Tưởng rằng phận bạc Ðạm Tiên
Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Ðiền nằm đây
Ngẩng trời cao, cúi đất dày
Cắn môi tay nắm bàn tay của mình
Một vùng cồn bãi trống trênh
Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề
Hút tầm chẳng cánh hoa lê
Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non
Xạc xào lá cỏ héo hon
Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi
Lặng im bên nấm mộ rồi
Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm
Không cành để gọi tiếng chim
Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời
Không vầng cỏ ấm tay người
Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu
Thanh minh trong những câu Kiều
Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân
Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân
Phong trần còn để phong trần riêng ai
Bao giờ cây súng rời vai
Nung vôi, chở đá tượng đài xây lên
Trái tim lớn giữa thiên nhiên
Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa…
Lời bình của ĐỖ TRỌNG KHƠI:
Qua tấm “căn cước – thơ”, tôi đồ rằng, ông Vương Trọng là người hiếu đễ và ngay thẳng. “Bói chữ” vậy, bởi thấy tình thơ ông rất trực, mạch cảm thường cứ băng băng tiến, rồi mạnh mẽ gọi cái “sự” cái “cảnh” bi hoặc phẫn của đời sống ra mà chất vấn, khiển trách, mà ngậm ngùi. Lời ông ít dụng kiểu “vẽ mây nẩy trăng”, lòng vòng, thâm thúy (tạm gọi như vậy). Cảm xúc thơ ông quả là rất dạt dào, vậy mà dường như câu chữ lại ít vướng víu phải những nghi lễ xâm hương tẩm sắc cầu kỳ, thứ việc cũng thường gặp ở nghệ thuật làm chữ. Thơ ông gần gụi với đời sống con người, lay động ý thức cộng đồng ở những cảnh đời thường, bình dị nhất. Nhờ cái “tâm thi” đó chăng mà tình ông luôn chất chứa nhiều chia sẻ, cảm thông, mang tính giáo dục cao. Cũng bởi vậy, Vương Trọng là nhà thơ có những tác phẩm không chỉ hay về nghệ thuật, mà còn gây được hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội.
Bên mộ cụ Nguyễn Du là tác phẩm mang lại hiệu quả kép như vậy.
Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên
Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây…
Đạm Tiên là nhân vật kỹ nữ yểu mệnh. Mộ nàng cư nơi cỏ áy bóng tà, là nấm mộ vô chủ, không người thân hương khói. Chị em Thúy Kiều đi chơi hội đạp thanh, tình cờ ghé qua, cảm thương mà thắp cho nén hương. “Một lời một cứ vận vào…”, ngờ đâu lời than thở cho người đã không chỉ vận vào một đời Kiều, mà nó còn vận sâu, sâu lắm, tới tận mộ phần của tác giả truyện, cụ Nguyễn Du sau những mấy trăm năm:
Một vùng cồn bãi trống trênh
Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề
Hút tầm chẳng cánh hoa lê
Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non
Và,
Không cành để gọi tiếng chim
Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời
Không vầng cỏ ấm hơi người
Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu…
Quả là, “Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi” (Đọc Tiểu Thanh Ký). Thưa, cái chữ mệnh – văn chương không mệnh đốt còn vương – sâu xa đến nhường ấy ư?! Phận kẻ quốc sắc vốn lắm đa đoan. Mệnh người thiên tài trong vòng danh lợi, ganh ghét cũng nổi chìm, sai ngoa không kém. Cũng bởi lẽ đời nghìn năm vốn thế, bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du cảnh thơ dù đẹp, mạch thơ dù thoát, hoạt, nhưng tình thơ vẫn khôn cầm nỗi ngậm sầu, nuốt tủi.
Gương chữ muôn đời của thơ, cũng chính là vậy chăng!
*****
Bàn thêm:
Bên mộ cụ Nguyễn Du được nhà thơ Vương Trọng viết ngày 7-3-1982, nghĩa là cách ngày Đại thắng mùa Xuân 30-4-1975 gần tròn 7 năm. Ngay sau khi bài thơ ra đời không bao lâu, tiếng vang bài thơ gây ra trong đời sống xã hội là to lớn và nó đã mang lại hiệu quả rất thiết thực: Mộ phần Thi hào đã được xây dựng khang trang, đẹp đẽ.
Mới hay, thơ đâu chỉ là chuyện ngâm vịnh, thù tạc. Nói theo dân gian, là “giá trị-suông!” Mà hiệu quả nghệ thuật thơ dâng tặng cuộc đời vẫn như một phương thuốc quý, có công dụng vô cùng đặc hiệu.