Mỗi Nhà thơ đều có một bí quyết riêng. Vậy còn bí quyết của Nhà thơ lục bát nổi tiếng Đồng Đức Bốn là gì? “Hẳn bạn đọc sẽ không tin khi tôi nói rằng “bí quyết” của cây bút chuyên lục bát này là làm thơ khi đang… ngủ gật! Chả là, hầu hết những bài thơ Bốn có, được sáng tác khi anh ngồi trên xe ôtô đi đâu đó. Chẳng cần giấy bút, mắt lim dim, mình lắc lư theo nhịp xe chạy, anh cứ nhẩm từng câu trong đầu cho thuộc, khi chép giấy thì đã thành tác phẩm hoàn chỉnh” (Nhà thơ Đặng Vương Hưng)
Mỗi Nhà thơ đều có một bí quyết riêng. Vậy còn bí quyết của Nhà thơ lục bát nổi tiếng Đồng Đức Bốn là gì? “Hẳn bạn đọc sẽ không tin khi tôi nói rằng “bí quyết” của cây bút chuyên lục bát này là làm thơ khi đang… ngủ gật! Chả là, hầu hết những bài thơ Bốn có, được sáng tác khi anh ngồi trên xe ôtô đi đâu đó. Chẳng cần giấy bút, mắt lim dim, mình lắc lư theo nhịp xe chạy, anh cứ nhẩm từng câu trong đầu cho thuộc, khi chép giấy thì đã thành tác phẩm hoàn chỉnh” (Nhà thơ Đặng Vương Hưng).
Đã có những nhận xét vênh nhau 180 độ. Trong khi nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng thơ Đồng Đức Bốn “Chỉ óng ánh trang kim nhưng nhẹ tếch chẳng có gì. Gạt cái vỏ mạ vàng ra, bên trong chỉ luễnh loãng một chút sương khói” thì nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lại nhận thấy thơ Đồng Đức Bốn “có tới trên dưới 90 bài được khách sành văn chương xếp vào loại cực hay, tài tử vô địch”. Và rồi, ngay Nguyễn Huy Thiệp sau đó đã lại mâu thuẫn với chính mình khi cho rằng: “Ta gần như không thấy Đồng Đức Bốn có bài thơ nào hay nhưng những câu thơ hay “tình thế” của Đồng Đức Bốn thì chi chít” (xem “Giăng lưới bắt chim”, tập phê bình, tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp, NXB Hội Nhà văn, 2006).
Vậy thực chất thơ Đồng Đức Bốn thế nào? Những ý kiến nhận xét của hai cây bút vào hàng cự phách trên văn đàn Việt Nam là đúng hay sai, và sai – đúng đến đâu?
Phải thừa nhận thơ Đồng Đức Bốn có những câu hay. Cái hay đó đa phần thể hiện ở những liên tưởng đẹp, giàu sức khơi gợi:
Bồi hồi những giọt mưa đêm
Sáng như nến thắp ở bên mái chèo
(Bài “Đêm sông Cầu”)
Tia chớp như sợi chỉ mềm
Tôi ngồi khâu áo trả đền cho em
(Bài “Chạy mưa không chạy qua rào”).
Cũng có khi tác giả mượn một đôi hình ảnh của thiên nhiên để gửi gắm tâm trạng của mình:
Đừng buông giọt mắt xuống sông
Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm
(Bài “Đêm sông Cầu”)
Chiều nay Hồ Tây có giông
Tôi ngồi trên sóng mà không thấy chìm
(Bài “Chiều nay Hồ Tây có giông”)
Ngang trời tiếng vạc mảnh mai
Chém trăng đã đứt thành hai mảnh rồi
Mảnh nào em để cho tôi
Khi buồn chỉ đặt lên môi làm kèn
(Bài “Cái đêm em ở với chồng”)
vv và vv…
Đó là những câu thơ hay đơn lẻ. Còn những bài thơ hay của Đồng Đức Bốn thì sao? Cũng chẳng đến nỗi…không có như Nguyễn Huy Thiệp nhận xét đâu (theo tôi, cả hai ý kiến của Nguyễn Huy Thiệp trích dẫn ở phần trên đều là nói quá). Các bài “Chăn trâu đốt lửa”, “Vào chùa” (phần I) và bài “Trở về với mẹ ta thôi” (phần 5, phần 6) đều có thể xếp vào loại thơ hay. Bài “Chăn trâu đốt lửa” chỉ có 4 câu nhưng đã đúc lại một kỷ niệm khó quên với bao người dân quê từng có tuổi thơ lam lũ. Lam lũ mà vẫn không đánh mất sự mơ mộng:
Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.
Đọc câu kết bài, có người nêu thắc mắc sao tác giả không chữa mấy chữ “Củ khoai nướng” thành “Củ khoai cháy” cho rõ ý? Khỏi cần! Theo lôgic của mạch văn, một khi câu trên tác giả viết “Mải mê đuổi một con diều” thì ở dưới đương nhiên là khoai…cháy. Vả chăng, “Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”, câu thơ không chỉ đúng về nghĩa đen (màu trời chiều như màu tro xám), mà còn hay về nghĩa bóng (củ khoai cháy khiến cả buổi chiều đối với đứa trẻ trở nên rỗng không, vô vị). Vậy cần chi phải nói kỹ, cho giảm chất thơ và bó hẹp sự suy tưởng (có thể khác với điều tôi vừa nêu) của độc giả?
Bài “Vào chùa” (phần I) cũng có độ dài tương tự. Chỉ với dung lượng 4 câu, tác giả cho xuất hiện hai nhân vật thuộc hai đẳng cấp vốn dĩ rất ít khi được cùng xuất hiện trong một bài thơ – đó là nhà sư và kẻ ăn mày. Tuy cả hai đều sống bằng của bố thí của thiên hạ, song một đằng được vì nể, một đằng bị khinh miệt.
Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.
Cái hay của bài thơ là cả hai nhân vật (gần như tồn tại ngoài lề xã hội) đều không ai cất lên một tiếng nào. Cả hai đều im lặng, im lặng hành động, im lặng thể hiện thái độ, nhưng thông qua đấy, bài thơ lại nói được những điều tưởng chừng khó nói. Chí ít nó cũng cho thấy con người dẫu thế nào cũng vẫn phải tự tìm đường đi cho riêng mình, phải tự cứu mình, bởi mọi tín điều đều không thay được những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Bài “Trở về với mẹ ta thôi” vốn dĩ có 6 phần, song riêng phần 5, phần 6 là chủ đề tập trung, chữ nghĩa hoàn chỉnh hơn cả. Bài thơ nói về nỗi lòng của một người con khi mẹ già qua đời. Tác giả đã khiến người đọc xúc động khi đưa ra một hình ảnh đối lập để nhấn mạnh nỗi đau xót, cảm thương của mình:
Mẹ nằm như lúc còn thơ
Mà con trước mẹ già nua thế này
Đặc biệt, với cái kết bài, tác giả đã thể hiện một mong ước thoạt nghe hơi lạ, “chẳng giống ai”, song càng ngẫm càng thấy thấm thía:
Trở về với mẹ ta thôi
Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ.
Theo một tổng kết thì di sản thi ca mà Đồng Đức Bốn để lại vào khoảng 500 bài (tuyệt đại đa số là lục bát). Với khối lượng ấy mà lọc ra được đôi ba bài như trên kể cũng hơi tiếc. Để tìm hiểu lý do tại sao những câu thơ hay của Đồng Đức Bốn khá nhiều nhưng số bài hay lại chiếm tỉ lệ chưa tương xứng, thiết nghĩ bạn đọc nên biết một chút về phương thức làm thơ của Đồng Đức Bốn mà nhà thơ Đặng Vương Hưng đã ghi lại trong bài ký “Trời cho được cái lộc thơ” (in trong tập “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc”, NXB Hội Nhà văn, 2006): “Hẳn bạn đọc sẽ không tin khi tôi nói rằng “bí quyết” của cây bút chuyên lục bát này là làm thơ khi đang… ngủ gật! Chả là, hầu hết những bài thơ Bốn có, được sáng tác khi anh ngồi trên xe ôtô đi đâu đó. Chẳng cần giấy bút, mắt lim dim, mình lắc lư theo nhịp xe chạy, anh cứ nhẩm từng câu trong đầu cho thuộc, khi chép giấy thì đã thành tác phẩm hoàn chỉnh”.
Không biết với bạn đọc thế nào, riêng tôi, tôi hoàn toàn tin vào những tình tiết mà Đặng Vương Hưng đưa ra. Cái lối “giăng lưới bắt… thơ” ấy không ít nhà thơ đã làm. Nghĩa là họ thả hồn vào cõi phiêu diêu. Và trong trạng thái chập chờn nửa thức nửa ngủ ấy, bất chợt một đôi câu thơ nào đó từ cõi sâu thẳm nhẹ nhàng lướt qua tâm trí họ. Họ “chộp” ngay lấy, lưu lại để rồi một lúc nào đó sẽ nâng lên, phát triển thành một bài thơ đầy đặn. Cái khác là với một số tác giả, mấy câu ấy chỉ như một thứ “mồi dẫn” để họ tiếp tục đào sâu suy nghĩ, hoàn thiện tiếp bài thơ của mình, còn Đồng Đức Bốn thì hầu như anh “xơi tái” luôn những câu thơ “vớ” được một cách dễ dàng như vậy. Nguyễn Huy Thiệp đã diễn tả việc này một cách hơi thô thiển nhưng ấn tượng: “Đồng Đức Bốn không suy nghĩ nhiều nhưng khi tia chớp bản năng vừa mới bừng lên lóe sáng là anh “múc liền, bụp luôn!”. Theo tôi, đó chính là lý do khiến thơ Đồng Đức Bốn đa phần đều rất ngắn, và hiếm bài nào có cấu tứ chặt chẽ, hoặc chủ đề tập trung, xuyên suốt (điều này thể hiện rõ ở việc: Đồng Đức Bốn thường lấy ngay câu thơ mở bài để làm tiêu đề – một việc làm có thể xem là khá lười biếng – bởi với những bài chủ đề phân tán thì rất khó đặt tên cho “trúng”). Thay vào đó là những câu thơ đèm đẹp, du dương, thể hiện những cảm giác, cảm xúc vu vơ, bâng lâng, bảng lảng (chủ yếu là về cảnh quê, người quê và tình quê).
Nguyễn Huy Thiệp từng nêu nhận xét: Những câu thơ hay của Đồng Đức Bốn “để ở bài nào cũng được”. Sự thật, mấy câu trứ danh của Đồng Đức Bốn “Bao nhiêu là thứ bùa mê/ Cũng không bằng được nhà quê của mình/ Câu thơ nấp ở sân đình/ Nhuộm trăng trăng sáng nhuộm tình tình đau” được tác giả đưa vào cả hai bài “Gửi Tân Cương” và “Cuối cùng vẫn còn dòng sông”, mà xem ra cũng… chẳng làm sao! Phải chăng sự mông lung, không chủ đề xuyên suốt, không cấu tứ này là một trong những lý do để Trần Đăng Khoa cho rằng thơ Đồng Đức Bốn là loại thơ “mạ vàng, bên trong chỉ luễnh loãng một chút sương khói”?
Cũng trong một bài viết về Đồng Đức Bốn in trên tạp chí Văn hóa Văn nghệ Công an số Tết 2006, Trần Đăng Khoa có nói đại ý, nếu ví thi sĩ là một thợ kim hoàn mà bậc cao nhất là 7/7 thì tay nghề của “ông thợ vàng” Đồng Đức Bốn là 9/7. Chỉ ngặt nỗi, tay nghề lão luyện vậy song trong tay anh không có chút nguyên liệu vàng nào, thành thử anh phải đem cả đồng, chì, kẽm, và đôi khi cả đất sét ra để mạ vàng. Tôi hiểu, Trần Đăng Khoa dùng cách nói vừa tung vừa hứng, khen mặt này để chê mặt kia, chứ kỳ thực, về ngón nghề lục bát, không thể nói Đồng Đức Bốn đã đạt đến độ thợ 9/7 được. Thơ lục bát của Đồng Đức Bốn còn nhiều chỗ quẩn vần, lặp vần và những lỗi ngớ ngẩn mà người sành điệu khó chấp nhận, kiểu như: “Muôn vàn sông chảy về đây/ Nắng thì gặp nắng cây thì gặp cây”; “Lông mày ai chớ uốn câu/ Để con cá chết cho cầu ao đau”; “Bởi yêu cả tiếng chuông chùa/ Để em đến được mặt trời trong ta”. Ngoài ra là nhiều câu gượng gạo, độn chữ một cách linh tinh lang tang.
Tuy nhiên, bên cạnh những nhược điểm đã nêu, thơ lục bát của Đồng Đức Bốn vẫn có một sự tươi tắn, một sức thu hút nổi trội so với nhiều “cây lục bát” khác dù rằng rất có thể tay nghề của họ cứng cựa hơn. Đọc những câu: “Ra giêng anh lại đi tìm/ Những câu quan họ của Lim ngày nào” (“của Lim” chứ không phải “hội Lim”); “Xong rồi chả biết đi đâu/ Xích lô Bà Triệu ra cầu Chương Dương” (đi xích lô từ phố Bà Triệu ra cầu Chương Dương), ta thấy thơ lục bát Đồng Đức Bốn có gì đó rất tự nhiên, sảng khoái, gần gũi với hơi thở đời thường. Có thể nó chưa hay, thậm chí có chỗ là thật thà, là ngô nghê, nhưng rõ ràng đọc lên ít thấy sự gò bó, khuôn sáo như cả rừng thơ lục bát mà ta vẫn bắt gặp hằng ngày trên mặt báo. Ít nhất nó cũng không khiến ta thấy nặng nề, chán ngán khi phải đọc cả chục bài một lúc. Tất nhiên, với cách làm thơ của Đồng Đức Bốn – như Đặng Vương Hưng đã thuật lại – thì đó là cách giúp người viết đỡ mệt hơn cả, người đọc cũng bớt mệt, song sức ôm chứa của nội dung thơ dễ thường cũng… nhẹ.
Nhưng biết đâu, điều mà độc giả cần ở một thi sĩ như Đồng Đức Bốn lại chính là cái nhẹ nhàng – nhẹ nhàng và bay bổng như vậy?
Nhà thơ Phạm Khải
Phó Tổng biên tập Báo CAND
(Nguồn lucbat.com)