Có một định mệnh khốn khổ, khốn nạn theo quy luật sinh tồn của tự nhiên “cá lớn nuốt cá bé”, cây lớn phủ trùm cây bé, bị bóng dâm cớm nắng èo uột rồi chết…
Có một định mệnh khốn khổ, khốn nạn theo quy luật sinh tồn của tự nhiên “cá lớn nuốt cá bé”, cây lớn phủ trùm cây bé, bị bóng dâm cớm nắng èo uột rồi chết. Trong xã hội man rợ hay văn minh, từ ngàn năm nay cũng có chuyện: Các nước nhỏ ở cạnh nước lớn bao giờ cũng bị đè nén, ăn hiếp, bị cống nạp, rồi cuối cùng bi kịch mất nước xảy sau cuộc xâm lăng, hoặc bị gặm dần lãnh thổ đến khi bị thôn tính trọn vẹn.
Việt Nam cũng ở bên một “ông bạn lớn”, nhìn lại quá khứ dân tộc ta có một lịch sử huy hoàng, nhưng đẫm nước mắt và đầm đìa máu bởi giặc ngoại xâm liên miên. Một ngàn năm Bắc thuộc đằng đẵng, rồi họa xâm lăng của Hán, Đường, Tùy, Tống, Nguyên, Minh, Thanh…; đến thời hiện đại “bốn phương vô sản đều là anh em” thì “ông bạn lớn” Hán hóa cũng chẳng xót gì máu xương “anh em” nên nỗi tương tàn tháng 2.1979. Có thể nói, lúc nào chủ nghĩa Đại Hán Trung Quốc cũng là mối đe dọa nguy hiểm, khủng khiếp và truyền kiếp với Việt Nam. Ấy là chưa kể giặc ngoại xâm từ đâu đó mịt mù xa lắc như Pháp, Nhật, Mỹ cũng mò đến đô hộ…, đến mức nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phải cất lên những lời ca vừa hào hùng vừa ai oán: “Đất nước tôi, đất nước tôi, đất nước tôi! Từ thuở còn nằm nôi. Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa.” Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa cắt nghĩa được vì sao đất nước ta chịu họa giặc ngoại xâm đằng đẵng triền miên như vậy?
Những ngày này, biển Đông đang sôi lên sùng sục khiến cộng đồng thế giới lo ngại về một cuộc chiến tranh mới có thể xảy ra bắt đầu từ việc: “Ngày 2.5, Trung Quốc đã đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương -981 (HD-981) di chuyển và hạ đặt trái phép vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vị trí của giàn khoan này nằm cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) 17 hải lý và cách đảo Lý Sơn 120 hải lý”.
Thú ác không đi một mình. Cá dữ không bơi một con. Đi cùng con bạch tuộc HD-981 quyết cắm vòi xuống thềm lục địa hút dầu lửa của Việt Nam là (một bầy cá mập) hơn 80 tàu dịch vụ, kiểm ngư, hải giám, tàu đánh được trang bị vũ khí và 7 tàu chiến của hải quân và máy bay bay Trung Quốc liệng rợp trời. Trung Quốc không chỉ coi biển Đông là ao nhà của mình, các tàu hộ tống HD-981 còn ngang ngược: húc vỡ mạn tàu, đánh sóng lớn, xả vòi rồng… vào lực lượng Việt Nam đang thực thi pháp luật, tuyên truyền, vận động, đấu tranh ngăn cản, bảo vệ chủ quyền…
Rõ ràng, đất nước ta đang đứng trước họa xâm lăng của chủ nghĩa bành trướng bá quyền. Sẽ là rất ngây thơ và ấu trĩ chính trị coi Dàn khoan HD-981 của Trung Quốc cắm vòi xuống biển hút dầu chỉ là hành động vi phạm chủ quyền kinh tế, lãnh thổ của Việt Nam; mà phải coi đó là một trong những hình thức gặm dần đất đai, biển đảo, thềm lục địa của ta trong chiến lược xâm lăng và Hán hóa. Lịch sử bi thương đẫm máu của cộng đồng Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử kéo đến tận bắc Việt Nam đã đều bị nhập Hán và Hán hóa, chỉ có Việt Nam là không. Suốt mấy ngàn năm, cái chủ nghĩa Đại Hán thèm thuồng, và cần không chỉ là người Việt thần phục quỳ lạy, xin phong vương tước; cống nạp vàng bạc, vóc lụa, chim trĩ, voi trắng, con gái đẹp…, mà cái đích là thu tóm công thổ quốc gia. Không cướp nước láng giềng xóa đỏ quốc hiệu, nhập Hán trắng trợn được thì gặm mòn, lấn dần và đồng hóa theo kiểu “để lâu cứt trâu hóa bùn”. Dàn khoan HD – 981 cũng chỉ là một chước cũ kĩ mang tính truyền thống đặc sánh bản chất chuột gặm nhấm của chủ nghĩa Đại Hán. Đó mới là âm mưu cơ bản xuyên suốt mấy ngàn năm, người phương Bắc chưa bao giờ từ bỏ. Chúng ta đoàn kết chống lại âm mưu đó thế nào? Giải quyết Dàn khoan HD-981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền rất phức tạp và là thách thức lớn không chỉ với những nhà lãnh đạo mà với mỗi người yêu nước Việt Nam.
Cụ Hồ đã nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa tới nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó biến thành một làn sóng vô cùng to lớn và mạnh mẽ, nó cuốn đi tất cả lũ cướp nước và bán nước”. Lâu lắm rồi, lòng yêu ngước của người Việt mới có dịp bộc lộ, khẳng định và thăng hoa. Còn nghi ngờ gì nữa lòng yêu nước của dân? Dù có tổ chức hay tự phát, tự giác thì cũng tạo ra những rừng cờ đỏ sao vàng rợp trời và biểu ngữ khẩu hiệu lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ. Còn nghi ngờ gì nữa lòng yêu nước của dân tộc Việt? Trong bàn ăn, quán nước, giữa phòng làm việc của cơ quan, thậm chí từ đường làng, ngõ phố…đến mỗi gia đình, dân ta cũng mở… Hội nghị Diên hồng. Vấn đề quan trọng nhất lúc này, phải nhổ được Dàn khoan HD-981 và nhổ bằng các nào?
Vẫn biết là “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” (Nước nhà hưng thịnh hay suy vong, dân thường cũng phải có trách nhiệm.” Nhưng, thực hiện trách nhiệm ấy ra sao lại là một đòi hỏi minh triết với mỗi công dân. Giáo sĩ và nhà sử học Thomas Fuller người Anh thế kỉ 17 nói rằng: “Nhiệt huyết, mà thiếu tri thức chỉ là lửa thiếu đi ánh sáng”. Chủ nghĩa dân tộc khác với lòng ái quốc. Kinh nghiệm ở đời đã từng có người hò la to nhất mà không biết mình đang la hò vì cái gì. Nổ súng để thỏa lòng căm giận mới chỉ là hạ sách. Thượng sách phải như thiên tài Nguyễn Trãi dùng chiến lược công tâm đánh vào lòng người “có sức mạnh hơn 10 vạn tinh binh”, viết đến 35 bức thư dụ Vương Thông ra hàng mà không tốn một mũi tên. Nuôi giữ ngọn lửa lòng yêu nước, không để nó tắt đi còn khó hơn khơi nguồn, nhóm lửa lòng yêu nước. Không ai kiểm soát lòng yêu nước, nhưng hành động yêu nước thì phải đặt đúng nơi, đúng lúc, đúng việc; và mỗi người có cách riêng thể hiện lòng yêu nước.
Chiến tranh là đỉnh cao, là kế tục chính trị. Chỉ khi nào ngoại giao tuyệt vọng thì chính trị bế tắc. Chính trị bế tắc thì… chiến tranh… bùng nổ. Nhưng, chọn Hình thái chiến tranh nào lại thuộc về Nghệ thuật Quân sự. Xin các bạn hãy bình tĩnh, đôi khi cần cái đầu lạnh tỉnh táo trước thời thế… sóng gió Biển Đông. Cái cần và đủ để chiến thắng bất cứ giặc ngoại xâm nào thì lòng yêu nước, chúng ta đã có thừa. Nhưng, nhân tài, vật lực, thời cơ? Nhân tài như lá mùa thu, dù hiếm nhưng thời nào dân tộc ta cũng có; quân dân đồng lòng cộng với thiên tài quân sự sẽ có Nghệ thuật chiến tranh tương ứng. Vật lực thì còn phải tính toán. Thời cơ lại càng phải ngẫm nghĩ. Lúc này, để không mất chủ quyền lãnh thổ mà vẫn hòa bình thì phải huy động sức mạnh tổng hợp; theo tôi cần nhất, đầu tiên, ưu tiên trước hết là ngoại giao đã. Đàm phán, hòa hoãn tiến tới HÒA BÌNH mà không mất một tấc đất mới là chiến lược lâu dài. Nhưng kẻ thù không bao giờ muốn hòa hoãn, đám phán, luôn luôn muốn chiến tranh và đang mong, đang lừa chúng ta nổ súng trước. Bất cứ một quốc gia, một dân tộc yêu chuộng hòa bình nào, vấn đề nổ súng (Tuyên bố tình trạng Chiến tranh) cũng phải chọn đúng thời cơ chủ quan và khách quan.
Chiến tranh chỉ là nhất thời, hòa bình mới là vĩnh cửu. Hai chế độ, hai chính quyền có thể đối đầu, chứ tuyệt nhiên không nên để nhân dân hai dân tộc trở thành kẻ thù truyền kiếp. Chiến tranh tàn khốc, có thể kéo lùi lịch sử dân tộc lại hàng trăm năm. Súng chưa nổ, thị trường chứng khoán đã mất giá, nỗi lo ngại từ biển Đông khiến nhiều người bán đổ bán tháo cổ phiếu, có đến 2,4 tỷ đô la “bốc hơi” khỏi sàn. Nhiều người mất mát, nhưng thiệt lớn vẫn thuộc về các đại gia: “Sau phiên giao dịch ngày 12.5, bầu Đức “mất trắng” 467,41 tỷ đồng; HSG “thổi bay” 124,31 tỷ đồng khỏi tài khoản của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen…vv. Thử hình dung nhà cửa phố phường, làng mạc chìm trong biển lửa của đạn đại bác, bom, máy bay phóng rốc két, tên lửa tô ma hốc. Điện nước mất. Trẻ con đi sơ tán. Cứ mỗi sáng ngày ra lại thấy thêm nhiều khăn tang…vv.” Vì thế, còn né (tránh) được chiến tranh cho nhân dân mình và nhân dân đối phương chừng nào tốt chừng ấy. Hiện nay, chúng ta còn đang có nhiều cơ hội vận dụng mọi hình thức đấu tranh khác để giành chủ quyền, chưa bị đẩy đến tận cùng “binh đao nước lửa và ống đồng”. Chẳng hạn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa vấn đề Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ra Hội nghị cáo cấp ASEAN và kêu gọi các nước ASEAN, các nước trên thế giới, các cá nhân và Tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động xâm phạm nghiêm trọng này. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì. Sở Ngoại vụ TP.HCM “triệu tập” Tổng lãnh sự quán Trung Quốc để phản đối Trung Quốc, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Ban thường vụ liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Nhà báo,… Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói, “những hành động mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông, cụ thể là việc đưa giàn khoan và tàu quân sự vào vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, là hiếu chiến và đặc biệt gây quan ngại” . Các nước Anh, Mỹ Nhật, Ấn Độ, Philipphins… và cộng đồng thế giới đã lên tiếng phản đối Trung Quốc. Cả nước và kiều bào biểu tình…vv. Đó là các hình thức đấu tranh hòa bình rất hiệu nghiệm.
Đối phương đang cần một cuộc chiến tranh với sức mạnh “cơ bắp”. Chúng ta chỉ cần một cuộc chiến công lý. Công lý thì thường thiếu sức mạnh vật chất, còn sức mạnh vật chất thì bao giờ cũng mất công bằng. Tôi có niềm tin vững chắc rằng: những lính Việt ở biển Đông đủ khôn ngoan tỉnh táo không nổ súng trước để mắc bẫy đối phương. Vạn bất đắc dĩ mới phải tiến hành chiến tranh. Nhưng, “con giun xéo mãi cũng quài”, đến khi “kẻ thù buộc ta mang cây súng” thì lúc đó cả nước xuống đường, toàn quân ra trận như lời hiệu triệu của Cụ Hồ năm xưa: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành được tự do độc lập”.
Còn lúc này, đang chỉ cần lý đấu với lý, sóng tầu đấu với sóng tầu, vòi rồng đấu vòi rồng… cùng trái tim yêu nước cháy bỏng và cái đầu lý trí tỉnh táo. Một thiên tài quân sự thời La Mã cổ đại nói rằng: “Hãy để những người yêu hòa bình chuẩn bị cho chiến tranh!” vì “Chiến tranh không phải là trò đùa!”
S.N.M
(Theo Trannhuong.com)