Bài thơ “Con chào mào”, từ góc nhìn ứng xử của con người với thiên nhiên- Đinh Thanh Huyền

VHP: SGK Ngữ văn lớp 6 tập 1( do Bùi Mạnh Hùng tổng chủ biên, NXB Giáo dục 2021) trong chương trình Giáo dục phổ thông mới có đưa bài thơ Con chào mào của nhà thơ Mai Văn Phấn vào giảng dạy. Đây là một trong những nét mới của chương trình Ngữ Văn THCS khi cập nhật với văn chương đương đại nhằm định hướng và phát triển ở HS các năng lực cảm thụ văn học. Để giúp HS và GV Văn THCS thêm một cách diễn giải, cách nhìn về bài thơ này, vanhaiphong.com xin giới thiệu bài viết dưới đây của cô giáo Đinh Thanh Huyền.

 

Đến với bài thơ Con chào mào của Mai Văn Phấn, trước hết phải làm quen với lối viết độc đáo, hiện đại của tác giả. Có nắm bắt được điều này mới không lúng túng khi đọc văn bản thơ, từ đó mới cảm nhận được cái hay cái đẹp của một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, tiến tới đọc hiểu tốt các văn bản thơ hiện đại.

 

Bài thơ gồm 16 dòng thơ, mỗi dòng có số chữ dài ngắn linh hoạt. Bài thơ cũng không hiệp vần nên thoạt đọc, có thể không thấy âm hưởng dìu dặt của thơ ca truyền thống. Để tạo nhạc tính cho tác phẩm, Mai Văn Phấn sử dụng các từ láy “chót vót”, “hối hả”; phép điệp “khung nắng, khung gió”,tiếng hót”; cấu trúc vòng tròn (sự xuất hiện của tiếng hót ở đầu và cuối bài thơ). Đặc biệt, tác giả đã mô phỏng âm thanh tiếng hót bổng trầm của con chim chào mào “triu…uýt…huýt…tu hìu…” khiến bài thơ trở nên rộn ràng đầy âm sắc. Cách sử dụng thanh điệu của tác giả linh hoạt, tinh tế và đầy sáng tạo trong mối quan hệ với cấu trúc câu, đoạn thơ.

 

Vừa vẽ xong nó cất cánh

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo

 

Trong đoạn trên, dòng thơ đầu là một câu, hai dòng còn lại là một câu hoàn chỉnh, khi đọc phải liền mạch. Chữ cuối của hai dòng đầu thanh trắc, chữ cuối dòng thứ ba là thanh bằng. Kết hợp hai yếu tố này, ta thấy nhịp thơ ban đầu nhanh, gấp, hối hả, sau đó giãn ra, kéo dài thanh thoát. Đoạn thơ vì vậy trở nên giàu tính nhịp điệu. Dựa vào đây, chúng ta có thể khám phá tính nhạc trong toàn bộ tác phẩm thơ.

 

Điểm thú vị nữa ở bài thơ này, là nhà thơ không sử dụng các từ chỉ cảm xúc. Bài thơ cũng không có các tính từ cho biết thái độ tác giả. Cảm xúc, thái độ của tác giả sẽ toát lên từ tổng thể tác phẩm. Một bài thơ như vậy, cần đến rất nhiều sức tập trung và sự đắm mình sâu sắc của người đọc.

 

Mở đầu thi phẩm, nhà thơ Mai Văn Phấn viết

 

Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

Hót trên cây cao chót vót

triu…uýt…huýt…tu hìu…

 

Con chào mào xuất hiện với vẻ ngoài xinh đẹp “đốm trắng mũ đỏ”, với tiếng hót lảnh lót rộn rã, trong một không gian khoáng đạt, rộng rãi “trên cây cao chót vót”. Bức tranh thiên nhiên hiện ra hài hòa, sống động đánh thức những cảm xúc tích cực trong lòng người. Bức tranh đó như một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ mà tự nhiên tạo ra. Vẻ đẹp ấy làm dậy lên sự ngưỡng mộ, lòng yêu thích đến say mê của nhân vật trữ tình. Và cùng lúc đó, nhân vật “tôi” nảy sinh một ham muốn:

 

Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

Sợ chim bay đi

 

Chiếc lồng chim là biểu tượng của sự giam cầm, thu giữ riêng cho mình. Câu thơ cho thấy mong muốn độc chiếm vẻ đẹp của thiên nhiên đã dậy sóng trong lòng người. Mong muốn ấy mạnh đến mức khiến nhân vật “tôi” trở nên hấp tấp, vội vã trôi theo ham muốn sở hữu tiếng hót và vẻ đẹp của con chào mào. Nhưng thiên nhiên đâu phải thứ để con người độc chiếm dễ dàng

 

Vừa vẽ xong nó cất cánh

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo

 

Từ sự vội vã khi vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ đến sự hối hả đuổi theo hòng bắt lại con chim, ta nhận ra ham muốn sở hữu của con người lớn nhường nào. Nó khiến người ta bất chấp tất cả để đạt mục đích. Nhân vật “tôi” đã ôm theo cả “khung nắng, khung gió”, cả “nhành cây xanh” đuổi theo con chim, hòng lấy không gian trong trẻo, tươi tắn thu hút nó. Nhịp điệu của các dòng thơ giúp ta hiểu được dòng chảy gấp gáp, mạnh mẽ của cảm xúc và ý nghĩ, điều đang chi phối toàn bộ tâm trí nhân vật trữ tình.

 

Nhưng dù ham muốn của con người lớn đến mức nào, thiên nhiên cũng không chiều lòng người. Con chào mào đã “vô tăm tích”, để lại nhân vật “tôi” với những suy tư khác.

 

Trong vô tăm tích tôi nghĩ

Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

Trái cây chín đỏ

Từng giọt nước

Thanh sạch của tôi.

 

Khoan hãy phê phán mong muốn độc chiếm của nhân vật “tôi”, bởi ai cũng có sự ích kỷ, cũng muốn giữ riêng cho mình những điều đẹp đẽ trên đời. Nhưng khi sự ích kỷ trỗi dậy, ta hành động thế nào để hóa giải mới là điều quan trọng. Hãy lưu tâm để thấy, nhân vật “tôi” mới chỉ vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ, nhưng đã lập tức ân hận và xấu hổ vì ý nghĩ ấy. Niềm day dứt đó cho thấy: cái xấu không chỉ xảy ra bằng hành động mà trước hết xảy ra trong ý nghĩ. Nếu bạn nghĩ nhiều hơn đến điều tốt đẹp, biết cách gạt bỏ những ý nghĩ không tốt thì điều thiện sẽ nhiều hơn, cuộc sống này sẽ nhiều tiếng hót ngân vang của những con chào mào xinh đẹp hơn. Con người sẽ được hưởng nhiều niềm vui, hạnh phúc hơn từ sự thanh lọc tâm ý của chính mình. Nhân vật “tôi” đã nhận ra được sự ích kỷ của mình để rồi tự vẽ ra một không gian tự nhiên, giàu có, ấm áp như là món quà chuộc lỗi với con chim. Với nhân vật “tôi”, không gian ấy “thanh sạch” bởi nó không bị những ý nghĩ ích kỷ hẹp hòi làm vẩn đục. Đến những câu thơ này, có thể nhận ra một chiều sâu nữa của tác phẩm. Nhà thơ Mai Văn Phấn đã cảm nhận rất sâu sắc về mối quan hệ của con người với tự nhiên: con người không thể sở hữu tự nhiên, vì con người là một phần của tự nhiên nên chỉ có thể sống hòa hợp, tương giao với vạn vật trong tự nhiên. Con chào mào trong bài thơ cũng như con người, có quyền sống tự do, yên ổn với môi trường của nó. Con người chỉ nên thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên mà không được phép chiếm hữu làm của riêng. Đó mới là ý nghĩa chân thực của sự sống.

 

Bài thơ kết thúc trong âm thanh ngân vang của tiếng chim hót. Lúc này, tiếng chim ấy như một khúc nhạc tuyệt trần, như khúc nhạc của thiên thần bởi nó vang lên trong tâm trí đã được làm trong, làm lành của nhân vật “tôi”. Tiếng hót ấy vang lên từ trong tình yêu thuần khiết dành cho thiên nhiên. Khi con người đã biết tôn trọng thiên nhiên, biết ứng xử với thiên nhiên bằng tấm lòng trong sáng vô điều kiện thì con người sẽ nhận được thật nhiều hạnh phúc:

 

Chẳng cần chim lại bay về

Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.

 

Hà Nội, ngày 13/6/2021

Đ.T.H

 

 

Mai Văn Phấn

 

 

CON CHÀO MÀO

 

Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

Hót trên cây cao chót vót

triu… uýt… huýt… tu hìu…

 

Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

Sợ chim bay đi

 

Vừa vẽ xong nó cất cánh

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo

 

Trong vô tăm tích tôi nghĩ

Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

Trái cây chín đỏ

Từng giọt nước

Thanh sạch của tôi

 

triu… uýt… huýt… tu hìu…

 

Chẳng cần chim lại bay về

Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.

 

M.V.P

 

(Rút từ tập thơ “Bầu trời không mái che”, NXB Hội Nhà văn, 2010)

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder