Ba phút sự thật của Phùng Quán – Ngô Mính (tiếp)

Xông đất nhà thơ Tố Hữu

Sáng mùng một Tết năm Canh Ngọ. Như thường lệ, vợ chồng chúng tôi xuất hành vào 9 giờ sáng, đến chúc Tết các gia đình họ hàng nội ngoại. Năm đó chúng tôi quyết định xông đất đầu tiên gia đình nhà thơ Tố Hữu…

Xông đất nhà thơ Tố Hữu

Sáng mùng một Tết năm Canh Ngọ. Như thường lệ, vợ chồng chúng tôi xuất hành vào 9 giờ sáng, đến chúc Tết các gia đình họ hàng nội ngoại. Năm đó chúng tôi quyết định xông đất đầu tiên gia đình nhà thơ Tố Hữu.

Trong mối liên hệ gia tộc, tôi gọi nhà thơ bằng cậu. Theo phong tục miền Bắc, tôi phải gọi bác, vì nhà thơ là anh em cô cậu ruột với mẹ tôi. Cậu là con út trong gia đình, hàng cháu chúng tôi vẩn quen gọi cậu út. Mọi năm, trên đường đi chúc Tết, tôi thường vẫn đi xe đạp ngang qua trước cổng biệt thự của nhà thơ trên đường Phan Đình Phùng. Cảnh tượng tưng bừng, tấp nập trước cổng biệt thự tôi không tả nổi; chỉ đoán chắc cả Hà Nội cũng chỉ năm bảy nhà sánh kịp mà thôi. ô tô con đủ hình dáng, màu sắc, nhãn hiệu, choáng lộn như vừa xuất xưởng, đỗ một hàng dài san sát. Những bó hoa tươi thật lớn, thật rực rỡ, được đưa từ trên xe xuống… Công an mặc lễ phục đi lại dọc vỉa hè. Lính cảnh vệ oai nghiêm bồng súng đứng gác bên cổng sắt đồ sộ. Người ra người vào nườm nượp, mặc toàn đồ lớn, nét mặt hồng hào rạng rỡ, đầy vẻ trịnh trọng có pha chút khúm núm. Ngang qua đó, không hiểu sao tôi cứ có cảm giác sờ sợ, đầu không khiến mà chân cứ tự động đạp xe dạt sang bên kia đường.

Nhưng Tết này, trước cổng biệt thự của nhà thơ quang cảnh vắng teo. Không có chiếc ô tô con nào, không công an cũng chẳng lính cảnh vệ. Cái cổng sắt mọi ngày nom như hẹp hẳn lại, hai cánh cửa khép hờ, ai vào cứ việc đẩy cửa mà vào y như thể dân thường. Hai vợ chồng chúng tôi xuống xe đạp đửng tần ngần một lúc trước cổng sắt.

“Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…

Hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan bỗng đột ngột hiện ra trong trí nhớ của tôi với toàn bộ vẻ đẹp u trầm và sâu sắc đến kinh người của nó.

“Tết này là đúng ba mươi hai cái Tết anh không đến chúc Tết cậu” – tôi nói với vợ, tay khẽ khàng đẩy cánh cổng sắt. Chúng tôi dắt xe qua khoảng sân lốm đốm những mảnh rêu, dựa xe vào tường dãy nhà ngang dài tít tắp, cuối dãy nhà là gara ô tô. Dãy nhà ngang này, mới năm ngoái năm kia, còn người ra người vào tấp nập, vang vang tiếng chuông điện thoại, tiếng “Alô, tôi nghe đây”, tiếng máy chữ lách cách liên hồi; trong gara ngự một chiếc ôtô đen choáng lộn, nhìn thắng ra cổng với cặp mắt đèn pha sáng quắc, uy nghi. Bây giờ các cửa phòng đều đóng kín, trong gara đậu một chiếc xe con nhỏ thó, màu trắng đục.

Tôi bâng khuâng đưa mắt nhìn cây táo già và cây hồng tơ đứng sát bên rào sắt trước tiền sảnh biệt thự. Đây là hai cái cây nổi tiếng đã đi vào thơ.

Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt”, “Quả son nhún nhẩy đèn lồng cành tơ”. Nhìn cây tôi bỗng chạnh nhớ đến anh lính trẻ thương binh Hoàng Cát viết văn. Chỉ vì cây táo này mà có lần anh phải mang họa vào thân. Anh viết truyện thiếu nhi “Cây táo ông Lành” và đã bị trừng phạt vì có dụng ý nói xấu cán bộ lãnh đạo cao cấp. Giá hồi đó anh đổi thành “cây nhót hay cây ổi ông Lành” chắc đã không phải khổ. Tôi nghĩ vậy và thầm tiếc cho anh. Chúng tôi bước vào phòng khách rộng lớn, thấy nhà thơ đang tiếp mấy vị khách ăn mặc xuềnh xoàng như chúng tôi, trong đó có một phụ nữ đứng tuổi, gương mặt thanh thoát, sắc sảo, cởi mở. Sau đó tôi mới được biết người phụ nữ này là chị Nẻ, vợ đồng chí Võ Chí Công.

“Thưa cậu, năm mới vợ chồng cháu xin đến chúc Tết, mừng tuổi cậu mợ và các anh chị…”. Sau ba mươi hai năm không gặp lại, nhà thơ vẫn nhận ra tôi. “Vợ chồng Phùng Quán” nhà thơ nói như muốn giới thiệu luôn với mấy người khách – “Sao lâu nay cháu không đến cậu?” Giọng nhà thơ ân cần, có pha chút trách cứ của bậc bề trên.

Tôi thoáng một giây bối rối, nhưng nhờ mấy chén rượu xuân trước lúc xuất kích, nên đầu óc tôi trở nên mẫn tiệp. “Thưa cậu” – tôi chắp tay cung kính, ý thức sâu sắc rằng tôi không chì nói riêng với nhà thơ mà với cả khách khứa đang có mặt – “Cháu biết như vậy là rất có lỗi với cậu, nhưng mong cậu hiểu cho. Trước đây, lúc cậu còn là uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thứ nhất, cháu chỉ đến với mục đích duy nhất là để thăm, chúc Tết cậu mợ, nhưng bạn hữu và những người quen biết cháu sẽ đinh ninh Phùng Quán đến để cầu cạnh, xin xỏ Tố Hữu điều gì, và Tố Hữu gọi Phùng Quán đến để sai bảo điều gì. Tấm lòng thật của cháu dù biện minh đến ngàn lần cũng chẳng ai tin. Miệng lười thế gian dữ dằn lắm cậu ạ. “Ai biết đâu ma ăn cỗ!”. Bây giờ mọi việc đã xong rồi, vợ chồng cháu lại được đến chúc Tết cậu mợ…”.

Nhà thơ nhìn tôi với ánh mắt vừa thương hại vừa cười cợt. “Thôi, được rồi, hai vợ chồng ngồi xuống đây – nhà thơ chỉ hai cái ghế trống sát bên cạnh. Tôi là anh của mẹ Phùng Quán” – nhà thơ giới thiệu tôi với mấy người khách, trong đó có anh Hồ Ngọc Đại, nhà giáo dục cách tân nổi tiếng. Chúng tôi niềm nở bắt tay nhau. “Cậu có đọc bàỉ thơ “Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe” – nhà thơ nói – Bài thơ được lắm”. Tôi thực sự ngạc nhiên trước lời khen về bài thơ đó. Đến chúc Tết nhà thơ tôi ngại nhất là chuyện này. Tôi thầm hy vọng nhà thơ chưa đọc.

Em ơi nếu Tử Mỹ – Nhà ở rộng mười gian – Rào sắt với cổng son – Thềm cao đá hoa lá – Chắc ông không thể làm – Mưa thu mái nhà tốc…

Những câu thơ như thế có thể làm nhà thơ nghĩ rằng có sự ám chỉ cá nhân… Lời khen bất ngờ này toát ra vẻ đẹp trong trắng của tâm hồn nhà thơ: với thơ bao giờ cũng hoàn toàn vô tư.

Nhân nhắc đến chuyện thơ, chị Nẻ bỗng ngừng câu chuyện với người khách ngồi cạnh, quay sang hỏi nhà thơ với giọng thẳng thắn bộc trực: “Sao lâu nay anh ít làm thơ thế? Anh đừng để tâm gì nhiều đến những chuyện đã qua. Tôi nói thật, mất đi mười ông Phó Thủ tướng tôi cũng chắng tiếc bằng mất một nhà thơ như anh. Tuổi thanh niên tôi lao vào hoạt động cách mạng một phần cũng do đọc thơ anh. Ngày đó, bao nhiêu bài thơ trong tập Từ ấy tôi thuộc làu làu. Hồi bí mật, bọn mật thám bắt tôi, chúng nó tra tấn treo ngược tôi lên, bắt tôi khai báo. Tôi trả lời chúng bằng cách đọc thơ anh, đọc bài này tiếp bài khác, đọc suốt đêm. Sáng hôm sau chúng nó sợ phải cởi trói cho tôi… Không phải chúng nó sợ tôi đâu, mà sợ thơ anh đấy…”.

Cũng là người làm thơ, nghe người phụ nữ kiên cường này nói về sức mạnh lớn lao của thơ, tôi thầm ao ước cả đời mình chỉ nhận được một phần mười của lời khen tặng đó – “Mọi năm, Tết nào anh cũng có thơ Xuân – chị Nẻ lại hỏi tiếp – Sao vài năm nay anh không có thơ Xuân?”. “Tết này tôi cũng có làm một bài, ngắn thôi, thơ tứ tuyệt…”. Vợ tôi nói: “Xin cậu đọc cho chúng cháu nghe với”. Nhà thơ cười cười, đọc bài thơ với giọng Huế đặc sệt: “Đầu đề bài thơ là “Anh bộ đội mua đồng hồ”. Xin lưu ý là “anh bộ đội” nghe: Có anh bộ đội mua đồng hồ – Thiệt giả không rành anh cứ lo – Đành hỏi cô nàng, cô tủm tỉm; từ “tủm tỉm” của tôi là đắt lắm đấy. “Giả mà như thiệt khó chi mô!”. Nhà thơ đọc lại lần thứ hai, nhấn mạnh từng từ một.

Khách khứa nghe cũng đều cười tủm tỉm, nhưng không ai bình luận gì hết. Tôi thì đoán họ đều như bị hẫng. Vì giọng thơ khác lạ biết bao so với giọng thơ quen thuộc của nhà thơ trước đây. Chào 61 đỉnh cao muôn trượng, câu thơ sáng khoái của nhà thơ trong “Bài ca Xuân 61” được nhiều người hệt vào những câu thơ sấm ngữ. Riêng tôi, bài thơ này làm tôi nghĩ ngợi phân vân: có lẽ nào một nhà chính trị, một nhà thơ từng trải, thông minh như cậu mà mãi cho đến lúc bước vào tuổi bảy mươi mới bắt đầu ngấm cái đòn-giả-thật? Hay cậu đã ngấm từ lâu nhưng phải đến hôm nay, khi không còn hệ lụy gì nữa, mới có dịp bộc bạch với mọi người? “Các cháu ăn mứt đi – nhà thơ quay sang nói với vợ chồng tôi”. “- Thưa cậu cháu không quen ăn ngọt. Cậu có rượu chi ngon cho cháu uống, cháu xin uống ngay”. “Rượu à? Cạnh cái chân lò sưởỉ có chai rượu gì đó người ta biếu, cháu xem có uống được không?”. “A, Rượu Nga? Ararat”. Tôi vặn nút rót một ly đầy và uống cạn – Rượu ngon tuyệt cậu ạ. Thế mà vừa rồi nghe đâu Goocbachôp lại ra lệnh cấm rượu, Goocbachốp cùng tuổi với cháu, tuổi Tân Mùi”. “Cấm rượu, nhà thơ dằn giọng – Do đó mới làm thiệt mất của đất nước một trăm mấy chục tỷ rúp”. Gương mặt của nhà thơ đang vui vụt sa sầm, cặp mắt đang vui chợt lóe lên ánh tức giận trước một tổn thất quá lớn về của cải của một đất nước mà nhà thơ yêu mến từ thuở thiếu thời và đã từng viết nên những vần thơ xao xuyến lòng người. Nhà thơ nói tiếp: “Sự đúng đắn và lố bịch nhiều khi chỉ cách nhau một sợi tóc”.

Sau khi khách khứa ra về, chỉ còn lại ba cậu cháu. Tôi đã uống đến ly Ararat thứ năm. Rượu bắt đầu ngấm làm tôi trở nên mạnh dạn. Tôi hỏi nhà thơ câu hỏi tôi muốn hỏi từ lâu: “Thưa cậu, cháu rất muốn biết, bây giờ thực sự cậu mong muốn điều gì?”. Một thoáng trầm ngâm, nhà thơ nói: “Cậu ao ước còn đủ sức khỏe, đạp một chiếc xe đạp về trong quê mình, sống lại kỷ niệm của thời ấu thơ, thời hoạt động sục sôi của tuổi thanh niên, rồi đặt những bài vè như Mẹ Suốt, Ba mươi năm đời ta có Đảng, Nước non ngàn dặm… tìm đến nơi có đồng bào, bà con tụ tập, đọc lên cho bà con nghe… Cậu mong muốn được làm người hát rong của nhân dân”.

Nhà thơ ngồi yên lặng một lúc lâu. ánh mắt nhà thơ trở nên tĩnh lặng thâm trầm như mặt vực nước của một dòng suối lớn lắng lại sau khi chảy qua biết bao ghềnh thác dữ dội của cuộc sống và cách mạng. “Nhưng cậu còn bận vào việc phải hoàn thành công tác Đảng giao. Vả lại sức khỏe cũng kém đi nhiều, nên cái điều ao ước đó e khó lòng thực hiện được…”

Nghe nhà thơ tâm sự mắt tôi tự dưng mờ lệ, lòng quặn thắt cảm thương người cậu của tôi sang Xuân này, bước vào tuổi bảy mươi đã trở lại nguyên vẹn một nhà thơ, một NHÀ THƠ viết hoa.

Có lúc nhà thơ đã đạt đến chức Tam Công trong bộ máy quyền lực của đất nước, nhưng cuối đời lại chỉ mong ước được làm một nghệ sĩ hát rong của nhân dân mà không hy vọng thực hiện được. Trong khoảnh khắc đó, lần đầu tiên tôi lĩnh hội được hết vẻ cao sang của thi ca đích thực.

Vợ chồng tôi xin phép cậu ra về để còn đi chúc tết nhiều gia đình khác. Nhà thơ đứng lên tiễn chúng tôi và dặn: “Khi nào có thì giờ hai vợ chồng đến chơi với cậu. Cậu thường rảnh vào buổi chiều”. Nhà thơ khoác vai tôi một bên, vợ tôi một bên lững thững đi ra cổng. Bước xuống khỏi những bậc tam cấp nhà thơ nói với vợ tôi: “Thằng Quán nó dại…”. Khi ra gần đến cổng sắt, nhà thơ dừng lại, nói tiếp như vẫn không dứt dòng suy nghĩ của mình: “… mà cậu cũng dại…”. Mấy ly rượu Ararát làm cái lưỡi tôi trở nên phóng túng, tôi bật cười to: “Thưa cậu, thì chính cậu đã viết điều đó thành thơ từ nửa thế kỷ trước: Ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần!”

Xuân Tân Mùi, 1992

Cuộc viếng thăm bất chợt nhà thơ Tố Hữu

Cách đây ba năm, vào dịp hè, tôi được thư của nhà thơ Phạm Hổ mời đến nói chuyện với các cháu dự Trại sáng tác văn học thiếu nhi do Trung ương Đoàn phối hợp với Hội Nhà văn tổ chức. Tôi đã đến trò chuyện với các cháu về tác phẩm Tuổi thơ dữ dội, và cùng với ban lãnh đạo trại tổ chức cho các cháu xem phim dựa theo tác phẩm. Sau lần đó, các cháu thường kéo đến nhà tôi chơi, đọc cho tôi nghe thơ, truyện mới sáng tác. Tình bằng hữu, thi hữu trẻ già này cho đến hôm nay vẫn còn nguyên vẹn.

***

Một buổi tối trời lạnh, mưa lất phất, một tốp bảy cháu kéo đến nhà tôi. Ba cháu ở Hà Nội, hai cháu đồng bằng sông Cửu Long, một cháu Tây Ninh, một cháu Tây Nguyên – người dân tộc Êđê, “Chà, trời mưa gió tối tăm thế này mà các cháu chịu khó đến chơi, làm bác cảm động muốn chết!” – Tôi cười nói. Một cháu người Hà Nội láu lỉnh tiếp lời: “Bác đừng chết vội, Bác phải còn viết tiếp Tuổi thơ dữ dội cho chúng cháu xem”. “Bây giờ thế này nhé. Cách đây không xa, có cái quán bán xôi nóng thịt kho, ngon lắm. Hôm nay bác đang có tiền, bác xin khao mỗi đứa một bát. Đồng ý chưa Ta đi đi không họ bán hết mất”. Cháu gái ở Tây Ninh rụt rè thưa: “Chúng cháu được bác Định Hải cho biết, bác là cháu của nhà thơ Tố Hữu. Chúng cháu muốn được bác dẫn đến thăm nhà thơ, nghe nói nhà cũng ở gần đây…”. Tôi hơi sững một chút. Tôi đang ứng xứ với các cháu theo cung cách của người già với con nít. Các cháu lại đang đặt cho tôi một yêu cầu nghiêm túc của người lớn. Tôi hỏi: “Nhưng các cháu nghĩ thế nào mà lại cương quyết từ chối việc hấp dẫn là ăn xôi nóng thịt kho để đến thăm nhà thơ vào cái lúc đêm hôm mưa gió thế này?”. Một cháu ở đồng bằng sông Cửu Long nói: “Chúng cháu ao ước được gặp nhà thơ đã làm ra thơ Mẹ Tơm, Mẹ Suốt, Sáng tháng năm, Bác ơi, Nươc non ngàn dặm…”

“Đó là một lý do đẹp! Nhưng… tôi nhìn lên đồng hồ – tám giờ. Bây giờ đến thăm nhà thơ kể cũng hơi muộn. Bác chỉ sợ nhà thơ đã đi nghỉ, không tiếp… Nhưng nếu các cháu đã quyết tâm như vậy, bác cũng xin dẫn đường. Nếu nhà thơ đồng ý tiếp thì bác cháu ta vào. Nếu không thì bác cháu ta kéo nhau đi ăn xôi nóng với thịt kho”. Cháu gái người Êđê có gương mặt rất xinh, và cái miệng cười rất hóm, cúi xuống ngắm cái lọ hoa cắm mấy bông hồng bạch để trên bàn nói: “Bác cho cháu xin bông hồng nho nhỏ này nhé”. Cháu cầm bông hoa hát lên một câu gì đó bằng tiếng Êđê nhưng vẻ mặt lại nghiêm trang như lời đọc phù chú. Cháu bẻ từng cánh hoa một, vừa bẻ vừa nói theo kiểu bói hoa: “Tiếp – không tiếp – tiếp – không tiếp… Cuối cùng cháu reo lên vẻ mừng rỡ thật sự: Nhất định nhà thơ sẽ tiếp bác ạ”. Thế là mấy bác cháu tôi đội mưa đội gió từ Hồ Tây đến đường Phan Đình Phùng. Các cháu đứng nép sát vào nhau trước cánh cổng sắt, im thin thít, có vẻ hồi hộp lắm. Tôi cũng hồi hộp không kém, vừa nhẩm lại câu bói hoa của cháu gái Êđê, “Tiếp – không tiếp…” vừa đưa tay bấm chuông. Lát sau có một người đàn ông đi ra mở cổng. Tôi lễ phép hỏi: “Xin lỗi anh, nhà thơ Tố Hữu có nhà không ạ?”. “Có ạ “. “Không biết nhà thơ đã đi nghỉ chưa?”. “Vừa mới đi nghỉ”. Tôi thoáng một chút bối rối, đưa tay vuốt nước mưa trên mặt, nói: “Tôi muốn nhờ anh vào nhà thưa lại với nhà thơ, có các cháu ở Trại sáng tác văn học thiếu nhi, người Hà Nội, miền Nam, Tây Nguyên… muốn được gặp thăm nhà thơ. Nhà thơ có thể tiếp được không?”. Một lát sau, anh trở ra: “Nhà thơ mời các cháu vào”. Anh đi trước dẫn đường. Tôi đi theo anh. Các cháu xúm quanh, níu chặt lấy hai cánh tay tôi, như kiểu trẻ con sợ bị lạc đường, líu ríu băng qua cái sân rải sỏi ướt nước mưa và loang lổ bóng cây. Đèn phòng khách bật sáng. Chúng tôi bước vào. Các cháu đứng dồn vào một góc, nét mặt lo lắng, căng thẳng, ngóng về phía cửa ra vào.

Một phút sau, nhà thơ từ trên gác xuống, ăn mặc chỉnh tề như sắp đi dự họp hoặc đến nói chuyện với một cơ quan nào đó, nét mặt tươi cười. “Cậu ạ! ông ạ!” Chúng tôi líu ríu, cung kính chắp tay chào. “Các cháu ngồi xuống cả đi, sao lại đứng thế” – nhà thơ chỉ hàng ghế trước mặt, và ngồi đối diện với các cháu. Người nhà bưng khay trà, bánh ngọt kẹo ra, bày lên bàn. Tôi đứng dậy thưa với nhà thơ lý do cuộc viếng thăm bất chợt này, và giới thiệu với các cháu nhà thơ. Nhà thơ hỏi các cháu về trại sáng tác, sở trường sáng tác của mỗi cháu, kết quả của trại… Nhà thơ chăm chú nghe các cháu trả lời. Không khí phút chốc trở nên cởi mở, đầm ấm, giống cảnh tượng một người ông âu yếm trò chuyện với đàn cháu nội, ngoại từ các nơi xa về thăm.

Chính giữa phòng là cái lò sưởi xây. Trên bệ đặt một chiếc nhà rông, pho tượng Lênin, và một cặp ngà voi tuyệt đẹp gắn trên giá gỗ. Một cháu người Hà Nội xuýt xoa: “Sừng con gì mà đẹp quá”. Cháu gái người Êđê nói với bạn: “Không phải sừng – ngà voi đấy”. “Thưa cậu, cháu này ở Tây Nguyên, người dân tộc Êđê – Tôi chỉ cháu gái nói – cháu 15 tuổi vừa làm thơ vừa sáng tác cả ca khúc. Nhà thơ nói: “Ngày trạc tuổi cháu, bác cũng đã làm thơ – nhà thơ cười – nhưng không được vào trại sáng tác mà làm thơ như các cháu đâu… Quê cháu có gần làng Rô không? Hồi trẻ bác đã từng sống và hoạt động ở đó…”. “Thưa ông, bản cháu các làng Rô khá xa nhưng cháu đã được đến thăm làng Rô mấy lần., đi thực tế sáng tác. Cháu nghe người làng Rô kể hồi ông còn trẻ măng đã đến vùng này tuyên truyền, gây cơ sở cách mạng. Một cụ già làm nghề bẫy sập voi, thương ông như con đẻ. Cụ già hứa bẫy được con voi có cặp ngà thật đẹp để tặng ông. Khi cụ già bẫy được voi thì ông bị bọn Pháp bắt vào nhà tù. Cụ già trước lúc mất, trao cặp ngà voi cho người con trai cả và dặn: “Cặp ngà này là để tặng cho một người cộng sản và là một nhà thơ, tên là Tố Hữu. Con phải giữ cẩn thận và phải tìm được cho được Tố Hữu trao tận tay. Có như vậy cha chết mới được yên lòng”. Người con sau đó đi du kích đánh Pháp, bị Pháp đánh trọng thương. Trước lúc hy sinh người con trao lại cặp ngà voi cho con trai nhỏ của mình, dặn lại lời trăn trối của ông nội. “Con cứ tìm đi rồi sẽ gặp người cộng sản Tố Hữu. Cha tin chắc nhà thơ đó vẫn sống và đang sống đâu đó trên đất nước này…”. Hồi đánh Mỹ ông đi chiến trường miền Nam, làm thơ “Nước non ngàn dặm”, trở lại thăm làng Rô. Cháu nội cụ già săn voi lớn lên nối nghiệp cha làm du kích đánh Mỹ gùi cặp ngà voi đến, trao tận tay ông… “Thưa ông có phải đúng cặp ngà voi này không ạ?”. “Đúng đấy cháu ạ”. Cháu gái Tây Ninh viết truyện ngắn, đứng lên, mắt rưng rưng: “Thưa ông từ ngày cháu đi học cấp một, cháu chỉ thầm ao ước một lần trong đời được nhìn thấy tận mắt “Đứa con của vạn nhà – Em của vạn kiếp phôi pha – Anh của vạn đầu em nhỏ – Không áo cơm cù bất cù bơ”. Thế mà đêm nay không ngờ…” Cặp môi nhỏ của cháu chợt run lên, nghẹn lời, lặng lẽ quệt nước mắt. Cháu gái người Êđê lấy trong túi áo ngực ra bốn quả táo vàng ươm xếp vào cái tách trà, hai tay cung kính bưng lại đặt trước mặt nhà thơ: “Cháu xin phép được tặng ông mấy quả táo ạ”. Nhà thơ cầm một quả táo lên ngắm nghía hỏi: “Cháu nghĩ thế nào mà lại tặng táo?”. “Dạ thưa vì ông đã làm được câu thơ đẹp như quả táo. Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt ạ”. “Cám ơn cháu – nhà thơ trầm ngâm nói – quả táo thế hệ bác còn bé tý, đến thế hệ các cháu nó đã lớn lên bằng ngần này… Cuộc sống thật là tốt đẹp”.

Tôi nói: “Thưa cậu, hai giờ chiều mai, trại sáng tác của các cháu làm lễ bế mạc. Nếu cậu không bận việc cháu xin thay mặt trại mời cậu đến dự với các cháu?”. “Hai giờ chiều à? Được, cậu sẽ đến. Tổ chức ở đâu thế? “Dạ Hội trường khách sạn Khăn quàng đỏ đường Hoàng Hoa Thám. Cháu sẽ xin đến dẫn đường”. “Cậu sẽ hỏi anh lái xe, chắc anh ấv biết chỗ thôi”.

Trên đường trở về nhà, các cháu nổ ra một cuộc tranh luận về thơ khá sôi nổi.

***

Đúng hai giờ chiều hôm sau nhà thơ đã có mặt ở hội trường. Tôi đến muộn mấy phút. Bước vào đã thấy nhà thơ ngồi sau dãy bàn kê trên bục đối diện với các cháu, cùng với nhà văn Vũ Tú Nam, nhà thơ Phạm Hổ, và đồng chí cán bộ lãnh đạo Trung ương Đoàn. Nhà văn Vũ Tú Nam đứng lên giới thiệu: “Trại sáng tác chúng ta hôm nay được một vinh dự và một phần thưởng rất lớn. Nhà thơ Tố Hữu đến thăm chúng ta. Về tuổi tác thì nhà thơ vào bậc ông nội, ông ngoại của các cháu. Nhà thơ là người đã sáng lập ra Hội Văn nghệ Việt Nam, sáng lập ra Hội Nhà văn – và trại sáng tác của chúng ta hôm nay cũng là một phần công lao đóng góp của nhà thơ…”.

Tôi từ hàng ghế cuối cùng bước lên cùng dãy bàn, chắp tay nói: “Xin phép ban lãnh đạo trại, cho tôi được mạn phép nói một lời, trước khi nhà thơ trò chuyện với các cháu”. Tôi kể vắn tắt cuộc viếng thăm nhà thơ tối qua. Và chính nhờ cuộc viếng thăm bất chợt này mà nhà thơ hôm nay có mặt với chúng ta. Kính thưa nhà thơ Tố Hữu, các vị đại biểu, và các cháu. Sau cuộc viếng thăm nhà thơ tối qua, trên đường cùng các cháu trở về nhà, tôi bỗng nhận ra một điều vô cùng thấm thía: “Thì ra nhân dân không quên một điều gì hết, việc hay eũng như việc dở. Việc dữ cũng như việc lành. Bất cứ ai làm được một việc tốt cho đất nước, dù việc nhỏ cũng được ghi khắc vào ký ức nhân dân. Nguồn ký ức này được truyền từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Giống như một dòng sông chảy lặng lẽ, tha thiết trong tiềm thức của nhân dân, vì càng chảy qua nhiều thế hệ dòng s.ông càng được thanh lọc, mỗi ngày mỗi thêm sâu thẳm, thêm xanh đằm, thêm rộng lớn… Lòng biết ơn là một phẩm cách vô cùng lớn lao của dân tộc chúng ta”. Nhà thơ Tố Hữu trò chuyện với các thế hệ nhà văn nhà thơ tương lai về thơ, về cuộc đời, với giọng chan chứa hy vọng và niềm thương mến. Nhà thơ tặng mỗi cháu một tập thơ Từ ấy vừa được tái bản không rõ lần thứ bao nhiêu.

1993

(*) Bài viết này là di cảo của Phùng Quán, được bà Vũ Thị Bội Trâm (bà quả phụ Phùng Quán) vô tình phát hiện trong kẹt tủ khi chuyển nhà tử bên Hồ Tây về chung cư Vĩnh Phúc. Phía trên bài viết bằng chữ bút sắt với nét mực tím này có đề rõ “Kính gửi Ban Biên tập Tiền Phong Chủ nhật”. Bà Trâm đã chuyển di cảo đến đúng địa chỉ mà tác giả muốn gửi gắm. Và đã được báo Tiền Phong Chủ nhật đăng trên số 32 ngày 10-8-2003. Vậy là sau gần 10 năm bài viết mới đến được nơi cần đến. (BT)

N.M

(Còn tiếp)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder