Có tới, gần bốn mươi năm, trên đất Cảng Hải Phòng và không ít bạn đọc ở nhiều miền đất nước, đã biết đến Xuân Đường, một nhà thơ với hàng trăm bài viết, chủ yếu là lục bát, một sở trường, một “gam” tâm trạng…
Có tới, gần bốn mươi năm, trên đất Cảng Hải Phòng và không ít bạn đọc ở nhiều miền đất nước, đã biết đến Xuân Đường, một nhà thơ với hàng trăm bài viết, chủ yếu là lục bát, một sở trường, một “gam” tâm trạng… trong cảm rung, vận động, trong nét riêng hiện diện, thơ anh.
Từ “Ru muộn” nhà xuất bản Hải Phòng ấn hành năm 2006 đến “Đất mẹ ru ngàn” – Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2010…Rồi rất nhiều thơ in về đề tài khác nữa, Xuân Đường đã cập tới bến bờ: Anh trở thành nhà thơ – Hội viên của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật của thành phố “Hoa phượng đỏ” trong niềm khát khao của một cây bút, suốt đời sống, gắn bó với một miền đất lúa. Đất Trạng Trình. Đất Vĩnh Tiến, Vĩnh Bảo, quê anh.
Thơ Xuân Đường trầm lặng trong bước đi cần mẫn, trong dòng trôi êm xanh mà lắng thấm. Trong phút dừng lại ngoái nhìn và ngẫm ngợi để ai đó được nắm cầm, chiêm ngưỡng “giọt lung linh,” để xa nghe tiếng ngân nga, sóng sánh cái lang bang, run rẩy, cái mơ hồ dễ yêu say của một bóng hình thi sĩ…
Vâng. Đấy là cội nguồn. Là gốc rễ, thật hệ trọng. Là cái ta quý yêu Xuân Đường – Cái “người thơ”. Cái khẳng định cho sự tồn tại. Cái lý do : “Vì sao, Xuân Đường buộc chặt mình như “nghiệp đời” : “Xuân Đường và những dòng lục bát?” anh có …
Điều trước tiên, phải là hồn thi sĩ ! Song, những tháng năm là nông dân gian lao cày cuốc. Rồi, là thợ. Là những ngày đằm mình, sống với một vùng đồng bằng thật giàu chất hương đồng, cỏ nội. Những hình ảnh xóm quê, bóng mẹ. Những mùa màng, mưa nắng, sớm hôm …Thơ và người. Thơ và không gian thơ ấy đã làm nên phía nào đó trong sự đắp bồi “một Xuân Đường” luôn có được mối giao hòa của con tim thi hứng.
Bám chặt vào lục bát? Hay lấy lục bát là phần trội trong “gia sản” thơ anh? Căn nguyên phát lộ của lục bát Xuân Đường là nỗi niềm da diết. Là lời ru xa vọng. Là nguồn dân ca chứa chan đã thấm sâu vào tâm khảm chàng thi sĩ dễ run rẩy, đa mang.
Lấy lục bát là hình thức thơ chuyển tải (Là chính); Là sự đặt cược vào tất cả những sáng tác thơ mình. Xuân Đường đã khơi lên đúng mạch, nơi vỉa lòng anh luôn dồi dào sung sức. Hình thức thơ với đề tài phản ánh chỉ là phạm vi cuộc sống, là điều kiện, là môi trường tiếp cận, khám phá. Có điều, bám vào cái khuôn “bất biến” ở những dòng lục bát, Xuân Đường đã tung tẩy, văng xa. Đã vật mình, tung hoành trong khả năng sáng tạo. Anh đã tìm được “cái khác.” “Cái Biến” cho thơ mình trên dặm dài khai mở và kết đọng.
Có thể thấy, với lục bát. Với “cái biến” ở thơ Xuân Đường. Khi thì người viết tìm được ở lối tự sự. Ở cảm xúc, ở cách liên tưởng, ở hình ảnh, hình tượng…mà trên hết là tìm được cái “mắt bão,” nơi dội lên sức rung qua thần cú, thần tự của tận đáy hồn mình.
Phải nói, ở “Lục bát Xuân Đường” gần như, không bài nào Xuân Đường không bám vào hiện thực, không bám vào cái thật cụ thể để tiếp cận.
Có lẽ, với dáng vẻ “lơ mơ mây gió” của chàng thi sĩ này, “thơ và người Xuân Đường” phải đi như thế trong sự nhập hòa từ hai phía đan xuyên. Từ rất nhiều câu chuyện thật ở đời, ví như : “Thơ tặng vị trung tướng Vũ Ba. Thơ tặng Bác Kim Ngọc. Thơ tặng mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rũ. Thơ về phố Yết Kiêu. Thơ viết về Cầu Bà Mến. Thơ tặng Chí Phèo. Thơ tặng Bờm. Thơ về Yên Tử. Thơ Hội chùa Keo. Thơ về đất quan họ. Thơ tặng nữ thi sĩ Xuân Qùynh. Thơ tặng Tướng Bà. Thơ tặng người tô tượng … vân vân và v.v…
Rõ ràng, từ những đống tư liệu thật ngổn ngang, phong phú đã đặt ra cho Xuân Đường một năng lực phải tái tạo, phải gánh dậy những xương xảu của bao nhiêu chuyện đời, cảnh vật từ những gì anh đang phải biến nó trở thành thi tứ !
Với thi pháp hầu như là tự sự. Tự sự để kể. Tự sự để dựng lại câu đời. Tự sự để làm sáng lên một chân dung của cảnh, của việc, của người. Và, là chuyện kể, ai đó “đồ” rằng, thơ hướng ngoại này sẽ tĩnh, sẽ cứng khô ở việc, ở dạng thơ “nhật trình”, giàu chất ký đó chăng ?
Song, ngược lại điều người đọc dễ tưởng, “thơ và người Xuân Đường” đã làm được cái “ảo đi.” Cái cụ thể được nhà thơ khéo dẫn nó nhập vào “miền trừu tượng.” Để rồi, Chuyện kể kia với lối tự sự này chỉ còn là chỗ tựa. Là cái cớ. Là thi pháp như mũi tên thuận chiều bay bổng, như cái duyên vốn có nơi “Lục bát Xuân Đường.”
Và cứ thế. Xuân Đường kể để gợi. Kể để tìm cảm xúc. Kể để khám phá những mối liên tưởng và phát hiện những vấn đề nặng sâu mang ý nghĩa của đời sống nhân sinh.
Cũng bởi vậy, với hầu hết những trang thơ bám vào việc và người, nhưng cái bên ngoài ở những gì là cảnh, là việc trong những dòng lục bát dường như lặn chìm đi. Trong cái cảm ngỡ khó tìm thấy dấu vết thật rõ rệt của hiện thực. Mà phía sau mỗi trang viết, cái khép lại. Cái loang thấm là vía hồn mơ hồ, lang bang, chảy êm…Nó rì rầm vừa đi vừa ngập ngừng đắp bồi, kết tụ…
Lục bát của Xuân Đường bám chặt lấy “sự kiện” làm cái nền để tựa. Dẫu chưa thật dày công xới lật để có nhiều lát cắt trong cái nhìn ở nhiều chiều, nhiều góc cạnh trên bình diện của cái “Gặp” mà mô tả, biểu hiện. Song, Xuân Đường có những câu thơ ấn tượng nơi cảm xúc qua con mắt ngắm nhìn :
Cua Còng lên vách tre ngâm
Tiếng ai ru bổng, ru trầm bài khoan
(Đất mẹ ru ngàn)
Hoặc :
Đo từng cung bậc thời gian
Diệu kỳ đất nước phím đàn một dây
(Đàn bầu)
Hoặc :
Ta còn một mảnh trời quê
Sáo ơi, nhớ lấy câu thề sang sông
(Khuyên sáo)
Và đây nữa, những câu thơ Xuân Đường ở “thơ và người,” ở sự ăn khớp giữa hai chiều cảnh sự và tâm hồn người viết.
Buồn xưa man mác ru may
Tâm tư, tâm thức, gió lay mọi bề
(Đất mẹ ru ngàn)
Hoặc :
Đế sen, tháp lộng một tòa
Thần quang lấp lánh tháp ngà tâm linh
(Chùa Keo)
Vẫn thấy, ở thơ Xuân Đường, ở những bài lục bát hay ở những thể thơ khác, Xuân Đường cần đẩy mạnh, đẩy tới hơn nữa ở ngôn từ, ở sức bùng nổ và bất ngờ của thi tứ, của hình ảnh hình tượng để có nhiều câu thơ có nét riêng hơn trong “câu thơ ta nhớ…”
Rồi, có thể, trong vận động đổi khác, biên độ thơ cần được mở hơn ở hình thức, ở giọng điệu, ở cách nhìn từ nhiều phía, nhiều chiều….
Song, Xuân Đường với thơ, với những dòng lục bát, trên hai tập đã được tập hợp, xuất bản, đấy là bước đi thấy rõ cái trữ tình mang mang. Cái suy tư xa lắng. Cái chín, nhuyễn, vững, sâu và hay hơn trong đường tìm, trong gia sản thơ anh trên dặm dài anh đa mang, gồng gánh.
Xuân Đường có một vùng công chúng sẻ chia, đón nhận và yêu mến thơ anh. Với gần bốn chục năm hành trình trên một lối đi lặng thầm, khiêm nhường như vậy, Xuân Đường xứng đáng với niềm quý yêu, trân trọng của một “gương mặt thơ” trong đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ của thành phố đất Cảng, quê nhà.
Vĩnh Bảo, Quê Trạng – Xuân 2010
K/C