Bác sĩ Zhivago – Chương 12 8.
Dịch giả Lê Khánh Trường
Những trận đánh đang diễn ra ở biên giới phía Tây của rừng taiga. Song vì rừng taiga mênh mông đến nỗi các cuộc giao tranh ấy xem chừng chỉ là chiến sự ở vùng biên thùy xa xôi của một quốc gia, nên cái khu căn cứ nằm lọt thỏm chốn rừng sâu này vẫn có vẻ rất đông đúc, đến mức dù rất nhiều người phải ra trận, ở đây lúc nào cũng tấp nập những người là người.
Tiếng súng đạn của chiến trường xa xa hầu như không vọng tới khu căn cứ. Thế mà bất chợt có mấy loạt súng nố vang trong rừng. Loạt này tiếp loạt kia ngay gần đây, kế đó là những tiếng nổ loạn xạ và dồn dập. Nghe súng nổ bất ngờ, người ta giật mình chạy tán loạn. Những người thuộc lực lượng dự bị của trại chạy về xe của mình. Ai nấy nhốn nháo chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Cảnh nhốn nháo lát sau đã chấm dứt. Thì ra họ lo sợ không đâu mọi người đổ xô về phía phát ra tiếng nổ mỗi lúc một đông, lớp này tiếp lớp khác.
Họ bu quanh một đống thịt người đẫm máu nằm dưới đất Kẻ xấu số còn thở thoi thóp. Y không còn tay phải và chân trái Không thể tưởng tượng con người bất hạnh ấy, sau khi bị chặt đứt chân tay, bằng cách nào có thể lết được tới trại. Cái cánh tay và cẳng chân bị chặt ra, máu me đầm đìa, được buộc trên lưng y kèm với một mảnh ván nhỏ. Trên mảnh ván viết nhiều câu chửi tục tĩu xen lẫn lời hăm dọa, rằng việc làm này là để trả thù sự tàn bạo của một đơn vị Hồng quân thuộc phiên hiệu nào đó (chả liên quan gì tới đoàn quân ở rừng). Ngoài ra, có câu tóm tắt rằng số phận tương tự sẽ dành cho tất cả mọi người, nếu quân du kích không nộp vũ khí đầu hàng cho các đại diện của quân đoàn Visyn đúng thời hạn ghi trên mảnh ván.
Nạn nhân bị hình phạt gớm ghiếc nằm kia bị mất máu nhiều, chốc chốc lại ngất lịm, bằng giọng thều thào đứt quãng và líu lưỡi, kể qua những cảnh tra tấn nhục hình ở các ban điều tra quân sự và các đơn vị tiễu phạt của tướng Visyn. Bọn kia đã kết án treo cổ y, rồi thay bằng việc chặt tay chặt chân, để với hình thù què cụt như vậy thả về khu du kích nhằm khủng bố tinh thần họ. Bọn địch khiêng y về đến ranh giới khu căn cứ rồi đặt y xuống đất và ra lệnh buộc y bò một mình, chúng nổ súng chỉ thiên ở phía sau để thúc giục y.
Con người bất hạnh ấy chỉ còn mấp máy môi. Muốn nghe những lời ú a ú ớ của y, người ta phải cúi sát xuống. Y nói:
– Anh em hãy cẩn thận. Địch đã chọc thủng…
– Chúng tôi đã có lực lượng ngăn chặn. Ở đấy đang đánh lớn. Chúng tôi sẽ chặn được chúng.
– Chọc thủng. Chọc thủng. Địch muốn đánh úp. Tôi biết! Ôi anh em ơi, tôi không nói nổi nữa. Anh em thấy đấy… tôi mất hết máu… tôi khạc ra máu… tôi sắp chết.
– Anh cứ nằm yên, nghỉ lấy hơi đi. Đừng nói. Kìa anh em, đừng bắt anh ấy nói nữa, các người không thấy anh ấy kiệt sức – Nó không để cho tôi còn một miếng thịt lành lặn, thằng chó má, đồ khát máu ấy. Nó bảo tôi: tao sẽ cho mày được tắm trong máu của mày, khai đi, mày là ai. Mà tôi thì anh em ơi, tôi nói sao được khi tôi đào ngũ. Đúng, tôi đào ngũ để chạy sang với các anh.
– Anh vừa bảo “nó”. Vậy nó là ai? Tên nào đã hành hạ anh đến nỗi này?
– Ôi anh em ơi, đau quá. Để tôi nghỉ lấy hơi đã. Rồi tôi sẽ nói. Thằng chỉ huy tên là Bekesin. Đại tá Streze. Bọn thuộc hạ của tướng Visyn. Anh em ở trong rừng sâu, không biết tình hình bên ngoài đâu. Dân thành phố đang rên siết. Địch đang nướng dân trong lò. Chúng băm vằm mọi người. Chúng tóm cổ áo mình lôi đi, chẳng biết đâu, đẩy mình vào một chỗ tối như hũ nút. Sờ soạng chung quanh mới biết là cái chuồng, cái toa tàu. Cái chuồng ấy nhết hơn bốn chục nhân mạng, ai cũng chỉ có độc một chiếc quần lót. Thỉnh thoảng chúng lại mở cửa chuồng, thò tay vào khua khua. Tóm được ai, chúng liền lôi ra ngoài. Y như bắt gà cắt tiết. Lạy Chúa, kẻ bị chúng treo cổ, người bị chúng bắn người bị dẫn đi tra khảo. Chúng băm vằm mình, lấy muối xát vào vết thương, giội nước sôi vào đó. Mình nôn mửa hay bậy ra quẩn, chúng bắt mình phải liếm bằng sạch. Còn đối với đàn bà trẻ con thì ôi, lạy Chúa tôi!…
Kẻ bất hạnh chưa nói hết câu bỗng kêu lên một tiếng và trút hơi thở cuối cùng. Mọi người chứng kiến đều cùng hiểu, bỏ mũ ra làm dấu thánh già.
Tối hôm ấy, một tin khác còn ghê sợ hơn, lan nhanh khắp khu căn cứ.
Palyk từng có mặt trong đám đông vây quanh kẻ hấp hối. Anh ta đã thấy, đã nghe rõ câu chuyện y kể, đã đọc hết những lời đe dọa viết trên mảnh ván.
Nỗi lo sợ thường xuyên của anh ta chọ số phận của vợ con trong trường hợp anh ta chết, bây giờ dâng lên ghê gớm.
Anh ta tưởng tượng cái cảnh vợ con mình bị địch tra khảo, hành hình từ từ, thấy khuôn mặt họ méo mó vì đau đớn, nghe rõ cả tiếng rên la và kêu cứu của họ. Để giải thoát họ khỏi các nhục hình sắp tới và để rút ngắn nỗi đau khổ của chính mình, trong cơn tuyệt vọng, anh ta đã tự tay hạ sát họ. Anh ta chém chết người vợ và ba đứa con bằng cây rìu sắc như lưỡi dao cạo mà anh ta từng dùng để đẽo gỗ làm đồ chơi cho hai đứa con gái và cậu con trai Klenuska yêu quý của anh ta. Lạ thay, anh ta không tự sát ngay sau hành động ấy. Anh ta nghĩ gì? Anh ta còn chờ đợi gì? Anh ra còn dự tính những gì? Rõ ràng anh ta đã là một người điên, một cái xác không hồn.
Trong khi Liveri, bác sĩ Zhivago và các uỷ viên hội đồng quân nhân ngồi họp, bàn cách xử lý Palyk, thì anh ta vẫn tự do đi lang thang trong khu trại, đầu cúi gầm, cặp mắt vàng đục lờ gườm gườm, song chả nhìn thấy bởi miệng cứ cười cười một cách ngớ ngẩn, bộc lộ nỗi đau khổ không gì giải toả nổi, không phải của con người.
Chả ai thương hại anh ta. Tất cả đều tránh mặt anh ta. Một vài người kêu gọi đem hắn ra cho mọi người xử. Nhưng ý kiến ấy không được ủng hộ.
Anh ta chẳng còn việc gì làm trên đời này nữa. Rạng sáng hôm sau, anh ta biến mất khỏi trại, như một con thú dại mắc bệnh sợ nước, chạy trốn cả chính mình.
9.
Đã sang mùa đông từ lâu. Trời giá rét dữ dội. Những hình thù và thanh âm rời rạc, không có mối liên hệ rõ ràng cứ hiện ra trong sương mù băng giá, xê dịch rồi biến mất. Thay vì mặt trời như người ta thường thấy từ dưới trái đất, một quả cầu đỏ bầm treo lơ lửng trên rừng, chậm chạp toả xuống như trong chuyện cổ tích hoặc trong giấc mơ, những tia sáng màu vàng hổ phách, đặc như mật ong, sững lại giữa không trung và đông lại thành băng trên cây cối.
Những bàn chân vô hình, xỏ trong các đôi ủng lót dạ, đi lại khắp bốn phía, chỉ hơi chạm đất thành vết tròn tròn và mỗi bước lại làm cho tuyết giận dữ nghiến răng ken két, trong khi các bóng người đội mũ dạ bịt tai, mặc áo lông ngắn, chủ của những bàn chân kia, thì bơi riêng trên không trung như các thiên thể quay lộn, giữa vòm trời.
Những người quen nhau dừng lại bắt chuyện. Họ ghé lại gần nhau những khuôn mặt đỏ ửng như vừa từ nhà tắm hơi bước ra, râu ria bám đầy tuyết cứng. Từng luồng hơi nước dày và dính nhơm nhớp bật ra từ miệng họ thành những đám mây quá lớn so với những lời lẽ cụt lủn, ngắn ngủn và tựa hồ đã bị đóng băng của họ.
Trên một lối mòn, Liveri và Zhivago chạm mặt nhau.
– Ồ, bác sĩ đấy à? Có lẽ hàng thế kỷ nay chúng ta mới lại gặp nhau! Tối nay bác sĩ hãy đến hầm của tôi, và sẽ ngủ lại ở đó Hai ta sẽ lục lại chuyện cũ. Có tin mới nữa đấy.
– Người liên lạc hoả tốc đã về rồi ư? Có tin gì về Varykino không?
– Trong báo cáo không thấy nhắc gì đến gia đình bác sĩ và gia đình tôi. Nhưng qua đó, tôi lại rút ra được những kết luận khả quan. Nghĩa là họ đã kịp trốn đi. Bằng không, hẳn phải có tin về họ chứ. Nhưng thôi, để tối sẽ bàn chuyện đó. Vậy là tôi chờ bác sĩ đấy nhé.
Trong hầm của Liveri, bác sĩ Zhivago nhắc lại câu hỏi ban ngày:
– Anh hãy trả lời chỉ một câu này: anh biết gì về hai gia đình chúng ta?
– Bác sĩ lại không muốn nhìn xa trông rộng rồi. Người nhà chúng ta hiển nhiên là còn sống và bình yên cả. Nhưng vấn đề không phải là chuyện đó. Có những tin hay hết chỗ nói. Bác sĩ dùng món thịt nhé? Thịt bê nguội.
– Cảm ơn, tôi không muốn ăn. Anh hãy nói tiếp, đi vào thực chất câu chuyện đi.
– Uổng quá. Còn tôi, tôi phải ăn chút đã. Trong trại đang có bệnh hoại huyết. Mọi người đã quên thế nào là bánh mì và rau tươi. Đáng lẽ mùa thu vừa rồi phải tổ chức tốt hơn việc thu lượm các loạt hạt ăn được, khi cánh phụ nữ còn ở trong căn cứ mới đúng Giờ tôi xin báo tin: tình hình đang hết sức thuận lợi cho ta. Điều tôi luôn luôn tiên đoán, đã thành sự thực. Giai đoạn khó khăn đã qua. Konchak đang rút lui trên khắp các mặt trận. Đó là một sự bại trận hoàn toàn và đang tự nó lan rộng. Bác sĩ thấy chưa? Tôi chẳng vẫn bảo thế là gì? Còn bác sĩ thì cứ luôn miệng ta thán…
– Tôi ta thán hồi nào?
– Thường xuyên, nhất là cái hồi tướng Visyn vây chặt chúng ta…
Zhivago nhớ lại mùa thu năm ngoái, cuộc xử bắn những kẻ âm mưu làm phản, vụ Palyk giết vợ con, cảnh tàn sát và đổ máu chưa biết khi nào mới chấm dứt. Hồng quân và bạch vệ cứ đua nhau về sự tàn bạo, hai bên cứ lần lượt trả đũa nhau, khiến sự tàn bạo bị nhân lên mãi. Nghĩ đến máu chảy, Zhivago thấy cơn buồn nôn dáng lên ngang cổ, máu bốc lên đầu, mắt mờ đi. Cái đó hoàn toàn không phải là sự ta thán. Cái đó khác hẳn. Nhưng biết giải thích thế nào cho Liveri hiểu bây giờ?
Trong căn hầm thoang thoảng múi khói thơm. Nó bám vào vòm miệng, làm cho mũi và cổ họng ngưa ngứa. Căn hầm được chiếu sáng bằng những thanh đóm đặt trên một cái đĩa sắt có ba chân, tàn đóm rơi xuống một chậu nước hứng bên dưới. Cháy hết thanh đóm này. Liveri lại châm tiếp thanh mới.
– Bác sĩ thấy tôi đốt đèn bằng gì rồi đấy. Dầu cạn sạch rồi. Chẻ nhỏ củi thành đóm, phơi thật khô, bén lửa rất nhanh. Phải, đang có bệnh hoại huyết trong trại. Bác sĩ nhất định không chịu dùng thịt bê à? Bệnh hoại huyết. Vậy bác sĩ còn chờ gì mà không triệu tập ban tham mưu, trình bày tình hình và diễn giảng cho chúng tôi nghe về bệnh hoại huyết cùng các biện pháp đối phó với nó?
– Mong ông làm ơn đừng dềng dàng nữa. Ông biết gì thật chính xác về hai gia đình chúng ta?
– Tôi đã bảo bác sĩ rằng tôi không biết tin đích xác gì về họ cả. Nhưng tôi chưa nói hết những điều tôi biết qua các bản tin quân sự cuối cùng. Nội chiến đang ở giai đoạn kết thúc. Konchak bị đánh tan. Hồng quân đang truy quét hắn dọc theo tuyến đường sắt về phía Đông, để xô hắn xuống biển. Một lực lượng khác của Hồng quân đang khẩn trương tiến đến hội quân với chúng ta để cùng nhau tiêu diệt nết các bộ phận quân địch đang còn tản mát ở khắp các vùng hậu phương, Miền Nam nước Nga đã sạch bóng kẻ thù. Tại sao bác sĩ không vui mừng? Như thế chưa đủ hay sao?
– Tôi mừng chứ. Nhưng hai gia đình chúng ta ở đâu?
– Họ không có mặt tại Varykino, và như thế là phúc lớn. Tuy những chuyện huyền hoặc của Kamenodvoski hồi mùa hè vừa qua, đúng như tôi dự đoán, đều không được xác nhận, bác sĩ còn nhớ cái tin đồn ngớ ngẩn, rằng có một bộ lạc bí ẩn nào đó triệt hạ Varykino chứ? Nhưng khu trại đúng là bị bỏ hoang hoàn toàn. Chắc ở đó đó cũng có chuyện gì đấy, chứ chả Phải không, song rất may là cả hai gia đình đã rút chạy sớm hơn. Chúng ta hãy tin rằng họ đều thoát nạn. Theo lời anh em trinh sát kể, thì đó là phỏng đoán của một số bà con ở khu trại.
– Thế tình hình thành phố Yuratin thì sao? Hiện nó nằm trong tay ai?
– Ở đó cũng vậy, toàn nghe đồn đại lung tung, vô căn cứ. Họ đồn rằng bọn bạch vệ vẫn đang chiếm đóng. Thật phi lý, không thể có chuyện đó. Bây giờ tôi sẽ chứng minh cho bác sĩ thấy.
Liveri đốt một thanh đóm mới, gấp các mép của tấm bản đồ nhàu nát, chỉ chứa khu vực đang được chú ý, rồi cầm cây bút chì giải thích.
– Bác sĩ xem đây. Ở tất cả các khu vực này, bọn bạch vệ đều bị đẩy lui. Đây, chỗ này, chỗ này và chỗ này. Cả một khu rộng lớn. Bác sĩ vẫn theo dõi đấy chứ?
– Vâng.
– Địch không thể có mặt ở hướng Yuratin. Trái lại, chúng sẽ rơi vào vòng vây vì bị cắt hết mọi đường. Bọn tướng lĩnh bạch vệ dù bất tài đến mấy cũng không thể không hiểu điều đó. Bác sĩ mặc áo lông vào để làm gì vậy? Bác sĩ định đi đâu?
– Xin lỗi tôi ra ngoài một chút rồi vào ngay. Trong hầm nồng nặc mùi khói thuốc và mùi khét của nhựa thông. Tôi ra ngoài trời thay đổi không khí một chút cho dễ chịu.
Zhivago bước ra cửa hầm, dùng bao tay phủi sạch tuyết phủ trên một khúc gỗ dày kê làm ghế ở đó, đoạn ngồi xuống chống hai khuỷu tay lên đầu gối, tựa cằm vào tay, đắm mình vào suy tưởng. Chàng như quên hết mọi điều, quên rừng taiga mùa đông, quên mười tám tháng ở với đoàn quân du kích trong rừng. Trong óc chàng chỉ còn hình ảnh của những người thân yêu trong gia đình. Chàng cứ phỏng đoán về số phận của họ, phỏng đoán này đáng sợ hơn phỏng đoán kia.
Kìa Tonia đang bế bé Xasa đi trong bão tuyết. Nàng bọc thằng bé trong một tấm chăn, chân nàng lún sâu dưới tuyết, phải vất vả lắm mới rút lên được, còn bão tuyết thì cứ cuốn nàng đi khiến nàng ngã dúi dụi, rồi nàng gượng nhỏm dậy, cố đứng vững trên đôi chân chỉ muốn khuỵu xuống. Ồ, nhưng hoá ra chàng luôn luôn đãng trí, chàng quên rằng nàng đã sinh thêm một đứa con nữa và đang phải cho nó bú. Cả hai tay nàng đều phải bồng con, bận bịu như những người đàn bà tị nạn của Chilimca mà sự đau khổ và căng thẳng quá độ khiến họ phát điên.
Cả hai tay nàng đều bận bịu và xung quanh chẳng có ai giúp được. Cha của bé Xasa chả biết lưu lạc ở đâu. Cha nó ở xa, xa lắm, suốt đời cách gia đình, và có thể gọi người ấy là cha được chăng? Một người cha chân chính mà như thế chăng? Thế còn cha đẻ của chính Tonia đâu rồi? Giáo sư Gromeko đâu? Cô giúp việc Niusa đâu? Những người khác đâu cả rồi?
Ôi tốt nhất là đừng tự đặt cho mình những câu hỏi như thế, tốt nhất là đừng nghĩngợi, đừng khơi sâu chuyện đó.
Zhivago đứng dậy, định đi vào hầm. Bỗng nhiên các ý nghĩ của chàng xoay hẳn sang hướng khác. Chàng bỏ ý định quay vào chỗ Liveri.
Bàn trượt tuyết, túi lương khô và tất cả những gì cần thiết cho cuộc chạy trốn đã được chàng chuẩn bị sẵn từ lâu. Chàng đã chôn giấu các thứ đó dưới tuyết, ở bên ngoài địa phận canh gác của khu trại, cạnh một gốc cây linh sam lớn, và để chắc chắn, chàng còn vạch một cái dấu riêng trên thân cây. Lúc này chàng đi về phía đó, theo con đường có nhiều vết chân lún sâu dưới tuyết. Trời đêm nay trong sáng, trăng tròn vành vạnh, Zhivago đã biết rõ những vọng gác ban đêm, nên chàng đều vòn tránh được cả. Nhưng khi chàng đễn chỗ bãi trống có cây thanh lương trà bị tuyết phủ, thì người lính gác từ đằng xa quát to gọi chàng, rồi người lính ấy đứng thẳng người trên bộ guốc trượt tuyết, lướt nhanh tới bên chàng.
– Đứng lại! Không tôi bắn! Ông là ai? Nói cho tử tế.
– Ơ hay, anh bạn quẫn trí rồi à? Người mình đây mà. Anh bạn không nhận ra tôi hay sao? Tôi là bác sĩ Zhivago của đơn vị ta đây mà.
– Xin lỗi, đồng chí bác sĩ đừng giận nhé. Tôi không nhận ra thật. Nhưng dù là bác sĩ Zhivago, tôi cũng chẳng để cho đồng chí đi xa hơn. Phải theo đúng điều lệnh chung.
– Được thôi Mật khẩu: Sibiri Đỏ. Đáp: Đả đảo bọn can thiệp.
– À nếu vậy thì được. Đồng chí cứ việc đi đâu tùy ý. Nhưng đang đêm hôm khuya khoắt, bác sĩ lặn lội đi đâu thế? Có người bệnh à?
– Tôi không ngủ được, lại khát khô cả cổ. Tôi tính đi chơi một vòng, nhá tuyết để giải khát. Thấy cây thanh lương trà trĩu quả, tôi muốn ra kia hái ăn.
– Đúng là sáng kiến của ông quý phái! Có ai đi tìm trái cây giữa mùa đông bao giờ. Suốt ba năm nay chúng tôi mở mắt cho các vị mà các vị vẫn chả sáng mắt ra. Chẳng giác ngộ được tí nào. Ông cứ việc đi mà hái thanh lương trà của ông, đồ cám hấp. Tôi thiết quái gì!
Đoạn người lính gác nhún người lấy đà thật mạnh, lao đi trên bộ thanh trượt tuyết mỗi lúc một nhanh, lướt trên lớp tuyết về phía các bụi cây trơ trụi như các đám tóc thưa ở đằng xa. Còn con đường nhỏ bác sĩ đang đi thì dẫn tới chỗ cây thanh lương trà vừa được chàng nhắc đến.
Cây thanh lương trà bị ngập tuyết đến lưng chừng, còn ở nửa trên thì các cành lá và các chùm quả nhỏ bị đông cứng vì băng. Nó chĩa hai cành đầy tuyết về phía chàng. Chàng chợt nhớ đến hai cánh tay mập mạp trắng nõn của Lara, hai cánh tay tròn lẳn và hào phóng của nàng. Chàng bèn ôm lấy hai cành thanh lương trà, kéo cả hai cây lại với mình. Như đáp lại tấm lòng của chàng, cây rũ tuyết rơi lả tả xuống khắp người chàng. Chàng lắp bắp mà không hiểu mình nói gì và chẳng nhớ mình là ai nữa:
– Ta sẽ gặp lại em người đẹp của ta, nữ hoàng của ta, thanh lương trà yêu dấu của ta, máu thịt của ta.
Đêm thanh. Trăng tỏ. Chàng len lỏi đi tiếp vào rừng taiga, tới gốc cây linh sam thiêng liêng, bới lấy các vật dụng của mình và rời bỏ khu căn cứ.
(kho tư liệu của Hội NVHP)