Bài thơ “Người đẹp” – Lò Ngân Sủn

Thơ viết về người đẹp, thường phải sử dụng phương pháp đặc tả để thể hiện rõ từng đường nét vóc dáng và qua vẻ hình thức, ngòi bút thơ còn phải nẩy, tỉa sao cho vẻ nội dung phong tư cốt cách, tinh thần, phẩm hạnh của người đẹp được phát hiện ra. Ấy mới thực là vẽ được cái thần sắc và chỉ được vậy, nhan sắc kia mới thực quý giá.

Ai viết tên em bằng ánh sáng
Ai vẽ hình em bằng ánh trăng

(Dân ca Dáy)

Người đẹp trông như tuyết
chạm vào thấy nóng
Người đẹp trông như lửa
sờ vào thấy mát
Người không khát – nhìn người đẹp cũng khát
Người không đói – nhìn người đẹp cũng đói
Người muốn chết – nhìn người đẹp lại không muốn chết nữa

Ơ! Người đẹp là ước mơ
Treo trước mắt mọi người!

Nguồn: Bữa tình yêu, Lò Ngân Sủn, NXB Hội nhà văn, 2005

 

Lời bình của Đỗ Trọng Khơi

Thơ viết về người đẹp, thường phải sử dụng phương pháp đặc tả để thể hiện rõ từng đường nét vóc dáng và qua vẻ hình thức, ngòi bút thơ còn phải nẩy, tỉa sao cho vẻ nội dung phong tư cốt cách, tinh thần, phẩm hạnh của người đẹp được phát hiện ra. Ấy mới thực là vẽ được cái thần sắc và chỉ được vậy, nhan sắc kia mới thực quý giá.

Tấm chân dung Người đẹp của Lò Ngân Sủn thì khác, hoàn toàn khác! Nhà thơ không hề dư bút nẩy lấy một câu về cái nết cái thần của sắc đã đành mà ngay cả vẻ hình thức của nhan sắc cũng không mẩy một chữ. Đây là thơ nói về người đẹp chung. Nghĩa là, loài- người- đẹp đã chắc chắn được tôn vinh rồi, qua rồi cái đận cần sự xét nét bình chọn của người đời. Do vậy thì miễn bàn về điểm này nữa.

Thơ không tả mà chỉ kể. Kể ào ào một hơi bảy dòng ra những hiệu ứng tâm lý do người đẹp gây ra cho con người ta. Không son phấn hoa mỹ cho chữ, không mượn mây nẩy trăng cho nghĩa. Kể về người đẹp là chỉ về người- đẹp thôi. Chữ nghĩa thẳng băng và tung ra chữ nào là lấy đinh đóng cứng ngay lại chữ ấy. Không thể đơn sai, bất di bất dịch. Để thuyết phục rằng, người đẹp ở đây là người sống chứ không phải là ở trong tranh hay trong thơ. Nhà thơ dùng thủ pháp cụ thể hóa con chữ để cho bàn tay- thơ hết chạm lại sờ thấu tận nỗi nóng lạnh trên thân nhiệt của người đẹp.

Người đẹp trông như tuyết
Chạm vào lại thấy nóng
Người đẹp trông như lửa
Sờ vào lại thấy mát
Người không khát- Nhìn thấy người đẹp cũng khát
Người không đói- Nhìn thấy người đẹp cũng đói
Người muốn chết- Gặp người đẹp lại không muốn chết nữa…

Hiệu ứng tâm lý qua biểu hiện của đoạn thơ trên được phản ứng từ các trạng thái, tính chất: nước- lửa, nóng- lạnh, đói- khát, cái chết và sự hồi sinh. Những hiệu ứng, phản ứng tâm lý hay vật lý đó lại được nhà thơ “diễn” cứ như chơi, như đùa. Tôi đồ rằng, đọc đoạn thơ trên không ai không mỉm cười. Và chừng như ông Lò Ngân Sủn cũng chỉ cần có vậy. Hiệu ứng tâm lý sinh lý từ thân nhiệt ngọc ngà nhập vào ông, sai khiến lời ông để sinh ra hiệu quả nghệ thuật vậy. Khi đạt được hiệu quả đó rồi, sự từng trải, lọc lõi nhà nghề mới nhắc nhở cảm xúc thơ điều phải làm tiếp.

Bài thơ Người đẹp có 10 câu thơ, Lò Ngân Sủng dụng 7 câu để trào lộng, phiếm chỉ. Còn lại ba câu, nói đúng hơn, 2 câu với một chữ “Ơ” bỗng được sử dụng một cách nghiêm trang. Sự nghiêm trang xuất hiện từ điểm dấu lặng đặt trước chữ “ơ” ngỡ ngàng, hờ gọi. Và rồi, điều nghiêm trang- cực kỳ nghiêm trang được đúc kết, nghiền ngẫm mới xuất lộ:

Ơ!
Người đẹp là ước mơ
Treo trước mắt mọi người

Như một mệnh lý, chỉ đợi có vậy, 7 dòng có 49 từ trên lập tức được sắp xếp ngay ngắn, nghiêm trang lại. Sự vui đùa bỗng hóa thành thực rất mực. Một thành thực nói rằng: Người đẹp không là của riêng ai mà là một ước mơ- treo trước mắt mọi người!

Thực là một cách nói năng đầy yếu tố dòng dõi của người dân tộc thiểu số xứ Cao- Lạng, ngỡ phi người họ Lò không ai nói năng được vậy.

Quả thực là một cuộc vui đùa lộng lẫy.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder