Bông hồng cài áo – Truyện ngắn của Trần Ngọc Dương

Kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười chín, tôi được người yêu tặng mười tám bông hồng.

Kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười chín, tôi hiểu thêm ý nghĩa của những bông hồng cài trên ngực áo vào ngày lễ Vu Lan…

 

Đúng ngày sinh nhật lần thứ mười chín, tôi nhận được giấy gọi Đại học. Cũng vào ngày này, tôi nhận được lời tỏ tình từ anh.

Mọi năm, tôi thường đặt làm sinh nhật ở những nhà hàng sang trọng. Lần này, tôi hăm hở lo tổ chức vào buổi tối tại nhà. Ngoài những thứ đặt mua qua điện thoại, còn lại tự tay tôi sắp xếp mọi thứ với sự giúp đỡ của mẹ. Tôi muốn qua bữa tiệc sinh nhật, không những chứng minh được sự trưởng thành của mình. Mà còn ngầm giấy thiệu với mọi người mối quan hệ giữa tôi và anh.

Mười chín năm sống trong nhung lụa. Bố mẹ không tiếc tôi một điều gì, họ làm tất cả vì đứa con gái duy nhất. Song tôi chẳng ỷ lại, nhõng nhẽo đòi hỏi – Đấy là tôi nghĩ như vậy – Không phụ lòng mong mỏi của các bậc sinh thành, những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tôi luôn luôn có tên ở tốp đầu của lớp. Thường xuyên đạt các giải thưởng trong những kỳ thi học sinh giỏi. Tôi trở thành niềm tự hào của bố mẹ, các bậc phụ huynh quen biết coi như một tấm gương, cái đích yêu cầu con mình phải phấn đấu.

Năm đầu vào trung học phổ thông, tôi không muốn bố mẹ đưa đón nữa, mà tự đạp xe đến trường cùng lũ bạn với cái cớ: Cấp ba có nhiều môn ngoại khoá, hay phải học thêm giờ, thời gian không cố định, lại phụ thuộc vào sự bố trí của nhà trường.  Hơn nữa con cũng lớn rồi, bố mẹ cứ đưa đón như học sinh lớp một, các bạn cười cho.

Một lần vào giờ học thêm sáng chủ nhật, cô giáo ốm cả lớp được nghỉ. Tôi cùng nhóm bạn thân rủ nhau góp tiền, mua đồ ăn, đạp xe ra ngoại thành chơi. Lần đầu tiên đi picnic không có người lớn kèm, chúng tôi như những con chim sổ lồng, xà vào bất cứ chỗ nào thích. Đến điểm dừng chân cuối cùng cũng đã thấm mệt, cả bọn quẳng xe ngồi bệt xuống thảm cỏ. Tôi tìm một bụi cây, kín đáo giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân. Khi sự bí bách được giải phóng, tôi khoan khoái chỉnh đốn lại trang phục ra với lũ bạn. Thấy ở lùm cây cạnh bờ mương có mấy bông hoa sặc sỡ, tôi rẽ hái. Mới kiễng chân, vít cành chưa kịp ngắt hoa, tôi đã vội buông tay khi bắp chân đau nhói. Một con rắn lao vọt qua mương. Tôi sợ quá hét lên.

Nghe tiếng kêu, các bạn ùa tới. Tôi chỉ kịp nói với họ, mình bị rắn cắn và kéo váy chỉ vết thương rồi ngất đi.

Khi tỉnh lại tôi đã thấy mình nằm trong bệnh viện. Một thanh niên trẻ măng mặc áo blu trắng đang chăm chú quan sát chai nước truyền. Thấy tôi đưa mắt ngạc nhiên, anh vội nói:

– Cuối cùng cô bé cũng đã chịu mở mắt. Đây là phòng hồi sức cấp cứu. Cô bé bị rắn độc cắn – Anh mở  cửa, gọi với ra ngoài hành lang – Thôi đừng sụt sùi nữa, ấy của các bạn tỉnh  rồi!

Nhìn lũ bạn với vẻ mặt lo lắng, loang lổ nước mắt. Tôi nhoẻn cười:

– Làm sao chúng mày phải khóc.

Lũ bạn được dịp nhao nhao:

– Con ranh này, mặt mũi tím tái thế kia mà còn dám chọc bọn tao.

– Chẳng bù cho lúc nằm duỗi thẳng cứng như xác ướp Ai Cập, sùi bọt mép. Mà tao quên béng đi mất, giá như chụp cho mày một bức ảnh thì hay biết mấy.

– Sao lúc đó hai hàm răng của ấy cắn chặt thế, mọi người phải cạy mãi mới đổ cho được một tí nước thuốc.

Đứa bạn thân nhất sụt sùi chỉ người thanh niên:

– May mà có anh Bác sĩ đây giúp, mới cứu được ấy. Chứ lúc đó bọn tớ chỉ biết khóc thôi.

Lũ bạn quay sang phía người thanh niên, đua nhau nói:

– Eo ơi!  Bác sĩ bạo quá. Khi Bác sĩ cầm dao rạch vết rắn cắn, em không dám mở mắt.

– Bác sĩ không sợ trúng độc hay sao, dám ghé cả mồm vào vết thương mút máu.

– Máu nhổ ra đen sì. Trông gớm chết đi được.

– Cái con này, mau khoẻ lên mà tạ ơn người ta.

– Bác sĩ đã cứu mày, tức là đã sinh ra mày lần thứ hai.

– Vậy mày phải nhận Bác sĩ làm bố nuôi.

– Không đươc! Bố gì mà trẻ thế. Chỉ  hơn bọn mình mấy tuổi.

– Thì làm chú vậy.

– Cũng không ổn.

– Thế là anh được chưa.

– Duyệt.

– Tao cũng nhận.

– Cả tao nữa.

Anh cười, nhìn lũ bạn tôi chí choé:

– Đấu hót vậy đủ rồi. Chẳng bù cho lúc đó các ấy chỉ biết khóc đồng thanh và gào thật to. Thôi, tất cả ra ngoài cho ấy của các ấy còn nghỉ. Cũng đã đến lúc các ấy phải về rồi, người ở nhà chắc sốt ruột lắm. Nhớ báo cho bố mẹ ấy biết mọi chuyện. Mà mình chỉ là sinh viên năm cuối trường y đang thực tập tại bệnh viện này, chứ chưa phải là Bác sĩ. Các ấy gọi như vậy, mình ngượng lắm.

Anh trở thành người thân của gia đình tôi từ đó. Bố mẹ tôi nhận anh là con. Còn tôi có thêm một tầng áp bức, một bậc bề trên để làm nũng. Lũ ấy có thêm một hình mẫu để so sánh, có đứa còn cả gan đòi làm chị dâu của tôi nữa.

Anh không biết bố mẹ mình là ai. Vị sư trụ trì ngôi chùa ở ngoại ô thành phố tìm được anh trong một lần hành hương. Anh lớn lên trong tiếng chuông chùa và được đi học nhờ  những tấm lòng hảo tâm. Bạn bè của sư trụ trì đủ các thành phần, họ thường đến chùa để đàm đạo. Hoặc xin ý kiến về các lĩnh vực khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp. Trong số họ có một số người tình nguyện xin phép sư trụ trì, được góp sức lo cho anh ăn học đến nơi, đến chốn. Ngôi chùa chúng tôi đi picnic hôm nào chính là nơi anh  sống. Hôm đó hay tin vị sư trụ trì ốm, anh về thăm. Đang chăm sóc vườn cây thuốc nam, nghe thấy tiếng ồn ào của lũ chúng tôi. Anh đã tới, làm thủ thuật cấp cứu và đưa tôi đi viện.

Sau đợt tai nạn, cơ thể tôi nhanh chóng hoàn thiện. Tôi sớm ra dáng thiếu nữ, đi cùng lũ ấy đã có nhiều cặp mắt dõi theo. Mẹ thường nhắc tôi phải có ý tứ hơn trong sinh hoạt. Và tôi hay vẩn vơ, nghĩ nhiều về anh. Tôi mong gặp mặt anh thường ngày. Nhưng khi anh đến, sau khi chào hỏi tôi lại lấy cớ phải học bài, bỏ về phòng.

Lũ bạn bình phẩm:

– Sao đàng ấy chóng tồ thế?

– Chuyện, dậy thì ai chẳng vậy.

– Thế sao chúng mình bằng tuổi, lại không tồ nhanh bằng ấy.

– Muốn tồ nhanh về bảo bố mẹ cho ăn thuốc tăng trọng.

– Cái con nỡm này dám trêu chị mày hay sao.

– Thôi tôi can các ấy. Cứ thiên nhiên đi, khắc lớn. Lúc bấy giờ mong làm trẻ con cũng chẳng được.

Một đứa tủm tỉm:

– Tao biết rồi.

– Mày biết cái gì?

– Sẽ nói, nhưng nếu nó nổi khùng, bọn bay phải bênh tao nhé.

– Ô kê! Nói mau đi, sốt ruột quá rồi.

Đứa bạn nhẩn nha:

– Thì như các cụ thường dạy bảo.

– Dạy bảo điều chi?

Cô bạn nhìn tôi, lùi đứng giữa lũ bạn:

– Thì gái phải hơi trai.

Tôi xô tới:

– Mày vừa nói gì? Nói lại xem nào?

Lũ bạn giang tay, đứa vừa nói vội lỉnh ra sau đủng đỉnh phân bua:

– Ở đây ai cũng biết, hôm mày bị rắn cắn. Chàng chẳng đặt môi vào đùi nàng hút máu độc ra là gì!

Tôi ngẩn người. Lũ bạn phá ra cười, giơ tay đồng loạt hét:

– Đúng rồi! Đúng rồi! Đúng rồi! Cấm cãi! Cấm cãi!

Tôi bực bội,  xấu hổ bỏ về. Đến nhà, lên phòng riêng tôi đóng cửa xem lại chỗ rắn cắn. Vết trích lấy máu độc còn để lại dấu sẹo trắng mờ mờ. Tôi đỏ mặt vơ vẩn nghĩ: “Khi làm cái việc đó, mắt anh ấy nhắm, hay mở nhỉ?”

Những năm học phổ thông, anh luôn đứng đầu lớp. Noi gương anh, tôi cố gắng học tập để cuối năm ôm phần thưởng và tờ giấy khen về cho mẹ khoe với anh. Hồi thi Đại học anh đỗ thủ khoa, còn bây giờ tôi kém người đứng đầu có không phảy hai năm điểm. Tôi muốn có mặt bên anh trong cuộc đời này, với dáng ngẩng cao đầu.

Tôi yêu anh từ lúc nào cũng chẳng biết nữa. Hình như thượng đế sắp đặt như vậy. Hình như bố mẹ tôi cũng biết, họ chỉ khuyên tôi cố gắng kìm nén tình cảm, vượt qua các kỳ thi. Đừng làm gì vội vã kẻo ảnh hưởng tới tương lai. Họ biết, cô con gái rượu tuy xinh đẹp, nhưng tương đối bướng bỉnh. Tôi thừa hưởng ở bố mẹ những gien trội nhất. Mọi người xung quanh nhận xét, tôi là đứa con gái có bản lĩnh, với cá tính khá mạnh. Khi đã xác định được mục tiêu, tôi theo đuổi đến cùng. Mẹ muốn con gái học Sư phạm, bố mong sau này có người kế tục sự nghiệp kinh doanh, tôi lại thi vào trường y. Cả bố, mẹ và tôi đều hiểu: Tôi muốn trở thành cộng sự của anh.

Ra trường, anh được bệnh viện thành phố xin đích danh. Anh có tay nghề cao, thái độ hoà nhã ân cần, được  các bạn đồng nghiệp nể trọng, không từ chối nề hà công việc, thường được tham gia các ca mổ khó cùng những chuyên gia đầu ngành. Khi biết tôi cũng có nguyện vọng thi vào trường y, anh tâm sự: Mục đích của người thày thuốc là xoá đi, hoặc giảm bớt nỗi đau của người bệnh. Muốn thế họ phải sống thật tốt, biết yêu thương những người xung quanh. Họ sẽ hạnh phúc khi mang lại niềm vui cho cuộc đời.  Nhưng đôi lúc cái đức tính tốt của anh đã làm tôi không vui. Đã đành thày thuốc phải an ủi động viên, giúp người bệnh có đủ tinh thần lạc quan để chiến thắng bệnh tật. Anh có thể kiên nhẫn ngồi nghe họ tâm sự, giãy bày đủ thứ chuyện. Nhưng đôi lúc những cô gái trẻ, lấy cớ ốm đau làm nũng với cả thày thuốc. Mà anh thì chu đáo, chẳng bao giờ nghĩ xấu về người khác.

Sáng nay vừa vệ sinh cá nhân xong, chuông cổng nhà tôi đã reo. Nhìn thấy anh, tôi vội tranh với mẹ chạy ra mở cổng, mặc đầu tóc chưa kịp trải. Thấy bộ dạng của tôi, anh cười ngắt một dây bìm bìm bám trên trụ cổng:

Ấy buộc tóc bằng cái này được đấy.

Tôi ngúyt:

– Cái anh này, mới sáng ra đã trêu em rồi. Biết thế này em không ra mở cổng, mặc đứng ngoài đường mỏi chân thì thôi.

Ấy không nhớ đã đưa cho anh một bộ chìa rồi hay sao. Mà không mở khoá anh sẽ vượt rào. Trèo theo kiểu hôm nọ ấy đã dạy anh.

Tôi vội kéo tay anh:

– Thôi vào nhà đã, mẹ đang đợi anh ở trong. Hay anh định bắt em mặc quần áo ngủ đứng làm ma nơ canh ở ngoài đường.

Tôi không khỏi mỉm cười, khi nghĩ lại chuyện đi chơi với anh. Lấy cớ trước khi giã biệt tuổi học trò làm người lớn, tôi cùng lũ bạn bắt anh chiêu đãi. Tối đó tôi bốc đồng uống khá nhiều bia, mặc dù anh cùng mọi người ra sức can ngăn. Tan cuộc anh đưa tôi về, đến nhà chẳng hiểu sao không mở được cổng. Mặc dù trong tay tôi cầm cả một chùm chìa khoá. Ngày hôm sau khi bỏ đồ vào máy giặt, tôi thấy chiếc chìa khoá cổng nằm trong túi quần bò. Tôi chợt nhớ tối qua, trước khi bố mẹ đi xem ca nhạc có nói: Sẽ về muộn và dặn tôi đi đâu nhớ khóa cổng, cầm theo chìa. Vậy mà tôi quên béng đi mất. Khiến tôi và anh phải vào nhà bằng cách trèo tường. Khi thấy anh ngần ngại bảo đi chơi tiếp, rồi chờ bố mẹ vào một thể. Tôi nói: “Em buồn ngủ lắm rồi. Anh ngại gì cơ chứ. Ngày trước đi học về, không có ai ở nhà em cũng hay trèo tường vào trong.”

Anh vừa dứt lời chào mẹ, đã bị tôi kéo lên lầu. Tôi giật mình khi nghe tiếng anh thoảng bên:

– Anh không cùng ấy chuẩn bị sinh nhật được rồi.

– Sao vậy?

– Ở viện hôm nay có lịch mổ cả ngày, anh phải đảm đương.

– Viện hết người rồi hay sao?

– Những người có chuyên môn trong lĩnh vực này, đều vướng việc đột xuất phải nghỉ.

– Chỉ người ta có việc đột xuất, anh thì không.

– Anh còn  thanh niên, ít bị vướng như họ.

Tôi giận  dỗi:

– Em ứ biết? Tuần vừa rồi đã hứa với em những ba lần rồi. Còn việc ở cơ quan, nếu tất cả mọi người đều bận, hoãn lại cũng được chứ sao?

– Các ca phẫu hôm nay, không thể để đến ngày mai được. Lại còn phải trực cấp cứu nữa.

Tôi quay lưng lại, ấm ức:

– Trong con mắt anh, em chẳng là gì cả.

Anh vỗ vai tôi nhè nhẹ:

– Đừng vậy mà.

Tôi hất tay anh ra, nghẹn ngào:

– Em ngốc quá, từ trước đến giờ toàn sống trong ảo tưởng.

– Em cứ như thế này sao làm vợ bác sĩ được.

Tôi quay phắt lại, bối rối nhìn anh. Chẳng nhẽ đây là lời anh tỏ tình. Tôi chợt nhớ lại tối qua, lúc ngà ngà đã buột miệng khi cùng lũ bạn tán về người yêu tương lai. Trong khi bon chúng đua nhau nói về chàng trong mộng của mình. Thấy tôi im lặng, các bạn đua nhau hỏi về mẫu người tôi thích. Tôi nhìn anh dõng dạc tuyên bố: “Tao sẽ là vợ bác sĩ.”

Anh lau nước mắt cho tôi:

– Ngoan nhé. Tối anh sẽ về với ấy.

Thấy tôi nhìn như muốn nghe lại, anh thầm thì:

– Nhớ để giành cho anh một góc bánh ga tô.

Tôi lặng lẽ gật đầu.

Vậy mà đã quá giờ hẹn hơn một giờ anh vẫn chưa có mặt. Nghe chuông réo, tôi vội vã chạy ra mở cổng. Tôi sững người khi thấy bác lái xe cứu thương ở viện nơi anh làm, tay ôm một bó hoa hồng đứng đợi trước cổng. Tôi lí nhí chào, bác cười nói:

– Nó đã định về song có một ca cấp cứu từ tuyến dưới chuyển nên. Phải làm phẫu thuật gấp, nó nhờ bác chuyển bó hoa này cho cháu. Chúc cháu sinh nhật vui vẻ. Nó xin lỗi vì không thể về theo lời hẹn được. Mong cháu thông cảm.

Tôi ôm bó hoa với tâm trạng không vui. Tôi nói mệt, xin lỗi lũ bạn rồi bỏ về phòng riêng. Biết tôi buồn, đứa bạn thân nhất theo lên. Cầm bó hoa của anh tặng tôi để trên bàn trang điểm, cô bạn thủ thỉ:

– Bó hồng nhung đẹp thật. Của chàng hở?

Tôi lặng lẽ gật đầu. Cô bạn nói tiếp, như muốn thanh minh hộ anh:

– Chàng bận không thể về được, vẫn gửi hoa về. Chàng khéo thật, toàn hoa tươi được chọn rất kỹ – Tôi giật mình quay phắt lại khi nghe thấy những lời tiếp theo – Mười tám bông hồng đỏ rực.

Tôi không tin những điều vừa nghe thấy, vội giằng bó hoa từ tay cô bạn cẩn thận đếm lại. Mừng sinh nhật lần thứ mười chín của tôi, sao anh lại tặng có mười tám bông hồng? Người bán hoa bó thiếu? Hay bác lái xe làm rơi trên đường? Hay… Tôi không sao hiểu nổi ý định của anh, phải gặp ngay để hỏi cho ra nhẽ. Nghĩ sao làm vậy, tôi lấy xe máy, để bó hoa vào rọ. Thấy thái độ khác lạ của cô con cưng, mẹ tôi vội hỏi:

– Con định đi đâu vào giờ này?

Tôi cố gượng, ra vẻ bình thản trả lời:

– Con có việc vào chỗ anh.

– Việc gì?

– Cần điền gấp vào hồ sơ một số điều, con chưa hiểu phải hỏi anh.

– Mai không được hay sao?

Tôi chống chế:

– Sáng mai phải nộp rồi.

– Thế thì đi luôn đi. Chắc hôm nay có việc cần nên nó chưa kịp về. Tiện thể cầm cho anh mày một góc bánh ga tô, nhỡ đêm nay phải trực còn có cái mà ăn. Đi rồi về ngay nhé, kẻo mẹ mong.

– Mẹ an tâm đi, từ đây đến viện chưa đầy ba cây số đường phố, đèn cao áp sáng như ban ngày, xong việc con về luôn.

Những người bảo vệ bệnh viện quen thuộc, thấy tôi xuất hiện họ dẫn xuống căn phòng riêng của anh nằm cạnh khu vườn thuốc nam:

– Cô đợi Bác sĩ một tẹo, ca mổ chắc cũng sắp xong rồi.

Tôi đưa mắt ngắm căn phòng quen thuộc, lọ hoa hồng trắng để trên bàn làm việc, mới cắm từ ngày hôm trước đang toả hương êm dịu. Đã dặn phải bổ sung nước thường xuyên, vậy mà anh vẫn cứ quên. Tôi cầm lọ hoa vào phòng vệ sinh thay nước, cắm lại. Đang lúi húi lau bàn, xếp lại mấy quyển sách, tôi vội dừng tay khi nghe tiếng anh:

– Khuya rồi, em tới làm gì?

Tôi im lặng, anh nói tiếp:

– Mẹ cô bé này nhập viện với tình trạng rất xấu. Phải mổ ngay mới cứu được tính mạng.

Tôi vội ngẩng đầu lên nhìn. Một cô bé trên mười tuổi đứng cạnh anh ngơ ngác nhìn tôi. Không hề để ý đến thái độ của tôi, anh say sưa:

– Bố đóng quân ở ngoài Trường Sa, họ hàng không ở gần. Một mình cô bé theo xe cấp cứu đưa mẹ tới đây.

Thấy tôi chăm chú nhìn bông hồng đỏ cô bé cài trên ngực áo, anh thanh minh:

– Em xem, mẹ chuẩn bị vào phòng mổ, con còn định ra phố tìm mua hoa hồng. Lần đầu tiên đến thành phố này, ai dám để cô bé đi một mình. Mà tối rồi, tìm đâu ra hoa hồng nhung để mà mua cơ chứ.

Tôi tò mò:

– Để làm gì?

– Cài trên ngực áo.

– Sao anh không lấy một bông trong lọ.

– Ở đấy toàn hoa trắng, không cài được. Anh bèn lấy một bông trong bó hoa tặng em, đưa cho cô bé.

Tôi kinh ngạc:

– Anh lấy hoa tặng sinh nhật em trao cho người khác.

Anh thầm thì:

– Hôm nay là ngày lễ Vu Lan, những đứa con có hiếu đều cài lên ngực mình một bông hồng để tỏ lòng biết ơn công sinh thành của người mẹ. Ai còn mẹ sẽ cài lên ngực áo của mình một bông hồng màu đỏ. Còn ai mất mẹ sẽ cài hoa trắng. Tối hôm nay, mẹ cô bé này phải mổ cấp cứu. Cô bé rất cần một bông hoa màu đỏ cài trên ngực. Chắc em cũng như anh, chẳng thể nào từ chối được nguyện vọng này.

Kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười chín, tôi nhận được lời tỏ tình chưa hề thấy ghi trong sách vở nào.

Kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười chín, tôi được người yêu tặng mười tám bông hồng.

Kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười chín, tôi hiểu thêm ý nghĩa của những bông hồng cài trên ngực áo vào ngày lễ Vu Lan.

T.N.D.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder