Bác sĩ Zhivago – Boris Pasternak (Nga – giải Nobel Văn Học) – Kì 33

– Trong trường hợp ấy, tôi xin phép nêu một nhận xét như sau. Cái điểm nói về các chuyên viên quân sự này khiến tôi lo ngại. Chúng tôi, những công nhân tham gia cuộc cách mạng chín trăm lẻ năm, chúng tôi không quen tín nhiệm quân dội. Bọn phản cách mạng bây giờ cũng chui vào đó…Bác sĩ Zivango Chương 10

– Trong trường hợp ấy, tôi xin phép nêu một nhận xét như sau. Cái điểm nói về các chuyên viên quân sự này khiến tôi lo ngại. Chúng tôi, những công nhân tham gia cuộc cách mạng chín trăm lẻ năm, chúng tôi không quen tín nhiệm quân dội. Bọn phản cách mạng bây giờ cũng chui vào đó. Bác sĩ Zivango Chương 10

4.

Bà Galudina đã mấy lần đi tới khu chợ của thành phố. Từ đây, muốn về nhà bà, phải quẹo trái. Nhưng lần nào bà cũng đổi ý, quay ngược trở lại và đi sâu mãi vào mấy con hẻm gần tu viện.

Khu chợ, nơi các xe chở hàng đến đâu, rộng như một cánh đồng lớn. Thuở xưa, những buổi chợ phiên, bà con nông dân đánh xe đến đỗ chật kín. Một đầu kia tạo thành hình cánh cung bởi các ngôi nhà nhỉ một, hai tầng, toàn là các kho hàng, các văn phòng giao dịch, cửa tiệm và xưởng thủ công.

Chỗ này, thời còn yên hàn, thường thấy lão Briukhanov ngồi chễm trệ trên một chiếc ghế, chúi mũi vào tờ báo rẻ tiền, trước một chiếc cửa sắt bốn cánh rộng thênh thang. Cái lão thô lỗ như gấu ấy, kỵ đàn bà ấy, đeo kiếng, mặc áo đuôi tôm vạt dài, buôn bán đồ da, hắc ín, bánh xe, cương ngựa, kiều mạch và cỏ khô

Chỗ kia, trong chiếc tủ kính nhỏ tối mờ, bao năm qua vẫn thấy bày mấy hộp nến cưới, vỏ hộp bằng các-tông, quấn các băng vải và tràng hoa, đã nhuốm đầy bụi. Đằng sau cái cửa sổ nhỏ kê tử kính ấy là một căn phòng hẹp trống trơn, chả có lấy một thứ đồ gỗ hay hàng hoá gì ngoài mấy cái bánh sáp lèo tèo, cái nọ chồng lên cái kia nhưng chính đây là nơi những người tâm phúc ít ai biết của một nhà triệu phú chuyên chế tạo nến, chả biết sống ở đâu, đang thực hiện các hợp đồng về mát-tít và nến trị giá hàng ngàn rúp.

Còn đây, ở giữa dãy hẽm, là cửa hàng lớn, có ba cửa sổ của gia đình Galudin. Ba lần một ngày, người ta cọ cái sàn gỗ mộc cọt kẹt bằng thứ nước trà dư mà ông Galudin và mấy người phụ việc cứ uống luôn miệng cả ngày. Cô chủ Galudina, dạo ấy còn trẻ, thích ngồi sau quầy thu tiền. Màu cô ưa thích là màu hoa cà, màu tím, màu áo lễ, đặc biệt vào những dịp lễ trọng, màu hoa tử đinh hương lúc mới hé nở, màu chiếc áo váy bằng nhung đẹp nhất của cô, màu của bộ ly uống rượu của cô.

Cô cảm thấy màu của hạnh phúc, màu của các hồi ức, màu của tử đinh hương phơn phớt sáng. Và sở dĩ cô thích ngồi bên quầy thu tiền, là vì cái bóng tối tím nhạt của gian hàng thơm mùi bột lọc, mùi đường và mùi kẹo phúc bồn tử tím sẫm để trong chiếc lọ thuỷ tinh, rất phù hợp với cái màu cô ưa thích.

Chỗ kia, ở cái góc bên cạnh kho gỗ, có một ngôi nhà hai tầng bằng ván ghép màu xám, quá cũ, bốn phía đều sụm xuống như một chiếc xe ngựa hư nát. Nhà có bốn căn, hai lối ra vào ở hai góc mặt tiền. Tầng trệt, nửa bên trái là tiệm thuốc tây là nơi ở của Smulevich, thợ may y phục phụ nữ, cùng với cái gia đình đông đúc của lão. Căn kế bên, phía trên văn phòng chưởng khế, chen chúc một lô người ở trọ mà nghề nghiệp của họ được ghi trên những tấm biển hiệu nho nhỏ che kín cả lối ra vào nào sửa đồng hồ, nào nhận dóng giày. Hai tay thợ ảnh, Giuc và Strodak, canh ty mở hiệu ảnh ở đây, xưởng khắc của Kaminski cũng ở đây…

Viện lẽ căn hộ quá chật chội vì đông người ở, hai cậu thanh niên tập sự phụ việc làm ảnh, là thợ sửa ảnh Senia Maghitson và sinh viên Blagiein, đã dựng một cái phòng tối ở dưới sân, trong một văn phòng nhỏ của kho củi. Lúc này, hai cậu hẳn đang làm việc ở đó, căn cứ vào con mắt dữ dằn của chiếc đèn hiện hình màu đỏ đang nhấp nháy yếu ớt ở cửa sổ phòng tối. Chính dưới cái cửa sổ ấy, chú chó con Tomich bị xích đã sủa ăng ẳng vang suốt cả dãy phố Eleninskaia.

“Bọn họ chui rúc ở đây cả”, – bà Galudina thầm nghĩ khi đi ngang qua ngôi nhà xám. – “Một cái ổ nghèo khổ và nhớp nhúa”. Nhưng lập tức bà nghĩ rằng chồng bà theo quan điểm bài Do Thái là sai. Những người kia là cái thá gì mà bảo họ có ý nghĩa quan trọng đến vận mệnh của một cường quốc. Thì cứ thử hỏi lão già Smulevich, xem tại sao lại xảy ra lắm chuyện lộn xộn, biến loạn, hẳn lão sẽ ngẩng đầu lên, nhăn mặt, như răng ra mà bảo: “Lại cái bọn Do Thái chết tiệt ấy thôi”.

“Ô hay, bà nghĩ gì vậy, bà phí thời giờ nghĩ ngợi lung tung làm gì vậy? Vấn đề phải chăng ở đó? Tai hoạ đâu phải ở đó? Tai hoạ là ở các thành thị mà ra. Nước Nga đứng vững đâu phải nhờ dựa vào thành thị. Người ta để cho cái mồi học vấn nó như, đi theo đuôi dân thành thị, nhưng chẳng theo kịp. Người ta rời bờ bến của mình bên này, song lại chưa sang được bờ của người khác bên kia. Mà không chừng ngược lại cũng nên, mọi tội lỗi đều do sự dốt nát đẻ ra. Người có học nhìn thấu mọi sự, đoán trước được hết. Còn bọn mình thì khi mất đầu mới nhớ đến cái nón.

Cứ như chim chích lạc rừng. Nhưng dân có học bây giờ cũng chả sung sướng nỗi gì. Cảnh đói khát đã đẩy họ rời khỏi các thành thị. Đố ai hiểu nổi. Quỷ cũng đến chịu.

Kể ra, chính bà con dân quê như mình mới là những người biết sống. Như bà Selitvin, nhà Selaburin, Pamphin Palyk, hai anh em Nesto và Pancrat Modyk đấy. Họ có đầu óc, biết làm ăn, họ là chủ. Cơ ngơi của họ mới mọc lên bên đường cái quan, trông sướng cả mắt. Mỗi nhà có đến mười lăm mẫu đất gieo trồng, rồi ngựa, cừu bò, heo. Lúa dự trữ đủ ăn ba năm.

Nông cơ của họ thì hết chê. Có máy thu hoạch hẳn hoi. Konchak phải khúm núm, cố lôi kéo họ; các vị chỉ huy du kích cũng dụ dỗ họ vào rừng. Ở mặt trận về, ngực họ lấp lánh huân chương Thánh Gior và lập tức người ta tranh nhau mời họ làm huấn luyện viên. Có lon sĩ quan hay không, chả cần. Nếu anh thạo việc, đâu đâu cũng cần đến anh. Chả chết được.

Nhưng đã đến lúc về nhà thôi. Đàn bà con gái lang thang ngoài đường lâu như thế chả hay gì. Ở vườn nhà mình, mình muốn dạo chơi bao lâu tùy ý. Chỉ tội dạo này trong vườn lầy lội quá. Dầu sao, bà cũng đã thấy trong người dễ chịu đôi chút.

Bà Galudina về tới nhà thì dòng tư tưởng đã bị rối bung lên, chả làm sao lần ra đầu mối. Nhưng trước khi bước vào nhà trong lúc chùi giầy ở bậc thềm, bà còn kịp hình dung ra khối chuyện.

Bà nhớ đến những người cầm cân nảy mực hiện nay ở Kho datscoie. Bà biết họ khá rõ. Họ vốn là các chính trị phạm ở kinh đô bị đày tới đây: Tiverzin, Antipop, anh chàng “Cờ đen” Vdovichenko vô chính phủ, bác thợ nguội Corsenhia Besenyi người vùng này. Họ đều là những người tinh khôn. Trong đời họ, họ đã gây ra đủ chuyện rắc rối, hiện giờ họ cũng đang mưu tính chuyện gì đây, hẳn thế. Họ không thể sống yên bình. Họ đã sống suốt đời bên các cỗ máy, nên chính họ cũng trở nên tàn nhẫn, lạnh lùng như máy móc. Họ mặc áo vét cộc ngoài áo săng-đay, họ hút thuốc bằng tẩu xương, họ uống nước đun sôi để khỏi bị lây bệnh. Lão Galudin chồng bà chỉ tốn công vô ích, bọn người kia sắp khuynh đảo tất cả theo ý muốn của họ, bao giờ họ cũng hành động theo sở thích của họ.

Rồi bà nghĩ đến đời bà. Bà biết mình là một phụ nữ tuyệt diệu và độc đáo, giữ được nhan sắc, thông minh và không phải là một kẻ xấu. Song chẳng đức tính nào trong số đó được thừa nhận ở cái xó hẻo lánh này, và có lẽ ở bất cứ nơi nào khác. Và cái đoạn chủ ca của bài hát nói về mụ đàn bà Senteturikha ngớ ngẩn mà khắp miền Ngoại Ural này đều thuộc bà ngờ rằng người ta muốn ám chỉ bà. Đoạn chủ ca ấy rất khiếm nhã, bà không tiện nhắc ra đây, chỉ có thể dẫn ra mấy câu đầu mà dân thành phố này hay hát:

Mụ Senteturikha bán phéng cái xe

Cái xe telega.

Để sắm cây đàn

Cây đàn balalaica.

Bà cay đắng thở dài, bước vào nhà.

Bác sĩ Zhivago – Chương 10 – Phần 05 – 06

5.

Bà không dừng lại ở phòng ngoài để cởi áo choàng lông, bà đi luôn vào buồng ngủ của mình. Cửa sổ buồng ngủ nhìn ra vườn cây. Giờ này còn là đêm, những khối bóng đen ở bên trong và bên ngoài cửa sổ gần như chập lại làm một. Những chỗ rủ xuống của các tấm rèm che cửa sổ trông gần như các bóng cây rủ ngoài vườn. Cây cối ngoài kia trơ trụi và đen đen, mờ mờ hình bóng. Tấm màn mỏng của cái đêm cuối đông trong vườn được sưởi bằng hơi ấm màu tím sẫm của mùa xuân đang tới toả từ dưới lòng đất lên. Trong phòng cũng có sự kết hợp gần như vậy giữa hai tố chất giống nhau: hơi ấm màu tím sẫm của ngày lễ sắp tới làm dịu và tô điểm cho cái ngột ngạt bụi rậm của các bức rèm ít được giặt giũ.

Trên ảnh thánh, Đức Mẹ giơ hai bàn tay ngăm ngăm nhỏ bé lên trời, nổi hẳn trên nền bạc của bức ảnh. Người cầm gọn trong mỗi tay những chữ cái đầu và cuối của tên Người bằng tiếng Hy Lạp: Meter Theou – Mẹ Thiên Chúa. Cây đèn chầu bằng thuỷ tinh màu thạch lựu, tối như mực, đặt trên cái đế mạ vàng, hắt xuống tấm thảm trải phòng ngủ quầng sáng lấp láy hình ngôi sao bị cắt khía bởi các đường răng cưa của bầu đèn.

Trong lúc cởi tấm khăn vuông và áo lông, bà Galudina có một cử động vụng về, nên lại cảm thấy đau nhói ở bên mạng sườn và đau rút chỗ xương bả vai. Bà thét lên một tiếng sợ hãi và ấp úng. “Lạy Đấng bênh vực kẻ sầu khổ, lạy Thánh nữ Đồng Trinh, Đức Mẹ hằng cứu giúp, thuần che chở thế gian”. – rồi khóc oà lên. Đợi cơn đau dịu hẳn, bà mới cởi áo. Mấy cái móc cài cổ áo ở sau gáy và cài coócxê ở sau lưng cứ tuột khỏi tay mà lẩn vào các nếp gấp của chiếc áo màu khói, khiến bà vất vả sờ tìm chúng.

Cô con nuôi Acxinhia bước vào, cô vừa giật mình tỉnh giấc khi bà Galudina về.

– Sao mẹ lại đứng loay hoay trong bóng tối cho khổ thế? Để con mang đèn vào mẹ nhé?

– Khỏi cần. Thế này cũng trông rõ rồi.

– Mẹ ơi, để con cởi cho. Mẹ đừng cố, kẻo mệt.

– Các ngón tay thật là bất trị. Mà cái lão thợ may cũng ngu quá, không biết đính những cái móc cho dễ cởi, đồ gà mờ. Tôi chỉ muốn ném cái áo vào mặt lão.

– Dàn đồng ca ở nhà thờ hát hay quá. Đêm tĩnh mịch. Tiếng hát vọng đến tận đây, mẹ ạ.

– Hay thì có hay, nhưng tôi thấy khó ở trong người, thưa cô Cứ đau nhức ở đây này, ở chỗ này nữa này. Khắp mình mẩy. Thật là tội nợ. Chả biết làm sao nữa.

– Ông thầy Stydovski đã cắt thuốc cho mẹ rồi mà.

– Lão ta toàn khuyên những cái không sao theo được. Cái ông thầy Stydovski của cô là đồ lang băm, chẳng được tích sự gì. ấy là điểm thứ nhất. Thứ nữa, lão đi rồi. Bỏ đi rồi. Đúng thế. Mà cũng không riêng gì lão. Sắp đến ngày lễ trọng mà tất cả đều chuồn khỏi thành phố. Sắp có động đất không bằng?

– Còn ông bác sĩ người Hung là tù binh đâu, ông ta cũng đã chữa cho mẹ tử tế kia mà.

– Thằng cha ấy cũng đoản lắm. Tôi đã bảo cô là chẳng còn mống nào ở lại, tất cả kéo nhau chuồn ráo rồi. Thằng cha Kereni Laiot ấy đã cùng với bọn người Hung ở bên kia giới tuyến. Người ta cưỡng bức ông ta vào làm việc cho Hồng quân rồi.

– Bệnh của mẹ chỉ là bệnh tưởng thôi. Tim mẹ dễ bị kích thích. Dân gian chữa bệnh này rất hay, chỉ một lá bùa là khỏi luôn. Mẹ có nhớ, cái chị vợ lính chì thì thầm vài câu mà mẹ đã thấy đỡ luôn đó không. Đỡ luôn như có phép tiên. Con quên biến mất tên chị ấy rồi.

– Không, đúng là cô coi tôi như một mụ đần độn. Không chừng sau lưng tôi cô vẫn hát bài chê mụ Stydovski cũng nên.

– Mẹ không sợ mắc tội với Chúa khi nói thế à! Mẹ đừng nói thế. Mẹ hãy nhớ lại giùm con tên chị vợ lính thì hơn. Con gần nhớ được rồi, lại quên bẵng đi, con phải nhớ ra mới yên tâm được.

– Con mẹ ấy có nhiều tên hơn cả váy. Tôi chả biết nói tên nào thì vừa ý cô. Tên nó là Kubarikha, rồi Medvedikha, rồi Zlydarikha. Nó còn hàng tá bí danh. Nó cũng tếch khỏi thành phố rồi. Tuồng đã diễn xong, có giỏi đi mà tìm. Con mẹ nô lệ của Chúa ấy đã bị nhét vào nhà tù Kegiem. Vì tội phá thai và mấy dúm thuốc bột khỉ gió gì đó. Nhưng cô ơi, thay vì nằm chèo khoeo trong tù, nó lại kiếm cách chuồn thoát đi Viễn Đông rồi. Tôi đã bảo với cô là tất cả đều chuồn ráo mà. Cả ông Galudin, cả thằng Teresa, cả dì Polia yêu quý. Ngoài tôi và cô là hai đứa ngốc ra, khắp thành phố này chả còn được một người đàn bà tử tế nào ở lại, cô tưởng tôi nói đùa hả. Đào đâu ra thầy thuốc bây giờ. Nếu vô phúc xảy ra chuyện gì thì toi mạng, kêu la cũng chẳng ai nghe thấy. Nghe đồn ở Yuratin có một vị giáo sư trứ danh tản cư từ Moskva tới, con một nhà buôn người Sibiri đã tự tử. Trong lúc tôi đang nghĩ cách viết thư gửi cho ông ấy, thì Hồng quân đã cắt con đường thành hai chục khúc; hết lối đi lại. Còn bây giờ thì cô đi ngủ đi, phần tôi, tôi cũng sẽ cố chợp mắt một lát. Cái anh chàng sinh viên Blagienyi đã hớp mất hồn cô rồi chứ gì. Đừng có chối. Giấu tôi sao được, mặt mày cô đỏ như gấc chín thế kia kìa. Tội nghiệp, chắc suốt đêm nay nó đang cặm cụi rửa mấy cái ảnh tôi đưa cho nó. Chúng nó không ngủ và bắt người ta phải thức theo.

Con chó Tomich của chúng nó cứ sủa vang cả thành phố. Lại thêm cái con quạ thổ tạ cứ ngoạc mồm ra trên cây táo vườn nhà mình điệu này thì còn ngủ nghê gì được. Ơ hay, cô hờn dỗi với tôi thật đấy à, đồ ngốc? Mấy cái thằng sinh viên để làm gì nếu không phải để cho các cô ả mê mệt.

6.

– Con chó ngoài kia sao sủa dữ vậy? Nên ra xem có chuyện gì. Không dưng vô cớ nó chả sủa thế đâu. Ngừng một chút đã, đồng chí Lidiska, ngậm miệng lại đã nào. Nắm tình hình bên ngoài đã. Tụi cảnh sát có thể ập đến bất cứ lúc nào. Cậu cứ đứng đấy, Ustin. Cả cậu nữa, Sivoblui. Đã có người khác lo việc ấy.

Vị đại diện của trung tâm không nghe thấy vị chỉ huy du kích yêu cầu dừng lời, cứ tiếp tục nói bằng một giọng uể oải, với điệu nói nhanh của người quen diễn thuyết:

– Cái chính sách ăn cướp, sưu thuế, áp bức, giết chóc và tra tấn của chính quyền quân phiệt tư sản hiện nay ở Sibiri phải mở mắt cho những ai đang lầm đường lạc lối. Chính quyền ấy thù địch không chỉ với cả giai cấp nông dân lao động. Nông dân lao động ở miền Sibiri và Ural phải hiểu rằng chỉ có liên minh với vô sản thành thị và anh em binh lính, với bà con dân nghèo ở Kirgizia và Buriat, thì…

Cuối cùng vị đại diện cũng nghe người ta yêu cầu dừng lời ông bèn dừng lại, rút khăn lau mồ hôi mặt, mỏi mệt hạ hai mi mắt sưng húp xuống.

Hai người đứng gần ông nói khẽ:

– Nghỉ một chút đi. Uống nước đi.

Người ta báo với vị chỉ huy du kích đang lo ngại:

– Đồng chí cứ yên tâm. Chả có gì đáng lo. Đâu vào đó cả. Đèn báo hiệu treo trên cửa sổ. Trạm gác, nói theo kiểu gợi hình, đang dán mắt vào không gian. Tôi cho rằng có thể tiếp tục báo cáo. Nói đi, đồng chí Lidiska.

Cuộc họp kín đang diễn ra trong một góc của cái kho củi đã được dọn hết củi. Một đống củi, chất cao tận trần, ngăn phần nhà ấy với cái văn phòng nhỏ và lối ra vào. Nếu có báo động nguy hiểm, những người dự họp sẽ rút xuống hầm bí mật ở dưới sàn và có đường thông ra mấy căn nhà hẻo lánh của hẻm cụt Konstantinov ở đằng sau bức tường tư viện.

Báo cáo viên đội một chiếc mũ vải sơn che một phần mái đầu hoàn toàn hói, có nước da mặt tai tái, nhờn nhợt và bộ râu quai nón đen sì; ông mắc chứng bệnh đổ mồ hôi như tắm. Ông ta thèm thuồng châm mẩu thuốc hút dở trên luồng nóng của ngọn đèn dầu hoả và cúi xem mấy tờ giấy để lộn xộn trên bàn. Ông ta lướt nhanh cặp mắt cận thị, vẻ nôn nóng, dáng diệu như đánh hơi các tờ giấy đó, và nói tiếp bằng giọng uể oải, nhạt nhẽo:

– Khối liên minh ấy giữa dân nghèo thành thị và nông thôn chỉ có thể thực hiện được thông qua các Xô viết. Dù muốn hay không, nông dân Sibiri bây giờ cũng sẽ vươn tới cái mà vì nó, giai cấp công nhân Sibiri đã đấu tranh từ bao lâu nay. Mục tiêu chung của họ là lật đổ ách chuyên chế của bọn đô đốc và bọn ataman bị nhân dân thù ghét, thiết lập chính quyền Xô viết của nông dân và binh lính, bằng một cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang. Trong cuộc chiến đấu với bọn lính đánh thuê của giai cấp tư sản, với bọn sĩ quan, kỵ binh cô-dắc trang bị tận răng, quân khởi nghĩa sẽ phải tổ chức một cuộc chiến tranh dàn thành trận địa đúng bài bản, trường kỳ và kiên quyết.

Ông ta lại dừng lời, lau mồ hôi, nhắm mắt vào. Trái với nội quy, có một người giơ tay đứng dậy, muốn bổ sung nhận xét của mình.

Vị thủ lĩnh du kích, hay nói đúng hơn, vị tư lệnh binh đoàn du kích Kegiem của miền Ngoại Ural, ngồi ngay trước mặt báo cáo viên trong tư thế bất cần, đầy vẻ khiêu khích, thỉnh thoảng lại ngắt lời báo cáo viên một cách bốp chát, chẳng chút nể nang gì hết. Thật khó mà tin được rằng một quân nhân trẻ măng, gần như một cậu bé ấy lại đang chỉ huy cả mấy đạo quân tương đương sư đoàn, quân đoàn và được người ta tuân lệnh răm rắp, kính nể thực lòng. Tay chân anh ta đều được ủ trong hai vạt áo capốt kỵ binh, vai áo anh ta còn mang vết đậm, – dấu vết của cầu vai thiếu uý đã tháo bỏ.

Đứng hai bên anh ta là hai anh chàng lực lưỡng trong tổ vệ sĩ cùng trạc tuổi với anh ta. Họ mặc loại áo lông cừu ngắn, viền da cừu xoăn xoăn, trước kia nguyên là màu trắng, nay đã kịp ngả sang màu xam xám. Khuôn mặt đẹp lạnh như đá của họ không biểu hiện thái độ gì hết, ngoài lòng trung thành mù quáng đối với vị chỉ huy và tinh thần sẵn sàng nhảy vào lửa vì anh ta. Họ không quan tâm đến cuộc họp, đến các vấn đề được đem ra bàn luận, họ không nói cũng chẳng cười.

Ngoài mấy người vừa kể, trong nhà kho còn có mươi mười lăm người nữa. Kẻ đứng, người ngồi dưới sàn, duỗi dài chân hoặc bó gối, lưng dựa vào tường và các thân cây tròn tròn ghép vào nhau trên vách.

Mấy chiếc ghế được dành cho các vị khách danh dự. Đó là ba, bốn bác thợ già từng tham gia cuộc cách mạng 1905, trong đó có Tiverzin, một người có vẻ mặt cau có, đã thay đổi diện mạo rất nhiều so với hồi ở Moskva, và ông bạn cố tri luôn luôn tán đồng ông là ông già Antipop. Hai vị này được tôn lên hàng thần thánh, mà dưới chân họ cuộc cách mạng đặt tất cả các tặng vật và nạn nhân của mình. Họ ngồi im như những bức tượng mà sự tự phụ chính trị đã xoá đi hết mọi biểu hiện sống động của con người.

Ở đây còn có các nhân vật đáng chú ý, như Vdovichenko Cờ Đen, cột trụ của chủ nghĩa vô chính phủ ở Nga. Anh này không một phút ngồi yên, cứ hết đứng dậy lại ngồi phệt xuống sàn, hết đi tới đi lui lại dừng chân giữa nhà. Một anh chàng khổng lồ béo mập, đầu to, miệng lớn, mái tóc như bờm sư tử, thuộc loại sĩ quan trong chiến tranh Nga – Nhật, một người mơ mộng, suốt đời chìm đắm trong những ý tưởng ngông cuồng của mình.

Do bản tính đôn hậu vô bờ bến và tầm vóc khổng lồ, một tầm vóc cản trở anh ta lưu tâm tới những hiện tượng có kích thước nhỏ bé hơn, nên anh ta không thật chú ý đến diễn biến cuộc thảo luận, và do ngộ nhận tất cả, nên anh ta cứ tưởng mọi ý kiến đối lập là ý kiến của chính mình, thành thử anh ta tán thành với hết thảy mọi người.

Bên cạnh anh ta, ngồi trên sàn là Svirit, một thợ săn chuyên đặt bẫy thú trong rừng, là người quen của Cờ Đen. Tuy Svirit không làm nghề cày cuốc, nhưng cái cốt cách nông dân của anh ta vẫn lộ ra qua nẹp cổ của chiếc áo sơ-mi bằng dạ dẫm, mà anh ta cọ thành một cục với cây thánh giá đeo nơi cổ để cọ đi cọ lại vào người và gãi gãi ngực. Đó là một anh chàng mu-gích lai Buriat(1), không biết chữ, rất tốt bụng, tóc tết thành từng lọn nhỏ, ria lưa thưa và cằm chỉ lún phún vài sợi râu. Nét dáng Mông Cổ làm già khuôn mặt của anh ta, một khuôn mặt lúc nào cũng cười cười thông cảm.

Báo cáo viên là người phải đi một vòng Sibiri để phổ biến Chỉ thị quân sự của Uỷ ban Trung ương. Ông ta đang để cho các ý nghĩ chu du đến các khoảng không gian bao la mà ông ta sẽ tới Đối với đa số cử toạ, ông ta tỏ vẻ thờ ơ. Nhưng vốn có đầu óc cách mạng và duy dân đến cùng cực, ông say đắm nhìn vị chỉ huy du kích trẻ măng đang ngồi đối diện với ông. Ông chẳng những tha thứ cho cậu bé tất cả những sự thô lỗ của cậu ta, những sự thô lỗ mà ông nghĩ là biểu hiện của chất cách mạng kín đáo sâu xa, ông còn say mê tiếp nhận thái độ xấc xược của cậu ta với sự nồng nàn của một người đàn bà đa tình dón nhận thái độ ngổ ngáo của người tình đầy quyền uy.

Vị thủ lĩnh du kích là Liveri, con trai của Miculisyn, báo cáo viên do Trung ương cử đến là Kostet – Amuaski, cựu thành viên phong trào hợp tác lao động, xưa kia đứng về phía các nhà xã hội cách mạng. Thời gian gần đây, ông đã kiểm thảo lại các lập trường của mình, thừa nhận những sai lầm trong cương lĩnh hành động của mình, viết mấy bản sám hối khá tỉ mỉ, và chẳng những được kết nạp vào Đảng cộng sản, mà sau khi được kết nạp ít lâu, còn được cử đi làm nhiệm vụ quan trọng này.

Người ta giao phó công tác này cho ông, một người hoàn toàn không phải là quân nhân, vì họ tôn trọng thâm niên cách mạng của ông, tôn trọng những năm tù đày gian nan của ông, cũng còn vì họ dự kiến rằng, vốn là một cựu thành viên phong trào hợp tác, hẳn ông phải nắm vững tâm trạng quần chúng nông dân vùng Sibiri, một nơi đang có nhiều cuộc khởi nghĩa.

Trong vấn đề này, vốn hiểu biết mà người ta cho là hẳn ông phải có ấy còn quan trọng hơn các kiến thức quân sự.

Sự thay đổi các niềm tin chính trị đã làm cho người ta khó nhận ra ông. Nó làm thay đổi cả diện mạo bên ngoài, cả phong thái và cử chỉ của ông. Không ai nhớ là hồi xưa ông từng hói đầu vào có bộ râu quai nón cả. Có lẽ tất cả chỉ là sự cải trang chăng? Đảng chỉ thị cho ông phải giữ bí mật tuyệt đối. Bí danh của ông là Berendei và đồng chí Lidiska.

Khi tiếng ồn ào nổi lên sau lời tuyên bố không đúng lúc của Vdovichenko tán thành các điểm vừa dọc của Chỉ thị, đã lắng hẳn xuống, Kostet mới đọc tiếp:

– Để thâu tóm đầy đủ thêm chừng nào hay chừng ấy sự phát triển của phong trào nông dân, phải ngay lập tức liên hệ với tất cả những đơn vị du kích đang hoạt động trong địa hạt của Đảng bộ tỉnh.

Tiếp đó, Kostet nói về việc bố trí các buổi họp kín, các ám hiệu, mật mã và cách thức liên lạc. Kế đó, ông lại chuyển sang các chi tiết cụ thể…

Cần thông báo cho các đơn vị biết, ở những địa điểm nào có kho vũ khí, quân trang và lương thực của các cơ quan và tổ chức bạch vệ, ở đâu chúng cất trữ kho bạc và hệ thống canh phòng tại đó.

Cần soạn thảo thật tỉ mỉ, đầy đủ từng chi tiết, các vấn đề về tổ chức nội bộ ở các đơn vị, về cấp chỉ huy, về kỷ luật hiệp đồng chiến đấu, về công tác bảo mật, về sự liên lạc của các đơn vị với thế giới bên ngoài, về quan hệ với nhân dân địa phương, về toà án quân sự cách mạng dã chiến, về chiến thuật phá hoại trong vùng địch, chẳng hạn việc phá huỷ cầu cống, đường xe lửa, tàu thủy, xà lan, nhà ga, xưởng máy, với các phụ tùng kỹ thuật trạm điện báo, hầm mỏ, đồ ăn.

Liveri đã cố kiên nhẫn ngồi nghe, bây giờ hết chịu nổi.

Anh ta cảm thấy tất cả những chuyện ấy là trò ba hoa của một kẻ không ở trong nghề, chẳng dính dáng gì đến công việc. Anh ta nói:

– Một bài diễn thuyết hay tuyệt. Tôi cố nhớ nằm lòng, khéo phải chấp nhận tất cả những cái ấy, không bàn cãi lôi thôi, mới mong được Hồng quân cho dựa dẫm.

– Dĩ nhiên.

– Vậy tôi phải làm gì, thưa cô Lidiska(2) xinh đẹp, với các bản quay cóp trẻ con của đồng chí, khi mà, mẹ kiếp, lực lượng của tôi, gồm ba trung doàn, kể cả pháo binh và kỵ binh, đã chiến đấu từ lâu và đang làm cho quân địch vãi đái ra?

“Tuyệt vời! Thế mời là lực lượng hùng mạnh chứ!” –

Kostet nghĩ thầm!

Tiverzin lên tiếng ngắt lời hai người. Ông không ưa cái lối ăn nói thô lỗ của Liveri. Ông nói:

– Xin lỗi đồng chí báo cáo viên. Tôi chưa rõ. Có lẽ tôi ghi sai một điểm của bản chỉ thị. Để tôi đọc lại xem mình đã ghi đúng chưa: “Sẽ rất tốt, nếu đưa vào Đảng bộ những cựu binh từng chiến đấu ở mặt trận trong thời gian cách mạng và từng có chân trong các tổ chức của anh em binh sĩ. Nên có trong thành phần Đảng bộ một hoặc hai sĩ quan và cán bộ kỹ thuật quân sự” Tôi chép như thế có đúng không, thưa đồng chí Kostet?

– Đúng. Đúng không sai một chữ.

– Trong trường hợp ấy, tôi xin phép nêu một nhận xét như sau. Cái điểm nói về các chuyên viên quân sự này khiến tôi lo ngại. Chúng tôi, những công nhân tham gia cuộc cách mạng chín trăm lẻ năm, chúng tôi không quen tín nhiệm quân dội. Bọn phản cách mạng bây giờ cũng chui vào đó.

Nhiều người nhao nhao:

– Đủ rồi! Quyết định đi! Quyết định đi thôi! Đến giờ giải tán hội nghị rồi! Muộn rồi!

– Tôi tán thành ý kiến đa số. – Vdovichenko xen vào với cái giọng trầm vang như sấm. – Nếu theo ngôn ngữ thi ca, thì nó là thế này. Các quy chế dân sự phải mọc từ dưới lên, trên cơ sở dân chủ, như cây được trồng dưới đất và bén rễ. Không nên dội từ trên xuống như đóng cọc hàng rào. Đó chính là sai lầm của nền chuyên chính Giacôbanh, dần đến chỗ Quốc ước hội nghị phe Tháng Nóng đè bẹp.

– Điều đó rõ như ban ngày, – Svirit ủng hộ anh bạn bôn ba phiêu dạt của mình. – Một đứa con rút cũng hiểu điều đó. Phải nghĩ đến vấn đề ấy sớm hơn, chứ bây giờ thì muộn rồi. Bây giờ việc của chúng ta là đánh, đánh tới số. Rạp người xuống mà xông lên, không lẽ đã làm rùm beng lên, rồi lùi lại hay sao? Đã trót thì trét đã nhảy xuống sông thì đừng có la chết chìm.

– Quyết nghị đi! Quyết nghị thôi! – Tiếng đòi hỏi nổi lên tứ phía. Mọi người còn thảo luận một chặp nữa, nhưng câu chuyện mỗi lúc một rời rạc, ông nói gà, bà nói vịt, và rạng đông mới bế mạc cuộc họp. Mọi người tản ra về từng người một để đề phòng bất trắc.

Còn tiếp

(Kho tư liệu của Hội NVHP)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder