Bác sĩ Zhivago – Boris Pasternak (giải Nobel Văn Học)

Bác sĩ Zhivago là cuốn sách tái hiện lại lịch sử nước Nga những năm đầu thế kỷ 20 cho đến sau đại chiến II. Trong bối cảnh chiến tranh và cách mạng, tác phẩm tập trung khắc họa số phận và lựa chọn của người trí thức trong sự xoay vần của thời cuộc. Bên cạnh những vấn đề lớn lao về lịch sử, tôn giáo, triết học… tác phẩm còn là câu chuyện tình yêu ngang trái giữa Yury Zhivago và Lara Guishar. (bản dịch của Lê Khánh Trường)…

Bác sĩ Zhivago là cuốn sách tái hiện lại lịch sử nước Nga những năm đầu thế kỷ 20 cho đến sau đại chiến II. Trong bối cảnh chiến tranh và cách mạng, tác phẩm tập trung khắc họa số phận và lựa chọn của người trí thức trong sự xoay vần của thời cuộc. Bên cạnh những vấn đề lớn lao về lịch sử, tôn giáo, triết học… tác phẩm còn là câu chuyện tình yêu ngang trái giữa Yury Zhivago và Lara Guishar. (bản dịch của Lê Khánh Trường)

Được hoàn thành năm 1955 nhưng cuốn sách bị coi là tác phẩm chống Xô viết nên bị cấm xuất bản tại Liên Xô cũ. Gần 30 năm sau, độc giả Nga mới được đọc tác phẩm này một cách hợp pháp.

Nhân vật chính của truyện là Yuri Zhivago, một bác sĩ y học và nhà thơ. Truyện kể cuộc đời của bác sĩ Zhivago qua những éo le tình ái của ông cùng hai phụ nữ trong bối cảnh chung quanh cuộc cách mạng Nga năm 1917.

Truyện này được dựng thành phim năm 1965, do David Lean đạo diễn, tài tử chính là Omar SharifJulie Christie.

Tuy nhiên, Boris Pasternak không chỉ là một nhà thơ lớn, trong lĩnh vực văn xuôi, ông cũng có những truyện ngắn được xếp vào loại hay nhất thế giới. Đặc biệt, sau ngày chiến thắng phát xít Đức, ông đã bắt tay viết tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago và hoàn thành vào năm 1955. Năm 1956, Nhà xuất bản Văn học quốc gia Liên Xô ký hợp đồng in tác phẩm này, nhưng việc thực hiện hợp đồng ấy bị nhiều người có thế lực trong giới văn học lúc bấy giờ phản đối. Giữa lúc đó, cuốn tiểu thuyết bỗng được xuất bản tại Ý. Sau đó, ngày 28-10-1958, Viện Hàn lâm Thuỵ Điển tuyên bố tặng giải thưởng Nobel về văn chương cho Boris Pasternak. Nội dung giải thưởng có ghi: “Vì sự đóng góp lớn lao vào nền thi ca trữ tình hiện đại của thế giới cũng như vào lĩnh vực các truyền thống vĩ đại của của các nhà văn xuôi Nga”. Nhân việc này bọn phản động đã lợi dụng tên tưổi và tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” của ông để chống Liên Xô khiến ông bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Liên Xô, mặc dù lúc đó có những người chân chính không tán thành quyết định sai trái này của Hội.

Từ đó, Boris Pasternak – nhà thơ lớn, một thiên tài trong thơ ca Nga – phải sống những ngày buồn thảm cuối đời. Tuy nhiên, tên tuổi và tác phẩm của ông không vì thế mà bị lãng quên theo năm tháng, trái lại vẫn sống trong lòng người Xô viết và hàng triệu triệu người yêu văn học, yêu văn hoá Nga ở khắp năm châu.

Trong trào lưu cải tổ và dân chủ hoá, danh dự và tác phẩm của Pasternak đã được phục hồi. Ngày 18-2-1987, Ban thư ký Hội Nhà văn Liên Xô đã chính thức xoá bỏ quyết định bất công đó. Uỷ ban Di sản Pasternak được thành lập. Các tác phẩm của ông lần lượt được in lại. Tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” nguyên tác đã ra mắt bạn đọc trên tạp chí văn học “Thế giới mới” đầu năm 1988. Trong năm 1988, Liên Xô cũng đã xuất bản Toàn tập Pasternak.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của B. Pasternak, Uỷ ban di sản Pasternak và cơ quan UNESCO đã tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể để tưởng niệm ông, một nhà thơ thiên tài.

Bác sĩ Zhivago

Chương 1: Chuyến tàu nhanh năm giờ

1.

Người ta vẫn bước đi, vừa đi vừa hát bài “Cầu hồn”, và mỗi khi dừng lại, tựa hồ tiếng bước chân, tiếng vó ngựa, tiếng gió thổi nghe như còn vang vọng nhịp điệu của bài ca.

Khách qua đường nhường lối cho đám tang đi qua, họ đếm số vòng hoa, làm dấu thánh. Những kẻ tò mò nhập vào đám tang, họ hỏi: “Đưa ma ai thế?”. Họ được nghe trả lời: “Zhivago”. “À ra thế. Thảo nào”. “Không phải ông ta. Mà là bà vợ”. “Cũng vậy cả thôi. Cầu Chúa nhận lấy linh hồn bà ta. Đám ma nhà giàu có khác”.

Những giây phút cuối cùng, ngắn ngủi, một đi không trở lại đã thoắt qua. “Đất của Chúa, đất thừa hành mọi sự, cả vũ trụ và hết thảy sinh vật sống trên đất”. Vị linh mục rắc một nắm đất hình thánh giá trên xác bà Maria Nicôlaepna. Người ta xướng kinh “Cùng với những linh hồn công chính”. Bắt đầu cái cảnh vội vã đáng sợ. Người ta đậy nắp quan tài, đóng đinh, hạ huyệt. Rồi từ bốn phía, đất được ném xuống như mưa, rơi lịch bịch, những cái xẻng lấp mộ vội vàng. Nấm mộ đã thành hình. Một cậu bé mưởi tuổi bước lên mộ.

Người ta có cảm tưởng cậu bé muốn nói mấy lời trên nấm mộ bà mẹ. Cảm tưởng ấy chỉ có trong trạng thái đờ đẫn ngây dại thường nảy sinh vào giây phút cuối của một đám tang lớn.

Đứng trên nấm mộ, cậu bé ngẩng đầu, thờ thẫn nhìn cảnh thu hoang vắng và các vòm mái tròn của tư viện. Khuôn mặt với cái mũi hếch của cậu bé nhăn lại, cổ nghển lên. Ví thử một chú sói con có cử chỉ ngẩng đầu như vậy, hẳn là nó sắp bú. Cậu bé đưa hai tay ôm mặt, khóc nức nở. Một đám mây bay tới mưa nặng hạt quất vào mặt và tay cậu bé như những cây rót ướt lạnh. Một người bận đồ đen, cánh tay áo bó chật và có nhiều nếp, tiến đến bên cậu bé. Đó là Nicolai Vêđeniapin, một linh mục đã tự xin hoàn tục, em của người quá cố và cậu của cậu bé đang khóc. Ông bước tới, dẫn cậu bé ra khỏi nghĩa địa.

2.

Đêm ấy hai cậu cháu ngủ trong một tĩnh phòng của tu viện, nơi Nicolai quen biết từ lâu. Mai là ngày vọng lễ Đức Mẹ (l). Hôm sau, hai cậu cháu sẽ phải đi xa xuống phía Nam, đến một tỉnh lỵ ven sông Vônga nơi cha Nicolai làm việc cho một nhà xuất bản ấn hành một tờ báo cấp tiến trong vùng. Vé xe lửa đã mua, đồ đạc đã được chuẩn bị xong xuôi và để sẵn trong phòng. Nhà ga cách tư viện không xa và chốc chốc gió lại mang đến những hồi còi rền rĩ của các đầu máy đang dồn toa ở phía đó.

