Biển trổ hoa vàng – Đình Kính ( phần 6)
… Đêm đầu ở chung với người phụ nữ “xa lạ” thật ấn tượng, không dễ gì quên. Trong buồng ngủ nơi căn nhà bố mẹ để lại giữa xóm, Huệ e thẹn ngồi bên mép giường, khuôn mặt xấu hổ cúi xuống ngoan ngoãn để Chiêm lần mở từng nút cúc áo…
... Đêm đầu ở chung với người phụ nữ “xa lạ” thật ấn tượng, không dễ gì quên. Trong buồng ngủ nơi căn nhà bố mẹ để lại giữa xóm, Huệ e thẹn ngồi bên mép giường, khuôn mặt xấu hổ cúi xuống ngoan ngoãn để Chiêm lần mở từng nút cúc áo.
” Đúng thế con gái… Đám cưới là ngày hạnh phúc nhất của những người yêu nhau mà…”
Phải, ngày cưới là ngày hạnh phúc nhất trong đời mỗi người… Chiêm cũng đã từng may mắn có cái cảm giác mịn màng nôn nao ấy… Họ hàng bạn bè rất đông. Sân gạch chật người. Những lời chúc mừng. Hồ hởi, vui vẻ. Ai cũng ngon ngọt chân thành rằng, mong cho vợ chồng bách niên giai lão. Nhiều người gật gù khen đẹp đôi. Bánh kẹo và thuốc lá bày trên những chiếc bàn kê trong sân rộng… Nơi cái phông màu xanh to hơn chiếc chiếu, dán hai con chim bồ câu bằng giấy trắng, chạm mỏ vào nhau. Kế đó là hàng chữ cắt xiêu vẹo “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”… Chiêm mặc áo trắng. Huệ vận áo nõn chuối. Hai người cùng cầm tay nhau bước vào . Tiếng trầm trồ và tiếng vỗ tay…
… Đêm đầu ở chung với người phụ nữ “xa lạ” thật ấn tượng, không dễ gì quên. Trong buồng ngủ nơi căn nhà bố mẹ để lại giữa xóm, Huệ e thẹn ngồi bên mép giường, khuôn mặt xấu hổ cúi xuống ngoan ngoãn để Chiêm lần mở từng nút cúc áo.
“- Còn muốn để dành nữa không?” – Chiêm hỏi, giong run run.
“- Em thách…”
“- Vậy để dành nhé.”
“- Đồng ý!”
“- Thì để dành!”
Họ cùng đổ xuống giường. Cuống quýt lột bỏ quần áo…
Chỉ còn lại ánh sáng rất mỏng của cây đèn dầu. Hai cơ thể, một rắn chắc, nước da được gió biển hun cho săn se, nâu bóng, và một trắng ngộn, xoắn bện. Háo hức. Vội vã. Thèm khát. Mãn nguyện…
Sáng hôm sau, mặt trời lên tới ngọn xoan sau nhà, Chiêm vẫn nằm xoài trên giường. Anh khoái cảm nhắm mắt nhấm nháp niềm hoan lạc bất ngờ tròn vo đã ùa vào ngôi nhà này. Có cái gì đấy ngọt ngào lạ lẫm, ngoài cả mong đợi… Hương vị nồng đượm, rất đặc trưng quen mà lạ không gọi được tên, nhưng suống sã quyến rũ, lại gợi cảm vẫn phảng phất khiến anh nao nao. Một Huệ bằng da bằng thịt đã thuộc sở hữu của anh là thực, vẫn cứ như mơ… Nằm nghe tiếng chổi quét sân của vợ, Chiêm lâng lâng xao xuyến. Hạnh phúc cụ thể, ngọt như đường phèn chạm đầu lưỡi …
Chiêm co người lé mắt nhòm ra. Cặp mông vổng lên khi Huệ cúi xuống khiến anh bứt rứt. Sự ham muốn trỗi dậy. Chiêm ào ra, bế thốc vợ vào giường. Vội vã. Nghiến ngấu. Mạnh mẽ…
Vậy mà…
” – Người ta có số không, anh?…”
“- Số mình nằm trong tay mình!”
“- Không. Số mình nằm trong tay thượng đế.”
“- Thượng đế?… Anh không tin.”
“- Em tin… Em thì tin…”
…
“- Anh ơi… Cho em nói điều này đã… Em đã… Em đã … đã có thai ba tháng…”
“- Cái gì? … “
“- Thật! Em nói thật… Số phận… Anh ơi, tất thảy là định mệnh…”
Chiêm thộn đuỗn. Hai mắt đờ đẫn nhìn lửa. Đôi tay đan vào nhau, ôm đầu gối. Anh khẽ rùng người. Không khí nơi ngọn Vạc về đêm rất lạnh …
– Sao, đã nhớ đất liền rồi?
– Không ạ! Chắc chưa quen khí hậu.
– Tình yêu là thứ thích diễu cợt, chàng trai ạ.
Chiêm không đáp. Anh tiếp củi vào bếp…
– Tinh cảm con người không hẳn lúc nào cũng có thể bày ra mâm… Đó là món dễ thấy, lại cũng rất bí ẩn, mung lung… Nó không chỉ ngoan ngoãn nghe theo ý thức. Sức ỳ của bản năng nặng lắm. Con người nhiều khi không điều khiển được rành mạch hành động mình, bởi vậy… Những điều ấy là ta ngẫm ra từ cuộc đời ta…- Già Khương khẽ thở dài- Làm người, thật khó…
– Vâng, không dễ chút nào…
– Nhưng không ai muốn bỏ cuộc, đúng không? Những tính toán cân đo tạo nên cuộc đời… Ta lại kể tiếp để con trai nghe… Thời gian luợt thượt trôi dần qua ngọn Vạc. Hết mùa mưa là hanh hao, biển xám xịt rồi xanh trở lại để kế đó cộn lên theo từng cơn bão. Thời gian là điều cụ thể, cảm nhận được. Mặt trời lên, mặt trời lặn. Thu chuyển sang đông và xuân đến. Ta thích mùa xuân nơi đây. Nhìn những vạt cỏ hiếm hoi héo vàng tươi xanh lại, rồi ngước lên lưng chừng vách đá thấy những con chim biển trú đông trở về réo rắt gọi nhau, chuẩn bị làm tổ, có cái gì đấy thật vui, thật nôn nao. Nhiều khi người ta ham sống và cuộc đời có ý nghĩa nhờ những lặt vặt như vậy
… Theo thời gian, con gái ta lớn dần, thành một thiếu nữ nở nang, xinh đẹp…Nét đẹp tự nhiên, nguyên sơ, hoang dại và bụi bặm. Vẻ đẹp hun đúc từ gió mặn, nắng biển. Đó là thứ trời cho, không chịu tác động của bàn tay vốn ranh mãnh và đố kỵ của con người…
Lâu rồi Hương không còn cái thú tối tối ngồi chờ trăng lên và đón đợi vich nữa. Khi trăng rải ánh sáng xuống nước, cô bé thường ngồi ngóng ra biển rất lâu, mặt bần thần. Rồi một lần hỏi:
” Bố ơi, có Hoàng tử thật không?”
Ta thật thà:
” Có chứ… Hào hoa, đẹp trai…”
Con gái ta lặng im, hai mắt hướng vào đâu đó…
Một hôm, ta nhớ dịp ấy là đầu xuân… Gió rất nhẹ. Trời trong. Biển biếc. Ngọn Vạc như thể khoác tấm áo mới. Những cây cỏ đang xanh trở lại. Nơi các khe đá, đám ràng ràng bám vào để tồn tại bắt đầu nhú chồi mới. Đất đã thôi khô hanh… Mặt biển giáp chân ngọn Vạc, những con chim hải âu lượn lờ, sà sát mặt nước kêu rối rít, cuối cùng đậu xuống những tảng đá gần bờ xỉa lông…
Lúc ấy ta đang sửa lại mấy tấm lưới treo gần chái nhà. Cần tìm ít cá tươi phơi khô làm thực phẩm phòng những ngày biển động. Hương ngồi lặng trên một tảng đá, đôi mắt xa xăm nhìn biển. Khác mọi lần, khuôn mặt con gái ta không mấy vui. Hình như có điều gì đấy phải suy nghĩ… Ta lén nhìn, thoáng lo lắng.
Chợt Hương chui qua mấy chiếc áo mới giặt, phơi trên sợi dây giăng trước cửa ngôi nhà đang bay bay trước gió, bước lại gần ta.
“Con gái, hình như có việc gì phải không?- Ta ném chiếc kim khâu lưới, lại bên con gái và hỏi”…
“Bố à, người ta có linh hồn không? “- Con gái ta hỏi lại.
” Linh hồn à? Bố cũng không thật rõ… – Ta linh cảm có điều gì đấy không lành, bồn chồn nhìn con gái và trả lời- Nhưng chắc là có…
” Chết mà không để lại gì, chán lắm.”
“Sao con nói vậy?”
” Con sợ… Con sắp chết rồi…”
Ta lại nhìn con gái và thực sự nhận ra nỗi sợ hãi đang nhập vào mình. Ta mắng át:
” Con nói lạ vậy … Con đã gặp điều gì phải hoảng hốt?
Con gái ta không đáp, vẫn ngồi bất động. Khuôn mặt nặng nề như trời trước cơn giông. Ta bỗng thấy bất yên… Và sợ nữa . Hình như có cái gì đó khó hiểu, sự chẳng lành, sự bất ổn đã đến với Hương…
” Nếu con chết, bố phải sống một mình trên ngọn Vạc… Con thương bố lắm…”
“Con gái, đừng nói lung tung… Bố con mình sẽ sống bên nhau mãi…”
“Con… ra máu… Ra rất nhiều máu…”
“Làm sao?”
” Con không rõ… Tự nhiên… Đêm qua…”
“Chắc con va quyệt vào đâu đấy… Chỗ nào? Để bố xem…”
“Không… Bố không thể… Chỗ… Chỗ… Con vẫn đi giải…”
Hơi trong lồng ngực bật ra, hình như ta đã lơ mơ hiểu vấn đề. Trước đây vợ ta cũng có những ngày như vậy… Đó là tín hiệu khỏe mạnh, trưởng thành…
” Không sao, con gái – Ta dịu dàng nói- Con đã là một thiếu nữ rồi… Đã qua giai đoạn trẻ con… “
Hương quay lại, đôi mắt ngỡ ngàng:
” Là sao, bố?”
“Bố không giải thích được… Người phụ nữ đến tuổi phải vậy… Con lớn rồi…”
“Lớn rồi thì ngày nào… máu cũng chảy?”
“Không, một tháng một lần… Vài ngày sẽ hết… Con gái đừng sợ… “
Hương nhìn ta, khuôn mặt có vẻ như đã tươi trở lại…
” Bố biết? Hồi bố hết tuổi trẻ con cũng như vậy à?”
” Không. Phụ nữ mới thế… Người phụ nữ nào cũng có giai đoạn ấy…”
Ta nói vậy, nhưng hình như liền sau đó, sau sự san vơi của nỗi sợ hãi chợt đến, ta nhận ra trong mình có cái gì thoảng thốt, thoáng nét bối rối vu vơ, e ngại vô cớ…
Đêm về, chẳng rõ sao ta không ngủ. Nằm nghĩ lan man. Con gái ta đã qua tuổi bồng bột trẻ con mà ta vô tâm không để ý. Những ngày kế đấy ta mới thật sự nhận ra cơ thể ấy đã phát lộ những nét khơi mở nữ tính. Ngực đẫy đà, mông nở nang… Từ đó ta nhìn con gái không mấy tự nhiên nữa. Ta manh nha nhận ra, dù chỉ thoáng mỏng manh tơ nhện sự xôn xao bản năng đàn ông nơi mình. Rồi trong những năm tháng kế theo sống bên con gái, ta như thể cố tình lẩn tránh một cái gì . Sự bất định ấy khiến ta lo sợ. Nó ám ảnh suốt những năm tháng trân trụi kế đó. Điều thầm kín trong ta chỉ mình ta hay, con gái ta không thể hiểu được. Hương lại trở về với bản tính vô tư sống bên người bố mà bé rất kính trọng…
Những lần xuống biển sau đấy, ta không thể dang tay để Hương nằm lên đấy hồn nhiên vẫy vùng như ngày nào. Con gái ta lớn rồi, thậm chí đã bơi giỏi hơn cả ta. Hương khoái ngâm mình dưới nước thật lâu. Đã sà xuống là ham, có lúc bơi cả tiếng. Những lần như vậy ta thường lên bờ trước, ngóng xuống xem chừng. Dạo này Hương không phô mình trần như hồi còn nhỏ, khi xuống nước đã biết mặc bộ quần áo cộc. Một lần, trong làn vải mỏng dính bết vào cơ thể, phô lộ thân hình ngồn ngộn thiếu nữ , Hương đến trước mặt ta:
“Sao bố không xuống biển?”- Hương hỏi.
“Lần sau con đừng ra xa quá. Nước sâu nhiều cạm bẫy…”
” Có bố, con không sợ.”
Hương đến chỗ để quần áo, quay lưng về phía ta và tự nhiên nhẩn nha lột bỏ những gì trên người. Cơ thể ấy với những lượn cong tạo hoá và đất trời ban cho sáng loá như một tia nắng bên vách núi. Nó làm ta choáng váng, đỏ mặt. Ta chưa già, ta vẫn là một gã đàn ông, thậm chí khỏe mạnh và cũng có những nhu câu của người đàn ông, con trai ạ. Bi kịch chính chỗ ấy. Những lúc như thế, ta thoảng thốt rùng mình, khẽ thở dài và vội quay đi hướng khác. Lại có cái gì đó trồi lên như nỗi sợ hãi, bấp bênh…. Trong mọi chiến thắng, chiến thắng bản thân mình là khó nhất.
” Hôm nay bố thấy khó ở?”
Ta thoáng lúng túng, như thể là người làm điều gì khuất tất bị bắt quả tang. Rồi đáp, đáp chẳng mấy tự nhiên:
” Không!… Ta về thôi!… Giá như thựơng đế đừng bày đặt, chọc ghẹo con người…”
“Có thượng đế hả bố?… “
Một thoáng bực bội vô cớ, ta vội vã đứng dậy, lần vách đồi, bước lên. Hương bước theo sau.
“Bố vẫn nói, hạnh phúc là biết bằng lòng với mình…”
“Biển cũng có những đợt sóng ngầm đấy con gái ạ. Ngỡ là phẳng lặng, nhưng tai hoạ không chừng “- Không quay lại, ta nói
” Hình như biển sắp nổi giông đó bố…”
Ta gập người, lùi lũi bước. Bước rất nhanh.
” Phải…Biển bí bức. Nặng lắm…”
Ngọn Vạc lỉm trong đêm. Về khuya biển đen đặc. Bầu trời như cái bánh đa khổng lồ lấm tấm những hạt sáng dịu, úp chụp xuống. Vài ba ngôi sao loé lên, đuổi nhau tận mí nước. Khối núi lờ nhờ. Và như thể cũng đang trôi trong vũ trụ…
– Tai hoạ phồng rộp theo sự thay đổi và nở nảy của cơ thể Hương – Già Khương kể tiếp.- Trời thương tình ban cho ta báu vật, sau đó tàn nhẫn đưa bàn tay bẩn thỉu lông lá ra giật cướp lại.… – Già Khương thở hắt ra: Cũng là tại ta…Tại ta…
Những câu cuối, giọng Già buồn nẫu như thể tiếng thở hắt ra. Già đưa bát đã cạn về phía trước. Hiểu ý, Chiêm vội vã rót rượu. Già liền đưa lên miệng, dốc ngược vào họng:
– Nữa!- Già lại chìa bát trước mặt:
Chiêm ái ngại, có ý chần chừ. Già hơi gắt:
– Không sao. Đầy vào! … Rượu cũng là thứ tuyệt hảo trời ban, chữa được nhiều thứ.
Chiêm đành chiều theo. Già lệnh:
– Cho thêm củi!
– Ông lạnh?
Già không đáp, đôi mắt nhìn đâu đó, rồi đủng đỉnh nói, nói không phải chỉ để kể với Chiêm, hình như già muốn cả không gian quanh ngọn Vạc và cả đất trời đêm nay được rõ câu chuyện này…
– … Hương là cô gái thông minh và ngoan ngoãn… – Giọng già trầm đục- Cơ thể cũng rất… đàn bà. Đẹp. Rắn chắc tự nhiên tựa cây rừng… Càng lớn càng nở nang phổng phốp – Già kể chậm rãi chân thành như con chiên ngoan đạo trung thực xưng tội trước chúa, không thêm bớt, không đắn đo mặc cảm- Nhiều lúc ta ngỡ cô bé là hiện thân của người vợ tội nghiệp và bất hạnh của ta… Hai người phụ nữ này có những nét, từ thân hình, phom dáng, tính cách và … nhiều thứ khác nữa, giống nhau đến kỳ lạ… Bởi vậy con gái ta là tác nhân khiến ta luôn lục lạo thời gian mà nghĩ, mà nhớ đến mỗi tình đầu, ngỡ như đã chìm vào góc khuất trong lòng… Hương đánh thức nhiều điều tưởng đã liu riu ngủ trong ta… Bởi vậy không ít lần con quỷ trong ta trỗi dậy, có một cái gì đó rất lạ, bùng lên như lửa, rừng rực… Những lần ái ân với vợ từ xửa xưa bị thời gian và ý thức lánh xa cuộc đời bọc sần cứng, bỗng dưng như bóng ma, chập chờn ẩn hiện, có lúc quay về rất cụ thể chao lắc trong cái đầu ngỡ đã đặc sịt sóng biển cùng nỗi đơn côi… Ta càng giả bộ cao đạo vờ vịt cố quên, nó càng lừng lững hiển hiện mồn một như thách đố, như diễu cợt… Muốn dứt ra, không dứt nổi… Thời trẻ ta là gã đàn ông mạnh mẽ và ham hố. Nhiều lần đi rừng về, chỉ kịp ném con dao và chiếc gùi vào góc, rồi sấn tới, không để vợ định thần, cuống quýt bế bổng lên, dằn xuống giường, quờ tay bóp nắn, miết mát. Háo thèm như kẻ phàm ăn bị kìm nén bỏ đói lâu ngày… Khi Người đàn bà sung sướng hưởng ứng nỗi khát muốn nơi chồng, hào hển: “Rửa đã, anh”, ta chống chế: “Mới tắm… ở suối” rồi không chờ thêm, run rảy vén váy vợ… Khuôn mặt đờ đực luống cuống úp xuống, nhuầy nhòa. Tấm thân cường tráng tỏ ra am tường suồng sã trườn lên… Sàn gỗ chòng chành chuyển động. Căn nhà nhỏ cuối bản rung lên bần bật từng đợt từng đợt như đang có bão…
Chưa hết tội, những ngày trớ trêu đó, lạ thế, ta thường gặp lại cái dục tính tươi mới của thời chớm lớn, ngỡ đã bị tiêu diệt do tuổi tác… Không ít đêm có những giấc mơ kỳ quái, những giấc mơ từa tựa những giấc mơ thời mười sáu, bỗng dưng gặp một người đàn bà đa đoan dễ dãi để gian díu nhằm phát lộ bản năng mà nhận ra mình đã trưởng thành, đã biết làm đàn ông… Vậy là dù đang giữa khuya, cũng phải vùng dậy ào xuống biển, nhờ nước gột rửa… Trời bắt tội, hành ta mà…
Nói ra những điều này, thật xấu hổ, đúng không?
– Con hiểu ông …
– … Xấu hổ, nhưng ta đâu còn cơ hội nữa. Ngày mai ta mãi mãi rời xa kỷ niệm, những hạnh phúc, những buồn vui tủi hờn, cùng những giằng xé nơi ngọn Vạc này. Phải, ta chỉ sống với nơi đây mấy canh giờ nữa thôi. Ta không muốn trước khi đi khỏi chốn mình đã gắn bó bao năm vẫn mang theo khối nặng như một cục u canh cánh trong lòng. Bởi vậy ta mới phô rằng ta đã đã gặp may, con không chỉ tri kỷ, còn là ân nhân, giúp ta trút bỏ những gì vốn đeo đẳng bên mình bao lâu, để nay mai về trong đó có nhắm mắt xuôi tay đã có thể thanh thản. Thổ lộ được những nỗi niềm với ai hiểu mình là nhu cầu của con người. Nhu cầu ấy cũng bức thiết như cần phải ăn, cần phải uống vậy…
… Chiêm đăm đắm nghe và rõ rằng, một người lớn tuổi như ông Khương để nói ra được những thầm kín rất thật trong lòng cùng những dằn vặt bản năng là khó khăn lắm… Bởi vậy anh nghe với thái độ đồng cảm, thậm chí có cái gì đấy như thể là sự xót xa, kính nể… Với sự chân tình, già Khương đưa Chiêm ngược thời gian trở lại ngọn Vạc cách đây gần một thập niên, nhưng câu chuyện thì vẫn như mới xẩy ra chưa lâu, thậm chí mới kết thúc hôm qua, hôm kia…
… Những ngày ấy ông Khương đâu còn sự thanh thản sống bên con gái như thưở nào. Con quỷ con ma trong người tưởng đã chết hẳn vẫn dập dình, lúc nào cũng hù dọa xông ra chọc nghẹo. Bản năng giới tính qua thời gian dài sống trơ trọi đơn côi trên ngọn Vạc với sự an phận trong niềm say mê công việc tưởng đã nén lặng, đã thối rữa, lại như cái rễ, có cơ hội là thúc lên, đòi nảy mầm… Đêm đêm nằm cạnh đứa con nuôi mà lúc ấy đã trở thành thiếu nữ đẫy đà, ông vật vã, chống chếnh, bải hoải. Trằn trọc, nhức nhối và bí bức. Thân xác cứng đờ, lại nhão ra. Ông đã cố, đã ương ngạnh chống chọi, gắng quay về với hoàn cảnh thực tại, trong vai trò làm bố mỏng mảnh của mình, nhưng bản năng tiềm ẩn sức mạnh khó lường lại có bóng tối, sự đơn độc và cơ thể ngồn ngộn của Hương làm đồng minh nên ít khi thành công. Ông vẫn bị hành hạ, máu thường dồn lên mặt nhức buốt… Những lúc chới với mệt mỏi trong cuộc giằng co bất lực đó, ông lại sử dụng thứ vũ khí quen thuộc, vùng dậy, một mình lang thang hành xác quanh ngọn Vạc chờ trời sáng, hoặc lột bỏ quần áo tự phơi thân dưới trăng và sương đêm, hoặc ngâm mình xuống nước lạnh nhờ sóng ve vuốt…
Rồi một đêm trong nhiều đêm thức trắng như vậy, con quỷ trong ông liều lĩnh xông ra. Nó gào thét. Nó vật mình đòi hỏi… Có cái gì đấy như bếp ủ than trấu âm ỉ, chỉ nhăm nhe bùng lên thành lửa. Ông nằm bất động, đôi măt mở to lặng lẽ nhìn trần nhà. Cạnh đó, nơi tấm phản gỗ, Hương vẫn ngủ say… Ông Khương chuyếnh choáng trong những liên tưởng chập chờn…
Thời mới yêu Pao, có lần hai người vào rừng, rồi xóng xoài đổ dính . Lá rừng như chiếc ô khổng lồ trùm xuống và ánh trăng chiếu tới dìu dịu… Đêm ấy hai người đã dành hết cho nhau. Họ chuầy choà trên cỏ. Ngỡ ngàng. Cuồng nhiệt. Bất chấp. Không có gì phải kìm giữ. Bản năng đực cái và ý thức thuộc về nhau khiến họ đam mê, dai dẳng, xoắn bện… Tất cả mờ nhoè… Chỉ còn sự đồng loã của ánh trăng, bãi cỏ và nỗi khát thèm…
Gần sáng hai cơ thể vẫn đắm dính vào nhau… Cặp vú nơi khuôn ngực trần ngày ấy sao giồng gờ vú của Hương đến vậy…
Khuôn mặt nóng ran, căng thẳng như kẻ phạm tội, ông Khương e dè nhòm sang. Hương vẫn ngủ. Cô nằm nghiêng, cơ thể hằn lộ nét cương nở. Chiếc áo tốc lên hở trắng khoảng bụng. Mông vổng. Và hai vú như hai bánh dày lẳn dưới chiếc áo mỏng…. Đôi mắt ông Khương có lửa, đỏ vằn. Ánh nhìn đam mê háo khát. Toàn thân run rảy, ông thở gấp, gồng mình cưỡng lại nhằm dập tắt ngọn lửa sắp bùng lên, bén loang ra……
Chút ý thức mỏng mờ thấp thoáng chơn vơn sót lại vẫn đủ mạnh đẩy bật người đàn ông đứng lên. Tựa dòng sông đang ào ào chảy bị con đập hiện ra ngăn trở, ông Khương không được giải toả, trở nên bức bối, khổ sở, bí bách. Ông đập mạnh đầu vào tường, kìm một tiếng rên, rồi lao ra khỏi ngôi nhà… Ông như người mất trí, ào xuống dốc. Và như mọi lần, vẫn để nguyên quần áo, lội xuống biển. Hai mắt đờ dại nhìn bóng tối, ông thả mình để sóng uồm oàm đánh vào thân thể. Nhưng sóng biển bất lực. Thắng bản năng chỉ có thể giải tỏa bằng bản năng. Ông lảo đảo bước lên, người nặng như đeo đá… Cát biển mịn và mát rượi. Ông đổ xuống đó, tuột quần áo và chào thua bằng cách dùng tay, tự mình giải phóng những bức bí trong mình… Ông nhấp nhổm, run rảy…
Xong mọi sự, ông rũ rượi, đẫn đực ngồi bệt xuống cát, trống rỗng, lặng đờ vô cảm như tảng đá, bên mép nước…
Ngọn đèn nơi cao nhất ngọn Vạc vẫn đều đặn theo chu kỳ chớp loé, chiếu sáng ra biển. Vẫn đơn điệu âm thanh của gió, của sóng. Đêm lặng lẽ trôi…
… Sáng sớm, khi biển đang vén bóng tối đón mặt trời, ông Khương tựa người qua trận ốm, phờ phạc và mệt mỏi lử khử bước vào căn nhà nhỏ.
Hương đã dậy. Cô ngồi bên cửa sổ soi mình vào tấm kính, chải tóc. Sau giấc ngủ ngon, khuôn mặt Hương tươi mới như bông hoa trước nắng… Cô thích chí nghiêng bên này lại nghiêng bên kia ngắm ngó mình. Ông Khương bước vào. Ông sững lại một lát. Khuôn mặt căng thẳng, nghệt thộn…
– Có hoàng tử con vua Thuỷ tể thật bố nhỉ? – Hương không quay lại, vẫn nhìn mình trong kính, cười rất tươi và hỏi.
– Hoàng tử ?
– Đêm qua con mơ thấy đấy…
– Mơ? Con mơ những gì?
– Bố vẫn kể… Hoàng tử và công chúa…
– À… Phải, họ yêu nhau… Hai người yêu nhau…
– Yêu nhau là như thế nào?
– Yêu nhau… Tội nghiệp con gái… Bố nghĩ … nghĩa là họ cần đến nhau, sống không muốn thiếu nhau…
– Bố và con cũng yêu ngọn Vạc, bố nhỉ.
– Con gái hiểu rồi đấy… !
– Hôm nay bố lên tắt đèn sớm vậy, không gọi con?
– Chưa! Bố mệt…
– Bố không ngủ được? – Hương lo lắng quay qua ông Khương, hỏi- Sắc mặt không khoẻ…
– Ta cũng là một con người mà, con gái…
– Hôm nay bố để con lên tắt đèn … Con biết làm việc ấy rồi.
Ông Khương ngồi lặng, đờ đẫn ngóng theo thân hình nây nây của con gái, đôi mắt mờ dại. Rồi ông quay nhìn về phía tấm phản Hương nằm. Có thể hơi ấm còn đọng lại, có thể là hơi hướng đặc trưng đàn bà vẫn phảng phất, và cũng có thể còn là một thứ ma lực cảm nhận được nhưng khó giải thích khiến ông bứt rứt, khó chịu. Ông đứng dậy, nắm chặt hai hai bàn tay, gồng lên cố gìm một tiếng hét… Rồi ông chạy tới cửa ngôi nhà, nơi có lu nước ngọt hai bố con vẫn dè xẻn dành dụm. Trong sự hoảng loạn bất lực, ông nâng bổng cái lu hốt hoảng dội ào nước lên đầu. Cũng không thật rõ mình đang làm gì, người sũng sượt, ông oải gục xuống bên cửa…
Khi Hương lên đến ngọn đèn biển, đàng đông, ửng một mảng hồng. Mặt trời nhô dần lên . Cô bắt chước bố, làm động tác tắt đèn. Xong việc, cô tăng tảy bước xuống. Vừa tới cửa căn nhà, Hương ngạc nhiên sững lại. Cô hoảng sợ sà cạnh ông Khương, lo lắng:
– Bố ơi, bố ướt hết rồi. Để con dìu vào kẻo lại cảm…
Ông Khương xua tay, cụp mắt, không đáp.
… Những ngày sau đó, ông trở nên lầm lỳ, khó tính. Thậm chí thường bẳn gắt và cáu kỉnh. Nhiều lần cơm dọn ra, nhưng ông ngồi lặng, không ăn. Hoặc nhai một cách uể oải, vô cảm. Tâm trí bất ổn.
– Lâu nay con thấy bố khác lắm- Hương nhìn ông Khương và nói, giọng e dè- Nếu bố nhận ra được điều gì, chuyến tàu tới con sẽ báo cho mọi người để họ đưa bố về đất liền. Tàu cũng sắp ra…
– Về đất liền? Nhảm nhí!… Con gái muốn bố rời thiên đường của bố con mình?… Nơi lố nhố người với những ganh ghen và đặc sánh cái ác đâu phải chốn của ta. Ngọn Vạc mới là chỗ nương thân…
– Con biết ngọn Vạc là bồng lai của bố con mình… Nhưng con sợ…
– Phải, sợ!… Ta cũng sợ… Nhưng làm người, hơn nhau chỉ ở chỗ biết thắng mình…
Ông Khương nói vậy nhưng khi Hương cúi xuống xới cơm, chiếc áo rộng cổ để lộ cặp vú với những ngấn thịt gồ lên và mắt ông vô tình chạm tới, lại như có một luồng điện bất chợt chạy qua người. Ông khẽ rùng mình. Lại nhận ra cái điều bất an cụ thể hiển hiện tròn vo trước mặt, đang lách vào cơ thể. Đón bát cơm con gái đưa, ông khẽ thở dài, đôi mắt hoang dại chong chóc nhìn ra khối nước trước mặt… Biển đen đậm, tựa người hen suyễn, mệt nhọc khò khè thở…
– Cơm không vừa miệng, phải không ạ?
– Con không có lỗi…
Ông Khương đứng lên, bước ra cửa:
– Ta giận ông trời… Thích bày đặt…
– Đã hai hôm rồi bố ăn rất ít.
– Ta khó chịu!
– Bố lại … đi đâu?
– Con mặc áo kín cổ vào. Trời bắt đầu lạnh đấy…
Ông Khương đi về phía mép biển. Nhưng ông không xuống nước. Ông ngồi trên tảng đá lớn, đôi mắt đăm đắm nhìn ra. Nhìn mà như thể không nhìn… Hai gờ thịt ẩn trong chiếc áo mỏng vừa kín vừa hở của Hương ám ông. Cặp vú ấy giống hệt cặp vú của Pao. Ông nhớ rõ lắm. Lòn tròn, nung núc, sóng sánh hết sức vô tư, tự nhiên.
… Cái đêm trong rừng cách đây đã hàng chục năm ấy, khi run run tháo nhẹ cúc áo Pao, Khương không khỏi lạ lẫm choáng ngợp. Khuôn ngực trắng mờ dưới trăng lồ lộ hai ốc đảo phồng mịn… Có cái gì đấy kỳ ảo, gợi cảm… Máu dồn lên mặt phừng phừng, đầu óc quay rối bấn loạn, Khương như lên cơn sốt… Và khi mon men chạm được bàn tay vào đó, một nội lực khó giải thích khiến Khương trở nên tham lam, mạnh bạo. Không chỉ xoa nắm, còn úp mặt vào, cuống quýt cà, xát hưởng thụ… Sau phút thăng hoa ấy anh nhanh chóng trở thành người đàn ông mạnh mẽ, táo bạo và quyết đoán… Người con gái mụ mị run rảy, ngây dại thả lỏng mình đồng lõa chấp nhận và hưởng ứng sự liều lĩnh, cuồng nhiết nơi gã trai … Đêm ấy lần đầu Khương được làm và biết làm đàn ông. Nó khác xa những gì vẫn đến trong các giấc mơ và trong những tưởng tượng. Bỏng rát. Hun hút. Ngập tràn… Cụ thể nhưng lại mộng du phiêu diêu mờ ảo. Con người có cái khoảng trống mông lung kỳ diệu tới vô cùng để hồn vía khoái cảm thoát xác để bay lên thật cao, thật xa… Là thật mà như phép lạ…
Nhớ đến hai núm vú mềm nóng chọc vào khắp khuôn mặt sương nắng, ông Khương lại thấy mình chưa già, tế bao trên thân thể vẫn tươi nguyên những thổn thức của tuổi mới lớn… Ông nghiến chặt hai hàm răng. Cằm bạnh ra. Đau khổ và nhức buốt… Rồi rất bất ngờ, ông để bàn tay xuống phiến đá. “Chát”, hòn đá sắc cạnh trên bàn tay còn lại, rất nhanh bổ xuống. Máu ứa ra. Ông nhăn nhó, mặc cho những thổn thức trong mình chảy thành giọt… Ông đã biến thành khối đá ven bờ…Ông muốn chuyển đổi, giải toả nỗi khổ của sự bị kìm nén, ức chế sang nỗi đau khác, nỗi đau xác thịt…
… Suốt mùa đông dằng dặc trên ngọn Vạc, ông Khương thôi ngủ trên tấm phản gỗ, bên cạnh tấm phản con gái. Đêm đêm ông lén dậy, thả mình xuống chiếc võng cói gã thủy thủ tốt bụng mang ra cho ông trong chuyến tàu trước, vẫn mắc nơi chái nhà. Có lần thức giấc, Hương phát hiện ra, trách:
– Bố không thương con. Nằm đấy bố cảm lạnh con biết làm sao.
– À… Bố quen rồi… Với nữa năm đây ngắm sao …
Ông Khương chống chế, rồi theo con gái vào nhà, nhưng đêm sau lại vùng dậy ra võng nằm. Những đêm khó ngủ, ông lại lang thang như một bóng ma trên ngọn Vạc…
Thời tàu ra chậm, dầu hết, ban ngày ông Khương và con gái lùng khắp ngọn Vạc, tha lôi từng cành củi khô, từng đám cỏ khô về tấp đống trên đỉnh để đêm đêm đốt lên, làm tín hiệu cho tàu vào. Những ngày như vậy, ông thấy thanh thản. Công việc mệt nhọc tiêu hao thời gian và giết sinh lực ông. Nếu không có những công việc như vậy, ông lại đốt thời gian và vắt kiệt sức lực dư thừa một cách vô nghĩa vào việc khác. Ông lùi lũi đi quanh núi, lầm lũi đào bới rồi vác những hòn đá lớn đưa về chồng xếp, bao quanh ngôi nhà. Ông làm lặng lẽ bất chấp sự phản ứng của con gái…
( Còn nữa)