Đã thành thông lệ, hàng năm Tạp chí Văn nghệ Quân đội đều thực hiện việc bình xét và trao tặng thưởng cho các tác giả có đóng góp xuất sắc nhất trong năm. Năm 2015, ngoài tặng thưởng thơ cho 2 bài thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, tặng thưởng văn xuôi cho truyện ngắn “Lòng biển” của tác giả Kiều Bích Hậu, tặng thưởng văn xuôi của VNQQĐ đã dành cho bút ký “Bửu bối của dòng họ” của tác giả Phan Trung Nghĩa.
Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bút ký hay năm 2015 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội:
Đã thành thông lệ, hàng năm Tạp chí Văn nghệ Quân đội đều thực hiện việc bình xét và trao tặng thưởng cho các tác giả có đóng góp xuất sắc nhất trong năm. Năm 2015, ngoài tặng thưởng thơ cho 2 bài thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, tặng thưởng văn xuôi cho truyện ngắn “Lòng biển” của tác giả Kiều Bích Hậu, tặng thưởng văn xuôi của VNQĐ đã dành cho bút ký “Bửu bối của dòng họ” của tác giả Phan Trung Nghĩa.
Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bút ký hay năm 2015 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội:
Nghe tin chị Út Dứt bị tai biến mạch máu não, tôi chạy xộc vào bệnh viện thì cũng là lúc bệnh viện ra thông báo cho gia đình đưa chị về vì bệnh quá nặng, không cứu được. Thế là rút oxy ra, đưa chị xuống lầu để ra xe về quê. Tôi đẩy một đầu cáng, thằng Lém, con thứ hai của chị đẩy một đầu. Nó thảng thốt: “Về nhà mình mẹ ơi!”. Tôi ứa nước mắt, rồi sờ tay lên trán chị, với tuổi sáu mươi hai, với một gia đình quá rối rắm, chị ra đi thế này hẳn không nhắm mắt…
Nhà chị ở xóm Ông Tấn, xã Vĩnh Trạch. Đó là cái xóm heo hút và buồn. Muốn đến đó phải đi bằng một con lộ làng nhỏ xíu. Nhà chị Út cũng nhỏ xíu, xung quanh là đất vườn nhưng cỏ dại và cây tạp mọc um tùm, nhìn cứ thấy hoang phế như dự báo một điềm gở. Chị Út có hai đời chồng, chồng trước là người Tàu, ở với nhau có hai mặt con rồi đường ai nấy bước. Chồng sau là người Khmer, anh này cũng hiền nhưng mấy năm nuôi tôm thất bát liên miên, nợ nần cứ giăng, buồn đời anh lâm vào cảnh rượu chè. Cha như thế nên không dạy được con, thằng Kha con chị nhậu như hũ chìm, bỏ công ăn việc làm, vợ nó chán, bỏ nhà ra đi để lại đứa con mọn cho chị nuôi. Cứ vài tháng thằng Kha lại tạo ra cho chị một hoàn cảnh khốn nạn. Lúc thì nó đánh nhau sứt đầu mẻ trán, phải vào bệnh viện, phải ra chính quyền, lúc lại té xe. Mới đây, nó chạy xe đâm vào người ta, suýt chút đã bỏ mạng. Chị Út phải chạy vạy khắp nơi mượn tiền để lo viện phí, để bồi thường cho người bị nó đụng.
Tôi và chị là bà con cô cậu ruột, má chị thứ ba, ba tôi thứ sáu. Đám tang của chị quàng ba đêm thì tôi thức trắng hai. Tôi cảm thấy trong tình máu mủ có điều gì day dứt không yên. Nhớ có lần chị ghé nhà tôi, tay phải xách cái đầu heo, tay trái dẫn thằng Kha, đầu nó còn quấn băng trắng toát vì mới bị người ta đánh. Chị “bô lô ba la”: “Hôm thằng Kha nằm bệnh viện chế vái cô Ba (má chị), cậu Sáu (ba tôi) phù hộ cho nó. Tối đó chế nằm chiêm bao, thấy cậu Sáu đứng trên đầu giường sờ trán nó, vậy mà kì thiệt, sáng ra nó mở mắt tỉnh liền. Bữa nay chế mua đầu heo ra, trước cúng cậu Sáu, sau ăn mừng cho nó”. Tôi xúc động trước cái niềm tin dân dã của chị rồi hối vợ tôi đi nấu nướng. Mâm cúng dọn lên bàn thờ, chị đứng thắp nhang thành khẩn, miệng lẩm bẩm khấn vái rồi bảo thằng Kha “Lạy ông cậu bốn lạy đi con”.
