Bác sĩ Zhivago – Boris Pasternak (Nga – giải Nobel Văn Học) – Kì 15

Bà biết vô số câu trừ tà của đám bình dân, bước đi đâu một bước là bà đều tránh nhìn ngọn lửa trong bếp lò, không bao giờ ra khỏi nhà mà không thì thầm mấy câu thần chú vào lỗ khoá để xua đuổi ma quỷ. Bà sinh ở Zybusino. Người ta bảo đâu như bà là con một thầy phù thuỷ ở vùng quê…

Bà biết vô số câu trừ tà của đám bình dân, bước đi đâu một bước là bà đều tránh nhìn ngọn lửa trong bếp lò, không bao giờ ra khỏi nhà mà không thì thầm mấy câu thần chú vào lỗ khoá để xua đuổi ma quỷ. Bà sinh ở Zybusino. Người ta bảo đâu như bà là con một thầy phù thuỷ ở vùng quê.

4.

Nơi bác sĩ Zhivago nằm điều trị vết thương, sau đó ở lại làm việc và nay đang sửa soạn rời bỏ, là một quân y viện được đặt trong toà biệt thự của nữ bá tước Giabriscaia. Ngay từ đầu chiến tranh, bà đã nhường toà biệt thự này làm nơi chạy chữa cho thương binh.

Toà nhà hai tầng đó chiếm một trong những địa điểm đẹp nhất của thị trấn Meliuzev. Nó đứng ở nơi tiếp giáp giữa một đường phố chính và quảng trường trung tâm của thị trấn. Chỗ này trước được gọi là thao trường, vì bịnh sĩ thường thao diễn tại đây còn ngày nay, vào các buổi tối, người ta lấy địa điểm họp mít tinh.

Nhờ vị trí ở đầu ngã tư, đứng trên toà nhà có thể nhìn ra tứ phía rất rõ. Trừ phố chính và quảng trường, từ đây còn thấy ở ngay dưới chân toà nhà, trong sân nhà bên cạnh, phơi bày cảnh sinh hoạt nghèo nàn của tỉnh lỵ chẳng khác gì cảnh sinh hoạt nông thôn. Phía sau nhà có một bức tường, bên kia tường là cái vườn cây cũ của nữ bá tước.

Toà biệt thự này chưa bao giờ là một tài sản có giá trị đối với bà chủ. Trong huyện, bà còn một khu trang trại rộng lớn tên là “Razdonoi”. Ngôi nhà ở thị trấn chỉ là nơi tạm dừng chân mỗi khi bà có công việc tới thị trấn và là nơi hội ngộ của khách khứa từ khắp nơi đến nghỉ hè ở trang trại “Razdonoi” của bà. Bây giờ toà biệt thự trở thành quân y viện, còn bà chủ đã bị bắt ở Petersburg, nơi thường trú của bà.

Trong số gia nhân còn tiếp tục sống ở toà biệt thự có Mazmoazen Flori, vốn là gia sư dạy dỗ mấy cô con gái của bà chủ (các cô đã lấy chồng cả) và chị bếp tên là Ustina.

Đầu bạc, nước da hồng hào, Mazmoazen Flori thường mặc chiếc áo cũ, sờn, rộng lùng thùng, rách và bẩn, kéo lê đôi giày cũ đi khắp nhà ung dung như trước đây giữa gia đình bá tước. Bằng thứ tiếng Nga theo lối người Pháp, bà cứ luôn miệng kể chuyện này chuyện nọ. Bà lấy điệu bộ, giơ chân múa tay và mỗi lần kết thúc trò ba hoa lại phá lên cười khàn khàn rồi ho rũ, ho rượi.

Bà Flori biết các uẩn khúc của cô y tá Lara. Theo bà thì ông bác sĩ và cô y tá phải yêu thích nhau. Trung thành với bản tính thích làm mối lái (một thuộc tình sâu xa của những người thuộc dòng Rômăng), bà lấy làm mừng rỡ khi thấy hai người kia đứng với nhau, bà dứ dứ ngón tay ra bộ ta đây biết cả rồi, và nháy mắt với họ một cách tinh quái. Lara ngơ ngác, bác sĩ Zhivago thì bực mình, còn bà, như mọi bà già lập dị, cứ coi trọng sự lầm lẫn của mình hơn tất cả và không đời nào chịu sửa chữa.

Bà Ustina lại còn kỳ quặc hơn. Thân hình bà thu hẹp ở phía trên, khiến bà có dáng dấp một ả gà mái đang ấp trứng.

Bà khô khan, tỉnh táo ghê gớm, nhưng bên cạnh sự tỉnh táo bà lại có một trí tưởng tượng không sae kiềm chế nổi về khoản mê tín dị đoan.

Bà biết vô số câu trừ tà của đám bình dân, bước đi đâu một bước là bà đều tránh nhìn ngọn lửa trong bếp lò, không bao giờ ra khỏi nhà mà không thì thầm mấy câu thần chú vào lỗ khoá để xua đuổi ma quỷ. Bà sinh ở Zybusino. Người ta bảo đâu như bà là con một thầy phù thuỷ ở vùng quê.

Bà Ustina đã có thể im lặng nhiều năm liền, nhưng đến khi có chuyện làm cho bà lên cơn nói, thì lúc đó không tài gì ngăn cản được bà nữa. Bảo vệ chân lý là ham mê của bà.

Sau khi nước Cộng hoà Zybusino sụp đổ, chính quyền Meliuzev tổ chức một chiến dịch chống lại các tư tưởng vô chính phủ từ cái xứ Zybusino kia lan ra. Chiềư chiều ở quảng trường có những cuộc mít tinh tự phát, ôn hoà và thưa thớt, gồm một số kẻ nhàn rỗi tham dự, như thời thái bình xưa, lúc hoàng hôn họ vẫn kéo nhau ra ngồi chơi ở bên cổng trụ sở đội cứu hoả. Ban “Văn hoá giáo dục” khuyến khích các cuộc mít tinh kiểu đó và cử cán bộ của mình hoặc các nhà hoạt động từ nơi khác đến thị trấn, tới điều khiển các cuộc hội họp. Các vị ấy coi những chuyện đồn đại ở Zybusino về anh chàng câm điếc mà nói được là điều cực kỳ vô lý, và trong các bài chí trích, họ luôn luôn nhắc đến anh chàng đó. Song các thợ thủ công, các chị vợ lính, các người từng là gia nhân ở nhà ông này bà nọ, thì lại nghĩ khác. Họ cho rằng người câm điếc biết nói chẳng phải là cái gì quá ư phi lý. Họ bênh vực cho anh ta.

Trong nghiên cứu tiếng bất bình lẻ tẻ từ trong đám đông phát ra để bênh vực anh chàng câm điếc biết nói, người ta thường nghe thấy tiếng bà Ustina. Thoạt đầu, bà chưa dám ra mặt, cái tính xấu hổ của đàn bà đã ngăn bà lại. Nhưng dần dà bà thêm dạn dĩ và bắt đầu táo bạo công kích những diễn giả nào phát biểu những quan điểm mà dân Meliuzev không ưa. Thế là tự nhiên bà cũng trở thành một diễn giả hùng hồn lúc nào không hay.

Đứng ở toà biệt thự, qua cửa sổ để mở, có thể nghe thất tiếng nói lao xao ở quảng trường, và nhất là vào những buổi trời yên gió lặng, có thể nghe rõ từng mẩu diễn văn. Nhiều khi, lúc bà ústina nói, bà Flori lại chạy vào phòng bảo mấy ai có mặt hãy lắng tai mà nghe, rồi với thứ tiếng Nga giả cầy của bà, bà ân cần nhại lại:

– Xếu xa! Trụ lạt? Dưbusi! Chàn cam đế. Phả bọi! Phả bọi!

(Xấu xa! Truỵ lạc! Zybusino? Chàng câm điếc! Phản bội! Phản bội!).

Trong thâm tâm, Mazmoaden Flori hãnh diện về chị bếp hăng hái có tài ăn nói kia. Hai bà rất gắn bó cảm mến nhau, tuy vẫn luôn luôn hầm hè nhau.

5.

Dần dần bác sĩ Zhivago sửa soạn lên đường, chàng đi đến các nhà và các cơ quan để từ giã người quen và xin các giấy tờ cần thiết.

Lúc đó, vị uỷ viên quân sự mới của mặt trận vùng này, trên đường công tác đã dừng chân ở thị trấn. Người ta kể rằng vị uỷ viên còn trẻ măng, gần như một cậu bé.

Đấy là những ngày chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn. Người ta cố khôi phục tinh thần của đám đông binh sĩ, siết chặt kỷ luật trong quân đội. Các toà án quân sự cách mạng được thiết lập và khôi phục án tử hình đã bị bãi bỏ ít lâu nay.

Trước khi ra đi, bác sĩ Zhivago phải đến lấy dấu chứng thực của trưởng ban quân quản. Ở Meliuzev, chức vụ này do một sĩ quan quân đội đảm nhiệm, mà dân gọi là “ông quận” cho tiện.

Ngày nào ở văn phòng của ông quận cũng đông nghịt những người là người. Cảnh chen chúc chờ đợi diễn ra. Không chỉ ở quanh cửa và trong sân, mà còn lan rộng đến một nửa đoạn đường phố phía dưới cửa sổ của văn phòng. Hàng trăm người cùng nói một lúc, chẳng còn ai hiểu ra làm sao nữa.

Hôm ấy văn phòng không tiếp khách. Trong văn phòng trống trải, yên tĩnh, các viên thư ký bực tức vì đủ thứ giấy má rắc rối đang yên lặng ngồi viết và thỉnh thoảng trao đổi với nhau những cái nhìn giễu cợt, mỉa mai. Từ phòng làm việc của ông quận vọng ra tiếng cười nói vui vẻ, tựa hồ người ta đang phanh áo mà uống nước giải khát cho thoả thích.

Galiulin từ trong bước ra, thấy bác sĩ Zhivago đang ở dãy phòng chung bên này, bèn cúi người như lấy đà để chạy, làm hiệu mời chàng vào chia sẻ cảnh náo nhiệt trong phòng làm việc của ông quận.

Đằng nào thì Zhivago cũng phải vào đó xin chữ ký của ông quận. Tại đó, chàng được thấy một cảnh tượng khá kỳ khôi. Con người được cả thị trấn nhắc tới, người anh hùng của ngày hôm nay, vị uỷ viên quân vụ mới, thay vì lên đường tới nơi được bổ nhiệm, lại đang ở đây, trong cái phòng làm việc chẳng liên quan gì đến ban tham mưu và các vấn đề tác chiến.

Đứng trước đám nhân viên hành chính của ban quân quản, anh ta đang lên lớp hùng hồn.

– Thưa, đây lại thêm một ngôi sao nữa của chúng tôi, – ông quận giới thiệu bác sĩ với vị uỷ viên quân vụ; vị này đang quá bận trí với bản thân mình, chẳng buồn đưa mắt nhìn bác sĩ ông quận chỉ đổi tư thế để ký vào giấy tờ bác sĩ giơ cho ông, rồi lại trở về tư thế cũ vả giơ tay nhã nhặn mời bác sĩ ngồi xuống chiếc ghế nệm thấp đặt ở giữa phòng.

Trong số người có mặt, chỉ riêng Zhivago là ngồi ngay ngắn tử tế, tất cả các vị còn lại đều ngồi những kiểu kỳ cục và buông thả. Ông quận nửa nằm nửa ngồi cạnh bàn giấy, một tay chống đầu theo kiểu Petsorin (1), đối diện là ông phó quận ngồi trên thành đi văng, hai chân quặp lại bên dưới như một phụ nữ đang ngồi trên yên ngựa, còn Galiulin thì ngồi trên một cái ghế, hai tay ôm vòng lấy lưng ghế mà tựa cằm lên đó.

Vị uỷ viên lúc thì dùng hai cánh tay co người lên bờ cửa sổ, lúc lại tụt xuống và, y như một con quay vừa lên dây cót thả ra, cứ nói luôn miệng và hấp tấp từng bước ngắn trong phòng. Vị uỷ viên đang nói về đám binh sĩ đào ngũ ở Biriuchi.

Tiếng đồn đại về vị uỷ viên là đúng. Đó là một thanh niên hỉ mũi chưa sạch, người mảnh khảnh, dong dỏng cao, và giống như một cây nến nhỏ cháy to, anh ta say sưa cháy lên với những lý tưởng cao cả nhất. Nghe đâu anh ta thuộc một gia đình khá giả, con một nguyên lão nghị viên gì đó và tháng hai vừa qua anh ta đã là một trong nhứng sĩ quan đầu tiên dẫn đại đội của mình vào chiếm Viện Duma. Tên anh ta là Ghinse hay Ghinsơ gì đó, lúc giới thiệu với bác sĩ, ông quận nói không rõ.

Anh ta nói đúng giọng Petersburg, rõ ràng, đĩnh đạc và nghe hơi giống giọng người vùng Bantich. Anh ta mặc chiếc áo phơrenchơ(2), chắc thấy mình quá trẻ và để có vẻ nhiều tuổi hơn, anh ta cứ nhăn mặt khinh bỉ và giả bộ hơi gù lưng, bằng cách thọc hai tay vào túi quần galiphê(3) và so đôi vai có hai cầu vai mới thẳng đứng, dáng dấp do đó trở nên giống một tay kỵ sĩ gầy, đến mức có thể kẻ từ vai xuống chân hai đường đồng qui về phía dưới.

Ông quận nói với vị uỷ viên:

– Trên đường xe lửa, cách đây vài ga, có một trung đoàn kỵ binh Hồng quân, rất trung thành. Chỉ việc điều họ đến đây vây quân phiến loạn là xong xuôi. Đại tướng chỉ huy quân đoàn nhấn mạnh là phải mau chóng tước khí giới của chúng.

– Dùng kỵ binh? Không bao giờ! – Vị uỷ viên nổi nóng. – Bây giờ đâu phải là năm 1905! Một bức thư dư âm của thời trước cách mạng! Không, về điểm này quan điểm của chúng ta không giống nhau, các vị tướng của ông khôn ngoan quá đấy!

– Chưa thực thi việc gì cả. Tất cả mới chỉ là kế hoạch, là kiến nghị. Đã thoả thuận với cấp chỉ huy quân đội là không can thiệp vào các mệnh lệnh tác chiến. Tôi không loại trừ trung đoàn kỵ binh côdắc. Cứ cho là như vậy. Nhưng về phần tôi, tôi sẽ dùng những biện pháp khôn ngoan hơn. Bọn đào ngũ có doanh trại không?

– Chả biết gọi là gì… dù sao, họ có căn cứ, có công sự phòng ngự.

– Được! Tôi muốn đến thăm họ. Ông hãy chỉ cho tôi cái đám cướp rừng đáng sợ ấy. Ừ thì họ là bọn phiến loạn, thậm chí là bọn đào ngũ đi nữa, nhưng đó là nhân dân, thưa các ngài, các ngài quên mất điều đó. Mà nhân dân là trẻ con, cần phải hiểu họ, hiểu tâm lý của họ, ở đây cần một cách tiếp cận đặc biệt. Phải biết nhắm vào những cái đầy mẫn cảm, tốt đẹp nhất của họ và làm cho chúng ngân lên. Tôi sẽ đến khu rừng của họ, tôi sẽ tâm tình với họ, giải thích cho họ hiểu. Rồi các ông xem, họ sẽ trở lại vị trí chiến đấu cũ với hàng ngũ chỉnh tề. Tôi đánh cuộc đấy. Các ông không tin ư?

– Chưa chắc. Nhưng thôi thì cũng trông nhờ Chúa Tôi sẽ bảo họ thế này: “Anh em ơi, hãy nhìn tôi đây. Tôi là con một, là niềm hy vọng của gia đình, vậy mà tôi đã không ngần ngại hy sinh cả tên tuổi, địa vị, tình yêu của cha mẹ, để giành lại cho anh em một nền tự do mà chưa dân tộc nào trên thế giới được hưởng. Đó là điều tôi đã làm, cùng với vô vàn thanh niên hệt như tôi, đấy là chưa kể đến những bậc tiền bối vinh quang, những đảng viên Dân tuý (4) bị lưu đày và các đảng viên Dân ý (5) bị cầm tù ở Slisenburg. Chúng tôi cố gắng như thế có phải để cho chúng tôi chăng? Chúng tôi cần cái đó chăng? Từ đây anh em sẽ không còn là binh lính như trước nữa, mà là những chiến sĩ của đạo quân cách mạng đầu tiên trên thế giởi. Các anh em hãy thành thật tự hỏi, liệu anh em đã xứng đáng với danh hiệu đó chưa? Trong khi Tổ quốc bị đổ máu đang cố gắng lần cuối cùng để giải thoát khỏi quân thù đang quấn chặt lấy mình như các vòi thuỷ tức, thì anh em lại nghe theo một dúm người vô lại, vô danh tiểu tốt và anh em vô tình trở thành một bọn đạo tặc, một đám đông vô ý thức, được tự do, thật y như câu tục ngữ: thả heo dưới gầm bàn, nó lại thượng cẳng lên bàn. Đấy, tôi sẽ chinh phục họ, sẽ làm cho họ phải xấu hổ.

– Ấy chớ, đừng liều mạng như vậy, – ông quận có thể ngăn, ông kín đáo trao đổi với ông phó quận một cái nhìn đầy ý nghĩa.

Galiulin cũng can vị uỷ viên đừng làm cái việc điên rồ ấy. Anh thừa biết những kẻ quá khích ở trung đoàn 212, thuộc biên chế một sư đoàn mà anh từng phục vụ. Vị uỷ viên không nghe lời anh.

Bác sĩ Zhivago nhấp nhổm chỉ muốn ra về. Chàng phát ngượng trước sự ngây thơ khờ dại của vị uỷ viên. Thái độ quỷ quyệt khôn khéo của ông quận và ông phó quận, hai gã láu cá tức cười cũng chẳng hay ho gì hơn. Sự ngu xuẩn và sự quỷ quyệt cũng cùng một giuộc với nhau. Và cả hai thứ ấy đang phun ra một mớ từ ngữ rỗng tuếch, vô dụng, nhạt nhẽo mà chính cuộc sống đang muốn gạt bỏ.

Ôi đôi khi ta muốn né tránh cái cao siêu giả tạo và bất tài, cái lối nói năng tối nghĩa của loài người để bước vào cái tưởng chừng tĩnh mịch của thiên nhiên, cái im lặng khổ sai của lao động bền bỉ, cái im lặng không lời của giấc ngủ sau, của âm nhạc chân chính và của sự rung động trái tim, một sự rung động không nói nên lời vì sự trọn vẹn của tâm hồn.

Bác sĩ chợt nhớ mình còn phải gặp Lara để biện giải, một việc dẫu sao cũng chăng lấy gì làm thú vị. Chàng sung sướng vì buộc phải gặp nàng, dù với cái giá như vậy. Nhưng chắc nàng chưa về. Nhân lúc thuận tiện, chàng bèn đứng dậy, bỏ ra ngoài mà không ai hay biết.

Chú thích:

(1)Tên nhân vật chính trong tiểu thuyết “Người hùng của thời đại” của Lermontov.

(2) Loại áo varơi quân đội, thắt lại ở cuối vạt áo, có bốn túi lớn, hai ở trên ngực, hai ở ngang sườn.

(3) Loại quần nhét ống vào ủng, thắt lại ở đầu gối vá phanh rộng về phía trên.

(4) phái Dân Tuý là phong trào của trí thức dân chủ Nga thời kỳ 1861 – 1895, chống chế độ nông nô và sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Nga, muốn lật đổ chế độ quân chủ bằng cách mạng nông dân.

(5) Dân ý là tổ chức cách mạng lớn nhất của phái Dân Tuý ra đời ở Petersburg năm 1879, với cương lĩnh lật đổ chế độ quân chủ, giành quyền dân chủ, trao ruộng cho nông dân. Ưa dùng khủng bố (ám sát Nga hoàng tám lần). Sau năm 1881 bị đàn áp và tan vỡ.

(Kho tư liệu của Hội NVHP)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder