Cha chúng tôi vĩnh viễn ra đi vừa đúng bảy ngày ông tự nguyện từ chối gặp mặt, nhận sự chăm sóc của các con. Bảy ngày nhịn ăn để bọc bạch tâm trạng mình vào trang giấy ở trên bàn. Nhìn tờ giấy cha để trên bàn mà chả đứa con nào dám đụng vào. Một khoảng trống đến nghẹn thở trong căn phòng của cha. không đứa nào trong chúng tôi còn nước mắt để ứa được ra trong lúc này gọi là để khóc cha…
Cha chúng tôi vĩnh viễn ra đi vừa đúng bảy ngày ông tự nguyện từ chối gặp mặt, nhận sự chăm sóc của các con. Bảy ngày nhịn ăn để bọc bạch tâm trạng mình vào trang giấy ở trên bàn. Nhìn tờ giấy cha để trên bàn mà chả đứa con nào dám đụng vào. Một khoảng trống đến nghẹn thở trong căn phòng của cha. không đứa nào trong chúng tôi còn nước mắt để ứa được ra trong lúc này gọi là để khóc cha.
Tôi chưa bao giờ thấy ai khóc dằn dữ như cha tôi lần ấy. Tiếng khóc ríu vào nhau. Nước mắt thẫm đẫm hai chiếc khăn. Không tính hồi còn bé xíu, chí tính từ ngày biết ăn nói gọn gàng, biết lăn lộn với đời đến giờ đây là lần đầu tiên cha tôi khóc. Tiếng khóc của người đàn ông đã qua cái ngưỡng cổ lai hy chứa đựng nhiều dấu hiệu không bình thường. Sau hai tiếng khóc ròng, cha tôi nói, kể từ giờ phút này trở đi các con khỏi phải lo việc ăn, nghỉ của cha. Nói rồi cha tôi khoá trái cửa phòng mặc cho chúng tôi khóc, gọi xin cha cho được ngồi trò chuyện chốc lát. Cánh cửa phòng cha tôi vẫn tĩnh lặng. Chúng tôi chỉ còn cách nhìn qua khuôn cửa kính, lúc thì thấy cha ngồi trầm ngâm bên bàn, khi thì thấy cha nằm thẳng đưỡn trên giường.
Suốt bảy ngày ròng rã, anh em chúng tôi cắt cử nhau để mắt chăm cha qua khuôn cửa kính. Vẫn là cái điệp khúc khi thì cha ngồi trầm ngâm bên bàn, khi thì cha lại nằm thẳng đưỡn trên giường. Thi thoảng mới nhìn thấy cha rót chút nước từ cái bình nước lọc ra để uống. Chả đứa con nào cầm được nước mắt khi nhìn thấy cha ngày một rộc đi. Mỗi lần nhìn cha lân theo mép bàn để đặt mình xuống giường, hoặc khi cha gắng gượng nhổm dậy run rẩy rê người ra bàn hoặc lần theo tường vào nhà vệ sinh, anh em chúng tôi lại bụm miệng khóc.
Đứa nào cũng sợ tiếng khóc của mình vọng vào phòng cha lại khiến cha thêm day dứt, khó ở. Những ngày chăm cha anh em chúng tôi lại cùng nhau khảo thấu xem có đứa nào làm điều chi khiến cha buồn tủi đến nước phải tự đày đoạ mình đến vậy. Tôi nói với các em: Đến nước này không được ai giấu điều gì đã làm cha phật ý. Ngày nào cũng khảo thấu, ngày nào cũng căn vặn nhau xem có điều gì chưa phải với cha. Bảy ngày ròng, năm anh em ăn uống cầm hơi. Hốc mắt đứa nào đứa nấy đã khô cong. Năm anh em cũng đã nói hết với nhau những điều cần nói. Tôi là người chăm cha sau ngày mẹ mất, nói với các em rằng: Hơn tám năm có ba lần anh thất hứa với cha. Lần đầu mời cha đi uống bia ở nhà máy bia nhưng rồi vì công việc nên anh không thực hiện được lời mời với cha. Dẫu đã xin cha tha lỗi, nhưng anh vẫn áy láy đến giờ. Lần thứ hai anh hứa với cha trong chuyến ra Bạch Long Vỹ sẽ mang về biếu cha chai rượu bào ngư. Các em biết rồi đó, bào ngư chỉ ở vùng biển Bạch Long Vỹ mới có. Anh lại thất hứa với cha không biếu cha chai rượu đặc sản của biển. Cái lỗi của anh là quá nể lời năn nỉ của anh bạn đi cùng đã đưa chai rượu ấy để anh ta mang về nịnh sếp. Lần thứ ba anh thất hứa khi không bố trí đưa cha đi du lịch sang Vạn Lý Trường Thành. Các em ơi!. Để cha ra nông nỗi này là lỗi do anh gây ra. Anh chỉ cầu mong cha bớt giận, thương các con mà mở cửa ra, để các con được đón cha ra mà tạ lỗi và xin được làm mọi việc theo ý cha. Các em nhìn tôi bằng ánh mắt khô rát. Chắc đứa nào cũng muốn khóc để sẻ chia với những cái lỗi của anh đối với cha, nhưng cả năm anh em còn đâu nước mắt để khóc vì nhau được nữa.
Ngoài đường ánh điện cao áp đã rọi rõ đám mưa bụi đang trùm xuống phố. Mưa bụi khiến cho cái rét đầu đông thêm se sắt. Tiếng động cơ xe máy hơi gắt lên. Mấy người đi bộ hơi so vai kéo vội cổ áo. Hơi lạnh tràn trên các hẻm phố.
Trong nhà, mấy anh em đang nẫu ruột ngó nhìn mâm cơm đã nguội ngắt. Ai đó nhắc, hãy cố nuốt miếng cơm để có sức mà chăm cha. Người cố đưa miếng cơm vào họng. Người cố nuốt miếng canh qua càng cổ. Bất chợt cậu út ú ớ buông vội bát đũa xuống mâm, vung tay trỏ lên căn buồng nơi cha đang ở. Mọi người nhìn lên thấy cánh tay cha đang vẫy. Năm anh em tả hoả nhào lên phòng cha. Cha đã mở chốt cửa từ bao giờ chả ai rõ. Nhìn ngón tay cha chỉ lên bàn, anh em chúng tôi chưa kịp định thần đã nghe rõ tiếng thở ngắt khúc của cha. Vậy là cha chúng tôi đã trút hơi thở cuối cùng có sự chứng kiến của năm người con vào hồi 19 giờ 7 phút.
Cha chúng tôi vĩnh viễn ra đi vừa đúng bảy ngày ông tự nguyện từ chối gặp mặt, nhận sự chăm sóc của các con. Bảy ngày nhịn ăn để bọc bạch tâm trạng mình vào trang giấy ở trên bàn. Nhìn tờ giấy cha để trên bàn mà chả đứa con nào dám đụng vào. Một khoảng trống đến nghẹn thở trong căn phòng của cha. không đứa nào trong chúng tôi còn nước mắt để ứa được ra trong lúc này gọi là để khóc cha. Thay bộ quần áo tươm tất xong cho cha đồng hồ đã điểm canh ba. Cùng lúc với tiếng gà gáy là tiếng sấm gắt lên. Tiếng sấm trái mùa không khỏi khiến nhiều người giật mình tỉnh giấc. Tôi bước đến bên bàn cầm tờ giấy mà hốt hoảng kêu thét lên:
– Máu!. Trời ơi cha viết bằng máu!.
– Cha viết di chúc bằng máu sao?.
Tôi chìa bức thưa của cha ra trước mặt các em khiến ai nấy đều há hốc mồm. Tôi nói: Anh sẽ đọc bức thư cha để lại ngay bây giờ. Có điều trên bàn của cha còn một sấp giấy cha viết bằng nét bút nguệch ngoạc. Chắc là cha viết nháp để sau đó là bức thư bằng máu này đây. Việc này anh em mình sẽ tính sau, nhưng theo anh tất cả sấp giấy mà cha viết nháp cũng cần được lưu giữ lại cùng với bức huyết thư này của cha.
– Chuyện đó tính sau. Anh đọc bức thư mà cha để lại đi. Các em tôi đề nghị.
Các con yêu!
Cha để lại bức thư này với tâm nguyện, cha phải về với mẹ các con. Cha không thể sống mà thiếu hơi của bà ấy được. Hồi bà ấy còn sống, bữa cơm nào cha cũng xăm xái lo khăn, nước, tăm và hoa quả để khi mẹ các con ăn xong đã có mọi thứ để dùng. Tám năm vắng bóng mẹ các con, cha vẫn làm như thế nhưng để cho ai dùng đây. Từ ngày mẹ các con đi đến nay bữa tối cha vẫn không sao uống nổi hớp rượu vì món ăn không có hơi của mẹ các con. Tám năm qua các con vẫn thấy sau ba ngày cha lại mang quần áo của mẹ con ra giặt như ngày mẹ các con còn sống cha vẫn được làm việc đó. Hơn sáu mươi năm cha và mẹ sống với nhau, cái hơi của người nọ là chỗ dựa cho người kia nó đã thẫm đẫm vào cơ thể của nhau và trở thành sự sống cho nhau, vì nhau và phải có nhau rồi. Chuyện cha mẹ bên nhau là giời đất đã định liệu tất cả. Không được cùng nhau hít khí giời thì phải cùng nhau ngửi mùi đất. Và nữa, cha tự thấy mỗi tuổi trạng thái tâm lý, khẩu khí giao tiếp, mầm bệnh trong cơ thể đang lục tục rủ nhau chọc ngoáy cái tuổi già. Cha không muốn chỉ vì cha mà con cháu phải bê trễ công việc, lo lắng quá nhiều vì sức khoẻ và bệnh trạng của cha. Vẫn biết rằng mất cha đó là nỗi đau cho con cháu, nhưng cha tự nguyện ra đi với ý thức đầy đủ của người còn đang khoẻ cũng coi là chút lộc mà cha ao ước được ban lại cho các con, các cháu.
Còn chuyện này, các con đều biết cả, gia sản của cha và mẹ có những gì, vào thời điểm làm lễ bốn chín ngày cho cha công khai trước gia tộc ý của cha mẹ như sau: Một phần ba số tài sản giao cho anh Tự. Bởi lẽ anh Tự là con trưởng, người có trách nhiệm trông coi phần mộ và lo chuyện giỗ chạp cho cha mẹ. Còn lại hai phần chia đều cho bốn anh em không phân biệt giai, gái. Cha mong các con trọng ý cha mà làm theo.
Hãy tha lỗi cho cha bởi cha quyết định ra đi bằng cách này. Căn bệnh ung thư của cha đã vào giai đoạn cuối. Cha không muốn những cơn đau của cha lại là nỗi bận tâm của nhiều người.
Cha chào các con!. Cha về với mẹ các con đây!.
Trời đã hửng sáng. Tôi khuyên các em cố chợp mắt một lát để sớm mai mỗi người một việc lo tang lễ cha.
Tôi lặng lẽ đến bàn thờ mẹ thắp nén nhang rồi lầm rầm thưa với mẹ rằng cha đã về với mẹ. Dường như mẹ đang cười, ngụ ý mẹ đã biết việc cha tìm đến với mẹ!.
Thanh minh, 24.2 Quý tỵ( 4.4.2013).
H.T