Cúng xong, dọn cơm ra ăn, chị ăn toàn mỡ đầu heo, mà rôm rả ngon lành lắm. Mấy đứa con tôi nhìn chị lè lưỡi, chị cười hồn nhiên rồi nói: “Thời buổi ngày nay người ta sợ mỡ, sợ mập còn cô chỉ khoái ăn mỡ”. Tôi lặng lẽ buông đũa ra nhà sau mà ứa nước mắt, đó là cách ăn của những kẻ nghèo khó ít được miếng ngon.
Sau sự day dứt là một nỗi lo ập đến với tôi. Nhà chị nghèo quá, nợ nần nhiều quá, chồng con lại không biết lo thì làm sao lo cho chị “mồ yên mả đẹp”.
Thế rồi một điều bất ngờ xảy ra. Thân phận chị nghèo hèn, nhỏ nhoi là thế mà người ta đến chia buồn, phúng điếu đến cả ngàn người. Đặc biệt trong dòng họ không có nhà nào là không cử đại diện đến với chị. Thậm chí người ở Sài Gòn cũng về, đám con chế Hai tôi ở tận Vĩnh Long cũng về hàng chục đứa. Người của dòng họ đến không phải chỉ để phúng điếu mà còn để gánh vác, chia sẻ. Kẻ dựng rạp, chuyển vật tư làm mả, người tiếp tay nấu nướng… Con gái chị Bảy Trà (chị ruột chị Út) vừa khóc vừa nói: “Má con chết rồi, con coi dì Út như mẹ, nay dì mất con xin chịu phần tiền thầy chùa và nhạc lễ”. Theo đó thằng Cảo, cháu gọi chị Út bằng cô chịu phần tiền công xây mả; anh Tám Vịt, anh ruột chị Út ra vật tư còn tôi thì lãnh phần tiền gạch men dán mộ cho chị…
Đám tang kết thúc, còn dư được gần hai mươi triệu đồng để anh Út lo cúng tuần và trả nợ cũ. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Mừng vì chị tôi được “mồ yên mả đẹp”, mừng vì dòng họ tôi vẫn còn giữ được nếp sống đùm bọc lấy nhau.
Vâng! Đó chính là nếp sống của dòng họ tôi. Thuở sinh tiền, ba tôi hay kể: Ngót nghét trăm năm trước, ông bà nội tôi bồng bế năm đứa con lên chiếc ghe cui, từ miệt Tiền Giang xuôi dòng sông Hậu mà về xứ này khai khẩn. Thuở ấy đất này chưa có tên làng Vĩnh Trạch (nay là xã Vĩnh Trạch), ven sông Bạc Liêu là rừng rậm bạt ngàn, với những cây mắm to cả người ôm. Còn cánh đồng mênh mông của xã Vĩnh Trạch ngày nay là một vùng đất lung bàu, cỏ mọc đến bụng trâu, là nơi trú ẩn của bọn trộm trâu và “bối” sông. Lúc đó ba tôi mới năm tuổi, mỗi lần đi dọn rừng, ông bà nội tôi phải đóng cái chòi trên trảng ba cây mắm cho năm chị em ba tôi ở vì sợ cọp tha. Ông nội tôi sức vóc hơn người, lại siêng năng nên ba năm sau ông đã khai phá được mấy chục công ruộng để trồng lúa, lập vườn. Ông nội tôi còn nuôi vịt đẻ, làm trại đáy dưới sông. Chỉ mấy năm sau ông đã cất được nhà ba căn, có trâu bầy. Khi đã ổn định ông nội tôi một mình lên ghe giông buồm hồi cố thổ ở Tiền Giang để gọi bà con láng giềng trên ấy hành phương Nam làm ăn. Kể từ đó nhà ông nội biến thành bến đậu của dân Tiền Giang, cứ đến mùa gió chướng, ghe xuồng tấp nập dưới bến sông. Dù họ xuống gặt mướn hay tìm đất mới đều được ông nội tôi cho ở đậu, cho ăn cơm, lại chỉ đất tốt cho khai khẩn, cho mượn trâu làm… Việc chứa khách trong nhà hai ba năm trở thành chuyện bình thường.
Thế nhưng đối với con cái trong nhà thì ông nội tôi rất nghiêm khắc. Đêm giao thừa ông tắm rửa, thay đồ mới, cùng các con lạy trả nghĩa ông bà. Đứa con nào vắng mặt ông giận suốt một năm. Mồng một tết, ông bắt ghế ngồi ở bàn giữa, con cái phải đến rót rượu mừng tuổi để ông lì xì. Con lớn tồng ngồng mà làm điều gì sai quấy ông bắt lên nằm trên bộ ngựa gõ đánh đúng năm roi. Nhưng ông nội tôi lại thương con một cách lạ lùng, thà ông dầm nắng phơi sương chứ ba người con gái lớn của ông ít khi phải ra đồng. Ông bảo: “Đàn bà là phải lo chuyện bếp”, thế là ba người cô của tôi lui cui nấu cơm gặt, cơm cấy. Lớn lên ông nội tôi gả cô Hai qua xóm Thào Lạng, gả cô Ba (má chị Út Dứt) qua xóm Ông Tấn, gả cô Tư qua xóm Công Điền. Gả con đi rồi, đã năm sáu chục tuổi, nhưng cứ năm bảy bữa, ông nội tôi lại chống gậy đi thăm con. Chỉ cách cho chúng làm ăn, chỉ đất tốt cho chúng khai khẩn. Mỗi lần con rể ra riêng là ông chèo xuồng chở cây lá, gạo thóc… qua dựng nhà cho chúng. Ông bảo: Đời ông tứ cố vô thân trôi dạt đến xứ này không có ruột thịt để chia bùi sẻ ngọt, nên bao nhiêu tình thương có được của một con người ông dành hết cho con cháu.
Chị em ba tôi được sinh ra trong một gia đình như thế, tại một làng xóm như thế nên cuộc sống của họ được quy định bởi những khuôn phép đã định sẵn. Hồi đó ông nội tôi rèn cây dao dọn rừng rất bén, ông quý nó lắm. Một bữa cô Tư tôi lấy dao chặt dừa khô làm mẻ một miếng to. Đối với ông nội tôi, tội “ẩu tả” như thế là năm roi, ông gọi tất cả năm đứa con đến hỏi. Năm đứa con ông đều biết thủ phạm nhưng không ai nói nửa lời, ông nội tôi bảo: “Vậy thì tía đánh hết từ lớn xuống nhỏ coi tụi bây có khai không”. Lần lượt cô Hai, cô Ba trèo lên cúi và cắn răng chịu đòn. Đến khi cô Tư mếu máo thú thật thì ông vứt bỏ roi, ứa nước mắt mà quày quả ra ruộng phát bờ.
Đến khi ông bà nội già, trao quyền cai quản gia đình lại cho ba tôi thì gia đình tôi vô cùng khó khăn. Lúc đó giặc Pháp tái chiếm Nam kì, chiến tranh nổ ra, cả nhà phải bồng bế chạy giặc liên miên, ruộng vườn làm theo kiểu “được chăng hay chớ”. Đùng một cái bác Năm, anh ruột của ba tôi chết vì bệnh, sau đó một năm thì bác gái chết theo, bỏ lại ba đứa con, đứa lớn mới sáu bảy tuổi, đứa nhỏ nhất còn thôi nôi. Thế là ba tôi lâm vào cảnh chưa vợ mà có con lại phải nuôi cha mẹ già yếu, bệnh tật. Gia cảnh dần dà suy sụp, lụn bại… Ba tôi vóc hình ốm yếu, lại không có học hành vậy mà ông đã làm nên một kì tích là nuôi nấng ông bà nội tôi đến “trăm tuổi”, lo hậu sự đàng hoàng, mồ yên mả đẹp, nuôi ba anh, con bác Năm tôi lớn khôn, rồi cưới vợ cất nhà cho ở riêng, sau đó ba tôi mới lấy vợ. Đã thế ba tôi còn sống rộng rãi theo nếp sống của ông nội tôi. Mùa gặt mướn nào ba tôi cũng chứa khách Tiền Giang trong nhà, con cháu hay xóm giềng ai nghèo quá thì ông kêu đến cho cây lá cất nhà, cho gạo ăn…
Điều gì khiến một người ốm yếu như ba tôi làm được những kì tích? Có hai nguyên do: Thứ nhất, ba tôi chịu cực chịu khổ; thứ hai là sự đùm bọc của ruột thịt. Những năm khó khăn vì giặc giã, ruộng vườn thất bát, ba tôi đi gặt thuê, đập lúa mướn. Có năm khổ quá ba tôi qua nhà dượng Ba (ba chị Út Dứt) lãnh công gặt trước, tới mùa gặt trả. Cô Ba tôi ứa nước mắt nói nhỏ với em mình: “Trả không nổi đâu cậu ơi”. Dượng Ba tôi là người Tàu, nên tính toán làm ăn rất giỏi, khi Đảng Cộng sản nổi lên để giành độc lập thì mấy chị em ba tôi đều có con cháu đi kháng chiến, trừ cô Ba tôi. Bởi vì dượng Ba tôi không muốn dính dáng đến thời cuộc, mục tiêu của dượng là cầu an để làm ăn. Không bao lâu dượng Ba tôi được xem là người giàu nhất xóm Ông Tấn, con trai của dượng khi ra riêng đều cất nhà tường. Dượng Ba tôi giàu còn vì một lẽ nữa, ấy là dượng rất kĩ tính trong chi xài, dượng qua đời lâu rồi nhưng đến giờ dòng họ tôi vẫn còn nhắc một câu chuyện: Một lần dượng có việc đi ra khỏi nhà, thèm bánh dừa quá, cô Ba tôi mua đậu, nếp gói bánh cho con ăn. Bất thần dượng quay trở về, nhìn thấy thúng bánh dượng bưng đổ vào góc lá không cho ai ăn. Dượng đo công cho ba tôi gặt trừ nợ còn muốn lớn hơn đo công gặt cho người dưng. Buồn, ba tôi gặt ngày gặt đêm, bàn tay bị “lúa ăn” tóe máu, để trả xong nợ rồi lặng lẽ về nhà giữa đêm khuya.
Ba tôi buồn bao nhiêu thì cô Ba tôi khổ sở day dứt bấy nhiêu. Nhìn bóng em ruột lui cui gặt ngoài đồng cô tôi nức nở khóc. Lâu lâu cô băng đồng, vượt năm cây số về thăm cha mẹ, thăm em, rồi bòn mót, giấu giếm cho tiền, cho gạo. Tôi nhớ hồi nhỏ chính tôi Tết nào cũng được cô cho một bộ đồ vải sọc. Khi ông bà nội tôi qua đời, cô mua một cái tủ thờ gởi về thờ cha mẹ, hiện cái tủ ấy vẫn còn thờ ông bà nội tôi.
Có lần ba tôi bảo ông sẽ không qua nhà cô tôi nữa. Thế nhưng khi nhận được tin cô Ba chết do sốc thuốc chích thì ba tôi chạy như tên bay, băng đồng, vượt sông, bất kể gai góc đến nhìn mặt cô mà khóc thảm thiết.
Người thương yêu đùm bọc cha mẹ, em út nhiều nhất có lẽ là cô Tư tôi. Trong chiến tranh đánh Mĩ cô tôi có bốn người con đi kháng chiến, bản thân cô đào hầm bí mật trong nhà nuôi chứa cấp ủy xã Vĩnh Trạch. Có lần anh Sáu Vinh, con cô tay không nhảy vào đồn giết giặc cướp súng. Từ đó, tạo ra sự thù hằn đối với chính quyền Mĩ ngụy. Chúng bao vây, rình rập, bắt được anh Sáu Vinh và bêu đầu ba ngày giữa chợ. Sau đó chúng đốt nhà cô… Gia sản gây dựng mấy mươi năm bỗng chốc ra tro, kể từ đó cô dượng tôi đầu tắt mặt tối làm lụng nuôi con, gởi tiền cho con đi kháng chiến và tiếp tục nuôi giấu cán bộ. Vậy đó, mà cô Tư tôi cũng không quên cái nghĩa vụ giúp em nuôi cha mẹ. Đó là những giạ gạo, mấy giạ lúa giống gởi qua cho ba tôi. Có năm lùa trâu qua cày cho, chở mạ qua cấy ruộng cho ba tôi. Đất ông nội tôi cho cô, cô cho ba tôi làm hết.
Ba tôi qua đời năm ông bảy mươi tám tuổi, khi đó cô hai tôi đã mất cách đó mấy năm còn cô Tư thì đã tám mươi sáu tuổi. Trước khi ba tôi mất mười mấy ngày, cô Tư lụm cụm qua, ba tôi nằm liệt giường, cô tôi đi giặt khăn lau mặt, chân tay cho em trai. Chỉ hơn mười ngày mà bà già đi cả chục tuổi, khi ba tôi trút hơi thở sau cùng bà như chết lặng. Con trai, con gái, dâu, rể gào khóc vật vã nhưng cô Tư thì khóc lặng lẽ. Đến khoảng một giờ khuya, tôi không ngủ được vì canh cánh bao nhiêu việc hậu sự cho ba tôi, thì thấy cô Tư bắc ghế ngồi ở đầu giường mà nhìn ba tôi. Đó là một ánh mắt lạ mà tôi chưa từng gặp. Trong hố mắt già nua mờ đục ấy, là cả một nỗi buồn của thế gian cộng lại. Thỉnh thoảng cô quạt muỗi cho ba tôi như thể ông còn sống, rồi cô nghẹn ngào: “Cậu bỏ chị cậu đi nữa rồi, giờ chỉ còn chị một mình…”. Câu nói ấy băm dằm trái tim tôi tan nát trong một đêm tĩnh lặng…
Bảy năm sau đó thì người cuối cùng của thế hệ thứ hai của dòng họ tôi ở làng Vĩnh Trạch tiếp tục rời khỏi nhân gian. Lúc ấy cô Tư tôi chín mươi ba tuổi. Đó là một ngày thanh minh. Sáng sớm cô lụm cụm đi mua một bó nhang, một bọc bánh rồi kêu mấy đứa cháu chở cô đi cúng mả tía, má cô – tức ông bà nội tôi bên xóm Bờ Xáng, cách nhà cô năm cây số. Thế nhưng, mấy ngày nay thấy cô không được khỏe nên không ai chịu chở cô đi, thế là cô giận, cô bảo: “Tao không chết đâu mà lo, nếu tao chết tao về quê cũ chứ tao không chết ở đây đâu”. Nói xong cô gọi xe ôm tự đi. Nhà anh Hữu, anh ruột tôi đang quay heo cúng mả, vợ anh Hữu dọn cháo cho cô ăn, mới ăn được nửa chén cô ngã ra chết. Cả dòng họ tôi xúc động, ai cũng bảo: Đến chết mà bà già còn quay về quê cha đất tổ mà chết.
Tôi cảm nhận được một điều sâu sắc của dòng máu họ hàng rằng: Cô tôi đại diện cho thế hệ thứ hai chuyển giao tinh thần dòng họ cho thế hệ thứ ba một cách tuyệt vời đến nhuần nhụy. Từ đó, dòng họ tôi có nhiều người “thức tỉnh máu mủ” hơn, tức là nó quay về sự sôi réo dòng máu trong dòng họ ngày xưa. Cái ngày xưa ấy là khi anh Sáu Vinh bị bêu đầu giữa chợ thì lập tức anh Tám Khuôl con cô Hai tôi, anh Hai Sì con bác Năm tôi và hai người anh ruột của tôi cùng nhiều anh em, con cháu khác, kẻ trước người sau, ra vùng giải phóng cầm súng đánh Mĩ ngụy. Phải thú nhận rằng đầu tiên chỉ là sự sôi sục thù hận của dòng máu họ hàng, sau đó mới nâng lên, gặp nhau ở tinh thần dân tộc trước bè lũ bán nước, cướp nước. Còn ngày nay sự “thức tỉnh máu mủ” là người ta đi thăm nhau nhiều hơn, quan tâm đến nhau hơn. Nói đến đây tôi mới thấy thương chị Út Dứt. Hoàn cảnh chị nghèo, mỗi lần đi chợ Bạc Liêu ngang nhà tôi là chị ghé, nếu có tiền thì chị mua một ít trái cây, bằng không chị thắp cho cậu ruột nén nhang rồi về. Chị Út biết là con cô Tư tôi, em bạn dì với chị bị bệnh nặng, chị qua nuôi em mấy ngày, lui cui nấu cơm dọn dẹp, tắm rửa cho em. Khi kị cơm ông bà nội tôi, ít khi thấy chị Út Dứt vắng mặt, mâm cơm cúng dọn lên chị lạy ông bà ngoại mình tám lạy, thay vì bốn lạy theo tập tục. Chị bảo: “Chị lạy cho chị và chị lạy cho má chị”. Nghe chị nói, tôi giật mình, cảm được một bài học. Ba tôi mất rồi, nếu có lạt phai tình cảm dòng họ thì tôi cũng phải nhớ tới ba tôi chớ. Kể từ đó tôi không dám chểnh mảng việc giỗ kị lễ tết ở nhà cô, bác tôi nữa.
Thời gian cứ đi miết, tóc xanh rồi tóc bạc. Và khi tóc bạc tôi phát hiện ra mình bị chỉ huy bởi tinh thần dòng họ bằng những điều rất lạ. Lần đầu tiên tôi viết điều này ra, bằng sự thành thật nhất với chính mình, lòng thành của con người, theo lối sống dòng tộc. Sáng thức dậy chuẩn bị đi làm là tôi đi ngang bàn thờ ba má tôi. Trên đó, di ảnh của hai người với hai đôi mắt hiền dịu và đầm ấm đang nhìn tôi. Giờ cha mẹ đã thành cánh cò cánh vạc mà bay qua sông, có muốn bày tỏ điều gì cũng không làm được. Tôi đến thắp cho ba má tôi một nén nhang. Riết rồi quen dần, thành nếp, nghĩa là tôi thắp nhang cho ba má tôi trước khi đi làm. Vậy mà rồi lòng thấy nhẹ nhõm lắm. Và sau nữa chính tôi cũng muốn dành tặng cho các con tôi một tấc lòng. Người ta nói nhân quả của lòng thành là những điều tốt đẹp, phải chăng vì thế mà mỗi lần tôi cúng cơm ba má tôi hay dịp ba ngày Tết là anh em ruột, chị dâu, em rể rồi cháu, thậm chí cả bà con dòng họ đến nhà tôi rất đông, mặc dù có khi do hoàn cảnh tôi không mời.
Người đời nói: “Bàn tay còn có ngón dài ngón vắn”. Theo đó, dòng họ tôi cũng có ít người có lối sống khác, tại đám tang chị Út cũng có một người, đó là anh ruột của chị. Anh dứt khoát không bước qua nhìn mặt em gái lần cuối. Nhà anh ở đối diện nhà chị Út, nên hai đêm ở đám tang, tôi đều nhìn thấy anh bắc ghế ra hàng ba nhìn sang bàng quan như nhìn đám tang người lạ. Thế là tạo ra tại đám tang một xì – căng – đan. Người ta xầm xì rằng, sở dĩ anh không qua là vì trước đây anh và chị Út có tranh chấp năm công đất của cha mẹ chết để lại, cuộc tranh chấp ra đến chính quyền, nên anh có thề độc và họ kết luận: Anh không qua là anh dở, cuộc tranh chấp đó phần thắng đã thuộc về anh và dù có giận “chín xe mười vàng” đi nữa thì chị Út cũng là em ruột của anh. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, nghĩa tử mà nghĩa không tận thì con người ấy còn làm điều gì có nghĩa, sống mà thiếu nghĩa khí thì cuộc đời sẽ vô nghĩa.
Đó là lời nói của thiên hạ, tôi chỉ nghe kể lại, chứ phận tôi vai vế là em của anh, tôi không dám giận anh, không dám trách anh. Mỗi chúng ta đều có lí do để chọn cho mình một cách sống, biết đâu anh cũng có cái lí của anh. Cảm xúc của tôi hôm nay là nghe dòng máu dòng họ trong tôi đang chảy quằn quại thống thiết khi nhìn thái độ bàng quan của anh, khi biết được bàn thờ cô Ba tôi có đến hai ba người thờ, do giận nhau, không tới với nhau.
Chưa đầy một trăm năm trước, Ông bà nội tôi bồng bế về làng Vĩnh Trạch này quân số chỉ có bảy người, nay thì lên đến mấy trăm hay mấy ngàn chính tôi cũng không đếm xuể. Chỉ biết rằng người của dòng họ đã ngụ cư trên đất này năm thế hệ, họ sống rải rác khắp năm ấp của xã. Năm nay, tôi vừa tròn năm mươi tuổi. Năm mươi năm tồn tại trên đời tôi chưa một lần nghe dòng họ tôi mang tiếng giết người cướp của hay làm điều thất đức. Chỉ nghe đó là một dòng họ chí thú làm ăn, đùm bọc nhau mà sống và khá nổi tiếng bởi trách nhiệm đối với đất nước. Việc này hẳn nhiên là phải có căn nguyên. Ông bà nội tôi từ xa đến đây, hành trang mang theo là sức vóc tuổi thanh xuân và một ít của cải không đáng kể. Nhưng trong mớ hành trang ấy, có một thứ vô cùng quý giá đó là truyền thống đạo đức của gia đình Việt, do văn hóa Việt định khung. Tại đất mới này, cái truyền thống ấy được mài giũa thêm đẹp hơn, sáng hơn bởi đất mới là đất của loạn lạc, cướp bóc và đầy bệnh tật, thú dữ… không đoàn kết, đùm bọc thương yêu nhau thì sống không nổi. Cứ thế cách sống ấy dần trở thành nếp sống. Cái cũ và cái mới cộng lại thành chuẩn mực đạo đức của dòng họ tôi. Nó quy định, nó chỉ ra như khuôn vàng thước ngọc cho lối sống của từng cá thể, nếp nhà của từng gia đình và là văn hóa truyền thống của dòng họ. Dòng họ tôi nhờ có nó mà tồn tại và không bị sa ngã. Nó có sức mạnh thần kì như một thứ bửu bối.
Và cái bửu bối ấy đã được những người lương thiện trong dòng họ tôi chuyển giao từ thế hệ trước cho thế hệ sau một cách tử tế. Nhưng không phải ai cũng tiếp nhận được bửu bối của những cuộc chuyển giao này. Những kẻ tự tách bầy đàn, thoát li khỏi truyền thống là những kẻ không được thừa hưởng tinh thần dòng họ, là những kẻ tay trắng không có bửu bối mà trao lại cho con cháu. Đó là luật đời và luật nhân quả sòng phẳng. Con cháu họ đang đứng trước một xã hội hội nhập với sự xâm nhập của nhiều lối sống của nhiều luồng văn hóa, trong đó có mặt tốt nhưng đồng thời nó có cũng nhiều hố sâu vực thẳm. Kẻ không có truyền thống là những kẻ không có sức đề kháng để bảo vệ mình là chính mình, đó là những kẻ rất dễ bị đồng hóa, sa ngã.
Truyền thống dòng họ là văn hóa, cái thứ văn hóa vốn được sinh ra từ văn hóa dân tộc. Trong thời buổi hội nhập, việc chấn hưng văn hóa dân tộc, quay về với tâm hồn dân tộc là vấn đề sống còn, trong đó có bao hàm cả vấn đề truyền thống dòng họ.
Tôi viết những trang này trong tâm trạng xót xa vì nhận ra truyền thống của dòng họ mình đang có dấu hiệu của sự phôi pha rạn nứt.
P.T.N
(Nguồn vanvn.net)