Người con dâu đe dứ đứa con gái nhỏ có màu da sẫm và hai cái lúm má đang lảng vảng về phía ông:
– Này! Để ông nghỉ.
Con bé tiu nghỉu muốn khóc. Chị nhẹ khép cửa lại, để ngay ngắn đôi dép nhựa mòn. Ông Trân nằm trong căn phòng đã ắng lặng mờ tối, đồ đạc nhiều, ngăn nắp. Một sự im lặng mốc meo. Dù ông rất vui trong những tiếp xúc vồ vập chân thành hoặc khách khí. Ông gặp lại bao người nhớ ra ngay hay phải mất vài giây rồi cười ồ ấm áp. Họ là những người cùng ông đã có một thời trai trẻ sống trên thành phố biển này. Sống ở nơi xa không biết bao lần ông nghĩ về họ, nằm mơ thấy họ. Anh chàng Đảm nghịch nhất lớp, tranh bóng nhanh như khỉ, chính nó đã lén lút đút con ve sầu vào túi ông rồi bóp để cho kêu váng lên. Thày giáo phát hiện ra đã thưởng cho ông mấy lần thước kẻ. Lũ chúng bấm nhau cười. Ngồi trước mặt là ông Đảm tóc bạc lơ thơ trông rõ da đầu, mắt mờ đục, rụng hai răng cửa. Họ ngồi nhìn nhau lung túng như người xa lạ. Chỉ lắng đọng trong họ những hình ảnh thời thơ ấu như một cuốn phim mờ đang dần dần khơi lại. Thằng Toàn hay cho ông cóp bài, ở lớp luôn đứng đầu. Mặt hắn bây giờ như quả tram khô. Nhiều người cùng năm tháng ấy với các số phận khác nhau, người thì được Thượng đế nâng niu chiều chuộng, người thì bị Thượng đế ghép bỏ vùi dập mãi không thôi. Mỗi người một vẻ nhưng đã thành một lớp đứng bên kia dốc của cuộc đời. Ở bên Pháp trong guồng cuốn của hoạt động kinh doanh, trong nhịp độ nhanh như cơn lốc để tồn tại, ông đã quên đi cả tuổi tác. Nhìn thấy những người than cũ ông như được soi vào tấm gương của chính mình. Ông thấy thấm mệt. Từ buổi tối ở sân bay về tới nhà người con trai cả, ông tiếp khách liên miên, họ hàng, bạn bè lớp trước tìm đến thăm ông. Rồi ông còn phải đến chào hỏi vài vị bề trên đã bắt đầu mụ mẫm vì hưởng quá lộc trời. Những khuôn mặt héo khô nhợt nhạt. Giờ ông nằm trở lại trạng thái cô đơn thường trực như những mắt lưới dày ông không thể nào thoát khỏi, dù ở bên kia hay ở chính quê hương mình, ngay trong ngôi nhà thân thuộc. Ông vẫn cảm thấy sự trống rỗng mơ hồ ngay giữa những người ruột thịt. Ngoài cửa rào rào lá thu, lá phượng vàng rơi như mưa trên mái hiên. Hôm qua ông bảo người con dâu: “Đừng quét con ạ”, ông muốn tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên. Người con dâu nhìn ông lạ lẫm, không nói gì, mang chổi xuống bếp. Ông nằm im và nhìn thấy một cậu bé đội mũ trắng ngồi câu trên cầu bến Ngự. Nắng gió mặt sông lăn tăn lấp loáng… Bên kia Thủy Nguyên nếp núi xanh nhạt nhòa cùng bờ sú chạy xa tít tắp ngoài cửa sông. Có tiếng còi tàu u ú buồn bã của một chuyến đi … Cậu bé ấy chờn vờn như cánh bướm trong tâm tưởng mòn mỏi của ông. Người con dâu hé cửa hỏi khẽ:
– Cậu có nghỉ được không?
Ông Trân tươi tỉnh:
– Tốt lắm, cậu thấy dễ chịu.
Ông không nhận thấy thành phố của mình với đường nét thuở xưa, tất cả đã đổi khác. Năm ấy Loan mặc chiếc áo dài xanh lá cây, chiếc nón che nửa khuôn mặt, ông chỉ nhìn thấy cặp môi mọng đỏ. Họ tránh mưa dưới hiên của ngôi nhà trên phố Trại Cau. Cơn mưa kéo dài, hang rào sáng của những giọt nước nhà trời để họ quen biết nhau như tiền định. Những lớp sóng mưa ào ạt, tiếng mưa đập trên mái tôn lúc nặng, lúc nhẹ vang động mơ hồ. Đường phố mù mịt nước. Rồi tuổi trẻ trằn trọc, bàng hoàng một tình cảm ngọt ngào và buồn bã trong những lá thư màu xanh nhạt. Loan làm việc tại nhà thương Vườn Hoa, cô y tá có màu da trắng sáng và chiếc nốt ruổi to ở cổ. Ông đã tìm thấy Loan tình yêu duy nhất, nghiêm chỉnh và thiêng liêng với ông, không phải là ảnh hưởng áp đặt giả tạo như những truyện viết cùng thời, lớp thanh niên trang điểm cho những mối tình sớm tàn một không khí lãng mạn. Cuộc đời đưa đẩy những khó khăn cho hạnh phúc như một loài hoa đầy sức sống vẫn mọc xuyên rực rỡ trên tuyết lạnh của xứ người. Ở bên đó một đôi lần Loan có kể với ông chuyện lúc cô còn đi học, có người họa sĩ tên là Nguyễn Bích Dương chơi than với anh cô đã vẽ cô một bức chân dung bằng phấn màu, cô mặc áo dài trắng ngồi bên chiếc đôn để chậu lan bạch ngọc. Loan rất yêu mến bức tranh đó. Cô không hiểu gì về nghệ thuật hội họa, về một giá trị nào đó. Loan chỉ cảm thấy bức tranh đó nói được đúng mình. Người họa sĩ cao gầy đi hơi nghiêng nghiêng như luôn muốn tránh một điều gì đó, tiếng nói khẽ khàng. Ông đã tặng gia đình cô bức tranh đó. Ông nhớ Loan kể, mặt buồn luyến tiếc. Những năm tháng nguôi dần nỗi nhớ quê. Nhớ những thói quen đã đánh mất. Bao mùa tuyết rơi, xa vắng hạt mưa tháng chạp, hoa đào phai, tiếng pháo cuối trời… Loan khóc mãi nhớ mẹ cha nhớ đứa con để lại cho ông bà. Người đàn bà đã thuộc về ông, tận tâm chăm chút cuộc sống của ông. Đi bên ông cùng trời cuối đất. Thế mà ông vẫn như say như nghiện nàng. Ông thường rúc đầu vào cái cổ trắng có chiếc nốt ruồi to mà hôn. Loan chịu đựng, chiều chuộng, hưởng ứng những thú vui chăn gối. Cho đến bây giờ ông vẫn dằn vặt, vẫn không sao có thể quên cái giờ phút kinh khủng, đất vụt lở dưới chân ông, căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi Loan của ông, một sự hụt hẫng không thể lấp đầy, vời vợi những tháng năm tiếp theo, cuộc sống chẳng còn ý nghĩa. Bàn tay trong như sáp yếu ớt nắm lấy tay ông kéo về phía ngực mình:
– Sau này hết chiến tranh anh cố về tìm con và thắp hương cho cha mẹ nhé …
Trong ý nghĩ thường trực của ông trên con đường về đất nước bằng mọi giá ông phải tìm cho bằng được bức tranh vẽ Loan thời con gái. Chỉ trừ khi chiến tranh hủy hoại nó Mất rồi. Cho dù mấy năm gần đây ông đã lấy một người vợ mới, người đàn bà lai A-rập giầu có và hay ăn trái cây… Mỗi khi nhìn thấy ngôi chùa mái cong rêu phủ, những đoạn đường làng bời bời lá tre rụng, xao xác mảnh trời thu hay một bến đò ngang ông lại bồi hồi đến khóc. Ông khao khát nếu như được ngồi trên tảng đá kia, thanh thản uống một chén trà rất nóng thì hạnh phúc biết bao. Bữa cơm tối ông Trân hỏi con trai:
– Con có nhớ nhà mình xưa có bức chân dung vẽ mẹ con thời còn trẻ không?
Anh con đáp, không nhìn bố:
– Nhà mình nhiều đồ quá con không nhớ nữa.
Người con dâu nói:
– Nhà con anh ấy chỉ quý đồ điện tử thôi! Con nhớ hình như khi ông nội còn sống có bán một bức tranh cho tay sưu tầm ở phố Cầu Đất. Tay này vật nài mãi, chẳng biết có phải bức tranh đó chăng?
Ông mừng thầm còn anh con trai ừ ào:
– Lúc ấy đang bom đạn …
Ông Trân leo lên những bậc thang bụi bặm, mờ tối. Ông đã mất nhiều thời gian, công phu qua các cầu nối, hỏi thăm được địa chỉ họa sĩ Nguyễn Bích Dương. Ông nhẹ nhàng gõ cửa. Tiếp ông là một ông già chống gậy, run lẩy bẩy, một bên má giần giật. Trên tường nghiêng ngả những bức tranh bụi bặm. Ông kể với họa sĩ tâm sự và mong muốn của mình tìm kiếm bức tranh. Họa sĩ dựa chiếc gậy vào thành ghế, ông nhớ ngay:
– Chao ôi! Tôi rất nhớ, ngày đó cô ấy đẹp lắm. Khi còn sống ông cụ tôi vẫn thường đến chơi xem lại tranh mình. Khi ông cụ mất, nhiều lần tôi đành phải đến xem nhờ tay buôn bán đồ cổ, vì nhớ bức tranh. Khiếp, lão mèo già ranh mãnh lắm.
Từ biệt họa sĩ. Ông Trân cùng con trai tìm đến lão buôn đồ cổ. Lão ta để hàng ria dài, cặp mắt hay liếc ngang sau kính lấp loáng. Chiếc cằm thắt lại. Lão có thói quen đi rón rén như con vật rình mồi. Lão ta không tỏ ra vồ vập và buôn bán gì, thủng thỉnh dẫn ông vào phòng trong kê đầy những sập gụ tủ chè, bày kín đồ sứ Trung Hoa, đồ Lý, Trần mọi thứ đều sạch bóng. Đây rồi ở góc trong, bức tranh bị gián nhấm một vài chỗ nhưng còn đẹp lắm. Ông nhận ra Loan, họa sĩ đã diễn đạt được cái tư lự thiên mệnh của Loan và cái quan niệm vẻ đẹp phụ nữ một thời. Đôi mắt Loan đang nhìn một thế giới nào khác. Tay ông run rẩy sờ lên mặt tranh. Lão chủ nhà nói:
– Đây là bức tranh quý trong bộ sưu tầm của tôi, giữ để chơi. Bảo tang mỹ thuật nhiều lần đến tỏ ý muốn mua lại để trưng bày cho dân xem. Tôi cũng không bằng long, vật bất ly than.
Sau một hồi làm vẻ cao đạo, cuối cùng lão bán cho ông với cái giá cắt cổ. Anh con trai cằn nhằn vì cha mình mua vội vàng còn ông Trân sung sướng ôm bức tranh về nhà. Ông cảm thấy nhẹ nhõm vì chuyến về thăm quê hương đã thỏa điều mơ ước. Ông thầm nghĩ từ nay mình lại có thêm hình ảnh của Loan. Người con dâu nhìn bức tranh:
– Chịu cậu, con không hiểu bức tranh cũ bình thường như thế nayfm sao có thể đắt vậy?
Ông cười:
– Chẳng có nơi nào trên thế giới tranh lại rẻ như ở nước ta.
Anh con trai nói:
– Giá mà cậu cho con số tiền đó, con mua chiếc xe máy đời mới nhất.
Ông Trân quay nhìn con:
– Anh đã có đủ cả!
Càng đến ngày lên đường, ông Trân càng them khát tận hưởng mùi vị quả sim, quả bứa, cái bắp ngô nướng làm con dâu ông ngạc nhiên khi cô ta làm những thức ăn đắt tiền ông đều uể oải. Ông muốn được nghe tiếng ếch nhái sau cơn mưa, buổi chiều trên bến đò ngang với bài hát cũ, mùi rơm rạ trên đường gồ ghề sống trâu… Đứng chụp ảnh với con cháu bên gốc đại nứt nẻ cổng chùa Hàng Kênh. Ông nói với con trai:
– Tao với mẹ con xưa hay đến chốn này…
Có lẽ anh con trai không thể chia sẻ cái thế giới đang cảm động trong ông. Ông vẫn nhìn thấy ở khắp nơi bong dáng của những đường phố cũ. Loan mặc chiếc áo dài xanh đi lại nói cười, những địa điểm hai người thường qua lại. Bao điều buồn vui, lo toan của kiếp người. Có một đời sống vẫn chảy trong ông âm thầm, chỉ một ông biết. Khuôn mặt Loan nước mắt và nụ cười.
Nhận ba bức điện của bà vợ lại Ả-rập thúc về. Ông Trân chần chừ. Cuộc sống hối hả ở bên đó. Ông mua ít đồ nguội và chai rượu nếp cẩm đặc quánh màu tím, leo lên cái gác mờ tối để chào từ biệt họa sĩ Dương. Hai người uống rượu chậm rãi, nói rất ít. Cho đến khi những bức tranh trên tường đã phủ dày bóng chiều. Trên cửa kính phản chiếu một ánh mây đỏ.
1992