Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.
Ông không muốn run người ra tiếng địch,
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao.
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch,
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.
Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời, nhưng chỉ giải trăng trăng,
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh,
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.
Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly.
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả,
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.
Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng.
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.
Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng,
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng…
Bến My Lăng chỉ là tên tưởng tượng, không có thật. Trích lời tâm sự của tác giả: “những ai đã có một lần đứng đợi một chuyến đò ngang… và nhất là những ai có nỗi hy vọng lớn lao phải chờ đợi… Bến My Lăng ở trong lòng tôi và có thể ở trong lòng bạn”. Bài thơ này được tuyển chọn trong tập thơ 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX
Nguồn:
1. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004
2. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007
LỜI BÌNH CỦA ANH NGỌC
Trong nền Thơ Mới, bài thơ này cùng với một số bài của Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên – tất cả đều thuộc trường thơ Bình Định – hình thành một tốp đứng chót vót trên đầu của một cực đoan thơ, cái cực của bút pháp ấn tượng thuần tuý, chỉ cách siêu thực và trừu tượng có một sợi chỉ. Sợi chỉ đó là một số hình ảnh, từ ngữ chưa mất hết gốc thực, nhưng chúng chỉ được xuất hiện rời rạc, thưa thoáng như những cái đinh vẫn thường đóng trên những bức tường trần tục mà giờ đây chỉ còn tình cờ sót lại khi bức tường xưa đã hoá thành mây khói phía chân trời. Đừng nhọc lòng đi tìm những mối liên hệ rõ ràng của thế giới trong thơ với thế giới thực ngoài đời. Bến My Lăng ở đâu ư ? Hình như có lần những người thân của nhà thơ Yến Lan đã chỉ ngay ra cái bến đò ở đâu gần nhà thi sĩ và bảo : nó đấy. Giá như trong trường hợp khác, một cách giải thích như vậy rất có thể đã làm tổn hại đến ấn tượng của người đọc đối với bài thơ. Nhưng “ Bến My Lăng “ đủ sức vượt lên mọi sự dung tục hoá dù vô tình hay cố ý, với ác ý hay thiện tâm. Bởi tất cả chất liệu làm nên “ Bến My Lăng “ dù có bắt nguồn từ một gốc thực nào đó thì dễ thường khoảng cách giữa chúng còn xa vời hơn cả khoảng cách từ giọt nước ngoài biển đến đám mây trên trời. Ta đã từng nói tới sự ít chuyện, ít ý trong một bài như “ Tống biệt hành “ chẳng hạn, nhưng “Bến My Lăng “ còn cực đoan hơn nhiều – nó không có chuyện và cũng không có ý. Nó chỉ có cảnh. Và những trạng thái tâm hồn, những trạng thái lan man, rối rắm rất khó nắm bắt và gọi thành lời. Nếu cố lắm ta cũng chỉ thấy được ở đây một nỗi gì đó xao xác, bất an, một tâm thế cô độc và rợn ngợp của con người trước sự đìu hiu của cõi thế, sự mênh mông choáng ngợp của đất trời. Cái đìu hiu, cái mênh mông và choáng ngợp đó trải ra trên bến sông, con đò, trên vòm trời và những vì sao, nhưng nhiều nhất và ấn tượng nhất, hầu như tràn ngập cả bài thơ là cái ánh trăng ma quái, cái ánh trăng thoắt ẩn thoắt hiện, muôn hình vạn trạng chi phối hết mọi cảm xúc của người thơ. Bài thơ có năm khổ rưỡi thì có đến chín lần xuất hiện từ trăng :
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách…
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao…
Tơ vương trời nhưng chỉ rải trăng trăng…
Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách…
cho đến tận câu kết vẫn là :
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.
Có thể nói, trăng chính là nhân vật chính của bài thơ. Nếu ta mạo muội đổi tên bài thơ thành “ Bến trăng “ chẳng hạn thì chưa chắc đã không được người đời chấp nhận. Nhưng nói vui thế thôi, cái danh từ riêng “ My Lăng “ có một vị thế thật kỳ lạ, nó huyễn hoặc như có như không, nó vừa Tây vừa Ta, vừa tân kỳ vừa cổ điển, hình như nó nằm ngoài các biên giới không gian và thời gian, nó mang trong mình ý nghĩa tự thân của một thanh âm dịu dàng và mơ mộng như “ Lá Diêu bông “ của Hoàng Cầm sau này chẳng hạn – và ở đây cũng tựa hồ như cách các bậc bố mẹ đặt tên con cái, có những cái tên “ chữ “, bao hàm nghĩa lý hẳn hoi, nhưng cũng có những cái tên người ta chọn đặt vì đơn giản đọc lên chúng dịu dàng êm ái, hoặc gân guốc rắn rỏi…, thế thôi.
“Bến My Lăng “ là như vậy. Nếu coi thơ là người bạn tâm tình chia ngọt sẻ bùi của con người, thì nó phải thoả mãn được hết những trạng huống phức tạp trong thế giới tâm linh của con người. Trên đời này, có những nỗi buồn vui, yêu ghét rõ ràng, cụ thể chỉ cần những bài thơ, khúc nhạc cũng cụ thể, rõ ràng là đủ để cảm thông, chia xẻ; nhưng cũng có không ít trường hợp con người rơi vào những trạng thái tình cảm phức tạp hơn, những trạng thái hoặc bâng khuâng khắc khoải, hoặc mơ hồ, không xác định, thứ trạng thái thường chỉ có ở những người sống sâu sắc đời sống nội tâm, đa sầu đa cảm và đa tình…,với những con người ấy, những tâm thế ấy, đòi hỏi cũng phải có những tiếng nói nghệ thuật sâu thẳm, tinh vi, đa tầng, đa nghĩa đủ sức ôm trùm hết mọi run rẩy bé nhỏ, khẽ khàng nhất trong thế giới hồn người. Nghệ thuật ấn tượng ở mức độ cao nhằm đạt đến hiệu quả ấy, khi bỏ dần lại đàng sau những xiềng xích chật hẹp của thứ ngôn từ vụ hiện thực, vụ ngữ nghĩa để chỉ giữ lại những sức mạnh biểu cảm mạnh mẽ và mênh mông của những hình ảnh và từ ngữ có sức nặng độc lập, những hiệu quả lay động của thanh âm, nhạc điệu, tiết tấu và cuối cùng là của những hình thức cấu trúc đặc biệt của ngôn từ.
Thiết nghĩ những điều ấy vẫn có mặt xưa nay trong đời sống nghệ thuật nhân loại, nhưng để nhận chân được nó và thấm thía hết sức mạnh của nó cần phải có quá trình vận động của ý thức nhằm giải phóng năng lượng sống và năng lượng cảm thụ cuộc sống . Chính vì vậy, dù có tài cảm thụ thơ trác việt, các tác giả “ Thi nhân Việt Nam “ vẫn tỏ ra “ kính nhi viễn chi “ với một vài tác phẩm thuộc loại này, trong đó có “ Bến My Lăng “. Việc bài thơ này dần dà thoát ra ngoài cái vòng “ kính nhi viễn chi “ và càng ngày càng được bạn đọc những thế hệ đến sau yêu mến là một hiện tượng đáng mừng, nó báo hiệu một trường cảm thụ mới của thi ca đang hình thành, và dẫu còn mới manh nha, nhưng nó cũng đã ướm một chân ra ngoài cái bóng đồ sộ của trường cảm thụ nghệ thuật của thế kỷ hai mươi mà tiêu biểu là “ Thi nhân Việt Nam “ và các hậu duệ gần gũi của nó.
Anh Ngọc