Bao giờ có cách hiểu đúng về bài ca dao “Thằng Bờm”?

Bài ca dao cổ “Thằng Bờm” đã đi vào đời sống dân gian từ rất lâu. Tuy nhiên hiểu thế nào cho đúng và trúng “tư tưởng” mà tác giả dân gian muốn gửi gắm vào đó quả là không phải câu chuyện dễ dàng. Đã có hàng trăm bài bình và theo đó đưa ra vô số cách hiểu, đặc biệt cách hiểu ở câu cuối: Phú ông xin đổi nắm xôi. Bờm cười. Tuy nhiên đáp án cuối cùng chỉ có một cách hiểu đúng nhất. Chúng tôi xin đăng tải hai bài viết dưới đây và câu trả lời dành cho bạn đọc.

Vanhaiphong – Bài ca dao cổ “Thằng Bờm” đã đi vào đời sống dân gian từ rất lâu. Tuy nhiên hiểu thế nào cho đúng và trúng “tư tưởng” mà tác giả dân gian muốn gửi gắm vào đó quả là không phải câu chuyện dễ dàng. Đã có hàng trăm bài bình và theo đó đưa ra vô số cách hiểu, đặc biệt cách hiểu ở câu cuối: Phú ông xin đổi nắm xôi. Bờm cười. Tuy nhiên đáp án cuối cùng chỉ có một cách hiểu đúng nhất. Chúng tôi xin đăng tải hai bài viết dưới đây và câu trả lời dành cho bạn đọc.

Trong chương trình “Ai là triệu phú” của VTV3 ĐÀI TRUYỀN HìNH VIỆT NAM phát lúc 19h45 ngày 4-1-2005 có câu hỏi đại ý như sau: Bạn hãy cho biết trong bài ca dao  “Thằng Bờm” thì Bờm đã đổi quạt mo lấy gì trong bốn thứ sau: ao sâu cá mè, bè gỗ lim, chim đồi mồi, nắm xôi. Người chơi trả lời: “Nắm xôi”. Đáp án của nhà tổ chức là đúng và người chơi được điểm.

Cũng ở VTV3 ĐÀI TRUYỀN HìNH VIỆT NAM trong chương trình: “Chúng tôi là chiến sĩ” phát vào khoảng trung tuần tháng 8-2913 thì một đơn vị bộ đội đã cho các chiến sĩ lên diễn một hoạt cảnh ca nhạc vui dựa theo nội dung bài ca dao: THẰNG BỜM có cảnh đạo diễn cho nhân vật Bờm cầm nắm xôi của Phú Ông ăn ngon lành.

Tôi liền đưa vấn đề này ra thăm dò cách hiểu của bạn bè, anh em, cùng bà con làng xóm xung quanh thì thấy ai cũng cho là Bờm đồng ý!

Trời ơi! Qủa là một sai lầm nghiêm trọng! Hai từ cuối của bài ca dao đó là: “Bờm cười” chứ có từ nào thể hiện là Bờm đồng ý đổi đâu! Chúng ta hãy suy ngẫm xem “Bờm cười” như thế nào nhé!

Trong bài ca dao này nhắc đến hai nhân vật Phú Ông và thằng Bờm. Nếu ta hiểu thằng Bờm như cách hiểu của nhiều người hiện nay thì có thể coi đó là một người ngớ ngẩn, dở hơi, hâm hấp… giống như bộ phim truyện “Thàng Bờm” đã mô tả. Nếu vậy Phú ông lại là người dở hơi, hâm hấp hơn cả Bờm. Không thế thì tại sao hắn lại đem những tài sản khổng lồ đổi lấy cái quạt mo, một thứ mà ở nông thôn Việt nam có thể đi xin được. Họa chăng chỉ có thằng điên mới đổi thế. Vậy Phú Ông ở đây có điên không? Xin thưa là không điên! Nếu hắn điên thì sao giàu có đến như vậy? Phú Ông là đại diện cho tàng lớp người giàu có xưa. Chúng rất nham hiểm, mưu mô, thủ đoạn! Đã có biết bao nhiêu tác phẩm văn chương của các nhà văn lớn như Ngô tất Tố, Nguyễn công Hoan, Nam Cao… viết về những hạng người này. Mọi cách bòn rút của cải, mồ hôi, nước mắt… của những người nông dân như Bờm là tinh quái lắm. Vậy Phú Ông gạ đổi những tài sản kếch xù kia lấy cái quạt mo là thật hay giả? Nhằm mục đích gì? Nếu hiểu đúng thì ở ngay những lần gạ đổi đầu này Phú Ông đã xúc phạm đến Bờm. Giai cấp bóc lột đã xúc phạm đến giai cấp bị bóc lột. Kẻ giàu sang đã thẳng thừng mỉa mai người nghèo khó. Phú Ông vờ vịt gạ đổi để khoe của một cách hợm hĩnh. Trong bụng Phú Ông muốn thầm bảo với Bờm rằng: “Bờm ơi! Mày nghèo kiết xác, chả có gì ngoài cái quạt mo. Mày hãy xem tao đây này: Ba bò chin trâu, ao sâu cá mè, gỗ lim, chim đồi mồi…” Đặt chúng ta ở cương vị Bờm sẽ phản ứng ra sao? Ai mà chả xử trí như Bờm, tức là “ sẽ tặng” cho Phú Ông- kẻ đang mỉa mai mình- một nụ cười khinh bỉ. Bờm khinh những bè gỗ lim, chim đồi mồi là có lí lắm chứ! Bởi những thứ đó là mồ hôi, nước mắt của Bờm và bao người nông dân nghèo khó khác. Gía trị kinh tế của những tài sản đó lớn nhưng về giá trị tinh thần thì sao thơm tho bằng cái quạt mo của Bờm! Cho đến khi Phú Ông tỏ ra đứng đắn hơn trong cuộc gạ đổi này là đưa ra một nắm xôi, thứ có giá trị tương đương với cái quạt mo thì hàm ý mỉa mai vẫn chưa hết. Phú Ông một lần nữa muốn thầm bảo Bờm rằng: “Thôi lại đây ông cho nắm xôi mà ăn kẻo đói”. Hiểu rất rõ hàm ý đểu cáng của Phú Ông nên tác giả dân gian để cho “Bờm cười”. Vậy hà cớ chi chúng ta không hiểu đó là nụ cười mỉa mai, khinh bỉ của một người thông minh, biết ta biết người?

Bài ca dao sử dụng cách nói bóng thật dung dị như lối nói thông thường của người Việt. Cách dùng đại từ nhân xưng; “THẰNG” để chỉ Bờm đã đạt hiệu quả thể hiện tối đa. Phú Ông mới gặp “THẰNG BỜM” chứ chưa gặp phải “BỐ BỜM” hay: “CỤ BỜM” thì còn là “ÁC LIỆT” hơn nhiều.

Hiệu quả sử dụng điệp ngữ ở đây đã được phát huy để hỗ trợ  cho chủ đề tư tưởng. Cụm từ: “phú ông xin đổi” được điệp lại tới năm lần thể hiện sự cố tình đến đáng gét của một kẻ trịch thượng, khoe khoang.

Ngược lại cụm từ: “Bờm rằng Bờm chẳng” được điệp lại lần lượt tới bốn lần thể hiện thái độ khẳng khái, dứt khoát không hề do dự của Bờm trước ý đồ xấu của phú ông.

Đặc biệt cấu trúc số lượng âm tiết trong thể thơ lục bát cũng được tác giả dân gian tận dụng để thể hiện thái độ khinh miệt của Bờm đối với những món tài sản kếch sù mà phú ông  muốn khoe khoang. Các món tài sản đưa ra khoe, phú ông phải dùng tới bốn âm tiết để chỉ rất trang trọng: “ba bò chín trâu”, “ao sâu cá mè”, “ba bè gỗ lim”, “con chim đồi mồi”. Với Bờm mỗi món tài sản ấy lại chỉ cần gọi bằng một âm tiết cuối, lần lượt là: “trâu”, “mè”, “lim”, “mồi”. Thậm chí cho đến lần gạ đổi cuối cùng của Phú Ông, Bờm không thèm trả lời nữa mà chỉ : “CƯỜI”

Thằng Bờm có cái quạt mo

Phú ông xin đổi ba bò chín trâu

Bờm  rằng Bờm chẳng lấy trâu

Phú ông xin đổi ao sâu cá mè

Bờm rằng Bờm chẳng lấy

Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim

Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim

Phú ông xin đổi con chim đồi mồi

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi..

Phú ông xin đổi nắm xôi. Bờm cười.

Đây là cách nói rất dân dã của nhân dân ta để thể hiện thái độ trong câu thoại từ cổ xưa, thế mà có quá nhiều người (kể cả những người làm công việc định hướng thẩm mỹ cho công chúng trên những phương tiện thông tin đại chúng có tầm cỡ quốc gia) lâu nay vẫn hiểu sai???… Theo tôi đây có lẽ là một bài học nhỏ nhắc nhở chúng ta cần nghiêm túc hơn trước những giá trị tinh thần quý giá mà cha ông ta để lại tự ngàn xưa.

Nếu ta hiểu  Bờm đồng ý đổi quạt mo lấy nắm xôi, quả là oan cho Bờm quá.

Nếu ta hiểu nụ cười của Bờm ở đây là nụ cười viên mãn thì vô tình đã hạ thấp giá trị tư tưởng, giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật của bài ca dao “THẰNG BỜM”, MỘT BÀI CA DAO HAY TRONG KHO TÀNG THƠ CA DÂN TỘC.

 

TRẦN KẾ HOÀN

Hội VHNT Nam định

Đ/t: 01658 606 781

địa chỉ: Tây Côi Sơn, thị trấn Gôi, Vụ Bản, Nam Định


Một cách hiểu bài ca dao Thằng Bờm

Bài ca dao Thằng Bờm lâu nay vẫn được giới nghiên cứu văn học và tiếp cận từ góc nhìn quan hệ trao đổi vật thể không ngang giá để đi đến nhận xét về tính gàn dở hay tâm lý thiết thực, thiển cận của Bờm – đại diện cho con người tiểu nông. Chúng tôi cho rằng góc nhìn này là dễ dãi và chưa thỏa đáng vì nó dừng lại ở bên mặt sự vật và hiện tượng, chưa cho phép ta khám phá những đặc trưng văn hóa mang tính bản sắc trong thái độ của Bờm và của Phú ông. Trong bài viết này, chúng tôi thử đề xuất một cách nhìn mới, một cách đánh giá khác về bản chất văn hóa của cuộc thương lượng thú vị này.

I – Cái quạt mo – một siêu giá trị

Khi nghe nói đến Cái quạt mo, ta thường nghĩ ngay đến giá trị sử dụng bé nhỏ của nó, bé đến mức gần như vô giá trị. Vô giá trị vì nó sẵn quanh ta trong môi trường xã hội nông nghiệp, nó là vật phế thải của thiên nhiên mà người nghèo đến đâu cũng có. Vì thế, khi Phú ông đem những vật có giá trị sử dụng lớn như ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, một bè gỗ lim,v.v ra đổi, ta thấy phi lý buồn cười. Ta cười là bởi vì ta chỉ nhìn cái quạt mo của Bờm và trâu, bò, gỗ, cá… của Phú ông như những giá trị sử dụng có thể cân, đo, đong, đếm và sử dụng vào sản xuất hay sinh hoạt. Nhưng nếu như ta nhìn những thứ này như những đối tượng văn hóa – những kỷ vật, những biểu trưng… thì ta sẽ thấy đồng cảm với Bờm trong sự kiên định giữ lấy cái quạt mo, giữ bằng mọi giá.

Thực ra thì cuộc trao đổi có vẻ phi lý và hài hước đã và đang diễn ra trên thị trường văn hóa phương Tây. Chúng ta chẳng bật cười khi thấy người ta đấu giá trả đến mấy triệu đô-la để mua một cái khuy áo hay một kỷ vật của danh hài nào đó? Ta bật cười vì ta còn mang cái nhìn thực dụng tiểu nông, chưa hiểu siêu giá trị của cái sản phẩm văn hóa và chưa hiểu siêu lợi nhuận của ngành kinh doanh văn hóa. Các nhà tỷ phú chẳng dại gì ném tiền qua cửa sổ. Họ bỏ tiền ra để mua một kỷ vật của bác học Einstein hay Công nương Diana nếu không phải để nâng cấp bộ sưu tập hay bảo tàng của mình thì cũng để nâng cấp văn hóa và quyền lực đầu tư của mình nhằm tới một cái đích vô giá. Phú ông trong bài ca dao Thằng Bờm cũng vậy thôi – ông ta tìm mọi cách mua cho được “cái quạt mo” không phải vì ngớ ngẩn, hay tham lam mù quáng như nhiều người đã phân tích, mà vì hắn muốn sở hữu cái quạt mo – biểu tượng của nhân vật Bờm, bản ngã văn hóa của Bờm. Bài ca dao chỉ nói Thằng Bờm có cái quạt mo không nói nguồn gốc và tính chất của cái quạt mo này. Nhưng không loại trừ cái quạt mo là một kỷ vật thiêng liêng của cha ông để lại, hay một chiến lợi phẩm từ sự thất bại nhục nhã của Phú ông trong thuở hàn vi mà Phú ông muốn phi tang. Và dù cho cái quạt mo ấy chỉ là một vật dụng bình thường mà Bờm quyết giữ, thì nó cũng mang chứa đặc trưng nhân cách của Bờm, tước đoạt được nó là tước đoạt được một cách tượng trưng ý chí và bản lĩnh kiên định của Bờm, và biết đâu đó lại là cách Phú ông dùng của cải khuất phục được tên nông dân nổi danh cứng đầu cứng cổ, từ đó khuất phục số đông? Nghĩa là, cái quạt mo không còn là cái quạt mo – nó chính là biểu trưng của nhân cách, lịch sử và ý chí. Nỗ lực của Phú ông thực chất là nỗ lực tước đoạt bản ngã văn hóa của những nông dân nghèo khó như Bờm.

Nếu là cuộc trao đổi thực dụng thì Phú ông không thể đấu giá với chính mình theo cách kỳ quặc như ta đã thấy. Phú ông tự đặt ra giá cao rồi giảm dần xuống từ ba bò chín trâu, hạ xuống nắm xôi. Ðó không phải là lôgic đấu giá hay mặc cả. Ðó là lôgic của tiếp biến văn hóa. Phú ông đổi từ ba bò chín trâu sang ao sâu cá mè rồi sang một bè gỗ lim không phải là sự hạ giá hay đổi thay giá trị trao đổi, mà chỉ là một cuộc trình diện cụ thể rất khác nhau về ý nghĩa và giá trị trong tương quan văn hóa.

Trong tư cách là những vật cụ thể thì những vật trao đổi Phú ông đưa ra là bình đẳng về giá trị trong tiêu chí cảm tính của người Việt. Thái độ cụ thể là một thái độ khá đặc trưng của người Việt – cùng là một nắm xôi, một miếng ăn, nhưng đặt trong thời gian và không gian cụ thể nó mang các giá trị khác nhau miếng khi đói bằng gói khi no, miếng giữa làng bằng sàng giữa chợ, lời chào cao hơn mâm cỗ, miếng ăn là miếng nhục, đánh nhau chia gạo chào nhau ăn cơm,v.v. Với người Việt không có một công thức chung cứng nhắc, giáo điều hay một thứ cẩm nang bảo bối! Nội dung tính chất, giá trị của sự vật được người Việt kiểm chứng trong các quan hệ cụ thể, để “tùy”, “lựa”, “liệu” rất linh hoạt và linh ứng. Từ tâm thức văn hóa đó đẻ ra cách mặc cả kỳ quái như của Phú ông, đem cái cụ thể này đổi lấy cái cụ thể khác để kiểm chứng nhu cầu cụ thể của Bờm. Nói Phú ông tiếp biến văn hóa là theo nghĩa đó. Song, sự tiếp biến văn hóa của Phú ông không hề là sự hạ cấp giá trị trao đổi. Xét từ góc độ giá trị văn hóa và sự tôn trọng thì cách thỏa thuận của Phú ông là ngày càng đưa Bờm lên một bậc giá trị cao hơn. Nếu như ba bò chín trâu là tư liệu sản xuất, thì ao sâu cá mè là thực phẩm, bè gỗ lim là vật liệu xây dựng, chim đồi mồi là thú ăn chơi đài các và nắm xôi là đồ thờ cúng, là thức ăn lễ Tết. Rõ ràng là qua cách đổi thay vật trao đổi, Phú ông vừa tiếp thị văn hóa, vừa nâng cấp thân phận của Bờm. Lúc đầu Bờm chỉ được Phú ông coi là kẻ vai u thịt bắp, cày ruộng chăn bò hay là kẻ lái trâu, sau đó Bờm được coi như con người, đã đến lúc lo việc xây dựng cơ ngơi, rồi lại nâng cấp Bờm lên con người biết ăn chơi đài các như ai, và cuối cùng mức cao nhất là nâng Bờm lên một người ăn thức ăn thanh cảnh trong lẽ Tết. Lôgic cư xử của Phú ông là ngày càng tỏ ra coi trọng Bờm, lịch sự với Bờm, đặt Bờm xa dần những tương quan vật chất thô lậu để đưa Bờm vào cương vị quý tộc có chim đồi mồi và biết quý nắm xôi hơn cả trâu bò, nhà cửa. Nghĩa là, bằng sự mặc cả theo lôgic nâng cấp thân phận, nâng cấp giá trị văn hóa đó, Phú ông đã giải phóng Bờm khỏi thân phận nông dân trong các quan hệ kinh tế sản xuất để đưa Bờm vào không gian văn hóa, môi trường giá trị văn hóa. Và nếu như ta đã từng bán nhà, bán cửa, bán trâu bò để giành lấy một thanh danh, một “miếng giữa làng” thì sao Bờm lại không thể đổi quạt mo lấy nắm xôi kia, nhất là khi nắm xôi được đưa ra trong tư cách phủ định trâu bò, nhà cửa?

II – Nụ cười của Bờm, một bản lĩnh nước đôi

Khả năng giải mã một văn bản là vô tận và mỗi cách tiếp cận, lại có nhiều góc nhìn khác nhau, mỗi góc nhìn khác nhau lại có nhiều công cụ và thao tác khác nhau.

Khi giải mã lôgic trao đổi giữa Phú ông và Bờm theo hướng tìm kiếm một lôgic văn hóa như đã trình bày ở phần trên, chúng tôi mong mã số mới này bao quát cả nụ cười của Bờm ở câu cuối của bài ca dao. Nhưng với một sự thận trọng cần thiết, chúng tôi muốn phân tích sâu nụ cười nước đôi, đi vào hai hướng khác nhau giả định hai ý nghĩa khác nhau để đi đến kết luận rằng: nụ cười của Bờm là chấp thuận hay từ chối thì lôgic ngầm đã phân tích ở phần trên vẫn không sụp đổ.

1. Nụ cười chấp thuận.

Theo lô gíc thông thường vì được nâng giá văn hóa và được cải thiện thân phận qua những lần Phú ông mặc cả, Bờm cười và chấp thuận. Nụ cười của Bờm đã được hầu hết các nhà phân tích coi là nụ cười chấp thuận, nhưng lại nói bản chất sự chấp thuận này là cái nhìn thiết thực thiển cận. Theo hướng giải mã của chúng tôi thì nụ cười này của Bờm lại là nụ cười chiến thắng, nụ cười của kẻ mạnh vì Bờm đã được Phú ông liên tục “xin đổi” một cách năn nỉ và trân trọng, hơn thế nữa ngày càng đưa ra những vật đổi thanh cao. Quá trình thay vật trao đổi cũng là quá trình thanh cao hóa, tượng trưng hóa và song song với nó là quá trình Phú ông từ chỗ huênh hoang, cậy của trở thành kẻ thành tâm. Như vậy là Phú ông lại xoay như chong chóng trước một cái lắc đầu duy nhất của Bờm và cuối cùng phải thay đổi thái độ. Ðó là sự chiến thắng của Bờm. Sự chiến thắng này là chiến thắng về văn hóa, vì trong quan hệ quyền lực và quan hệ cạnh tranh kinh tế không thể có chuyện kẻ mạnh về gạo bạo về tiền như Phú ông phải xoay xỏa năn nỉ Bờm như thế. Chỉ có thể hiểu sự bất lực cay cú của Phú ông từ góc nhìn văn hóa. Khát vọng chinh phục, khát vọng đồng hóa là một khát vọng không dễ gì thỏa mãn bằng tiền của và bạo lực. Sự kiên định bản ngã văn hóa tạo nên sức mạnh “phú quý bất năng di” của những người nông dân nghèo khổ. Suy rộng ra sự kiên định của Bờm cũng chính là sự kiên định của bản lĩnh văn hóa kiểu Việt Nam.

2. Nụ cười từ chối

Nụ cười của Bờm nếu hiểu là nụ cười từ chối thì lôgic văn hóa của cuộc trao đổi vẫn không vì thế mà bị sụp đổ, trái lại được khẳng định rõ hơn. Bờm vẫn có thể từ chối một ngôi vị văn hóa càng ngày càng cao mà Phú ông đã đưa tới cho Bờm vì bản lĩnh của Bờm là một tự do bên ngoài những liên kết ấy. Khát vọng của Bờm chỉ là được là chủ nhân của cái quạt mo, khát vọng ấy là một nhu cầu tinh thần mang tính triết học mà ngay cả những giá trị tinh thần cũng không thể trao đổi được dù Bờm có được Phú ông phong Thánh hay dù ai đó có quyền lực đặt Bờm vào ngôi Vua như trong truyện cổ tích thì Bờm vẫn không thể đánh đổi cái quạt mo, lấy những ngôi vị cao quý đó, đơn giản chỉ vì Bờm yêu cái quạt mo gắn bó và thủy chung  với nó. Logic của tình yêu là như vậy. Người nông dân Việt Nam trong cổ tích và ca dao đã luôn ca ngợi những đức tính thủy chung:

Chồng em áo rách em thương,
Chồng người áo gấm xông hương mặc người

Bài ca dao Thằng Bờm, cũng có thể là một bài ca dao ngợi ca đức thủy chung tình nghĩa của con người đối với đồ vật của mình. Với đồ vật cũng gắn bó như vậy thì với con người còn gắn bó đến mức nào.

Như vậy là chấp thuận hay từ chối, nụ cười của Bờm cũng bộc lộ một phương thức ứng xử tế nhị đầy tính nước đôi của con người Việt Nam. Trong tư cách một tín hiệu nghệ thuật, nụ cười của Bờm là một tín hiệu đa nghĩa. Nó là viên ngọc đặt trên bệ đỡ của cuộc thỏa thuận kỳ lạ đó. Và dù viên ngọc có ánh lên mầu sắc khác nhau, thì cái giá đỡ nâng nó lên vẫn không vì thế mà thay đổi. Mỗi một câu ca dao là một nấc thang nâng cao nhân cách, phẩm giá và sự kiên định văn hóa của con người Việt Nam. Bài ca dao Thằng Bờm là một sự cắt nghĩa giải mã bản lĩnh văn hóa Việt trước bao nhiêu tham vọng, âm mưu đồng hóa và chiếm đoạt.

Bài ca dao Thằng Bờm, dù có ý thức hay không đã phát lộ khát vọng văn hóa trong con người Việt Nam là khát vọng lớn hơn khát vọng của cải. Quan hệ văn hóa đã lấn át quan hệ thương mại, dẫn đến cái giá trị hơn vàng bạc hay tiền của, khát vọng về đổi thay thân phận và đổi thay diện mạo lớn hơn khát vọng về tài sản. Cái quạt mo ở đây chính là biểu trưng của bản lĩnh văn hóa, không để mất văn hóa bằng mọi giá.

Có thể nói, cũng đều là những bài ca dao bộc lộ khát vọng văn hóa của người nông dân Việt Nam, nhưng bài Thằng Bờm là tương phản, đối trọng với bài Con cò mà đi ăn đêm. Nếu như con cò bị lộn cổ xuống ao phải năn nỉ xin ông ơi, ông vớt tôi nao xin được xáo nước trong để giãi bày tấm lòng trong sạch, thì Thằng Bờm đã có thể nở nụ cười hạnh phúc, nụ cười của kẻ mạnh trước tư thế năn nỉ của Phú ông. Sự đảo thế trong hai bài ca dao cũng phát lộ một dải tần rộng của bản lĩnh văn hóa Việt Nam, dù ở thế mạnh hay thế yếu, dù lúc sa cơ hay lúc lên ngôi, người nông dân Việt Nam vẫn kiên định khôn nguôi một khát vọng văn hóa giản dị: sự trong sạch, đức thủy chung vượt lên giầu sang và cái chết.

ĐỖ MINH TUẤN
(Báo Văn nghệ trẻ)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder