Hai vợ chồng đứng giữa vỉa hè, với một cái giỏ và một chiếc va-li, chắn cả lối đi. Khách qua đường vòng tránh họ, tò mò nhìn họ từ đầu đến chân và cứ ngó mãi chiếc xe ngựa đang đi xa, cùng cái cánh cửa chính mở rộng như chờ xem còn chuyện gì sắp xảy ra…
Hai vợ chồng đứng giữa vỉa hè, với một cái giỏ và một chiếc va-li, chắn cả lối đi. Khách qua đường vòng tránh họ, tò mò nhìn họ từ đầu đến chân và cứ ngó mãi chiếc xe ngựa đang đi xa, cùng cái cánh cửa chính mở rộng như chờ xem còn chuyện gì sắp xảy ra.
Chương 6: Moskva – trạm dừng chân
1.
Dọc đường, do phải ngồi bó gối trong ngăn tàu chật hẹp, Zhivago tưởng đâu chỉ có đoàn tàu chuyển động, còn thời gian ngừng lại, và cứ ngỡ bây giờ mới là bữa trưa.
Nhưng trời đã về chiều, khi chiếc xe ngựa chở bác sĩ và hành lý của chàng vất vả len từng bước ra khỏi đám người đông như kiến tụ tập ở khu chợ Smolensk.
Sau này, khi nhớ lại ngày hôm đó, Zhivago có cảm tưởng – chàng không rõ đó là ấn tượng đầu tiên hay nó đã lẫn lộn với kinh nghiệm của những năm sau, – rằng hình như người ta tự tập để họp cái chợ dạo ấy chỉ vì thói quen, chứ chẳng có chút lý do gì hết, bởi vì các sạp hàng đều rỗng tuếch, các mái che đều bị hạ xuống, người ta cũng chẳng buồn khoá lại, và trên khu chợ bẩn thỉu, ngập ngụa rác rưởi từ lâu ngày không được quét dọn kia thì có gì để mua bán đâu.
Và chàng có cảm tưởng rằng, cũng từ thời buổi đó, chàng đã thấy những ông bà già cả ăn mặc lịch sự, gày còm, đứng nép mình trên vỉa hè như thầm trách kẻ qua người lại, lẳng lặng chìa ra bán những thứ chẳng ai buồn mua và cũng chẳng ai cần đến, như hoa giả; đụng cụ nấu nước để pha cà phê đốt bằng cồn, hình tròn, có nắp thuỷ tinh và còi hơi; bộ áo dạ hội may bằng sa đen, trang phục của nhân viên xem xét Bộ đã bị giải thể.
Phần đông những người khác thì bán các đồ hữu dụng hơn: những mẩu bánh mì đen, vừa một suất ăn, bị khô cứng rất nhanh; những mẩu đường đã chảy nước, trông bẩn bẩn, những bịch thuốc sợi makhorka và được cắt giấy bọc ở chính giữa bịch. Và khắp chợ diễn ra cảnh mua đi bán lại những món đồ tầm tầm, mà cứ mỗi lần sang tay lại lên giá.
Chiếc xe ngựa quẹo vào một trong những phố nhỏ nằm bên khu chợ. Mặt trời đang lặn, rọi nắng vào lưng họ. Trước mặt họ, một con ngựa đang kéo một chiếc xe không, chiếc xe cứ nẩy lên nẩy xuống ầm ầm, làm bốc lên từng cột bụi đỏ rực như đồng trong ánh chiều tà.
Cuối cùng, họ cũng vượt được chiếc xe chạy cản trước mặt. Họ bắt đầu phóng xe nhanh hơn. Bác sĩ kinh ngạc thấy ừng đống báo cũ và áp phích, bị xé từ trên tường nhà và hàng rào, nằm ngổn ngang trên vỉa hè và mặt đường. Gió thổi chúng giạt về phía này, vó ngựa, bánh xe và bước chân người lại đẩy chúng sang nẻo khác. Chẳng mấy chốc, sau vài ngã tư, ở góc phố đã hiện ra ngôi nhà thân yêu. Chiếc xe ngựa đỗ lại.
Bác sĩ Zhivago cảm thấy nghẹn ngào, tim dập rộn lên, khi chàng xuống xe, bước tới cửa chính và giật chuông. Không thấy ai ra mở cửa. Chàng giật chuông lần nữa. Vẫn chẳng có tác dụng gì. Với cảm giác lo lắng tăng dần, chàng bèn giật chuông liên hồi với quãng cách nho nhỏ. Mãi đến hồi thứ tư chàng mới nghe thấy bên trong có tiếng bật móc cửa, tiếng gỡ dây xích, rồi khi cánh cửa mở ra một nửa, chàng thấy Tonia đang đứng choán hết cả khoảng trống, một tay còn đang giữ cánh cửa. Vì quá kinh ngạc, giây lát đầu tiên cả hai đứng sững, thậm chí không nghe thấy mình đã kêu lên. Song cái cửa mở một nửa trong tay Tonia đã giống vòng tay giang rộng như nời gọi, khiến họ hết cả sững sờ mà ôm chầm lấy nhau như những người điên. Phút sau, hai vợ chồng cùng nói một lượt, người nọ ngắt lời người kia:
– Trước hết, cả nhà mạnh giỏi cả chứ em?
– Vâng, vâng, anh cứ yên tâm. Bình an cả. Em đã viết cho anh lá thứ ngớ ngẩn. Em xin lỗi. Nhưng chuyện đó để sau hãy nói. Sao anh không đánh điện? Cứ để đấy, bác Macken sẽ mang hành lý vào nhà cho anh. À, em hiểu rồi, lúc nãy giật chuông, không thấy chị Egorovna ra mở cửa, anh lo sợ chứ gì? Chị Egorovna đi về quê.
– Em có phần gầy đi. Nhưng trông thon thả và trẻ hẳn ra. Để anh trả tiền thuê xe đã.
– Chị Egorovna về quê lấy bột. Những người giúp việc khác thì cho thôi cả rồi. Bây giờ chỉ có một người mới là cô bé Niusa lo trông nom bé Xasa thôi, anh chưa biết cô ta đâu. Ở nhà đã báo tin cho mọi người biết là anh sắp về, ai cũng nóng lòng chờ đợi. Misa Gordon này, Nica Dudorov này, tất cả mọi người.
– Còn Xasa, con vẫn khỏe chứ?
– Ơn Chúa, con vẫn bình thường. Nó vừa ngủ dậy. Giá anh không đầy bụi tàu thì chúng mình có thể vào chỗ nó ngay.
– Ba có nhà không?
– Ơ hay, thế chưa ai viết thư cho anh biết hay sao? Từ sáng đến khuya ba ở ngoài trụ sở hội đồng quận. Ba làm chủ tịch. Vâng, anh có tưởng tượng được không? Anh đã trả tiền bác đánh xe rồi phải không? Bác Macken, bác Macken ơi!
Hai vợ chồng đứng giữa vỉa hè, với một cái giỏ và một chiếc va-li, chắn cả lối đi. Khách qua đường vòng tránh họ, tò mò nhìn họ từ đầu đến chân và cứ ngó mãi chiếc xe ngựa đang đi xa, cùng cái cánh cửa chính mở rộng như chờ xem còn chuyện gì sắp xảy ra.
Trong khi đó, Macken, mặc chiếc áo gilê bên ngoài chiếc sơ mi vải sita, tay cầm chiếc mũ cátkét của người lao công, từ cổng chạy ra chỗ ông bà chủ trẻ tuổi reo to:
– Trời ơi! Ông Yuri đây ư? Đúng rồi! Đúng là con chim ưng yêu quý đây rồi! Ông Zhivago – Ánh sáng của chúng tôi, Ông vẫn chưa quên đám đầy tớ vẫn luôn luôn cầu nguyện cho ông, ông đã trở về tổ cũ! Còn các ông bà cần gì? Nào, còn đứng đấy à? Xin mời quý ông bà đi đi cho. Cử đứng trố mắt ra mà ngó mãi!
– Chào bác Macken, chúng ta hôn nhau đi chứ. Bác đội mũ vào đi, cái nhà bác thộn này! Thế nào, có gì mới không, có gì hay không bác? Bác gái và mấy cô con gái của bác thế nào?
