Dáng Hương chơi vơi mỏng mảnh nơi ngọn Vạc in lên nền trời lúc rạng sáng tựa chiếc lá, có cảm giác có thể bay vào vũ trụ bất cứ lúc nào. Dưới chân, những cọng cỏ khô bay bay, đuổi nhau chạy vòng quanh đồi…
Hương đứng lặng, tựa hình bóng người thiếu phụ ngóng chờ chồng trong những câu chuyện cổ…
Dáng Hương chơi vơi mỏng mảnh nơi ngọn Vạc in lên nền trời lúc rạng sáng tựa chiếc lá, có cảm giác có thể bay vào vũ trụ bất cứ lúc nào. Dưới chân, những cọng cỏ khô bay bay, đuổi nhau chạy vòng quanh đồi…
Hương đứng lặng, tựa hình bóng người thiếu phụ ngóng chờ chồng trong những câu chuyện cổ…
. Theo lịch, con tàu già nua như chiếc xích lô cũ kỹ, tã tượi vẫn cọt kẹt lăn bánh trên phố, đến hẹn lại ra tiếp tế cho ngọn Vạc. Sau tiếng dây xích miết rin rít, rồi cái neo han gỉ nặng nề rơi tùm xuống biển và ống khói thôi phì phò thở, con tàu dập dềnh nghỉ ngơi sau chặng đường mệt nhọc.
Ông Khương đứng trên con thuyền nhỏ, lẳng lặng nhận những thùng hàng mấy người trên tàu chuyển xuống.
– Lần sau tàu có thể ra chậm hơn…- Một thuỷ thủ nói- Nó phải vào đốc.
– Nhớ tăng cường nước ngọt nhé…- Ông Khương nói với lên…
– Tắm biển không khoái hơn?
– Trên ngọn Vạc có phụ nữ…
– Giải phóng để cô ấy vào đất liên kiếm tấm chồng chứ, bố già? Phây phây vậy mà phải giam trên ngọn Vạc đến hết đời, tiếc lắm, tội lắm!
– Câm mồm! … Ta và con gái ta tự nguyện. Giam? Các người biết quái gì?
– Hay bố vẫn có ý chờ Hoàng tử con vua thủy tề?
Ông Khương không đáp, quay thuyền, hướng về chân ngọn Vạc…
Những kiện hàng chất lên lưng ông Khương, chất lên lưng Hương. Họ bước lên dốc. Hương đi trước. Cặp đùi nần nẫn, hai mông vổng lên, tròn căng … Ông Khương ngước lên, cảm thấy người nóng bừng. “… Phây phây vậy mà phải giam trên ngọn Vạc đến hết đời, tiếc lắm, tội lắm!”. Ông Khương thở dài. Hoang mang, bối rối…. Rồi ông phăm phăm bước vượt lên. Hương nhìn theo, lo lắng:
– Bố đi chậm, kẻo ngã!
Không đáp, ông lùi lũi bước…
Hương ngày càng nở nang, càng xinh đẹp. Cơ thể nây nẩy, các bộ phận đàn bà ngồn ngộn, rõ hình rõ cạnh, rất vô tình và hồn nhiên nhưng lại như thể đĩa bánh thơm lừng bày trước con mắt người đói. Đó là nỗi lo của ông Khương. Không ít hoàng hôn ông chứng kiến cảnh Hương ngồi lặng trên tảng đá nơi đỉnh ngọn Vạc mắt đăm đăm luyến tiếc và thèm khát hướng theo những con chim đang bay về phía đất liền. Những lúc ấy ông không rõ con gái đang nghĩ gì, có thể đang mơ màng nghĩ đến Hoàng tử con vua thủy tề, cũng có thể đang tưởng tượng tới những điều chưa biết nhưng bản năng thiếu nữ trong một cơ thể khỏe mạnh mách bảo, ông thấy xót xa, tâm trạng lại cồn lên, rối bời… Và cũng chỉ biết khẽ thở dài, quay mặt đi
Một lần ông hỏi:
– Hay là ta gửi con về sống trong đất liền?
– Còn bố?
– Ta không thể xa ngọn Vạc, không thể xa cây đèn…
– Nhưng xa được con?
– Con lớn rồi…
– Bố không muốn con sống cùng bố nữa?
– Không đơn giản vậy con gái ạ… Lỗi là ở ta… Ta chưa lường hết sự phức tạp nơi cuộc đời, nơi mỗi con người … Bố nghĩ về trong ấy, con sẽ có cuộc sống tốt hơn…
– Bố chẳng bảo bố sợ người và cái ác nơi họ…
– Phải… Ta có nói thế… Nhưng con khác… Con là phụ nữ… Con là đàn bà… Đàn bà có thì, con hiểu không?
Chợt Hương bíu cổ ông Khương như thưở còn bé:
– Bố ơi, bố đừng bỏ con.
Vậy là ông Khương thua.
Ông ngồi lặng bên tảng đá, chỉ còn biết ngước mắt nhìn trời…
Và đêm nay cũng ngồi lặng như vậy bên bếp lửa, ông ngửa mặt nhìn trời. Cái nhìn ẩn chứa nhiều cam phận, chịu đựng, nhiều ngẫm ngợi…
– Cuộc đời là chuỗi thời gian của những mâu thuẫn. Ta nghĩ thế đấy – Ông Khương kể tiếp – Nhưng chuỗi thời gian và những cố gắng của ta cũng không thể giải thoát cho ta. Bản năng đàn ông bị kìm giữ như núi lửa, lúc nào cũng chực phun trào nham thạch. Ngọn lửa ấy đêm đó lại bùng lên hong nỏ thân xác ta. Và ta đã bất lực buông xuôi mặc cho con ma trong mình dẫn dắt với ý định hoá thân làm cọng củi khô để được cháy theo ngọn lửa. Xuống địa ngục hay lên thiên đàng thì cũng là một kiếp người…
Giọng già Khương rất tỉnh. Chiêm thấp thỏm lắng nghe và nhận ra trong lời kể của già có tiếng mưa tầm tã, có tiếng gió âm u lướt trên ngọn Vạc như ma đói và có cả tiếng tiếng gào rú nhăn nhở đắc thắng của con quỷ nhiều chước đã thức dậy nơi người đàn ông…
Ấy là hôm trời thử thách và định đoạt, ngọn Vạc mịt mờ âm u, chìm trong màn nước và le se lạnh… Ánh chớp chới với lập lờ chốc chốc lóe lên soi rõ thân hình ông Khương, như hình nộm, chập chờn bước qua bước lại trong ngôi nhà nhỏ, khuôn mặt hoang dại nhăn nhó, lúc căng lên khổ sở, lúc dại đờ bất cần. Ấy là con ma đang chọc ngoáy, đang lùng sục giăng bùa mê khuấy đảo. Nó cười như phát rồ, nó lắc lư, thúc gọi…
Trên phản, Hương vẫn vô tình, tơ hơ phơi cơ thể trong bộ quần áo mỏng, ngủ say…
Chợt con ma thúc mạnh vào bẹn, khiến bộ phận nhạy cảm đàn ông nhức nóng, cương nở. Rồi nó râm ran tỏa khắp thân thể. Ông Khương ngấm bùa ngải, mụ lỵ, lẫn lộn, chao đảo nên đã không làm chủ, không điều kiển được hành vi mình. Ông giật tung chiếc áo đang mặc, vứt vào góc nhà, thở gấp. Hoàn toàn bản năng, ông lần lần ngồi xuống tấm phản. Ánh nhìn loé sự quyết đoán …Người đàn bà nằm trên phản không phải là Hương, mà là vợ ông cách đây đã mấy chục năm, trẻ trung, ngồn ngộn… Ông nhớ rất rõ những lần ái ân ấy… Hai người chuầy chà trên cỏ… Khương thốc váy vợ, rồi tấm thân cường tráng như con gấu hăm hở mạnh mẽ đổ xuống. Người đàn bà khoái cảm rên lên một tiếng, khuôn mặt quắt hóp sung sướng…
Hình ảnh tái hiện của quá khứ bồi thêm sức lực. Có ma quỷ dẫn đường, ông lần tay vào cạp quần Hương với ý định kéo tuột xuống. Nhưng vào thời điểm ấy, thời điểm sức mạnh của sự ham muốn nơi người đàn ông gồng dậy thắng mọi khuôn sáo ràng níu, thời điểm phần con thắng phần người, thời điểm không ý thức kìm giữ và không thể kìm giữ, chợt cô gái ngồi nhổm dậy, thở hổn hển, hơ hải gọi to:
– Mẹ!…
Đôi mắt sợ hãi, tiếc nuối nhìn đâu đó, Hương vẫn như thể còn trong mơ, ngước nhìn ông Khương:
– Bố ơi, con vừa gặp mẹ…
Ông Khương bừng tỉnh. Như người phải bỏng, bật thẳng dậy, đôi mắt cũng hoảng loạn, vô hồn…
– … Mẹ biết hai bố con mình ở nơi ngọn Vạc nên tìm tới. Mẹ vẫn đẹp lắm…
Ngẫu nhiên và vô tình, nhưng đấy hình như lại là sự sắp đặt có chủ định của thượng đế. Tiếng gọi mẹ tha thiết, khao khát, níu kéo của con gái tựa thùng nước lạnh, dập tắt tức thì những gì đang rừng rực như ngọn lửa trong người đàn ông, kéo ông ra khỏi những ham muốn chơ vơ, bạo liệt… Ông rùng mình, chếnh choáng. Và chợt như thể người đang đứng trong lửa, rất nhanh, như một cái bóng, bất chấp những gì trước mắt, ông lảo đảo nhao khỏi ngôi nhà…
Hương trơ vơ, không rõ điều gì đã xẩy ra.
– Bố ơi !
Cô gọi, hết sức hoang mang, sợ hãi và lo lắng, rồi vùng chạy đuổi theo. Vẫn mưa mù mịt… Sấm rền vang. Chớp nhì nhằng… Ngọn Vạc nhoà trong màn nước. Không nhìn rõ trời. Không nhìn rõ biển. Chỉ còn lại sự âm u. Sấm và chớp…
Ông Khương đứng nơi ngọn đồi, hàm răng nghiến, hai lòng bàn tay nắm chặt. Rồi ông dang ra, tựa đức chúa trên thánh giá, ngửa khuôn mặt sũng sượt nước, rũ rượi tóc, hướng ra biển đen ngòm, hét dài, hét to:
– Tại sao! Tại sao!
Tiếng hét quằn quại nhức nhối đau đớn chịu đựng. Tiếng hét của người đang bấn loạn, đầy lo sợ và thất thần . Tiếng hét hãi hùng của kẻ dằn vặt giữa mơ và tỉnh. Đau đớn, nhức buốt. Tiếng hét giống như sự gào rú của con thú trong nỗi bất lực và tuyệt vọng, tựa như sấm, như chớp … Ông trơ trọi, quay đảo giữa mông lung … Và tiếng gào đau đớn của kẻ, chỉ còn biết làm vậy đặng phần nào giải toả, san vơi nỗi đau, thẩm thấu vào mưa, xuyên vào không gian mịt mờ giữa trời và biển….
– Bố ơi!… Bố ở đâu?
Tiếng đứa con gái lo lắng gào to chới với giữa mưa gió mịt mùng từ đâu đó vọng tới nửa thực nửa giả định càng khiến ông Khương quằn quại . Ông như người đang ở thế giới khác, gồng gắng gượng chống cự trong cơn đau của nỗi giằng xé nghiệt ngã thiện ác, giữa ý thức người và bản năng con, giữa ham muốn đời thường, bản ngã và và đạo lý..
Góc đảo, Hương sũng ướt, cô dừng lại chơi vơi ngó nghiêng:
– Bố!… Con đây mà! Về đi bố ơi… Bố! Đừng làm con sợ…
Tiếng cô nhoè nhoẹt trong mưa, hoà vào gió vào sấm … Và nhoà tan vào bóng tối như thể từ cõi hư vô. Ông Khương nghe mà như không nghe… Thực giả lẫn lộn… Ông hoảng loạn, lảo đảo rồi đổ xuống…
Ngọn đèn nơi cao nhất ngọn Vạc vẫn đều đặn theo chu kỳ chớp loé, chiếu sáng ra biển. Vẫn đơn điệu âm thanh của gió, của sóng. Đêm lặng lẽ trôi…
Chuyện già Khương cũng khiến Chiêm nhức buốt, buồn nẫu. … Chiêm vừa thích thú lắng nghe, lại như có cái gì đây sợ hãi lo lắng ám trong người. Cuộc đời sao đa đoan, sầu bi; sao nhiều trói buộc rối rắm ! Thiện ác đan xen lẫn lộn khiến con người như lạc trong cõi mê u u minh minh lú lẫn loanh quanh.
Chiêm ngồi nghe, lòng cộn lên bao nỗi… Anh nhìn già Khương như nhìn vào thế giới hư ảo cổ tích, vừa tò mò vừa thông cảm…
Hai người lại lặng im. Chỉ có ngọn lửa chuyển động, bập bừng, chới với huyền dị, ma mị …
Giờ này nếu ở trong đất liền có lẽ đã nghe gà gáy lần thứ hai…
Thật khó đoán kết cục câu chuyện, nhưng dẫu “điều ấy” xẩy ra, cũng là thường tình, và hiểu được. Con người mà! Ở vào hoàn cảnh già Khương, chẳng rõ rồi Chiêm xử sự thế nào. Chẳng hẳn ai cũng thắng cái bẫy hoàn cảnh để tự hoàn thiện. Với nữa, vẫn có chỗ bấu víu để biện bạch và phần nào san vơi nỗi dày vò: Hương và già Khương không cùng huyết thống…
Chiêm nhìn già, định nói những suy nghĩ chợt đến nhằm phần nào an ủi. Nhưng nhìn bộ dạng và khuôn mặt thuỗn ra của Chiêm, ông Khương đã đọc được những điều đang manh nha trong anh.
– Ta hiểu… Con trai muốn hùa rằng, dù sao Hương vẫn không phải con đẻ của ta?…
Chiêm ngước nhìn già Khương, khó có gì qua được con người từng trải và tường đời này! Tựa cậu học trò bị thầy nắm thóp, anh len lét cúi xuống nhìn ngọn lửa.
– Đúng vậy- Già Khương nói tiếp – Đó là cô bé ta nhặt được…- Ông hắng giọng – Con là người đã từng đi biển, nhưng vẫn chưa tường hết độ nông sâu của biển. Còn non dại, lại nông nổi nữa con trai ạ… Chuyện không phải ở chỗ ấy. Cũng chẳng đơn giản như vậy… Ta, một người bố rất được kính trọng và tôn thờ có thể để con gái bị tổn thương được chăng? Điều đó nếu xẩy ra, chắc phải trả bằng cái giá đắt lắm. Nếu vậy ta đâu dám có mặt trên thế gian này, đâu còn dám đứng trên ngọn Vạc làm người dẫn dắt tàu bè vào luồng nữa. Ném vào vạc dầu cũng không rửa sạch tội! Nếu có điều gì đến với Hương, gánh nặng tâm lý trái đạo lý ấy sẽ phủ bóng đen vào cuộc sống, sẽ đeo đẳng toạ trên vai con gái ta trong từng bước đi, và như vậy cuộc đời còn lại của con gái ta vật vờ tồn tại chứ đâu phải là sống. Con gái ta có quyền được tin vào những gì tốt đẹp ở cuộc đời này. Được quyền nghĩ tới một Hoàng tử của riêng mình… Cái ác, sự không lương thiện, ganh ghen, và đầy rẫy tội lỗi nơi con người ám vào ta bao năm nay đã quá đủ rồi… Hiểu không, con trai?… Ta nghĩ lung lắm. Ta là một thằng đực, một thằng đực khỏe mạnh và chưa chết ham muốn, nhưng ta đang đóng vai người bố… Phải, một người bố dưới con mắt con gái rất đáng kính nể. Và ta thật sự đáng được kính nể… Ta yêu thương Hương hơn mọi cái trên đời, yêu con gái ta hơn thân xác ta… Bởi vậy sau nhiều tháng ngày ngẫm nghĩ, ta đã quyết làm một việc. Đầu tiên điều ấy chỉ là một thoáng manh nha mờ mỏng như sương mai. Nhưng theo ngày tháng, nó lớn dần, thành hình hài, thành một kế hoạch cụ thể… Chưa có quyết định nào trong cuộc đời với ta lại khó khăn đến vậy… Nhưng không thể khác. Không có giải pháp thứ hai… Nhằm giữ trọn cái gì thì phải biết hy sinh cái gì chứ! Cuộc đời sòng phẳng chẳng có thứ gì cho không ai bao giờ!… Tất thảy những thứ ta muốn, đều có giá, phải mua, phải đổi… Nghĩ vậy, ta chèo ra biển và tìm được một chiếc thuyền đánh cá khá lớn. Họ đồng ý chở ta vào đất liền với giá không cao lắm…- Giọng già chợt chùng xuống, buồn rượi, từa tựa hơi thở dài – Ai hay, hễ gặp con người là lại gặp tai họa…
Già Khương ngừng kể. Già ngúc ngắc cái đầu lơ phơ tóc, trầm tư như muốn xếp đăt lại câu chuyện mình sắp tiếp tục nói ra. Rồi sau đó, với sự tỉnh táo của người đã chai mòn trong nhiều bất hạnh, già thổ lộ một mạch, kể bằng thái độ lạnh tanh, kể bằng giọng dửng dưng như thể đấy là chuyện người khác. Chiêm lặng yên, háo hức nghe, nhập tâm từng chi tiết, và câu chuyện ấy sau đấy đã ám vào anh suốt chặng đường còn lại của cuộc đời, thậm chí như một ma lực chi phối mọi tình cảm. Nó như huyền thoại. Là thực mà sao mu mơ, nhức buốt xót xa . Làm người thật gian truân, nhọc nhằn, luôn phải đề phòng đối phó… Cuộc đời là chuỗi dài những nhiêu khê rối rắm và tàn tệ… Con người có lý khi ý thức rằng chốn trần gian là bể khổ…
… Hôm ấy ông Khương rướn người đưa con thuyền nhỏ bơi về phía những chiếc thuyền của đám vạn chài đang buộc cụm vào nhau dưới chân dãy núi đá cách ngọn Vạc chừng ba dặm. Biển lặng. Nước rất xanh. Và không có gió. Phía đông, nơi giáp đường chân trời, ửng lên màu da cam. Ráng vàng là triệu chứng báo trước trời sắp nổi bão.
Trên những chiếc thuyền đánh bắt hải sản, những gã đàn ông ngửi biết trời động không dám ra khơi, rỗi việc, tụ bạ đánh bài. Đầu mũi chiếc thuyền ngoài cùng, cái lão to con mà ông Khương vẫn nghĩ là trưởng thuyền, đã từng khoe rằng thịt vích phơi khô ngon hơn mọi hải sản trên đời, đã mời ông nhâm nhi li rượu đang cởi trần, nằm ngửa, gối đầu lên hai tay, chân này bắt chéo ngoe lên chân kia, ri rỉ hát… Gã ca thán về sự không chung tình của vợ…
”Anh khoẻ manh
em không thích,
anh nghèo hèn
em bỏ đi.
Em thích gì, cô gái mông to vú nở?
Một gã rách rưới biết chiều…
Lênh đênh trên biển,
Dập dình, dập dình
Làm tình
Tại sao tại sao”
Ông Khương áp chiếc thuyền con sát vào. Lão đang ngọ nguẩy chân đánh nhịp, liền nhổm dậy:
– Không còn cá, ông đốt đèn ạ… Chịu khó ăn muối nhé… Hai bố con cần gì nhiều.
– Tôi không mua cá…
– Nước ngọt cũng hết rồi… San sẻ cho ông, rồi trời không mưa chúng tôi uống nước biển à?
– Tôi cũng không xin nước ngot… Thuyền vào đất liền không?
– Điên! – Lão ngước lên, đôi mắt hướng về phía ráng chiều đang nhuộm vàng bầu trời – Sắp bão… Chỉ những thằng ngu và liều mới đưa thuyền ra khỏi vũng lúc này.
– Chưa! Coi vậy nhưng hai ngày nữa giông gió mới về!
– Kinh nghiệm nhởi!…
– Chuyện. Bao năm sống cận kề biển! Tin tôi đi…
– Sao không chờ tàu ra? Có việc gấp à?
– Năm hào được không?
– Trời đang chuyển, ông cũng rõ mà.
– Sáng đi. Đêm mai ông cho thuyền quay về, bão vẫn chưa kịp tới.
– Tính mạng bọn này và con thuyền chỉ đáng năm hào?
– Bảy hào?
– Thêm thêm chút nữa… Tám hào!
– Sớm mai đón ở chân ngọn Vạc nhé…
– Ứng trước dăm xu lẻ uống rượu….
Ông Khương móc túi. Lão trưởng thuyền nhận tiền, tung tung mấy đồng xu trong lòng bàn tay, leo nheo cuời.
Khi ông Khương đi đã xa, lão quay qua đám thanh niên đánh bài, đôi mắt ranh mãnh:
– Trên ngọn Vạc có bông hoa dại kháu lắm, đứa nào thích hái, hử?
Vào thời điểm đó, ông Khương đã không lường hết mọi biến cố sau câu nói chớm chơ ngỡ như tếu táo vô hại nhưng lại là định mệnh ấy của lão thuyền chài. Ông cho thuyền quay nhanh về ngọn Vạc.
Sáng hôm sau, con gái cùng xuống núi, tiễn ông.
Vẫn như những năm xa xưa, hành lý của ông chỉ là chiếc bị cói tòng teng ngoắc trên vai.
Chạm biển, hai người dừng lại. Cách đó không xa là con thuyền đánh cá ông thuê, đúng hẹn đang chờ. Và sóng vẫn nhẩn nha nhè nhẹ vỗ vào bờ đá.
– Tối tối, khi mặt biển chuẩn bị ngủ, con nhớ thay bố thắp đèn. Con làm được chứ? – Ông Khương dừng lại, dặn con gái.- Điều tồi tệ nhất ở người gác đèn biển là…
– … Để cây đèn không phát sáng, dù chỉ một đêm…- Hương tiếp lời- Con đã ở với bố hơn mười năm mà…
– Vậy bố yên tâm rồi.
– Bố ơi, nhưng bố đi đâu, làm gì, sao bố không cho con hay?
– Đi tìm sự bằng an!- Rồi ông ái ngại nhìn Hương- Làm trọn vai người bố không dễ đâu con gái ạ.
– Bố chưa bao giờ giấu con điều gì…
– Cái gì chẳng nên biết thì không nên biết, vẫn hơn… Bố muốn con gái được sống trong niềm vui …
– Con yêu bố. Con tự hào về bố.
– Bố biết … – Giọng ông Khương cảm động.
– Bố con mình mãi mãi ở bên nhau bố nhé.
– Đúng thế… Vậy nên bố phải vào đất liền một thời gian… Con nhớ lời bố dặn đấy. Sợ không?
– Nghĩ rằng có bố luôn ở bên cạnh, con không sợ…
– Vậy con quay lên cho thuyền nhổ neo…
Ông Khương bước xuồng mép nước, nơi con thuyền dềnh nhẹ. Rồi ông quay lại nhìn về phía Hương.
Con Thuyền rời ngọn Vạc.
Hương bám sườn dốc, nhoài lên. Bàn chân cô bấm vào đá, bấm vào đất. Mồ hôi rịn trên mặt. Tới chỗ cao, Hương ngước nhìn. Trên biển, con thuyền nhỏ bé mỏng mảnh đang hướng về phía đất liền, xa dần, xa dần. Hương cứ đứng vậy, ngóng theo cho tới khi con thuyền nhoà vào mênh mông nước. Cô lẩm nhẩm:
– Bố mau về với con, bố nhé. Con nhớ bố lắm!
Dáng Hương chơi vơi mỏng mảnh nơi ngọn Vạc in lên nền trời lúc rạng sáng tựa chiếc lá, có cảm giác có thể bay vào vũ trụ bất cứ lúc nào. Dưới chân, những cọng cỏ khô bay bay, đuổi nhau chạy vòng quanh đồi…
Hương đứng lặng, tựa hình bóng người thiếu phụ ngóng chờ chồng trong những câu chuyện cổ…
Đ.K
( Còn nữa)