Trước khi gặp mặt nhà văn Bão Vũ (tên thật Vũ Bá Bão), tôi đã biết ông có tên trong tập sách Ngữ Văn địa phương trong nhà trường. Bão Vũ là tác giả của hơn 10 tập truyện ngắn, tiểu thuyết, nguyên là Ủy viên Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà Văn Việt Nam, đã đoạt các giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, báo Văn nghệ, báo Người Hà Nội, giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Bỉnh Khiêm… được đề cử giải thưởng Văn học ASEAN. Nhiều truyện ngắn của Bão Vũ được chuyển thể thành phim (Người muôn năm cũ, Người đi chuyến taxi cuối ngày, Trầu têm cánh phượng, Chuyện có thể…), dịch ra tiếng Anh. Tác phẩm của ông có trong nhiều thư viện Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc… Từ những năm cuối của thập niên 50 thế kỷ trước, Bão Vũ từng là học sinh của trường phổ thông Bannal Bình Chuẩn Ngô Quyền, nơi đã sản sinh ra nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Bão Vũ còn chính là kiến trúc sư Vũ Bão, người từng tham gia thiết kế những công trình kiến trúc như: Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Tiệp, Cung Thiếu nhi Hải Phòng, Trụ sở UBND thành phố Công-pông-xom (Campuchia), Thư viện tổng hợp thành phố Hải Phòng… Đến khi nghiên cứu viết luận văn đề tài “Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Bão Vũ”, tôi đã tìm gặp nhà văn Bão Vũ và được nghe kể về bước đường văn chương của ông:
Khát vọng đi vào nghề văn có lẽ bắt đầu từ khi Bão Vũ là học sinh của trường Ngô Quyền, ngôi trường nổi tiếng như trường Bưởi của Hà Nội ngày xưa, nơi có nhiều nhà văn, nhạc sĩ tên tuổi từng là giáo viên và học sinh mà chú bé Vũ Bá Bão ngày ấy vẫn ngưỡng mộ: Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao, Hoàng Quý, Tô Vũ, Đỗ Nhuận…. Từng đọc Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, cuốn tiểu thuyết cũ mỏng, giấy ố vàng mà phải đọc vụng vì người lớn cấm đọc, chú bé mãi sau này mới biết tác giả cuốn tiểu thuyết viết bằng quốc ngữ trong số những tác phẩm đầu tiên nổi danh ấy của nền văn học Việt Nam hiện đại cũng từng là giáo viên của trường Ngô Quyền, khi ấy gọi là trường Cao đẳng tiểu học Bonnal. Khỏi phải nói, nỗi hân hoan và niềm tự hào trong lòng cậu thế nào. Hiệu trưởng trường phổ thông Ngô Quyền thời Bão Vũ học là thầy Nguyễn Văn Hòa, một nhà sư phạm sôi nổi nhiệt tình, rất chú trọng tới việc phát triển toàn diện trí đức thể mỹ cho học sinh. Ngoài các môn cơ bản, thầy tổ chức cho học sinh được học mỹ thuật, âm nhạc, thể thao, ngoại ngữ… Về văn học, nhà trường còn mời các nhà văn nổi tiếng đến nói chuyện để khích lệ những học sinh có năng khiếu văn chương. Bão Vũ nhớ như in lần nhà văn Thanh Tịnh, tác giả bài văn “Tôi đi học” nổi tiếng được mời đến trường Ngô Quyền nói chuyện khiến ông và các bạn rất thích thú. Cùng lớp với Bão Vũ, có Nguyễn Thị Ngọc Hải sau này là nữ nhà văn với chất giọng sâu lắng trữ tình. Nguyễn Thị Ngọc Hải được biết đến với những tác phẩm viết về ngành tình báo, trong đó có truyện ký văn học đặc sắc “Trần Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời” viết về nhà tình báo nổi tiếng thế giới trong chiến tranh Việt Nam. Trong các cựu học sinh Ngô Quyền thời Bão Vũ học còn có nhà văn Hoàng Quốc Hải với các bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ hàng ngàn trang viết về các triều đại Trần, Lý; nhà thơ Trần Quốc Minh, nhà văn Phạm Huy Liệu, nhà thơ Phạm Ngà… và đặc biệt có Lê Vinh Quốc, sau Bão Vũ một lớp, hiện là giáo sư sử học, là tác giả của tập hồi ký “Nước chảy dưới chân cầu” có những chương rất thú vị viết về trường Ngô Quyền.
Vào năm thứ nhất trường Trung học Ngô Quyền, lớp 5, Bão Vũ đã tập làm văn trên bích báo, và vụng trộm viết một cuốn tiểu thuyết. Viết được chừng 3 chương thì không biết viết gì nữa. Nhà văn nhí bỏ, viết truyện khác. Lần này được dài hơn, đến gần cuối truyện thì dừng vì không biết phải kết như thế nào. Có lần thày Viên, dạy môn Văn, cười đùa hỏi Bão Vũ:“Thế nào, nhà văn, dạo này vẫn viết chứ?”. Chính những bài học Lịch sử về Ai Cập, Hy Lạp, La Mã… hàm chứa kiến thức sâu rộng về văn học nghệ thuật của nhân loại được học ở trường Ngô Quyền ngày ấy đã đánh thức niềm khát vọng văn chương trong nhiều học sinh như Bão Vũ. Riêng với ông, ngoài đam mê văn chương, ông đã chọn nghề kiến trúc bởi sự hấp dẫn lớn lao từ các công trình vĩ đại của loài người mà ông được học trong những bài lịch sử thế giới chương trình lớp 6 lớp 7. Sau này, khi sắp tốt nghiệp kiến trúc sư Đại học kiến trúc, ông và mấy sinh viên được nhà trường chọn lựa, chia nhau đến các trường trung học lớn của miền Bắc để quảng bá về nghề kiến trúc khi đó còn rất mới mẻ. Bão Vũ về trường Ngô Quyền của mình. Nhà trường đã tập hợp những học sinh có năng khiếu mỹ thuật nghe ông nói về nghề kiến trúc, truyền cho các em cảm hứng về một trong bảy môn nghệ thuật được nhân loại tôn vinh, và hướng dẫn các em cách thực hiện bài vẽ Mỹ thuật để thi vào trường Đại học kiến trúc. Bão Vũ vẫn nhớ những ấn tượng giờ Pháp văn khi dịch bài “Con hươu cái” của nhà thơ Pháp Maurice Rollinat (1846-1903), một bài thơ mà mãi sau này tra cứu mới biết thuộc trong số những bài thơ hay của thế giới. Con hươu cái bị lạc con hươu nhỏ của mình trong rừng đêm. Nó kêu gọi gào khóc đứa con yêu cho đến khi tan cả đôi mắt. Lần đầu tiên một chú bé biết nỗi đau khổ có thể làm tan chảy cả đôi mắt thành nước mắt; và bài thơ đã mô tả nỗi đau khổ với điệp khúc “…Nhưng không một tiếng trả lời / Và cổ nó cứ vươn lên trên trời thẳm”.
Một lần được thầy giáo trường Ngô Quyền cho một cuốn tạp chí Phổ thông bán nguyệt san cũ nát đã mất những trang đầu cuối, phát hành từ rất lâu, Bão Vũ nâng niu và đọc ngốn ngấu một bài thơ dịch của Anna de Noailles, nữ sĩ người Pháp (1876-1933) in trong đó. Bài thơ “Tế vật” (Offrande) viết về nhà thơ, về sự đau đớn sinh thành để có được những câu thơ. Ông vẫn nhớ từng câu thơ, nhớ cả bức ảnh tác giả với nụ cười và cặp mắt thẳm sâu: Ta để lại câu thơ mờ bóng lệ / Những dấu vết của tâm hồn / Như cắn những quả lê, bầy con trẻ / Còn để lại dấu răng non…/ Xòe bàn tay trên giấy trắng / Gục đầu ta khóc lâm ly / Như cơn mưa đổ tràn nẻo vắng / Khóc dầm dề giữa lối đi…/ Ta để lại trong thơ ngàn triệu nét / Vầng trán trắng tỏa hào quang / Và lòng ta yếu mềm nhưng cương quyết / Theo những dục vọng mê hoan…Tất cả niềm yêu thích văn chương sẵn có trước kia như đám phoi bào khô cho ngọn lửa của bài thơ “Tế vật”, làm cháy bùng lên lòng ham mê và quyết tâm theo đuổi văn chương của Bão Vũ. Đến khi là một công chức với trọng trách nghề nghiệp, Bão Vũ vẫn viết văn. Ông viết trong những cuộc họp mà ông cho là ít quan trọng. Viết trong những nhà nghỉ trên đường công tác. Có lúc viết trên bàn ăn của chuyến bay dài. Có lần, trong một khách sạn trên chuyến đi về phương Nam, nước mắt nhà văn đã rơi ướt giấy khi viết về số phận của một kiếp người bất hạnh mà ông gặp trên đường. Đến lúc được thừa nhận là nhà văn thì Bão Vũ lại nhận ra không thể viết văn vì danh lợi. Ông thực sự không quen với những lời khen ngợi khi nhận các giải thưởng văn học.
Gần đây, Internet như cỗ máy thời gian đã đưa nhà văn trở về quá khứ. Ông đã tìm thấy bài thơ “Con hươu cái” mà ông đã tập dịch từ tiếng Pháp khi còn là chú bé 11 tuổi. Ông cũng tìm thấy cả bài thơ “Tế vật” (Offrand) mà ông say mê thời học trường Ngô Quyền. Ngôi nhà tranh vách đất dột nát. Cuốn tạp chí mỏng bị xé dở dang mở ra trong ánh đèn dầu hỏa… Kí ức cho ông gặp lại Anna de Noailles. Bà vẫn như xưa, lơ đãng ngả mớ tóc uốn đẹp vào cánh tay trần nhìn ông bằng cặp mắt sâu thẳm, mỉm cười về cuộc tái ngộ: “Chào chú bé. Già thế này rồi à? Lại là nhà văn nữa chứ! Chú đã nếm trải đủ đắng cay của nghiệp văn chương chưa? Cũng gục đầu khóc trên những trang giấy trắng như cơn mưa đổ trên nẻo vắng rồi chứ?”. “Vâng. Như trong bài thơ của bà, bài thơ tuyệt diệu đã khai sáng tâm hồn trẻ thơ, tôi cũng đến với văn chương bằng một dục vọng mê cuồng. Tôi đã để lại trên biết bao nhiêu trang giấy hàng triệu chữ viết, với nụ cười và cả nước mắt, nhưng vẫn tự thấy trong đó hầu hết là vô vị, chỉ một số ít có thể mang chút hữu ích cho cuộc đời. Như trong bài thơ của bà, tôi cũng để lại dấu vết của tâm hồn mình trên những trang giấy và cũng nông nổi hời hợt như dấu răng non của đứa trẻ hằn nhẹ trên quả táo cắn dở… Và cuốn tiểu thuyết thực sự của tôi vẫn còn ở đâu đó cuối trời, chưa được viết ra…”
Bão Vũ ngừng kể và im lặng. Những hồi ức trong trẻo và đáng trân trọng của thời học trường Ngô Quyền đang khiến ông xúc động vô cùng. Tôi lại nhớ đến những truyện ngắn của Bão Vũ in đậm kí ức thời niên thiếu khốn khó và say mê của ông như Những đám mây, Vườn thuốc, Trương Chi của tôi…chắc hẳn đã được ấp ủ, khởi tứ từ những tháng năm không quên ấy.
L.K.P