Biển khóc:  Truyện ngắn của Lê Mạnh Thường

  1. Tư Trung nhìn đồng hồ xong rồi cất lời ra lệnh. Năm người xúm lại mũi tàu hò nhau kéo chiếc dây neo to bằng cổ tay. Tài công nổ máy. Tiếng máy gừ gừ nghe êm tai. Đợi chiếc neo vừa được kéo lên khỏi mặt nước, chiếc tàu gỗ nhằm hướng Bắc lao đi.

Đáng lẽ, theo kế hoạch đã lên sẵn từ trong năm, hết rằm tháng giêng là Tư Trung cùng anh em sẽ lên đường ra Bắc để tiến hành công việc. Nhưng nấn ná mãi vì phải chờ qua lễ khao lề nên bây giờ mới đi được.

Cứ vào độ này hằng năm, khi mùa mưa bão ở miền Trung đã dứt, huyện đảo Lý Sơn quê anh lại diễn ra các cuộc tế lễ dành cho những hùng binh năm xưa đã ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Là con dân của đảo nên Tư Trung không thể bỏ được nghi lễ rất linh thiêng này.

Tư Trung còn có một chân trong đội đua thuyền truyền thống của đảo. Với sức khoẻ, sự nhanh nhẹn vốn có của mình, anh được phân công vào đội cầm dầm chèo. Hầu như các cuộc đua thuyền truyền thống nào trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của đảo Lý Sơn hằng năm, thuyền rồng của anh đều giành vị trí quán quân. Tư Trung hãnh diện lắm.

Nhà Tư Trung ba đời nay làm nghề lặn biển. Cái nghề sao mà cơ cực vô cùng. Người ta nói nghề này là “Ăn cơm dương gian làm việc âm phủ” quả không sai. Lúc còn là thằng bé cởi truồng thường hay đi dọc bến tàu nhặt cá tôm rơi vãi, Tư Trung đã thấy cha và ông nội ngày ngày đi lặn kiếm ốc, sò gai, hải sâm đem về cho bà nội và mẹ bán. Lên mười ba tuổi, anh đã theo cha và chú Ba đi lặn. Lòng biển có một sức lôi cuốn, mê hoặc Tư Trung đến ghê gớm. Hễ hôm nào không được lặn là anh cảm thấy trong người bứt rứt khó chịu. Tư Trung là người có sức khoẻ phi thường. Anh có thể lặn sâu xuống được ba mươi sải nước. Trong gia đình Tư Trung cho đến bây giờ, có ba người chẳng may gặp nạn bởi nghề lặn đó là cha, chú Ba và anh Hai Đởm. Cha anh chết thảm cách đây mười lăm năm. Chú Ba và anh Hai Đởm thì liệt nửa người do lặn quá sâu bị nước ép. Bây giờ họ trở thành người tàn phế sống nhờ vợ con. Nhiều lúc Tư Trung cũng muốn bỏ nghề lặn bởi nó quá hiểm nguy. Nhưng nghĩ lại, nếu bỏ nó thì biết làm nghề gì để kiếm sống đây? Thôi chậc, sinh nghề tử nghiệp. Chẳng qua cũng chỉ vì miếng cơm manh áo cả. Hà bá nó bắt mình lúc nào thì mình đành chịu vậy, biết răng chừ? Có điều mình sẽ phải cẩn thận hơn cho vợ con được nhờ. Tư Trung lập luận như vậy.

Bây giờ thì Tư Trung đã là chủ của một chiếc tàu lặn biển với đồ nghề hiện đại nhất đảo. Anh chuyển sang lặn tìm phế liệu bởi mặt hàng này dưới biển rất nhiều. Kiếm ăn được.

Tư Trung cùng tốp thợ năm người của mình đều là những tay lặn cừ khôi trong họ tộc từng rong ruổi đi khai thác phế liệu ở nhiều vùng biển trong Nam ngoài Bắc. Số tiền kiếm được cũng kha khá. Anh đã xây được một ngôi nhà tương đối hoành tráng ở làng. Mở cho vợ một sạp vải ở chợ. Hai đứa con ăn học đàng hoàng. Nhìn thấy vậy, Tư Trung càng cảm thấy yêu nghề và quyết tâm gắn bó với nghề lặn hơn.

Trước hôm lên đường đi chuyến này, Tư Trung có biện chút lễ ra thắp nhang ngoài mấy ngôi mộ gió và đền thờ cá ông để cầu mong cho chuyến làm ăn gặp nhiều may mắn, tránh mọi tai ương. Lúc quay về, anh rẽ vào nhà ông Tám “âm phủ” nhờ xem giùm chuyến đi thế nào. Ông Tám “âm phủ” là thầy bói nổi tiếng ở huyện đảo này.

Ông Tám “âm phủ” thắp ba nén nhang lên bàn thờ. Khi xem ba con bài mà Tư Trung vừa bốc, ông bấm đốt ngón tay một lúc rồi ngần ngừ:

– Lạ thiệt!

– Là sao ông Tám?- Tư Trung hấp tấp hỏi lại.

– À, ờ..! Mày đi chuyến này coi chừng được cá to nghe hông Tư? Một chiếc ghe của mày tao e chở không hết hàng đâu!

– Vậy hả? mà hàng gì hả ông Tám?

– Ừa, thì sắt thép chi chi đó! Mà chỗ đó thiêng lắm đó nha, có thể có người nữa đó!

– Hả?- Tư Trung giật mình- Có người là sao ông Tám?

– Thì tao đã bảo rồi, khu vực đó rất thiêng, ra đến nơi mày phải làm một cái lễ đầy đủ bài vị nhang đèn rồi thành tâm cúng bái để cho người ta phù hộ. Không ai làm hại mày đâu!

– Dạ, ông Tám ghi cho con những thứ đồ lễ để về vợ con đi sắm cho kịp sáng mai đi!

– À mà này, mày về dặn với mấy anh em bạn là tối nay cấm đứa nào được gần vợ nghe chưa? Nếu không nghe thì đừng trách tao không nói.

– Dạ, con biết rồi ông Tám!

Tư Trung vội vàng cầm mảnh giấy của ông Tám “âm phủ” đưa cho. Miệng hấp tấp chào ông rồi tất tả phóng xe ra cổng.

Ngoài kia, biển đã sẫm màu.

 

  1. Bây giờ là ngày hay đêm?

– Bình minh hay hoàng hôn?

– Trưa hay tối?

– Chịu!

Biết bao lần Tài và Thức đều tự ra câu hỏi và rồi cuối cùng cũng tự trả lời cho mình bằng một câu cụt ngủn như vậy.

Nằm cạnh Thức, Tài cứ trằn trọc, thao thức mãi. Thỉnh thoảng, có một con bạch tuộc hay con cá đuối cô đơn nào đó đi qua ngôi nhà của họ. Chúng loé lên một chút ánh sáng lân tinh ma quái rồi vội tắt lịm. Hoang lạnh. Câm bặt. Một cõi u tịch đến rợn người.

Bao quanh đây là một màu đen đặc quánh. Cái ý niệm về không gian, thời gian coi như không có. Tất cả đều tối thui.

Một quầng bùn cát vẩn lên hắt vào mũi làm Thức chợt tỉnh giấc. Anh mở mắt, quờ tay sang bên cạnh. Tài khẽ cựa mình rồi húng hắng ho.

– Tài không ngủ hả em?- Thức khẽ hỏi.

– Không hiểu sao em không ngủ được anh ạ!- Tài thủng thẳng đáp.

– Có chuyện gì à?

– Em cũng chẳng biết có chuyện gì nữa. Hôm nay em thấy trong người nó làm sao ấy. Cứ nôn nao khó tả lắm!

– Hay là nhớ em Lài?- Thức vừa hỏi vừa tủm tỉm cười.

– Nhớ nhưng biết làm sao được hả anh?- Tài chợt chùng giọng- Bây giờ chắc cô ấy đã là một bà giáo về hưu, con cháu đề huề rồi anh nhỉ?

– Ừ, chắc vậy!

– Anh Thức này, tại sao anh em mình ngủ suốt mấy chục năm nay rồi mà không cảm thấy chán hả anh? Năm qua tháng lại chỉ mỗi điệp khúc “Ngủ- thức- ngủ” mà không thể có việc gì hơn ngoài cái điệp khúc cũ mèm ấy. Chán thật!- Tài khẽ lắc đầu, chép miệng.

– Em nói còn thiếu, cái điệp khúc ấy phải là “Thức- ngủ- nhớ- thức- nhớ- ngủ”.

– Là sao anh?

– Nếu không có những ký ức, những kỷ niệm mà ta đã từng trải qua thì làm sao anh em mình có thể tồn tại được nơi đáy biển âm u này. Chúng ta đang sống bằng những kỷ niệm của một thời trai trẻ đấy thôi!

– Vâng, và đến bây giờ thì chúng ta vẫn là những gã trai làng non tơ. Anh vẫn là chàng trai hai mươi hai, còn em mười chín. Chúng ta chẳng già đi chút nào anh nhỉ?

– Ừ, nhưng anh khổ tâm hơn em vì trước lúc lên đường anh đã kịp có một người vợ và đứa con trai lên hai. Thà như em chưa có gia đình thì còn ít người đau khổ, mà bản thân mình cũng đỡ dằn vặt hơn. Đằng này, … không biết bây giờ mẹ con cô ấy ở quê thế nào?Tội mẹ con cô ấy quá Tài ạ!

– Vâng, mặc dù em chưa có vợ con như anh nhưng em cũng đã có người yêu. Lài là mối tình đầu của em. Chúng em yêu nhau bằng tất cả sự chân thành. Lúc ấy Lài đã là một cô giáo làng. Lúc chia tay lên đường, cô ấy động viên em nhiều lắm. Lài hứa sẽ chờ em trở về. Hai đứa sẽ báo cáo gia đình rồi tổ chức lễ cưới. Lài sẽ thường xuyên sang thay em chăm sóc bố mẹ em. Cô ấy tốt thật anh ạ! Không lúc nào là em không nhớ về cô ấy!

– Thì chiến tranh nó nghiệt ngã là vậy mà em!- Thức thở dài.

Như nhớ ra điều gì, Tài nhổm dậy hỏi Thức với giọng hấp tấp:

– À, anh Thức này! Anh có nhớ chính xác là anh em mình ở đây được bao lâu rồi không anh nhỉ?

– Ba mươi lăm năm, bốn tháng, mười một ngày!

– Ôi, trí nhớ của anh tuyệt thật. Thế mới đúng là ông anh khẩu đội trưởng của em! Bái phục, bái phục!

– Có gì đâu mà tuyệt với chả vời, tài với chả giỏi. Nếu tài giỏi thì anh em mình đâu phải ở những nơi tối tăm u uất như thế này. Có thể bây giờ em sẽ cùng Lài và những đứa con đang đi du lịch đâu đó, còn vợ chồng anh đang gặt lúa trên đồng hay đi làm cỏ lúa. Thế mới là tuyệt, em hiểu chưa?

– Thôi, thôi, thôi anh đừng nói nữa, em không chịu được nữa đâu! Em khóc đấy!- Tài xua tay, giọng có vẻ hơi gắt.

– Cái thằng này, chỉ được cái mau nước mắt, khóc thuê quen rồi hử?- Thức xoa dịu- Anh xin lỗi, ý anh muốn nói rằng, thời gian trôi nhanh thật. Mới đó mà đã chừng ấy năm. Nhanh thật!

– Mà thôi anh ơi, cất cái chuyện thời gian, năm tháng, vợ con ấy lại đi, em buồn ngủ lắm rồi- Tài vừa nói vừa ngáp dài- Mắt em díp hết cả lại rồi đây!

– Ừ, ngủ đi em…!

Dòng nước ấm khẽ chảy qua khoang tàu làm lay nhẹ những trang giấy cháy sém nằm lả tả cạnh hai người. Hai khẩu AK rỉ sét bên cạnh họ vẫn nằm lặng ngắt. Lòng bàn tay Tài còn nắm chặt miếng mica hình trái tim. Chắc là cậu ấy định làm quà kỷ niệm để gửi về cho Lài. Nhưng không kịp…

Một đàn cá nhỏ lững lờ bơi đến rỉa mấy sợi rong rêu bám vào thân tàu rồi lại lặng lẽ bỏ đi.

Tất cả đều câm lặng một cách đáng sợ. Hai người lính lại chìm sâu vào giấc ngủ miên man vô định.

 

  1. Ngày…

Vậy là mình đã trở về đơn vị an toàn. May mà vẫy được chiếc xe tiếp phẩm của tỉnh đội để trèo lên đi nhờ được cả quãng đường dài. Đi bộ thêm mười sáu cây số nữa mới về đến đơn vị. Mệt. Không, nhằm nhò gì! Được về tranh thủ thăm mẹ con Thoan là vui lắm rồi. Dẫu có phải đi bộ cả trăm cây số mình cũng chấp nhận.

Chiều nay, vừa khoác ba lô xuống tàu, anh em ùa ra đòi quà. Đi vội quá nên Thoan chỉ kịp gói cho mình được một ít bánh gai để làm quà cho anh em trong đơn vị. Anh Huấn chính trị viên đùa bảo: “Cả tàu này sướng nhất Thức rồi đấy! An tâm công tác nhé!”.

Ba ngày về tranh thủ mình làm được những việc gì nhỉ? Đi thăm bố mẹ hai bên này. Bố mình và bố Thoan đều già yếu lắm rồi. Mình biếu bố vợ chai rượu thuốc mua ở cửa hàng dược, cụ vui lắm. Đi cuốc cỏ lúa giúp Thoan được hai buổi này. Tội Thoan quá, một nách vừa nuôi con nhỏ vừa đảm đương hai mẫu ruộng. Mình lại đi xa chẳng giúp gì được cho Thoan nhiều. Trước hôm đi, Thoan bảo mình dói lại mái nhà tranh bị dột, nhưng thời gian nghỉ tranh thủ đã hết nên không thể làm kịp. Đành hẹn Thoan dịp khác mình về vậy.

Mà tóm lại, sướng nhất trong dịp tranh thủ này là được ôm hai mẹ con Thoan cho bõ những ngày xa cách. Cu Tuấn ban đầu nhìn thấy mình còn lạ nhưng khi thấy bố và mẹ nó tình tứ với nhau nhiều nên cũng nghe theo mẹ bập bẹ gọi “Bố, bố”. Nghe mà như nở từng khúc ruột. Cứ hở ra tý nào là mình và Thoan lại quấn lấy nhau. Vội vội vàng vàng như ma đuổi. Thoan bảo:“Anh tham thế?”. Mình cười: “Tại chiến tranh nên anh phải thế!”. Thoan lại bảo: “Lúc nào anh cũng đổ tội cho chiến tranh. Thế nếu hết chiến tranh chắc anh chẳng còn yêu em nữa phải không?”. “Thoan ơi, anh sẽ mãi yêu em, yêu hơn cả bây giờ nữa Thoan ạ!”. “Không tin, yêu như thế nào?”- Thoan cười vặc lại. “Như thế này này..!”. Mình riết mạnh vòng tay và trèo ngay lên bụng Thoan. “Ối, ối! đúng là dân pháo thủ. Khiếp đi được. Chết em mất!”. Thoan rên lên sung sướng. Mình cũng hồn phách lên mây.

Hạnh phúc đến với mình thật nghẹt thở.

Đời sướng thật!

 

  1. Vùng biển Long Châu.

Tư Trung cùng anh em thành kính đem đồ cúng lễ ra trước mũi tàu. Những bộ quần áo giấy và vàng tiền địa phủ được dằn bằng mấy cục đá đem theo để khỏi bị gió thổi bay xuống biển. Tự tay Tư Trung thắp nhang, rót rượu ra ba chiếc li rồi quỳ xuống. Năm anh em trong đội cũng quỳ xuống phía sau Tư Trung. Mọi người đều chắp hai tay lên ngực nhìn về phía bát nhang. Giọng Tư Trung lầm rầm trong gió: “Con nam mô a di đà Phật!Con nam mô a di đà Phật!Con cúi đầu quỳ lạy các chư vị Nam Hải Đại Vương, những người đã nằm lại vùng biển này….!”.

Tư Trung vừa kết thúc bài khấn nôm, mọi người trên tàu sì sụp vái lạy. Bỗng ba cây nhang bùng lên cháy thành ngọn lửa. Mắt ai cũng sáng lên. Tư Trung lắp bắp: “Vậy thì đúng rồi, đúng rồi! Thiêng thật! Thiêng thật! Thần biển và các vị tảo sa tảo lạc phù hộ anh em mình rồi! Con nam mô a di đà Phật..!”. Tư Trung cùng anh em thả quần áo, vàng mã và rải gạo, muối, rượu xuống biển. Xong xuôi, cả nhóm ngồi quay quần lại để hưởng lộc vừa cúng. Tư Trung mừng ra mặt bởi đã hai ngày quần thảo khắp khu vực Long Châu này, tốn kha khá dầu rồi mà vẫn chưa có tín hiệu từ lòng biển. May mà trưa nay, khi tàu vào đến vị trí này thì máy dò kim loại kêu tút tút liên hồi làm mọi người mừng thở phào nhẹ nhõm. Cộng với hiện tượng lúc nãy ba cây nhang bỗng nhiên bùng cháy nữa nên càng củng cố thêm niềm tin là tìm được mỏ phế liệu lớn.

Tư Trung hạ lệnh cho anh em sửa soạn cơm nước thật tươm tất để ăn lấy sức và tiện thể động viên tinh thần cả tàu. Tối nay, tốp lặn bắt đầu xuống biển thăm dò, đánh dấu vị trí. Sáng mai sẽ tiến hành khai thác phế liệu. Tâm trạng ai cũng phấn chấn lạ thường.

Tư Trung rít mạnh hơi thuốc, mắt nhìn xuống nước. “Hơn hai mươi sải, làm được!”. Anh lẩm bẩm.

Biển vẫn một màu đen thẫm. Con tàu nhỏ lắc lư qua lại trên sóng. Xa xa, một vài chiếc tàu cá mỏng manh tựa lá tre đang tất tả chạy về.

 

  1. Đêm…

Đêm nay, gác ca gần cuối. Không gian thật yên tĩnh, vắng lặng. Chẳng có chút gì là dấu hiệu của thời chiến cả nhỉ? Anh em đang say giấc ngủ. Ai cũng mệt vì phải căng mình làm công tác sửa chữa, bảo quản vũ khí máy móc suốt mấy hôm nay. Tàu nằm sâu trong hẻm núi chờ lệnh xuất kích. Dạo này bọn khu trục thường mò vào tận khu Long Châu khiêu khích. Chúng liều lĩnh, lì lợm thật. Được thôi, cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Chúng ta sòng phẳng với nhau nhé!

 Nhìn về hướng quê nhà mà thấy nhưng nhức trong lòng. Không biết giờ này mẹ con Thoan ngủ có ngon giấc không? Cu Tuấn của bố có quấy mẹ không nhỉ? Bố thương con quá Tuấn ạ! Con còn quá nhỏ để hiểu được nỗi buồn của bố khi phải xa mẹ, xa con. Những ngày không có bố ở nhà, con phải ngoan, không được quấy mẹ nghe không con! Mẹ vất vả vừa nuôi con, vừa đồng áng, vừa chăm ông bà nội. Ông bà nội già rồi mà bố cũng chưa giúp được gì nhiều. Con phải thường xuyên lên chơi với ông bà nội để ông bà vui con nhé! Con là cháu đích tôn của ông bà, trọng trách nặng nề lắm đấy Tuấn ạ! Bố rất thương mẹ con mà chẳng biết làm sao. Vì bố là bộ đội, bố phải trực chiến liên tục con ạ! Khi nào đánh Mỹ xong, bố sẽ về quê để được ở gần mẹ con con. Bố sẽ đền cho hai mẹ con tất cả những ngày xa cách. Hai mẹ con cố chờ bố nhé!

 

  1. Chiều….

Trưa nay toàn biên đội được ăn tươi mừng Quốc khánh. Cả biên đội được chỉ huy cho phép làm thịt hẳn một con lợn to vật vã. Chà, hôm nay toàn chuyện vui. Sẽ kể từng chuyện một.

Trước hết là chuyện đánh tiết canh. Tàu nằm trên sóng cứ bồng bềnh lắc qua lắc lại nên nhiều anh em bàn lui hay là thôi, sóng như thế này thì tiết đánh ra làm sao đông được? Thằng cu Soi “báo vụ” liền khua tay: “Ấy, ấy… các bác cứ để em, em chịu trách nhiệm cái vụ lẻ tẻ này cho!”. Chà, cái thằng này ăn nói có vẻ bốc đồng nhỉ? Anh Đại thuyền trưởng hỏi: “Có chắc không? Nếu đánh hỏng thì sao?”. Hắn lại chặc lưỡi cười tủm: “Ấy dà..! báo cáo thủ trưởng, nếu đánh hỏng mẻ tiết canh này thì em xin từ cái chức báo vụ số 1 ngay!”. Lão Hoan “cơ điện” là đồng hương Thái Bình với Soi tiết lộ: “Anh em yên tâm, nhà thằng Soi ba đời nay làm nghề bán cháo lòng tiết canh đấy!”. Mọi người thở phào rồi hô: “Quyết!”. Vậy là lao vào mỗi người mỗi việc. Thằng Soi quả là siêu thật. Bốn mươi lăm bát tiết canh, bát nào bát nấy đông cứng. Thằng Thái “ra đa” bảo, các bác trừ cho em xin một bát tiết, em sẽ lấy dây lạt xâu lại tý nữa cầm về cho mẹ thằng cu ăn cho đỡ thèm. Cả tàu cười như nắc nẻ. Lâu rồi không ăn lòng lợn tiết canh. Hôm nay ngon quá. Gắp miếng lòng cho vào mồm tự nhiên lại nhớ mẹ con cu Tuấn ở nhà. Mà thôi, đã bảo là kể chuyện vui cơ mà…

Trong bữa ăn, anh Huấn cũng góp vui bằng câu chuyện mà khi kể xong ai nấy cười sặc sụa, thằng Toàn chiến sĩ còn ôm bụng, chảy cả nước mắt. Mà quái lạ, anh Huấn kể rất chi là chậm rãi, anh ấy cũng chẳng cười. Thế mới tài chứ lị!

Chuyện là, hồi anh còn học trường sĩ quan chính trị. Trong lớp có một anh bạn cùng quê, hai người vừa là đồng hương đồng khói, vừa hợp tính nhau nên rất thân nhau. Lần nọ, nhà trường cho học viên nghỉ mấy ngày. Anh bạn mời anh Huấn ghé vào nhà chơi cho biết nhà cửa vợ con của anh ấy rồi hẵng về nhà. Anh Huấn đồng ý. Về đến nơi, chị vợ anh bạn rất đon đả. Chị tất bật ra vườn lùa gà lại và bắt một con để làm cơm đãi khách. Hai anh học viên đi thăm vườn tược rồi sang nhà bên thăm bố mẹ anh bạn xong quay về nhà ngồi uống nước. Được một lúc, anh Huấn ra giếng rửa mặt. Khi đi qua nhà bếp, anh Huấn chợt tròn mắt khi thấy chị vợ anh bạn đang làm món lòng gà nấu miến. Vì lửa thì to, chảo mỡ đã già, chị quay đi quay lại tìm mãi mà vẫn không thấy chiếc dao để đập hành cho vào chảo phi thơm. Vậy là chị nhanh trí cho cả nắm hành tăm vào miệng nhai trệu trạo cho dập rồi nhổ ra lòng bàn tay cho ngay vào chảo mỡ. Chị đảo qua đảo lại cho thơm rồi cho lòng gà vào. Anh Huấn nhìn thấy thế bỗng sởn gai ốc bèn lặng lẽ bước ra giếng. May mà chị vợ anh bạn đang mải làm nên không biết. Đến bữa ăn, khi rượu đã ngà, chị vợ giằng lấy bát múc miến cho hai anh em. Chị còn lấy đũa mò vào nồi miến gắp lòng mề gà để lên phía trên bát và giục hai anh em ăn nhiều để lấy sức. Cứ nghĩ lại cảnh lúc nãy, cổ họng anh Huấn lại nhợn lên buồn nôn. Vợ chồng anh bạn thì cứ ép ăn bằng được nên anh Huấn đành nhắm mắt nuốt ực một phát hết bát miến rồi tìm cách thoái lui. Anh Huấn bảo, đó là bữa cơm nhớ đời của tớ. Hì, hì, thật ra là phải phục tài nhanh trí của chị vợ anh bạn phải không các cậu? Phụ nữ Việt Nam thật tuyệt vời!

Chiều. Đi chặt cành cây để nguỵ trang tàu.

 

  1. Trời tối đen như mực. Gió lạnh sởn da gà. Ánh đèn của một vài chiếc thuyền câu mực phía xa xa chiếu lại như những ngôi sao nhỏ nhoi đang lang thang giữa màn đêm đặc quánh. Tư Trung ngồi bên mạn tàu vừa điều chỉnh chiếc máy nén khí vừa chăm chú theo dõi anh em làm việc phía dưới. Điếu thuốc luôn đỏ chót trên môi. Thỉnh thoảng có con cá chuồn liều mình lao lên khỏi mặt nước bay về phía Tư Trung. Anh né người, con cá giãy đành đạch rồi phơi cái bụng trắng ệch trên sàn tàu. Những con mực ống nhao lại ăn đèn. Chiếc đèn pha được choả xuống mạn tàu làm sáng lên một khoảng nước trước mặt. Một tiếng đồng hồ đã trôi qua. Không biết ở dưới đó anh em đã tìm được gì chưa? Đây là vùng biển lần đầu tiên mình thử sức. Liệu sự thật ở dưới đáy biển có đúng với những tiên đoán của ông Tám “âm phủ” không? Những câu hỏi cứ nảy ra trong đầu Tư Trung. Kinh nghiệm mấy chục năm làm nghề đã tạo cho anh sự bình tĩnh, can đảm khi phải đối mặt với những tình huống xảy ra trong quá trình lặn. Trong tốp lặn này chỉ có thằng Thắng là còn hơi non nghề. Đáng lẽ công việc của nó là điều chỉnh máy nén khí phía trên nhưng lúc ăn cơm xong, nó xin phép Tư Trung được lặn cùng mấy anh để củng cố tay nghề. Đắn đo một lúc rồi Tư Trung cũng đồng ý với điều kiện chỉ cho nó lặn một tiếng thôi. Nó chưa quen nghề bằng anh em thì chỉ cho nó đi theo học nghề là chính. Muốn lặn thì hôm sau sẽ chọn một vùng nước cạn hơn cho nó lặn ban ngày, có gì còn dễ xử lý. Làm cái nghề này không tham, không cố được. Nếu không tuân thủ điều đó thì chết như chơi. Nếu có phúc thì sinh mạng cũng chỉ còn là nắm thân tàn ma dại. Dân lặn biển ở Lý Sơn đang cần những thằng như thằng Thắng để nối nghề. Dù cái nghề này có nghiệt ngã, hiểm nguy đến đâu thì cũng cần phải tồn tại. Tồn tại để sống. Đáy biển là cơm áo gạo tiền.

Cái thằng quỷ này răng lâu vậy nhỉ? Định thi gan cùng mấy tay kia chắc? Tư Trung đang thắc mắc một mình thì thấy ánh sáng loa loá dưới nước. Ánh sáng đèn đang dần trồi lên mặt nước. Chiếc đèn pha gắn trên trán nhô lên khỏi mặt nước, người mặc bộ đồ cao su bơi về mạn tàu. Thằng Thắng. Tư Trung mỉm cười. Anh giơ tay kéo nó lên tàu. Thằng Thắng tháo kính lặn, nhả ống thở, mồm thở hổn hển. Nó cởi chiếc túi lưới đeo bên cạnh mình, thò tay lấy mấy thứ ra đưa cho Tư Trung. Tư Trung nhìn kỹ. Một hộp bảng điện tàu, một chiếc thước song song bằng mica, nắp hộp điện, la bàn. Tư Trung chau mày: “Tàu đắm hả?”. “Vâng, một chiếc tàu đắm anh Tư ạ. To lắm!”. Thắng vừa thở vừa trả lời.

Dưới mặt nước lại có tiếp mấy người ngoi lên. Vừa trèo lên tàu, khuôn mặt ai cũng tỏ vẻ căng thẳng. Mọi người đều xác nhận những gì vừa tận mắt thấy dưới làn nước sâu. Bảy Nam cầm khẩu súng AK đã rỉ sét đưa cho Tư Trung: “Là một con tàu anh Tư ạ!”. Cầm khẩu súng chỉ còn lại phần thép, Tư Trung giọng run run: “Tàu chiến. Chắc là tàu của bộ đội mình!”. Bỗng Tư Trung nhìn khắp lượt anh em rồi quả quyết: “Được rồi, sáng mai tôi sẽ xuống. Chúng ta sẽ tìm để đưa các anh ấy lên!”.

Tư Trung lẩm bẩm: “Ông Tám “âm phủ” thiêng thật! Nói đâu trúng đó!”.

 

  1. Đêm…

Tất cả đã xong. Ngày mai sẽ hành quân ra khu đợi cơ, sẵn sàng xuất kích. Không khí chiến đấu đang bùng lên hừng hực. Căng thẳng. Ngột ngạt. Bọn khu trục đang mò vào quấy rối. Chúng mày sẽ biết tay ông.

Anh em quây quần trên boong mũi tàu hóng mát. Điếu cày rít sòng sọc, phả khói um trời. Chè Thái Nguyên đặc quánh, thuốc lá Tam Đảo mấy bao vất xoài ra mặt boong. Ngày mai ra trận rồi, cứ thoải mái đi! Chuyện trên trời dưới biển được kể râm ran. Thằng Tài ngồi dựa lưng vào bệ pháo nghêu ngao hát. Mấy anh em ngồi cạnh buột miệng bảo: “Tài ơi, làm một bài bố chết đi!”. Tài e hèm một tiếng rồi cất lời thống thiết: “Bố ơi là bố ơi…! Con về mà không kịp gặp bố, đau xót quá bố ơi là bố ờ…i…!”. Mọi người cười rũ rượi. Lại có tiếng: “Khóc mẹ đi!”. Tài lại khóc bài về mẹ. Theo yêu cầu của “khán giả”, Tài khóc tiếp những bài về anh, chị, cậu, gì… Mỗi bài khóc mang một tâm trạng, một nỗi niềm riêng. Tiếng khóc của thằng Tài thật ỉ ôi nhưng rất có hồn. Đầy đủ vang, rền, nền, nẩy. Thì ra trước khi nhập ngũ, Tài đã có mấy năm lang thang làm nghề đánh giày kiêm thành viên của ban nhạc hiếu trên Hà Nội. Nó chuyên khóc thuê cho những gia đình có người thân qua đời. Họ cần tiếng khóc cho vơi bớt nỗi cô đơn, hiu quạnh. Giọng hát của nó được ông bầu Sẩm đánh giá cao. Số tiền Tài kiếm được cũng kha khá. Khi nó về quê giỗ ông nội thì đúng đợt anh cán bộ xã đội cầm giấy khám tuyển nghĩa vụ quân sự đến nhà. Vậy là nó ở lại và nhập ngũ cho đến hôm nay.

Đang chu cái mỏ ra nức nở làm trò cười cho mọi người thì thuyền trưởng từ dưới khoang chui lên quát cho một trận: “Im mồm ngay! Mai kia muốn chết cả nút hay sao mà giờ đã truy điệu sống cả tàu rồi? Mà mấy ông này nữa, giải tán về ngủ đi mai còn lấy sức hành quân!”. Mọi người lục tục chui xuống khoang. Chỉ còn mình với cây súng AK ngồi gác. Biển thật phẳng lặng, hiền hoà.

Lúc này lại nhớ tới Thoan. Nhớ em lắm Thoan ạ! Ước gì bây giờ anh có một phép màu nhỉ? Chắc em sẽ hỏi là để làm gì chứ gì? Tất nhiên là anh sẽ đi mây về gió như Lão Tôn để được gần em và con. Chỉ một chút thôi, một chút thôi Thoan ạ! Ngày mai anh ra trận rồi. Ước gì được gần em để ngửi mùi hương bồ kết trên mái tóc của em, được rúc vào ngực em như thằng cu Tuấn đòi tí mẹ. Được như thế thì còn gì bằng, anh sẽ may mắn lắm đấy. Nhưng… tiếc thật! Xung quanh anh bây giờ là súng đạn, là ngư lôi, là mệnh lệnh. Chẳng có một phép màu nào cả Thoan ạ!

Ngày mai, trước tàu chiến, máy bay của giặc không biết mình có gặp may không nhỉ? Chiến tranh, có ai nói trước được điều gì đâu. Mình chỉ mong sớm kết thúc chiến tranh, được bình an trở về làm thằng dân cày, lấy đít con trâu làm chuẩn. Vợ chồng sớm tối có nhau. Thế là mãn nguyện lắm rồi.

Nhưng không, chiến tranh đều có quy luật riêng của nó. Muốn được sớm trở về với gia đình, với quê hương thì càng phải chiến đấu. Chiến đấu đến cùng. Không thể dung tha cho bọn cướp nước. Ngày mai tao sẽ lấy đường ngắm thật chuẩn để tặng cho chúng mày những viên kẹo đồng sáng loé. Tao sẽ quyết tâm lập thành tích để đem về tặng cho mẹ con cu Tuấn nhà tao.

Chúng mày chờ đấy!

 

  1. Cơn mưa buổi sáng làm cho bầu trời quang đãng hơn nhiều. Ánh nắng vừa ló ra làm cho cảnh sắc trở nên rực rỡ. Trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ, tiếng chim hót líu lo như lũ trẻ con đang mải nô đùa. Trong căn phòng rộng rãi, hai chiếc tiểu sành được kê ngay ngắn, phía trên phủ hai lá cờ Tổ quốc đỏ tươi. Mùi hương toả ra thơm ngát. Xung quanh, những người lính Hải quân và bà con nhân dân đứng san sát chăm chú theo dõi. Đội tiêu binh súng tuốt lê nghiêm trang đứng bên cạnh hai người. Tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” vang lên trầm hùng. Lễ truy điệu bắt đầu.

Một vị tướng Hải quân đi lên phía trên. Ông nhìn mọi người định nói một câu gì đó nhưng nghẹn ngào một lúc mới nói nên lời:

– Thưa các đồng chí, thưa bà con nhân dân…! Đây chính là hai đồng đội trên tàu phóng lôi của tôi trong trận xuất kích đánh đuổi tàu khu trục của Mỹ xâm phạm hải phận của Tổ quốc năm xưa- Ông ngừng lại, rút khăn mùi soa trong túi ra lau nước mắt rồi run run nói tiếp- Trận đánh đó, tàu chúng tôi bị tên lửa từ máy bay, pháo hạm của tàu khu trục Mỹ bắn chìm. Mãi đến hôm nay tôi mới được gặp lại hai người trong số họ. Thức ơi, Tài ơi, các đồng đội còn nằm lại dưới lòng biển ơi!  Các cậu có nghe mình gọi không..?

Tất thảy mọi người trong căn phòng đều rưng rưng xúc động. Họ cúi đầu mặc niệm. Không gian trở nên yên lặng. Những ngọn nến toả ánh sáng lung linh huyền ảo trước di ảnh hai người.

Nằm cạnh nhau, Thức và Tài chăm chú nhìn mọi người. Bỗng Tài ngờ ngợ ra điều gì bèn gọi thầm Thức:

– Anh Thức, anh Thức ơi!

– Gì vậy Tài?

– Anh có thấy ông tướng này trông quen quen không?

– Ừ, ai hình như…, à!- Thức bật kêu lên- Anh nhớ rồi!

– Ai vậy anh? Sao em không nhớ ra nhỉ?

– Anh Huấn, anh Huấn đấy Tài ạ! Anh Huấn đã trở về và thành tướng rồi!

– A, anh Huấn, đúng rồi- Tài kêu lên- Sao anh ấy già quá anh nhỉ?

– Suỵt, nói khẽ thôi! Ba mươi mấy năm thì phải già đi chứ? Chỉ có anh em mình là trẻ mãi thôi!

Hai người lại đưa mắt nhìn xuống dưới kia. Anh Huấn vẫn đang kể cho mọi người nghe câu chuyện bi tráng về con tàu của mình. Đứng bên cạnh anh là Tư Trung và nhóm thợ lặn, những người đã có công đưa các anh về đất mẹ sau mấy chục năm lưu lạc. Những người lính và bà con nhân dân đến dự lễ mắt ai cũng ngấn lệ.

Thức và Tài vẫn đưa mắt kiếm tìm. Kia rồi! Thức kêu lên sung sướng. Đứng phía sau lưng anh Huấn là mẹ con Thoan. Họ chít khăn trắng trên đầu. Mắt Thoan đỏ hoe. Cô ấy già đi nhiều quá! Ôi, thằng cu Tuấn đã lớn bằng này rồi sao con? Có phải đứng bên cạnh Tuấn là vợ con của con không? Vậy là cuối cùng mình cũng được trở về quê hương, được về cùng Thoan và các con. Mình đến chết vì hạnh phúc mất thôi. Chỉ có điều, mình chẳng thể cùng Thoan và các con đi làm cỏ lúa hay đi chăn trâu được nữa rồi… Thoan ơi, em có nghe anh gọi không hở Thoan? Thức cay cay sống mũi. Trước mắt anh hình ảnh bỗng nhập nhoà.

– Anh Thức, anh Thức ơi!- Tài gọi giật làm Thức bừng tỉnh.

– Lại gì nữa đây hả thằng em?- Thức quay sang Tài.

– Anh ơi, mẹ em đâu? Lài đâu hở anh?

Tội nghiệp thằng Tài, đến giờ vẫn chưa tìm được mẹ.

Bỗng Tài reo lên: “A, mẹ! Mẹ kia rồi! Mẹ ơi, con đây mà!”.

Mẹ Tài được mấy chú lính trẻ dìu lên phía trước. Tay mẹ xách chiếc làn cói đựng mấy bắp ngô, nải chuối tiêu, mấy quả trứng gà. Mẹ nhìn trân trân vào Tài, mắt nhoè lệ. Mẹ nấc lên: “Con ơi, mẹ chờ con mấy chục năm nay rồi con ơi..!”. Tài muốn chạy xuống đỡ mẹ nhưng không thể ngồi dậy được. Trời, mẹ tôi già như thế này rồi ư?Mẹ gầy còm như chiếc lá cuối thu, miệng móm mém. Mẹ vẫn mặc chiếc áo chiêm bâu bạc phếch như ngày xưa. Đến giờ vẫn khổ thế này sao hở mẹ? Con thương mẹ lắm mẹ ơi! Tài khóc hu hu như đứa trẻ. Thức phải quay sang nhỏ nhẹ dỗ dành Tài. Mãi một lúc sau Tài mới chịu nín.

Tài lại đảo mắt tìm kiếm ai đó. Anh hết nhìn sang trái, sang phải lại dướn mắt nhìn xuống phía sau căn phòng chật cứng người.

– Lài đâu rồi hở anh?

– Cái thằng này- Thức xẵng giọng- Bây giờ cô ấy đã già, đã có gia đình riêng rồi. Chắc gì cô ấy đã ở đây mà ngóng với trông?

Nghe Thức quát, Tài thở dài vẻ buồn rầu:

– Vậy là em chỉ còn mỗi mình mẹ, Lài đi lấy chồng mất rồi, em mất Lài thật rồi!

Tài lại khóc, tiếng khóc mỗi lúc một to:

– Mẹ ơi, Lài đâu rồi? Lài ơi, em ở đâu? Em ở đâu Lài ơi? Trả Lài đây cho tôi… hu…hu…hu..!

Thức lặng thinh. Mặc kệ, hôm nay cho cậu ấy khóc thật thoải mái. Tiếng khóc sau hơn ba mươi lăm năm mang đầy nỗi niềm thương nhớ, đoàn tụ, chia li.

Bầu trời bỗng nổi cơn gió mạnh. Lác đác có hạt mưa. Mưa to. Những hạt mưa thi nhau đổ xuống nghĩa trang. Mưa trắng trời trắng đất. Mấy chú chim sẻ bị mắc mưa ướt lướt thướt, chúng run rẩy nép dưới mái hiên nhà.

Hai bát hương bỗng nhiên bùng cháy. Hai ngọn lửa nằm cạnh nhau rực sáng căn phòng. Ánh lửa soi rõ từng ánh mắt mọi người đang chăm chú dõi theo.

Ngoài kia trời vẫn đổ mưa…

                                                                            Hà Nội 14/9/2010

                                                                                     L.M.T

                                                    (In trên Tạp chí VNQĐ số 728- tháng 7/2011)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder