Bức thư cho vợ – Truyện ngắn của Phan Văn Tạo

VHP: Nhà văn Phan Văn Tạo sinh năm 1920 tại Tranh Xuyên, Hải Dương. Vào Nam năm 1954, sang Pháp năm 1975 và mất năm 1987 tại Paris (Pháp).

Ông viết nhiều hồi kí, thời sự và truỵện ngắn cho tạp chí BÁCH KHOA, là một tạp chí uy tín thời bấy giờ với nhiều bút hiệu, trong đó có tên thật là Vũ Bào.
Tập truyện CÁI BONG BÓNG LỢN có thể được xem là ghi chép của một thời kì lịch sử, qua đó người đọc biết thêm những phong tục xưa cũ mà hiện nay đã bị mai một đi nhiều, cũng như thêm yêu những nét dân gian rất đỗi bình dị, thân thiết và hiền hòa…

VHP: Nhà văn Phan Văn Tạo sinh năm 1920 tại Tranh Xuyên, Hải Dương. Vào Nam năm 1954, sang Pháp năm 1975 và mất năm 1987 tại Paris (Pháp).

Ông viết nhiều hồi kí, thời sự và truỵện ngắn cho tạp chí BÁCH KHOA, là một tạp chí uy tín thời bấy giờ với nhiều bút hiệu, trong đó có tên thật là Vũ Bào.
Tập truyện CÁI BONG BÓNG LỢN có thể được xem là ghi chép của một thời kì lịch sử, qua đó người đọc biết thêm những phong tục xưa cũ mà hiện nay đã bị mai một đi nhiều, cũng như thêm yêu những nét dân gian rất đỗi bình dị, thân thiết và hiền hòa.

LÁ THƯ CHO VỢ

Saigon, ngày…… tháng……

Em,

Chắc em ngạc nhiên lắm khi nhận được thư này vì vợ chồng bên nhau mà lại phải gửi thư cho nhau qua nhà bưu-điện. Và em đoán trước phải có việc gì ghê gớm lắm đây nên anh đã không nói thẳng với em mà lại viết thư cho em. Anh nói ngay để em an lòng. Chẳng có việc chi ghê gớm cả. Chỉ có một việc là anh muốn gửi cho em một bức thư tình.

Anh không biết trước khi lấy anh, em đã nhận được biết bao nhiêu bức thư tình. Anh không dám biết thì đúng hơn. Trước hết vì anh kính trọng những sự thầm kín nơi lòng em, tâm hồn người nào cũng có những chỗ tự do mà kẻ thân nhất dầu là chồng cũng không có quyền được dòm ngó tới. Sau nữa anh sợ có khi biết, anh lại đâm ra ghen tuông với những bóng mờ quá khứ, chỉ tổ làm khổ em mà cũng chẳng lợi gì cho anh, vì ghen với quá khứ bao giờ cũng nắm phần thua rồi.

Có một điều chắc chắn là từ ngày lấy anh, em không nhận được bức thư tình nào nữa. Đó là một sự thiếu sót lớn nơi anh.

Bây giờ anh như là người tình độc nhất của em thì tại sao anh lại không cho em những phút rung động mà người ta chỉ có khi đọc những bức thư tình.

Em sẽ trả lời anh rằng đời sống hằng ngày của chúng ta là một bức thư tình dài rồi, cần gì đến những thư bằng giấy, bằng mực nữa. Đúng lắm! Khi em mang hết tâm trí sửa soạn cho anh một món ăn ngon, khi anh dán mũi vào cửa kính các tiệm buôn chọn biếu em một món quà sinh nhật, chúng ta đều đã biểu lộ những ý nghĩ mà người nọ dành cho người kia. Nhưng nếu thêm vào những cách tỏ tình đó, chúng ta lại nói lên những ý nghĩa kia, ghi những ý nghĩ đó trên giấy mực thì tình ta đã thắm lại càng thêm tươi chứ sao?

Anh đồng ý là có những sự im lặng thật hùng biện, nhưng nếu im lặng đủ hùng biện rồi thì Thượng-Đế còn cho ta thêm tiếng nói làm chi nữa?

Thư tình giữa vợ chồng cũng như âm nhạc giữa một bữa tiệc – không có nhạc tiệc vẫn ngon, nhưng thêm âm nhạc tiệc càng đậm đà. Vợ chồng ta dại gì mà không dùng tiệc có âm nhạc?

Có những ngày đã xa xôi lắm, anh đã viết và đã nhận được thư tình. Số phận những bức thư này thật đáng thương. Chúng là cái gì thành thực thiết tha nhất, thế mà chúng sống ẩn náu như những kẻ có tội. Người viết thì viết lén, kẻ đọc thì đọc trộm. Chúng đi từ người viết đến kẻ đọc qua những quãng đường thật là gian nan, trắc trở, chúng phải len lỏi qua những đồn ải canh gác thật là hiểm nghèo. Chúng được cất giấu trong những hộp, ngăn có khóa kỹ và khi sự có mặt của chúng bắt đầu làm bận rộn cho đời sống của một trong hai người thì thường thường chúng được một mồi lửa thiêu rụi đến không còn cả vết tích.

Thư tình giữa vợ chồng thoát được cái số phận lẩn lút tối tăm đó. Nhưng có thể có người cho rằng khi việc viết thư này không còn là một bí mật nữa thì nó cũng kém thi vị, kém nồng nàn. Anh không tin hẳn – Trước hết là vì tình vợ chồng tuy công khai mà vẫn kín đáo. Vả lại không phải thấy suối cuồn cuộn, sông lững lờ mà bảo rằng sông không nhiều nước bằng suối.

Nói lẩn quẩn loanh quanh mãi mà đọc lại cũng chưa biết mình muốn nói gì. Nhưng không sao, đặc điểm của thư tình là như vậy, không cần đề tài mà cái gì cũng là đề tài.

Hai chúng ta lấy nhau mười lăm năm rồi đó. Chóng thật. Tưởng như vừa hết tuần trăng mật thế mà thằng Tùng đã 14, thằng Long đã lên 10 và con Bích đã lên 6. Sau chúng còn đứa nào nữa không? Bây giờ thì chưa biết. Không thì cũng đỡ vất vả mà có cũng càng vui.

Mười lăm năm rồi. Biết bao nhiêu vui, biết bao nhiêu  buồn, bao nhiêu chiều chuộng, bao nhiêu giận hờn. Nhưng mỗi một chuyện xẩy tới, dù hay dù dở, đều làm cho sự tác hợp của chúng ta thêm khăng khít. Mỗi một ngày đi qua, dù xấu dù tốt, đều mang thêm một chút thống nhất tính cho gia-đình, càng ngày hai vợ chồng càng thấy hai người chỉ là một đơn vị.

Các bạn thường chế giễu anh làm gì cũng hay hỏi vợ. Họ có biết đâu khi hỏi em là anh chỉ hỏi anh, mà ngay cả những chuyện mà họ tưởng anh quyết định một mình, chính đã có một nửa phần em trong đó. Sự thâm nhập giữa hai người đã đến một chỗ thật tinh vi và không người nào mà lại không là cả người kia cộng lại.

Ngay cả đến những tật xấu cũng thấy cần thiết cho đời sống chung vì người nào cũng quen nhận ở người kia những tật xấu đó rồi. Thiếu tật đó thì hình như một xã hội thiếu phong tục.

Anh muốn nói hơi dài với em một chút về những tật xấu này. Thư tình khác họ chỉ ca tụng sắc đẹp hay những đức tính của nhau. Thư tình giữa vợ chồng có thể nói đến tật xấu của nhau mà không hại gì.

Trước hết là những tật mà em thường trách anh. Tật bề bộn đứng đầu. Ngồi đâu thì tàn thuốc lá rụng hết chung quanh, tìm được một cái khăn mùi xoa thì vứt ra ngoài tủ nửa tá sơ-mi, vặn nước rồi không khóa lại để cho nước chẩy lênh láng khắp nhà, quần áo thay ra không bỏ giặt cứ vùi vào một xó. Đến nỗi ở nhà hễ thấy có cái gì lệch lạc là em đưa mắt về phía anh, nhìn anh với con mắt không còn cho ai chối cãi, hễ thấy cái gì bề bộn là chẳng hỏi xem ở tại đâu, em đã kết luận một cách thật khẳng định: “Lại anh rồi”. Có nhiều lần đúng và cũng có lần sai, nhưng sai anh cũng chẳng cãi làm gì. Được vợ gán cho cái tiếng bề bộn cũng là một cái thú – Không bề bộn cũng chẳng có gì khó lắm, nhưng bề bộn để vợ thu xếp cho có phải thích hơn không. Anh bề bộn là để cho em phát huy toàn vẹn cái tính ngăn nắp của em vậy. Mà hình như trách anh thì trách, song trong thâm tâm em vẫn thích anh bề bộn để em chiều.

Sau đó là tật lười – Em thấy anh hễ đi làm thì thôi chứ đã về đến nhà là không chịu mó tay vào việc gì hết. Không kèm con học, không cả nói chuyện với vợ, ăn vội ăn vàng, rồi nằm dài ra đọc báo hay lăn ra ngủ. Đâu có phải bản tính anh lười như vậy? Nhưng chính vì về nhà trông thấy em là thấy có thể tin cậy phó thác được hết mọi việc rồi. Bước qua ngưỡng cửa đã thấy như bước vào vương quốc của vợ, làm gì cũng có cảm tưởng như đụng chạm đến thẩm quyền của vợ – Anh sợ rằng anh mà chăm làm mọi việc ở nhà chính em sẽ thấy buồn đầu tiên.

Lại còn bao nhiêu tật khác. Rủ vợ đi đâu, thì giục rối giục rít, quên hẳn rằng vợ cần phải mất thì giờ sửa sang sắc đẹp. Mời khách về nhà ăn mà chẳng cho vợ hay trước, nhận lời đi ăn cơm khách cả hai vợ chồng mà cũng không hỏi trước xem vợ có đi được không, hình như lúc nào cũng tin chắc rằng mình nghĩ sao thì vợ nghĩ vậy, mình ưng là vợ thuận, mình là vợ mà vợ là mình.

Cho nên tất cả những tật của anh, gọi là tật xấu có lẽ hơi khắt khe, muốn công bằng phải gọi là tật yêu vợ.

Bây giờ đến tật của em. – Em đừng giật mình vội, anh không tìm thấy tật gì nặng quá đâu, hay có nặng thì cũng chưa bằng những tật của anh.

Trước hết là cái tật chiều con – Ai đời con Bích lên sáu rồi mà thỉnh thoảng anh còn bắt gặp nó chui vào bú tí mẹ. Mà không phải chỉ tại nó đâu. Đôi khi chính em đã gọi nó đến bên em, chính em cho phép nó, hình như em thèm được cho con bú vậy.

Rồi đến cái tật tích trữ – Gạo, vải, than, củi,  xà phòng, nước mắm cái gì em cũng tích trữ. Hơi có tin tức gì về giá cả lên xuống là em chạy ra chợ hối hả mang về chục hộp sữa hay mấy kí đường.

Các nhà buôn đầu cơ trông thấy em là đon đả chào mời và cho em những tin tức sốt dẻo nhất về giá cả. Và một ngày kia nếu có nhà kinh tế học nào đó tới phỏng vấn em để viết luận án về ảnh hưởng của những bà nội trợ trong việc thị trường xáo động, anh cũng sẽ không lấy làm ngạc nhiên.

Mà nào có phải em chỉ tích trữ những thứ hữu dụng đâu. Cả những thứ chỉ có thể đem vứt đi em cũng tích trữ. Chổi cùn, rế rách, mụn vải, mẩu giấy,… cái ghế đã gẫy chân, cái chiếu đã nát bung từng mảnh, hễ đem quẳng đi thì em giữ lại. Đôi khi anh thấy các vật đó ngạo nghễ nhìn anh như thách đố anh xem có làm gì được chúng không khi chúng đã được sự bảo trợ của em.

Nhưng nếu có tật nào đó của em làm cho anh sốt ruột nhất chắc phải là tật cả ngày đánh lạc chùm chìa khóa. Không mấy lúc là anh không thấy em lúi húi tìm nó, rồi hỏi chồng có cầm không, rồi hỏi con có nghịch không, trong khi em, vâng chính em, đã cất nó ở những chỗ không ai có thể ngờ tới được. Em mở tủ rồi bỏ chìa trong tủ, đóng cửa tủ lại, em để chìa khó trong túi chiếc áo em thay để giặt, em ra vườn rồi móc chìa khóa lên cành cây trứng cá. Có lúc anh đã ngồi tính trung bình mỗi ngày em mất mười lăm phút tìm chìa khóa. Như vậy trong mười lăm năm vợ chồng ta lấy nhau, em đã bỏ ra nguyên hai tháng vào công việc đó rồi đấy em ạ. Nếu trời mà cho vợ chồng ta sống với nhau ba mươi năm nữa, thì cái chùm chìa khóa tai ác kia sẽ giành của anh mất đúng nửa năm. Có ai tin được không? Một đời ân ái mỗi phút đều đáng kể mà bỏ phí tới nửa năm đi tìm chìa khóa.

Nhưng cũng như người mẹ vừa mắng đứa con là hư, mà lại vừa ôm nó hôn lấy hôn để, chúng ta có nói đến tật xấu của nhau cũng chỉ để mượn một cớ mà đối với nhau thêm nồng nàn. Sự mượn cớ này là một điểm rất tế nhị trong đời sống vợ chồng Á Đông. Người Âu Tây vô cớ cũng phải hò la inh ỏi rằng họ yêu thương nhau, lấy cái sự ồn ào bên ngoài mà phụ lực cho cái trống trải bên trong. Chúng ta vững vàng bên trong rồi nên bên ngoài biểu thị tình cảm một cách thật êm đềm.

Anh viết tới đây thì giường bên em đang trở mình hình như khó ngủ vì ánh đèn của anh – Bàn anh ngồi viết cách giường em nằm không tới một thước thế mà thư này còn phải đi nhiều chặng nữa mới đến tay em. Anh nhìn sang em thấy hình như tuy thư chưa gửi mà em đã biết hết những điều anh viết.

Anh mong khi thư tới, anh sẽ không có nhà – Vì nếu anh có mặt lúc em đang đọc thư anh chắc anh sẽ ngượng lắm.

Chồng em,

Ký tên không rõ

P.V.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder