Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Thái Lan Nguyễn Tất Thành và nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh
Giải thưởng Văn học ASEAN là sự tôn vinh đóng góp của nền văn hóa mỗi dân tộc, là biểu hiện đẹp đẽ của tinh thần cùng tồn tại trong hòa bình, cùng phát triển trong ổn định, cùng thịnh vượng trong hài hòa của cộng đồng các nước ASEAN…
Giải thưởng Văn học ASEAN là sự tôn vinh đóng góp của nền văn hóa mỗi dân tộc, là biểu hiện đẹp đẽ của tinh thần cùng tồn tại trong hòa bình, cùng phát triển trong ổn định, cùng thịnh vượng trong hài hòa của cộng đồng các nước ASEAN.
Đại sứ Nguyễn Tất Thành và nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh
Tối 14/12 tại Băng Cốc – Thái Lan, Hội đồng tổ chức Giải thưởng Nhà văn khu vực Đông Nam Á đã tổ chức trọng thể Lễ trao Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015 cho các nhà văn có tác phẩm xuất sắc của các nước thành viên Đông Nam Á. Tác phẩm “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của tác giả Trần Mai Hạnh là đại diện của Việt Nam được vinh dự nhận giải thưởng này.
Phát biểu tại lễ nhận giải, tác giả của Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 xúc động nói: “Tại đất nước Thái Lan tươi đẹp, yên bình, thân thiện và giàu truyền thống văn hóa, cuốn tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của tôi được vinh danh trong khung cảnh trang trọng của Lễ trao Giải thưởng Văn học ASEAN 2015, đã làm thức dậy ký ức về cuộc chiến tranh mà nhân dân Việt Nam đã phải trải qua những hy sinh to lớn với tinh thần quả cảm để có được nền hòa bình và thống nhất đất nước.
Cuộc chiến tranh nào rồi cũng qua đi và trở thành một phần của lịch sử. Nhưng lịch sử không yên nghỉ, mà nó luôn thức với ánh sáng chiếu rọi mách bảo chúng ta cần phải làm gì trong cuộc đấu tranh bảo vệ những phẩm giá tốt đẹp của hiện tại và tương lai trong một thế giới đang trĩu nặng âu lo vì những tham vọng, chiến tranh và xung đột”.
Giải thưởng Văn học ASEAN là sự tôn vinh đóng góp của nền văn hóa mỗi dân tộc, là biểu hiện đẹp đẽ của tinh thần cùng tồn tại trong hòa bình, cùng phát triển trong ổn định, cùng thịnh vượng trong hài hòa của cộng đồng các nước ASEAN.
Trong khuôn khổ giải thưởng còn có các hoạt động như giao lưu, hội thảo… về văn học giữa các nhà văn đoạt giải thưởng và độc giả.
Giải thưởng Văn học ASEAN (SEA Writer Awards) do Hoàng gia Thái Lan thành lập năm 1979. Giải được trao hàng năm nhằm tôn vinh các nhà văn, nhà thơ có sáng tác văn học tiêu biểu tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam bắt đầu tham gia Giải thưởng Văn học ASEAN từ năm 1996 đến nay. Mỗi năm có một nhà văn hoặc một nhà thơ tiêu biểu được đề cử và vinh danh tại Lễ trao giải tại thủ đô Thái Lan.
Nhiều năm trở lại đây, hầu hết tác phẩm được đề cử tham gia dự giải của Việt Nam đều là tác phẩm từng được giải thưởng văn học thường niên và được tiếp tục bỏ phiếu bầu từ Ban chấp hành cùng với 4 hội đồng chuyên môn. Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của tác giả Trần Mai Hạnh nhận được số phiếu tuyệt đối của Hội đồng đề cử, là tác phẩm đại diện của Việt Nam tham dự giải thưởng.
Nhà báo Trần Mai Hạnh nhận giải thưởng văn học ASEAN dường như là một ngoại lệ duy nhất từ trước tới nay vì ông chưa phải Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên, ông có nhiều sáng tác văn học và tác phẩm báo chí có tiếng vang rộng rãi đăng trên các báo và tạp chí. Ông từng được Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ năm 1970-1971 và đã có 5 cuốn truyện, tiểu thuyết được xuất bản. Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của ông dầy gần 600 trang với những tài liệu nguyên bản, trong đó có nhiều tài liệu tuyệt mật lần đầu dược công bố toàn văn, đã phục dựng lại trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu). Cuốn sách doNhà xuất bản Chính trị Quốc gia- Sự thật ấn hành năm 2014, tái bản có bổ sung năm 2015 và đang chuẩn bị tái bản tiếp vào đầu năm 2016.
Đến nay, các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã được trao Giải thưởng Văn học ASEAN gồm có: Tố Hữu (1996), Ma Văn Kháng(1998), Hữu Thỉnh (1999), Nguyễn Khải (2000), Nguyễn Đức Mậu (2001), Nguyễn Kiên (2002), Bằng Việt (2003), Đỗ Chu (2004), Inrasara (2005), Lê Văn Thảo (2006), Trần Văn Tuấn (2007), Nguyễn Ngọc Tư (2008), Cao Duy Sơn (2009), Nguyễn Nhật Ánh(2010), Nguyễn Chí Trung (2011), Trung Trung Đỉnh (2012), Thái Bá Lợi (2013), Thanh Thảo (2014) và Trần Mai Hạnh (2015).
H.N.
(Nguồn Toquoc)-