Bác sĩ Zhivago – Chương 13 Dịch giả Lê Khánh Trường
“Ở Moskva? Ở Moskva”, mỗi bước lại vang lên trong lòng chàng mấy tiếng ấy, khi chàng leo lên các bậc thang bằng gang lần thứ ba. Căn phòng vắng người lại đón chàng bằng tiếng rậm rịch của lũ giặc chuột đang nhảy, ngã, chạy nháo nhào tán loạn. Zhivago hiểu rằng, bên cạnh lũ giặc này, chàng sẽ không thể chợp mắt được một phút, dù chàng mệt mỏi đến mấy đi chăng nữa. Vì thế, việc đầu tiên trước khi nằm nghỉ là bít các hốc chuột lại. May thay, trong buồng ngủ không nhiều hốc chuột như ở các phòng còn lại. Ở đây ván sàn và chân tường long lở nhiều hơn. Nhưng phải khẩn trương. Đêm đã gần kề. Kể ra trên chiếc bàn trong bếp có một cây đèn, chắc là chuẩn bị sẵn cho chàng, nên đã được gỡ từ trên tường xuống và đổ lưng bầu dầu, cạnh đèn có một hộp diêm hé mở, bên trong chàng đếm được đúng mười que. Nhưng cả diêm lẫn dầu nên để dành thì tốt hơn. Trong buồng ngủ, chàng còn thấy một đĩa đèn dầu thực vật chỉ còn bấc, chứ dầu đã cạn, chắc vì bị lũ chuột liếm sạch.
Ở một số chỗ tiếp giáp giữa chân tường và sàn nhà có các lỗ hổng. Zhivago dùng kính và chai lọ vỡ nhét vào đó mấy lớp, cạnh sắc chĩa vào trong. Cánh cửa buồng ngủ dính khít với khuôn cửa, nên khi khép chặt lại, có thể ngăn cách hẳn buồng ngủ với phần nhà còn lại. Zhivago làm xong tất cả mọi việc ấy trong vòng hơn một giờ.
Góc buồng ngủ bị cắt nghiêng bởi một lò sưởi mặt ngoài lát gạch men, đỉnh lò không chạm tới trần nhà. Trong bếp có củi dự trữ, chừng mười bó. Zhivago quyết định bóc lột của Lara hai bó. Chàng quỳ một bên gối xuống sàn, lấy củi đặt lên tay trái, mang sang buồng ngủ, xếp cạnh lò sưởi, tìm hiểu cấu tạo của cái lò và nhanh chóng xác định được tình trạng của nó.
Chàng muốn khoá cửa buồng lại, nhưng ổ khoá bị hóc, đành gấp một miếng giấy thật dày như thể làm nút chai, để chèn cho cánh cửa khỏi bật ra, đoạn thong thả nhóm lò sưởi.
Khi xếp củi vào lò, chàng thấy mặt trên cắt ngang của một thanh củi có ghi dấu hiệu. Chàng kinh ngạc nhận ra nó.
Đó là dấu ngày xưa người ta đóng trên những khúc gỗ tròn chưa cưa, để chỉ nó thuộc kho gỗ nào. Hai chữ cái C và Đ này, vào thời cụ Cruyghe, được đóng vào mặt cắt những cây gỗ thuộc kho Kulabysevski ở Varykino, hồi các nhà máy bán ra số gỗ thừa làm củi đốt.
Sự hiện diện những thanh củi loại này ở nhà Lara chứng tỏ nàng quen biết Samdeviatov và ông ta săn sóc nàng cũng như ngày trước ông ta từng cung ứng cho gia đình chàng mọi thứ cần dùng. Phát hiện này như một mũi dao chọc vào tim chàng. Trước đây, sự giúp đỡ của Samdeviatov đã khiến chàng nặng lòng, bây giờ lại thêm những cảm giác khác chồng chất thêm vào cái gánh nợ ấy.
Chắc gì Samdeviatov săn sóc Lara chỉ vì lòng tốt. Zhivago hình dung cái tác phong phóng túng của Samdeviatov và cái tính nông nổi đàn bà của Lara. Thể nào giữa hai người cũng phải có chuyện gì.
Trong lò, những thanh củi khô nỏ của kho gỗ Kulabysevski đồng loạt bén lửa nổ tí tách và cháy bùng lên, nỗi ghen tuông mù quáng của Zhivago theo đà đó cũng từ ức đoán mơ hồ biến thành niềm tin chắc chắn.
Nhưng tâm hồn chàng chất chứa nhiều nỗi giày vò đến mức nỗi đau này tự gạt bỏ nỗi đau kia. Chàng có thể phó mặc các mối hồ nghi ấy. Các ý nghĩ tự chúng cứ nhảy từ đối tượng này sang đối tượng khác, chả cần đến nỗ lực của chàng. Những ý nghĩ về người thân trong gia đình chàng lại ào tới với sức mạnh mới, làm nguôi đi tạm thời sự ghen tuông tưởng tượng của chàng.
“Vậy là, những người thân yêu của tôi ơi, các người đang ở Moskva ư?” Chàng có cảm tưởng chị thợ may Galina đã quả quyết với chàng rằng họ đã về tới thủ đô bình yên vô sự. “Vậy là các người lại trải qua cuộc hành trình vất vả, dài đằng đẵng ấy mà không có tôi ư? Các người đã về đến nơi trót lọt chứ?
Lệnh triệu hồi giáo sư Gromeko là thế nào? Chắc Học viện lại mời giáo sư về giảng dạy ở đó chứ gì? Các người trở về thấy nhà cửa ra sao? Mà tôi hỏi ngớ ngẩn quá, còn nhà còn cửa gì được nữa cơ chứ? Ôi, lạy Chúa, thật là phũ phàng đến đau lòng! Ôi, thôi đừng nghĩ, đừng nghĩ nữa? Đầu óc cứ rối như tơ vò? Anh làm sao thế này, hở Tonia? Hình như anh ngã bệnh thì phải? Điều gì sẽ xảy ra với tôi và với tất cả các người, Tonia, Tonia yêu dấu của anh, Tonia, Xasa, giáo sư Gromeko? Ôi sao Người lại không cho con được thấy dung nhan Người, ánh sáng muôn đời của chúng con? Vì sao suốt đời Người bắt chúng con phải xa cách nhau? Nhưng rồi ít lâu nữa chúng ta sẽ lại được quây quần bên nhau, phải vậy không? Tôi sẽ tìm về gặp kỳ được các người, dù phải đi bộ lăn lộn suốt chặng đường dài. Chúng ta sẽ gặp nhau. Mọi chuyện nhất định sẽ êm đẹp, phải vậy không?
Nhưng ơ hay, sao đất vẫn dung tôi, khi tôi cứ mãi quên rằng Tonia đã phải sinh nở một lần nữa? Đây không phải là lần thứ nhất tôi đãng trí như vậy. Nàng sinh nở ra sao? Trên đường về, họ đã dừng chân ở Yuratin. Tuy Lara chưa biết họ, nhưng một người hoàn toàn xa lạ, như chị thợ may thợ kiêm hớt tóc kia còn tỏ tường số phận của họ, vậy mà Lara không thèm đả động một lời về họ trong bức thư kia. Sao nàng có thể vô tâm, hờ hững lạ lùng đến thế? Thái độ ấy cũng khó hiểu y như việc nàng lờ đi quan hệ giữa nàng với Samdeviatov”.
Bây giờ Zhivago nhìn các bức tường buồng ngủ bằng ánh mắt soi mói khác trước. Chàng biết rằng mọi đồ vật kê hoặc treo xung quanh đây đều không phải là của Lara, rằng cách trang trí của những chủ nhân cũ, những người chả hiểu là ai và trốn đi đâu, hoàn toàn không thể nói gì về thị hiếu của Lara.
Dầu vậy, tự dưng chàng bỗng khó chịu giữa những người đàn ông đàn bà ở trong các bức ảnh phóng to đang từ trên tường nhìn xuống. Các thứ đồ gỗ bày biện phi nghệ thuật kia toát ra vẻ thù nghịch đối với chàng. Chàng cảm thấy mình là kẻ xa lạ, là người thừa trong buồng ngủ này.
Vậy mà ngu thay, đã bao lần chàng hồi tưởng, buồn nhớ ngôi nhà này và đã bước vào đây không phải như vào một nơi cư ngụ: nơi đây là tất cả nỗi nhớ nhung của chàng đối với Lara! Chắc người ngoài sẽ thấy sự cảm nhận của chàng lố bịch lắm!
Những người đàn ông điển trai, có sức mạnh và đầu óc thực tế, như Samdeviatov, liệu có sống, có hành động và nói năng như thế chăng? Và tại sao Lara lại phải chọn cái sự thiếu bản lĩnh của chàng, cái ngôn ngữ tối tăm phi thực tế của tình yêu mà chàng biểu lộ? Nàng cần đến sự rối rắm đó ư? Chính nàng có muốn là một người như chàng mong ước chăng?
Mà nàng là người như thế nào đối với chàng, theo cách diễn đạt vừa rồi của chàng nhỉ? ồ, trước câu hỏi này, chàng luôn luôn có sẵn câu trả lời.
Ngoài trời đang là buổi chiều xuân. Không khí được đánh dấu bằng các âm thanh. Những giọng nói của bầy trẻ đang chơi đùa bị ném tản mát ở các địa điểm xa gẩn khác nhau, tựa hồ muốn chứng tỏ rằng không gian đang tràn ngập sự sống. Và cái phương xa này là nước Nga, người mẹ, người tuẫn giáo, kẻ ương ngạnh, kẻ điên rồ lừng danh bốn biển năm châu, không gì sánh nổi, muôn vàn đáng yêu của chàng, nó cứ đùa giỡn bày ra những trò tinh quái mãi mãi kỳ vĩ và bi thảm mà người ta không bao giờ có thể tiên liệu nổi. Ôi, tồn tại mới ngọt ngào làm sao? Ôi sống trên đời và yêu đời mới ngọt ngào làm sao! Ôi luôn luôn ta cứ muốn nói lời cảm ơn chính cuộc sống, chính sự tồn tại, muốn nói thẳng điều đó vào mặt nó?
Đấy, Lara là như thể đó. Tuy không trò chuyện được với những thứ kia, nhưng chúng đã có người đại diện là Lara, nàng là hiện thân, là năng lực nghe và nói được ban tặng cho các nguyên lý không biết nói của sự sống.
Cho nên tất cả những gì chàng vừa nghĩ về nàng trong phút nghi ngờ đều là sai, ngàn lần sai. Mọi thứ ở nàng đều toàn thiện toàn mỹ?
Những giọt lệ thán phục và hối hận che mờ mắt chàng. Chàng mở cửa lò sưởi và dùng que cời đẩy những thanh củi đang cháy rất đượm vào trong cùng, còn những mẩu cháy dở thì kéo ra gần cửa lò là nơi hút khí mạnh nhất. Chàng để ngỏ cửa lò một lát. Chàng thích thú cảm nhận trò chơi của hơi ấm và ánh lửa trên mặt và hai cánh tay. Ôi lúc này chàng thấy thiếu nàng xiết bao, giây phút này chàng cần biết mấy một cái gì phát toả từ nàng khiến giác quan của chàng có thể cảm nhận được!
Chàng rút lá thư đã nhàu trong túi ra. Lá thư gấp mặt trong ra, trái với nếp gấp cũ mà chàng đọc lúc chiều. Bây giờ chàng mới biết nàng còn viết kín cả mặt sau của tờ giấy.
Chàng vuốt lại tờ giấy cho khỏi nhàu và đọc dưới ánh lửa bập bùng của lò sưởi:
“Chắc anh cũng biết gia đình anh đang ở Moskva, Tonia sinh con gái”. Tiếp đó có mấy dòng bị gạch xoá, kế đến: “Em gạch đi, vì viết như thế trong thư thì hơi ngớ ngẩn. Gặp nhau, chúng mình sẽ tha hồ nói chuyện với nhau. Em đang vội, phải chạy đi mượn ngựa. Em chưa biết sẽ làm thế nào, nếu không kiếm ra ngựa. Sẽ vất vả, vì em cho cả bé Katenka theo…” Cuối câu bị nhòe, không đọc được.
“Nàng chạy đi mượn ngựa của Samdeviatov, và chắc đã mượn được, nếu không nàng đã về đây rồi” – Zhivago bình tĩnh suy xét – “Nếu lương tâm nàng không hoàn toàn trong sạch về khoản kia, thì nàng đã chẳng cho mình biết chi tiết này”.
You are here
Trang chủ » Bác sĩ Zhivago – Full – Boris Pasternak » Bác sĩ Zhivago – Chương 13 » Bác sĩ Zhivago – Chương 13 – Phần 08
Bác sĩ Zhivago – Chương 13 – Phần 08
Khi lò đã đủ độ nóng, chàng đóng cửa hút khí lại và ăn một chút. Ăn xong, chàng buồn ngủ díp mắt vào. Chàng để nguyên cả quần áo, nằm xuống đi-văng và thiếp đi mê mệt.
Chàng không nghe thấy bầy chuột làm loạn ở bên ngoài cánh cửa và các bức tường buồng ngủ. Chàng mơ thấy hai cơn ác mộng liên tiếp.
Chàng đang ở Moskva, trong một căn phòng, trước cái cửa kính đã khoá, mà chàng còn nắm quả đấm cửa giật mạnh xem chắc chắn chưa. Bên kia cửa kính, bé Xasa của chàng cứ kêu khóc, đẩy cửa đòi vào với chàng. Bé mặc áo măng-tô, quần lính thủy và đội chiếc mũ nhỏ, trông xinh xắn và đáng thương vô cùng. Từ sau lưng Xasa, một thác nước cứ ầm ầm xối thẳng vào cậu bé và cửa kính. Hình như cái thác ấy vọt ra từ một ống dẫn nước hay vòi nước bị vỡ hoặc hư, một hiện tượng sinh hoạt thường thấy thời buổi này, cũng có thể cái cửa kính này là nơi chắn giữ một cái khe núi hẹp hoang dã nào đó, trong khi có một dòng nước chảy băng băng như điên, mang theo hơi lạnh và bóng tối đã tích tụ ngàn năm trong hang sâu.
Dòng nước xối ầm ầm chụp xuống người cậu bé khiến nó sợ chết kiếp. Không nghe rõ tiếng kêu cứu của nó, vì dòng thác đã át hết. Nhưng Zhivago đọc được trên môi bé tiếng gọi “Ba ơi? Ba ơi!”.
Lòng đau như cắt, Zhivago muốn lấy hết sức bình sinh bồng con lên, ghì nó vào lòng mà chạy thục mạng đến bất cứ đâu Nhưng chàng cứ vừa chảy nước mắt ròng ròng vừa kéo quả đấm cửa về phía mình, không cho đứa bé vào, biến nó thành vật hy sinh cho một quan niệm sai lầm về danh dự và bổn phận, trước một người phụ nữ khác không phải là mẹ của nó và là người bất cứ lúc nào cũng có thể bước vào phòng qua một cánh cửa khác.
Zhivago tỉnh giấc, nước mắt và mồ hôi đầm đìa. “Mình bị sốt, mình ngã bệnh rồi”. – Chàng lập tức nghĩ – “Không phải bệnh thương hàn, mà là một thứ kiệt lực trầm trọng, nguy hiểm, giống như một căn bệnh có biến chứng, như mọi trường hợp cảm nhiễm nặng, và toàn bộ vấn đề là ở chỗ cái gì sẽ thắng, sự sống hay cái chết. Nhưng sao buồn ngủ quá thế này?”. Rồi chàng lại thiếp đi.
Chàng mơ thấy một buổi sáng mùa đông ảm đạm ở Matxeơva, giữa một đường phố còn thắp đèn, chắc là vào thời kỳ trước cách mạng, nếu căn cứ vào cảnh náo nhiệt của phố xá lúc sớm mai, vào tiếng chuông leng keng của các chuyến xe điện đầu tiên, vào ánh đèn đường tạo thành từng dải màu vàng trên lớp tuyết xám của phố phường.
Chàng thấy một căn hộ trải dài, có rất nhiều cửa sổ, cùng mở ra phố, chắc chắn ở lầu một, với các tấm rèm che kín dài lê thê xuống tận sàn nhà. Trong căn hộ có những người ăn mặc theo kiểu đi đường, nằm ngủ với các tư thế khác nhau, cảnh lộn xộn bày ra như trên toa tàu: các mẩu thức ăn thừa đặt trên các tờ báo nhờn mỡ, các khúc xương, cánh, chân gà quay gặm dở, các đôi ủng được tháo ra khỏi chân để nghỉ đêm và dựng từng đôi trên sàn nhà. Đấy là ủng của những bà con họ hàng và người quen biết có việc ghé qua Moskva, đến đây làm khách vài hôm. Nữ chủ nhân Lara bận bù đầu, cứ vội vã lướt như bay, không một tiếng động, từ góc nhà này tới góc nhà kia.
Nàng chỉ kịp mặc chiếc áo choàng dài rộng có thắt dây lưng, còn chàng thì cứ lẽo đẽo theo sau và luôn miệng hỏi những câu vớ vẩn chẳng đâu vào đâu, trong khi nàng không thể dành cho chàng một phút. Để trả lời, nàng chỉ ngoảnh đầu lại nhìn chàng bằng ánh mắt ngỡ ngàng lặng lẽ và tặng chàng những chuỗi cười hồn nhiên vô cùng trong trẻo, và đó là hai biểu hiện duy nhất của sự gần gũi giữa hai người. Xa xôi, lạnh lùng và hấp dẫn biết bao, người phụ nữ mà chàng dâng hiến tất cả, yêu quý hơn tất cả, trân trọng hơn hết thảy mọi, thứ trên đời?
Bác sĩ Zhivago – Chương 13 – Phần 09 -> 11
9.
Không phải chính chàng, mà là một cái gì rộng lớn hơn bản thân chàng, đang khóc nức nở trong lòng chàng bằng những từ ngữ dịu dàng và sáng rực lên như lân tinh, trong bóng tối. Và chàng hoà nước mắt của chàng với nước mắt của tâm hồn chàng. Chàng thương thân trách phận.
“Mình ngã bệnh, mình ốm mất rồi”. – Chàng thoáng nghĩ trong những giây phút minh mẫn giữa giấc ngủ, giữa cơn sốt mê man. – “Dẫu sao đây cũng là một chứng bệnh thương hàn chưa được nói đến trong các sách hướng dẫn, chưa được học ở khoa Y. Phải kiếm thức ăn, kẻo mình sẽ chết đói”.
Nhưng vừa thử chống khuỷu tay nhỏm dậy, chàng đã thấy ngay là mình không còn đủ sức để động đậy tay chân, và rồi chàng lại ngất lịm rồi ngủ thiếp đi.
“Mình cứ để nguyên quần áo nằm ở đây bao lâu rồi nhỉ?”- Chàng tự hỏi trong một giây tỉnh lại. “Mấy giờ? Mấy ngày? Lúc mình ngã người xuống đi-văng, trời mới sang xuân. Bây giờ ngoài cửa sổ có băng giá phủ một lớp xốp và bẩn làm tối cả căn buồng”.
Trong bếp, lũ chuột làm chén đĩa đổ loảng xoảng, leo thoăn thoắt dọc bờ tường bên kia rồi rơi bình bịch xuống sàn, kêu chí cha chí chóe, nghe thảm thiết một cách đáng ghét.
Rồi chàng lại ngủ, lại tỉnh dậy, thấy các cửa sổ phủ băng giá tràn ngập ánh hồng ấm áp, như các chiếc ly pha lê rót đầy rượu vang đỏ. Chàng tự hỏi, đấy là ánh bình minh hay là ánh hoàng hôn?
Một lần chàng tưởng như nghe thấy có những tiếng người ngay ở bên cạnh chàng, và chàng tuyệt vọng cho rằng mình đã hoá điên. Giàn giụa nước mãt thương hại bản thân, chàng uất ức hướng lên trời mà trách không thành tiếng: “Ôi sao Người lại không cho con được thấy dung nhan Người, ánh sáng muôn đời của chúng con, sao Người nỡ phủ bóng tồl địa ngục xuống kẻ tôi tớ này?”.
Bỗng chàng hiểu rằng chàng không mê, rằng sự thực nhãn tiền là chàng đã được thay quần áo, tắm rửa và mặc chiếc áo sơ-mi sạch bong, chàng đang nằm không phải trên đi- văng, mà trên giường có trải đệm mới, rằng Lara ngồi cạnh giường, cúi xuống gần chàng, tóc nàng lẫn với tóc chàng, nước mắt nàng hoà với nước mắt chàng. Và chàng ngất đi vì sung sướng.
10.
Trong cơn mê vừa rồi, chàng đã trách trời hờ hững, thì bây giờ bầu trời bao la sà xuống sát giường chàng, và hai cánh tay phụ nữ mập mạp, trắng trẻo đến tận vai, giang về phía chàng. Nỗi sung sướng khiến chàng xây xẩm mặt mày và chàng rơi xuống vực sâu hạnh phúc như người ngã ra bất tỉnh.
Cả đời chàng đã không ngừng hoạt động, luôn luôn bận bịu, làm việc nhà, chữa bệnh, suy nghĩ, nghiên cứu, sáng tác.
Bây giờ dễ chịu xiết bao khi tạm ngưng hoạt động, ngưng tranh đấu và suy nghĩ, tạm thời trao phó công việc đó cho thiên nhiên, còn chính mình thì trở thành một vật thể, một ý định, một tác phẩm trong đôi bàn tay nhân ái, tuyệt diệu, hào phóng ban phát cái đẹp, của thiên nhiên!
Zhivago bình phục nhanh chóng. Lara chăm chút, săn sóc cho chàng khỏi bệnh bằng sự tận tuỵ của nàng, bằng vẻ kiều diễm thiên thần của nàng, bằng những câu hỏi và câu trả lời thỏ thẻ, dịu dàng, thoảng như hơi thở của nàng.
Những câu chuyện thì thầm, kể cả những lời phù phiếm nhất, cũng đầy ý nghĩa như các lời đối thoại của Platon.
Cái vực sâu ngăn cách họ với thế giới bên ngoài khiến họ gần nhau còn hơn cả sự hoà hợp tâm hồn. Cả hai cũng không ưa như nhau cái nét điển hình tiền định trong con người thời nay, cái vẻ hăng hái mang tính chất bách vở, cái nhiệt tình mang tính chất khoa trương và sự tẻ nhạt không chút bay bổng mà vô số cán bộ khoa học, nghệ thuật đang ra sức phổ biến rộng rãi để thiên tài vẫn tiếp tục là sự hiếm hoi, hi hữu.
Tình yêu của họ vô cùng rộng lớn. Nhưng tất cả mọi người đều yêu có điều là người ta không để ý tới tính chất kỳ lạ của tình cảm.
Riêng đối với họ, – và đây là điểm đặc thù của họ, – những khoảnh khắc, trong đó hơi hướng đam mê xen vào sự tồn tại của con người trần tục nơi họ, như ngọn gió vĩnh cửu, chính là những giây phút họ linh nghiệm và nhận biết những điều luôn luôn mới mẻ về bản thân mình và về cuộc sống.
11.
– Dĩ nhiên, anh phải trở về với gia đình anh. Em sẽ không giữ anh thêm một ngày, nếu việc đó là thừa. Nhưng anh xem tình hình hiện nay ra sao. Chúng ta vừa hoà mình gắn bó với nước Nga Xô viết, thì liền bị cảnh tàn phá của nó nuốt chửng chúng ta. Người ta đang lấy miền Sibiri và miền Đông để lắp các lỗ hổng của nước Nga. Anh không biết đấy thôi. Trong thời gian anh ốm liệt giường, ở thành phố này có biết bao thay đổi. Người ta chuyển các kho hàng dự trữ của thành phố chúng ta về trung ương, về Moskva. Đối với Moskva, số hàng ấy chỉ là muối bỏ biển, chả khác gì bỏ vào cái thùng không đáy, trong khi ở đây chúng ta không có lương thực thực phẩm. Bưu điện không hoạt động, xe lửa chỉ toàn chở lúa mì, không chở khách. Dân chúng thành phố lại kêu ca than vãn như trước cuộc nổi dậy của Gaiđa(1), và Uỷ ban Cheka lại làm dữ để đối phó với sự bất mãn.
Và anh đi sao được, khi anh còn yếu lẩy bẩy, da bọc xương như thế này? Chẳng lẽ lại cuốc bộ? Mà có cuốc bộ cũng chẳng bao giờ về tới nơi! Anh cứ cố gắng lại sức dần và khỏe lên đã, bấy giờ hãy hay.
Em chả dám khuyên anh, nhưng ở địa vị anh, trước khi đi tìm gia đình ở Moskva, em sẽ xin đi làm ít lâu, đúng nghề chuyên môn của mình, hẳn thế. Người ta coi trọng việc đó. Em sẽ làm việc ở Sở Y tế chẳng hạn. Sở Y tế đặt trụ sở tại Ty Y tế ngày trước.
Bằng không, anh cứ thử nghĩ xem. Cha của anh là một nhà triệu phú ở Sibiri đã tự vẫn, còn vợ anh là cháu gái một gia đình điền chủ kiêm kỹ nghệ gia ở vùng này. Anh từng sống với du kích và đã bỏ trốn. Nói gì thì nói, đấy cũng là việc rời bỏ hàng ngũ quân đội cách mạng, là đào ngũ. Dầu thế nào mặc lòng, anh cũng không thể sống vô nghề nghiệp, mất các quyền công dân. Địa vị của em cũng chẳng vững vàng gì hơn. Em sẽ đi làm. Em sẽ đến Sở Giáo dục. Tình thế của em cũng đang hết sức nguy hiểm.
– Sao lại nguy hiểm. Đã có Strelnikov kia mà?
– Chính vì Strelnikov đấy anh ạ. Trước kia em từng nói với anh rằng anh ấy có rất nhiều kẻ thù. Ngày nay Hồng quân đã thắng lợi hoàn toàn. Những quân nhân ngoài Đảng từng giữ các cương vị cao và biết quá nhiều điều, đang bị thải hồi. Bị thải hồi còn là may, có khi còn bị thủ tiêu cho hết sạch dấu vết. Trong danh sách ấy, Pasa là người đầu tiên, bị đe dọa hơn cả. Anh ấy đang ở miền Viễn Đông. Nghe đâu anh ấy đã bỏ trốn.
Người ta đang truy nã anh ấy. Nhưng thôi, không nói về Pasa nữa. Em chả muốn khóc, vì chỉ cần nhắc thêm một lời về anh ấy, chắc em sẽ khóc oà lên mất.
– Em đã yêu và đến bây giờ vẫn còn yêu anh ta đến thế cơ à?
– Chẳng gì anh ấy cũng là chồng em, anh ạ. Đấy là một tính cách cao cả và trong sáng. Em có lỗi lớn với anh ấy. Bảo rằng em không làm điều gì xấu cho anh ấy, là nói sai. Nhưng anh ấy là người có ý nghĩa lớn lao, một người vô cùng thẳng thắn, trong khi em chả ra gì cả, em không bằng cái móng tay anh ấy. Lỗi của em là ở chỗ đó. Nhưng thôi, xin đừng nhắc đến chuyện ấy. Để khi khác em sẽ tự trở lại chuyện này, em hứa với anh như vậy. Tonia của anh là một người vợ lạ thường. Một phụ nữ theo kiểu Batiseli(2) miêu tả. Em đã có mặt hôm chị ấy sinh nở. Em với Tonia hợp nhau kinh khủng. Nhưng chuyện đó để dịp khác sẽ nói, em van anh. Vâng, vậy là chúng mình hãy đi làm. Sáng sáng hai ta sẽ cùng đi làm. Hàng tháng sẽ nhận được hàng tỷ đồng tiền lương. Ở đây, trước khi xảy ra cuộc đảo lộn lần cuối cùng, người ta vẫn tiêu loại giấy bạc Sibiri. Cách đây ít lâu, loại giấy bạc ấy đã bị huỷ bỏ, và suốt thời gian anh ốm, người ta sống không có tiền tệ gì hết. Đúng thế. Anh thử tưởng tượng xem. Thật khó tin, nhưng rồi cũng đã qua được khó khăn ấy. Vừa rồi người ta chở đến ngân khố cũ cả một đoàn tàu chất đầy tiền, nghe đâu ít nhất cũng tới bốn chục toa. Tiền mới được in trên các tờ giấy lớn hai màu, xanh và đỏ, như tem thư, và chia thành từng ô. Mỗi ô xanh có giá trị năm triệu, mỗi ô đỏ thì mười triệu. Họ in lèm nhèm, màu sắc nhòe nhoẹt, dễ phai.
– Anh đã thấy loại tiền ấy. Chúng được phát hành ngay trước khi gia đình anh rời Moskva tới đây.
Chú thích:
(1) Gaida Radon (1892-1948) một trong những kẻ tổ chức cuộc nổi loạn của binh đoàn Tiệp Khắc (1918), tư lệnh quân bạch vệ của Konchak ở miền Sibiri. Sau này bị toà án nhân dân Tiệp Khắc kết án tử hình.
(2) Batiseli, tên thật là A. Philipepi (1445-1519), danh hoạ Ý. Đại diện thời Phục Hưng sơ kỳ, chuyên vẽ về đề tài tôn giáo và thần thoại, tác phẩm giàu chất thơ bay bổng màu sắc tinh tế.