong, chị nữ hộ sinh quay lại lấy nhau thai cho người mẹ. Máu vẫn không ngừng chảy ra, mặt Hiên nhợt nhạt, môi trắng bệch không một giọt máu, Hiên thở rất nặng nề. Giông cho bà chủ nhiệm, trạm xá hết thuốc cầm máu. Lúc này đã mười hai giờ đêm, đường đi bệnh viện xa xôi, đò giang cách trở. Ông chủ nhiệm thì về nhà tu một hồi rượu, rồi đặt lưng xuống giường ngủ ngay. Những người anh em, chỉ còn biết đứng nhìn Hiên với niềm thương xót. Sức lực tàn dần, khoảng hơn hai giờ đêm thì Hiên qua đời.

Ngày hôm sau, ông chủ nhiệm cùng anh em họ hàng lúng túng trong việc tang gia, để mình con bé vừa mới ra đời nằm trơ trong tấm tã lót. Chắc nó cũng biết thân, biết phận nằm ngủ một mạch, bên nó chỉ có đứa chị mười tuổi.

Hàng xóm của ông chủ nhiệm, là nhà bà Nhân. Lúc này ở trong nhà, bà Nhân bà đứng, ngồi không yên, có vẻ như bà đang  bồn chồn, lo lắng điều gì. Có thể bà đang buồn, lo cho người con trai Nguyễn Đức Nghĩa của bà, hiện đang ở trong trại giam. Vâng. Bà không buồn sao được, mới cách đây hơn một tháng, gia đình bà còn đang vui vẻ, Vợ chồng anh con trai, và bốn đứa cháu nhỏ tiếng cười, tiếng nói vui cửa vui nhà. Bỗng một hôm, người ta bắt con trai bà đi, mấy hôm sau cô con dâu đưa con về nhà ngoại, thành ra mấy gian nhà trống vắng, lạnh lẽo. Mà con trai bà có tội trạng gì cho cam, có chăng chỉ là tội nó quá thật thà, ngay thẳng mà thôi, hiểu con, thương con lòng bà Nhân luôn xót xa nhìn lại những ngày qua.

Hợp tác xã Xuân Sơn Thành lập được mấy năm, thì bố của Nghĩa không may bị chết trong một trận chống lụt, vỡ đê.  Đang học cấp ba, Nghĩa phải  bỏ học về làm ruộng giúp mẹ, rồi lấy vợ ở làng.  Bấy giờ, cả làng chỉ có trình độ văn hoá của Nghĩa là cao nhất, bà con xã viên bầu Nghĩa làm kế toán hợp tác xã. Ông Kha rất quý Nghĩa, ông tận tình chỉ bảo công việc cho Nghĩa. Nghĩa thông minh, tiếp thu nhanh, chữ đẹp, sổ sách rõ ràng ông Kha rất vui. Hai nhà hàng xóm thân tình như ruột thịt, Nghĩa gọi ông Kha là chú, ông Kha coi Nghĩa như cháu ruột, đi đâu về có quà ông chia đều cho cả các con của Nghĩa.

Thời gian bình thản trôi, công việc của Nghĩa diễn ra đều đều, tay nghề của anh ngày một vững vàng thêm, những con số công điểm,  số lúa chia cho bà con rất chính xác. Hàng tuần, hàng tháng anh tổ chức đối chiếu sổ sách kế toán, với sổ sách từng gia đình, và chỉnh sửa lại cho bà con cẩn thận. Mùa về nhà nào cũng hân hoan nhận phần sản phẩm lao động của mình, không có sự nhầm lẫn, tranh dành cãi cọ nhau… Nhưng rồi sự nhiệt tình trong công việc, nhất là việc tính toán trung thực, công khai của Nghĩa, không làm ông Kha vừa ý. Một hôm ông bảo Nghĩa: “ Cháu không cần đối chiếu sổ sách nhiều như vậy làm gì, vừa bận lại mệt đến thân. Phải cẩn thận, bọn dân gian lắm, thấy cháu hiền lành chúng cứ ghi bừa vào sổ nhà mình rồi bắt cháu sửa sổ chung. Không khéo phải mang của nhà ra mà đền thì khổ. Rồi ơn không thấy lại thấy oán đấy.” Nói thì nói vậy thôi, thực lòng ông Kha không thích việc làm này của  Nghĩa. Mấy năm nay có mặt Nghĩa, với đôi mắt thông minh sắc sảo, thấu hiểu mọi điều, ông Kha không thể nào khuất tất được việc gì. Bực bội, nhiều lúc nhìn Nghĩa ông nghĩ: Thằng  này nó giống hệt bố nó. Thằng bố, đừng có tinh tướng lao xuống nước lũ cứu người, thì làm phải chết. Thằng này có khi còn tinh vi hơn cả thằng bố. Tưởng rằng tuổi trẻ nó thức thời, ngờ đâu có học mà ngu. Người ta làm kế toán thì vợ con được nhờ, đằng này thiếu thốn, vẫn hoàn thiếu thốn, vợ khổ con khổ, không trách con vợ suốt ngày ca cẩm chồng. Biết vậy mình gạt nó ra ngay từ đầu là xong, nhưng người bỏ phiếu cho nó nhiều quá. Rồi dần dần cũng phải liệu cho nó, chứ để nó lộng quyền mãi thế này thì… Nghĩ vậy, nhưng ông Kha không tin là mình không cảm hoá được Nghĩa. Người ta mấy ai không thích tiền của, công danh. Tiền nhiều, lợi lớn chắc nó sẽ không từ.

Một buổi tối, hai chú cháu đi họp ban quản trị về, ông Kha theo Nghĩa vào nhà. Hai người ngồi uống nước, ông nói với Nghĩa: “  Mấy năm nay cháu làm việc tích cực, được nhân dân tin tưởng, chú rất phấn khởi. Chú đã bàn với ban lãnh đạo chi bộ, tháng sau cho cháu đi học cảm tình  Đảng. Tương lai cháu sẽ còn tiến bộ  nhiều hơn nữa. Nhưng bao giờ cũng vậy, phải có thực mới vực được đạo cháu ạ. Nhà cháu mẹ già, vợ yếu, con đông thiếu thốn quá, chú thương. Bố cháu mất rồi, chú thấy mình cũng phải có trách nhiệm lo lắng cho tương lai của cháu.”  Nghĩa thật thà, anh cảm động trước những lời tình cảm của ông Kha, tuy nhiên chưa hiểu ý định của ông, Nghĩa chăm chú nhìn ông. Thấy Nghĩa có vẻ tin  tưởng mình, ông Kha mừng thầm, hạ giọng nói nhỏ đủ để hai chú cháu nghe:

– Nghĩa này, hai  cái lò gạch làm ăn thất bát, chú quyết định giải thể.  Mấy tay bên làng Sơn Dược, còn nợ hơn hai triệu, tiền mua gạch, cháu ghi chép cẩn thận chứ?

– Vâng, cháu ghi trong sổ cẩn thận rồi, nếu họ trả đủ thì mình không bị lỗ nhiều chú ạ.

– Họ hẹn chú ngày mai sẽ trả. Nhưng mà, hôm xuất gạch, cháu xuất cho họ phải không?  Số tiền này không ai biết ngoài chú cháu ta phải không? Vậy thì chỗ này phần chú cháu ta, mỗi người một ít thêm vào lo bữa ăn cho bọn trẻ, không chúng nó đói khổ quá. Cháu làm sổ sách thế nào cho khớp là được cháu ạ.

Hơn hai triệu đồng. Nghĩa giật mình, trong đầu Nghĩa loé lên con số, một triệu. Như vậy là mình sẽ được khoảng một triệu, một triệu lớn quá, chưa bao giờ Nghĩa dám nghĩ đến điều đó. Tim Nghĩa đập rộn lên như người nhặt được túi tiền. Tâm tư Nghĩa lúc này giống một như người nhặt được của rơi, nửa muốn lấy, nửa muốn trả lại người bị mất. Không. Đây không phải là của rơi, đây là mồ hôi nước mắt của nhân dân. Trầm ngâm một lát rồi Nghĩa nói:

– Không. Sổ sách của cháu rõ ràng lắm, không thể nhập nhằng vào chỗ nào được chú ạ. Nếu cấp trên về kiểm tra, tìm ra thì tội lỗi cháu phải chịu.

-Sổ sách kế toán  nhiều chữ số, nhìn vào đấy như nhìn vào rừng rậm, biết lối nào mà lần, với lại nếu họ về chú sẽ có cách cháu đừng lo.

– Dù có đúng như lời chú nói, cháu cũng không làm. Số tiền này lớn, cháu sợ lắm.

– Tôi là cha chú của anh. ông Kha hơi bực mình sẵng giọng: tôi bảo anh làm thì anh cứ làm. tội vạ tôi chịu, chứ anh có phải chịu đâu mà lo.

– Không, cháu không thể làm. Lương tâm không cho phép  cháu làm điều đó. Hẳn chú biết số tiền ấy quy ra là hơn ba tấn lúa chứ. Trong khi nhiều gia đình  xã viên còn phải mất bữa. Làm vậy là thiếu lương tâm, là…

-Thôi. Ông Kha đập tay xuống bàn quát, mặt ông tím bầm lại: Anh giỏi lắm. Anh tốt lắm. Anh mài cái tốt cái giỏi ra mà ăn.

Nói xong, ông Kha hầm  hầm bước ra. Về nhà, nóng quá ông cởi chiếc áo ngoài vắt lên cái dây chăng quần áo, nhếc miệng cười nhạt: “Được lắm, mày tinh vi như thằng bố mày, thì rồi sẽ cũng được như thằng bố mày thôi con ạ!” ý nghĩ bột phát ra trong lúc giận, nhưng lòng ông Kha lại theo đuổi ý định thực hiện nó. Bởi ông biết, ông không còn con đường nào khác.

Thời gian này, sở điện lực sơ tán về đóng ở làng Xuân Sơn, công nhân cơ điện rất đông, họ làm nhiện vụ chăng dây, đựng cột đưa điện về các cơ quan ban ngành đóng ở những địa bàn lân cận. Họ nhờ một kho của hợp tác xã để chứa dây điện và cột điện. Một hôm Nghĩa vắng nhà, một người lạ mặt xưng là công nhân, mang hai mươi cân dây điện, đến nói với vợ Nghĩa, cho anh ta gửi ở đây vài hôm. Vợ Nghĩa ngần ngừ, anh ta rút tiền ra cho các con Nghĩa, mỗi đứa một đồng, vợ Nghĩa nhận lời. Mấy hôm sau, Nghĩa đang cày trên cánh đồng cách nhà hai cây số,  bỗng có một đoàn người gồm công an huyện, công an xã đến đầu bờ tuyên bố lệnh bắt Nghĩa. Họ đưa còng số tám khoá tay Nghĩa, dẫn anh về làng trước sự ngỡ ngàng của bà con hàng xóm. Về nhà Nghĩa, họ đọc lệnh khám nhà, với tội danh tham ô lúa  của của hợp tác xã. Không tìm thấy lúa, nhưng họ tìm ra hai mươi ki-lô-gam dây điện. Nghĩa bị liệt vào tội ăn cắp tài sản Quốc Gia. Ngay lập tức, Nghĩa bị đưa vào trại giam của huyện, rồi trại giam của tỉnh, không  lập án, cũng không xét hỏi điều gì.

Bà cháu, mẹ con đứng ngớ người, vợ Nghĩa kêu oan nhưng họ lờ đi. Bị còng tay dẫn đi nhưng Nghĩa vẫn bình tĩnh, anh quay lại nói với mẹ: “ Mẹ đừng lo nhiều  “ Cây ngay không sợ chết đứng.” mẹ ạ” Trông theo con bà Nhân xót xa, linh  tính của người mẹ, bà nhớ lại  cái buổi tối ông chủ nhiệm đập bàn với con bà. Bà hiểu con bà không có tội. Những ngày tiếp theo, nghe lời kể của con dâu bà tìm ra manh mối. Hiểu được sự thâm hiểm của con người, bà lìa  mặt ông chủ nhiệm.

Thương con nhưng tuổi già, lại không thân quen với người có quyền chức, bà chẳng biết kêu ai. Ngày đêm bà chỉ có ngọn đèn, nén nhang kêu xin tổ tiên, xin chồng  phù hộ, độ trì cho con trai  mau chóng được tai qua nạn khỏi.

Ngày tháng nặng nề trôi qua, tim bà luôn nhói đau, nghĩ đến nguồn cơn người ta hại con mình. Hôm nay đùng một cái, vận hạn đổ xuống đầu ông chủ nhiệm, âu trời cũng có mắt.  Thoạt nghe tin dữ, bà cảm thấy bàng hoàng, rồi đầu bà hiện lên câu nói : “ Không có trời ai ở với ai.”  thực ra, lúc ấy lòng bà cũng có một chút gì đấy gọi là dịu vợi mỗi niềm… Nhưng đức tính nhân hậu, từ bi trong bà lớn hơn, lúc sang thắp hương cho người quá cố, biết được nguyên nhân tử vong của Hiên ( vợ ông chủ nhiệm) là do bị  băng huyết, bà cảm thấy như mình có lỗi. Bởi vì trong nhà bà đang có một loại thuốc cầm máu, bà chưng cất từ một loại thảo dược trong vườn. Giá như bà được biết, thì có lẽ bà cũng làm được một việc gì đấy để cứu chị ta. Vốn là con một ông đồ nho giỏi ở xã bên, ông cụ vừa dạy chữ nho, vừa làm nghề thuốc. Không được bố dạy  học, nhưng thông minh bà nhập tâm được khá nhiều điều. Về nhà chồng, tuy đẻ ít( chỉ có mình Nghĩa)  nhưng bà có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi con, và chữa các loại bệnh thông thường. Vườn nhà, bà trồng nhiều cây thuốc, bà thường xuyên dùng nó chữa bệnh, bà con láng giềng ai cần đến bà, bà giúp họ.

Ở nhà hàng xóm về, bà Nhân vội vàng lấy nắm gạo bỏ vào cái niêu mốt nấu cháo. Cái chết đột ngột của vợ ông chủ nhiệm, khiến bà buồn thương cho một kiếp người, ngồi gầy củi vào nồi cháo, vừa làm  vừa suy nghĩ miên man. Điều lúc này bà quan tâm hơn cả, là một sinh linh bé nhỏ vừa mới chào đời, sự sống mong nanh quá, không khéo nó lại đi theo mẹ nó mất. Cái ý nghĩ  ấy, cứ lởn vởn trong đầu làm bà lo lo, chốc chốc bà lại lắng trong sự ồn ào khóc lóc của đám tang, xem có tiếng khóc của em bé sơ sinh không.

Cháo được, bà chắt lấy nước mọng, hoà đường, rồi cho vào chiếc bình có cái vú da của cháu nội. Bà mang cháo sang nhà ông chủ nhiệm, thì  con bé vừa dậy. Bà ngồi xuống giường bế cháu lên, đưa đầu vú da vào miệng nó. Bú một hồi no nê con bé toét miệng cười, bà âu yếm nhìn bé với lòng  thương cảm, con bé còn bé bỏng quá, nó đâu biết bất hạnh đang ập xuống đầu nó. Một hồi trống lễ  vang lên, con bé giật nẩy mình giơ tay lên, bà ôm chặt lấy nó. Lúc sau bà nhờ một người anh em nói hộ với ông chủ nhiệm, cho bà đưa cháu về bên nhà vài ngày, để cháu yên tĩnh ngủ, xong việc bà sẽ lại đưa cháu về. Ông chủ nhiệm đồng ý, bà rất mừng.

Ngày đêm bà ấp ủ thương yêu con bé, ba ngày trôi qua, đúng hẹn bà mang  trả cho ông chủ nhiệm. Thực tình, bà không muốn trả nó, bây giờ sữa mẹ đã không có, lại chẳng có ai bế ẵm yêu thương, con bé sẽ sống ra sao?  Bế cháu đi, bà Nhân thầm mong ông chủ nhiệm lại nhờ bà chăm con bé. Mong ước của bà được toại nguyện, ông chủ nhiệm đỡ con, mặt cúi xuống ngượng ngùng nói: “ Chẳng may cháu bị mồ côi mẹ sớm, tôi đàn ông không biết chăm con, lại còn công việc xã hội. Nếu bà không bận, tôi nhờ bà giúp đỡ cho.” Bụng bà Nhân vui, nhưng bà vẫn nói: “ Công việc nhà nào chả bận, nhưng bác đã có lời nhờ, thì tôi sẽ cố gắng giúp bác.”

Bà cháu lại bồng bế nhau về, đặt con bé xuống giường, bà vội đi đun ấm nước chè xanh. Nước sôi, chè ngấm bà đổ ra cái chậu thau, mùi chè vườn bốc lên hương thơm dìu dịu. Một lúc sau nước còn hơi âm ấm, bà cho vào một chút muối, khoả đều. Bế con bé lên, bà nựng cháu: “ Cháu Thương của bà dậy đi tắm nào, ba bốn ngày nay chưa được tắm, ngứa ngáy lắm. Bà tắm nước chè xanh cho cháu nhé, nước chè xanh tốt lắm đấy, để da cháu bà sạch sẽ này, trắng, đẹp này…Lớn lên cháu Thương bà sẽ xinh gái , đúng không  nào…”

Hai tháng đầu, bà cho bé ăn nước cháo, hoà thêm ít sữa bò, vài hộp sữa ông thọ tiêu chuẩn cán bộ của bố nó. Tháng thứ ba, bà cho bé ăn thêm bột. Ngày ấy chưa có cối xay bột, bà ngâm gạo cho mềm, rồi giã và rây đi rây lại nhiều lần cho thật nhỏ, sau đó đem phơi hoặc sao trong lửa thật khô, để cháu ăn dần. Mỗi lần nấu bột, bà cho thêm một cái lòng đỏ trứng gà, ít nước rau, bà chăm  bé rất tỉ mỉ, bằng hết khả năng của mình, hy vọng bù đắp được phần nào sự thiệt thòi của nó. Nhờ trời con bé ngoan, ăn no nằm ngủ không quấy khóc nhiều. Tuy nhiên không có sữa mẹ sức đề kháng của con bé kém, hay ốm đau luôn. Một lần bé bị bệnh viêm phế  quản nặng, sốt cao, ho nhiều, khó thở quấy khóc liên miên, thương cháu bốn, năm đêm liền bà phải ngồi ôm cháu thâu đêm suốt sáng. Nhìn đứa bé èo ặt trên tay bà hàng xóm, người bố chỉ biết lắc đầu, chán nản. Vốn tính can đảm, tháo vát, bà vừa chăm cháu vừa tranh thủ chế thuốc kháng sinh từ loại cây bồ công anh, thuốc ho từ các cây cúc mốc, hẹ, quất vv…ở vườn nhà, bà kiên trì  cho bé uống. Gần hai tháng sau bé khỏi bệnh, nó lại ăn chơi, ít thời gian sau nữa má, môi của nó đã tươi lên và lại có nụ cười. Lòng bà như trút đi được gánh nặng, bà  lại vui vẻ cười cười, nói nói với cháu vang nhà, cứ như là nó đã biết nói vậy.

Ba, bốn tháng sau, con bé mới được bố đặt cho cái tên là: Bảy, vì nó là đứa con thứ bảy trong nhà, nhưng  từ lâu bà cứ quen mồm gọi nó là: Thương. Trời chớm hạ đã thấy cái nóng len vào nhà, nhưng sáng và chiều vẫn còn dễ chịu, những lúc trời nóng, bà Nhân nâng chiếc cửa sổ bên giường của hai bà cháu lên. Ngoài vườn một cây cam to sai quả, nắng ánh long lanh trên những chùm quả non lúc lỉu đầu cành. Hương cam thoảng bay theo gió vào căn phòng, mùi thơm dịu nhẹ thanh tao, căn phòng vang tiếng nói chuyện i….o… của hai bà cháu. Con bé đang tập lẫy, bà đặt nó nằm quay ra phía cửa sổ, đôi mắt đen trong vắt của nó, nhìn theo mảnh vải đỏ đung đưa trên đình màn rủ xuống. Thi thoảng nó lại đẩy chân nghiêng người, dường như muốn lật. Bà giúp nó: “ Nào, bà giúp đỡ cháu Thương của bà nào…hai…ba…hoan hô…” Con bé lật được ngóc đôi mắt đen nhìn bà thích thú.

Mùa thu trôi dần theo những lá vàng rơi, con bé biết ngồi, biết bò, đôi má hồng hồng, đôi môi đỏ chót, tiếng nói, cười của bà nhiều hơn. Thời gian này có nhiều người đến chơi, những bạn người thường hay chơi với bà, cả những người trước kia không tin bà, sẽ nuôi được đứa trẻ mồ côi này thành người cũng đến. Người mang cho nó chục trứng, người mang cho nó cân đường.  Mỗi khi khách ra vào, bà dạy bé : “ Cháu Thương ạ ông, ạ bà đi; Thương đưa tay tạm biệt ông, bà nào…”  Con bé ngoan, miệng nó luôn i, a vui cười hớn hở. Mọi người bảo nhau: “ Bà lão đã cải tử hoàn sinh cho con bé, ở dưới suối vàng chắc mẹ nó cũng mát lòng!”

Thu đã rơi đến những chiếc lá cuối cùng, còn trơ lại những cành khẳng khưu. Đông về, trong chiếc áo ấm mặc thừa của chị, bé Thương chập chững những bước đi đầu tiên. Bà ngồi phía trước đưa hai tay, động viên  bé: “ Em đi đến đây với bà nào…giỏi nào…” Con bé loạng choạng vài bước rồi lao vào lòng bà,  bà cười  cháu cười vui vẻ. Độ này bà Nhân như trẻ ra, ở tuổi bảy mươi, nhưng lưng bà chưa còng, bước đi nhanh nhẹn; khuôn mặt trái xoan phúc hậu; đôi mắt hiền, tươi lên vì  sự vui tươi của đứa trẻ.

Một ngày đông hửng nắng, bà đang dạy cháu tập đi, bỗng thấy con vàng ngoài sân  sủa ông ổng, vẫy đuôi mừng rỡ, chạy giật lùi vào trong nhà. Nhìn ra, bà hết sức ngạc nhiên và sung sướng, con trai bà được về. Quay đi, quay lại đã gần  một năm. Lòng bà bỗng thấy nhẹ bâng, như có ai cất hộ cho gánh nặng. Nghĩa đứng sững sờ nhìn đứa bé, rồi hỏi mẹ. Bà Nhân ân cần đưa cho con cốc nước cam đường, ngắm nhìn con bà nghĩ thầm: ơn trời nó cũng không đến nỗi gầy quá. Chờ Nghĩa uống xong cốc nước, bà Nhân kể cho con nghe chuyện gia đình ông chủ nhiệm. Rồi bà nói:

– Đứa bé này không có tội con ạ. Phật dạy rằng: cứu được một người phúc đẳng hà xa. Nghĩ thoáng ra một chút con nhá.

Nghĩa nhíu mày trầm ngâm, một lúc sau anh nói:

– Vâng. Mẹ nói đúng ạ. Nhưng con sợ nhà con, nó không nghĩ được như vậy.

– Chị ấy có vẻ không đồng ý với việc làm của mẹ, nhưng không dám nói, chỉ ra ngấm vào nguýt, và không cho bọn trẻ về nhà.

– Để con nói với nhà con. Nó chưa nghĩ  được sâu xa, nó chưa thấy ai lấy ân trả oán bao giờ mẹ ạ.

Nói rồi Nghĩa đi đến chỗ con bé cầm tay nó bảo: Cháu ạ chú đi. “ Ạ” . Con bé nhanh nhẩu đáp. Bà Nhân vui vẻ bảo con: “ Cũng may con bé hết sài đẹn rồi, con ạ.”  Nghĩa nói: “ Sự việc của con cũng xong rồi. Cái tay công nhân ấy, bị cơ quan cho thôi việc, về nhà hắn lại tiếp tục ăn cắp ở nơi khác. Công an bắt được, hắn ta đã khai cả việc, hắn được người cho tiền, để mang dây điện vào nhà ta. Bây giờ trắng, đen đã rõ ràng rồi, con hoàn toàn vô tội, mẹ ạ.” Mặt bà Nhân rạng rỡ lên: Ôi, tổ tiên ông bà đã phù hộ cho con tôi!  Bà Nhân lẩm bẩm, đôi mắt già nua của bà rơm rớm ra hai hàng lệ…

N.M.N

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder