Tôi đã thật sự xúc động khi tìm thấy trong đống bản thảo ấy bản nháp bài thơ nổi tiếng “Đi học”. Minh Chính đã viết bằng mực Cửu Long xanh đen trên giấy thếp. Hoá ra bài thơ được viết lần đầu từ năm 1959 với dòng chữ “Kỷ niệm thăm Thản”. Thản ở đây là Trạm Thản, một địa danh trên đất cọ Vĩnh Phú. Minh Chính đã sửa lại trong những năm sau đó, khi miền Bắc đã bước vào chiến tranh (có hai câu thơ viết thêm mà anh đã không đưa vào bản chính thức,
Vanhaiphong.com – Bài thơ “Đi học” của Hoàng Minh Chính được NXB Kim Đồng đưa vào tuyển tập thơ thiếu nhi “Mặt trời xanh” vào năm 1971 và in trong sách giáo khoa cấp Tiểu học mấy chục năm qua, đặc biệt khi được nhạc sỹ Bùi Đình Thảo phổ nhạc vào năm 1976 thì bài thơ được chắp cánh bay xa. Người đọc, học thơ, người hát, người nghe lại ít biết về số phận của bài thơ và tác giả của nó.
Nhân dịp ngày khai trường năm học 2015-2016 chúng tôi trân trọng giới thiệu nguyên gốc bài thơ “Đi học” của nhà thơ liệt sỹ Hoàng Minh Chính và cuộc hành trình tìm kiếm bài thơ và tác giả của nó của một nhà thơ tài hoa: Trần Hoà Bình.
Hoàng Minh Chính
Đi học
Cọ xoè ô che nắng
Râm mát đường em đi
Hương rừng thơm đồi vắng
Nước suối trong thầm thì…
Hôm qua em tới trường
Mẹ dắt tay từng bước
Hôm nay mẹ lên nương
Một mình em tới lớp
Đường xa em đi về
Có chim reo trong lá
Có nước chảy dưới khe
Thì thào như tiếng mẹ
Trường của em be bé
Nằm lặng dưới dặng cây
Cô giáo em tre trẻ
Dạy em hát rất hay.
( Nguyên bản viết lần đầu tiên – theo sưu tầm của nhà thơ Trần Hoà Bình)
Đi học
Cọ xòe ô che nắng
Râm mát đường em đi
Hương rừng thơm đồi vắng
Nước suối trong thầm thì
Hôm qua em tới trường
Mẹ dắt tay từng bước
Hôm nay mẹ lên nương
Một mình em tới lớp
Đường xa em đi về
Có chim reo trong lá
Có nước chảy dưới khe
Thì thào như tiếng mẹ
Dù bom rơi đạn nổ
Em vẫn học vẫn hành
Vẫn ngắm màu cờ đỏ
Rạo rực giữa rừng xanh
Trường của em be bé
Nằm lặng dưới dặng cây
Chiến hào chạy giữa lớp
Chẳng sợ gì máy bay
Cô giáo em tre trẻ
Dạy em hát rất hay
Mũ rơm thơm em đội
Hương cốm chen hương rừng
Mỗi lần em tới lớp
Là một lần lớn thêm
(Bản đã chỉnh sửa và bổ sung các câu viết thêm)
Điều chưa biết về tác giả bài thơ “Đi học” – Trần Hoà Bình
Ðầu năm 1996, Nhà xuất bản Giáo dục chuẩn bị cho ra mắt bạn đọc cuốn “Thơ chọn với lời bình” (tập 2). Tôi nhận viết lời bình cho sáu bài thơ, trong đó có bài “Đi học” của Minh Chính.
Nhưng rồi sức hút của bài thơ tôi đã làm hơn phần việc của mình – đi tìm chân dung nhà thơ của một bài thơ nổi tiếng mà không nhiều người biết rõ về lai lịch. Chuyện trôi qua cũng đã lâu nhưng cứ mỗi khi mùa tựu trường đến, câu chuyện này lại sống lại trong tôi.
Lúc nhận việc bình thơ thì hào hứng, nhưng đến khi ngồi vào bàn viết tôi mới thật sự thấy vất vả, không biết nên bình bán bài thơ ra sao. Lạ thế, có những bài thơ hay đến mức tự mình thấy… không nên nói gì thêm về nó nữa! Tôi cũng không biết gì nhiều về tác giả Minh Chính, ngoại trừ một thông tin đã tình cờ được nghe từ khá lâu qua đài phát thanh: Minh Chính là một anh bộ đội thời chống Mỹ, trong chùm thơ anh gửi từ chiến trường ra NXB Kim Đồng, có bài “Đi học”.
Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng làm xong phần việc của mình, tuy rằng phần thông tin về tác giả bài “đi học” không nhiều. Ngỡ là phần việc của mình đã xong, nhưng một buổi sáng cuối tháng 5 vừa rồi, chị Trần Phú Bình – người biên tập cuốn sách nói trên của NXB Giáo dục – phôn cho tôi: “Gay quá Bình ạ, bọn mình chưa đành lòng mang sách đi in chỉ vì vẫn phải bỏ trống phần giới thiệu tiểu sử tác giả Minh Chính. Bọn mình đã hỏi nhiều người, tìm hiểu nhiều nơi mà vẫn chưa ra. Bình có cách nào giúp được không?”. Tôi hơi bị bất ngờ trước ý thức trách nhiệm và thái độ cẩn trọng của những người làm sách. Chỉ vì vài ba dòng giới thiệu sơ lược về một tác giả “không quan trọng”, in kèm theo bài thơ, mà họ chưa thể kết thúc công việc – trong khi họ hoàn toàn có thể đặt vào đó một dấu chấm hỏi nghi vấn là xong! Tôi đáp là tôi sẵn lòng nhưng chưa biết giúp chị bằng cách nào. “Bình có quen nhạc sĩ Bùi Đình Thảo không?”. “Dạ không, nghe nói ông ấy ở một nơi nào đó tít dưới Nam Hà kia!”…
Giữa lúc đó, vào khoảnh khắc mà tôi đã cảm thấy sự bế tắc, thì lạy trời, trí nhớ của tôi chợt loé lên: Phải rồi, có một lần nào đó trong một hoàn cảnh ngẫu nhiên nào đó, nhà thơ trẻ Vũ Khánh ở Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Phú có bảo tôi rằng tác giả bài thơ “Đi học” còn có một số người thân hiện ở tại đất Vĩnh Phú! Tôi mừng rỡ “ơrêka” với chị Phú Bình và hứa sẽ thử liên lạc với Khánh xem sao. Điện thoại đường dài với Vũ Khánh. Hai hôm sau Khánh trả lời: Minh Chính có một người bạn gái rất thân và hiện nay chị ấy là Phó giám đốc Sở Giáo dục Vĩnh Phú. Khánh cho tôi số điện thoại của chị Trần Thị Tước.
Tôi gọi cho chị Tước, xin lỗi về sự đường đột và trình bày lý do. Từ đầu dây bên kia, tôi cảm nhận rất rõ sự ngơ ngác trong giọng nói của người phụ nữ trung niên. Hỏng rồi! Tôi thầm kêu lên. Chị Tước bảo: “Tôi không quen biết anh Minh Chính. Nhưng anh ấy là một tác giả trong chương trình tiểu học, lại là một liệt sĩ và như anh nói có thể liên quan tới đất Vĩnh Phú, thì việc tìm hiểu về anh ấy sẽ là một trách nhiệm chung của chúng tôi. Có thể có ai đó trong ngành của chúng tôi biết chăng. Tôi sẽ báo lại cho anh”. Thú thực là nghe chị Tước nói, tôi đã hoàn toàn hết hy vọng. Nhưng ngay từ đầu giờ chiều, chuông điện thoại nhà tôi réo lên. Tiếng chị Tước hồ hởi: “Tôi đã giúp anh được rồi đấy. Ngay ở Sở tôi có một người rất biết anh Minh Chính. Chị ấy là Cù Thị Kim Hợp, nhà giáo ưu tú và cũng là Phó giám đốc Sở. Tôi đã nói yêu cầu của anh và chị ấy đang sẵn sàng tiếp anh. Số điện thoại của chị ấy đây…”. Té ra là Sở giáo dục Vĩnh Phú có tới hai bà Phó giám đốc và Vũ Khánh đã nhầm bà nọ sang bà kia.
Tôi chuyển sang số máy của chị Hợp và gặp ngay người cần gặp. Chị Hợp cho biết chị là bạn học cùng trường Hùng Vương (Vĩnh Phú) với Minh Chính, có liên lạc với anh khi chị đã là sinh viên và hiện còn giữ được một số bản thảo của anh, nhưng – lời chị Hợp – “Thú thực là chúng tôi không quan tâm lắm tới những điều thuộc về tiểu sử của nhau, ví như năm sinh, quê gốc…”. “Nhưng theo tôi được biết thì chị và anh Minh Chính còn có cái gì đó… hơn cả tình bạn kia mà!” – tôi bạo miệng thắc mắc. Tiếng chị Hợp cười giòn giã: “Cũng chẳng biết nữa, nhưng có lẽ là tình bạn thôi… Tuy nhiên những điều anh cần biết, tôi có thể giúp anh được. Ngay bây giờ tôi sẽ điện cho em ruột của anh Chính để hỏi lại cho chính xác, sau đó tôi sẽ báo lại cho anh. Còn nếu anh muốn tiếp xúc với các bản thảo của anh ấy, thì hôm nào rảnh mời anh qua Việt Trì, tôi sẽ đưa anh xem”.
Cuối giờ chiều, chị Hợp gọi lại cho tôi. Cuộc đàm thoại kéo dài khoảng nửa tiếng đồng hồ. Tôi vừa nghe, vừa hỏi vừa ghi chép kín một trang giấy khổ lớn. Cuối cùng, thay mặt NXB Giáo dục, tôi cảm ơn chị đã cung cấp những tư liệu rất quý để cuốn sách có thể ra đời một cách hoàn chỉnh hơn. Chị Hợp không nhận lời cảm ơn, chị nói rất xúc động: “Tôi cũng như anh, chúng ta đang làm một việc không phải cho riêng mình. Đây là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta đối với những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh, như anh Minh Chính. Còn nếu nói lời cảm ơn thì lời đó phải là của chúng tôi, những bạn bè cũ cùng trường với anh Minh Chính, gửi tới anh và cả những người làm sách vì các anh các chị đã giúp cho các em học sinh và bạn đọc được biết về một anh bộ đội làm thơ đã hy sinh trong thời chống Mỹ…”.
Vậy là tôi đã có thể viết thêm mấy dòng giản dị giúp chị Phú Bình, bổ sung vào phần còn bỏ trống trong bản thảo cuốn sách đang chờ đưa sang nhà in. Mấy dòng ấy như sau: “Minh Chính, tên đầy đủ Hoàng Minh Chính. Sinh năm 1944 tại xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Hà. Theo gia đình lên Phú Thọ năm 1948. Học sinh trường Hùng Vương. Nhập ngũ năm 1963. Vào chiến trường B2 năm 1966, cấp bậc Thượng uý đại đội trưởng thuộc Sư đoàn 312. Hy sinh tháng 3/1970 tại Quảng Trị. Bắt đầu in thơ trên các tờ báo từ 1964. Một số bài đã in: Đường về quê mẹ, Dòng sông Công, Cô gái lái đò…”.
Sau lời hẹn với chị Hợp, tôi rủ anh bạn Tân Linh ở báo Văn hoá cùng đi thành phố Việt Trì. Đến nơi, lại có thêm Vũ Khánh nhập bọn. Khi đó chị Hợp ở trong một gian nhà tập thể của giáo viên trường chuyên Vĩnh Phú, nơi chồng chị đang giữ cương vị Hiệu phó nhà trường. Nếp sống của gia đình bà Phó giám đốc Sở toát lên vẻ thanh bạch của nghề dạy học. Chị Hợp mở tủ đem ra cho chúng tôi một bọc toàn giấy tờ sổ sách. Đây là những kỷ vật của Minh Chính.
Ngoài hai tập thơ khá dày của anh do cụ thân sinh tự tay chép lại để lưu giữ (“Hôm trước cụ cho chị mượn để các em xem” – chị Hợp giải thích), còn lại là nhiều bản thảo thơ và một số thư riêng do Minh Chính viết – trên những cỡ giấy khác nhau, tất cả đều đã ố vàng, có nhiều gạch xoá, nhưng nhìn chung là vẫn dễ đọc vì chữ anh khá chân phương. Có một bản nhạc do Minh Chính sáng tác mang tựa đề “Nhớ” với lời đề “Tặng hai năm xa H”. Có tập thơ mỏng “Thơ bộ đội đường 9” do Tuyên huấn mặt trận Đường 9 ấn hành năm 1968, trong đó Minh Chính có hai bài, một bài ký tên Bách Hợp. Thẻ đoàn viên của Minh Chính mang số 1614002, ghi: “Ngày vào Đoàn: 29/12/1963. Nhận dạng: Cao 1m63, sẹo bên trái dưới cằm”. Đoàn phí đóng liên tục đến tháng 2/1966 thì ngừng, bởi sau đó anh đi chiến trường. Tôi lưu ý đến một cái truyện ngắn nước ngoài có tựa đề “Boa-ten” không rõ của tác giả nào mà Minh Chính đã cắt ra từ một cuốn sách, gửi cho chị Hợp. Một câu chuyện buồn, đại khái nói về một đôi trai gái yêu nhau nhưng duyên của họ không thành. Minh Chính dùng bút mực gạch chân mấy chữ trong truyện: “Từ đó trở đi tôi chẳng còn thiết đến một cái gì nữa”. Anh đã mượn lời nhân vật trong truyện để nói giúp lòng mình, tôi rụt rè hỏi chị Hợp:
– Hình như “có vấn đề” gì đó phải không chị?
– Chuyện này rất khó lý giải – chị Hợp đáp – Anh Minh Chính cùng lứa tuổi với bọn mình, nhưng học sau một lớp ở trường Hùng Vương. Anh để ý mình từ bao giờ, mình đâu có hay. Mãi sau này bạn bè nói mình mới biết, khi ấy mình vẫn chưa biết mặt anh vì trường rất đông học sinh. Anh ấy tình nguyện nhập ngũ khi đang học lớp 9. Mình chính thức biết anh ấy khi đang là sinh viên, trong một trường hợp khá tiểu thuyết: bọn mình đang học tại nơi sơ tán ở Đại Từ (Thái Nguyên) thì anh Chính (lúc ấy là cán bộ khung tiểu đoàn) đưa quân lên đó huấn luyện, chuẩn bị đi B. Tiểu đoàn anh ấy tình cờ đóng quân rải rác trong các nhà dân nơi bọn mình sơ tán. Ngay buổi tối mới đến một nhà dân, nghe nhà bên có tiếng con gái hát, anh ấy hỏi bà chủ nhà. Bà ấy bảo đấy là cô Hợp, quê Vĩnh Phú, rồi tả người cho anh ấy nghe. Thế là anh ấy sang tìm: “Hợp có đoán ra tôi là ai không?”. Đợt huấn luyện ấy kéo dài ba tháng, anh giữ quan hệ rất tốt với cả nhóm sinh viên bọn mình. Ai cũng quý mến anh, chàng sĩ quan tài hoa, giàu tâm hồn… Sau đó anh vẫn thư từ cho mình. Cái truyện ngắn ấy, anh gửi kèm một lá thư trước khi đi “B dài”…
Lá thư cũng rất ngắn, có đoạn: “Hôm nay 3/9/1969, sau ba năm chiến đấu được trở về quê hương… Được tin Bác mất, Hợp thì đi lấy chồng. Trong lòng tôi, ai biết vết thương nào đau xót hơn? Mình lại đi B dài, lần thứ hai. Viết mấy chữ gửi thăm Hợp và các cháu…”. Chị Hợp cho biết tin chị lấy chồng vào thời điểm này là “thất thiệt” vì khi ấy chị vẫn chưa cùng ai.
Tôi đã thử đi tìm dấu vết của nỗi buồn riêng này trong số các bản thảo của Minh Chính để lại, nhưng hầu như không thấy. Chúng đã thất lạc hay chính anh đã tự huỷ đi?
Nhưng có lẽ là cuộc sống ác liệt nơi chiến trường mấy năm sau đó đã cuốn anh sang một mạch khác. Thơ anh không hiếm câu hay bài hay và chúng nằm trong phong cách chung của thơ ca những năm chặng giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngời lên niềm tin và lý tưởng của một thế hệ thanh niên mặc áo trận, ra đi từ các mái trường XHCN…
Tôi đã thật sự xúc động khi tìm thấy trong đống bản thảo ấy bản nháp bài thơ nổi tiếng “Đi học”. Minh Chính đã viết bằng mực Cửu Long xanh đen trên giấy thếp. Hoá ra bài thơ được viết lần đầu từ năm 1959 với dòng chữ “Kỷ niệm thăm Thản”. Thản ở đây là Trạm Thản, một địa danh trên đất cọ Vĩnh Phú. Minh Chính đã sửa lại trong những năm sau đó, khi miền Bắc đã bước vào chiến tranh (có hai câu thơ viết thêm mà anh đã không đưa vào bản chính thức, cho phép đoán định thời điểm sửa lại đó: “Chiến hào chạy giữa lớp. Chẳng sợ gì máy bay”). Những câu thơ quen thuộc “Trường của em be bé. Nằm lặng giữa rừng cây. Cô giáo em tre trẻ. Dạy em hát rất hay”, cũng là được viết thêm trong lần sửa chữa. Trật tự các khổ thơ cũng được sắp xếp lại…
Tôi đã có trong tay cả trăm bài thơ của Minh Chính ở dạng bản thảo, với một nghĩa cử được gửi gắm. Chị Hợp bảo: “Mình và các bạn cũ của anh Minh Chính ở trường Hùng Vương rất muốn in một tập thơ cho anh, chưa làm được thì còn cảm thấy có lỗi với người đã khuất, nhất là sang năm lại có dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường. Nhưng trong số bọn mình lại chưa có ai quen làm việc này… Nếu các em muốn biết thêm về anh Minh Chính, mình sẽ giới thiệu với em ruột của anh ấy”.
Chúng tôi lại tiếp tục rong ruổi trên đất Phong Châu. Em ruột của Minh Chính khi đó hoá ra lại là ông giám đốc của một cơ sở công nghiệp nổi tiếng: Nhà máy ắc quy Vĩnh Phú. Anh là kỹ sư Hoàng Quốc Vinh, đã từng nhiều năm là Bí thư Đoàn của Nhà máy ắc quy Tia Sáng (Hải Phòng) (Sau này Hoàng Quốc Vinh có một số vấn đề liên quan đến pháp luật nhưng chúng tôi xin không nhắc lại ở đây). “Những kỳ nghỉ hè về quê, gặp dịp hợp tác xã có tổng kết, anh Chính vẫn sáng tác các điệu xẩm và làm ca dao cho bà con nghe” – anh Vinh nói.
Quê gốc Minh Chính ở Nam Hà. Dòng họ nhà anh có tới năm đời là đốc học. Gia đình anh, cả bên nội và bên ngoại đều có truyền thống về nghề dạy học và văn chương. Anh Vinh bảo: “Thú thực là ông cụ tôi không muốn con cái dính vào văn chương nữa. Có lẽ là từ cuộc đời thăng trầm và số phận của bác Nhượng Tống mà ông cụ có ý nghĩ ấy chăng. Vậy mà vẫn cứ nảy ra anh Minh Chính, đắm đuối với thơ phú từ nhỏ…”.
Cụ thân sinh của sáu anh chị em Minh Chính lên Phú Thọ từ năm 1948, từng làm trưởng ty túc mễ (lương thực) cho chính quyền Việt Minh. Sau này cụ làm phó ty Nông nghiệp Vĩnh Phú cho đến khi về hưu. Bà mẹ cũng theo chồng đi tản cư, gồng gánh mấy đứa con đầu qua các nẻo đường khói lửa trên khắp đất trung du… Còn ít tuổi nhưng Minh Chính đã được chứng kiến những cảnh đó, trong một bài thơ dài sau này, anh đã nhắc lại những năm tháng ấy như một ấn tượng sâu đậm.
– Anh có nhớ lần cuối cùng gặp anh Minh Chính không? – Tôi hỏi.
– Có chứ, đó là cuối năm 1969, trước khi anh Chính trở lại chiến trường. Lúc ấy anh đã hai lần được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt cơ giới, một bằng dũng sĩ diệt tàu chiến, nhưng anh ấy cũng đã bị thương ở chân. Về sáng tác, anh ấy đã in một số bài thơ trên các báo và có quan hệ với một vài nhà văn đàn anh như Xuân Thiều, Xuân Thiêm cùng một số bạn viết khác. Lúc ấy, tôi là sinh viên đại học Bách khoa từ nơi sơ tán về Hà Nội để làm luận văn tốt nghiệp. Anh em chúng tôi đi dạo phố trước khi chia tay.
Tôi thấy anh có vẻ buồn buồn nhưng không dám hỏi. Qua bến ôtô, thấy người ta chen lấn cãi vã nhau, anh thở dài: “Ở chiến trường người ta sống với nhau thương yêu lắm”, rồi xốc ba lô tập tễnh bước đi. Tôi nhớ mãi cái dáng đi tập tễnh của anh, thương đến tận bây giờ… Không ngờ đó là lần cuối anh em được ở bên nhau. Khoảng giữa năm 1970, chúng tôi nhận được tin anh đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Cho đến hôm nay, gia đình vẫn chưa biết đích xác mộ chí của anh ở đâu…
Tôi kể lại hành trình đi tìm tác giả bài thơ “Đi học” không phải với ý định đánh giá một tài năng hay không phải tài năng. Chỉ đơn giản là tôi muốn bày tỏ niềm xúc động của mình trước tấm lòng của những người đang sống hôm nay đối với những người đã ngã xuống vì sự sống còn của đất nước.
Và nữa, đây cũng là dịp để tôi được biết thêm một trong rất nhiều gương mặt của một thế hệ tuyệt đẹp – những người đã sẵn sàng hy sinh tất cả: tình yêu, học hành, những say mê, ước vọng của bản thân – để cầm súng ra trận. Nếu không có sự dở dang nghiệt ngã ấy, nhiều người trong số họ rất có thể sẽ trở thành những tài năng, những người nổi tiếng. Nhưng họ đã ra đi và mãi mãi không trở về. Tự hào thay và cũng đau đớn thay!
Trần Hòa Bình