– Thế nào ấy à, thì vẫn thế thôi. Vẫn ăn no chóng lớn. Đa tạ ông. Còn có cái gì mới không ạ? Ấy trong khi ông đi làm tráng sĩ ở phương xa, thì bọn tôi ở đây cũng chẳng khoanh tay ngồi ngáp dài đâu ạ? Chúng tôi cũng đã bày ra đủ trò, làm rối tung cả mọi thứ, đến nỗi ma quỷ cũng chẳng biết đằng nào mà lần. Thật là khốn khổ! Phố xá không ai quét, mái nhà không ai sửa, nhà cửa chẳng ai chăm, bụng thì cứ trống như mùa chay, tha hồ mà sạch ruột, tuy chẳng phải đóng thuếnộp sưu cho ai.
– Bác Macken cứ liệu, tôi thì tôi sẽ kể tội bác cho nhà tôi nghe. Anh Yuri yêu quý, cái bác này lúc nào cũng thế. Em không chịu nổi cái giọng ngớ ngẩn của bác ta. Và chắc chắn bác ta còn cố ý làm ra như vậy để mừng anh, tưởng anh thích lắm không bằng. Thực tình thì bác ta cũng không đến nỗi dần độn. Thôi, thôi bác ơi, đừng thanh minh thanh miếc gì nữa. Bác là đần độn lắm. Đã đến lúc bác nên khôn ngoan hơn một chút. Bác thừa hiểu bác đang sống không phải ở một gia đình buôn bán.
Khi Macken mang hành lý vào nhà và đóng cửa chính lại rồi, bác ta còn nói tiếp, giợng thì thầm bí mật:
– Bà Tonia đang giận, ông thấy đấy. Bà nhà lúc nào cũng vậy Bà cứ luôn miệng bảo tôi: Macken, này Macken, bác đần độn lắm, đần độn hết chỗ nói. Bà ấy bảo, bây giờ không cứ gì trẻ con, mà cả đến con mốp(1), con bolonca(2) có lẽ cũng đã bắt đầu hiểu ra. Cố nhiên rồi, ai dám cãi, nhưng ông Yuri ơi, ông tin tôi hay không thì tuỳ, nhiều vị có học đã được thấy cuốn sách sấm truyền của Hội Tam Điểm, cái cuốn sách đã nằm một trăm bốn mươi năm dưới một tảng đá ấy mà; và bây giờ tôi trộm nghĩ rằng ngưòi ta đã bán rẻ chúng ta, ông hiểu không, đúng là họ đã bán rẻ chúng ta không lấy một xu, không lấy nửa xu hay một dúm thuốc sợi. Đấy ông xem, bà nhà lại chẳng cho tôi nói nốt, ông thấy đó, bà đang xua tay kia kìa.
– Không xua tay mà yên được à. Thôi, được rồi. Bác hãy đặt đồ xuống sàn, xong, cám ơn bác. Bác đi được rồi đấy, bác Maken. Nếu cần gì, nhà tôi sẽ gọi bác.
Chú thích:
(1) Loại chó cảnh đầu tròn, mõm ngắn.
(2) Loại chó cảnh mình nhỏ, lông dài.
Bác sĩ Zhivago – Chương 06 – Phần 02 + 03
2.
– Cuối cùng thì cũng thoát được lão ta. Ờ, anh cứ tin lão ta đi, anh cứ việc mà tin. Một tay ba hoa hạng nhất đấy. Trước mặt người khác thì luôn giả bộ ngây ngô, khù khờ, nhưng trong bụng lại thủ sẵn lưỡi dao. Có điều là lão ta chưa quyết định đâm vào ai đấy thôi, cái quân giả nghèo giả khổ.
– Cái đó thì em tưởng tượng đấy! Anh thì cho rằng bác ra say rượu nên làm trò hề, chứ đâu có tâm địa gì khác.
– Thế anh thử nói xem, có bao giờ bác ta không say không nào? Mà thôi, thây kệ bác ta. Em chỉ lo bé Xasa lại ngủ mất rồi. Giá không sợ cái bệnh chấy rận hay lây trên tàu xe… Anh không mang giận về đây chứ?
– Anh nghĩ là không. Chuyến tàu anh đi đầy đủ tiện nghi, như hồi trước chiến tranh. Nhưng để anh đi rửa mặt mũi, chân tay qua loa một chút, rồi sẽ tắm gội sau. Này, em đi đâu thế? Sao không đi qua phòng khách? Bây giờ dùng cầu thang khác à?
– Ôi em đoảng quá, chẳng kể cho anh biết. Ba và em đã nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng nhường một phần dưới nhà cho Học viện Nông nghiệp. Nếu không, mùa đông chả lấy đâu ra củi sưởi ấm cả nhà được. Vả lại, cả tầng trên cùng cũng quá rộng, ba và em đã mời họ sử dụng luôn, nhưng hiện thời họ chưa nhận. Ở tầng trệt họ bố trí các phòng làm việc, các phòng mẫu cây, các bộ sưu tập hạt giống. Miễn là họ đừng nuôi chuột. Gì thì gì cũng là thức ăn béo bở của lũ chuột. Nhưng hiện tại thì họ giữ gìn các phòng sạch sẽ tươm tất lắm. Bây giờ người ta kêu là “diện tích nhà ở”. Đây, đây, đi lối kia cơ. Sao anh chậm hiểu thế? Phải vòng ra cầu thang sau kia. Anh hiểu chưa? Nào, đi theo em, em chỉ lối cho.
– Ta nhường lại các phòng như vậy là rất hay. Quân y viện nơi anh làm việc cũng được bố trí ở một biệt thự của quý tộc Những dãy phòng dài dằng dặc, những chỗ sàn gỗ còn tốt nguyên. Ban đêm các cây cọ trồng trong chậu cứ xòe lá trên đầu giường như những bóng ma. Thương binh vốn đã trải qua trận mạc còn sợ và cứ la thét trong giấc ngủ. Dĩ nhiên, số anh em ấy không hoàn toàn bình thường, họ đều bị chấn thương. Đành phải khiêng các chậu cọ ra chỗ khác. Anh muốn nói rằng trong cuộc sống của những gia đình khá giả, có một cái gì đó không lành mạnh. Bao nhiêu là cái thừa. Trong nhà thì thừa đồ đạc, thừa phòng ở; trong tình cảm thì thừa sự tế nhị, thừa nhiều cách diễn tả vòng vo. Nhà mình thu hẹp như vậy là rất tốt Nhưng thế vẫn chưa đủ. Nên nhường thêm nữa…
– Trong giỏ của anh có con gì thò đầu ra thế kia? A, cái mỏ chim, đầu con vịt. Ôi đẹp quá! Một chú vịt trời! Ở đâu ra thế anh? Em không tin vào mắt mình nữa! Thời buổi này, nó quý như vàng đấy anh ạ!
– Có người tặng anh ở trên tàu. Chuyện dài lắm, để sau anh kể em nghe. Em này, ta có nên cởi ra và cho vịt xuống bếp hay không?
– Vâng, dĩ nhiên. Để em bảo Niusa làm lông và mổ ra. Người ta dự đoán mùa đông này sẽ có đủ thứ mọi chuyện đáng sợ, sẽ đói rét.
– Ừ ở đâu cũng thấy nói như vậy. Vừa rồi, lúc đứng lên trên tàu nhìn qua cửa sổ, anh đã nghĩ một số điều. Cái gì có thể cao đẹp hơn sự bình yên trong gia đình và công việc? Những thứ còn lại không thuộc quyền lực của chúng ta. Chắc quả thực nhiều người sẽ gặp bất hạnh. Một số vị tưởng có thể đi lánh nạn ở miền Nam, ở Kavkaz, họ còn tìm cách lánh đi xa hơn nữa. Đó không phải là lối ứng xử của anh. Một người đàn ông đã trưởng thành phải cắn răn chia sẻ vận mệnh của Tổ quốc mình. Đối với anh, điều đó rất hiển nhiên. Còn ba và em thì khác. Anh chỉ mong sao ba và em tránh được tai hoạ, để ba và em tới một nơi nào đáng tin cậy hơn, sang Phần Lan chẳng hạn. Nhưng nếu chúng mình cứ đứng hàng nửa giờ ở mỗi bậc thang thế này, thì sẽ chẳng bao giờ lên tới lầu.
– Hượm đã. Anh nghe tin mới này nhé. Tin nóng hổi! Thế mà từ nãy em cứ quên khuấy đi mất. Cậu Nicolai Nicolaevich đã về
– Ai kia?
– Cha Nicolai ấy mà.
– Tonia! Không thể có chuyện đó! Cậu về bằng cách nào?
– Thế này nhé. Từ Thuỵ Sĩ, vòng lên London. Rồi qua Phần Lan mà về.
– Tonia! Em không đùa đấy chứ? Nhà mình đã có ai trông thấy cậu chưa? Cậu đang ở đâu? Liệu có thể tìm gặp cậu ngay bây giờ được không?
– Gì mà anh sốt ruột thế! Cậu đang ở chơi nhà ai đó tại ngoại ô. Cậu hứa ngày kia sẽ trở lại. Cậu thay đổi nhiều lắm. Anh sẽ thất vọng. Trên đường về, cậu bị vướng ở Petersburg, bị bolsevich hoá rồi. Ba tranh luận với cậu đến khản cả tiếng. Nhưng quả thực là tại sao chúng mình cứ mỗi bước mỗi dừng thế này? Ta đi thôi. Vậy là anh cũng nghe nói sắp tới chẳng có gì tốt đẹp, toàn những khó khăn nguy hiểm, toàn những ẩn số phải không?
– Chính anh cũng nghĩ thế. Nhưng đã sao. Chúng ta sẽ phấn đấu. Đâu phải nhất thiết tất cả mọi người đều chết. Để xem, người ta sao, mình vậy…
– Người ta bảo sẽ không có củi, điện, nước cũng không. Sẽ bãi bỏ cả tiền tệ. Việc tiếp tế sẽ chấm dứt. Kìa, chúng mình lại đứng lại rồi. Ta đi lên chứ anh. À này anh, người ta khen loại bếp lò nhỏ dẹt, bằng sắt, đang bán ở một xưởng nằm trên đường Arbat, dùng tốt lắm. Có thể đốt giấy báo nấu ăn. Người ta có cho em địa chỉ đây. Phải mua ngay một cái kẻo hết.
– Đúng. Ta sẽ mua, ý kiến của em rất hay. Nhưng cậu Nicolai, cậu Nicolai! Lạ thật? Anh không thể hiểu!
– Em tính thế này anh ạ. Ta sẽ dọn một góc nào đó ở tầng trên cùng cho vợ chồng mình, cho ba, cho bé Xasa và Niusa, độ hai, ba phòng chẳng hạn, ăn thông với nhau, cái đó đã hẳn, ở một đầu gác. Toàn bộ phần còn lại của ngôi nhà, ta nhường hết, coi như tách biệt hẳn với ta, thuộc về đường phố. Cái bếp lò sắp mua sẽ đặt ở phòng giữa, bắt ống khói ra chỗ cửa sổ thông gió; phòng ấy sẽ là chỗ giặt gỉũ, nấu nướng, ăn uống, tiếp khách, tất cả đưa vào đấy hết, để đỡ tốn củi sưởi. Không chừng, Chúa sẽ cho ta qua được mùa đông cũng nên.
– Chứ sao? Tất nhiên, ta sẽ qua được. Không nghi ngờ gì hết. Dự tính em vừa nói rất hay. Em cừ thật. Bây giờ anh định thế này, em biết không? Ta sẽ ăn mừng kế hoạch của em. Ta sẽ quay con vịt anh mang về và mời cậu Nicolai tới ăn mừng nhà mới.
– Tuyệt diệu. Khoản rượu, em sẽ nhờ Misa mang đến. Anh ấy kiếm được ở một phòng thí nghiệm nào đấy. Còn bây giờ anh xem này. Đây là căn phòng em vừa nói. Em chọn nó đấy. Được không anh? Anh hãy đặt vali xuống sàn rồi mang cái giỏ lên đi. Ngoài cậu Nicolai và anh Misa, cũng có thể mời thêm anh Nica Dudorov và bà Sura Sledinghe. Anh không phản đối chứ? Anh còn nhớ phòng rửa mặt của bà ta ở chỗ nào không? Ở đó có thuốc tẩy trùng, anh nên phun một chút vào người. Còn em vào chỗ bé Xasa bảo Niusa xuống nhà aưởi, lúc nào sửa soạn cho con xong, em sẽ gọi anh.
3.
Về Moskva, điều mới me nhất đối với Zhivago là đứa con trai. Bé Xasa vừa ra đời thì chàng bị động viên vào quân đội Chẳng biết gì về nó?
Một hôm, trước khi rời Moskva, lúc đã ở trong quân đội, chàng tới bệnh viện phụ sản thăm Tonia. Chàng đến vào giờ đang cho trẻ bú nên không được phép vào.
Chàng đành ngồi ở phòng đợi. Lúc ấy, ở cuối hành lang đằng xa, phía bên kia phòng sanh là nơi các sản phụ nằm thành dãy dài, đồng loạt vang lên tiếng khóc của mươi mười lăm trẻ sơ sinh. Để các cháu khỏi bị cảm lạnh, các nữ khán hộ ẵm vội tới trao cho các bà mẹ, mỗi cô cặp hai cháu được bọc kín như các gói hàng.
– Oa, oa, – bầy trẻ sơ sinh khóc cùng một giọng, gần như hoàn toàn vô ý thức, tựa hồ bổn phận của chúng là phải khóc, và chỉ có một tiếng khóc tách biệt hẳn khỏi dàn hợp ca ấy. Đứa nhỏ cũng kêu “oa, oa”, và cũng chẳng có vẻ gì đau khổ, nhưng hình như không phải vì bổn phận, mà nghe chừng thiếu thân thiện, bướng bỉnh và cố ý trầm xuống rên rỉ.
Bấy giờ Zhivago đã quyết định đặt tên con là Xasa, tức Alexandr, để tỏ lòng kính mến nhạc phụ. Không hiểu tại sao chàng lại nghĩ rằng tiếng khóc kia chính là của con mình, bởi vì đấy là tiếng khóc có khuôn mặt, một tiếng khóc chứa đựng tính nết và số phận sau này của đứa trẻ, một tiếng khóc có màu sắc biểu cảm riêng, bao hàm cái tên của đứa bé – Xasa, Alexandr.
Chàng không lầm. Sau này mới biết đúng là tiếng khóc của bé Xasa. Đó là điều đầu tiên chàng biết về đứa con.
Sau này, nhờ các tấm ảnh kèm trong các lá thư của gia đình gửi ra cho chàng ở ngoài mặt trận, chàng được biết thêm về nó. Trên ảnh là một cậu bé mũm mĩm, kháu khỉnh, vui tươi, đầu to môi hồng, hai chân giang ra trên tấm chăn trải bên dưới, còn hai tay thì giờ lên như một kiểu nhảy ngồi. Lúc đó bé Xasa lên một, đang tập đi, bây giờ nó đã hơn hai tuổi và bắt đầu nói bi bô.
Zhivago nhấc chiếc va li ở dưới sàn đặt lên chiếc bàn lớn trải rủ cạnh cửa sổ và mở đai da. Phòng này hồi trước dùng làm gì nhỉ? Chàng chưa nhận ra nó. Chắc Tonia đã thay đổi đồ đạc hoặc dán loại giấy bồi tường có hoạ tiết trang trí khác.
Bác sĩ mở vali để lấy bộ đồ cạo râu. Vầng trăng tròn và sáng mờ nhô lên giữa các dãy cột nhỏ của tháp chuông nhà thờ cao cao đứng phía đối diện với cửa sổ. Khi ánh trăng chiếu vào các thứ để trong vali, như mấy bộ quần áo để lộn xộn lẫn với sách vở, xà bông, khăn mặt, bàn cạo râu, thì căn phòng sáng lên theo một kiểu khang khác nên bác sĩ đã nhận ra nó.
Đây là phòng chứa đồ của bà Anna Ivanovna. Hồi sinh thời bà nhét vào đây các thứ bàn ghế gãy và dụng cụ văn phòng vô dụng. Một thứ kho để lưu trữ gia đình của bà, đồng thời là nơi để các rương đựng quần áo rét về mùa hè. Hồi ấy, các phòng thường chất đầy đồ đạc, cao đến trần nhà và thường thường không mấy ai được vào đây. Nhưng vào dịp lễ lớn những ngày trẻ con tới đông, khi chúng được phép đùa nghịch thoải mái ở khắp tầng lầu này, thì phòng đó cũng được mở khoá và lũ trẻ vào đây chơi trò ăn cướp, trốn dưới các gầm bàn, đốt nút chai để lấy than vẽ râu và đeo mặt nạ trá hình. Bác sĩ đứng một hồi lâu, nhớ lại tất cả những chuyện đó, rồi xuống dưới nhà mang cái giỏ xách còn để ở dưới ấy lên.
Ở nhà dưới, Niusa, một thiếu nữ bẽn lẽn, nhút nhát, đang ngồi xổm trước bếp điện vặt lông vịt trên một tờ báo trải bên dưới. Thấy bác sĩ xách cái giỏ nặng, cô nhanh nhẹn đứng dậy, mặt đỏ bừng như gấc, tay phủi vội các sợi lông vịt dính vào tạp-dề, và sau khi lễ phép chào ông chủ, cô xin được xách giỏ giúp bác sĩ. Nhưng bác sĩ cảm ơn, nói là mình tự xách lấy được.
Vừa bước vào cái phòng chứa đồ cũ của bà Anna Ivanovna, chàng đã nghe thấy tiếng vợ gọi ở phòng thứ hai hay thứ ba bên cạnh:
– Anh Yuri ơi, vào được rồi!
Chàng sang chỗ bé Xasa.
Phòng trẻ con bây giờ được bố trí ở phòng học ngày trước của chàng và Tonia. Đứa bé nằm trong chiếc giường nôi hoá ra hoàn toàn không giống cậu bé xinh xắn bụ bẫm trong các tấm ảnh, nhưng được cái nó giống bà Maria Nicolaevna quá cố thân mẫu của Yuri Zhivago, như đúc, như một bản sao kỳ lạ, nó giống bà nội còn hơn cả mọi bức ảnh bà mà người ta còn giữ được.
– Ba đấy, ba của con đấy, con giơ tay chào ba đi, bé ngoan nào. – Tonia vừa giục con, vừa hạ cái mùng quây quanh chiếc giường nôi để Zhivago có thể dễ dàng hôn con và bồng nó lên.
Xasa để cho người đàn ông lạ mặt, râu ria tua tủa lại gần, nhưng có lẽ nó sợ và ghét ông ta, nên khi ông ta cúi sát nó, nó nhỏm ngay dậy, một tay túm áo mẹ, tay kia vung lên giận dữ tát bốp vào mặt cha nó. Hoảng hết vì sự táo bạo của mình, nó gục đầu vào ngực mẹ, giấu mặt vào áo mẹ mà khóc oà lên nức nở, khóc cay đắng và dai dẳng như mọi đứa trẻ con.
– Hư quá, hư quá, – Tonia mắng con. – Không được thế, Xasa. Ba sẽ nghĩ Xasa là đứa bé hư hỗn, Xasa là đứa bé xấu nết. Thôi, con hôn ba đi, cho mẹ xem có giỏi không nào, hôn ba đi. Đừng khóc nữa, nín đi con, sao lại ngốc thế con?
– Thôi em cứ để mặc con, Tonia, – bác sĩ bảo vợ. – Đừng bắt tội nó và cũng đừng bực mình làm gì. Anh biết em đang nghĩ với vẩn thế nào. Em lại cho là điềm gở phải không. Thật lẩn thẩn. Điều này rất tự nhiên thôi. Thằng bé đã thấy anh bao giờ đâu. Mai nó sẽ quen với anh, muốn bứt ra cũng chẳng được cho mà xem.
Nhưng chính bác sĩ lại bỏ ra ngoài như bị dội gáo nước lạnh với cảm giác đây là một điềm gở.
Còn tiếp
(Kho tư liệu của Hội NVHP)