Càng về tối, trời càng rét dữ. Hai cửa sổ thấp sát mặt đất trông ra một góc vườn xấu xí được rào bằng các bụi cây keo vàng, trông ra con đường cái với những vũng nước đọng giá lạnh và cuối cùng là cái góc nghĩa địa, nơi hôm đó người ta vừa mai táng bà Maria Nicôlaepna. Mảnh vườn trơ trụi, ngoài mấy luống bắp cải tím bầm vì lạnh. Mỗi lần gió tạt qua, các bụi keo vàng trụi lá lại chao đảo như điên và nằm rạp xuống mặt đường.

Đang đêm cậu bé Yuri thức giấc bởi có tiếng gõ mạnh vào cửa sổ. Một thứ ánh sáng trắng huyền ảo chập chờn rọi vào gian phòng tối, Yuri chỉ mặc áo ngủ, chạy ra cửa sổ, áp mặt vào cửa kính lạnh toát.

Bên ngoài không còn thấy cả đường cái, khu nghĩa địa lẫn mảnh vườn nhỏ đâu nữa. Bão tuyết đang hoành hành. Tưởng chừng bão tuyết đã để ý đến Yuri và thấy cậu sợ nó, bão lại càng thích thú về cái ấn tượng nó gây ra nơi cậu. Nó cứ rú rít liên hồi và tìm mọi cách buộc Yuri phải chú tâm đến nó. Từ trên trời tuyết cứ rơi không ngừng hết bông này tiếp bông kia, phủ trắng cả mặt đất như một tấm khăn liệm. Thế gian chỉ có một ưùnh bão tuyết, chẳng có đối thủ nào ganh đua với nó.

Điều đầu tiên của Yuri khi từ bậu cửa sổ tụt xuống là muốn mặc quần áo tử tế chạy ra ngoài trời để làm một việc gì đấy. Cậu sợ rằng hoặc giả luống bắp cải của tư viện sắp bị chôn vùi đưới tuyết không còn đào lên dược, hoặc giả tuyết sẽ vùi lấp bà mẹ khiến bà không còn đủ sức chống cự, cứ lún sâu mãi xuống lòng đất và mỗi lúc một thêm xa lìa cậu.

Cuối cùng cậu lại khóc oà lên. Cha Nicolai thức dậy, ngáp dài, nói cho cậu nghe về đức Kitô và an ủi cậu, sau đó cha bước lại bên cửa sổ, vẻ trầm ngâm. Trời bắt đầu rạng, hai cậu cháu bèn đi thay quần áo.

Chú thích:

(1) Tức ngày 1 tháng Mười dương lịch. (Mọi chú thích đều của người dịch)

3.

Hồi mẹ còn sống, Yuri đâu biết rằng mẹ con cậu đã bị cha cậu bỏ rơi từ lâu, rằng cha cậu cứ đi du ngoạn hết thành phố này đến thành phố khác ở miền Sibiri hoặc ra ngoại quốc để ăn chơi thoả thích, rằng từ lâu ông đã tiêu pha hết số tài sản trị giá hàng triệu của gia đình. Người ta luôn luôn bảo cậu rằng cha cậu hoặc đang ở Petersburg, hoặc đi dự một hội chợ nào đấy, thường là hội chợ Iêbit.

Mẹ cậu thì luôn luôn đau yếu, mãi sau mới biết bà mắc bệnh lao phổi. Bà bèn đi dưỡng bệnh ở miền Nam nước Pháp và miền Bắc nước Ý. Yuri có theo mẹ đi hai lần. Vậy là thời niên thiếu của Yuri đã trôi qua trong cảnh nhộn nhạo và thường xuyên chứa đựng những câu đố khó hiểu, những bàn tay xa lạ cứ thay nhau bế ẵm cậu. Cậu đã quen với những thay đổi ấy nên trong cái hoàn cảnh lúc nào cũng tất bật nhộn nhạo đó, sự vắng mặt của ông bố không làm cho cậu ngạc nhiên.

Yuri còn nhớ dạo bé tên họ của cậu được dùng để gọi một mớ những thứ khác hẳn nhau, nào là xưởng Zhivago, nhà băng Zhivago, nào là các bất động sản của Zhivago, nào là cách thức thắt và cài ghim cà vạt theo kiểu Zhivago, thậm chí cả một thứ bánh ngọt hình tròn tương tự loại bánh ngọt có rượu Rhum cũng mang tên Zhivago, và có thời kỳ ở Moskva khi bước lên xe trượt tuyết chỉ cần bảo người đánh xe “Đến nhà Zhivago!”, hệt như bảo “Đến nơi xa lắc xa lơ!”, là chiếc xe sẽ chở ta tới một vương quốc xa lạ, một cõi bờ xa xôi. Quanh ta là một khu vườn vắng vẻ. Những chú quạ đậu trên những cành thông rủ, làm cho các mảng tuyết đọng ở đó rơi xuống lả tả. Tiếng quạ kêu quang quác nghe như tiếng cành cây khô gãy. Từ ngôi nhà mới xây ở bên kia con đường xuyên rừng, những con chó nòi chạy ngang qua đường. Trong ngôi nhà ấy đã lên đèn. Bóng tối buông xuống.

Đột nhiên tất cả những thứ ấy tan thành mây khói. Họ lâm cảnh nghèo túng.

4.

Mùa hè năm một ngàn chín trăm lẻ ba, hai cậu cháu Yuri đáp chiếc xe song mã đến Dublianka, trang trại của Kologrivov một vị mạnh thường quân, chủ nhà máy sợi. Họ đến đây thăm giáo sư Ivan Ivanovich Voskoboinikov, người chủ trương truyền bá những kiến thức hữu ích cho quần chúng.

Con đường chạy qua các cánh đồng. Đúng là ngày lễ Đức Trinh nữ thành Cadan(1), đúng giữa mùa gặt. Có lẽ lúc này đang giờ ăn trưa hoặc là vì ngày lễ, nên không một bóng người ở ngoài đồng. Ánh nắng thiêu đốt những dải ruộng đang gặt dở trông như những cái gáy cạo nửa chừng của tù nhân. Các bầy chim bay lượn trên cánh đồng. Những bông lúa mạch nặng trĩu xếp thành hàng dài thẳng tắp giữa cảnh trời hoàn toàn lặng gió hoặc nổi cao lên giữa thân cây, lúa ở xa hai bên dường, nếu nhìn kỹ ta tưởng đấy là những bóng người đang chuyển dịch, tựa hồ các nhân viên đạc điền vừa đi ven đường chân trời vừa ghi chép điều gì.

Cha Nicolai hỏi chuyện bác Pavel, người gác cửa kiêm lao công cho nhà xuất bản. Bác ngồi nghiêng trên ghế xà ích, lưng khom khom, hai chân bắt chéo để tỏ ý bác không phải là người đánh xe thực thụ và, nếu có điều khiển xe, thì cái đó chẳng phải là nghề của bác..

– Này bác, những thửa ruộng kia là của điền chủ hay của dân cày?

– Của điền chủ, – bác Pavel trả lời và châm thuốc – Còn những thửa ruộng bên này, – bác ngừng lại, đốt cho xong điếu thuốc và rít một hơi dài rồi mới đưa ngọn roi chỉ về phía khác, – còn những thửa bên này mới là của chúng tôi. Ơ hay, chúng mày ngủ à? – chốc chốc bác lại mắng cặp ngựa: bác cứ luôn luôn liếc nhìn đuôi và mông của chúng y hệt người tài xế xe lửa để mắt đến cái áp lực kế.

Nhưng cặp ngựa vẫn kéo như trăm ngàn con ngựa khác trên thế gian, nghĩa là con được thắng vào càng thì chạy tử tế theo đúng bản tính trời sinh thành thạo của nó, còn con bên cạnh thì ai không hiểu sẽ tưởng là đồ vô tích sự, chỉ biết vươn cổ nhảy múa theo tiếng trống nhịp do chính bước chạy của nó phát ra.

Lần này Nicolai mang đến cho giáo sư Voskoboinikov bản thảo cuốn sách nhỏ của giáo sư về vấn đề ruộng đất mà cha đã sửa chữa. Vì lý do kiểm duyệt ngày càng gắt gao, nhà xuất bản đã đề nghị cha xem lại.

– Dân chúng ở huyện này có lắm trò vui, – cha Nicolai nhận xét. – ở tổng Palkovo, có một nhà buôn bị cắt cổ, trại ngựa giống của viên quản hạt bị thiêu trụi. Bác nghĩ thế nào? Ở làng bác, dân chúng bàn tán ra sao?

Nhưng hoá ra bác Pavel nhìn nhận sự việc còn bi quan hơn cả vị duyệt sách có nhiệm vụ kiềm chế bớt các chủ trương quá hăng hái về điền địa của giáo sư Voskoboinikov.

– Bàn tán ra sao ấy à? Người ta đã để dân chúng tự do quá trớn. Họ gọỉ đấy là những trò quậy phá. Đám dân quê chúng tôi có được phép làm thế không? Để họ tự do thì họ ăn sống nuốt tươi nhau ngay, lạy Chúa, quả có thế. Ơ hay, chúng mày ngủ à?

Đây là lần thứ hai cậu cháu Yuri đến Dublianka, Yuri cứ tưởng cậu còn nhớ đường, nên cứ mỗi lần cánh đồng trải rộng ra, các cánh rừng chỉ còn là lớp viền mỏng ở phía trước và phía sau, thì Yuri lại ngỡ sắp tới chỗ quẹo sang tay mặt, rồi sau đó sẽ hiện ra để rồi lại bị khuất đi khu trang trại rộng mênh mông của Kologrivov với dòng sông lấp lánh đằng xa và con đường xe lửa ở bờ bên kia. Nhưng lần nào cậu cũng lầm. Hết cánh đồng này đến cánh đồng khác lần lượt bị các dải rừng vây bọc. Sự thay đổi các khoảng không gian ấy gợi ra tầm suy xét rộng lớn, khiến người ta muốn mơ ước và nghĩ đến tương lai.

Những cuốn sách sẽ làm cha Nicolai nổi danh sau này, chưa một cuốn nào được viết xong. Nhưng các tư tưởng của cha đã định hình. Cha không biết rằng thời kỳ của cha đã gần kề. Chẳng bao lâu nữa, trong giới văn chức, giáo sư đại học và triết gia cách mạng thời đó sẽ phải xuất hiện tên tuổi của cha, một người suy nghĩ về tất cả các đề tài của họ và, ngoại trừ hệ thống thuật ngữ ra, cha có cách lý giải hoàn toàn khác họ. Tất cả bọn họ đều khư khư bám giữ một giáo điều nào đó, thoả mãn với những lời nói suông và nông cạn, trong khi cha Nicolai từng là một linh mục đã trải qua chủ thuyết của Tolstoy và trải qua cách mạng, đang tiếp tục đi xa hơn. Cha ước ao một tư tưởng vừa cụ thể vừa cao siêu, một tư tưởng có thể vạch ra con đường rõ ràng, thẳng thắn trong sự vận động của nó; tư tưởng ấy sẽ thay đổi một cái gì đó trên thế giới theo chiều hướng tốt đẹp; ngay một đứa bé hay một kẻ thất học cũng đủ khả năng nhận ra tư tưởng ấy như nhận ra một tia chớp loé hoặc dư âm của một tiếng sấm rền. Cha khao khát cuộc đổi mới.

Yuri rất thoải mái khi ở bên ông cậu. Ông cậu giống như mẹ cậu. Cũng như bà, Nicolai là một người tự do không hề có thành kiến với bất cứ thứ gì chưa quen. Cũng như bà, Nicolai có ý thức bình đẳng của nhà quý tộc đối với hết thảy mọi sinh vật. Cũng như bà, Nicolai hiểu ra tất cả ngay từ cái nhìn đầu tiên và biết diễn đạt các tư tưởng dưới dạng chúng vừa hiện ra trong đầu, khi chúng còn sống động và chưa mất hết ý nghĩa.

Yuri vui sướng được cậu Nicolai dẫn đến Dublianka. Phong cảnh nơi này rất đẹp, và cảnh đẹp cũng nhắc cậu nhớ tới mẹ, một người yêu thiên nhiên và thường đem cậu đi dạo chơi với bà. Ngoài ra cậu thích gặp lại Nica Dudorov, một học sinh trung học ngụ ở nhà giáo sư Ivan. Có lẽ Nica coi khinh Yuri vì hắn hơn cậu hai tuổi. Khi chào cậu, hắn đã lắc mạnh tay mà kéo xuống, đầu cũng chúi theo, thấp đến nỗi các mớ tóc xoã xuống trán che hẳn một nửa mặt.

Chú thích:

(1) Ngày 8 tháng Bảy dương lịch.

5.

– Động lực thiết yếu của vấn đề nạn đói nghèo, – cha Nicolai đọc theo bản thảo đã sửa. Tôi thiết tưởng nên sửa là “thực chất của vấn đề…” – Giáo sư Ivan nói và sửa bản in thử.

Họ ngồi làm việc trong bóng tranh tối tranh sáng của gian thềm lợp kính. Có thể nhìn thấy các thùng tưới và dụng cụ làm vườn vứt bừa bãi trên thềm. Chiếc áo mưa vắt trên lưng một cái ghế khập khiễng. Đôi ủng đi câu với vết bùn khô két lại đặt ở góc thềm với những dải xà cạp quệt hẳn xuống đất.

– Trong khi đó thống kê sinh tử cho thấy… – Cha Nicolai đọc.

– Nên thêm: bản thống kê năm qua, – giáo sư Ivan nói và ghi lại.

Trên thềm có gió thổi. Mấy mảnh đá hoa cương được đặt trên các trang giấy cho khỏi bay.

Sửa chữa xong xuôi, cha Nicolai vội sửa soạn ra về.

– Sắp có giông. Tôi phải đi đây.

– Đâu được Tôi không để cha đi đâu. Ở lại đây uống trà với tôi đã – Nhất thiết tôi phải có mặt ở thành phố tối này.

– Không thể được. Tôi chả chịu đâu.

Ngoài vườn đưa vào thoang thoảng mùi khói đốt ấm samôva át cả mùi khói thuốc lá và mùi hoa cây vôi voi. Từ ngôi nhà nhỏ trong vườn, người ta đã bưng ra món caimắc, dâu và bánh nhân phó mát tươi. Bỗng có tin bác Pavel đã ra sông tắm và dắt ngựa đi tắm luôn thể. Cha Nicolai đành ở lại.

– Trong lúc chờ người nhà dọn tiệc trà, ta hãy ra ngoài khe ngồi trò chuyện một lát, ở đó có ghế ngồi, – giáo sư Ivan đề nghị.

Là chỗ bạn bè thân tình với nhà triệu phú Kologrivov, giáo sư Ivan được sử dụng hai phòng trong dãy nhà ở ngoài vườn của viên quản lý. Ngôi nhà ấy cùng với cái vườn nằm trong khu hoa viên bỏ hoang, mà tối sậm, có một lối đi hình bán nguyệt, cũ mèm. Cỏ đã mọc rậm, lấp cả lối đi, ngày nay nó chỉ được dùng làm lối chở đất và rác ra đổ ngoài khe. Nhà triệu phú Kologrivov, một người có đầu óc tiến bộ và cảm tình với cách mạng, thì đang cùng bà vợ ở ngoại quốc. Hiện trong trang trại chỉ có hai cô con gái của họ là Nadia và Lipa sống với cô gia sư và mấy người đầy tớ.

Ngôi nhà của viên quản lý được một hàng giậu dây xanh rì bằng cây tứ cầu ngăn cách với toàn bộ khu hoa viên có ao hồ và dãy nhà của chủ nhân. Ivan và Nicolai đi vòng bên ngoài hàng giậu đó để ra bờ khe. Cứ mỗi bước đi, từng bầy chim sẻ từ trong các bụi tú cầu lại bay ra trước mặt họ thành htng đợt đều đều, tạo nên tiếng rào rào không ngớt, nghe như tiếng nước chảy trong cái ống máng đặt dưới chân giậu.

Họ đã đi qua cái nhà kính ươm cây, phòng của bác coi vườn và ngôi nhà bằng đá đổ nát không biết đã dùng vào việc gì. Họ bàn đến những lực lượng mới và trẻ trong khoa học và văn chương.

Cha Nicolai nói:

– Đây đó cũng gặp những người có tài. Nhưng hiện thời đang mọc lên đủ thứ hội, nhóm. Các thứ hội, nhóm ấy là nơi nương náu của bọn bất tài, không cần xét xem nó trung thành với Soloviov Kant hay Karl Marx. Đi tìm chân lý chỉ có những ai đứng riêng lẻ và tuyệt giao với hết thảy những kẻ không biết yêu chân lý cho đủ. Liệu trên đời này có điều gì đáng được tin tưởng, trung thành hay không? Những điều như vậy ít lắm. Tôi nghĩ nên trung thành với sự bất tử, nghĩa là với một tên gọi khác của sự sống, một tên gọi mạnh hơn đôi chút. Phải giữ gìn lòng trung thành với đức Kitô! Kìa ông bạn bất hạnh, ông lại nhăn nhó rồi, ông lại chả hiểu cái gì hết.

– Ôi dào, – giáo sư Ivan làu bàu. Ông là một người có máu tóc vàng xoăn, thanh mảnh, có chòm râu tinh quái khiến ông giống một người Mỹ thời Lincôn (chốc chốc ông lại vê râu thành một tứm và dùng khoé môi ngậm lấy đầu bộ râu).

– Tôi ấy ư, đã hẳn là tôi im lặng. Cha thừa hiểu rằng tôi nhìn nhận sự việc hoàn toàn theo kiểu khác. À, nhân đây tôi muốn hỏi người ta đã để cho hoàn tục như thế nào? Tôi đã định hỏi cha từ lâu. Có lẽ chà sợ chứ gì? Người ta đã rút phép thông công đối với cha, phải vậy không?

– Sao ông lại đánh trống lảng như thế? Tuy nhiên, nếu ông muốn nghe tôi kể. Phép thông công ư? Không, thời nay người ta không muốn nguyền rủa tôi nữa. Trước đây cũng đã gặp những chuyện phiền phức, giờ chỉ còn các hậu quả thôi. Chẳng hạn trong nhiều năm tôi không được làm việc Nhà nước, không được đến các đô thị lớn. Nhưng đó là chuyện vặt vãnh.

Ta hãy trở lại chuyện lúc nãy. Tôi vừa nói cần trung thành với đức Kitô. Tôi xin giải thích ngay vì sao. Ông không hiểu rằng người ta có thể là một kẻ vô thần, có thể chẳng biết có Thượng Đế hay không và có Thượng Đế để làm gì, trong khi đó biết rằng con người đang sống không phải trong thiên nhiên, mà trong lịch sử, rằng lịch sử theo quan niệm hiện nay là do đức Kitô tạo ra, rằng nền tảng của nó là Kinh Phúc âm. Vậy lịch sử là gì? Đó là sự thiết lập những công trình nghiên cứu hàng thế kỷ để lần lượt khám phá bí ẩn của cái chết và cách khắc phục nó trong tương lai. Chính nhằm mục đích đó, người ta phát minh cái vô cực của toán học và các sóng điện từ, chính nhằm mục đích đó người ta viết các bản nhạc giao hưởng. Muốn tiến tới theo phương hướng ấy, không thể thiếu một sự thức tỉnh. Muốn có những khám phá ấy, đòi hỏi phải có sự trang bị tinh thần. Các dữ kiện của sự trang bị ấy đều hàm chứa trong Kinh Phúc âm. Những dữ kiện ấy đây. Trước hết, đó là tình thương yêu đồng loại, hình thái cao nhất của thứ sinh lực đang tràn trề trong tâm can con người và đòi được thoát ra, được tiêu phí, rồi tiếp đến dó là những hợp phần chủ yếu tạo nên con người thời nay mà thiếu chúng thì con người trở nên vô nghĩa, cụ thể là ý tưởng về tự do cá nhân và ý tưởng lấy cuộc đời làm lễ vật hy sinh. Cần lưu ý rằng điều đó cho đến nay vẫn là cực kỳ mới lạ. Lịch sử theo nghĩa đó không hề có ở người thời xưa.

Thời xa xưa ấy, người ta chỉ thấy sự hèn hạ gớm ghiếc của những gã Caligula mặt rỗ, tàn bạo, lũ người không hề ngờ rằng hết thảy những tên đi chinh phục đều là kẻ bất tài. Thời ấy chỉ thấy sự vĩnh cửu khoác lác và lạnh ngắt như xác chết của các tượng đài bằng đồng và các cột đá cẩm thạch. Chỉ sau khi Đức Kitô xuất hiện, các thời đại và các thế hệ mới được hít thở không khí tự do. Chỉ sau khi Đức Kitô xuất hiện, mới bắt đầu cuộc sống trong hậu thế, và con người thay vì phải chết nơi đầu đường xó chợ, mới được chết trong khi tự hiến mình cho đề tài ấy. Chà, bàn chuyện này đến toát mồ hôi ra được. Nhưng bàn với ông thì chẳng khác gì nước đổ đầu vịt!

– Chuyện siêu hình, thưa cha. Các thầy thuốc đã cấm tôi xài món ấy, dạ dày tôi không tiêu hoá nổi.

– Thôi kệ ông vậy. Ta hãy gác chuyện này lại. Ông may mắn thật đấy! Phong cảnh nơi, đây ngắm mãi cũng không chán! Thế mà ông sống ở đây chẳng cảm nhận được.

Nhìn xuống dòng sông dễ bị chói mắt. Nó lấp lánh dập dờn dưới ánh nắng như một lá thiếc. Đột nhiên có những lớp sóng chạy dài trên mặt nước. Đấy là một chuyến đò ngang sang bờ bên kia, chất nặng nào ngựa, nào xe nào cánh đàn ông đàn bà dân quê.

– Này cha, mới năm giờ thôi, – giáo sư Ivan nói. – Cha nhìn kìa, chuyến tàu tốc hành chạy từ Xuzran đấy. Nó thường qua đây vào lúc hơn năm giờ.

Xa xa trên cánh đồng, chuyến xe lửa sơn màu xanh lá mạ, trong xa quá nhỏ bé, đang tiến từ bên phải sang bên trái. Bỗng hai người thấy tàu đỗ lại, những cụm hơi nước màu trắng phụt lên từ đầu máy. Lát sau vọng tới hồi còi báo chuyện chẳng lành.

– Lạ thật, – giáo sư Ivan nhận xét. – Chắc có chuyện trục trặc chứ đâu vô cớ họ đỗ lại giữa khu đồng lầy ấy. Lại có chuyện gì rồi. Thôi ta về uống trà đi.
(còn tiếp)
(Kho tư liệu của Hội NVHP)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder