Hôm nó tốt nghiệp THPT cũng là hôm tai họa giáng xuống đầu gia đình nó. Bố nó bị tai biến, liệt nửa người. Bác sỹ bảo bệnh của bố nó cần có thời gian, người nhà phải kiên trì hỗ trợ. Nhìn bố, nó rơi nước mắt. Bố nó không nói được, chỉ ú ớ ra hiệu. Nó hứa sẽ thay bố trông nom trang trại…
Hôm nó tốt nghiệp THPT cũng là hôm tai họa giáng xuống đầu gia đình nó. Bố nó bị tai biến, liệt nửa người. Bác sỹ bảo bệnh của bố nó cần có thời gian, người nhà phải kiên trì hỗ trợ. Nhìn bố, nó rơi nước mắt. Bố nó không nói được, chỉ ú ớ ra hiệu. Nó hứa sẽ thay bố trông nom trang trại.
Nó tên Ba, nhưng mọi người vẫn gọi nó là Ba Phạt. Chả là khi nó ra đời, bố mẹ nó phải nộp phạt ba tạ thóc.
Bố mẹ nó đều làm nông, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Lấy nhau được năm năm, hai anh nó lần lượt ra đời. Mấy năm ra ở riêng vẫn nheo nhóc, đói khổ. Một hôm, bố nó bảo mẹ nó:
– Hai đứa con đủ rồi, từ nay làm ăn kinh tế, kế hoạch năm năm xóa đói giảm nghèo nhé. Cô cứ liệu đấy, đừng để chửa ra là chết với tôi.
Mẹ nó đồng ý. Nhà nước cũng quy định mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai con, ngày nào loa phát thanh xã chả tuyên truyền. Vậy là khóa chặt. Bác sỹ bảo: Cứ yên tâm, vòng chữ T này bố con nòng nọc nào chui vào được.
Ấy vậy mà nó vẫn vượt rào chui vào. Mẹ nó tin tưởng lời bác sỹ nên đến lúc phát hiện ra thì cái thai to quá. Bố nó nổi giận đùng đùng. Chỉ sợ lại thêm một thằng cu nữa… Nhưng rồi mọi người động viên “Một mặt người bằng mười mặt của”. Ông bà hai bên cũng xúm vào khuyên lơn, ai cũng bảo đứa con là của trời cho, mà trời ban cho thì phải nhận, không được làm việc thất đức. Bố nó nguôi cơn giận nhưng vẫn không vui. Mẹ nó ngày đêm cầu khấn ông trời cho nó là con gái.
Đủ ngày đủ tháng, nó chui ra. Mẹ nó đau bụng, chưa kịp mời bà đỡ thì nó đã rơi ra nền nhà. Nó khóc oa …oa, tiếng vang vang giữa trưa hè nắng, đánh thức cả đàn ve đang nghỉ trưa. Dàn hợp xướng vang lên rộn rã.
Bà nội nó nựng yêu:
– Bố thằng cu con, ồn ào quá, sau này lại nghịch lắm đây.
Bố nó nhìn nó chẳng nói gì.
Được bà nội bế, nó nằm yên, mắt lim dim. Hình như nó biết thân biết phận nên ngoan lắm.Chẳng được bồi bổ như người ta, nhưng mẹ nó vẫn đủ sữa cho nó bú. Nó lành như củ khoai, củ ráy, lúc đói muốn ăn chỉ ọ ẹ, ăn no rồi lại lăn ra ngủ.
Nó được gần ba tháng, bố mẹ nó mới nhớ ra là chưa làm khai sinh cho con. Mẹ nó giục mãi, bố nó mới đi. Cán bộ hộ tịch nói bố mẹ nó vi phạm luật sinh đẻ, luật làm giấy khai sinh… phạt ba tạ thóc. Ăn còn chả no, lại còn nộp phạt. Bố nó xin cán bộ cho nộp dần trong ba năm. Vậy là tên Ba phạt được chính thức gọi từ hôm đó.
– Ba Phạt, Ba Phạt. – Mỗi khi nghe ai gọi, nó lại toét mồm ra cười, hình như nó thích cái tên đó. Nó chẳng quấy khóc hay hờn dỗi bao giờ. Bố mẹ nó cũng chẳng phải lo dỗ dành nó ăn như hai đứa lớn. Nó cứ tự xúc ăn, no thì đứng dậy. Nó lớn thồi thồi như nhành cây, ngọn cỏ. Nó mập mạp, trắng trẻo, trông dễ thương lắm, lại ngoan mồm nữa. Ai cũng khen nó đẹp, nó ngoan. Mà nó ngoan thật. Nó hay nói, hay cười. Nó bi bô suốt ngày. Nó mang niềm vui đến cho ông bà nội ngoại.
Từ ngày có nó, bố mẹ nó làm ăn phát đạt hơn. Cấy lúa bội thu, nuôi gà gà chóng, nuôi lợn được giá, làm gì cũng gặp may… Có ông thày xem tướng số một hôm đi qua ghé vào nhà nó uống nước, nhìn nó bảo mệnh của nó phù trợ cho bố mẹ nó ăn nên làm ra, sau này nó có sự nghiệp lắm. Bố mẹ nó ngẫm thấy đúng nên rất kỳ vọng về nó.
Nó vào lớp một, hai anh nó đều đi làm ăn xa. Lúc này bố mẹ nó mới thấy sinh ra nó thật là điều may mắn. Có nó vui cửa vui nhà chứ không lại tròng trọc hai vợ chồng son, buồn chết.
Kinh tế gia đình khá giả, lại còn mình nó út ít ở nhà nên bố mẹ nó chiều lắm. Nó muốn gì bố nó cũng mua. Ông bà đôi bên có góp ý thì bố nó bảo:
– Ngày xưa đói khổ, hai anh nó chịu cảnh thiếu thốn đủ rồi. Bây giờ có mình nó bé bỏng phải chăm chút cho bằng chị, bằng em chứ.
Có lẽ bố nó cảm thấy có lỗi vì ngày trước không muốn sinh nó ra. Bây giờ muốn chuộc lỗi chăng? Hai anh nó đi làm có lương, lần nào về cũng mua cho nó rất nhiều quà. Nó chẳng giữ được cái gì lâu. Kẹo bánh nó đem chia cho bạn bè. Ô tô, xe máy, cần cẩu, siêu nhân nó gọi bạn đến chơi chung, rồi tháo tung các bộ phận vất mỗi nơi một thứ. Hỏng, nó lại đòi mua cái khác. Đến nước bà nội nó không chịu được la rầy nó thì bố nó bảo:
– Cháu nó ham tìm hiểu thế là tốt mà bà. Có thông minh thì mới tháo ra, lắp vào được chứ. Biết đâu sau này cháu bà lại thành nhà phát minh ấy chứ.
Nó được thể càng vòi vĩnh đồ chơi nhiều hơn.
Bố nó ra điều kiện:
– Thằng cu Phạt của bố, cứ đạt điểm chín, điểm mười về bố thưởng tiền mua đồ chơi.
Điểm chín, mười thì có gì khó. Bậc tiểu học nó kiếm điểm chín, mười dễ lắm. Tuần nào nó cũng mang về cho bố mẹ hai, ba điểm chín, mười. Bố nó phấn khởi lắm. Đồ chơi nó nhiều hơn. Bà nội nó chẳng còn muốn nhặt đồ chơi xếp gọn cho nó nữa.
Rồi, nó lên lớp sáu. Nhiều thày, nhiều cô, nhiều môn học, kiếm điểm sáu đã khó chứ nói chi điểm mười. Tối nào, bố nó cũng hỏi:
– Nay cu con của bố được mấy điểm?
– Nay cô không chấm điểm… Nay con có xung phong mà cô không có gọi…Nay không có kiểm tra…- Nhiều lần nó trả lời vậy, bố nó không hỏi nữa.
Cuối học kỳ một, cô giáo mời bố mẹ nó đến trao đổi. Cô giáo bảo nó học hành chểnh mảng, hổng kiến thức, nhắc bố mẹ nó không được cho tiền mua quà ăn trong lớp. Bố nó không tin. Cấp một nó học khá mà, có thày cô nào kêu ca đâu. Còn chuyện ăn quà, đói thì phải ăn, không ăn thì mẻ cũng chết. Sáng ra, bố mẹ còn bận con lợn, con gà, cho nó tiền đi ăn sáng có gì là sai chứ.
Càng ngày nó học càng đuối. Cuối năm học, nó đứng thứ ba mươi trên tổng ba lăm học sinh của lớp.
Thế này thì không được, nó thông minh, lanh lẹ lắm mà. Chắc tại cô giáo không quan tâm đây. Bố mẹ nó trách cô không biết dạy.
Nghỉ hè, bố nó tìm gia sư riêng cho nó. Nó học không tập trung, chỉ được một lát, nó lại để tâm đi đâu đâu. Nó lý sự thì khôn ngoan lắm nhưng bài toán vừa hướng dẫn xong, cho làm lại, lại quên. Gia sư lắc đầu bó tay. Ông bà nó bảo: Tại bố mẹ làm hư con. Nó không hư. Nó rất lễ phép với người lớn, lại mau mồm miệng, gặp ai cũng chào, chỉ không thích học giỏi thôi. Ông bà có khuyên bảo thì nó lý sự: “Còn đầy đứa học dốt hơn con cơ”. Rồi chẳng biết nghe ở đâu, nó lại ví dụ lại: chị A chỉ học bổ túc văn hóa mà cũng có bằng đại học, cũng làm trong bệnh viện; anh B có tiếng là học dốt, nghịch ngợm giờ cũng là công an đấy thôi; ông D nghe đâu mới học hết lớp năm mà giàu có gần nhất làng này… Nó đâu có hiểu chị A, anh B có ô dù lớn, đi theo con đường vòng từ sơ cấp,trung cấp đi lên, mới được như vậy, chứ nhà nó thuần nông tiền tệ, hậu duệ đều không có, phải cố mà học chứ.
Cùng với sự mở cửa thị trường kinh tế hội nhập của đất nước, kinh tế gia đình nó càng khá giả hơn, bố mẹ nó quyết định mua đất ruộng mở trang trại nuôi gia súc, gia cầm. Công việc bận mải, chẳng có điều kiện quan tâm đến việc học hành của nó. Thỉnh thoảng bố nó mới nhắc nhở suông: Thằng Ba Phạt của bố cố gắng học giỏi sau này bố cho làm giám đốc trang trại Sơn Hào nhé. (Bố nó tên Sơn, mẹ nó tên Hào).
Nó không có hứng thú học hành, nhưng lại rất có hứng với chăn nuôi. Nó thường ngồi hàng giờ ngắm nhìn đàn gà, hay quan sát đàn lợn. Nó thích cùng mẹ cho gà ăn, cùng bố tắm cho đàn lợn. Rồi bố nó mua cho nó đàn gà chọi, nó say lắm. Đi học thì thôi chứ về đến nhà lại chăm đàn gà. Nó có tay nuôi lắm. Giờ nó không thích tháo lắp đồ chơi nữa, cũng không vòi vĩnh mua ô tô, máy bay này nọ. Lúc nào cũng đẽo đẽo, gọt gọt. Tre, gỗ, nứa bày bừa bộn. Nó làm lồng gà, lồng chim; cái to, cái nhỏ đủ các hình dạng. Nó học thì không giỏi nhưng chỉ cần nhìn người khác làm là nó bắt chước được ngay.
Một năm nọ, có người thợ bẫy chim cảnh từ tỉnh bên sang, trọ ở trang trại nhà nó. Ông bày cho nó cách bẫy chim. Vậy là nó mê luôn. Nó ngồi hàng giờ, cả buổi để săn một con chim, có khi quên cả đi học. Ngồi nghe nó nói chuyện về chim cứ như chuyên gia, nó hiểu tập tính từng loài như chim Gáy, chim Khuyên, chim Sáo…
Nó trốn học như cơm bữa, lớp chín rồi mà học hành chểnh mảng, làm sao thi tốt nghiệp được. Thỉnh thoảng cô giáo chủ nhiệm và cô Tổng phụ trách lại vào thăm nhà và động viên nó đi học. Nhưng chỉ được vài hôm, nó lại chứng nào tật ấy. Tiết học trước có mặt ở lớp, tiết sau lại không thấy đâu nữa. Cũng may, do chủ trương phổ cập trung học, nó tốt nghiệp cấp hai một cách dễ dàng. Nó chẳng muốn học lên nữa, nhưng bố mẹ ép quá, lại trúng tuyển vào trường bổ túc văn hóa, nhà trường đến tận nhà động viên đi học, nghe nói lên thị trấn học nhiều trò vui lắm, nó miễn cưỡng đi. Lên cấp ba rồi, nó vẫn trốn học thường xuyên, khi mang gà đi chọi, khi mang chim đi thi, lúc lại rình săn một con chim quý…Thày cô phản ảnh nhiều, bố mẹ nó cũng thấy muối mặt lắm. Mỗi lần bố nó ca thán, mẹ nó lại động viên:
– Thôi, mình ạ. Con mình nó chỉ lười học nhưng được cái ngoan và siêng năng lao động thế cũng tốt rồi. Con nhà người ta còn nghiện ngập đủ kiểu kia…
Nghe vậy bố nó cũng nguôi ngoai. Ừ, thời buổi này cần nhất là ngoan, là tránh xa các tệ nạn. Nó không mê game, không thuốc lá, cờ bạc thế là tốt rồi.
Một hôm, bố nó gọi nó đến và bảo:
– Con trai à ! Hôm nay bố muốn nói chuyện với con như hai người đàn ông chân chính.
Chà! Chà!… To chuyện đây.- Nó thầm nghĩ, và thấy sướng thầm trong bụng vì nó đã được công nhận là đàn ông, trưởng thành rồi. Mà nó nhớ, có lần bố nó bảo ” Đàn ông trưởng thành thích làm gì thì làm”. Dù gì nó cũng đã sắp qua tuổi mười sáu.
– Vâng, bố cứ nói, con xin nghe ạ.
Bố nó chậm rãi:
– Bố mẹ đặt rất nhiều hy vọng ở con… Trước kia, các anh con vì hoàn cảnh mà học hành không được đến nơi đến chốn. Bây giờ gia đình mình có điều kiện cho con ăn học, con muốn gì bố mẹ cũng đáp ứng, sao con không chịu học?
Bố nó nhìn nó vẻ buồn rầu:
– Bố mẹ muốn con học hành chăm chỉ, có thế mới thi đỗ đại học, mới có tương lai tốt đẹp được. Con cứ chểnh mảng học hành, bố mẹ buồn lắm.
Nó nhìn vào mắt bố nó:
– Bố, con xin lỗi đã làm bố mẹ buồn. Nhưng con không thích học. Ngồi trong lớp học con thấy như bị tra tấn. những sin, cots, cotang… làm con nhức hết cả đầu. Con đã thử cố gắng nhưng không được.
Rồi nó hạ giọng:
– Bố ạ, con đã suy nghĩ rất nhiều. Có nhiều con đường để có tương lai tốt đẹp, đâu cứ phải con đường vào đại học ạ.
– Phải. Nhưng nếu con có tri thức, con không phải vất vả như bố mẹ. Con sẽ được đi đây đi đó, làm việc có giờ giấc, có thời gian chơi thể thao, đọc báo, xem ti vi…Con cứ nhìn gương bố mẹ đây. Kiếm được đồng tiền vất vả lắm. Ngày nào cũng lo làm việc ,chẳng có thời gian chơi bời, nghỉ ngơi, du lịch như người ta… Không có bằng cấp, làm công nhân như các anh con cũng chỉ đủ ăn…
Nó biết nó làm bố mẹ buồn nhiều. Nhưng cứ nghĩ đến việc ngồi mòn mông từ sáng đến trưa với mấy con chữ, con số nó lại thấy vô nghĩa. Nó thích hòa mình với thiên nhiên, với công việc. Nó sẽ làm giàu từ chính đồng ruộng làng quê của mình. Nó tin là thế.
– Con xin bố. Hãy cho con làm công việc con thích ạ.
– Làm gì thì làm, cũng phải mang cái bằng tốt nghiệp trung học về cho bố đã. – Bố nó cố nén tiếng thở dài.
Hôm nó tốt nghiệp THPT cũng là hôm tai họa giáng xuống đầu gia đình nó. Bố nó bị tai biến, liệt nửa người. Bác sỹ bảo bệnh của bố nó cần có thời gian, người nhà phải kiên trì hỗ trợ. Nhìn bố, nó rơi nước mắt. Bố nó không nói được, chỉ ú ớ ra hiệu. Nó hứa sẽ thay bố trông nom trang trại.
Vừa giúp mẹ chăm sóc bố, vừa lo việc nơi trang trại, nó gầy đen nhưng rắn rỏi. Ai cũng khen nó có hiếu. Ngày làm ở trang trại, tối về xoa bóp chân tay, giúp bố tập luyện. Gần ba năm, kiên trì luyện tập, bố nó cũng nhúc nhắc được cái tay, cái chân, nói thì còn méo tiếng nhưng nó vẫn hiểu. Có việc quan trọng nó thường hỏi ý kiến bố. Nó bảo: Người già chính là kho kiến thức. Bố nó nông dân chính hiệu nhưng tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm mà nó cần học hỏi.
Với sự động viên của bố mẹ, nó mua thêm ruộng, đào ao nuôi cá, trên bờ ao trồng chanh, ổi, thêm giàn bí, giàn bầu nơi mé ao. Nó mở rộng trang trại, nhân rộng đàn gà chọi, bắt tay vào nuôi gà chiến. Nó tìm đến các hiệu sách mua sách hướng dẫn nuôi gà, nuôi chim. Chẳng mấy mà nó được bọn trai làng tôn làm sư kê. Nó nói về gà chiến với bốn yếu tố” Nhất thủ, nhì vĩ, tam hình, tứ túc” cứ như một chuyên gia. Tiếng lành đồn xa, các tay chơi gà chọi tìm đến nhờ nó mua giống, huấn luyện. Nhà nó tấp nập khách ra vào. Nhìn cơ ngơi của nó ai cũng nể phục. Nó thấy kiếm tiền bằng sức lao động cũng không khó mà lại thật vui.
Bây giờ Ba Phạt đã bước vào tuổi ba mươi. Anh là điển hình của thanh niên thời đại mới, dám nghĩ dám làm. Không chỉ làm giàu cho mình, anh còn tạo công ăn việc làm cho năm lao động thường xuyên, và một số lao động thời vụ. Chúng tôi đến thăm trang trại của anh đúng vào mùa ổi chín. Hương ổi thơm ngào ngạt như báo hiệu thu sang. Anh hồ hởi dẫn chúng tôi đi thăm trang trại đã được quy hoach khá hợp lý. Anh kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về mình và những dự định trong tương lai. Anh bảo:
– Trước kia ở tuổi học sinh mình rất lười học, giờ lại thích đi học. Mình đang định sang năm sẽ tập trung ôn thi để thi vào trường đại học nông nghiệp, mình muốn có kiến thức vững vàng để phát triển trang trại quy mô lớn như ở các nước Tây âu.
Chia tay anh trong ánh nắng thu vàng rực rỡ, trong mùi ổi chín thơm lừng, chúng tôi bước đi trên con đê lồng lộng gió, nghe tiếng sáo diều vi vu. Nhìn lên cánh diều của anh Ba đang thong dong thổi nhạc giữa trời, tôi thấy lòng mình bâng khuâng. Mỗi con người sinh ra đều mang trên mình một sứ mệnh riêng, một khát vọng riêng, và một con đường riêng để phát triển tương lai. Việc học chả bao giờ là muộn. Tôi thầm chúc cho anh nhanh chóng thực hiện được mơ ước của mình.
U.L