Cỏ Mần Trầu

Người phụ nữ cười nhẹ. Trên khuôn mặt phúc hậu tròn trịa, nhiều nữ tính, với mái tóc cắt ngắn rât hợp, nụ cười của chị có cái gì đấy gần gũi, ấm áp. Chị hỏi lại:

– Anh có biết về cây ngải cứu không?

Giữa đông, se lạnh. Hình như có cái gì đấy đỏng đảnh nơi thời tiết năm nay, đã cuối tháng mười một âm lịch mà trời vẫn nắng, không xầm xịt như những mùa đông khác.

Tôi và Doanh nhân Phạm Thị Chẵn ngồi chuyện trò nơi quán giải khát tọa trên đường Minh Khai. Phố Hải Phòng giống như chàng trai già trước tuổi, khoác chiếc áo không hợp, lòng khòng, ho hen trong hanh hao. Sau nhiều lần hẹn, hôm nay mới có dịp gặp người nữ doanh nhân này. Chị bận lắm! Chị kể rằng vừa lên Điện Biên về. Chuyến đi nhằm khảo sát, thiết kế và giúp kinh phí để nhân dân vùng đó xây dựng chiếc cầu bắc qua khe suối, mà khi mùa lũ tới nó cắt toàn bộ giao thông của hơn 3 nghìn đồng bào Mông sinh sống trong 3 Bản, Nậm Tin 3 – Nậm Tin 4 và Bản Mốc 4, Huyện Nậm Pồ. Số tiền tài trợ gần một tỷ đồng. Chị nói chuyến đi thật gian nan. Từ miền xuôi lên Thành phố Điện Biên có phương tiện máy bay, nhưng để đến được vị trí xây dựng cầu phải vượt hơn 160 cây số bằng ô tô và 20 cây số bằng xe máy. Đèo nhiều, dốc cao, vực thẳm, đương hẹp, sạt lở nhiều. Có những đoạn phải nằm dài trên xe, quấn ba vòng dây an toàn vào chân, vào tay. Xe chạy vòng vèo, lên đèo xuống dốc, nôn thốc tháo, người mệt đờ. Mệt, nhưng nghĩ tới việc rồi đây các cháu học sinh không phải bơi qua suối đến trường, bà con người dân tộc ở Nậm Pồ không bị cô lập khi lũ về là nhọc mỏi tiêu tan, là thấy vui.

– Bây giờ, nhớ lại chặng đường đèo trơn trượt với những khúc cua tay áo  đã qua, vẫn thấy thót tim – Chị tâm sự – Nghĩ tới việc chuẩn bị lên đó để thi công, không khỏ lo sợ, nhưng làm việc thiện, nhất định trời phật sẽ phù hộ.

Cái ý định giúp nhân dân miền núi có thêm chiếc cầu để sinh hoạt đỡ vất vả bắt đầu từ những thông tin thu lượm trên ti vi. Chị thấy xót xa khi chứng kiến cảnh những cháu bé phải cởi bỏ quần áo, chui vào túi ni lông buộc lại, kéo qua suối để đến trường. Vậy là cái ý tưởng gắng đóng góp một chiếc cầu hình thành. Chị gom nhặt tiền bạc, rồi tìm hiểu, rồi liên hệ. Cuối cùng quyết định lên Điện Biên.

Tôi biết doanh nhân Phạm Thị Chắn không là người nhiều tiền lắm của, nhưng giầu lòng nhân ai. Chị coi từ thiện như một sự cứu rỗi, là một trong những công việc có ý nghĩa nhất của đời người. Bởi vậy năm nào chị cũng đi ba bốn đợt, trèo đèo lội suối đến vùng sâu vùng xa như Si Ma Cải, Mù Căng Trải, A Sầu, A Lưới… đặng giúp người nghèo, hoặc tham gia đi thăm nom những ai gặp khó khăn vùng bão lũ… Thậm chí vay tiền ngân hàng để ủng hộ những địa phương khốn đốn vì thiên tai…

Nhưng có một việc ý nghĩa hơn bất cứ hành động từ thiện nào, theo người viết bài này, ấy là bằng cái tâm và cả tài nữa, chị đã nghiên cứu và nghiên cứu thành công máy cứu ngải và viên thuốc ngải, đặng giúp nhiều người mắc một số bệnh tự chữa khỏi, rẻ tiền, thuận lợi, hiệu quả, để ai cũng có thể là thày thuốc của chính mình.

Chị không xuất thân trong gia đình có truyền thống làm thuốc. Chị trở thành lương y như một định mệnh, như một duyên phận. Năm 1996 đến năm 2008, chị theo học y học cổ truyền và may mắn đã có giai đoạn là học trò của Giáo sư Nguyễn Tài Thu, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực châm cứu và Giáo sư Hoàng Bảo Châu chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực Đông y. Say mê, ham thích, chị nhanh chóng thu lượm được một số kiến thức. Đó là cái vốn ban đầu để lập nghiệp và nghiên cứu sau này.

– Nhưng không rõ cái duyên nào đã đưa chị trở thành một nhà sáng chế trong  lĩnh vực này?

Người phụ nữ cười nhẹ. Trên khuôn mặt phúc hậu tròn trịa, nhiều nữ tính, với mái tóc cắt ngắn rât hợp, nụ cười của chị có cái gì đấy gần gũi, ấm áp. Chị hỏi lại:

– Anh có biết về cây ngải cứu không?

Tôi thú rằng mình mù mờ về các loại dược liệu dân gian. Chỉ nhớ hồi nhỏ, mỗi lần đau đầu, bà tôi thường hái ngải cứu, vò nát, đắp lên trán, không bao lâu, hết đau. Hoặc mỗi lần có mụn nhọt, mẹ thường vắt ngải cứu lấy nước để tắm, mấy lần là khỏi.

– Ngải cứu là cây thuốc quý, thân thiết và rất sẵn ở Việt Nam – Chị giải thích – Ngải cứu còn có tên là Ngải diệp, Thanh diệp hành, Y thảo. Tác dụng của ngải cứu là ôn kinh, tán hàn, chỉ thống, an thai, chỉ huyết, khử thấp, tịch uế, sát trùng và nhiều công dụng khác. Ngải cứu vừa để chữa bệnh, vừa là loại rau bổ dưỡng… Ngải cứu có nhiều tinh dầu, dễ đốt, cháy lâu bởi vậy có thể dựa vào đặc tính ấy để có thể dẫn kinh mach, trị bệnh, nên được ông cha ta chọn làm dược liệu để CỨU. Không những ở Việt Nam Nam, mà đã có 127 nước trên thế giới dùng phương pháp hơ ngải cứu lên huyệt mach để chữa bệnh, chủ yếu làm thuốc điều kinh, trừ phong thấp, an thần……

– Nhưng chỉ chữa bệnh bằng phương pháp thủ công? – Tôi hỏi.

– Đúng thế! – Người nữ doanh nhân say sưa – Ngải cứu là dược liệu  quý và cứu ngải là di sản trong công tác điều trị bệnh của Y học Phương đông, giản tiện, dễ làm mà lại đạt hiệu quả điều trị cao, ông cha ta đã sử dụng hàng ngàn năm nay. Nhưng với phương pháp cứu ngải thủ công cổ truyền vẫn còn tồn tại một số nhược điểm như: Phải có sự tham gia của thầy thuốc, gây phiền phức và tốn nhiều thời gian của thầy thuốc lẫn bệnh nhân, dễ gây bỏng, để lại sẹo…Mặt khác Y học phương Đông đang có nguy cơ bị mai một. Chính vì vậy đòi hỏi Y học mỗi quốc gia, vùng miền luôn phải có những sự đổi mới và sáng tạo để đáp ứng ngày một tốt hơn, điều trị chăm sóc người bệnh ngày một hiệu quả hơn …

– Và đó là động lực để chị nghiên cứu, cải tiến phương pháp điều trị thủ công theo cách điều trị hiện đại bằng máy?

– Nếu gọi đó là động lực cũng không sai. – Chị kể – Năm 2000, tôi đã nảy ý tưởng  về một chiếc máy có tay cầm thay cho cách cứu mồi ngải thủ công. Vậy là mày mò, tìm hiểu, tự thiết kế, chọn nguyên vật liệu….Trên cơ sở kế thừa hệ thống y lý và kinh nghiệm lâm sàng hàng ngàn năm của y học dân tộc, kết hợp với ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, sau rất nhiều phiên bản làm đi làm lại, đến năm 2005 chiếc máy cứu ngải đầu tiên đã ra đời. Thật mừng! Máy được thiết kế nhỏ gọn, linh hoạt, dễ sử dụng, có thể di chuyển tự do trong mọi tư thế của bệnh nhân: thẳng, đứng, nghiêng, nằm, ngồi và các góc khuất. Máy không chỉ đắc dụng trong tay thầy thuốc mà người bệnh có thể tự sử dụng một cách dễ dàng, thuận tiện. Ngoài ra, thay vì cầm trực tiếp điếu ngải thì tay thầy thuốc cầm vào cán máy, rất vệ sinh, văn minh và an toàn; có thể thấm sâu, phát huy triệt để tác dụng của thuốc mà không gây bỏng rát cho bề mặt da. Đặc biệt, bệnh nhân không cần đến thày thưốc, mà có thể tự điều trị cho mình.

– Tuyệt vời!- Tôi buột biệng.

Tôi được biết, việc nghiên cứu và nghiên cứu thành công máy cứu ngải và viên thuốc ngải được các nhà lãnh đạo và các chuyên gia đầu ngành trong, ngoài nước đánh giá rất cao về tính thiết thực và hữu ích của nó. Sản phẩm được cấp bằng độc quyền sáng chế, độc quyền kiểu dáng công nghiệp, độc quyền nhãn hiệu. Đề tài được Hội đồng các nhà khoa học nghiệm thu và xếp loại xuất săc. Và gần đây vinh dự được ủy ban nhân dân Hải Phòng trao giải thưởng khoa học công nghệ năm năm. Nhưng đặc biệt hơn cả, máy cứu ngải và viên thuốc ngải đạt hiệu quả chữa bệnh cao. Nhiều người bị bệnh lâu năm, chữa nhiều nơi, không thuyên giảm, sau mấy ngày dùng máy cứu ngải và viên ngải của doanh nghiệp khoa học và công nghệ Khánh Thiện do nhà sáng chế,  Lương y Phạm Thị Chẵn làm giám đốc, bệnh không nhưng giảm dần mà khỏi hẳn. Tiếng lành đồn xa, có người ở địa phương lân cận tìm đến Công ty, tự nguyện làm đại lý, hoặc mua máy và thuốc để tự điều trị. Một số công dân các nước phương Tây nghe danh cũng lần tới. Và không ít người đã sử dụng nghiên cứu của chị để chữa bệnh mưu sinh.

Doanh nhân Phạm Thị Chẵn kể rằng, vừa rồi du lịch qua Mỹ, chị vô tình gặp hai bệnh nhân và đã dùng phương pháp cứu ngải để chữa trị cho họ, kết quả rất khả quan.

Người thứ nhất là chị Chris Tran  bị đau cứng cổ gáy và tê cánh tay 10 năm nay, đã đến bệnh viện điều tri hơn 400 lần, nhưng không đỡ. Nữ doanh nhân Việt Nam đã dùng phương pháp cứu ngải bằng máy, và chỉ chữa một lần, ngày hôm sau người bệnh đã có thể đi lại thoải mái hơn, và đỡ được bảy, tám mươi phần trăm. Chữa lần thứ hai, bệnh nhân bảo đã rất ổn.

Người thứ hai là ông Thức, 80 tuổi, công dân Mỹ, bị thoát vị đĩa đệm và thoái hóa nặng các đốt xương cổ; đôi tay của ông rất khó cử động, và ông được lương y Phạm Thị Chẵn chữa cho một lần duy nhất, đỡ khoảng 45%, đã lái được ô tô.

Mấy ngày trước, tôi tò mò tìm chị trên Facebook, và vô tình đọc được những dòng như sau : Ngưỡng mộ và trân trọng người phụ nữ này. Tình thương yêu vô bờ bến của  nữ Nghiên cứu khoa học Phạm Thị Chẵn – người đã sáng chế ra những sản phẩm khoa học nhằm mục đích cứu người “Máy cứu Ngải và Thuốc ngải cứu Khánh Thiện” mang lại giá trị rất lớn cho cộng đồng.
Hơn thế nữa chị đã và đang chan hoà tình thương yêu đến đồng bào, đồng loại khắp dải đất hình chữ S. Chị đã mang lại niềm vui cho hàng triệu người từ chính việc nghiên cứu – ứng dụng thành công các công trình trong cuộc sống hàng ngày. Và từ những việc làm thiện nguyện khắp nơi

Một trang khác:…Có bạn nào ở Thái Bình không?…Bác Tường là người gốc Thái Bình, hiện bác đang công tác tại bộ tư lệnh Hải Quân HCM, bác vừa đáp chuyến bay về đến Hải Phòng để tìm mua “Máy Cứu Ngải và Thuốc ngải cứu Khánh Thiện” do chính bà xã đã nghe được thông tin trên đài VOV nên biết  hiệu quả từ máy cứu ngải và phương pháp độc đáo này. Vợ Bác đã sử dụng chữa bệnh vài tuần trước nên thấy rất rõ tác dụng từ sản phẩm mang lại. Ngoài việc mua về sử dụng cho chính gia đình thì Bác cũng mua thêm 2 bộ máy cứu ngải và thuốc ngải cứu để làm quà tặng cho 2 Ông bà nội – ngoại, nhân tiện chuyến đi . Rất vui khi có nhân viên mang tận nơi vào buổi tối và bác đã có được sản phẩm ra về. Đặc biệt Bác đã rất cảm động và trân trọng nghiên cứu – Sáng chế sản phẩm Khoa Học này, giúp gia đình Bác có được sức khỏe và niềm vui.

Lương y Phạm Thị Chẵn đã thành công trong nghiên cứu khoa học, trở thành nhà sáng chế. Nhưng để đạt được điều ấy, quả không dễ. Con đường nghiên cứu không chỉ có hoa hồng, còn đầy gai nhọn. Phải có bản lĩnh, tài năng, đã đành, mà cần tự tin, sáng tạo và nghị lực. Trong 15 năm nghiên cứu khoa học của mình, chị gặp không ít khó khăn, khó khăn về gia đình, về sức khỏe, về kinh tế, và cả những khốn đốn gian nan vây bọc, ngỡ như không vượt qua được. Để có tiền nghiên cứu và sản xuất, khi ở Việt Nam, chị vừa chữa bệnh, vừa buôn bán; khi ra nước ngoài, thậm chí phải làm người giúp việc, làm phụ nề, bốc vác và bao việc cực nhọc khác … Nhưng nhờ đức  nhẫn nại, sự kiên cường dẻo dai, lòng say mê, quyết tâm, và cái ý thức nung nấu, ước vọng có một dụng cụ thuận lợi để ai cũng có thể tự chữa bênh cho mình đã giúp chị vượt qua nhằm biến ý tưởng thành hiện thực.

Và còn điều này nữa, lương thiện là đạo đức, nhưng lương thiện cũng là trí tuệ. Người thông minh chưa chắc đã lương thiện, nhưng người lương thiện chắc chắn là người thông minh .

Là thày thuốc, là doanh nhân, nhà nghiên cứu khoa học, lại lo việc đời việc nhà, nên chị không mấy thời gian rỗi. Nhưng bận rộn là vui, mang lại nụ cười cho nhiều người là vui, chị bảo thế. Và tôi cũng nghĩ thế. Hạnh phúc nhất của con người là được dành sức lực, tâm huyết cho công việc yêu thích, để nhiều người hưởng lợi từ thành quả mình tạo ra. Nhìn bề ngoài với dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt xinh đẹp, nhàn nhã tựa như một quý cô con nhà quý phái, vô tư và hưởng thụ, khó ai hinh dung rằng con người này đã từng lao tâm khổ tứ, vất vả, trải qua nhiều đắng cay và vượt qua bao cực nhọc trước khi đến với thành công, và bây giờ vẫn chưa thôi trăn trở, chưa thôi suy tư với công việc.

Trước khi chia tay, tôi hỏi:

– Đã có thể gọi chị là một doanh nhân thành đạt chưa?

Chị cười, rồi khiêm nhường nhận mình chỉ là Cỏ Mần trầu. Tôi rõ Cỏ Mần trầu là loại cây dung dị, mọc thẳng, thường gặp ở bờ ruộng, ven đường, bãi hoang, rễ khỏe, nhiều nhánh, mỗi nhánh mang nhiều hoa. Đặc biệt Cỏ Mần trầu có sức sống mãnh liệt, dẻo dai, khó triệt phá, kháng được thuốc diệt cỏ, còn sót chút rễ vẫn đâm chồi, ngoi lên mặt đất để đón mặt trời. Nhưng đấy là cây thuốc quý. Cỏ Mần trầu thường dùng trị cao huyết áp, lao phổi, ho khan, sốt âm ỉ về chiều, lao lực mệt nhọc, tiểu tiện vàng và nhiều bệnh khác.

Tạm biệt người nữ doanh nhân tài sắc này, không rõ sao tôi cứ nghĩ mãi về loại cỏ vẫn gặp hàng ngày, dân dã, ít người để tâm, nhưng lại là loại thuốc quý, rất quý, CỎ MẦN TRẦU.

Rồi vô duyên, bâng quơ liên tưởng tới một loài hương, hương Ngải cứu.

Hải Phòng, ngày 21- 12- 2016

Đình Kính

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder