Bài thơ “Quê Hương” của Giang Nam

Bài thơ đoạt giải nhì giải thưởng thơ năm 1960-1961 của Tạp chí Văn nghệ và đã trở thành một dấu mốc trong cuộc đời ông.

 

Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1929, tại Ninh Hòa (Khánh Hòa). Các tác phẩm tiêu biểu như: Tháng Tám ngày mai (1962), Quê hương (1965), Người anh hùng Đồng Tháp (1969), Vầng sáng phía chân trời (NXB Văn học Giải phóng TP.HCM 1975), Hạnh phúc từ nay (NXB Tác phẩm mới Hà Nội 1978), Thành phố chưa dừng chân (NXB Tác phẩm mới Hà Nội 1985), Rút từ sổ tay chiến tranh (truyện ngắn và ký, NXB Văn nghệ TP.HCM 1987), trường ca Sông Dinh mùa trăng khuyết

Trải qua mấy chục năm hoạt động cách mạng và thơ ca, ông được trao một số giải thưởng cao quý như: Giải ba về truyện ngắn của báo Thống Nhất năm 1960, Giải nhì về thơ tạp chí Văn Nghệ năm 1961, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

 

Giang Nam

Quê Hương

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ

“Ai bảo chăn trâu là khổ?”

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

Những ngày trốn học

Đuổi bướm cầu ao

Mẹ bắt được

Chưa đánh roi nào đã khóc!

Có cô bé nhà bên

Nhìn tôi cười khúc khích…

Cách mạng bùng lên

Rồi kháng chiến trường kỳ

Quê tôi đầy bóng giặc

Từ biệt mẹ, tôi đi

Cô bé nhà bên (có ai ngờ)

Cũng vào du kích

Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

Mắt đen tròn (thương quá đi thôi)

Giữa cuộc hành quân không nói được một lời

Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại

Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi…

Hòa bình tôi trở về đây

Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày

Lại gặp em

Thẹn thùng nép sau cánh cửa

Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ

Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)

Tôi nắm bày tay nhỏ nhắn ngậm ngùi

Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng

Hôm nay nhận được tin em

Không tin được dù đó là sự thật

Giặc bắn em rồi, quăng mất xác

Chỉ vì em là du kích em ơi!

Đau xé lòng tôi, chết nửa con người…

Xưa quê hương vì có chim, có bướm

Có những ngày trốn học vị đòn, roi

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi.

 

Nguồn trích dẫn bài thơ “ Thơ Việt nam 1945-1975”

 

Vanhaiphong.com- Chúng tôi xin cung cấp thêm một số tư liệu mang tính “bếp núc” xung quanh bài thơ này để bạn đọc thêm thông tin; đặc biệt thông tin về xuất xứ bài thơ.

1.Bài thơ Quê hương chính là bài thơ đã đạt giải nhì về thơ của Tạp chí Văn nghệ. Theo Hoài Thanh, người có mặt trong BGK cho biết thì lẽ ra bài thơ đạt giải nhất, nhưng lại có quan điểm không cho giải, hoặc chỉ khuyến khích vì bài thơ dù hay, nhưng bi luỵ không cổ vũ được phong trào chiến đấu giải phóng miền Nam lúc ấy. Cuối cùng, sau tranh luận mãi và BGK quyết định giải pháp trung dung, trao tặng giải nhì cho tác phẩm này.

2. Nhân vật “cô bé nhà bên” là nhân vật có thật và không chết như trong bài thơ. Đó chính là phu nhân của nhà thơ Bà Phạm Thị Triều, nguyên mẫu của “cô bé nhà bên”. Trước đây trong hgoatj động cách mạng ông bà yêu nhau một thời gian khá dài, khi ông có tên trong đoàn sĩ quan liên bộ đình chiến vừa thành lập sắp lên đường ra Bình Định tập trung để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định Genevơ; tổ chức mới gợi ý để ông bà làm đám cưới. Ở với nhau được hai đêm thì ông lên đường ra vùng tự do, Bà từ căn cứ sinh cô con gái và trở về Nha Trang hoạt động. Năm 1959.trong một đêm, địch ập vào bắt mẹ con bà giải đi, dù lúc đó đứa con gái đầu còn đỏ hỏn.

Theo lời kể của nhà thơ, cũng vào một buổi tối của năm 1960, ông được cấp trên  thăm hỏi động viên rồi thông báo tin dữ: vợ và con gái ông đã bị địch giết hại trong nhà tù Phú Lợi, Sài Gòn.

Đau đớn đến bàng hoàng, ngay đêm hôm đó, tại căn cứ bí mật của Tỉnh ủy Khánh Hoà đóng dưới chân núi Hòn Dù phía tây thành phố Nha Trang, bên ngọn đèn thắp bằng nhựa cây, trong xúc cảm của niềm đau đớn tột cùng ông đã viết nên bài thơ “Quê hương” như vẽ nên một sự thật đau xót: Giặc bắn em rồi quăng mất xác. Chỉ vì em là du kích em ơi. Đau xé lòng anh chết nửa con người… Sau này bài thơ đoạt giải nhì giải thưởng thơ năm 1960-1961 của Tạp chí Văn nghệ và đã trở thành một dấu mốc trong cuộc đời ông.

Nhưng năm 1962, sau 3 năm bị bắt, vợ và con gái được thả về do không tìm ra căn cứ kết tội. Sau giải phóng 1975, ông bà sống bên nhau trong căn nhà nhỏ số 46, đường Yersin, thành phố Nha Trang. Và  bà  đã ra đi mãi mãi vào tháng 4-2013  ở tuổi 82. Còn nhà thơ đã 83 tuổi nhưng  vẫn cặm cụi đánh vật với chữ nghĩa, những hội thảo văn chương, những trang hồi ký viết dở…

Nguyễn Đình Minh

Tổng hợp và giới thiệu

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder