Sau Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX, có nhiều ý kiến bàn về sự thành công của Đại hội. Mới đây, GS Hồ Sĩ Vịnh đã có bài Viết “Ba tiền đề cho mệnh lệnh tự do sáng tạo của nhà văn” đăng trên Báo văn nghệ số 30 ngày 25/7/2015.
Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
Sau Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX, có nhiều ý kiến bàn về sự thành công của Đại hội. Mới đây, GS Hồ Sĩ Vịnh đã có bài Viết “Ba tiền đề cho mệnh lệnh tự do sáng tạo của nhà văn” đăng trên Báo văn nghệ số 30 ngày 25/7/2015.
Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
I. Tự do sáng tạo là phạm trù lịch sử, biến đổi, chịu sự tác động của bối cảnh lịch sử – xã hội.
Trong nghệ thuật, tự do sáng tạo chịu sự chi phối vừa tương khắc vừa tương đồng với các phạm trù tất yếu. Có tự do tất phải có tất yếu. Những điều kiện tất yếu của tự do bên trong của nhà văn bao gồm: Năng khiếu, tài năng, sự lựa chọn đề tài, phông văn hóa, trình độ xử lý kiến thức, những trải nghiệm đời, v.v… Còn tự do bên ngoài là trình độ dân trí của người đọc, luật lệ, quy chế xuất bản, kiểm duyệt, v.v… Xin đừng định kiến với chế độ kiểm duyệt sách báo. Nó chính là bà đỡ hào hiệp giúp tác phẩm ra đời và là người thẩm định nghiêm khắc những tác phẩm còn non yếu…
Trong quan hệ giữa tự do và tất yếu thì tự do bên trong mang tính quyết định sự thành – bại của tác phẩm, mà tài năng và phông văn hóa rộng là những sản phẩm hàng đầu. Tài năng trong văn chương là gốc lớn để lập thân, lập nghiệp… Khi đại thi hào A. Puskin tự coi mình là Nhà thơ công dân, khi Lý Bạch đã coi nguyên lý giúp đời trong câu thơ nổi tiếng: Vấn dĩ kinh tế sách, mang như trụy yên vụ (Hỏi ông cách giúp đời, giúp nước/ Ông như trên trời rơi xuống). Còn nói đến tác phẩm của Shakespreare là nói đến lịch sử nước Anh được viết bằng ngôn ngữ thi ca và kịch bản sân khấu. Cả ba cây đại thụ văn chương khác nhau, ở các nước, các thời đại khác nhau, vẫn có một mẫu số chung về tư duy hiện đại: Nhà văn là công dân có trọng trách đối với thời đại mình.
Phông văn hóa là lực đẩy của tư duy và cảm hứng sáng tạo, tầm nhìn đa chiều đời sống dân tộc và nhân loại, là sự tôn trọng sự khác biệt và chấp nhận tính đa nguyên văn hóa. Đọc những trang viết của những nhà văn lớn chúng ta tìm thấy ở đây những nhân cách mẫu mực của thời đại. Những giá trị, những phẩm chất của một tác phẩm đòi hỏi nhà văn không chỉ có kiến thức về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, triết học, mà còn tôn giáo, tín ngưỡng. Mọi hoạt động sáng tạo của con người, trong đó có sự sáng tạo của nhà văn đều chứa đựng sự bất bình trước những ngang trái, sự tư duy phản biện, sự hoài nghi khoa học trước những biến đổi của đời sống.
II. Hoạt động lý luận phê bình (LLPB) văn nghệ là bạn đồng hành của tự do sáng tạo.
Khảo sát vai trò của LLPB là xét nó trên mấy lĩnh vực sau đây, chứ không phải chỉ là quan hệ học thuật giữa phê bình và sáng tạo văn chương.
Một là, LLPB là một phương thức đặc thù lãnh đạo của Đảng trong các lĩnh vực nhạy cảm: Tư tưởng, văn hóa, văn nghệ, học thuật v.v… những bình diện mang tính định hướng cho sáng tạo. Vậy nên nó là công việc xã hội và chưa bao giờ là việc riêng của Nhà phê bình. Nó lấy đời sống xã hội làm chuẩn mực và tài năng làm thước đo tác phẩm. Vì vậy, những thiển nghĩ coi lý luận phên bình là “ăn theo” sáng tác, làm dịch vụ cho sáng tác một thời chưa bao giờ đúng.
Hai là, tác động của LLPB là tác động đa chiều. Chỉ riêng trong văn chương, đối tượng của khảo sát phê bình không chỉ có văn xuôi, thơ, tiểu thuyết, mà còn một mảng lớn của kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, các sách chuyên khảo, những tác phẩm chính luận, sách danh nhân ngôn văn hóa. Đó là chưa kể đến sách giáo khoa về ngữ văn, các công trình, luận án từ Thạc sĩ đến Tiến sĩ, các công trình khoa học từ cấp Bộ đến cấp Nhà nước v.v… đều không nằm ngoài sự thẩm định của các Hội đồng LLPB.
Ba là, tính pha tạp của người đọc, sự thu hẹp của “văn hóa đọc”, sự rẻ rúng văn chương hiện nay cùng với sự lép vế của phê bình là thực trạng đáng lo ngại mà nguyên nhân chủ yếu là do tài năng của nhà văn và nhà phê bình, do cơ chế, chính sách quản lý văn hóa, và một phần là do trình độ dân trí của người đọc. Những hiện tượng phê bình “vọng ngoại”, phê bình quan phương, phê bình lấy đề tài làm trọng của nhiều năm trước đây vẫn chưa được khắc phục. Lại nữa, phê bình báo chí, phê bình chưa thật sự chuyên nghiệp, phê bình thiếu cơ sở triết học, v.v… là những xu hướng phê bình đòi hỏi tài năng và cảm thụ thẩm mỹ tốt.
III. Dân chủ hóa sự lãnh đạo văn hóa là điều kiện của tự do sáng tạo.
Trong văn học nghệ thuật, dân chủ là một giá trị mang nội hàm nhân văn, nhân đạo, tự do (sáng tạo, ngôn luận, quyền công dân và lợi ích cộng đồng). Ở nước ta từ khi thành lập Nước đến nay, văn hóa – nghệ thuật dân tộc được sự lãnh đạo thông minh và hào hiệp của Đảng Cộng sản. Nhưng, nếu nhìn nhận theo quan điểm lịch sử cụ thế, có lúc, có nơi, có hiện tượng mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo. Một mặt là vừa là sự buông lỏng sự chỉ đạo, quản lý, nhưng mặt khác là tư duy đơn tuyến, giáo điều, thiển cận… Về phía các đối tượng văn nghệ sĩ là những hiện tượng cực đoan trong tự do viết, tự do phát ngôn. Trong phản ánh hiện thực coi trọng cái tôi cá nhân hơn cái ta cộng đồng, tô đậm mặt tối của đời sống hơn những hiện tượng nhân văn, dân chủ, khai thác quá đà hiện tượng tính dục không cần thiết, nhưng lại quên tình dục là một thuộc tính quan trọng của con người.
Tư duy đổi mới, nhất là tự duy phản biện, tư duy biện chứng đã ảnh hưởng thuận chiều đến mối quan hệ giữa lãnh đạo bà đối tượng lãnh đạo. Liên quan tới điều đang nói, tôi xin nêu mấy kiến giải cần làm thêm theo tinh thần Nghị quyết 9 (2014):
Khi nói về Đảng lãnh đạo, Bác Hồ đã có câu: “Đảng ta là đạo đức và văn minh”, cong Nghjij quyết 9 (2014) là “xây dựng nhân cách văn hóa trong Đảng” là những phẩm chất cao sang và tiên tiến của một Đảng cầm quyền. Có nhiều phương thức lãnh đạo văn hóa – một lĩnh vực vừa ẩn chứa nhiều tri thức, trí tuệ, tài năng, vừa nhạy cảm bởi nó đọng lại ở tâm hồn và con tim của con người, ở cá tính sáng tạo của văn nghệ sĩ. Ở đây, tính đa dạng hóa nhiều hơn, dân chủ hóa nhiều hơn trong ứng xử đối với cá tính sáng tạo. Tôn trọng cá tính sáng tạo chính là làm sang cho chủ thể lãnh đạo: Bao dung, trọng hiền tài, quý trước tác, nhân tình, thế thái với mọi người. Đặc điểm của trí thức văn nghệ sĩ là khả năng tranh biện, phản biện, không bằng lòng với chân lý sẵn có, đòi hỏi giới cầm quyền cần có sự khoáng đạt, tư duy mở, tránh lối áp đặt chủ quan trước mọi cái mới, cái lạ… chính sách kiểm duyệt sách, báo, cách thức lựa chọn tác phẩm của các cơ quan báo chí xuất bản cần được thực thi khoáng đạt, cởi mở, khuyến khích những tác phẩm hay nhưng không nên ruồng rấy, chê bai nặng lời với những tác phẩm chưa hay. Sự đòi hỏi chất lượng tác phẩm văn nghệ là ước mơ lý tưởng. Còn trong thực tế thì những hiện tượng nghiệt ngã, vấp ngã là điều không tránh khỏi. Những Nhà phê bình có lương tâm cần nâng họ dậy.
Để có sự gặp gỡ bình đẳng giữa lãnh đạo và văn nghệ sĩ, để xóa bớt sự hoài nghi từ hai phía, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa cần có một tư duy: Duy lý – thực tiễn: Chấp nhaanju sự khác biệt về đề tài, về phong cách, những thi pháp sáng tạo trong thị trường văn hóa, miễn là tác phẩm, sản phẩm hoạt động đúng quy luật thị trường, không chống lại Dân tộc, không chống lại chế độ ổn định của chúng ta. Thị trường văn hóa là một tất yếu lịch sử. Ở đây có người sản xuất và người tiêu dùng, người bán, kẻ mua, có lợi nhuận và thua lỗ, thậm chí phá sản v.v… Sự lãnh đạo của Đảng không can sự trực tiếp vào chuyện này. Nhưng Đảng không dửng dưng, mà có những quyết sách, chế độ tài trợ, nâng mức nhuận bút, khen thưởng, tặng thưởng, v.v… tạo mọi điều kiện vật chất xứng đáng cho những “sản phẩm đặc biệt” ra đời.
H.S.V
(Nguồn báo Văn nghệ số 30 ngày 25/7/2015).