Đọc báo thấy những số liệu sau đây…
Nhà thơ Đỗ Trung Lai
Truyền hình ta, tối thứ Tư, 1-8-2012, đưa tin: ở Long An, có 47 dự án “treo”, do các chủ dự án không hoặc không có khả năng triển khai từ nhiều năm nay, đã được thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng. Và thế là, 3.000 héc-ta đất nông nghiệp được trả về cho nông dân, nông nghiệp.
Tỉnh Long An vận động bà con nông dân biến số đất nông nghiệp ấy thành những “cánh đồng mẫu lớn”, có năng suất 12 tấn/héc-ta, lúa hai vụ. Và thế là, cả trăm ngàn tấn thóc tốt đã trở lại với nông dân – nông nghiệp – nông thôn hằng năm. Đó là điểm sáng nhất của Long An trong năm 2012. Đài này còn cho biết, cũng ở Long An, vẫn còn hàng chục dự án “treo” nữa sẽ được quy hoạch lại như thế. Thật là tốt! ít ra thì lãnh đạo và nhân dân Long An cũng đã “biểu quyết cho tương lai” (gần) của họ theo hướng mà Béc-tôn Brếch đã viết, tức là, đất đai phải thuộc về những người làm cho nó sinh sôi nảy nở. ít ra thì, “kho lẫm” an ninh lương thực, “kho lẫm” lúa gạo xuất khẩu của ta, mỗi năm đã và sẽ tăng thêm hàng trăm ngàn tấn. ít ra thì, Long An đã sửa chữa được một chút, hậu quả của việc nhiều năm qua, chúng ta đã nóng vội chạy theo những ảo ảnh tăng trưởng nhanh, phi nông nghiệp, thiếu cơ sở, thiếu tính khả thi, lợi bất cập hại.
Nhưng một câu hỏi đặt ra là, trong những năm trước, những ai đã “biểu quyết cho tương lai” của Long An, bằng cách lập và thông qua những chục dự án ấy, và vì sao lại “biểu quyết” như vậy? Rất khó trả lời cụ thể! Nhưng nó cho chúng ta một bài học lớn, rằng tương lai luôn luôn rất quan trọng, và khi “biểu quyết” cho nó, phải đủ tầm, đủ tâm, phải rất thận trọng. Nếu không, cái giá phải trả là rất đắt. Ví như ở Long An mà ta đã thấy, ngoài hàng trăm nghìn tấn thóc mất đi hàng năm, thì bao nhiêu nông dân sau khi mất đất không có việc làm? Người có việc làm thì thu nhập ra sao? Bao người phải ly hương? Bao nhiêu tệ nạn tìm về?… Thế là do “biểu quyết” thiếu cân nhắc, an ninh lương thực giảm sút, an sinh xã hội kém đi, nỗi bất an lớn lên và tấm chăn hạnh phúc của đồng bào ta bị hẹp lại! Ai được lợi ở đây? Đất nước và nhân dân thì chẳng bao giờ được lợi từ các dự án “treo” rồi!
Ngoài Long An, bao tỉnh có tình trạng tương tự? Có ai thống kê được những thiệt hại, cả cụ thể và trìu tượng ấy, của quốc gia, để rút ra những bài học cần thiết không? Nếu không, thì sẽ chỉ đưa đến tình trạng bi hài kỳ quặc, giống như khi Quốc hội còn chưa hết bàng hoàng vì kết quả thanh tra VINASHIN, thì đã lại vỗ tay tán thưởng ai đó, vì đã “nghĩ ra” cách cơ cấu lại tập đoàn này! Cách ấy là, “đẩy” nó sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam! Mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì đâu có phải “của giời ơi”, mà “gán nợ” cho nó?
*
Quốc hội ta đang họp, các đại biểu Quốc hội là do dân ta trực tiếp bầu ra. Hơn bất cứ một tổ chức nhà nước nào khác, Quốc hội “gần dân” nhất. Làm luật, đề xuất, hoạch định, phê duyệt, phản ánh, kiểm tra… mọi chính sách của nhà nước, là Quốc hội. Quốc hội có rất nhiều việc. Trong bài viết này, chỉ xin Quốc hội chú ý đến một việc. Việc này liên quan đến 22 triệu lao động Việt Nam, đến động lực của nền kinh tế, đến an sinh xã hội. Đó là việc tăng (điều chỉnh lên), lương của người lao động.
Ai cũng biết, do tăng giá, do lạm phát… đồng tiền của ta không còn mạnh như cũ. Do đó, lương thực tế của người lao động đã xuống thấp. Dự án tăng lương đã được bàn từ lâu, nhưng câu hỏi: “Lấy đâu ra tiền để tăng lương?”, vẫn treo trên đầu chúng ta.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, để điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng và nâng phụ cấp công vụ từ 25% lên 30% từ 1-5-2013 như lộ trình cải cách tiền lương đã đưa ra, thì cần 60.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nghĩ mãi mới có 29.000 tỷ đồng. Thế là, ta còn thiếu 31.000 tỷ đồng nữa.
Đọc báo, thấy có những số liệu sau đây, xin được nêu lại, may ra có góp được phần nào để các đại biểu Quốc hội bớt khó nghĩ. Có 5 khoản như sau:
1. Siêu dự án “Bảo tàng Lịch sử quốc gia”, có kinh phí dự trù là 11.277 tỷ đồng đang đợi thẩm định.
2. Siêu dự án “Trụ sở Bộ Giao thông vận tải”, có kinh phí dự trù là 12.174 tỷ đồng.
3. Dự án viết lại sách giáo khoa (và một vài nguồn chi khác) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có kinh phí dự trù là 70.000 tỷ đồng.
4. Đồ án “Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội” đến 2030, có kinh phí dự trù 1,1 triệu tỷ đồng (gần đủ cho 20 năm tăng lương toàn quốc!), trong đó, dự chi từ 2013-2015, là hơn 171.000 tỷ đồng.
5. Theo “Dự toán chi thường xuyên” (của Dự toán chi ngân sách nhà nước), thì trong năm 2012, tổng nguồn chi thường xuyên là 277.132 tỷ đồng. Nghị quyết của Chính phủ nêu ra là, phải tiết giảm chi thường xuyên 10%. Nếu làm được, ta có ngay trong năm nay 27,7 nghìn tỷ đồng dôi ra, gần bằng số tiền còn thiếu để tăng lương theo lộ trình đã định.
Chỉ cần tính nhẩm:
– Bỏ đi khoản 1 và khoản 2 (vì chưa thật cần thiết), ta đã có 75% số tiền còn thiếu để tăng lương.
– Giả sử, nếu chỉ cần dừng tiếp khoản 3, thì riêng ở đây ta đã có hai lần số tiền còn thiếu để tăng lương.
– Giả sử, lấy của Hà Nội 20% (tiền đào đường lột hè…) trong khoản 5, ta có 31.000 tỷ đồng, đúng bằng số tiền còn thiếu của Bộ trưởng Vương Đình Huệ.
Nếu tiết giảm chi tiêu thường xuyên được 10% (khoản 6) như đã định; nếu chống tham nhũng thành công một ít (thì đã là không ít rồi); tổng hợp lại, chúng ta thừa sức có hơn 100.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương theo lộ trình.
Xin các đại biểuQuốc hội hãy biểu quyết đúng cho tương lai! 22 triệu người lao động là “tài nguyên” quý nhất bây giờ. Đừng hoang phí “tài nguyên” nữa! Những quyết sách giàu tính nhân văn (khả thi), bao giờ cũng là những quyết sách tốt nhất.
*
Các số liệu chính thức cho thấy: Hơn 70% đơn (vụ) khiếu kiện những năm gần đây, liên quan đến đất đai! Sẽ không có tình trạng ấy, nếu đất đai không phải là “quốc gia công thổ”, như hiến pháp sửa đổi của nước ta đã viết.
Vì là “quốc gia công thổ”, nên các tỉnh đua nhau lấy đất nông nghiệp để lập các “Khu công nghiệp”, “Khu chế xuất”, nhằm thu hút đầu tư, và kết quả là ngoài một số ít thành công, thì rất nhiều “khu” này, không thể lấp đầy diện tích đã quy hoạch.
Vì là “quốc gia công thổ”, nên “các doanh nghiệp trong nước đua nhau làm dự án nhằm mục đích kiếm lợi từ … đất!” (Báo Hà Nội mới 5-11-2012).
Cuối cùng, không biết bao nhiêu dự án trở thành dự án … treo và khi kinh tế “xì hơi”, thì dự án treo lại càng nhiều!
Lỗi không ở hiến pháp. Lỗi thuộc ở cấp phê duyệt các dự án. Thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm hoặc vì “lợi ích nhóm”? Chưa chỉ rõ được. Nhưng thiệt hại chung thì khôn lường, mà trong số những người bị hại, đông nhất, vẫn là nông dân (hơn 70% dân số)- những người mất đất sinh nhai.
Mất đất, lại phải ngồi nhìn các “nhóm lợi ích” kia biến báo một hồi rồi bán lại đất ấy với giá cao hơn giá đền bù hàng chục, hàng trăm lần, thì làm sao mà không đi kiện cho được? Uất ức thì đi kiện. Đi kiện mãi không được thì lại càng uất ức. Uất ức chồng lên uất ức, thì có khi manh động, vượt cả pháp luật, thế là chính quyền ra tay! Và, trớ trêu thay! Đang là “Uỷ ban Nhân dân”, tự nhiên lại đối lập (cục bộ) với nhân dân của mình. Thế là, nào “An sinh xã hội”, nào “Tam nông”, nào “An ninh chính trị”, nào “Lòng tin”… bị thử thách gắt gao, đến nỗi Đảng và Chính phủ phải kiểm điểm và xin lỗi dân. Nếu không sửa chữa chỗ này, đơn từ khiếu kiện mới lại mở đầu một “vòng quay đối lập mới”, có khi còn nguy hiểm hơn vòng trước.
*
Đi Vân Nam (Trung Hoa), tôi có dò hỏi về việc đất đai ở đó. Người Vân Nam cho biết: Đất đai Trung Hoa cũng là “quốc gia công thổ” như bên ta. Đảng lãnh đạo nước họ cũng là Đảng Cộng sản như bên ta. Nhưng ở Vân Nam, hầu như không có chuyện khiếu kiện về đất đai. Hỏi kinh nghiệm thì họ bảo: Khi có dự án, chính quyền và dân sở tại đàm phán – hiệp thương, tìm ra đúng “giá thị trường” đất và tài sản nơi ấy. Sau đó, dân sở tại có 3 lựa chọn:
1. Nếu vẫn muốn ở lại nơi quê cha đất tổ, thì tạm dọn đến ở một khu mới (tốt hơn nơi cũ), xong sự án thì trở về lấy nhà mới ở nơi cũ, với “giá thị trường”. Tiền định giá trước đó, thừa thì lấy lại, thiếu thì nộp thêm, đủ rồi thì thế là xong.
2. Nếu muốn lấy ngay tiền đền bù (theo giá thị trường đã định trước đó), để tự đi mua ở đâu tuỳ thích, cũng theo “giá thị trường” thì được lấy ngay, coi như “cưa đứt đục suốt”.
3. Nếu không cần ở lại, cũng không muốn tự tìm mua chỗ mới, thì đã có những khu xây sẵn (chuẩn bị từ trước khi thực hiện dự án – tốt hơn nơi cũ) để chuyển đến ngay và cũng trao đổi theo “giá thị trường” theo kiểu “thừa lấy, thiếu bù, đủ thôi”. Ngoài ra, họ cũng có ý tưởng, ở những chỗ có điều kiện, thì cho dân góp đất để trở thành cổ đông trong các dự án.
*
Mạo muội, thấy vậy thì viết vậy, mong rằng Quốc hội ta (đang họp) có thể tham khảo để tìm cách chấm dứt từ gốc, nạn khiếu kiện khổ sở của dân mình! Bởi vì, nếu không có dân thì đổi mới làm sao? Và nếu đổi mới mà dân không được hưởng thì đổi mới làm gì? Riêng tôi, tôi biểu quyết, sẽ tham khảo cách làm của Vân Nam.
Nguồn: Văn nghệ số 46/2012
ĐTL