Bác sĩ Zhivago – Boris Pasternak (Nga – giải Nobel Văn Học) – Kì 11

Komarovski vô cùng tức giận. Những cảm xúc trái ngược cứ dồn dập chen chúc trong ngực hắn. Thật là tai tiếng, thật là tệ hại! Tức điên lên được. Địa vị của hắn đang bị đe doạ…

Komarovski vô cùng tức giận. Những cảm xúc trái ngược cứ dồn dập chen chúc trong ngực hắn. Thật là tai tiếng, thật là tệ hại! Tức điên lên được. Địa vị của hắn đang bị đe doạ.

Chương 4: Những chuyện phải đến

1.

Lara nằm trong phòng ngủ, trên giường của bà Felisata, nửa tỉnh nửa mê. Xung quanh nàng, ông bà Sventitski, bác sĩ Drokov và chị hầu phòng đang thì thào với nhau.

Ngôi nhà vắng lặng của gia đình Sventitski chìm trong bóng tối. Suốt một dãy dài các căn phòng, chỉ ở đoạn giữa có một chiếc đèn treo tường phòng khách là hắt ánh sáng mờ mờ ra hai phía hành lang.

Dọc cái hành lang ấy, luật sư Komarovski đang đi đi lại lại vẻ giận dữ và quả quyết, không phải như một vị khách mà như đang ở nhà riêng của mình. Lúc thì hắn ngó vào buồng ngủ, xem diễn biến trong đó ra sao, lúc thì hắn đi về phía đầu nhà bên kia, ngang qua chỗ cây Nôen treo các chuỗi vòng bạc, tới tận buồng ăn, nơi trên bàn vẫn ngồn ngộn các thứ đồ ăn chưa ai đụng tới và những chiếc ly nhỏ màu xanh khẽ kêu lanh canh mỗi lần có xe ngựa chạy qua ngoài phố hoặc có chú chuột nhắt thoăn thoắt len lỏi giữa các dĩa chén.

Komarovski vô cùng tức giận. Những cảm xúc trái ngược cứ dồn dập chen chúc trong ngực hắn. Thật là tai tiếng, thật là tệ hại! Tức điên lên được. Địa vị của hắn đang bị đe doạ.

Chuyện vừa rồi làm cho hắn mất cả thanh danh. Bằng bất cứ giá nào cũng phải ngăn chặn, xua tan mọi lời bàn tán dị nghị, khi chưa muộn, và nếu tin này đã lan đi rồi, thì phải giập tắt ngay từ đầu mọi lời đồn đại. Mặt khác, hắn cảm thấy sức quyến rũ ghê gớm của cô gái tuyệt vọng, điên rồ kia. Rõ ràng có thể thấy ngay là nàng không giống mọi người. Bao giờ cũng có một cái gì khác thường ở nàng. Song hiển nhiên là hắn đã huỷ hoại đời nàng! Điểm này quá rõ và hết bề cứu vãn. Nàng cứ luôn luôn vật vã, phản kháng, chống chọi với hy vọng thay dổi số phận theo ý muốn của nàng và bắt đầu làm lại cuộc đời.

Sẽ phải giúp đỡ nàng về mọi phương diện, có lẽ phải thuê cho nàng một chỗ ở, nhưng trong bất cứ trường hợp nào cũng đừng có động đến nàng; trái lại, phải hoàn toàn lánh xa, để nàng khỏi hiềm nghi, kẻo cô ả rất có thể gây ra những chuyện chẳng lành khác nữa, có trời mà biết?

Trước mắt còn bao nhiêu việc phải lo liệu! Người ta sẽ chẳng đời nào bỏ qua chuyện này. Đừng có lơ mơ với Luật pháp. Trời chưa sáng, và từ lúc xảy ra chuyện kia đến giờ chưa đầy hai tiếng đồng hồ, mà cảnh sát đã tới hai lần, và cả hai lần Komarovski đều phải ra giải thích với họ và tìm cách thu xếp cho ổn thoả. Rồi sẽ còn nhiều thứ lôi thôi rắc rối nữa. Sẽ phải chứng minh được rằng nàng nhắm bắn vào hắn, chứ không phải vào Kornakov. Nhưng sự việc đâu đã dừng ở đó. Tuy Lara sẽ thoát một phần trách nhiệm, song nàng sẽ bị truy cứu về phần còn lại.

Dĩ nhiên hắn sẽ tranh đấu bằng mọi cách, và nếu nàng bị khởi tố, hắn sẽ xoay được giấy tờ của bác sĩ thần kinh kết luận về trạng thái không thể chịu trách nhiệm của Lara vào thời điểm thực hiện mưu sát và hắn sẽ chấm dứt được vụ án.

Nghĩ đến đó, Komarovski thấy yên tâm dần. Đêm đã tàn, những vệt ánh sáng bắt đầu chui từ phòng này sang phòng khác nhòm ngó các gầm bàn và đi-văng như bọn trộm cắp hoặc các nhân viên giám định ở các tiệm cầm đồ.

Komarovski bước vào phòng ngủ xem tình hình ra sao, và khi biết chắc rằng sức khỏe của Lara vẫn không khá hơn, hắn cáo biệt ông bà Sventitski, đi gặp một nữ luật gia quen biết tên là Rufina Oniximovna Voit Voikovscaia, có chồng đã phải xuất dương vì lý do chính trị. Bà này có một căn hộ tám buồng, lúc này đối với bà là quá rộng và tốn phí quá khả năng tài chính của bà, nên bà để ra hai buồng cho thuê. Một trong hai buồng đó đã bỏ không ít lâu nay. Komarovski đã thuê buồng đó cho Lara. Mấy giờ sau, người ta đưa nàng đến, nàng vẫn đang trong cơn sốt, nửa mê nửa tỉnh. Nàng bị cơn mê sảng tâm thần.

2.

Rufina Oniximovna là một phụ nữ có tư tưởng cấp tiến, thù địch với mọi thành kiến, và có cảm tình, theo như bà nghĩ và nói, với mọi cái “tích cực và có sức sống”.

Trên mặt chiếc tủ comot, bà đặt một bản “Cương lĩnh Erfurg”(1) có lời đề tặng của tác giả. Trong số các bức hình treo trên tường, có một bức chụp chồng bà, “Ông Voit tốt bụng của tôi” đang đứng cạnh Plekhanov(2) trong một ngày hội dân gian bên Thuỵ Sĩ. Cả hai đội mũ rộng vành, mặc áo vét may bằng vải lustơrin.

Mới gặp lần đầu tiên, bà Rufina đã có ác cảm với cô gái đến thuê phòng. Bà cho Lara là một cô ả chán đời, giả bệnh. Những cơn mê sảng của nàng đối với bà chỉ là trò giả vờ giả vịt. Bà sẵn sàng thề rằng Lara đang đóng vai nhân vật Margarita giả điên trong tù.

Bà Rufina tỏ cho Lara biết thái độ khinh miệt của bà bằng cách cố ý gây cảnh náo nhiệt. Bà cứ sập cửa ầm ầm, hát tướng lên trong lúc dí cư chạy ở khu vực của bà, mở tung các cánh cửa suốt cả ngày cho thoáng khí. Căn hộ của bà ở tầng lầu trên cùng một toà nhà lớn trên đường Arbat.

Các cửa sổ nhà bà ngay từ kỳ đông chí đã tràn ngập một khoảng trời xanh biếc, sáng sủa, bao la như dòng sông mùa nước lớn. Suốt nửa cuối mùa đông, căn nhà có thừa những điềm báo sắp sang xuân. Thứ gió Nam ấm áp thổi luồn qua các ô cửa nhỏ thông gió, các đầu máy xe lửa ở các ga kéo còi ầm ĩ, và bệnh nhân Lara nằm trên giường thả tâm hồn theo dòng hồi ức xa xăm.

Nàng rất hay nhớ lại buổi chiều tối đầu tiên ở Moskva, khi ba mẹ con nàng từ Ural tới, cách đây bảy tám năm, vào thời niên thiếu khó quên.

Từ nhà ga đến khách sạn, ngồi trên chiếc xe ngựa đã hạ mui, mẹ con nàng đã đi suốt thành phố Moskva qua những đường phố thiếu ánh sáng. Các cây đèn đường cứ tới gần rồi lại lùi xa, lần lượt in bóng bác xà ích ngồi khom lưng, trên các tường nhà. Bóng bác lớn dần, lớn mãi, cuối cùng hoá thành khổng lồ, phủ cả mặt đường và các mái nhà, rồi mất đi. Rồi tất cả lại lặp lại từ đầu. Trong bóng tối, người ta nghe vang vọng trên đầu những tiếng chuông của vô số nhà thờ ở Moskva, còn dưới mặt đất là tiếng xe konka (3) chạy rầm rầm khắp ngả. Cả những cửa kính bày hàng và ánh đèn cũng làm cho Lara váng tai, tựa hồ hai thứ đó phát ra âm thanh như tiếng chuông hay tiếng bánh xe vậy.

Nàng kinh ngạc trước một quả dưa hấu khổng lồ đặt trên bàn trong buồng khách sạn. Đó là quà của Komarovski mừng ba mẹ con nàng dọn đến nhà mởi. Lara có cảm tưởng quả dưa ấy tượng trưng quyền thế và sự giàu sang của Komarovski. Khi ông ta dùng dao bổ ra làm đôi cái vật lạ lùng, hòn trĩnh, màu xanh đen, có khối ruột màu hồng mát lạnh, ngọt như đường ấy, Lara sợ đứng tim, nhưng nàng không dám từ chối.

Nàng miễn cưỡng ép mình nuốt những miếng dưa hồng hồng, thơm thơm cứ tắc nghẹn ở cổ nàng vì nàng quá lo sợ. Và chính cái sự rụt rè e lệ ấy của nàng trước thứ đồ ăn đắt tiền và cảnh thành phố ban đêm sau này đã lặp lại trong thái độ rụt rè e lệ trước Komarovski. Nó là nguyên nhân chính của mọi việc tiếp diễn sau đó. Nhưng hiện giờ thì hắn khác hẳn, đến mức khó nhận ra. Hắn không đòi hòi gì cả, không tìm cách làm cho nàng phải nhớ đến hắn, thậm chí cũng chẳng mấy khi ló mặt. Hắn cứ từ đằng xa, thường xuyên đề nghị được giúp đỡ nàng một cách rất cao thượng.

Cuộc đến thăm của ông Kologrivov thì khác hẳn. Lara rất mừng khi ông tới. Vị khách chiếm hết nửa căn phòng bằng cái nhìn rạng rỡ và nụ cười thông minh, không phải vì tầm vóc cao lớn, mà là nhờ tài năng và sự hoạt bát của ông. Căn phòng như trở nên chật hẹp hơn. Ông ngồi bên giường Lara, hai bàn tay xoa xoa vào nhau. Khi ông bị gọi lên gặp Chính phủ ở Petersburg, ông nói chuyện với các quan chức già đời cứ như nói với những cậu học trò lớp sơ đẳng nghịch ngợm. Còn ở đây, cô gái đang nằm trên giường bệnh trước mặt ông mới đây còn là một phần của tổ ấm gia đình ông, gần như là con gái của ông. Cũng như đối với mọi người trong gia đình, đối với nàng ông chỉ cẩn trao đổi những cái nhìn là lời lẽ theo kiểu thoảng qua và tức thời (chính đó là điểm ý vị tuyệt diệu của sự tiếp xúc cô đọng, có hồn, và cả đôi bên đều hiểu thê). Ông vốn không thể đắn đo và lạnh nhạt trong cách đối xử với Lara, như với một người lởn. Ông chưa biết nói sao để khiến nàng khỏi phật ý, và ông đã tươi cười bảo nàng như nói với một đứa bé:

– Bà làm cái trò gì thế hở bà? Cái tấn kịch to chuyện ấy có được tích sự gì đâu? – ông ngừng lời, đưa mắt nhìn các vết ẩm trên trần nhà và trên lớp giấy hoa bồi tường. Rồi ông nói tiếp, lắc đầu có vẻ trách móc – Ở Dusendorg (4) người ta mở mọt cuộc triển lãm quốc tế về hội hoạ, điêu khắc và nghệ thuật làm vườn. Tôi đang định đi xem. Phòng của cô hơi ẩm thấp. Thế cô định sống lưng chừng trời thế này bao lâu nữa? Không ai có thể nói rằng sống ở đây là dễ chịu. Nói riêng với cô, chứ cái bà Rufina này chẳng ra gì đâu. Tôi biết mụ ta lắm. Cô nên dọn đi nơi khác. Cô đã nằm bẹp trên giường bệnh khá lâu. Yếu mệt ít bữa như thế đủ rồi. Phải dậy mà đi lại chứ. Tìm chỗ ở khác, bắt tay vào việc, học cho xong đi. Tôi có một người quen làm hoạ sĩ. Ông ấy sắp đi Turkistan (5) hai năm. Ông ta có một xưởng vẽ, chia làm mấy ngăn; có thể coi như một căn hộ nhỏ. Hình như ông ta sẵn sàng giao nó cho một người tử tế, mà đồ đạc ông ta để lại cả. Cô muốn tôi thu xếp chỗ ấy không? À, còn điều này nữa, cô cho phép tôi lần này lấy tính cách một nhà kinh doanh, nói chuyện nghiêm chỉnh. Đã từ lâu, tôi muốn… và đó cũng là bổn phận thiêng liêng của tôi… Từ dạo em Lipa nó… Đây là món tiền nho nhỏ để đề ơn cô đã giúp em nó học hành đến nơi đến chốn. Ơ hay, không, xin cô mặc tôi, xin cô cho phép. Không, tôi xin cô, đừng từ chối. Mong cô tha lỗi…

Đoạn ông đứng dậy cáo biệt, nhất quyết ép Lara phải nhận tấm ngân phiếu mười ngàn rúp, bất chấp những lời phản đối của cô, dù cô khóc lóc, thậm chí làm mặt giận.

Khi đã khỏe hẳn, Lara đọn đến căn nhà mới mà ông Kologrivov đã ca tụng. Chỗ ấy gần chợ Smolensk. Căn hộ nằm ở tầng trên của ngôi nhà một lầu nho nhỏ, xây bằng đá từ lâu lắm rồi. Tầng trệt là các kho hàng. Nhà có mấy bác đánh xe ở trọ. Cái sân lát đá, lúc nào cũng vương vãi đầy lúa mạch và cỏ khô. Lũ chim câu tụ tập ở đó, kêu gù gù, nhẩn nha ăn thóc.

Mỗi khi có đàn chuột chạy dọc theo rãnh nước lát đá dưới sân, cả đàn chim câu lại bay ào lên, nhưng không bao giờ vượt quá cửa sổ phòng Lara.

Chú thích:

(1) Cương lĩnh Của Đảng xã hội dân chủ Đức, được thông qua năm 1891 tại kỳ đại hội họp ở Erfurg, thay cho Cương lĩnh Gôta năm 1875. Đây là cương lĩnh mác xít đầu tiên và duy nhất của Đảng ấy sau đại hội hợp nhất ở Gôta.

(2) G. V. Plekhanov (1856 – 1918), nhà triết học Nga, nhà hoạt động nổi tiếng của phong trào dân chủ xã hội Nga và trên thế giới, người truyền bá chủ nghĩa Mác vào nước Nga.

(3) Loại toa xe do ngựa kéo, chạy trên đưởng ray, ở thành phố, trưởc khi có tàu điện.

(4) Một thành phố ở Tây Đức.

(5) Một thành phố ở vùng Trung Á, gần Afganistan.

3.

Thật là khổ với cái anh chàng Pasa. Suốt thời kỳ nàng bị mệt nặng, Pasa không được phép tới thăm. Không hiểu chàng sẽ phải nghĩ thế nào? Lara đã muốn giết một người mà dưới mắt Pasa, chẳng có quan hệ gì với nàng, vậy mà cái thằng cha nạn nhân của cuộc mưu sát không thành ấy sau đó lại ra tay che chở cho nàng. Mà tất cả những chuyện ấy lại xảy ra sau câu chuyện đáng nhớ giữa hai người vào đêm Nôen, dưới ánh sáng một ngọn nến! Giả sử không có thằng cha ấy, hẳn Lara đã bị bắt phải ra toà. Lão ta cứu nàng thoát cảnh tù tội. Nhờ có lão ta, nàng mới không bị sứt mẻ gì, mới được an tâm theo đuổi việc học hành. Pasa bứt dứt, chẳng còn hiểu ra làm sao nữa.

Khi sức khỏe đã khá hơn, Lara cho mời chàng đến. Nàng bảo chàng:

– Em là một đứa con gái hư, anh chưa biết rõ em đâu. Một ngày kia em sẽ kể cho anh nghe. Em thấy khó nói lắm, đấy anh xem, nước mắt cứ trào ra làm em nghẹn lời. Thôi anh hãy quên em đi, em không xứng đáng với anh đâu.

Thế là bắt đầu những trận cãi nhau, trận nào cũng khổ tâm như trận nào. Mỗi lần trông thấy Pasa khóc, vì chuyện ấy xảy ra trong thời gian Lara còn trọ ở đường Arbat, bà Rufina lại từ hành lang chạy về buồng của mình, nằm lăn ra đi-văng mà cười ngặt cười nghẽo: “Ôi trời ơi, không thể nhịn được nữa, ôi hết nhịn nổi! Đúng là một… ha-ha-ha! Một tráng sĩ! Ha-ha- ha! Đúng là một anh chàng Eruslan Ladarevich!(1).

Để giải thoát Pasa khỏi mối tình gắn bó có thể làm chàng mất thể diện, để dứt tình và chấm dứt mọi nỗi khổ tâm, Lara tuyên bố với Pasa rằng nàng dứt khoát tuyệt giao với chàng, bởi vì nàng không yêu chàng, nhưng khi nói như vậy, nàng lại khóc nức nở, khiến không ai tin được lời nàng. Pasa nghi ngờ nàng mắc đủ các thứ tội lỗi, chàng tuyệt nhiên không tin những lời nàng nói, chàng sẵn sàng nguyền rủa và căm ghét nàng, song đồng thời chàng lại yêu nàng như điên, chàng ghen vả với các ý nghĩ thầm kín của nàng, với chiếc ly nàng uống nước, với cái gối nàng gối đầu. Để khỏi hoá điên cả hai, cần phải hành động kiên quyết và mau lẹ hơn. Họ quyết định cưới nhau luôn, không chờ đến lúc thi xong. Đã dự kiến làm phép cưới vào dịp lễ Kazimodo. Nhưng theo lời yêu cầu của nàng, lễ cưới lại bị hoãn lại ít hôm.

Lễ thành hôn cử hành vào ngày thứ hai của lễ Ba Ngôi (2) khi họ biết chắc chắn đã đỗ trong kỳ thi ra trường. Đứng ra thu xếp mọi việc là bà Ludmila Chepurko, mẹ của cô bạn Tusia học cùng lớp và cùng thi ra với Lara. Bà Ludmila là một phụ nữ đẹp có bộ ngực cao và giọng nói trầm, bà hát hay và có trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Ngoài những điềm mê tín hiện có trong dân gian, và còn tự bịa ra, theo kiểu ứng tác tại chỗ, vô số điểm này điểm nọ.

Hôm ấy trời nóng ghê gớm. Trong lúc trang điểm cho Lara trước khi đưa nàng đến nhà thờ làm phép cưới, bà Ludmila cứ ngâm nga mãi một câu hát bằng cái giọng trầm trầm bohemien (3) của Panina(4), vòm tròn của các nhà thờ và lớp cát mới trải trên các lối đi cho dân chúng vui chơi trong dịp lễ Ba Ngôi trông cứ vàng đến chói mắt. Những cây bạch dương, mà người ta đã chặt bớt cành để dọn lễ Ba Ngôi, bị nhuốm đầy bụi, đứng ủ rũ bên tường nhà thờ, lá cong cuộn như bị lửa táp. Khí trời nặng nề khó thở, ánh nắng chói chang loá cả mắt. Nhân dịp lễ hội, mọi cô gái đều uốn tóc và mặc áo dài trắng như cô dâu, mọi chàng trai đều bôi sáp thơm và mặc quần áo sẫm màu bó lấy người, khiến người ta tưởng như có hàng ngàn đám cưới xung quanh… Ai cũng xúc động, hồi hộp, và ai cũng thấy nóng bức.

Khi Lara đặt bước trên tấm thảm ở nhà thờ, bà Lagodina, mẹ cô bạn khác của nàng, bèn ném một nắm tiền bạc xuống chân nàng, để chúc cho nàng sau này giàu có. Còn bà Lutlima, cũng với ý muốn ấy, lại khuyên nàng: lúc được Cha, đội vòng hoa cưới lên đầu thì đừng làm dấu thánh bằng cách giơ tay lên trần, mà phải giấu nửa tay trong khăn tuyn hoặc đăng-ten áo.

Sau đó bà còn bảo Lara giơ cao cây nến lên thì sau này sẽ là người chỉ huy trong gia đình. Nhưng muốn hy sinh tương lai của mình để có lợi cho Pasa, nàng đã cầm nến thật thấp, song chỉ vô ích, bởi vì nàng có cố gắng đến mấy đi nữa, cây nến của nàng vẫn cứ cao hơn của Pasa.

Từ nhà thờ, người ta về thẳng xưởng vẽ – nhà mới của đôi tân hôn, để dự tiệc… Khách khứa kêu: “Đắng quá, không uống được!” Đám khách ngồi ở cuối phòng thì đồng thanh: “Phải cho ngọt vào”, thế là đôi vợ chồng mới hôn nhau, cười e thẹn(5). Bà Ludmila hát mừng họ bài “Cây nho” có láy lại điệp khúc “Xin Chúa ban cho họ tình yêu và sự thuận hoà”, và bài “Bím tóc tròn, hãy xổ ra, mái tóc vàng, hãy xoã ra”.

Lúc khách khứa về hết, chỉ còn lại vợ chồng, cảnh yên lặng chợt tới khiến Pasa lo lắng. Bên ngoài, ngay trước cửa sổ của Lara, có chiếc đèn lồng thắp sáng trên cột và dù Lara kéo rèm che cửa sổ thế nào, vẫn có một vệt sáng nhỏ hẹp như mạch gỗ xẻ lọt qua khe hở của tấm rèm. Vệt sáng đó làm cho Pasa không yên tâm, tựa hồ có kẻ rình mò vợ chồng chàng. Chàng sợ hãi thấy lình để ý đến chiếc đèn lồng ngoài kia nhiều hơn là đến chính mình, đến Lara, đến tình yêu của mình đối với nàng.

Trong cái đêm dài vô tận ấy, Pasa Antipop, chàng sinh viên ngày hôm qua, mà bạn bè vẫn gọi đùa là “Nàng Slepanida” hoặc “Cô gái cấm cung”, đã lần lượt leo tới tỉnh hạnh phúc, rồi tụt xuống đáy tuyệt vọng. Những mối nghi ngờ, phỏng đoán của chàng cứ xen kẽ với các lời thú nhận của Lara. Chàng cứ gạn hỏi và nghe xong mỗi câu trả lời, chàng lại lặng người đi như đang rơi xuống vực. Trí tưởng tượng của chàng như bị đau đớn, không theo kịp các phát hiện mới.

Họ trò chuyện đến tận sáng. Trong đời Pasa chưa bao giờ có sự thay đổi nào lạ lùng và bất ngờ như trong đêm ấy. Sáng ra, chàng đã trở thành mốt người khác, gần như bỡ ngỡ khi nghe gọi đến tên mình như cũ.

Chú thích:

(1) Một nhân vật trong truyện dân gian Nga, là nam giới và quý ư mềm yếu

(2) Khoảng cuối tháng 6.

(3) Bohem là một vùng đất ở Tiệp Khắc, một số nước dùng chữ bohemien để chỉ tộc người digan (gyps) (chú thích của Nguyễn Học)

(4) V. V. Panina (1872 – 1911), ca sĩ giọng nữ trầm nổi tiếng của Nga, thường hát các bài hát digan.

(5) Theo tục lệ Nga, khi khách dự tiệc cưởi kêu “đắng quá!” cô dâu chú rể phải hôn nhau.

(kho tư liệu của Hội NVHP)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder